Thư gửi người thương
Xóm Hạ, ngày của ngày hôm nay
Thầy kính thương!
Đây là giây phút mầu nhiệm, rất mầu nhiệm và quý báu của tất cả chúng con. Được trở về đây là một điều không thể ngờ cho con. Con lại được nhìn thấy Thầy, thấy Thầy ngồi ăn, Thầy vẫy tay, Thầy nhìn đại chúng, Thầy uống trà, Thầy xá chào, Thầy còn đó một cách rất sống động. Con hạnh phúc lắm!
Thầy ơi! Mỗi ngày qua đi, dù không luôn luôn được kề cận nhưng ý thức Thầy còn đó cho chúng con là con hạnh phúc vô cùng. Con mang theo tình thương, trái tim nghĩ về Thầy của quý sư cha, quý thầy chùa Tổ, các sư con của Thầy ở Diệu Trạm qua đây. Con mang theo đây tất cả tình thương của mọi người gửi đến Thầy, ôm Thầy những 100 cái, nhìn Thầy 100 lần, vuốt tay Thầy 100 cái, để Thầy tiếp xúc với quý sư cha, quý thầy Từ Hiếu, các sư con bé xíu xiu ở Diệu Trạm, qua con. Con đã nhìn Thầy thật kỹ, con đã cười, đã vui với Thầy bằng trái tim của quý sư cha, quý thầy Từ Hiếu, và các sư em “baby nuns” ở Diệu Trạm, nên niềm vui, hạnh phúc của con ngập tràn, vì trong đó có thêm hàng trăm niềm vui sướng cộng lại trong con. Thầy có cảm được điều đó không, bạch Thầy?
Con đang chúc mừng ngày Tiếp nối của Thầy, và con cũng đang chúc mừng sự tiếp nối của Thầy đang chảy trong con. Những gì con đã đi qua chỉ là một phần rất nhỏ Thầy đã đi qua, con biết vậy nên con không lo lắng. Thầy đã làm được, tăng thân sẽ làm được, con cũng sẽ làm được, phải không Thầy?
Hồi trước, khi còn chăm sóc các sư em cây Sồi Đỏ ở Diệu Trạm, con đã viết một câu thế này trong sổ công phu của một sư em: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!” (TCS) để nhắc sư em ấy sống để tâm hơn đến các chị em xung quanh. Hôm nay, nhân ngày này con lại nhắc con rằng: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!” để con nhớ rằng con cần nuôi dưỡng lý tưởng, con đường mà con đang đi, bởi cuộc đời ấy có bao lâu, phải không ạ? Con mang ơn nhiều người, nhiều thứ quá trong cuộc đời này, nên con không thể chỉ nghĩ cho riêng con, cũng không thể sống thờ ơ được. Thầy đã dành cả cuộc đời Thầy cho tất cả. Điều đó đẹp quá Thầy ạ, một con đường tìm về chăm sóc tự thân mà không nghĩ riêng cho bản thân. Một con đường giúp người tìm thấy bình an, hạnh phúc mà đồng thời cũng đang mang bình an, hạnh phúc đến cho chính mình. Cần lắm những tấm lòng, những trái tim như vậy.
Con đường mà Thầy đã đi qua, Sư cô đã đi qua, Mẹ Teresa đã đi qua, ngài Gandhi đã đi qua, mục sư Luther King đã đi qua, … đã có rất nhiều trái tim Bồ Tát đi qua. Hôm nay cần thêm nhiều nhiều nữa những trái tim như vậy làm đẹp cho cuộc đời.
Con kính chúc Thầy sức khỏe, nguyện cầu hồng ân Tam Bảo, chư Bụt Tổ gia hộ để sức khỏeThầy được khá hơn, để Thầy có thể đi lại được nè, để Thầy có thể viết thư pháp được nè, để Thầy có thể đọc những dòng con viết đây thoải mái nhất. Con đang học làm những gì Thầy chưa làm xong, con tin rồi Thầy sẽ lại cùng chúng con leo đồi, đi dạo…
Con chúc Thầy một ngày thật vui, thật khỏe.
Thương kính Thầy luôn,
Con của Thầy,
Chân Xướng Nghiêm.
________________
Thầy thương kính,
Lâu lắm rồi, con không còn viết thư thăm Thầy. Hôm nay nghe tin Thầy đang tập đọc nên con viết lá thư này mong rằng Thầy sẽ đọc được lá thư của con.
Mùa đông này là mùa đông thứ ba con ở tu viện Bích Nham rồi đó thưa Thầy. Mùa đông năm nay lạnh hơn nhiều so với năm trước. Tu viện Bích Nham năm nay có 22 sư cô và 2 em tập sự xuất gia cùng an cư. Nghe sư em trụ trì nói năm nay là năm mạnh nhất của xóm Hạc Trắng, vì toàn là những sư cô còn rất trẻ, chỉ có con là “tra” nhất thôi Thầy ạ.
