Những người con của tôi
Chân Đẳng Nghiêm
Tôi chưa bao giờ muốn có con. Có lẽ vì tôi đã có trách nhiệm làm mẹ đối với em trai từ năm tám tuổi. Mẹ tôi ra chợ buôn bán trước khi chị em tôi thức dậy. Tôi tự đi chợ nấu ăn, tắm rửa cho em và dẫn em đến trường trước khi tôi vào lớp của mình. Mỗi ngày trên đường đi học về tôi dạy em đếm từ 1 đến 40. Có những đêm mẹ tôi về rất khuya nên chị em tôi ôm nhau ngủ cho đỡ sợ.
Mẹ mất tích năm tôi mười hai tuổi. Khi đó bà ngoại từ ngoài quê vào giúp nhưng tôi vẫn là người chịu trách nhiệm chính cho em tôi. Tôi đi họp phụ huynh cho em. Có lần cô giáo báo cho biết là em tôi thường hay đánh nhau với các bạn trong lớp. Khi về nhà, tôi bắt em nằm xuống và đánh em ba roi. Nó khóc thét lên. Bà ngoại xin tôi tha cho em tôi, nhưng tôi nói: “Nó hư lắm. Ngoại để cho con dạy nó”.
Rồi hai chị em tôi được chính phủ Mỹ bảo lãnh theo diện con lai. Sang đến Mỹ, họ tìm cha mẹ nuôi để giúp chăm sóc cho đến khi chúng tôi mười tám tuổi và trở nên tự lập. Vì vài lý do đáng tiếc, chúng tôi đã phải thay đổi năm nhà bảo trợ khác nhau và nhiều khi phải sống xa nhau. Cặp vợ chồng cuối cùng rất thương chúng tôi nhưng họ thấy em tôi thường bị kỷ luật trong trường nên xin cho em tôi được gặp bác sĩ tâm lý trị liệu. Bác sĩ chẩn đoán em tôi “không kiểm soát được cái giận” của mình. Họ quyết định cho em tôi nhập viện điều trị cùng với những người trẻ khác có vấn đề tâm lý và bị nghiện ngập hoặc tham gia băng đảng v.v. Họ đã không hiểu rằng em tôi “không kiểm soát được cái giận” là vì bao nhiêu năm ở Việt Nam, em tôi đã bị nhiều đứa trẻ khác gọi là “Mỹ lai”, đùa giễu và đánh đập hầu như mỗi ngày. Vậy nên khi vào trường học Mỹ và bị các bạn Mỹ gọi là “V.C.” thì em tôi “không kiểm soát được cái giận” và đánh trả lại. Ba má nuôi đã không báo cho tôi biết rằng họ sẽ gởi em tôi đi xa.
Ngày nhập viện em tôi để lại tờ giấy cho tôi: “Em đi nha chị. Em thương chị nhiều!” với hình vẽ miệng mếu với những giọt nước mắt chấm chấm dài. Tôi ngồi bệt xuống trong căn nhà trống trơn, tay cầm tờ giấy mà nước mắt đầm đìa. Sự phẫn uất đã tràn ngập lòng tôi.
Tôi lên đại học trong khi em tôi vẫn còn ở trong trại với những người trẻ khác. Rồi tôi theo học ngành y. Suốt 5 năm, tôi và vài người bạn sinh viên y khoa xung phong vào tù dạy cho các em từ mười ba đến mười bảy tuổi. Hầu hết các em là người Mỹ đen hoặc người Mễ (Mê-hi-cô), thỉnh thoảng cũng có vài em người Cam-pu-chia và Việt Nam phạm tội cướp giật hoặc buôn bán ma túy hoặc tham gia băng đảng gây rối loạn trật tự xã hội. Địa vị và học vấn của chúng tôi chẳng có nghĩa lý gì đối với các em cả. Nhưng dần dần các em cảm nhận được tình thương chân thành của chúng tôi nên đã chú tâm học hỏi và chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời của các em. Những em “ma mới” gặp chúng tôi lần đầu tiên thường hay nhìn chúng tôi từ trên xuống dưới với cặp mắt đe dọa và nói lời cợt nhã. Các em “ma cũ” liền bảo chúng: “Họ là đàn anh đàn chị. Hãy đối xử đúng phép với họ!” (They are O.Gs. [original gangsters]. Show them some respect!).
