Nơi hẹn về là chốn an vui
Thêm một năm với bao nhiêu là biến chuyển. Thầy từ Mỹ về lại Làng, và từ Làng qua Thái. Cứ ngỡ như những ngày ở Mỹ đã xa xôi lắm chứ không phải chỉ mới xảy ra năm ngoái. Tôi khép lại một năm ghi chép để có bài cho Lá Thư Làng Mai mà bâng khuâng. Phút giây nào đi qua, khi đọc lại, bỗng ý thức phút giây đó có bao giờ còn được xảy ra? Nên Thầy dạy phải sống hết lòng để mỗi phút giây trở thành huyền thoại, mà mình quên hoài, bạn hiền thấy không!
Tháng một
Thầy về Làng như một tin vui. Tôi đi từng bước quanh Phương Khê mà bồi hồi. Nhìn những chậu lan đất lại nhớ đến những chậu lan ở nhà của Marc mà mỗi ngày, trong sáu tháng, tôi đi qua đi về nhìn bỗng thành thân quen. Phương Khê gọn gàng, xanh mát. Các sư em hẳn đã bỏ nhiều công sức để chăm sóc Phương Khê đón Thầy về. Tôi xin xóm Hạ và xóm Mới cho mười sáu sư em chia làm tám đội để nấu ăn hầu Thầy. Phải dịch các tài liệu của chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn của Thầy, rồi làm một buổi “hướng dẫn tổng quát” để các sư em làm quen với cách nấu mới, thực phẩm mới. Thật đúng là rất mới, vì trước giờ mình quen nấu với thực phẩm giàu tinh bột, còn thức ăn Thầy bây giờ cữ kiêng đủ thứ. Nhưng tôi tin với óc sáng tạo của tuổi trẻ, các sư em sẽ có khả năng nấu những món ăn phong phú, ngon và lạ mỗi ngày cho Thầy. Tôi theo sát từng đội trong giai đoạn đầu để các sư em khỏi bỡ ngỡ. Còn mình thì lo những buổi ăn khuya khi Thầy ăn ngủ còn bị trái giờ. Thấy sức khỏe Thầy có tăng tiến hơn trước. Chế độ ăn uống theo bác sĩ Hyman rất phù hợp nên Thầy bớt đau nhiều lắm.
Ngày cuối tháng, ở xóm Thượng có tổ chức gói bánh chưng và chợ hoa như mọi năm. Trời mưa nhưng Thầy cũng lên xe đi. Thầy vào cốc Ngồi Yên, uống trà (như những ngày xưa), thiên hạ kéo đến đông nghẹt. Tôi vào chơi với ban biên tập Lá Thư Làng Mai một chút, tội nghiệp, năm nào cũng chạy nước rút cho Lá Thư được trình làng kịp Tết; ghé qua cười với các cô hàng hoa (dân xóm Mới mà) rồi về sớm để mở cửa Phương Khê cho các sư em lo cơm trưa cho Thầy. Nghe kể Thầy đi thăm chợ hoa rồi ghé vào nhà ăn xem thiền sinh gói bánh chưng, mọi người tha hồ chụp hình Thầy nhé.
Coi như một bước tiến nữa trong việc chữa trị của Thầy.
Tháng hai
Thầy lên ở xóm Thượng và tiếp tục ở đó, thậm chí ngày cuối năm cũng không về để xông đất Sơn Cốc. Chúng tôi, ban thị giả nấu ăn, cười với nhau: “Chắc Thầy nhớ hồi đó An cư kiết đông là ở xóm Thượng nên bây giờ Thầy lên xóm Thượng ở rồi”.
Đêm cuối năm, đón Giao thừa xong, tôi gặp bác sĩ Quốc đang ở gite sư cô Định Nghiêm chờ chữa bệnh cho thầy Pháp Đôn. Ông hỏi thăm nên tôi khai bịnh, và thế là đầu năm đầu tháng đã được chữa bịnh. Kỳ này chữa đau hơn lần trước vì bác sĩ chỉnh lại một cái xương sườn của tôi không được thẳng. Nhưng ông chữa bịnh thật tài. Tôi nghĩ bụng: “Đầu năm được chữa bịnh tức là suốt năm được chữa bịnh – không biết hên hay không hên nữa”. Nói vậy thôi chứ hên là cái chắc, nhất là được một bác sĩ giỏi giúp cho mình đỡ đau. Tôi về Phương Khê pha trà, xếp mứt cúng bàn thờ ông bà đầu năm. Hương trầm thơm ngát. Nhà vắng lặng. Tôi khai bút. Lòng bâng khuâng. Một năm nữa qua rồi…
Ngày mồng 1 – Sáng Thầy ra dự lễ đầu năm, Thầy ngồi đó và lòng ai cũng rộn ràng niềm vui. Có hình bóng Thầy có khác. Lễ xong, Thầy về lại cốc, còn chúng xuất sĩ lạy nhau và bói Kiều như mọi năm. Bác sĩ Quốc được mời lên bốc một quẻ Kiều và ai cũng giải là “bác sĩ nên đi tu” làm bác sĩ ngồi cười quá chừng. A, cười đầu năm là nguyên năm hoan hỷ rồi. Tôi cũng lên lạy Bụt, bốc một quẻ và tự giải là “đại cát”. Trên đường vô thăm tăng xá, tôi và sư em Sinh Nghiêm ghé chúc Tết Thầy. Ghé cầu may vì đâu phải cứ ghé là gặp, là được cho vô. Nhưng đúng là đại cát, hai chị em đi xuống mà không gặp thị giả, lại gặp Thầy đang ngồi nhìn ra rừng cây. Thế là được chúc Tết Thầy đầu năm, kể chuyện bói Kiều cho bác sĩ Quốc, chuyện xông đất Phương Khê. Thầy ngồi nghe, gật đầu, cười nhẹ. Trông Thầy bình an đến lạ.
