Thánh địa Lộc Uyển
Chân Mẫn Nghiêm
Tôi khẽ bước trên đất thánh xứ Bụt cùng với phái đoàn hành hương của tu viện Lộc Uyển, do chú Shantum hướng dẫn. Dù đã thấm mệt sau bao nhiêu di chuyển, đường sá giăng kín bụi với nhiệt độ nóng ẩm và rít người, mọi người vẫn cười tươi khi một cô trầm trồ: Đại chúng tu viện Lộc Uyển đến thăm thánh tích Lộc Uyển, tức Lộc Uyển “thứ thiệt” đây!
Tôi đứng lặng yên và nhìn quanh mảnh đất mà xưa kia đức Bụt đã từng in dấu chân. Những thánh tích xứ Bụt không tráng lệ lộng lẫy, cũng không đồ sộ nguy nga mà lại rất đơn sơ. Xa xa có một tháp lớn xây bằng gạch đỏ và xa hơn chút nữa là những nền gạch còn sót lại từ một thời đạo Bụt hưng thịnh, đang phơi mình dưới cái nắng nóng nung người của Ấn Độ.
Tôi đang bước theo dấu chân Bụt, như tôi đã in bước chân của mình vào từng dấu chân Thầy lúc còn là thị giả hầu Thầy trong giờ thiền hành tại xóm Mới. Tôi đang tìm kiếm chi nơi đây? Đi tìm Thế Tôn? Phải chăng tôi cũng đang đi tìm chính tôi?
Tôi nhớ về tu viện Lộc Uyển tại Cali (California), nơi tôi cư ngụ với những nét đặc trưng của tu viện, từ những bụi sage, chó rừng coyote, thỏ, sóc, cho đến lá sồi độc và cả rắn rung chuông nữa. (Thoạt đầu tôi còn mếu máo khi nghe nhắc đến rắn rung chuông nhưng dần dà tôi lại thấy rắn rung chuông rất dễ thương, đã không “đớp” ngay mà còn báo động với tiếng chuông chánh niệm, thật phù hợp với pháp môn nghe chuông!). Tôi nhớ đến con đường nhựa xuống cổng mà đại chúng vẫn thường đi tản bộ mỗi buổi chiều và những buổi sáng tinh mơ sương dày đặc phủ kín dãy núi, những con đường mòn khi bước qua áo sẽ chạm vào những bụi sage đen và được thơm lây hương núi rừng. Tôi thương làm sao thiền đường Thái Bình Dương, nơi mà mỗi sáng hai xóm cùng thiền tọa trong không khí nghiêm trang. Và rồi đi đến đâu tôi vẫn không quên miếng dưa cải mằn mặn chua chua của sư ngoại Hiền Hải, những bài pháp nhũ của Hòa thượng Phước Tịnh mỗi tối thứ tư, với tình huynh đệ nghĩa tỷ muội của từng thầy, từng sư cô tại tu viện Lộc Uyển, cùng luân phiên giảng pháp, nấu ăn, rửa dọn, trong những ngày quán niệm và các khóa tu.
Xét cho cùng, dường như Lộc Uyển tại Ấn Độ và Lộc Uyển tại Cali, Mỹ quốc có điểm gì tương tợ mà phải đợi đến cuối chuyến hành hương tôi mới thật sự thấy ngấm. Các địa danh được gọi là thánh tích vì đã có những thánh nhân đi qua các vùng ấy. Bụt Thích Ca đã từng giảng pháp cho đại tăng tại đó nên nơi đó đã trở thành thánh tích Lộc Uyển Ấn Độ. Riêng tôi cảm nhận Lộc Uyển Cali cũng là đất thánh vì Thầy đã giảng pháp tại Lộc Uyển Cali và đã dựng xây đại chúng nơi đây. Nếu như chữ “Bụt” được định nghĩa là một vị tỉnh thức vì nhờ hành trì niệm, định và tuệ thì xem ra có nơi nào chẳng phải là đất thánh khi nơi đó có những người cũng noi theo Bụt, Tổ và Thầy, nuôi lớn niệm, định, tuệ để chuyển hóa tự thân và làm đẹp cho đời?
Đi tìm Bụt quả thật là chỉ tìm thấy được khi tôi trở về nội tâm và hành trì các pháp môn hết lòng. Tôi vô cùng trân quý sự hiện diện của đức Bụt và Thầy qua phái đoàn hành hương Lộc Uyển. Khi đã về tới tu viện Lộc Uyển, tôi vẫn tiếp tục chiêm nghiệm, tôi phải làm thế nào để không chỉ đi theo gót chân đức Bụt ở Ấn Độ thôi mà vẫn nối gót đức Bụt và Thầy nơi tôi đang sống và tu tập mỗi ngày? Để rồi một mai khi đứng trước tượng đài của Thầy với mục sư Martin Luther King Jr. ở tu viện Mộc Lan, tôi sẽ không còn để mặc cho dòng lệ tuôn rơi và tự trách mình sao chẳng làm nên được thành tích gì để dâng hiến cho đời như một sự tiếp nối đúng nghĩa.