Khi vào tu, tôi cố ý tránh không tham dự các nhóm người trẻ vì họ làm tôi nhớ lại những thương tích của cuộc đời mình. Một hôm Thầy bảo tôi: “Con tu học cho có hạnh phúc và con sẽ giúp được rất nhiều người trẻ”. Lời nhắn nhủ của Thầy đã trở thành như một lời thọ ký. Càng tu tập, càng có nhiều niềm vui và sự nhẹ nhàng, tôi càng thấy gần gũi với người trẻ. Họ đến với tôi một cách tự nhiên, thân thiện. Ngay cả cái tên “Sister Đ” thông dụng của tôi cũng đã được một em trai bảy tuổi cho. Lần đầu tiên gặp tôi, em hỏi: “What’s your name?” (Tên sư cô là gì?). Tôi trả lời: “Sư cô Đẳng Nghiêm.” Em nhìn tôi trân trân một hồi rồi nói: “Sister Đ. Tên của sư cô là Sister Đ”.
Hơn mười sáu năm qua, nhiều em thiếu nhi và thiếu niên tôi chăm sóc nay đã trở thành thanh niên và chúng tôi đã có biết bao kỷ niệm đẹp với nhau. Mỗi lần gặp lại, các em dang rộng cánh tay để thiền ôm với tôi. Nhiều em bây giờ đã to cao hơn tôi làm tôi cảm thấy mình trở nên bé nhỏ. Em Sarah tóc đỏ hoe, da mặt trắng bóc lốm đốm tàn nhang và rất gầy khi em sinh hoạt trong các nhóm Teens do tôi hướng dẫn ở tu viện Lộc Uyển. Sau vài năm không gặp, em đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Em sà vào lòng tôi rồi kể cho tôi nghe những gì em đã đi qua. Em thỏ thẻ nói: “Sư cô là người mẹ tâm linh của con”.
Ngay cả các em trai bây giờ lớn tồng ngồng rồi cũng dang tay đợi được thiền ôm. Tôi do dự nhưng tôi biết các em sẽ buồn hoặc cảm thấy hụt hẫng nếu tôi chỉ xá chào. Có lần tôi đang đi vào nhà bếp của tu viện Bích Nham thì thấy Frank đang lau nhà một cách từ tốn, khoan thai. Khi thấy tôi, em dừng lại với cây lau nhà dựng đứng trong tay. Rồi em nói: “Con có thể gọi sư cô là Mẹ được không?”. Trời đất, một anh chàng đẹp trai tự nhiên muốn gọi tôi là “Mẹ”! Tôi thật sự không biết đó là tin vui hay tin buồn nữa. Trước khi Frank rời tu viện, em để lại một bức thư cho quý sư cô. Em nói rằng từ lâu em chỉ nhìn phụ nữ như những đối tượng tình dục. Trong thời gian sống ở tu viện, em cảm thấy rất kính phục và ngưỡng mộ quý sư cô. Từ đó em học nhìn phụ nữ như những người chị, người em, người mẹ của mình và em rất biết ơn quý sư cô đã giúp cho em có được cái thấy này.
Rồi cách đây không lâu, một người phụ nữ xin đại chúng cho cô và đứa con mười hai tuổi bị mù của cô được ở lại tu học ba tháng. Trong một buổi thiền trà cô nói lên lời biết ơn chân tình đối với đại chúng xuất sĩ. Sau đó, cô gặp tôi trong nhà ăn và nói: “Tôi muốn cảm ơn riêng sư cô. Tôi biết sư cô nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều nhưng…” Tôi được biết cô ta 39 tuổi nên tôi cắt ngang: “Tôi lớn tuổi hơn cô chứ”. Cô mừng rỡ hớn hở nói tiếp: “Vậy tôi có thể gọi sư cô là Mẹ được không?” Tôi liền đáp: “Không, không, tôi chưa sẵn sàng làm bà ngoại của cháu Levi!”. Cô nói: “Cả hai chúng tôi đều có thể gọi sư cô là Mẹ”!!!
