Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Tâm sự với các bạn trẻ Việt Nam

Chân Sinh Nghiêm

Các bạn trẻ Việt Nam ơi, tôi xin gởi đến các bạn vài dòng tâm sự chân tình từ chính kinh nghiệm bản thân. Hơn ba mươi năm qua, tôi đã đi vòng quanh mà không tìm được tình yêu và hạnh phúc đích thực. Tôi đã bồng bột với năng lượng hăng say của tuổi trẻ, bay cao vút lên rồi té xuống nhiều lần đau đớn vì không biết cách yêu thương, không biết nghệ thuật thưởng thức những gì giản dị nhất. Tôi chia sẻ những dòng tâm sự này đến các bạn, những người bạn trẻ của tôi, để các bạn không phải trả một giá quá đắt mà chưa chắc đã nếm được tình thương và hạnh phúc đích thực.

Bốn mươi năm sau chiến tranh, Việt Nam đã hồi phục và phát triển rất nhanh. Người trẻ Việt Nam với nhiều tài năng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng lưới toàn cầu đã giúp chúng ta bắt kịp nhịp kinh tế và công nghệ thông tin một cách nhanh chóng. Sự tiêu thụ và hưởng thụ vật chất cũng tăng lên. Thế nhưng, có bao giờ các bạn dừng lại để xem cách tiêu thụ đó đã ảnh hưởng như thế nào đến thân tâm của mình? Đặt lại cho mình câu hỏi: “Hạnh phúc và tình yêu đích thực là gì?”. Hay các bạn chỉ đơn thuần trả lời những câu hỏi đó dựa theo những khái niệm mà các bạn tiếp nhận từ Internet, hay từ các kênh truyền thông khác ?

Nỗi cô đơn của thời đại

Trong khóa tu mùa hè 2016 tại Làng Mai, khi sinh hoạt với các em thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi, tôi có cơ hội lắng nghe các em chia sẻ về cuộc đời, về những khó khăn và thử thách của tuổi “teen”. Tôi thấy xã hội bây giờ quá phức tạp! Mạng lưới internet phong phú, và đa dạng đã cung cấp cho các em rất nhiều kiến thức. Nhưng bên cạnh đó cũng đầy dẫy những thông tin không lành mạnh, tưới tẩm sự bạo động, thèm khát về vật chất, tình dục và sự tranh đua giả tạo. Có em chỉ mới 13 tuổi mà đã trải nghiệm tình dục, rượu chè, ma túy, trong khi chưa đủ trưởng thành về tâm sinh lý, lại chưa biết cách điều phục những cảm xúc mạnh và những vấn đề phức tạp liên quan. Các em bị những cảm xúc đó trấn ngự, rồi dẫn đến chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, lo lắng thái quá,  nghiện Internet,  biếng ăn (vì không chấp nhận được hình dáng cơ thể của mình),… Chính tôi cũng đã từng có nhiều mặc cảm và chán ghét thân thể của mình mỗi lần đọc báo phụ nữ hay tạp chí thời trang. Khi trong lòng có nhiều mặc cảm, chưa chấp nhận được bản thân  thì mình sẽ không thể tiếp xúc thật lòng và sâu sắc với những người khác được.

Thời đại văn minh với rất nhiều phương tiện truyền thông nhưng lại không làm giảm đi sự cô đơn và trống vắng trong lòng mỗi người. Trên tàu điện hay xe bus, chúng ta dễ dàng thấy cảnh ai trên tàu cũng bận bịu với một cái điện thoại trên tay, có thể họ đang liên lạc hay kết nối với ai đó, nhưng họ lại không thể nhìn và mỉm cười với người ngồi bên cạnh. Có những người khi ăn một mình trong quán phải làm như là mình đang gởi tin nhắn hay nói chuyện điện thoại để bớt cảm giác lạc loài, cô đơn. Và để người khác đừng nhìn mình như một người cô đơn và tội nghiệp (vì không có bạn bè để ăn cùng). Sư Ông Làng Mai có nói “thời đại bây giờ, mình cô đơn chung với nhau”. Ai ai cũng như đang sống  ở trong thế giới của riêng mình cho dù đang ngồi bên cạnh nhau. Và có khi không thể nói chuyện với nhau trực tiếp mà chỉ nhắn tin và viết e-mail thôi.

