Như gặp lại ngàn xưa (phần I)
Thích Nguyên Tịnh
Bạn hiền thương,
Sự kiện gì trong năm nay có ý nghĩa nhất đối với tôi? Nếu bạn hỏi tôi như vậy, tôi sẽ không một chút nghĩ suy mà trả lời ngay rằng, đó là chuyện tôi được cơ hội thị giả Thầy, cũng có nghĩa là tôi tìm ra được tôi và tìm ra được bạn thật rõ ràng.
Vậy là đã mười tháng tôi được ở bên Thầy. Mỗi ngày là một kỷ niệm. Mỗi ngày là một bài thơ, một bài pháp thoại mà sự hiện hữu của Thầy đã trao truyền cho tâm linh tôi. Những dòng chữ này tôi lấy ra từ sổ công phu, là món quà đẹp nhất tôi muốn gởi đến bạn.
Mưa tuổi thơ
Đó là một buổi chiều có nắng vào mùa hè. Tôi cùng sư em Pháp Mạch đưa Thầy ra nằm chơi trên xích đu dưới ba cội tùng. Thầy thích không gian nơi này lắm. Ba cội tùng này được Thầy trồng đã gần bốn mươi năm, trước lúc Thầy nhận đệ tử xuất sĩ. Màu xanh quanh năm phủ kín một khoảng vườn, cội tùng bây giờ đã lớn hai người ôm không xuể. Những hôm trời nắng ấm, Thầy thường ra nằm chơi và ngắm những mảng trời xanh với vài cụm mây trắng xuyên qua tán tùng. Tôi thường ngồi dưới chân Thầy xoa bóp, rồi kể một chuyện gì đó của Thầy ngày xưa mà tôi biết, hoặc ngâm một vài bài thơ mà tôi thuộc, khi thì Thoát hình của Vũ Hoàng Chương, khi thì Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, hay Mây trắng thong dong, Duy thị nhất tâm của Thầy. Có lúc tôi còn cảm hứng hát cho Thầy nghe vài đoạn nhạc của Phạm Duy như Quê nghèo, Tình ca, Tiếng hát to, hay Giọt mưa trên lá nữa. Thầy đặc biệt thích nghe bài thơ Bướm bay vườn cải hoa vàng, và tôi đã ngâm nhiều lần, lần nào Thầy cũng lắng nghe thật yên, và sau đó thường ôm tôi vào lòng. Tôi trân quý những phút giây ấy như là phút giây cuối cùng tôi được sống.
Chiều hôm đó Thầy nằm trên xích đu, một lúc sau thì mây đen kéo về nhưng trời vẫn còn sáng tỏ. Phương Khê yên ắng lắm. Tiếng gió thổi qua cội tùng, những chiếc lá bạch dương ve vẩy, tiếng chim hót vang ẩn sau cành lá đã không làm cho nơi đây bớt vẻ yên lành, trái lại còn khiến cho sự tĩnh lặng và thanh bình thêm rõ ràng. Thầy mở mắt nhìn quanh và thưởng thức sự sống. Tôi đã đọc Nẻo về của ý nhiều lần, và biết rằng Thầy rất thích những buổi trưa lặng gió, hay những trận mưa đầu mùa lúc còn bé thơ. Tôi ngồi yên nhìn Thầy, một lúc sau tôi thưa với Thầy: “Thầy ơi, con nhớ Thầy đã rất thích những buổi trưa lặng gió, Thầy đã rất thích những trận mưa đầu mùa lúc còn nhỏ”. Thầy nhìn tôi, gật đầu. Tôi kể lại những kỷ niệm đó cho Thầy nghe. Sau đó, Thầy gật đầu đồng ý để cho tôi mở sách Nẻo về của ý đọc cho Thầy nghe đoạn nói đến những cơn mưa tuổi thơ mà Thầy đã viết lại.
“Từ hồi còn bé thơ, tôi đã bị những trận mưa đầu mùa quyến rũ rồi. Hồi đó tôi còn ở đồng quê. Tiếng sấm động. Trời sa sầm xuống thấp. Những giọt nước to nặng đầu tiên rơi lộp độp trên mái ngói. Vài ngọn gió thổi tới đập các cánh cửa sổ ầm ầm. Tôi đã bị kích động ngay sau những hiện tượng đó. Thật giống như prélude của một bản hùng ca vĩ đại. Thế rồi sau một tiếng sấm long trời lở đất, mưa trút xuống rào rào như thác đổ.
Những lúc như thế, đố mà tôi ngồi yên cho được. Tôi phải chạy ra, vén màn, dán mắt vào cửa kính. Những đọt cau xa oằn oại. Trong lúc trời đất thét gào. Vũ trụ rung chuyển. Những chiếc lá to bị gió hắt mạnh vào cửa sổ và vách tường. Nước trút xuống ào ào và chảy ồ ồ ngoài sân, trước rãnh. Trong màn mưa bạc, có những con chim quật cánh chống lại với gió với mưa. Trong bản hùng ca đó, tôi cảm nghe thấy rõ rệt tiếng gọi của hồn vũ trụ. Tôi muốn trở thành một đọt cau hay một cây nghiêng ngả oằn oại trong mưa. Tôi muốn trở thành một con chim bay quằn quại giữa trời để chịu đựng sức mưa sức gió. Tôi muốn chạy ra giữa mưa mà hét, mà múa mà quay cuồng, mà cười, mà khóc. Nhưng mà tôi không dám. Bởi vì tôi sợ mẹ tôi mắng.
