Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Thong dong nẻo về

Tưởng nhớ về thầy Pháp Đệ

Thầy Pháp Đệ xuất gia tại Làng Mai năm 2003. Trước đó, thầy đã từng là một linh mục Công giáo. Mười ba năm gắn bó với tăng thân, thầy đã sống thật trọn vẹn, thật đẹp, luôn hiến tặng sự có mặt tươi mát và nụ cười hồn hậu của mình. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, thầy đã ra đi trong vòng tay thương yêu của huynh đệ và người thân vào ngày mùng 4 tháng 8 năm 2016, ở tuổi 81.

 

Nhớ về thầy Pháp Đệ – Adrian Aloysius Stier

(Ngày 25 tháng 9 năm 2016, đại chúng tại tu viện Lộc Uyển, California, đã tổ chức lễ tưởng niệm thầy Pháp Đệ. BBT xin trích đăng lời tưởng niệm mà đại chúng Lộc Uyển đã dành cho thầy)

Thầy Pháp Đệ sinh ra trong một gia đình nông dân đông con ở Minnesota. Thầy được đặt tên là Adrian, gọi theo tên em ruột của mẹ, là một vị nữ tu Công giáo. Từ hồi nhỏ thầy đã là một đứa trẻ lanh lợi thông minh và hiếu động, đồng thời cũng rất tự tin và độc lập. Từ lúc còn trẻ tuổi, thầy đã quan tâm đến đời sống tâm linh. Năm 16 tuổi, thầy gia nhập chủng viện và mười năm sau thụ phong linh mục.

Năm 35 tuổi, vì những bất đồng ý kiến với giáo hội Công giáo, thầy đã trở về đời sống thế tục   và lập gia đình. Thầy có một người con gái tên  là Jessica. Thầy đã từng lập nên một “half-way house” – nơi tạm trú, và trợ giúp những người đang trong giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng (như người mãn hạn tù hoặc sau cai nghiện…).   Thầy cũng từng làm việc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán.

Thầy Pháp Đệ là một người có nghị lực rất lớn. Năm 1993, thầy bị ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) đến giai đoạn bốn nhưng thầy đã hồi phục. Thiền tập chính là một trong những yếu tố góp phần trị liệu cho thầy.

Ngày 7 tháng 7 năm 2003, thầy xuất gia tại Làng Mai trong gia đình cây Vô Ưu và trở thành sư chú Chân Pháp Đệ. Đôi khi thầy tự xưng là “Happy Đệ” (Sư em Hạnh phúc).

Thầy thọ giới lớn vào tháng 12 năm 2006 và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng phú pháp năm 2011 với bài kệ:

Pháp thiêng nuôi dưỡng tình huynh đệ

Kết hợp Đông Tây một giải đồng

Thế giới đi về phương hướng ấy

Suối nguồn tuệ giác đã khai thông.

Thầy là một người vui vẻ, bình dị. Năm 2016, quý thầy quý sư cô chuẩn bị trà, bánh mừng sinh nhật thầy ở nhà trà của     tu viện Lộc Uyển. Khi được yêu cầu chia sẻ về lễ sinh nhật hạnh phúc nhất trong đời, thầy yên lặng một lát, rồi nói: “Đây là sinh nhật hạnh phúc nhất mà con từng có!”. Tuổi càng cao, thầy càng đằm lại và càng có nhiều niềm vui.

Nếu đi dạo vòng quanh tu viện Lộc Uyển, ta vẫn thấy như thầy Pháp Đệ đang trượt patin xung quanh thiền đường lớn, hoặc đang cho tham vấn hết người này đến người kia, hay đang pha cà phê và làm sinh tố cho đại chúng, tưới cây, nấu món khoai tây nổi tiếng của thầy hoặc đang thỉnh chuông đại hồng.