Nhiều bạn trẻ đã tìm mọi cách để khỏa lấp sự trống trải trong lòng bằng đủ mọi loại tiêu thụ, lấy những khoái lạc của thể chất làm niềm vui và mục đích của đời mình. Phần lớn các em chỉ biết “tình dục trống rỗng” (empty sex) mà không hề có một tình yêu đích thực. Nếu những kinh nghiệm không nuôi dưỡng này là nền tảng đầu đời thì các em sẽ như người đi lạc đường, tương lai sẽ đầy hoang mang, tăm tối. Tôi thấy những em đến tham dự khóa tu rất may mắn vì được gặp cái phao chánh pháp, được học hỏi cách chăm sóc, trị liệu và chuyển hóa thân tâm. Được ôm ấp trong môi trường an lành, không phán xét, các em đã mở lòng để chia sẻ về sự trống vắng, về những băn khoăn và khổ đau trong lòng. Những khó khăn mà trước đây tôi cho là những khổ đau của người lớn, thì bây giờ các em đã phải trải qua rồi, dù chưa tới tuổi trưởng thành. Sau mỗi khóa tu, các em đã tươi cười nhẹ nhõm ra về với những người bạn mới, và một ít hy vọng cho cuộc đời mình. Điều này cho tôi rất nhiều niềm tin nơi pháp môn tu tập chánh niệm và sức mạnh của tăng thân.

Quý sư cô và các em trong chương trình teens – mùa hè năm 2016 tại xóm Mới
 

Người trẻ và những cuộc vui “chay”

Mùa hè năm 2016, ở xóm Thượng cũng đã tổ chức một khóa tu Wake Up, khóa tu dành cho các bạn từ 18 đến 35 tuổi. Có hơn 500 bạn trẻ đã ghi danh tham dự trong vòng một tuần. Suốt khóa tu, các bạn được ăn những món ăn chay thật ngon, thật bổ mà không cần phải sát hại một con gà, con heo, con bò hay tôm cá nào. Ngoài ra, qua những buổi pháp thoại, pháp đàm thiết thực với người trẻ, các bạn còn được nếm những món ăn tinh thần rất nuôi dưỡng và trị liệu. Mọi người có cơ hội lắng nghe, học hỏi lẫn nhau. Dù phần lớn không quen nhau nhưng đều muốn học cách sống tỉnh thức nên ai cũng mở lòng, chia sẻ rất thật về những khổ đau của mình. Ai cũng cảm thấy thân thiện và thoải mái để bày tỏ con người thật của mình cho nên có nhiều trị liệu và chuyển hóa xảy ra trong khóa tu.

Tôi rất ấn tượng đêm văn nghệ cuối cùng do chính các bạn thiền sinh trình diễn với chủ đề bảo vệ đất Mẹ. Nhìn các bạn cười vui, tôi cũng vui nhiều vì niềm vui của các bạn chứng minh một điều quan trọng: cuộc vui chơi “chay” này cũng vui không kém những cuộc vui chơi khác, mà không cần đến rượu chè, ma túy và tình dục. Ai cũng rạng rỡ và tươi mát, ai cũng tỏa ra nét đẹp đích thực được biểu hiện qua tấm lòng biết thương yêu, bao dung và cởi mở. Sự thực tập trở về với chính mình qua những buổi thiền tọa, thiền hành mỗi ngày đã giúp cho mọi người cảm thấy thoải mái trong thân tâm nên dễ chấp nhận và mở lòng với nhau hơn.

