Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Tái sinh

Chân Linh Từ (Jean Pierre)

 Anh Chân Linh Từ, người Pháp, thọ giới Tiếp Hiện từ năm 1986 và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 2014. Dưới đây là bài chia sẻ của anh về con đường đến với Làng Mai và những chuyển hóa, trị liệu trên chặng đường tu tập hơn ba mươi năm qua.
 
Lúc đến Làng Mai lần đầu tiên, tôi chỉ mới 26 tuổi. Đó là vào tháng bảy năm 1983. Hồi đó Làng Mai có tên là Làng Hồng. Tôi còn nhớ tôi tới xóm Hạ ở Meyrac và người ra đón tôi sư cô Chân Không, hồi đó còn là cô Phượng. Sau khi tôi tự giới thiệu mình là ai, do đâu mà tôi biết được Làng để tới một cách bất ngờ như vậy thì cô Phượng kêu lên: “A, thì ra là anh, anh là Jean Pierre! Anh Jean Pierre đã từng giúp cho những người Việt đến tị nạn ở Pháp phải không?”. Tôi hơi ngạc nhiên không hiểu sao ở một nơi tôi chưa hề đặt chân tới mà người ta lại biết tôi.
 
Tôi đến Làng Hồng theo sự chỉ dẫn của một anh bạn người Việt tên là Bá Thư, người đã tặng tôi quyển sách của Thầy – cuốn “Phép lạ của sự tỉnh thức” do Nhà xuất bản Lá Bối ấn  hành. Và tôi đã bắt đầu thực tập thiền với cuốn sách quý báu đó trong thời gian sắp xếp để đến Làng, mà không cần phải hiểu gì nhiều. Tôi tập rửa bát, tập ngồi, tập đi. Tôi nhận ra rằng thời gian làm việc luôn luôn là “thời gian của tôi” mà không phải là thời gian “mất đi”, nhất là khi mình làm một việc không thú vị gì mấy.

Ngày thứ nhất của tôi ở Làng và cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Thầy như thế này: chúng tôi (khoảng một chục người) tập họp trong một cái vựa cũ, bây giờ là nhà ăn của xóm Hạ, ngồi trên những chiếc băng dài sắp theo hình vòng cung trước một tấm bảng. Một người đang dùng hình vẽ để nói cái gì như một loại báo cáo vậy. Ông ta mặc một bộ đồ thật giản dị gồm có một cái áo gọi là áo vạt hò và một cái quần dài. Tuy tôi không hiểu những gì ông ta nói nhưng tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi nghĩ ông ấy chắc là thiền sư của Làng. Nhưng bỗng nhiên có một người cũng ăn mặc giản dị, đứng lên ngắt lời ông kia và điều chỉnh lại những hình vẽ trên bảng một cách thẳng thắn. Thật rõ ràng đây là ông thiền sư mà Bá Thư đã nói với tôi. Đó là lần đầu tiên mà tôi gặp Thầy, một người tươi mát, dịu dàng đồng thời cũng thẳng thắn, với một uy lực thật tự nhiên và đầy từ bi.

Thiền đường Nến hồng tại xóm Hạ trong những năm đầu của Làng

 
Ngày thứ hai của tôi ở Làng cũng đầy ấn tượng: các trẻ em tụ họp lại dưới hai cây sồi lớn ở xóm Hạ để tập hát những bài hát tiếng Việt. Những chiếc băng ghế dài được sắp theo vòng tròn. Tôi giữ khoảng cách và hơi nhút nhát vì tôi không quen ai ở đó cả, không có một người nào của Hội Ái Hữu Sinh Viên có mặt. Trong khi các em đang hát thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có hai bàn tay đặt lên vai tôi rồi đẩy nhẹ tôi về phía các em. Tôi nghe một giọng nói mời tôi tới cùng hát với các em: “Jean Pierre, anh ngồi xuống với các em và tập hát bằng tiếng Việt đi!”. Đó chính là Thầy, Thầy đã đến sau lưng tôi hồi nào mà tôi không hay.
 