Sau đó, tôi đi thăm phòng quý thầy hào hứng, ăn rất tận tình. Ăn Tết mà. Lâu lâu mới có dịp gặp đủ mọi người. Lúc tính xuống Sơn Hạ thì nghe nói Thầy muốn về lại Sơn Cốc nên tôi vội vàng ra xe đi về trước để… mở cửa. Thầy về, tôi đã kịp đốt trầm, hương thoang thoảng khắp nhà. Thầy ngồi trong phòng ngắm bàn thờ, yên lặng, sau đó ra dùng bữa. Dùng xong, Thầy ngồi trên ghế đu. Có Thầy, thấy nhà ấm áp hẳn ra. Ngày đầu năm, được gặp Thầy như vậy là hạnh phúc quá. Buổi chiều, Thầy ra dấu đi lấy cơm ăn với Thầy nữa. Bạn hiền có thấy quẻ “đại cát” ứng nghiệm không?
Bịnh của Thầy vẫn lúc này lúc khác. Khi rất đau khi lại bớt hẳn, rồi lại đau. Có khi Thầy bỏ cơm cả ngày. Có khi Thầy khỏe, đi thăm tăng xá, xuống Sơn Hạ. Thầy đã dọn lên lại xóm Thượng. Sư cô Chân Không thì đi Mỹ ba tuần. Tôi về lại xóm Mới tham gia sinh hoạt với đại chúng, qua về “chấp tác” ở Sơn Cốc. Dọn phòng để tài liệu, sách lưu trữ. Các sư em xóm Mới qua phụ thay giấy dán tường. Đúng là đông người nên việc gì cũng xong, phục quá đi mất.
Tháng ba
Đầu tháng có khóa tu xuất sĩ hàng năm. Mọi người dọn lên xóm Thượng. Thầy thỉnh thoảng đi vào dự buổi vấn đáp hay nghe các sư con chia sẻ giờ pháp thoại, chỉ ngồi khoảng 20 phút rồi đi ra mà đủ đem hạnh phúc cho mọi người rồi. Có một hôm họp Hội đồng quản trị của UBC (Unified Buddhist Church of United State) bằng skype ở văn phòng xóm Thượng, tôi thưa cho Thầy biết (vì Thầy vẫn là Chủ tịch của hội đồng này mà). Tới giờ không ngờ là Thầy cũng ra dự, dù chỉ đứng ở cửa cho có mặt rồi chào và làm dấu cho thị giả đẩy xe đi. Nghĩa là Thầy trở về với hoạt động ngày cũ rất trách nhiệm đó bạn hiền, đáng nể không?
Giữa tháng, Thầy đi ngang căn nhà đổ nát đằng sau Phương Khê, ra dấu dọn dẹp để làm thiền đường. Thế là ngày nào rảnh, tôi cũng ra cắt bớt mấy bụi gai um tùm. Rồi xin ba xóm lên chấp tác chung được một ngày, dọn sạch cái kho bên hông để làm phòng chứa sách, rồi khiêng cây, dọn dẹp. Căn nhà có từ thế kỷ thứ 19, toàn bằng đá, bây giờ đã đổ nát. Cây dại mọc thành cổ thụ. Có cây vòng theo bức tường đá như hình ảnh của đền Angkor. Không biết dọn tới bao giờ mới xong, nhưng cứ làm thì mới có ngày xong chứ, tôi tự nhủ như vậy. Đại chúng hẹn nhau tới sau Đại giới đàn mới có giờ làm tiếp.
Ngày khai mạc Đại giới đàn Ân Nghĩa, Thầy cũng có mặt. Bạn hiền tưởng tượng coi mọi người mừng đến chừng nào, nhất là các giới tử. Thầy ngồi đó, trang nghiêm, bình an. Thị giả đứng sau cầm hương giúp Thầy trong lúc dâng hương cùng quý Hòa thượng. Ngày truyền giới Tỳ kheo, Thầy đắp y ra ngồi chứng minh. Lâu lắm rồi mới thấy lại hình ảnh Thầy đắp y, tôi xúc động muốn khóc. Thầy đã cố gắng vượt qua những đau đớn, những bất tiện, những mệt nhọc để có mặt đó cho đại chúng. Làm sao học trò Thầy không kính yêu vị ân sư của mình cho được? Ngày khai mạc lễ truyền đăng ở xóm Mới, Thầy cũng xuống, tới trưa Thầy ngồi ăn cơm chung với quý Hòa thượng và Sư bà làm ai cũng hạnh phúc.