Mùa an cư này các sư em nhỏ bầu con làm giám niệm. Con nghĩ: “Là một sư chị lớn đã đủ mệt rồi, bây giờ lại thêm chức giám niệm nữa!”. Các em nói: “Sư mẹ lớn nhất làm giám niệm là đúng rồi”. Con yêu cầu các em nên tham gia sinh hoạt đầy đủ, nếu vắng mặt quá ba lần mà không có lý do chính đáng thì phải ra sám hối. Con làm bảng để theo dõi mọi sinh hoạt của các em. Mỗi ngày con đều quan sát sự sinh hoạt của các em có đều đặn hay không, để chấm vào bảng thực tập. Chao ôi, đôi mắt của con đã biến thành cái máy CCTV (camera quan sát) mất rồi!
Đầu mùa an cư, năng lượng thực tập của đại chúng lên rất cao, không biết vì tự giác hay vì các em sợ sám hối. Hôm nay đã là tuần thứ ba của mùa an cư và năng lượng tu học của đại chúng vẫn rất cao. Dù bên ngoài trời mưa, giông, gió, tuyết nhưng mọi người đều có mặt đầy đủ, chỉ trừ những vị bị bệnh thôi.
Ngày 14 tháng 12, có lễ xuất gia cho ba em: chú John là tập sự ở Lộc Uyển và hai em gái Katherine (người Mỹ) và Thanh Tâm (người Việt) tập sự ở Bích Nham. Con được biết đây là lễ xuất gia thứ hai được tổ chức tại Bích Nham. Lần đầu tiên là gia đình cây Mướp Hương do Thầy làm lễ, có hai em xuất gia. Lần này, chúng con được phép đại diện Thầy làm lễ xuất gia cho các em. Con thấy chúng con thật sự đang thực hiện những hoài bão mà Thầy mong muốn – tiếp nối sự nghiệp của Thầy. Chúng con – các sư cô trong Ban giáo thọ – cùng ngồi lại đặt tên cho hai em rất vui. Khi buổi lễ xuất gia diễn ra thì thầy Pháp Hải, sư cô Giới Nghiêm và con đại diện đại chúng cùng làm lễ cạo tóc cũng như truyền y cho các em. Mặc dù thầy Pháp Hải được mời đến từ tu viện Lộc Uyển, và ba tu viện Làng Mai ở Mỹ cách xa nhau, nhưng chúng con xem nhau như một nhà. Nhìn lại diễn tiến buổi lễ, con thấy chúng con không làm với tư cách một cá nhân mà cùng làm với nhau như một cơ thể, thật mầu nhiệm.
Thầy ơi! Trong khi làm việc chung, đôi khi vì vụng về, mất chánh niệm, chúng con thấy mình vẫn còn gây cho nhau sự hiểu lầm và làm khổ lòng nhau. Nhưng may nhờ có pháp môn làm mới, thực tập nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu; cùng với ý thức gìn giữ tình huynh đệ, không ai muốn làm khổ ai, nên chúng con đã bỏ qua những sai sót của nhau trong khi làm việc. Con rất biết ơn Thầy đã đưa đường chỉ lối cho chúng con trong cuộc đời, giúp cho chúng con giữ mãi lý tưởng xuất gia, nuôi lớn tình huynh đệ, phụng sự và độ đời.
Sáng nay phòng con có thêm thành viên mới, đó là sư em Trăng Hoàng Yên. Trong gia đình cây Mai Vàng, sư em là người đứng thứ 20 nhưng ở Bích Nham thì sư em là nhỏ nhất. Chính vì vậy mà sư em rất được “cưng”. Lớn lên ở Mỹ nên sư em nói tiếng Mỹ giỏi hơn tiếng Việt. Sư em rất hồn nhiên và cũng rất khéo tay. Ngày lễ Noel, sư em đã cắt những tấm hoa tuyết rất đẹp. Phòng con, từ ngày có sư em, luôn có tiếng cười rộn rã. Sư em Cẩn Nghiêm cũng ở chung phòng, sư em rất có duyên và biết chơi với các sư em trẻ, nên nhiều sư em quý sư chị Cẩn Nghiêm lắm.
Ngày làm biếng, hai sư em rủ con đi rừng chơi. Chúng con mang theo trà và đi xuống con suối nhỏ. Hai sư em lấy một miếng ván bắc cầu ngang qua dòng suối, chúng con trải chiếu và ngồi trên miếng ván. Con bắt đầu pha trà cho ba người. Thấy con hơi chật vật nên các sư em khiêng những viên đá phẳng làm cái bàn trà ngay bên dòng suối. Ánh nắng nhẹ xuyên qua những hàng cây khô, khí trời lành lạnh của mùa đông, tiếng suối chảy róc rách, khung cảnh thật đẹp. Ngồi yên, cầm ly trà nóng trên tay con thưởng thức hương vị của trà và lắng nghe tiếng suối, lắng nghe tiếng nói cười của các sư em. Con thấy mình đang hạnh phúc vô cùng! Con đã nếm được hương vị của “Hiện pháp lạc trú” là như thế nào. Trong giây phút ấy, con hoàn toàn không thấy một chút lo âu, phiền muộn nào nữa cả.