Một lần khác, Thầy gọi tôi tới ngồi gần bên, nhìn ra vườn mận. Thầy giới thiệu Làng với tôi, nói cho tôi biết cách sống ở Làng, kể cho tôi nghe những ý tưởng Thầy có trong đầu về tương lai của Làng, làm sao để vừa trồng cây mận vừa bảo vệ được sự sống… Sau cùng Thầy hỏi tôi: “Anh nghĩ gì về Làng Hồng?”. Tôi trả lời Thầy một cách rất tự nhiên: “Tôi nghĩ là sẽ có rất nhiều người đến đây vì người ta rất cần một nơi như thế này!”. Tôi ngạc nhiên khi một người nhút nhát như tôi có thể nói được như thế, có thể vì tôi cảm thấy thoải mái an tâm khi ở bên Thầy.
 
Tôi tới Làng không có chủ đích thực tập chánh niệm nhưng rồi nó từ từ trở thành một nhu cầu quan trọng trong cuộc sống của tôi. Tôi thích đi dạo trên những cánh đồng, đi trong rừng hay qua những vườn nho. Một hôm thấy những giáo lý quá nặng nề đối với tôi, Thầy nói: “Jean Pierre, anh không cần phải biết kinh điển hay học thuộc những từ ngữ Phật giáo khó khăn. Anh chỉ cần sống trong Làng với chúng tôi là được rồi”. Những lời nói đó làm cho tôi rất xúc động.
 
Nhiều người hỏi tôi: “Tại sao lúc nào anh Jean Pierre cũng có mặt trong nhóm những người Việt vậy?”. Lúc đầu thì tôi cười, trả lời: “Tại sao không?”. Tôi tiếp xúc với người Việt Nam từ thời chiến tranh trước năm 1975 qua những tin tức trên truyền hình, lúc còn là một thiếu niên. Trong một bản tin thời sự buổi chiều, tôi thấy gương mặt của một phụ nữ Việt Nam khắc khoải bởi nỗi đau mất con trong bom đạn và một bé gái trần truồng, thân hình cháy xém, chạy trên con đường đất. Trái tim tôi vỡ vụn và nước mắt tôi trào ra. Tôi vừa hiểu ra rằng, dù thời thơ ấu của tôi có nhiều khó khăn, nhưng không chỉ riêng mình tôi có khổ đau mà bất kỳ ai trên đời này đều có niềm đau nỗi khổ. Tôi cảm thấy gần gũi với những người mà tôi chưa hề quen biết.
 
Sau này, nhờ Hoàng (một người anh em rất thân của tôi trong Hội Ái Hữu Sinh Viên), tôi biết đất nước tôi phải gánh chịu phần nào trách nhiệm trong việc tạo ra những bi kịch đó và tôi cảm thấy chính mình cũng có trách nhiệm một phần nào. Sâu trong lòng, tôi nghĩ tôi phải có mặt cho những người Việt, và cần phải làm điều gì đó để bù đắp lại lỗi lầm do đất nước mình gây ra.
 
1983 – Thầy và Làng đi vào cuộc đời tôi
 
Trong mười hai năm đầu tiên sau khi biết Thầy, tôi vẫn tiếp tục sống một cách đơn độc, khép kín và tránh đối diện với những nỗi khổ niềm đau của chính mình. Tôi thường tìm cách lẩn tránh những người khác. Hồi đó cộng đồng tu học người Việt đã chăm sóc tôi. Mỗi cuối tuần, chúng tôi tổ chức một ngày quán niệm. Dù được đánh động bởi cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức” tôi vẫn không thoát ra khỏi sự cô đơn.
 
Tuy nhiên, đến Làng cùng với những người bạn Việt Nam, tôi có được những giờ phút vui vẻ, cởi mở, cùng hát, cùng đùa chơi hay cùng đi nhặt hạt dẻ trong rừng Fontainebleau, cùng rong chơi,… sống không lo nghĩ! Những giây phút đó giúp tôi quên đi nỗi lo sợ mà tôi không chia sẻ được với ai, kể cả Thầy, người mà tôi rất kính mến, người mà tôi biết là sẽ lắng nghe tôi. Tôi không muốn mình có vẻ đáng thương. Hơn nữa tôi nhút nhát, tôi nghĩ Thầy là một người “lớn”, còn tôi chỉ là một người “nhỏ bé”, tôi không thể làm phiền Thầy vì những vấn đề riêng tư của mình.
 