Gần cuối tháng có ngày trăng tròn thật sáng. Tôi ngắm trăng, nghĩ tới năm xưa còn là sa di ni, nhận được mấy dòng chữ Thầy fax cho đại chúng xóm Hạ: “I just ordered a beautiful moon for you, enjoy!” (Thầy vừa đặt một ông trăng rất sáng cho các con đó, thưởng thức đi con!). Lúc nào Thầy cũng nhắc học trò đừng bỏ quên giây phút hiện tại và những tuyệt vời của cuộc sống. Sau đó, tôi nghe nói Thầy ở xóm Thượng cũng ngắm trăng với thị giả ở Cốc Ngồi Yên rất vui.
Tháng tư
Tháng này là tháng làm thuế nên tôi hơi bị vất vả, vì thời gian ở Mỹ phải nhờ người ký chi phiếu giúp, giấy tờ tôi lại bị lạc lung tung vì di chuyển nhiều. Nhưng rồi cũng xong, và tôi lại tung tăng ra vườn dọn dẹp tiếp khu nhà đổ nát, làm việc chung với hai sư chú Trời Đại Nghĩa và Trời Đạo Sinh để mướn thợ khởi sự, vì dự tính sẽ làm một phòng cho Thầy ở kế thiền đường. Mỗi lần đi thiền hành là Thầy lại ghé ngang xem “công trình” đến đâu. Có khi Thầy ra dấu cho thị giả đẩy xe vào căn phòng vẫn còn bề bộn gạch đá và ngồi ở đó rất lâu, lắng nghe tiếng chim, tiếng gió, cả tiếng xe chạy ngoài đường.
Đại giới đàn đã xong, ba xóm lại họp nhau lên dọn tiếp cái nhà cũ. Đông người nên tới chiều là phần lớn những gì làm được bằng tay đều đã xong. Hôm sau, thợ tới dọn những phần nặng với máy xúc. Căn nhà gọn hẳn ra. Đúng là sức mạnh của đại chúng. Xóm Mới ở gần nên chia người lên làm thêm mấy buổi. Các sư em này hên quá, không ngờ được chụp hình với Thầy khi Thầy ra thăm “công trình” nên quá hạnh phúc.
Giữa tháng có tang của Hòa thượng Thích Giải Thích, anh của Thầy. Ôn tịch tại Sài Gòn. Ban thị giả thiết lập bàn thờ ở Sơn Cốc đơn giản mà trang nghiêm. Sư em Hạnh Nghĩa và một số sư em ở xóm Mới nấu mâm cúng. Thầy đích thân chỉ bảo phải chọn hình nào, in chữ lớn ra sao,… và mặc áo tràng đứng dự suốt buổi lễ. Sau đó, Thầy ngồi xuống ghế, nhìn bàn thờ lâu lắm, khi đại chúng lạy ba lạy xong Thầy mới về lại Nội viện. Và Thầy im lặng suốt buổi chiều…
Cuối tháng, đại chúng ba xóm lại lên chấp tác rất hoành tráng, thị giả đưa Thầy đi ra đi vô mấy lần xem “công trình”, buổi tối đi ngang qua đống lửa nơi anh em đốt đống cây khô vừa dọn, dừng lại chơi khá lâu. Mọi người ăn măng nướng (măng bẻ ở Phương Khê đó), khoai lùi, rất vui. Vui hơn nữa vì có Thầy tham gia, dù Thầy không ăn được món nào hết.
Tháng năm
Có một cái nhà chỉ cách xóm Mới có một căn muốn bán. Nhà nhỏ, đất cũng nhỏ, nhưng được cái rất gần xóm Mới nên ai cũng muốn mua cho xóm Mới có thêm không gian. Căn nhà được đặt tên là Vườn Hồng, vì có một số cây hồng đang nở hoa. Tôi và Sư Cô đi mua thêm ít cây nữa về trồng cho kịp mùa hè nhà sẽ được sử dụng. Trước nhà có một cái hồ bơi dành cho trẻ em, sâu khoảng nửa thước, không đủ chiều dài để bơi vì chỉ vài sải tay là hết, nhưng có nước nhìn là thấy mát. Hai sư chú Trời Đại Nghĩa và Trời Đại Đồng đã phải bỏ ra nhiều giờ để làm việc với thợ: chùi hồ, lọc nước, bơm nước, v.v. Được voi đòi tiên, có người mơ ước chủ căn nhà sát bên bán luôn để xóm Mới được mở rộng. Ai biết đâu được. Chúng tôi cười với nhau: “Mình thích quá thế nào cũng làm động lòng thổ địa”.
Đại chúng chuẩn bị cho khóa tu 21 ngày sắp tới. Lần này không có Thầy, không biết khóa tu sẽ như thế nào đây? Ban Giáo thọ họp và phân công người phụ trách phần giảng dạy theo chủ đề. Tôi chỉ xin nhận phần vấn đáp vì thời giờ không ổn định, không soạn bài nổi.