Nhớ đến Thầy, con ước gì Thầy có mặt ở đây để cùng chúng con thưởng thức cái đẹp của cõi tịnh độ Bích Nham. Thầy ơi, Thầy còn nhớ tới bài hát của bác Tư không? “Mời bạn hãy nâng ly trà, tình bạn sẽ luôn đậm đà…”. Con kính dâng Thầy một ly trà Xuân thật thơm. Thầy trò mình cùng tận hưởng núi rừng thiên nhiên, cùng chúng con thưởng thức hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Thầy luôn có mặt đó trong con, dù bất cứ ở đâu và hoàn cảnh nào. Và con biết Thầy sẽ hạnh phúc biết bao khi thấy tình huynh đệ của chúng con ấm áp, dù tiết trời mùa đông đang rất lạnh.
Con của Thầy,
Chân Hoa Nghiêm.
Thầy kính thương,
Bước theo dấu chân thầy con biết con đang đi trên con đường chánh, con đường của Hiểu và Thương.
Tháng 6 năm 1990, khi con nhìn Thầy bước đi, con biết con đã tìm ra được quê hương tâm linh sau bao nhiêu năm tìm kiếm.
Con giữ gìn và trân quý những giây phút được sống bên Thầy, được Thầy dạy dỗ bằng những phương tiện khác nhau.
Con nguyện sẽ đi trên con đường này, bình an và vui vẻ.
Và con nguyện mở rộng con đường đó cho những thế hệ tương lai.
Với tất cả sự thương yêu và lòng biết ơn sâu sắc,
Mái xưa Thầy bước chân vào
Âm thanh học trò im bặt
Vượt thoát muôn trùng con chữ
Pháp mầu đích thực truyền trao.
(The Teacher enters the hall
The students fall silent
Beyond words Transmission happens.)
Con, Chân Diệu Nghiêm
______________________
Góc nhỏ, đồi mận xóm Hạ
Sư Ông kính thương,
Nhiều lần con đã muốn viết chuyện ni để kể cho Sư Ông nghe. Nhưng con cứ ngần ngại mãi. Bây giờ đầy đủ nhân duyên, con xin kể cho Sư Ông nghe ạ.
Trong thời khóa dành cho người Đức vừa qua ở EIAB, con có cơ hội chăm sóc các bé trai, bé gái từ 9 đến 12 tuổi trong chương trình trẻ em. Con kể về Sư Ông cho các em nghe. Các em ngồi chăm chú, thích thú nghe con kể từ lúc con còn nhỏ vào tu viện xuất gia như thế nào rồi đến chuyện được về Làng an cư và làm thị giả cho Sư Ông. Tối hôm đó, trước khi kết thúc chương trình sinh hoạt, các bé đã ngồi yên năm phút để gửi năng lượng bình an, yêu thương đến Sư Ông. Chúng con ngồi vòng tròn, nắm tay nhau thật chặt, theo dõi hơi thở đều đặn vào ra. Hình ảnh các bé ngồi yên như những ông Bụt nhỏ làm con vô cùng xúc động. Sau đó chúng con đến trước bàn thờ Bụt, con đưa một cây hương cho một em dâng lên Bụt, còn những bé còn lại đều chắp tay thành kính hướng về Bụt. Những ngày kế tiếp chúng con đều cùng các bé kết thúc buổi sinh hoạt bằng sự thực tập ngồi thiền năm phút và dâng hương lên Bụt.
Sư Ông ơi, con hạnh phúc vô cùng! Con thấy Sư Ông trong các bé. Các bé đang tiếp nối Sư Ông theo cách của trẻ thơ. Các bé dù chưa có cơ hội được gặp trực tiếp Sư Ông nhưng các bé đã đi tìm Bụt, tìm Sư Ông, đã gặp được Sư Ông trong thiền sỏi, thiền quýt, thiền nghe chuông. Con tin là các bé sẽ trở thành những người trẻ biết tu tập, sống có hạnh phúc, lành mạnh trong xã hội.
Con cảm ơn Sư Ông đã gieo trồng những hạt giống tốt đẹp trong con và con đang tiếp tục công trình ươm mầm ấy vào thế hệ tương lai. Sư Ông ơi, con thương Sư Ông lắm vì Sư Ông cười rất dễ thương!
Kính thương
Con đã từng và mãi là sư bé Năng Nghiêm.