Đêm văn nghệ trong khóa tu Wake Up Earth

Chăm sóc em bé trong tự thân

Nương vào năng lượng thực tập của mọi người trong khóa tu, tôi cũng có cơ duyên trị liệu vết thương ngày tôi còn nhỏ. Khi tám tuổi, đang tạm trú ở một trại tỵ nạn, trong lúc vui chơi với các bạn, tôi đã bị một em thanh niên xúc phạm, vì em không biết xử lý năng lượng tình dục của mình. Tôi đã trách cha mẹ không có mặt để bảo vệ cho tôi lúc đó. Tôi mất niềm tin nơi cha mẹ và khép kín lòng mình. Tôi lớn lên trong môi trường đầy dẫy những phim ảnh, bài hát và chuyện trò về ái dục. Và vì không có lập trường vững, tôi đã bị lôi cuốn theo xu hướng hưởng thụ dục lạc của tuổi trẻ. Nhìn lại tôi thấy mình thật sự chưa từng biết tình yêu đích thực là gì, mà phần lớn chỉ là sự thu hút nhau có gốc rễ từ nhu cầu tình cảm hay tình dục. Thêm vào đó, sống trong gia đình, chứng kiến những giông bão do ghen tuông, mất niềm tin vào nhau, tôi thấy những thất bại trong tình yêu, trong đời sống gia đình đều phát khởi từ sự tiêu thụ thiếu chánh niệm, từ những khái niệm lệch lạc và sai lầm về chính mình, về tình yêu và tình dục.

Tham dự vào những sinh hoạt của khóa tu, thừa hưởng năng lượng tập thể, phép mầu đã xảy ra giúp tôi có một cái thấy tươi sáng hơn, chuyển hóa được  những khổ đau trong quá khứ. Một hôm, tôi thấy một thầy cảm động rơi lệ khi nghe một bạn chia sẻ về ước nguyện cao quý cho đất Mẹ và tương lai của thế hệ trẻ. Đó không phải là lần đầu tiên tôi được thấy người nam khóc, nhưng lúc đó trong tôi chợt nhận ra: “À, thật ra, trái tim của người nam cũng có thể rung động bởi những gì mình cho là cảm động, là tâm linh. Họ cũng có thể rơi lệ trước những gì rất đẹp và lành”. Cảm nhận này giúp tôi nhận ra rằng thẳm sâu trong tâm thức, tôi đã xem phái nam là những người không rung cảm với những cái đẹp tâm linh. Đây là một khái niệm sai lầm đã ngấm ngầm trong tâm thức hơn ba mươi năm mà tôi chưa từng nhận ra, là kết quả của lần bị xúc phạm, cả những khó khăn trong gia đình, đến những thất bại trong tình cảm đã làm cho tôi mất niềm tin vào những người nam. Và khái niệm lệch lạc khác nằm sâu trong tâm thức tôi là đàn ông chỉ muốn một điều: tình dục. Có thể đây là một lời căn dặn của những bà mẹ lo lắng muốn bảo vệ cho con gái của mình, và cũng là năng lượng tự nhiên trong con người. Nhưng với những khổ đau cá nhân, từ gia đình và xã hội mà tôi đã chứng kiến, đã đưa tôi đến thái độ bất kính, mất niềm tin hoặc khinh thường đàn ông nói chung trong tôi.

Trong khóa tu, có một bạn nam chia sẻ với tôi là quý thầy đã hướng dẫn các bạn thực tập Sám pháp địa xúc với đề tài chăm sóc năng lượng tình dục. Tôi cảm nhận nơi người bạn ấy một sự chấn động tâm hồn và chuyển hóa rất sâu. Lắng nghe bạn chia sẻ một chút thôi mà tôi đã cảm thấy nhẹ nhàng một cách khó tả, dường như trong thâm tâm sự trị liệu đang xảy ra một cách bất ngờ. Những khái niệm lệch lạc về phái nam, về tình dục, và những vết thương quá khứ trong lòng như đang được gột sạch một cách kỳ diệu. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì thấy sự chuyển hóa này đến với mình một cách rất tự nhiên. Mặc dù không tham dự vào buổi thực tập của những bạn thiền sinh đó mà chỉ nghe bạn chia sẻ thôi, vậy mà tôi cũng được chữa lành!