Tháng sáu
Tháng này bận rộn với khóa tu 21 ngày và có phần chia sẻ về 50 năm thành lập Dòng tu Tiếp Hiện. Quý cô bác lão thành của Tiếp Hiện Việt Nam (những thành viên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ngày xưa) cũng qua dự khá đông, tóc ai cũng bạc trắng. Tiếp Hiện trên khắp thế giới về tụ họp cũng nhiều. Có cô giáo thọ Cheri Maples làm trong ngành cảnh sát chia sẻ hào hứng nhất vì cô đem chánh niệm dạy cho cảnh sát, cai tù, luật sư, thậm chí cả lực lượng không quân (Air force) cũng mời cô tới dạy. Điều đặc biệt là cô lập được nhiều tăng thân gồm người trẻ và cho họ lập một tòa án nhân dân để giải quyết vấn đề người trẻ phạm luật. Thời gian tù treo của những người phạm luật này cũng sẽ dưới quyền quản lý của những người trẻ. Họ hiểu nhau. Nên sự chuyển hoá xảy ra rất tự nhiên và những người phạm tội không bị ghi vết đen vào hồ sơ. Một hôm, trong khi cô đang cho vấn đáp ở xóm Mới thì Thầy vào thiền đường. Ôi, ai cũng ngạc nhiên và hạnh phúc. Cheri cúi đầu xá Thầy và được Thầy vuốt đầu, sau đó Thầy ngồi nghe một chút rồi bảo thị giả đưa hộp bánh cầm theo cho cô. Bạn hiền thấy Thầy mình “sweet” (ngọt ngào) chưa?
Giữa tháng, tôi xuống Sơn Hạ đem những bức thư pháp của Thầy đã từng triển lãm ở Hồng Kông, Đài Loan về cất ở Sơn Cốc, mới thấy nhu yếu làm thêm chỗ để cất giữ đồ quả thật là quá lớn. May là cái kho đã được khởi sự sửa chữa lại.
Tháng bảy
Tưởng là nhanh mà không nhanh, giấy phép nộp vào xin sửa lại căn nhà bị đổ nát cứ bị trục trặc. Chưa có giấy phép thì không dám làm gì cả, dù sư chú Trời Đại Nghĩa đã liên lạc được thợ tới xem và sắp xếp công việc. Nên “công trình” bị đình lại, máy móc hết đào xới ầm ì. Một ngày kia, Thầy đi dạo quanh vườn, ra dấu hỏi. Tôi giải thích là phải chờ giấy phép và Thầy không chịu, sau đó Thầy ra dấu hủy bỏ công trình xây cất đó. Ôi chao, sư chú Đại Nghĩa vừa bảo tôi là mình vẫn có thể làm khâu chuẩn bị được trong khi chờ giấy phép, và sư chú đã hẹn người tuần sau tới làm. Thôi đành vậy. Thầy bảo hủy công trình nhưng chúng tôi vẫn phải làm tiếp thôi. Nhưng chắc sẽ làm “lén”.
Trong khóa tu mùa hè năm nay, Thầy không ra được với đại chúng mỗi ngày, nhưng ít nhất là mỗi tuần, và mỗi xóm đều có cơ hội được đi thiền hành chung với Thầy. Nghe nói có khi các em nhỏ cũng vây quanh Thầy, có em đến xá rồi tặng quà lên Thầy, dễ thương lắm.
Giữa tháng
Một buổi chiều tôi vừa ăn cơm xong, Thầy đi ngang và làm dấu bảo tôi đi với Thầy, rồi Thầy cầm chặt tay tôi. “Cầm chặt” nghe! Vì cửa ra vào không đủ chỗ cho xe Thầy và tôi qua cùng lần, nhưng Thầy vẫn không buông tay tôi, thế là tôi đi trước rồi xe Thầy đi sau. Sau đó, Thầy làm dấu đi ra vườn. Đi bên Thầy mà nghĩ tới thời gian mới xuất gia được nắm tay Thầy đi thiền hành cùng đại chúng ở bãi biển. Đến căn nhà đổ nát đang sửa sang, Thầy làm dấu muốn vào xem. Tôi “ngộ” ra là Thầy muốn tôi cùng ra coi nhà đó với Thầy, vì sau cái hôm Thầy bảo hủy công trình, tôi… trốn luôn, không biết thợ đã làm được gì. Hôm nay, Thầy nhìn quanh, thấy có tiến triển và có vẻ hài lòng. Vậy là khỏi phải làm “lén” nữa rồi.
Cuối tháng, Thầy qua xóm Mới dùng trưa ngoài xích đu ở Sân Chim với mọi người, ai cũng hạnh phúc. Những thiền sinh dự khóa hè xong chưa về được gặp Thầy, vui quá.