_____________________________
Thầy kính thương,
Cảm ơn Thầy đã có đó cho chúng con. Cảm ơn Thầy đang có mặt trong chúng con và xung quanh chúng con trong từng giây từng phút. Cảm ơn thân giáo cao quý tuyệt vời của Thầy đã phòng hộ, yểm trợ và dìu dắt chúng con một cách thật vững vàng, đầy tình thương và vô úy.
Cảm ơn Thầy đã biến giấc mơ Làng Mai thành một thực tại để bây giờ tất cả chúng con đều có cơ hội được sống, được nuôi dưỡng và lớn lên từ nơi đây.
Cảm ơn tinh thần hành động của Thầy, không bao giờ ngồi yên khi biết có những việc cần làm để giúp, có những nơi cần phải đến để tạo một ảnh hưởng cần thiết và lớn lao (như là Thầy đã đến Thái Lan vào mùa đông năm nay…).
Cảm ơn Thầy đã ôm ấp chúng con, những đứa con tâm linh của Thầy, trong vòng ôm bao dung không bờ bến của tàng thức Thầy, suốt hai năm qua. Cảm ơn Thầy đã đi thăm các xóm, tham gia những ngày quán niệm, và thậm chí Thầy còn viếng thăm những giấc chiêm bao của chúng con. Cảm ơn Thầy đã cho chúng con được lớn lên trong sự yểm trợ và bảo hộ lớn lao như thế.
Thầy thương quý nhất của con, nhờ Thầy mà chúng con được ở đây, được sống một cuộc đời không thể nào tưởng tượng được. Con xin nguyện sẽ hết lòng làm tất cả những gì có thể để tiếp nối những gì mà Thầy đã trao truyền cho chúng con. Có lẽ sang năm chúng con sẽ hoàn tất quyển sách về phong trào Wake Up mà 10 năm trước Thầy đã dạy chúng con thực hiện. Chúng con sẽ không bỏ cuộc.
Với tất cả niềm thương kính,
Con, Hiến Nghiêm.
______________________________________
“Lắng lòng nghe tiếng gọi quê hương
Sông núi trông ra đẹp lạ thường…”
Con kính bạch Sư Ông!
Đã một năm con có mặt ở đây, gần Sư Ông về mặt địa lý, và con cũng thấy con gần hơn với những pháp môn Sư Ông giảng dạy và truyền trao cho chúng con. Con cảm được thở thực sự là như thế nào, ăn có chánh niệm là thế nào, tinh tấn thực tập là như thế nào, thương yêu thật sự là như thế nào,…
Biết bao điều không cần Sư Ông nói và làm gì cả, con cũng đã thấy bình an; những điều con muốn thực tập, con thấy con có cố gắng và tinh tấn hơn.
Con kính biết ơn Người đã cho con được theo và học hỏi, tiếp xúc với nhiều điều mầu nhiệm mà con nghĩ không bao giờ con thấy được. Con thật sự muốn làm người tu có nhiều hạnh phúc và thảnh thơi dù phụng sự thật nhiều – như Sư Ông vậy ạ!
Chỉ cần Người luôn khỏe là chúng con hạnh phúc rồi!
“…Về tới quê xưa tìm gốc cũ,
Qua rồi cầu Hiểu tới cầu Thương”
Một trong nhiều sư út của Sư Ông,
Sư út của Linden Tree (Cây Đoàn),
Con, Trăng Hàm Tiếu.
_________________________________________
Thầy kính thương của chúng con,
Bạch Thầy, con kính dâng lên Thầy lòng tri ân sâu nhất của con, bởi vì Thầy đang có đó và đọc thư của con, con xúc động lắm.
Mùa đông này con thấy Thầy trong con, trong những pháp môn Thầy chỉ dạy rõ ràng hơn. Con hứa con sẽ đi cho đàng hoàng, sống cho sâu sắc. Tuy con vẫn còn nhiều vụng về nhưng con có thật nhiều cảm hứng để tu, để học, để sống và phụng sự. Thầy đã từng dạy con: “Làm gì thì làm, cũng phải đi cho đàng hoàng, chân phải thật sự chạm đất”. Con đang cố gắng làm điều đó. Con đi cho con, cho Tổ tiên con và con đi cho Thầy.
Thầy ơi! Con thương Thầy nhiều lắm, nhiều như những tinh hà trong vũ trụ. Nhân mùa Giáng sinh này, con nguyện sẽ sống cho sâu sắc hơn, thở cho đều đặn hơn.
Nguyện cầu chư Bụt, chư Tổ gia hộ cho Thầy sống với chúng con có nhiều sức khỏe và Thầy mãi cùng đàn con leo đồi thế kỷ ngắm thế giới tròn đầy mầu nhiệm. Con kính cám ơn Thầy đã là Thầy của con.
Con của Thầy,
Sư bé Nhất Nghiêm.
__________
Thầy thương kính của con!