Sau khóa tu, những điều tôi khám phá đã tiếp tục khai mở những góc còn tăm tối trong tâm hồn. Tôi thấy những khổ đau trong gia đình, của bản thân đã khiến tôi có những khái niệm sai lầm về người nam, và tôi đã có thái độ bất kính đối với cha và ông nội của mình. Hơn ba mươi năm tôi đã khép kín lòng, không tiếp nhận được tình thương của cha và cũng không gần gũi được với ông nội. Nhưng bây giờ, tôi đã có thể viết cho ông những là thư chân tình,tôi có thể  chia sẻ thật lòng những vết thương và thành kiến sai lầm đã khiến tôi khổ đau. Tôi cũng muốn làm mới với cha vì nhận ra lâu nay mình thiếu niềm tin nơi cha. Dù cha vẫn luôn thương tôi với tình thương vô điều kiện. Cha tôi thường ít nói nhưng tình thương và sự nhẫn nại dành cho mẹ mà cho tôi thì không thể kể hết. Tôi thấy mình đòi hỏi quá nhiều ở cha, thậm chí có khi tôi đã buông những lời bất kính đối với người, nhưng cha luôn lặng lẽ nhẫn nhịn và thương yêu mà không hề phàn nàn và đòi hỏi tôi phải như thế này hay như thế kia. Trước đây tôi không nhận ra những đau khổ mà tôi đã gây cho cha. Nhưng từ khi tôi biết quay về, nhận diện những lầm lỗi và chữa lành những vết thương trong tâm hồn tôi  thì tôi đã thấy rõ và biết trân quý tình thương mà cha dành cho tôi. Bây giờ, tôi đã biết cách thương cha hơn trước. Tình thương đích thực không đòi hỏi, nhẹ nhàng như làn khói trầm lặng lẽ mà thơm ngát, chứa đầy sự kiên nhẫn.

Hãy thôi làm thân cùng tử

Các bạn trẻ ơi, với tất cả trái tim của mình tôi tha thiết muốn chia sẻ với các bạn rằng các bạn hãy học cách bảo vệ và chăm sóc cho thân và tâm của mình. Đừng để mình trở thành những con cừu vô ý thức, chỉ chạy theo những trào lưu của xã hội, những hào nhoáng bên ngoài, hay khoa học công nghệ tối tân. Hãy cẩn thận và suy xét kỹ lưỡng những gì mình tiêu thụ qua các giác quan, từ thức ăn, thức uống, hình ảnh, âm thanh, phim ảnh, chuyện trò hàng ngày, và cả những suy tư của chính mình. Những thứ ấy có nuôi lớn niềm an lạc, tình thương đích thực, và làm đẹp  tâm hồn các bạn hay không? Nó ảnh hưởng tới bản thân và mối liên hệ với những người xung quanh như thế nào? Nếu các bạn muốn biết tình thương đích thực là gì thì hãy hiểu chính mình trước. Mình có thấy và có hiểu những hạnh phúc, khổ đau của mình không? Qua những lỗi lầm, tôi thấy rõ trong tình yêu đích thực phải có yếu tố kính trọng chính bản thân mình và kính trọng người mình thương.