Thầy Pháp Đệ đã sống một cuộc đời thật ý nghĩa, trọn vẹn và nhiều màu sắc. Gốc rễ tâm linh Công giáo có một ý nghĩa rất quan trọng đối với thầy và luôn nuôi dưỡng thầy. Có vẻ như không có một kỹ thuật hay triết lý nào mà thầy không quan tâm tới. Bên giường thầy bao giờ cũng có một bài thơ của Rumi hay Hafiz. Tuy nhiên càng lớn tuổi, thầy lại càng quay về với gốc rễ tâm linh Công giáo và sự thực tập chánh niệm.

Thầy đã để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp và thân thương trong lòng đại chúng. Vào ngày tiễn thiền sinh hàng tuần, thầy luôn yêu cầu đại chúng hát bài Chúc lành của người Ái Nhĩ Lan (Ireland):

Mong sao con đường nâng bước chân bạn

Mong sao cho gió luôn thuận chiều

Mong sao cho ánh nắng mặt trời luôn sưởi ấm sau lưng bạn

Mong sao cho mưa rơi nhẹ hạt thấm ướt cánh đồng của bạn

Và cho đến khi chúng ta gặp lại,

Mong rằng bạn luôn được ôm ấp trong tình thương.

Tiếng cười của thầy vẫn còn  vang vọng khắp núi rừng Lộc Uyển. Lời khích lệ nồng nhiệt của thầy với câu “go get ‘em” (“Cố lên, bạn có thể làm được mà!”) vẫn còn rất sống động trong đại chúng. Thầy luôn nhắc nhở mọi người có mặt đầy đủ trong các thời khóa và đề cao tinh thần đồng đội. Đó là một trong những món quà mà thầy đã hiến tặng cho đại chúng. Cảm ơn thầy đã chọn tăng thân này để cùng chung sống và tu tập.

Sau đây là một đoạn trích từ bài phỏng vấn thầy Pháp Đệ (năm 2015):

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Đức, gốc Ái Nhĩ Lan có truyền thống Cơ đốc giáo. Khi lên 13 tuổi, tôi trở thành một cậu bé phụ lễ (altar boy) trong nhà thờ, và “cha xứ” trở thành một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Thường thường, mỗi ngày tôi giúp cha làm thánh lễ và đến thăm những người bệnh tại nhà của họ. Tôi đã là một con chiên ngoan đạo nhiệt thành đến nỗi vào năm 16 tuổi, tôi vào học trường dòng, và trở thành linh mục vào năm 26 tuổi.

Trong những năm làm linh mục, tôi bắt đầu đối diện với những khó khăn: bất đồng ý kiến với tòa thánh tại Rome và Vatican, không trải nghiệm được tình huynh đệ mà tôi đang tìm kiếm. Năm 1970, tôi trở về đời sống thế tục. Một trong những lý do khiến tôi hoàn tục là cuộc gặp gỡ với cha Dan Berrigan. Cha đã giúp tôi nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi từ bỏ đời sống của một linh mục để ra đời giúp những tội phạm hình sự, tiếp tục công trình mà tôi tin là Chúa đang làm.

Năm 1993, tôi phát hiện ra mình bị ung thư hạch bạch huyết giai đoạn bốn và phải chịu hóa trị. Khi đó, tôi đang làm việc trong thị trường mua bán chứng khoán. Tình cờ, tôi thấy trên đầu giường của cô bạn sống chung có quyển “Phép lạ của  sự tỉnh thức”. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với giáo pháp của Thầy và việc đó đã ảnh hưởng  một cách đáng kể đến tôi. Cụ thể là tôi đã không còn vừa xem ti-vi vừa ăn tối hoặc vừa lái xe vừa nghe đài. Tôi không còn đem theo máy nghe nhạc Walkman trong những lần chạy thể dục dọc bờ sông Mississippi, mà chỉ lắng nghe thiên nhiên. Đó là những ảnh hưởng đầu tiên của Thầy đối với cuộc đời tôi. Rồi vào năm 1997, tôi cùng cô bạn gái mà sau này trở thành hôn thê của tôi sang Làng Mai. Chúng tôi đã thật sự bị đánh động. Trở về lại Minnesota, chúng tôi bắt đầu xây dựng tăng thân. Năm 2000, chúng tôi chuyển về Santa Barbara và góp phần tạo dựng một trung tâm thực tập cho thiền sinh thường trú ở đó.