Tháng tám
Tháng tám là tháng đại chúng Làng Mai kéo qua yểm trợ cho khóa tu ở Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB). Ở nhà, mỗi xóm chỉ còn ít người để dọn dẹp, chuẩn bị cho khóa tu mùa thu. Tôi vẫn loanh quanh với công việc thường ngày, chuyện xây cất lại căn nhà đổ và chăm sóc Thầy. Giữa tháng phải bay qua Đức để họp Ban quản trị của UBC vì đa phần người trong Ban quản trị đang ở Đức. Đi có ba ngày, họp hết ngày rưỡi nhưng rất là lợi lạc và kết quả. Bận về, tôi rảnh rỗi nên xin đi xe buýt thay vì bay về. Đi xe về mà khỏe hơn bay vì khỏi phải chờ tới bảy tiếng ở phi trường. Nhà mình chuyên môn đi máy bay rẻ mà, nên giờ bay có tiếng rưỡi nhưng đi mất một ngày.
Về lại Làng, nghe nói Thầy khỏe ra vì có bác sĩ Quốc “đau đâu chữa đó” từ Mỹ tới. Thầy muốn dùng bánh mì (vốn dĩ là món bị cấm ngặt trong danh sách thức ăn kiêng lâu nay), vì ngán thực đơn ăn kiêng quá rồi. Nhìn Thầy ăn mà cũng hạnh phúc lây. Bởi vậy mình lại càng trân quý cái sức khỏe mình đang có được, muốn ăn gì thì ăn, không phải kiêng cữ nhiều quá.
Tháng chín
Đại chúng đi Đức về được nghỉ ngơi. Ban thị giả tự túc nấu ăn nên tôi có cơ hội vào bếp. Làm không mệt lắm nhưng mất hết giờ. Có một ngày trúng vào sinh nhật, tôi nấu ăn đãi nhóm thị giả thay vì mua cây trồng như những năm xưa. Buổi tối ngồi yên ít phút, tự chúc mình thêm tuổi thì thong dong thêm, đủ sức khỏe để tiếp tục phụng sự. Tháng này, Sư Cô bận rộn cho chương trình Giọt Nước Cánh Chim để cứu trợ nạn nhân của Formosa. Thầy ít tập đi, có lẽ thời tiết làm Thầy mệt. Có một hôm đi xóm Hạ, Thầy ở lại đêm. Nghe nói buổi tối các sư em xóm Hạ vào hát với Thầy để Thầy tập hát (tập hát là bước đầu của việc phục hồi ngôn ngữ). Xong các sư em khen là Thầy hát hay, Thầy xua tay, và tự dưng miệng bật ra tiếng: “Thôi được rồi!”. Ai cũng mừng. Nhưng đó chỉ là bộc phát của não phải, chứ không phải Thầy đã nói được như mình mong muốn. Sáng hôm sau, tôi đưa cơm, ghé vào thăm. Thầy làm dấu muốn về lại Sơn Cốc, và lại tiếp tục im lặng như xưa nay.
Cuối tháng, Thầy làm nên kỳ tích: tự tập chân trên giường nguyên đêm tới gần hơn 10 tiếng đồng hồ.
Tháng mười
Sư Cô đã đi Mỹ để dự hội nghị Dreamforce ở San Francisco với một số các thầy và các sư cô. Tôi loay hoay mấy ngày để giúp tổ chức nhưng xin không đi vì sẽ về thăm nhà. Mẹ tôi lớn tuổi, ra vô nhà thương hơi thường xuyên, gần đây lại phải đi đặt cái pacemaker (máy tạo nhịp tim) do bị “chết giả” hết một lần, may lúc đó đang ở trong nhà thương nên bác sĩ khám phá ra được nguyên nhân xỉu lên xỉu xuống của mẹ từ mấy năm nay. Mẹ tôi dọa nếu tôi không về thì sẽ có lúc về không kịp, nên tôi cũng lo. Năm ngoái ở San Francisco, tôi cũng hay tranh thủ lâu lâu chạy về nhà một đêm. Nhưng bịnh già mà, được ngày nào mừng ngày đó chứ đâu tính trước được chuyện gì.
Ngày tiếp nối của Thầy, đại chúng các xóm kéo lên Sơn Cốc hát, tặng quà, đảnh lễ, đi thiền hành. Rồi Thầy dùng cơm chung với hai Hòa thượng Minh Cảnh và Minh Nghĩa trong khi đại chúng ăn picnic ngoài sân. Thầy vui lắm, thời được rất nhiều. Tôi dự xong ngày tiếp nối của Thầy là ra phi trường về lo cho gia đình huyết thống.
Tháng mười một
Tôi trở lại Làng vào giữa tháng. Thời gian ở nhà qua nhanh đến không ngờ. Lần này về, tôi giúp được mẹ tôi chữa ít bệnh do kinh nghiệm chăm sóc Thầy. Lại có Nguyên Hương, cô bạn thân lên thăm nên nhà cũng vui. Ngày tôi đi, mẹ bớt quyến luyến nên tôi cũng nhẹ lòng. Thật ra, ba mẹ tôi yểm trợ cho tôi hết sức, nhất là khi Thầy đang đau, ba tôi còn thưa với Thầy là tôi phải ở lại chăm sóc Thầy khi ba gặp Thầy ở San Francisco năm ngoái. Chỉ vì sức khoẻ mẹ tôi cũng mong manh, 80 tuổi rồi còn gì, nên mẹ muốn tôi về thường xuyên hơn. Trên đường bay về Làng, thấy mắt đau đau, tôi nghĩ là do ham đọc sách. Ai ngờ về tới Pháp thấy mắt bị nhiều triệu chứng lạ bèn lên mạng hỏi Mr. Google. Thì ra là tình trạng lão hóa mắt xảy ra, nào là thấy “ruồi bay” (nên bây giờ hết tin tưởng vào mắt mình khi bắt muỗi được rồi vì có khi là nắm bắt ảo giác), nào là thấy “lóe sáng”. Ngẫm nghĩ mắt mình tới giờ mới đau thì cũng là vừa, vì xài máy tính nhiều quá mà, mắt lại vốn cũng yếu vì phải đeo kính từ mấy chục năm nay.