Thầy ơi! Con tự hỏi không biết giờ này Thầy đang làm gì? Thầy có đang khỏe không? Thầy đang ngủ hay thức? Cơ thể Thầy có đang đau nhức không? Nhưng dù Thầy có đang không khỏe mấy đi nữa thì Thầy vẫn thấy rất vui và ấm áp vì được về Thái gặp rất nhiều các con của Thầy, phải không thưa Thầy? Thầy biết không, con đã rất muốn viết thư cho Thầy, con đã viết rồi nhưng lại không gửi, vì có quá nhiều thứ con muốn nói, muốn kể cho Thầy nghe nhưng mỗi khi cầm bút lên thì con lại thấy bối rối. Có lẽ vì con không biết phải bắt đầu từ đâu.
Nghe tin Thầy về đất Thái con đã thấp thỏm đếm từng ngày, từng giờ để được gặp Thầy, điều kỳ diệu mà chưa khi nào con nghĩ sẽ xảy ra. Con chờ giây phút mà con sẽ được thấy Thầy lần đầu tiên trong đời, thấy trực tiếp mà không phải qua hình ảnh. Con đứng đó, trong hàng trăm người con của Thầy cũng đang mong gặp Thầy, và đợi. Tim con tự dưng đập nhanh hơn bình thường. Con nắm chặt lấy tay con và thở. Con nói với lòng mình là phải thật sự sống trong giờ phút thiêng liêng đó, phải thở cho sâu, nhìn Thầy cho kỹ. Lúc Thầy xuống xe, thấy Thầy lòng con se lại, con cũng không rõ vì quá vui hay vì một điều gì khác, những cảm giác đó con vẫn còn nhớ rất rõ. Có nhiều người bật khóc, không hát nữa. Con cũng ngưng hát nhưng không khóc. Con đã đứng nhìn Thầy và thở rất sâu. Con muốn chụp khoảnh khắc ấy lại trong tim và con đã lưu ảnh Thầy rất đẹp bằng đôi mắt của con, Thầy ạ! Lúc đó Thầy có nghe con gọi Thầy không? Con đã gọi: “Thầy ơi! Con đây nè, con đang có mặt cho Thầy đây, Thầy cũng đang có mặt cho con đó phải không Thầy?”. Con không biết Thầy có trả lời con không, nhưng con nghe một tiếng “Có” vang lên đâu đó to lắm ạ!
Ở Diệu Trạm con vẫn hay gọi Thầy. Con thích gọi “Thầy ơi!” lắm. Thầy đã từng nói “nếu con gọi ‘Thầy ơi’ thì dù Thầy đang ở đâu, lúc nào Thầy cũng ‘ơi!’ lại con”. Thầy còn nhớ không? Cái này con đọc trong Lá thư Làng Mai, cho nên con biết rằng con cũng có thể gọi Thầy như vậy. Vì lần nào con gọi, con cũng nghe Thầy ‘Ơi!’ cả. Những lần con thấy Thầy, dù là Thầy đang cùng với quý thầy thị giả đi thiền hành xuống ni xá hay trong lễ xuất gia, thiền trà, tại cốc Nhìn Xa,… lần nào con cũng ngắm Thầy rất kỹ và lần nào con cũng cười tươi hết. Con đã thật sự có mặt để tận hưởng Thầy một cách sâu sắc.
Ngày các sư em cây Mai Vàng xuất gia, nhìn Thầy đi giữa hai hàng giới tử đang được cắt tóc và trao y, con đã có cảm tưởng là chính con đang được Thầy trao y và cắt tóc. Con đã rất xúc động với hình ảnh ấy. Có lẽ lúc đó Thầy cũng đang ý thức chính Thầy đang là người trực tiếp làm những việc ấy và con thấy cánh tay của Thầy đã được nối dài thành bàn tay của quý thầy, quý sư cô lớn rồi. Con xuất gia khi Thầy vừa trở bệnh nhưng chưa khi nào con thấy thiếu vắng tình Thầy, Thầy ạ. Nhờ lễ xuất gia của các sư em, vô tình đã cho con có được những cảm giác thiêng liêng ấy. Với con như vậy đã quá đủ.
Thầy ơi! Lúc mới vào chùa con hay được quý sư cô dạy mời Thầy cùng đi thiền hành, cùng ăn cơm, cùng ngồi chơi… với mình. Lúc đó con làm không được. Con nghĩ chắc sẽ không bao giờ con có thể làm được điều đó. Nhưng rồi khi con đào sâu, chú tâm vào sự thực tập thì điều kỳ diệu đã đến. Có những khoảnh khắc con cảm nhận rất rõ sự có mặt của Thầy ở đó bên con, gần lắm Thầy ạ, và có ngày con thấy Thầy có mặt trong chính bước chân con. Con đã rất xúc động vì Thầy được đi thiền hành qua những con đường thân thương ở đất Tổ bằng đôi chân của con, rồi con thương Thầy hồi nào không biết.