Xưa kia đức Bụt cũng đã là một nhà cách mạng và nhận vào Tăng đoàn những người thuộc giai cấp cùng đinh, phụ nữ, trẻ em và kể cả Angulimala, một thời đã từng là một sát thủ. Thầy đã làm mới lại đạo Bụt và đã kêu gọi hòa bình thời binh lửa tại quê nhà. Mục sư Martin Luther King Jr. đã phản kháng sự phân biệt chủng tộc với những phương pháp bất bạo động và kêu gọi quyền bình đẳng cho người da màu. Còn tôi…? Với phận mọn thuộc đàn hậu sinh, dù vẫn biết tôi “nghèo mà ham”, trước thềm năm mới, tôi quyết tâm noi theo tấm lòng đại Xả của liệt vị tiền nhân. Xả, yếu tố thứ tư trong Tứ vô lượng tâm, còn được gọi là tâm không kỳ thị, tâm bình đẳng. Thông thường tôi chỉ gật gù khen ngợi Từ và Bi mà chẳng đoái hoài đến hai yếu tố còn lại là Hỷ và Xả. Hơn nữa, Xả có vẻ dễ hiểu nhưng lại khó hành trì miên mật. Tôi còn phải đào sâu hơn nữa vào pháp môn Xả trong nhiều lãnh vực như thời khóa, tri, công việc, phòng ốc, thức ăn,… để bỏ dần và chuyển hóa rốt ráo thói quen nhìn mọi việc với con mắt nhị nguyên và ôm lòng cố chấp trong nhiều phạm vi như việc bất như ý và việc như ý, văn hoá của ta và của người, thương – ghét, đúng – sai, tốt – xấu, khen – chê, hơn – thua, cư sĩ – xuất sĩ, giỏi – dở, dễ – khó,… cùng với trăm ngàn cặp đối lập khác.
Nhiều người thường bảo, trong chùa tu thì dễ chứ sống ở ngoài xã hội làm sao mà thực tập Xả được. Riêng tôi cảm nhận câu này tương tự như câu nói “học bơi trong hồ bơi thì dễ, ra ngoài biển bơi mới khó, sóng mạnh vật mình mấy hồi rồi mới hay”. Nhưng thực tế thì bơi giỏi trong hồ bơi rồi thì khi ra biển ta vẫn bơi được dễ dàng, ta chỉ cần dùng sức nhiều hơn thôi. Cũng vậy, tôi cần tập quán chiếu Xả với các tâm hành và tập khí của bản thân tôi trước, sau đó tôi mới có thể thực tập được Xả với những việc bất như ý đối với những người xung quanh tôi hay với công việc. Khi tôi xóa dần ảo tưởng ranh giới giữa tôi và người, tôi đúng, còn người kia sai, thì tôi quẳng đi gánh nặng trong lòng và trở nên bao dung hơn.
Có những lúc tôi nắm chặt một tri giác sai lầm và nghĩ oan cho sư em tôi, lại cũng có lúc sư em tôi có những thiếu sót thật, nhưng không vì vậy mà tôi phải phản ứng với sự trách móc và ghét bỏ sư em tôi. Khi tôi không còn kẹt vào những đối lập, tôi khác – em khác, khi tôi nhớ rằng sư em tôi và tôi đều là con của Thầy, của Bụt, của đất Mẹ, thì tôi chỉ cần đơn giản hoặc xin lỗi sư em tôi, nếu tôi đã lỡ suy bụng ta ra bụng người, hoặc tìm cách nhắc nhở nhẹ nhàng cho sư em tôi như Thầy đã từng kiên nhẫn dạy dỗ từng học trò của Thầy. Vâng, dù cho trời yên biển lặng hay tám gió thét gào, tôi nhất định phải duy trì chất liệu Xả bền bỉ như liệt vị tiền nhân.
Và rồi dù là Lộc Uyển bên kia đại dương hay là Lộc Uyển bên này phương trời, tôi xin chắp tay thành kính tri ân chư Bụt mười phương và tổ tiên đất đai đã phù hộ cho chúng tôi có một chuyến đi hành hương tại đất thánh và được tu học trên đất thánh trong Tăng thân bao năm qua.
Cuối cùng tôi mạn phép xin trình bài thơ (đã phổ nhạc) như chút quà mọn kính tặng mọi người nhân dịp Tết Đinh Dậu.
Nối Gót Thầy Ta