Những buổi chia sẻ, những buổi thực tập chánh niệm, những buổi sinh hoạt quanh cái bàn đầy thức ăn chay ngon lành, hay quanh một bình trà nóng làm cho tôi cảm thấy ấm áp trong không khí gia đình. Từ từ một gia đình được dựng lên chung quanh tôi. Gia đình đó nhận nuôi tôi như một người con. Điều này rất mới lạ đối với tôi, bởi vì lúc sáu tuổi tôi bị tách ra khỏi gia đình huyết thống và được một gia đình xa lạ nhận nuôi. Tôi đã biết được thế nào là bạo động, sợ hãi và lao nhọc của công việc trong một nông trại, chưa kể tới niềm đau của sự chia cắt.
 
Một sự thay đổi lớn đã ảnh hưởng tới cuộc đời tôi: tôi gia nhập vào một gia đình tâm linh đã nuôi dưỡng và chở che tôi bằng tình bạn và lòng ưu ái. Đồng thời tôi cũng được nhận vào một gia đình mới, gia đình Việt Nam. Tôi bị rúng động, tôi không biết phải làm gì và hành xử như thế nào. Tôi nói đùa rất nhiều và cười vui một cách dễ dàng để che giấu cảm xúc và nước mắt của mình. Trái tim đầy sẹo của tôi không cho phép tôi nói đến điều đó. Nhưng chắc chắn điều quan trọng nhất là tôi giữ liên lạc với hai gia đình mới đó, tôi biết như vậy.
 
Sự thực tập chánh niệm đi vào tôi thật nhẹ nhàng
 
Về phương diện tu tập, mặc dù đã trải qua vài năm, nhưng khoảng cách giữa đời sống cô độc và khoảng thời gian ở chung với cộng đồng của tôi tại Fontvannes (Phương Vân Am) hay Thiền đường Hoa Quỳnh vẫn còn rất lớn. Sau khi thọ 14 giới Tiếp Hiện vào năm 1986 thì sự thực tập chánh niệm và quán chiếu nhìn sâu mới từ từ đi vào đời sống hàng ngày của tôi, giúp cho tôi có được một vài chuyển hóa mà tôi cũng không nhận ra được. Sự chuyn hóa đó biểu hiện khi mẹ tôi mất vào tháng bảy năm 1990. Khi đó, tôi trông nom mấy đứa cháu trai và cháu gái giúp cho chị tôi vì chị hầu như hoàn toàn mất hết lý trí. Tôi đã hướng dẫn một buổi thiền hành và tôi đã làm một cách thật tự nhiên, không cố gắng. Buổi thiền hành diễn ra rất tốt đẹp. Trong lúc dừng lại, tôi có chia sẻ với mọi người rằng mẹ của chúng tôi thật sự không bao giờ mất đi đâu hết. Nếu nhớ mẹ thì chúng tôi có thể gặp lại mẹ một cách dễ dàng khi nhìn sâu vào bàn tay của mình, khi đi thật bình an, lắng nghe thiên nhiên, cây cỏ, chim chóc hay chỉ cần có mặt thật sự cho mình trong giây phút đó.
 
Nhiều lần tôi hướng dẫn những buổi thiền tập, những buổi lễ tụng 14 giới Tiếp Hiện, những lúc tụng Bát Nhã Tâm Kinh,… tất cả đều bằng tiếng Việt. Người ta có lòng tin ở tôi hơn cả chính tôi. Cũng có khi những người không hề thực tập thiền Phật giáo nhận xét về tôi như thế này: “Jean Pierre, cái nhìn của anh đã khác hơn trước, nó dịu dàng hơn”, hoặc lúc tôi làm việc ở nông trại trong mùa hè: “Anh đã thay đổi, anh làm việc chậm hơn, chăm chú hơn mà không bị mệt!(tôi nhớ lúc đó mình đã làm việc trong chánh niệm). Có một lần tôi đi theo lối thiền hành tới tiệm bán bánh mì trong làng – nơi tôi lớn lên – thì ông bán bánh mì nói với tôi: “Anh có vẻ thật bình an!”. Có những điều như vậy đã xảy ra, có những bất ngờ nho nhỏ thú vị, những bông hoa nở thật đẹp trên con đường đầy đá sỏi. Điều này không làm cho tôi hãnh diện, mà chỉ là động lực khuyến khích tôi thêm trong sự thực tập.
 