Trong thời gian này, có lần tôi may mắn được ngồi cùng Thầy trong vườn cây ăn trái tại Thanh Sơn (Vermont) và thưa chuyện với Thầy về nhiều vấn đề, thí dụ như về cha Dan Berrigan và trải nghiệm của tôi về phong trào tranh đấu cho hòa bình. Tôi cũng đã có cơ hội được đi Trung Quốc với Thầy năm 1999. Trong chuyến đi đó, tôi vừa mới đọc xong quyển “Going Home: Jesus and Buddha as Brothers” (Chúng ta hãy về nhà đi: Bụt và Chúa là hai anh em). Tôi thưa với Thầy: “Bạch Thầy, con nghĩ là Thầy còn hiểu  Chúa hơn tất cả những nhà thần học tên tuổi mà con từng biết đến trong những năm 1950 – 1960 nữa”. Thầy nói một cách giản dị: “Tại vì thầy có Chúa ở trong tim”. Từ đó đến nay, đối với tôi, Thầy là một tấm gương tuyệt vời nhất của một đức Ki-tô bằng xương bằng thịt và Thầy chính là lý do vì sao tôi có mặt nơi đây trong chiếc áo người tu.

Tháng 10 năm 2002, vừa mới bắt đầu hồi phục lại sau khi chia tay với vị hôn thê, khi đọc quyển sách nói về cuộc đời của Thánh Francis tại Assisi, tôi nghĩ: “Ngài thật giống Thầy”. Khi ấy tôi cảm thấy mình không muốn có thêm một mối quan hệ tình cảm nào nữa, cũng không cần có thêm   tiền

bạc (tôi vừa mới về hưu). Tôi tự nhủ: “Có những cái có ý nghĩa hơn, và Thầy chính là người đang có những cái đó”. Rồi tôi nghĩ: “Tại sao mình không là một người như thế được?”. Mong muốn đó của tôi có thể gọi là sự tham lam tâm linh.

Vào ngày 3 tháng 7 năm 2003, tôi xuất gia và Thầy cho tôi pháp danh là Chân Pháp Đệ. Nghe đọc tên tôi, mọi người cười rộ lên. Sau đó tôi được biết tên tôi có nghĩa là “Sư em”. Khi ấy tôi đã 68 tuổi. Nhiều năm về sau, Thầy bảo tôi: “Thầy đặt tên con là Pháp Đệ bởi vì trước đây ai cũng gọi con là Cha”. Thầy thật là một người hóm hỉnh. Tôi cảm thấy mình được Thầy hiểu và thương hết lòng. Tôi thật may mắn.

Tăng thân là một môi trường rèn luyện rất cần thiết đối với tôi. Khi sống ở ngoài đời tôi có khuynh hướng làm gì cũng làm cho xong và làm theo ý của mình. Nếu người khác không hợp tác hoặc làm theo ý tôi, tôi phớt lờ họ đi, tiếp tục làm và hoàn thành công việc theo ý mình. Ở trong tăng thân, tôi thực tập nhận diện tập khí lúc nào cũng thích bận rộn và muốn đạt kết quả theo ý mình. Là người xuất gia, tôi học hạnh buông bỏ cái thấy riêng của mình. Tôi có nhiều bình an, nhiều niềm vui hơn và sức khoẻ cũng tăng tiến. Tuy vậy, đối với tôi, thật sự sống trong tinh thần tương tức, thật sự có mặt cho các huynh đệ đồng tu mà không phán xét vẫn còn là một thử thách.