Từ khi quyết định dành thời gian tìm hiểu chính mình, không để bị lôi cuốn theo dòng chảy của xã hội, tôi học được cách chăm sóc cho thân thể và tinh thần. Chăm sóc  mình bằng chánh niệm, thắp lên ý thức hàng ngày để biết rõ mình đang làm gì, những thứ mình đang tiêu thụ có ảnh hưởng gì đến thân và tâm? Từ khi tôi may mắn được ở trong một môi trường lành mạnh, ít tiêu thụ, tôi mới thấy rõ được tầm ảnh hưởng của những gì mà trước đây tôi cho là bình thường, là vô hại. Tôi đã hoang mang, cô đơn và đi vòng quanh, chạy theo một ảo tưởng mà không biết rõ là mình đang đi tìm cái gì. Quay đầu nhìn lại, thì nửa cuộc đời đã trôi qua mà tôi vẫn chưa thật sự tìm được cái mà tôi mong muốn nhất. Có lẽ vì tôi chưa biết thực tập dừng lại!

Các bạn hãy tập dừng lại bằng cách cho mình mỗi ngày một khoảng thời gian để ngồi yên, trở về với chính mình, nhìn lại và lắng nghe những thao thức trong lòng. Hãy cho mình cơ hội được sống ở một môi trường ít tiêu thụ để tự cảm nhận sự chuyển hóa trong thân tâm. Trong môi trường an lành, và yên tĩnh như vậy ta sẽ có cơ hội thấy rõ những tri giác, những quan niệm sai lầm đã gây đau khổ cho chính mình và cho người thương của mình. Dừng lại để nhìn thật sâu mình đang làm gì, đang đi tìm cái gì, tương lai của mình đi về đâu, mục đích quan trọng nhất trong cuộc đời mình là gì?

Trong bài viết này tôi không mang đến cho các bạn những giải đáp về tình yêu và hạnh phúc đích thực. Tôi chỉ tha thiết khuyến khích các bạn hãy trở về để thật sự hiểu chính mình mà đừng sống như người vô thức. Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi và tìm những câu trả lời sâu trong nội tâm mình. Nhìn lại những ý niệm về nền “văn minh” với chủ thuyết sống cá nhân, phong trào toàn cầu hóa và cách tiêu thụ vô ý thức, ảnh hưởng đến đất Mẹ và mọi người trên thế giới… Những cái đó có thật sự văn minh lắm không? Các bạn hãy về lại cội nguồn để tìm hiểu, nhìn sâu vào những nét đẹp trong nền văn hóa tâm linh Việt Nam mà tổ tiên đã trao truyền cho chúng ta. Khi nhìn bằng đôi mắt tinh khôi của một người đang khám phá, bạn sẽ thấy thích thú, và không còn thành kiến. Các bạn ơi, chúng ta đang có sẵn trong tay cả một gia tài vô giá mà mình không biết ! Đừng tìm kiếm đâu xa, chỉ cần dừng lại, trở về với gốc rễ ta sẽ tiếp nhận và làm lớn lên kho tàng quý báu đó một cách xứng đáng nhất.

 

( Sư Cô Chân Sinh Nghiêm là một vị giáo thọ trẻ của Làng Mai. Sư cô sinh ra tại Việt Nam và lớn lên ở Úc. Sư cô đã tốt nghiệp ngành tâm lý học và yêu thích kết nối với người trẻ. Nhiều năm tiếp xúc với khổ đau của người trẻ và những người bệnh bị bệnh tâm lý, với thao thức muốn tìm một con đường có thể giúp cho chính mình và mọi người. Khi gặp đạo Bụt và những phương pháp thực tập của Làng Mai, sư cô nhận ra đây là con đường mà  bấy lâu nay mình đã đi tìm, là hướng đi mang tới sự chuyển hóa, trị liệu. Sư cô đã quyết định chọn “Gia đình áo nâu”. Thầy- Sư Ông Làng Mai đã xuống tóc xuất gia cho sư cô năm 2009, khi sư cô 32 tuổi. Hiện nay sư cô đang tu tập tại Xóm Mới. Sư cô không những là một sư em rất dễ thương đối với các sư chị, mà sư cô cũng là một người sư chị rất tâm lý với các sư em. Sư cô là một người chị, người bạn đồng hành và là một nơi tâm sự gần gũi cho các sư em gốc Tây Phương và Việt Nam.)