Tiếp xúc với em bé trong tôi
 
Lúc mới bắt đầu thực tập ở Xóm Hạ, tôi không biết là trong tôi có niềm đau nỗi khổ. Hơn nữa tôi không đến Làng vì có khổ đau. Tôi chưa biết nhận diện sự mặt của khổ đau trong tôi. Tôi không biết trong tôi có một em bé đang đau khổ, em bé còn mang tất cả những vết thương sâu của quá khứ.
 
Trong cuốn sách “Phép lạ là đi trên mặt đất” (Le miracle c'est de marcher sur terre) có một chương với tựa đề: Thiền đem lại sự sáng tỏ và trị liệu. Tôi đã để rất nhiều thì giờ để tìm hiểu tựa đề đó. Vì qua nhiều năm thực tập, khổ đau của tôi ngày càng hiện rõ nhưng nó vẫn không được chữa trị. Thầy của chúng tôi dạy rằng thiền tập không làm cho mình khổ, mà trái lại làm cho mình có bình an. Tôi còn nhớ một lần đến Làng tôi ho nhiều lắm. Lồng ngực của tôi đau nhức từ hơn một tháng. Qua hình chụp quang tuyến, tôi biết là mình không có bệnh gì cả nhưng tôi rất đau. Cô Phượng đưa Thầy đến gặp tôi. Thầy nói với tôi chỉ giản dị như thế này: Jean Pierre, thiền không làm mình đau, thở không làm mình đau. Anh đừng quá cứng ngắc trong sự thực tập…”. Sáng hôm sau, tôi hết ho và ngực tôi không còn đau nữa. Đây là nói về sự đau nhức của thân. Về phương diện tâm, thì khổ đau của tôi chỉ dường như có được một chút chuyển hóa mặc dù tôi đã biết học nhận diện và ôm ấp em bé năm tuổi của ngày xưa trong tôi.
 
 
Sau khi kết hôn thì tôi bắt đầu xa Làng trong một thời gian khá lâu ngoại trừ tôi có đến thăm Thiền đường Hoa Quỳnh vài lần và một lần tôi đưa gia đình nhỏ của mình về xóm Mới. Vợ tôi không có cùng ý muốn thực tập hay thích về Làng như tôi. Có lẽ vì tôi không biết cách làm cho vợ mình có ý thích đó, tại vì chính tôi cũng có nhiều do dự và không dứt khoát. Cách thức hành xử của một người chồng và một người cha không được dạy trong trường học và tôi đã phạm rất nhiều lầm lỗi. Từ từ tôi thấy sự giận dữ mà tôi đã tiếp nhận từ thời thơ ấu biểu hiện ra. Nó mạnh như núi lửa… chúng tôi đi tới tình trạng rất khó khăn và chia tay. Một lần nữa tôi lại trốn chạy trước thực tế của một đời sống gia đình. Tôi không thấy được là tôi đã có quá đủ những gì cần thiết để sống hạnh phúc.
 
Tôi bị kẹt vào nỗi khổ niềm đau của thời thơ ấu, của cái cảm giác mình là một nạn nhân… Nhiều lần tôi đã trở về miền quê nơi tôi đã lớn lên. Tôi cảm thấy mình thật vô phước, tôi muốn hiểu được và làm dịu đi niềm đau đó. Tôi đi bộ rất nhiều trong rừng, trên những cánh đồng, những bãi cỏ, những nơi mà tôi đã từng sống và làm việc. Tôi không ý thức là mình đang thực tập thiền hành. Vào một buổi sáng sớm, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ văng vẳng trong sương mù. Tự nhiên tôi dừng lại, trở về với hơi thở, với hình hài của mình. Thật là một sự tái sinh. Sự thực tập của tôi không “mất” đi đâu hết. Tôi thấy được khổ đau tôi đã gây ra cho chính mình và cho gia đình. Tôi không thể nào làm như vậy được, đem bạo động trong mình đổ lên người khác. Tôi gánh phần lớn trách nhiệm tạo ra tình trạng đó cho gia đình mình, cho sự kiệt quệ và sự phóng thể của mình. Tôi đã đánh mất gia đình của tôi. Nhưng một mình cô đơn không có gia đình thì mình sẽ ra sao?
 