Con hay nhìn kỹ Thầy khi nghe pháp thoại, khoảnh khắc nào con thấy Thầy cũng thật đẹp. Con đã cười rất tươi. Con nuôi lớn tình thương đó bằng nhiều cách và tập tiếp xúc với Thầy nữa. Và giờ đây con mừng lắm khi biết rằng tình thương trong con dành cho Thầy đích thực là tình thương của một đứa con, một người học trò mà không còn sự cung kính xa lạ. Con biết rằng một khi đã thương Thầy, nghĩa là con có thêm động lực rất lớn, rất quan trọng để thực tập và giữ vững con đường của mình, điều đó nuôi con nhiều lắm. Ah! Để con kể Thầy nghe về giấc mơ của con, Thầy nha. Con mơ thấy Thầy ở một cái cốc gỗ đơn giản lắm, nhìn như nhà kiểu xưa vậy. Con đạp xe đạp qua. Gặp Thầy, con thưa:
- Bạch Thầy! Thầy có thể cho con mượn hai sợi dây cột võng được không ạ?
Rồi Thầy gọi con vô chơi. Thầy bày con chơi một trò chơi với các ngón tay, xếp làm sao để chúng bằng nhau (sau này khi xem hình Thầy con phát hiện ra đó là một cái ấn, hì hì). Hai thầy trò ngồi chơi vui lắm, rất say sưa, cho nên sau đó con về mà quên mượn hai sợi dây võng luôn. Cũng thật mầu nhiệm vì con nhớ rất rõ từng chi tiết của giấc mơ đó, chứ thường con quên hết khi tỉnh dậy à. Vậy coi như con đã có một kỷ niệm đẹp, thật đẹp với Thầy rồi, phải không Thầy?
Thầy ơi! Con vẫn đang thực tập mỗi ngày để chuyển hóa tự thân và nuôi lớn thêm sự tỉnh thức và hạnh phúc. Sống đời xuất sĩ trong hai năm, nhìn lại con thấy mỗi ngày đã và đang thật đẹp với con. Con có niềm tin với con đường mà con đã chọn, nên Thầy hãy yên lòng Thầy nhé! Con đang được sống trên đất Tổ, con sẽ tận hưởng cho cả Thầy nữa. Con mong Thầy khỏe hơn mỗi ngày. Được làm con của Thầy, với con đó là một món quà thật lớn. Con xin cám ơn Thầy vì tình thương, vì đức hạnh và vì tất cả những gì thuộc về Thầy, Thầy ơi!
Thương kính Thầy luôn,
Con của Thầy, Trăng Từ Hiếu
_____________________________
Viết Cho Bố…
Bố kính thương,
Con viết những dòng cảm niệm này gửi đến bố trong lúc ngồi trên máy bay về Việt Nam khi con nghe tin bố qua đời. Bên nhà, bố đã được mẹ, các em, quý thầy, quý sư cô chăm sóc và lo lắng cho bố chu toàn. Bố hãy nằm yên, cảm nghe tiếng niệm Bụt và năng lượng thương yêu, nâng đỡ của mọi người.
Hôm nghe tin bố đang trong tình trạng nguy cấp, quý thầy, quý sư cô ở Phật học viện rất thương, tổ chức một buổi lễ cầu an cho bố. Con rất xúc động và thấy trong lòng tràn ngập biết ơn. Suốt buổi lễ, con đã thực tập nhiếp niệm theo hơi thở, thành tâm để lòng mình lắng yên, nương vào năng lượng của đại chúng, tụng và lắng nghe từng câu kinh, cho lời kinh thấm sâu vào từng tế bào trong cơ thể. Vì con ý thức giờ phút đó con cũng đang lắng nghe bằng đôi tai của bố.
Bố ơi, bố con mình đã cùng nhau đi qua những năm tháng đong đầy niềm vui, hạnh phúc và cũng không thiếu những khó khăn. Nhưng có một điều, con mừng vì gia đình mình biết nuôi nhau bằng tình thương, sự chấp nhận, tha thứ và bao dung. Con đã từng nói với bố, cuộc đời con, con hạnh phúc vì con được làm con của bố. Được biểu hiện trong sự sống này, chúng con mang nặng ân sinh thành, dưỡng dục của bố và mẹ. Công ơn đó không sao đền đáp cho hết được.