Trước ngày đi, tôi mua được ít chậu cúc đại đóa đầu mùa để ở Nội viện. Đi một tháng về, thấy cúc đại đóa đầy sân, đầy vườn. Ai cũng biết Thầy thích hoa cúc, nên các xóm đem lên cúng dường quá chừng. Cả cái sân trước như một vườn hoa cúc. Nhưng năm nay, không rõ vì sao cúc ít thắm và lại nở không đẹp, cứ còn búp rồi héo đi hoặc nở bung rồi héo liền, có lẽ vì bị cho thuốc kích thích không đều. Luống hoa cúc đại đóa ở nhà mẹ tôi rất tươi, cắt vào cúng Bụt cả mấy tuần chưa tàn.
Ngày 15/11 – Sáng nay có lễ Đối thú an cư ở xóm Thượng. Thầy lên tham dự và ngồi cho các vị trú trì đối thú. Sau đó, các vị cao niên của các xóm lên thay mặt Thầy để đáp từ. Tôi quỳ xuống đối thú với sư cô đại diện hội đồng trú trì xóm Mới, nghĩ bụng năm nay mình được dự an cư với đại chúng đây. Thầy vẫn bảo “may mắn lắm mình mới được dự ba tháng an cư” và điều đó tôi cảm nhận rất rõ khi hai năm nay tôi đều phải tâm niệm an cư chứ không được an cư với chúng do phải đi theo Thầy. Buổi chiều, tôi cầm chổi quét sân. Mùa thu nên sân lúc nào cũng ngập lá vàng. Lại thêm mưa gió nên đôi khi cái sân nhìn rất dơ và quét rất vất vả. Tôi vừa quét lá vừa ngẫm nghĩ. Năm xưa tôi được học là lá rơi thì cứ rơi mà quét thì cứ quét, nên thong dong chẳng mong chờ cho không còn lá rơi. Năm nay tôi lại có thêm cái thấy là những gì rơi vào tàng thức cũng như lá rơi, ở lâu thì khắng lại thành bùn, mới rơi vào thì chỉ một nhát chổi nhẹ là lên đường ngay.
Ngày 21/11 – Chiều nay có lễ truyền đăng phương trượng ở Sơn Cốc cho Hòa thượng Nguyên Minh. Căn phòng nhỏ, ít người được tham dự nhưng rất trang nghiêm và ấm cúng. Sư Ông trao đèn, trao kệ cho Hòa thượng. Cảm động lắm. “Chức sắc” đại diện cho các xóm đều có mặt. Gặp sư cô Diệu Nghiêm xuống dự, Thầy chỉ tay ra ý lâu quá không xuống thăm Thầy. Xong buổi lễ, Thầy còn ngồi yên nhìn theo mọi người ra về. Thấy Thầy vui, khỏe, tôi xin Thầy cho các em sắp xuất gia được ngồi chung với Thầy một buổi. Thầy gật đầu đồng ý. Được voi đòi tiên (mấy sư em thì bảo là được voi đòi hai bà Trưng), tôi nói “lễ xuất gia xin đẩy xe Thầy đi ngang từng em để Thầy sờ đầu”, Thầy làm dấu ngăn lại, chắc Thầy cần suy nghĩ.
Những ngày cuối tháng, Thầy không khỏe nên nhịn đói, chỉ uống nước. Rồi khỏe đủ để tập đi lên lầu, vào lại phòng ngủ cũ để ngủ một bữa cho vui. Rồi lại đau và muốn đi nhà thương. Vậy chứ khi nào khỏe, Thầy đi ra ngoài gặp mọi người, đố ai biết được Thầy mới vừa bịnh xong… và… sẽ bịnh tiếp.
Tháng mười hai
Ngày 3/12 – Hôm nay Thầy đòi đi Thái Lan quyết liệt. Đang đi thiền hành ngoài trời Thầy bỗng chỉ tay đòi vào nhà gấp, và sau đó làm dấu muốn đi. Thị giả hỏi từng địa điểm thì khi tới Thái Lan Thầy gật đầu, và ra dấu không cần hỏi thêm nữa.
Tôi nghĩ có lẽ trời lạnh quá nên làm cơ thể Thầy, vốn đã yếu, lại càng không khỏe. Thầy lại không thể không ra ngoài để đi thiền hành. Và Thầy biết rất rõ là Thầy cần phải tìm cách để giúp trị liệu cho Thầy khi tình trạng hiện tại có vẻ đứng yên tại chỗ, cứ loanh quanh đau lên đau xuống thì biết bao giờ mới đủ sức để tập vật lý trị liệu.