Trong một khóa tu vào dịp lễ Giáng Sinh tại tu viện Mộc Lan, một em trai mười bốn tuổi đến xin tham vấn với tôi. Nét mặt của em khôi ngô nhưng nhìn em bơ phờ như mất hồn. Tôi phải hỏi em từng câu từng câu một và em cũng chỉ có thể trả lời vài chữ, vài chữ một. Em đã bị người cha ruột nghiện ngập ma túy của mình lạm dụng tình dục từ khi em năm tuổi. Kian hỏi tôi: “Có phải việc này làm cho con không chú tâm được vào việc học của con?”. Tôi khuyên mẹ của em nên cho em về tu viện trong thời gian nghỉ hè. Mẹ của em đơn thân nuôi em và mới dọn qua tiểu bang khác để tìm một môi trường lành mạnh hơn cho em, nên đại chúng đã từ bi cho phép một mình em về tu viện và không phải đóng lệ phí.
Em thường làm thinh, cúi đầu không dám nhìn vào mắt ai. Khi đi, em nhón nhón trên các ngón chân thay vì đi trên bàn chân làm tôi liên tưởng tới một cái bong bóng bay lơ lửng gần mặt đất và thỉnh thoảng chỉ chấm đất với sợi dây buộc bong bóng. Một đêm khi tôi sắp sửa ngủ thì bất thình lình nghe tiếng la hét kinh hoàng. Tôi chỉ kịp khoác thêm áo lạnh, ra đến cửa thì thấy Kian đang rú lên, tay chân quờ quạng trong màn đêm và các sư cô trẻ thì đứng nhìn một cách lo sợ, không biết phải làm gì. Tôi lập tức đến ôm em chặt vào lòng. “Không sao đâu con, có Sister Đ. đây”. Chỉ vậy thôi là em đã dừng la hét và nhìn xung quanh như không biết mình đang ở đâu. Tôi dìu em ngồi xuống. Chân em cứng đơ không nhúc nhích hay co duỗi được. “Thở đi con, trở về với hơi thở vào và hơi thở ra của mình. Con đang được bảo vệ an toàn, không có gì phải sợ hãi….”. Cứ như thế tôi làm thiền hướng dẫn cho em ngay trước cửa ni xá. Một lúc sau hai thầy đến và em ngoan ngoãn theo quý thầy về lại khu cư xá của mình.
Một lần khác tôi làm thiền hướng dẫn cho em trong thiền đường Hải Triều Lên. Sau khi em qua được cơn khủng hoảng, tôi bảo em đi mang dép và gặp tôi trước thiền đường. Chờ hoài không thấy em nên tôi đi vô phía để giày của quý thầy. Em đang nằm trên sàn nhà, hai chân quơ trên trời và hai tay đang cố gắng xỏ giày vào. Tôi nhìn em và em nhìn tôi thật thảm hại. Bất chợt tôi cười phá lên: “Trời ơi, con biết không, con nhìn giống như con ve đang chổng chân lên trời!”. Em cười gượng gạo nhưng thấy bớt căng thẳng. Tôi cúi xuống giúp em ngồi dậy và mang giày vào. Nương vào tôi em đi như một ông già run rẩy, lòm khòm và một lúc sau thì bước chân của em vững vàng hơn để em có thể tự đi.
Có lần trong chuyến đi Việt Wake Up, tôi cảm nhận một em trong ban tổ chức có vẻ im lặng và rút lại so với năm trước. Tôi sắp xếp một chút giờ để ngồi riêng với em. Tôi nói: “Sư cô thấy mắt của con có vẻ buồn buồn. Con có muốn chia sẻ với sư cô không?”. Thế là nước mắt em chảy giàn giụa và em kể hết cho tôi nghe những lo âu trong lòng em. Sau đó em trở nên hoạt bát hẳn lên. Ngày cuối cùng của khóa tu, em xin tôi tìm cách cho người em bạn dì của em tham vấn. Em bày cách cho tôi: “Sư cô cứ nói với cousin của con là: ‘Sư cô thấy mắt của con có vẻ buồn buồn’ để em ấy mở lòng ra chia sẻ với sư cô”. Tôi phì cười vì em đã dùng cái chiêu của tôi để cố vấn cho tôi!