Bố ơi, món quà quý giá nhất bố tặng cho con là sự yểm trợ hết lòng của bố: cho phép con đi tu. Ngày con nói con muốn xuất gia, bố đã nói rằng: “Từ nhỏ đến giờ con rất tự lập, bố biết con quyết định rồi thì không thay đổi, nhưng con đường là do con chọn, con phải đi cho trọn đời”. Câu nói của bố cho con rất nhiều sức mạnh và lòng quyết tâm. Bố biết không, bố con mình đã làm một quyết định tuyệt vời bố à. Thầy và tăng thân mà con đang đi theo là một đại gia đình tâm linh có nhiều tình thương và sự hiểu biết. Thầy của con đã dạy dỗ và mở mắt cho con, giúp cho con thấy được tự thân mình, biết nhìn sâu vào gốc rễ gia đình huyết thống để thấy được rằng con không phải là một cá thể biệt lập. Vì vậy, con không chỉ tu cho con mà con cũng đang tu cho cả nhà mình. Con chuyển hóa những khó khăn, khổ đau trong con cũng là chuyển hóa những khó khăn, khổ đau cho gia đình. Con nuôi dưỡng niềm vui, tình thương và sự hiểu biết trong con cũng là nuôi dưỡng niềm vui, tình thương và sự hiểu biết trong gia đình. Bố con mình vậy là đã có con đường rồi bố ơi. Mình phải ăn mừng!
Những ngày tháng con về thăm nhà sau năm năm tu học ở Đức là những ngày trọn vẹn. Bố con mình đã uống trà, đã đi biển, ngắm mặt trời lặn, ăn tối chung với nhau, cùng ngồi chơi và cười vui vào mỗi buổi tối. Bên mâm cơm có bố, mẹ và thức ăn do bố nấu thì lúc nào cũng ngon. Bố còn làm hướng dẫn viên cho con đi thăm Phú Quốc. Với tính hài hước của bố, con đã cười rất nhiều vì thấy bố sao mà dễ thương. Có hôm bố con mình còn bơi thi với nhau nữa, bố nhớ không? Mình đi Bãi Sao, đi chùa Hộ Quốc, đi Hàm Ninh, rồi đi bãi Ông Lang mỗi chiều. Tối về thì quây quần kể chuyện và cười vui. Con phát hiện ra, bố là người yêu thích và biết sống cùng thiên nhiên.
Có dịp ngồi nghe bố kể chuyện ngày bố còn nhỏ, những kỷ niệm của bố với ông nội,… con hiểu bố nhiều hơn và con biết con cần phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin và tình thương của bố.
Bố biết không, hình ảnh bố trong con là một người sống lạc quan, tấm lòng rộng rãi, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, không bao giờ tính toán thiệt hơn. Cuộc đời của bố cũng có nhiều khổ đau và lầm lỡ nhưng trong thâm tâm, bố một đời không muốn phiền ai, chỉ muốn sống là cho đi, không cầu mong nhận lại điều gì. Chị em con cũng nhờ vào đức của bố mà lớn lên khỏe mạnh.
Bố ơi, sự sống dàn trải thênh thang, bố hãy nhẹ nhàng buông bỏ thân này, ra đi cho thảnh thơi. Bố đang được tiếp nối nơi chúng con, chị em con sẽ tiếp tục sống hạnh phúc, kiên cường cho bố. Chúng con luôn thương yêu bố và sẽ luôn chăm sóc, thương yêu mẹ. Bố hãy yên lòng!
“Như hương sen tỏa ngát
Nhẹ nhàng bố rong chơi
Thảnh thơi tay cùng người
Cùng con đi muôn nơi”.
Thương kính bố thật nhiều,
Con gái của bố
Chân Sắc Nghiêm
________________________________
Thương gửi: Anh trai của nhỏ
Sáng nay trời đượm chút nắng sớm, một chút thôi nên trông sợi nắng mỏng manh lắm anh à. Em gái bắt đầu ngày làm biếng bằng một chuyến đi dạo thật thảnh thơi. Trên cỏ xanh còn vương chút sương lạnh. Hít những hơi sâu, nghe vị trời lành đến trong trẻo. Bước những bước thật vững cho anh, tận hưởng khoảng không đó cho anh, cười với anh, sống thật sâu sắc cùng anh qua mỗi bước chân. Hẳn nhiên là em đang hạnh phúc và điều đó có nghĩa anh cũng đang hạnh phúc. Cái hạnh phúc đơn giản vậy thôi anh à!
Em viết lá thư này vì sáng nay, em bắt gặp hình ảnh anh qua dáng một sư chú. Hình ảnh chiếc áo nâu, thật hiền và thật trang nghiêm. Hiền đến nỗi em phải chắc chắn rằng em sẽ mặc chiếc áo ấy suốt đời. Đến nỗi em nằng nặc đòi theo anh đi xuất gia. Em nhìn thấy mình qua mỗi bước chân anh…. Những kỉ niệm về tuổi thơ bên cạnh tiếng sóng biển rì rào, tiếng gây nhau của hai đứa om sòm khắp nhà, tiếng cười và những trò đùa chọc em khóc của anh. Không có mẹ, ba đi làm xa nhà, hai anh em mình trải qua nhiều ký ức vui buồn cùng nhau. Có cùng tiếng cười và có cùng vết thương. Mình là nhau, mình không xa nhau mấy đâu anh trai, chỉ cần nhắm mắt và thở thật ý thức, em thấy anh, rất rõ!