Ba hoặc bốn năm gần đây, tôi đối diện với một thử thách lớn nhất trong đời: Thầy khuyên tôi tìm cách giúp người Tây phương tiếp xúc với gốc rễ tâm linh của chính họ. Tôi nói: “Bạch Thầy, tất cả những người mà con quen biết, ai cũng đều rất hạnh phúc khi tu tập pháp môn chánh niệm. Không ai vương vấn với gốc rễ tâm linh của họ hết”. Thầy nói: “Thầy không nghĩ vậy, bởi vì nó đã nằm sâu trong huyết quản của họ rồi”. Càng lúc tôi càng nhận ra là phần lớn chúng ta không ai thật sự ý thức về điều đó.

Vì Thầy nhất định muốn tôi phải thực hiện điều đó, tôi buộc phải quay về tiếp xúc với gốc rễ Công giáo của mình. Nhờ đó tôi nhận diện được nguyên nhân nào đã làm tuổi trẻ của tôi tàn hoại và làm cho tôi cởi áo linh mục trở ra đời. Đó chính là lối tư duy lưỡng nguyên. Tôi đã là một người bán chứng khoán giỏi, là một thầy giáo rất nổi tiếng trong những thập niên 60. Thế nhưng tôi đã bị kẹt vào danh từ, khái niệm hơn là tuệ giác chân thực. Tôi đã bị kẹt vào những lý luận thần học hay ho và những tư duy hiện đại nhất, trong khi đó tôi đã không có một sự liên hệ mật thiết đích thực với Chúa, với Thượng Đế.

Nhờ thực tập và nhờ giáo pháp của Thầy, tôi đã khám phá ra được cái gì đã thực sự xảy ra cho mình trong quá khứ, bởi vì khi ấy tôi hoàn toàn không có chút hiểu biết nào. Bây giờ, nhờ đào sâu vào những thử thách ấy mà tôi có thể giúp người khác quay trở lại để nhìn sâu vào vấn đề và thiết lập lại mối quan hệ với gốc rễ tâm linh của mình.

Có lần ở Hồng Kông, tôi thưa với Thầy: “Bạch Thầy, con không nghĩ là con đã sẵn sàng để giúp người Tây phương trở về thiết lập lại quan hệ với nhà thờ”. Thầy chỉ nhìn tôi, rồi nói: “Con cần phải là một nhà cách mạng. Chúng ta cần một đạo Ki- tô hiện đại”. Tôi vẫn đang còn trong quá trình đi tới sự sẵn sàng cho việc đó.

Một giáo pháp quan trọng khác mà tôi học được ở Thầy có liên quan đến việc bảo hộ cho đất Mẹ. Thầy dạy chúng ta làm thế nào để hiểu và thương yêu đất Mẹ. Đối với một tín đồ Công giáo thế   hệ cũ, tôi được dạy rằng trái đất chính là nơi lưu đày bởi vì tổ tiên chúng ta đã gây nên tội lỗi. Trái đất chính là nơi mà chúng ta đang bị thử thách.

Quả thật đó là một lý thuyết rất tiêu cực bởi vì nó không làm người ta thấy rằng sự có mặt của mình trên trái đất chính là một hồng ân. Và Thượng Đế không chỉ là một đấng nào đó đang nhìn xuống chúng ta và nói rằng tốt nhất là chúng ta nên rửa tội, nếu không … – rằng Ngài đang không bằng lòng với chúng ta vì một lý do nào đó. Trái đất chính là Mẹ của chúng ta, Thầy đã có một cách nói thật hay như vậy. Chính đất Mẹ đã cho ra đời Chúa, Bụt và tất cả chúng ta. Sự thực tập của chúng ta là thật sự học hỏi để làm sao trong cuộc sống hằng ngày chúng ta biết cách để thưởng thức đất Mẹ nhiệm mầu trong từng bông hoa và trong tự thân mỗi chúng ta.