Thế là tôi “rên” trong nhật ký: có lẽ an cư năm nay lại không được ở yên nữa rồi! Sư cô Định Nghiêm thì rầu rĩ vì bao nhiêu là bác sĩ hẹn tới Pháp vào tháng 12 này để lo cho Thầy. Rồi còn lễ xuất gia sắp tới nữa… Sư cô Chân Không thì lo liên lạc để kiếm cách có máy bay đưa Thầy đi. Thầy trú trì Làng Mai Thái thì vội vã email: “xin cho bên Thái 15 ngày để chuẩn bị”.
Sáu ngày sau, chúng tôi lên đường. Sau bao nhiêu ngày làm việc liên tục, mọi chuyện rồi cũng xong. Sáu thầy thị giả bay trước để chuẩn bị đón Thầy ở Thái Lan. Nhóm còn lại đi chung với Thầy. Chuyến bay dài hơn lần đi Mỹ, nhưng Thầy cũng khỏe hơn rất nhiều nên không có bác sĩ đi cùng. Vé máy bay mua một chiều. Ngày về chưa biết. Thầy đi thì trò đi thôi.
Làng Mai Thái Lan
Thất Nhìn Xa khá yên nên Thầy được nghỉ ngơi không bị quấy rầy, nhưng mọi người cũng khó được lên gần Thầy. Tôi nhớ mới ngày nào tôi đi thăm thất Thầy mà hơi rưng rưng, nghĩ rằng đây chỉ là một biểu tượng chứ không bao giờ thất được đón Người. Vậy mà chuyến đi huyền thoại đã thành. Thầy đang ở đây, với những người con áo nâu mà có người được Thầy sinh ra khi Thầy còn… nằm trên giường bịnh.
Làng Mai Thái đẹp quá, cây cối đã lên cao và xanh ngắt. Nghe tin Thầy về Thái Lan, tăng thân xuất sĩ từ Việt Nam, Hồng Kông, Úc kéo về. Cả những người đang xa chúng vì duyên sự cũng trở về. Ôi là đông vui như ngày hội. Đi đâu cũng gặp người thương.
Căn phòng tôi ở buổi sáng nghe tiếng chim ríu rít, buổi tối thì có một con tắc kè đêm nào cũng kêu. Không biết nó bao lớn nhưng tiếng kêu rất dõng dạc. Dù đang đọc sách hay đánh máy tôi cũng dừng lại để lắng nghe. Thường thường nó kêu liền vài tiếng rồi từ từ nhỏ lại và tắt tị như cái máy bị hết pin. Làng Mai Thái đúng là ở đồng quê, đêm nghe chó sủa, gà gáy (lạ là con gà này không gáy buổi sáng mà 10 giờ khuya mới gáy), bước ra thì có khi gặp rắn trên đường, lá tre xào xạc, rừng lau khỏi đầu. Lúc này vào mùa đu đủ, đi phòng nào cũng thấy vài ba trái. Năm xưa trồng đu đủ vì cây dễ mọc, lại rẻ nên tôi và Hạnh Liên cứ trồng nhiều vào. Bây giờ thì chẳng những đủ mà còn dư. Đu đủ nhà, không thuốc, vừa chín cây, ăn ngọt và ngon ghê lắm, khác xa chừng những trái đu đủ sượng mua ở Pháp. Hôm nào tôi cũng xin thị giả cho một dĩa đu đủ và thấy mình hạnh phúc quá chừng chừng luôn.
Mà nào chỉ có đu đủ, chuối cũng nhiều như vậy, dừa thì mua rất dễ vì cũng trúng mùa. Kỳ này về Thái, tôi thấy mình rất may mắn. Khí hậu thì mát mẻ, gió thổi suốt ngày. Những buổi ngồi thiền ngoài trời trên mảnh sân rộng (mà các sư em ở Thái gọi là “Bãi biển”) nhìn quanh thấy núi bao bọc bỗng có cảm giác an toàn và êm đềm, thấy mình như nhỏ dại lại. Còn vào thiền đường nghe hô canh thì lại nhớ Bát Nhã vì đông người và tiếng đáp lại rất hùng tráng. Lúc chúng tôi mới tới, có khóa tu cho mấy trăm người trong ngành y khoa, người ngồi chật ra tới các hành lang. Chẳng trách nào các sư em ở Thái đang lo vận động tiền để xây một cái thiền đường lớn như thiền đường Cánh Đại Bàng ngày xưa, vì các khóa tu lớn không đủ chỗ để ngồi thiền chung hay nghe pháp thoại.