Em đang đi trên một con đường đẹp, và anh là một trong những hình ảnh để đưa em đến con đường này. Em biết bây giờ tuy anh không còn mang hình ảnh ấy nữa, nhưng với em, anh vẫn đẹp. Trước đây em cứ nghĩ trên cuộc đời này mình không là gì của ai cả, mình thật rắc rối và phức tạp, mình là thứ có tồn tại hay không cuộc đời cũng không quan tâm. Tuổi thơ mình giống nhau nên em hiểu anh đang mang trong lòng cảm giác ấy. Quá khứ buồn thường đi theo những đứa trẻ mồ côi ba mẹ, dai dẳng in hằn trong đầu chúng một thứ ngôn ngữ bất cần và cô đơn: “Đời không thương ta, mẹ ta sinh ra ta mà còn ghét ta huống gì người khác”. Nhưng không, mình đã sai anh à. Ít nhất là lúc này đây, anh rất quan trọng với em, với ba. Đó chỉ là ít nhất thôi, vì còn nhiều người đang nghĩ tới anh với tình thương mến không diễn tả thành lời nên anh không biết được.
Những kẻ mồ côi bất cần nhưng lại cô đơn, chúng không nhận ra mình cô đơn đâu, cho đến khi chúng ngạc nhiên thấy mình thèm một lời hỏi thăm dù vô tình. Và mình thường phủ nhận cảm giác ấy, cười lạnh lùng, đóng chặt cửa yêu thương vì sợ những người mình thương lại sẽ ra đi không có mặt bên cạnh mình nữa. Sợ chạm vào vết thương có sẵn. Sợ bị ghét bỏ. Đó là những con người thiếu thốn. Mình cũng là hai trong vô số những đứa trẻ như thế. Em đã chấp nhận cảm giác ấy, mở cửa ra đón chào những ánh nắng như ánh nắng của sáng hôm nay. Lòng sẽ ấm lắm đó anh trai. Nhiều khi cuộc sống ôm mình trong tay, mà mình cứ gặm nhấm quá khứ nhiều vết cắt rồi gạt bỏ biết bao mầu nhiệm đã có sẵn bên cạnh, thiệt là uổng phí phải không anh? Tuổi thơ đi qua dù hạnh phúc hay đau khổ, thì trái tim lớn lên từ những hạnh phúc, khổ đau đó vẫn giá trị. Một trái tim có nhiều vết xước là trái tim hoàn hảo, vì nó từng trải và dễ đồng cảm, vì nó sẽ hiểu giá trị của niềm đau nỗi khổ, nó sẽ dễ lắng lại để chung nhịp với cuộc đời, để mà thấu hiểu, ôm ấp và chuyển hóa cùng cuộc sống xung quanh.
Anh trai thương, những dòng này được viết lên khi em đã phần nào đó nhìn thấy cô bé mồ côi trong em. Em thấy luôn anh qua đứa nhỏ mười hai tuổi đã bôn ba nơi phố thị Sài Gòn, một mình vật lộn với cám dỗ, mồ hôi nước mắt đổi lấy miếng cơm, thay vì cũng tuổi đó, con người ta được ba mẹ nuôi nấng bảo bọc. Em đã ngồi xuống, nhìn thật sâu vào quá khứ của mình. Bên cạnh em còn có Thầy và tăng thân, rồi em nhận ra nhiều điều. Mở mắt ra em thấy bầu trời, em cảm nhận những cánh hoa chớm nở đón bình minh. Một sư chị mời em ly trà, em đón lấy và có mặt với sư chị, với tất cả. Em chợt nhật ra: “Mình có rất nhiều người thương, người thương mình sẽ có mặt nếu như mình có mặt. Cái quan trọng không phải là cái mình cần đạt ở tương lai hay là kỷ niệm của quá khứ mà quan trọng nhất là ở đây, những gì đang thật sự diễn ra với mình”. Em tập thở, tập cười, tập lại tất cả như một đứa bé, và em thấy mình chưa từng mồ côi. Mình hạnh phúc hơn rất nhiều người, và mình là một kẻ giàu có, hơn cả những triệu phú đang sở hữu hàng tỉ đôla.
Thái đã bắt đầu vào mùa mưa, những cơn mưa chiều mang cái lạnh đến miền núi Vườn Ươm, sự sống ủ mình chuẩn bị cho một mùa xuân sắp tới. Em gái biết trong lòng anh cũng đang ấp ủ những hạt mầm yêu thương, anh nhắm mắt lại đi và nghe trái tim mình tuôn dậy.
Em gái,
Chân Trăng Thiên Hà