Cũng trong một chuyến đi Việt Wake Up khác, tôi để ý thấy em gái đến đón chúng tôi tại phi trường rất xinh đẹp nhưng mang nhiều son phấn. Chúng tôi trở nên thân quen với nhau trong những ngày chuẩn bị khóa tu cho thanh niên người Canada gốc Việt. Trên đường đi ra lại phi trường, tôi khen em rất đẹp và nhẹ nhàng khuyên bảo em nên trân quý hình hài của mình như nó đang là. Em có thể dùng phấn son vì em thích làm chảnh một chút, không nên vì em không chấp nhận được khuôn mặt của mình. Đó là từ bỏ chính mình và những gì cha mẹ tổ tiên đã trao truyền cho mình. Em có vẻ bối rối và mắc cỡ khi lắng nghe tôi. Nhưng sau đó em đã xin về tu viện để tu học suốt một năm. Trong một buổi thuyết trình Năm giới cho các bạn trẻ Mỹ, em kể lại những lời tôi đã chia sẻ với em trong xe hơi năm trước. Rồi em nói: “Từ hôm đó tôi không dùng phấn son nữa. Lúc đầu thì tôi thấy da mặt của mình trắng bạch, đầy mụn và lỗ chỗ thật xấu xí. Nhưng từ từ da của tôi trở nên hồng hào hơn và mịn màng hơn vì nó có thể thở dễ dàng mà không bị lớp kem phấn phủ lên. Một hôm khi nhìn mình trong gương, bất giác tôi thấy mình quá ư xinh đẹp! Tôi lấy tay chạm vào mắt và nói: “Mắt của tôi rất đẹp. Rồi tôi nói: Mũi của tôi rất đẹp. Miệng của tôi cũng rất đẹp…”. Nước mắt em chảy dài trong khi em sống lại những giây phút thiêng liêng đó và nhiều bạn trẻ trong thính chúng cũng đã khóc theo.
Những năm qua tôi cũng đã học thương quý hình hài và cuộc đời của mình như đứa con của chính mình. Khi cơn đau nhức ập đến, tôi học dừng lại mọi tư duy và hành động để có mặt thật sự cho hình hài và cho nỗi đau: “Có tôi đây. Tôi thương em thật nhiều”. Tôi có thói quen thường mộng mơ và nắm bắt những đối tượng bên ngoài. Nhìn trăng tôi thấy bóng dáng người tôi thương. Nhìn hoa tôi thấy bóng dáng người tôi thương. Nhìn tô bún tôi thấy bóng dáng người tôi thương… Tôi nghĩ rằng nếu tôi mất đi đối tượng ấy, tôi sẽ mất hết tất cả. Sự tu học giúp tôi dần dần có khả năng an trú trong hiện tại với những cái đang có mặt để tôi có thể nhìn trăng thấy trăng, nhìn hoa thấy hoa, nhìn tô bún thì… ăn ngon lành! Khi tôi buông bỏ được những tri giác sai lầm và vướng mắc, tôi còn lại tất cả.
Tôi chưa bao giờ hối tiếc mình đã đi tu dù tôi gặp phải nhiều khó khăn chướng ngại trên đường tu. Tôi thấy tôi là một người tu có hạnh phúc vì tôi chuyển hóa trị liệu được khổ đau của tôi và của tổ tiên trong tôi. Tôi là một người tu hạnh phúc vì tôi phát huy được khả năng thương yêu và khả năng tiếp nhận tình thương. Tôi thường nhớ nghĩ về người Thầy khả kính của chúng tôi với niềm biết ơn sâu đậm. Mỗi khi lạy xuống tôi thấy hàng vạn người tu trong tấm y vàng cũng đang lạy xuống, bao quanh tôi là những sư chị, sư em và cũng là những Ni trưởng Kiều Đàm Di, những người Mẹ của tôi. Đầu tôi chạm đất với tâm niệm: trong con có Bụt, có Thầy. Tay phải tôi mở ra với tâm niệm: con có cha. Tay trái tôi mở ra: con có mẹ. Rồi tôi buông xuống cả hình hài vào lòng đất Mẹ. “Thấy được trong con luôn có Mẹ Thấy con trong Mẹ cả muôn đời.” (Bài kinh Ca tụng Đất Mẹ của Sư Ông Làng Mai)
Tu viện Mộc Lan Ngày 09 tháng 12 năm 2016