Thầy về Thái, không những khí hậu dễ chịu mà còn có bác sĩ vật lý trị liệu đến tập thường xuyên, vì họ là thiền sinh đang dự khóa tu. Chúng tôi mừng quá, vì như vậy thì sự tập luyện để phục hồi của Thầy không bị gián đoạn. Giữa tháng có lễ xuất gia Cây Mai Vàng. Thầy ra dự cả buổi lễ làm ai cũng mừng. Trời Pak Chong chiêu đãi khách phương xa nên cho những ngày thật đẹp. Và Thầy đi thăm núi. Những “trái núi” nhỏ như cái đồi, nhưng rất dốc. Tôi đã leo lên đồi An Ban, muốn mỏi chân vì những bục xi măng các thầy làm quá cao. Ngọn núi bên kia Thất Nhìn Xa, chỗ thiền đường Vách Núi, không có thang cấp mà lại dốc vô cùng, tôi phải níu cây hai bên đường mới đi mà không trượt té. Ấy vậy mà có một hôm, nghe tiếng hát vang vang từ trên cao, tôi hỏi thì hay tin Thầy đã lên tới đỉnh núi và đang chơi với các sư em từ Long Thành và Hồng Kông. Thị giả khiêng xe Thầy lên cũng phải vững chân lắm, còn Thầy thì vững tim trong khi người xung quanh ai cũng hồi hộp. Thầy đi chơi núi với các sư em, thoải mái và rất vui. Tôi xin lại cái video clip để xem mà lòng cũng hạnh phúc lây.
Tối 24/12 – Tôi đang làm việc thì các sư em vào nhắn sư cô Định Nghiêm vừa gọi điện thoại bảo Thầy mời lên cốc Thầy ngắm cây “Noel”, nghĩa là cái cây được ban chăm sóc gắn đèn chớp chớp trước cốc Thầy. Kéo nhau lên thấy mọi người đang đứng hát. Thầy chịu chơi, ngồi đó nghe mấy bài xong mới về phòng. Còn tôi đi về, nghĩ tới một buổi Noel rất đơn giản chưa từng có trong lịch sử Làng. Sau mới biết, ở Thái Lan các sư em chỉ ăn mừng tết Tây chứ không ăn Noel như ở Pháp hay Mỹ, vì Làng Mai đi đâu cũng nhập gia tùy tục mà.
25/12 – Tôi và một số thị giả Thầy về Việt Nam để xin visa ba tháng ở Thái Lan. Hôm trước rời Pháp gấp nên chưa kịp đi xin visa ở lâu. Bước chân xuống Sài Gòn tôi bồi hồi, mới đó mà đã bảy năm tôi không hề trở lại. Chuyến đi này có hai ngày rưỡi, nhận visa xong là đi thẳng ra phi trường bay về lại Thái.
Cuối tháng, cuối năm, có khóa tu dành cho những người nồng cốt trong các tăng thân ở Đông Nam Á. Buổi sáng tôi cho vấn đáp, buổi chiều cho tham vấn. Xong việc đi ra gặp ‘Sangha fair’ (Hội chợ tăng thân) rất vui. Chỉ có mấy tăng thân: Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Indonesia, Hồng Kông, nhưng mỗi tăng thân đều bày bàn của mình rất màu sắc, có thức ăn vặt quê hương, có hình ảnh sinh hoạt tăng thân. Bàn của tăng thân Nhật lại có thêm chỗ dạy xếp giấy, gói quà bằng khăn. Bàn của tăng thân Trung Quốc có thêm cây đàn thập lục. Tiếng hát vang vang. Những khuôn mặt rạng rỡ. “Ăn khách” nhất là “gian hàng” cho mượn kimono. Ai cũng thích hóa trang, mượn áo kimono mặc thử, chụp hình. Có một thiền sinh người Nhật vốn theo Thần giáo nên mặc y phục rất nổi bật. Buổi sáng đi nhận giới Tiếp Hiện anh ấy đã mặc bộ y phục cổ truyền này nên buổi chiều nhiều người chạy tới mượn để mặc chụp hình. Tôi đi ngang bắt gặp hình ảnh một sư chú trong bộ đồ Nhật đang cầm cây tre hoa lên như kiếm sĩ Nhật Bản, trong khi một anh Nhật thì xúng xính khăn đóng áo dài. Chao ơi, nghĩ tới ‘Sangha fair’ ở Pháp nhiều tăng thân hơn nhưng không nhiều màu sắc và lắm trò như ở đây. Bên đó chủ yếu là giới thiệu sinh hoạt tăng thân cho thiền sinh biết để tham gia. Còn ở đây thì không có thiền sinh (khóa tu dành cho người nòng cốt mà) mà hơi giống gian hàng triển lãm. Nhưng không gian ngập tràn tình huynh đệ và nụ cười.
Và bạn hiền ơi, tôi cũng kết thúc bài viết này bằng một nụ cười. Hai năm đi theo Thầy từ nhà thương này tới nhà thương kia, từ nước này tới nước nọ. Tôi chứng kiến sự bình phục của Thầy từng ngày. Chậm, nhưng không phải là không có. Thầy vất vả với cơn bịnh, nhưng ý chí của Thầy vẫn mạnh mẽ. Thầy vẫn là người quyết định trong mọi chuyện để sự hồi phục có thể tiến triển nhanh hơn. Tôi có dịp học hỏi thêm về căn bịnh này qua những người đã từng có kinh nghiệm và biết rằng hai năm không phải là dài đủ để mọi sự được như mình mong muốn. Nên lòng càng an, niềm tin càng mạnh. Và xin gởi điều đó đến bạn hiền như lời chúc của năm mới nhé.
Thương quý.
Chân Thoại Nghiêm