Chỉ cần đi, đi một cách bất bạo động thì sẽ có bình an! Đó là thiền! Chăm sóc hình hài của mình, hơi thở của mình. Chú ý, chỉ chú ý tới cái gì đang xảy ra…Ngày hôm đó tôi tìm lại được tăng thân, gia đình tâm linh của tôi trong cỏ cây, đất đá và những con thú nhỏ như là chú sóc thường hay đến cười với tôi quanh cây sồi lớn.
Tôi tiếp tục thực tập thiền hành trên những con đường trong rừng. Tôi hái nấm dại về tự nấu ăn lấy. Tôi lượm hạt dẻ và hạt hồ đào. Và chủ yếu là tôi được nuôi dưỡng bằng tất cả những gì đẹp đẽ và tươi mát. Tôi thấy rất rõ mình đã có hạnh phúc ngay cả trong khổ đau của thời thơ ấu. Tôi thấy rất rõ khổ đau và yếu kém của người đã gây ra khổ đau cho tôi. Và tôi bắt đầu thương người đó thật sự.
 
Tôi thấy tôi là đứa bé sáu tuổi của thời đó. Trên một con đường rừng đầy ánh sáng, nó đã đến nắm tay tôi, nét mặt tươi cười và bước đi cùng với tôi. Thân tôi trở nên nhẹ bỗng, chân tôi như đặt trên mây, tôi cảm thấy gương mặt mình hoàn toàn thư giãn và êm dịu, một cảm giác thật bình an. Và tôi thấy cây cỏ, đất đá, cầm thú, đất với trời trở thành một, trong một khoảnh khắc không còn sự cách biệt nào cả. Chỉ còn lại một làn gió nhẹ giống như cái cảm giác được giải thoát hoàn toàn khỏi sự khổ đau. Khổ đau chuyển hóa hoàn toàn, nhường chỗ cho tình thương vô tận. Vài bước chân, vài hơi thở và tôi trở về nhà, lòng đầy bình an. Tâm tôi trống rỗng và tôi gởi sự bình an tới cho người đó. Tôi không có lời nào để diễn tả được trạng thái đó, tôi chỉ có những bài thơ và đặc biệt là bài thơ tôi làm lúc nhận truyền đăng:
 
“Tôi đặt tay trên chiếc ngực trơ xương, người đó nằm trên giường hấp hối,
Tôi ôm người đó trong tay, rồi chúng tôi cùng khóc
Tôi thương người đó, người đã in dấu sắt nung đỏ trên thân tâm tôi
Tình thương bất tận thấm vào trái tim, tháo tung xiềng xích của vô minh
Những hạt giống tốt đẹp đã nẩy mầm trên tro tàn tham dục
Không có gì cần chuyển động, vài bước chân đã giẫm vào cửa Tự Do”.
 
Năm 1999, người mà tôi cùng sống chung lúc nhỏ qua đời. Tôi đã đến thăm lúc ông hấp hối. Ông chỉ còn da bọc xương và thở những hơi thở cuối cùng. Ông nhận ra tôi, không hận thù không giận dữ. Trong ba ngày, mỗi ngày hai lần tôi đến đặt tay lên ngực ông và cùng thở với ông. Sau đó tôi đi thiền hành ngoài đồng và khi trở về, tôi lặng lẽ đến bên ông và nói: “Tôi đã đi cho ông…”. Chiều chủ nhật tôi trở về Paris. Ông ra đi một cách bình an trong đêm ngày thứ ba. Ông đã chờ tôi.