Trong tiếng ào ạt rạt rào của mưa và gió, tôi ráng lấy tất cả gân cổ hát một bài. Dù tôi có hét to đến mấy người ta cũng không nghe được, bởi vì bản nhạc long trời lở đất đã lấn át hết. Trong khi tôi hát như thế, mắt tôi vẫn không rời cảnh tượng hùng vĩ của trời mưa, thần trí tôi như bị hút vào cảnh tượng hùng vĩ của trời mưa, và tôi cảm thấy tôi được hòa mình vào trong bản hòa tấu vĩ đại. Tôi thấy dễ chịu. Tôi hát bài hát này rồi bài khác. Sau đó, trời tạnh, hơi đột ngột. Tôi cũng dừng tiếng hát. Thần kinh tôi êm dịu lại và tôi nhận ra rằng trên mi tôi còn đọng một vài giọt nước mắt“.
Thầy lắng nghe với đôi mắt sáng, với những cái gật đầu nhẹ nhàng và với nụ cười đầy chất liệu hồn nhiên của một em bé. Thế rồi, tiếng sấm vang khắp Phương Khê. Thầy đưa mắt ra hiệu. Những giọt mưa đầu tiên rơi xuống. Tôi thưa: “Thầy ơi, mưa rồi, thầy trò mình vô nhà thôi”. Thầy cười và lắc đầu, đưa tay ra hứng những giọt mưa nhỏ. Những giọt mưa chạm vào lòng bàn tay khiến Thầy cười vui hơn. “Hay là Thầy muốn tắm mưa?”, tôi thưa với cái giọng cũng đầy phấn khích. Lần này Thầy cười thành tiếng, gật gật đầu ra vẻ đồng ý lắm. Nói vậy thôi chứ anh em thị giả chúng tôi làm sao lại để Thầy tắm mưa được, Thầy sẽ bị cảm liền. Chúng tôi đỡ Thầy ngồi dậy, đưa Thầy qua xe lăn và đẩy Thầy vào nhà. Hơi đất bắt đầu xông lên. Chúng tôi đẩy như chạy. Thầy đưa tay ra hứng mưa. Tiếng cười của thầy trò vang cả một khoảng trời Phương Khê…
Bàn chân Thầy
Chúng tôi có thật nhiều chuyện vui trong thời gian ở bên Thầy. Có lần đang đỡ Thầy đi, được vài bước, Thầy chỉ xuống chân. Hai anh em thị giả chúng tôi chưng hửng nhận ra đã mang nhầm chiếc giày phải qua chân trái và chiếc giày trái qua chân phải của Thầy. Bỗng nhiên hai anh em tôi cười lớn, Thầy cũng cười, rồi để chúng tôi đổi giày lại trước khi tiếp tục tập đi. Mà đó đâu phải là chuyện duy nhất liên quan đến giày dép.
Một hôm, Thầy ngồi trên giường, thầy Pháp Ngôn mang giày cho Thầy. Thầy Đồng Trí lúc đó đang đỡ phía trên. Mang một lúc, Pháp Ngôn mới nhận ra là chiếc giày đã ôm trọn bàn chân trái của sư anh mình. Thì ra là trong lúc mang giày, vì lúng túng thế nào đó, thay vì mang vào chân Thầy thì Pháp Ngôn lại nắm bàn chân sư anh mình lên mà mang giày. Đồng Trí cũng nghịch, im lặng không nói gì dù trong bụng đã buồn cười lắm rồi. Mang giày xong, Pháp Ngôn thấy bàn chân Thầy nhúc nhích nghịch nghịch một kiểu lạ lùng lắm, nhìn lại thì mới tá hỏa nhận ra mình mang nhầm. Bất chợt, cả hai anh em phá lên cười, cười không nhịn được, ôm bụng mà cười vang cả phòng Thầy. Thầy nhìn hai thị giả không biết chuyện gì xảy ra cho đến lúc hai anh em nhịn được cười và giải thích cho Thầy nghe. Thị giả Thầy, chúng tôi từ từ đã cảm nhận một cách rõ ràng sự có mặt của năm uẩn Thầy nơi năm uẩn chúng tôi. Chúng tôi đã đi, đã nói, đã uống trà, đã thưởng thức những chiếc lá vàng mùa thu, đã ngồi ngắm hoa quỳnh nở với sự hiện hữu của Thầy trong năm uẩn chúng tôi. Chúng tôi đã nhìn thấy sự tiếp nối.
Con sẽ tự khắc thấy Thầy ngay
Thầy ở lại chơi với các con của Thầy ở xóm Hạ. Đó mà một đêm có ánh trăng hạ tuần chiếu ngang qua cửa sổ phòng Hoa Cau. Quý sư cô ai cũng bất ngờ và rất hạnh phúc với quyết định của Thầy. Xóm Hạ cũng như xóm Mới, hay xóm Thượng, nơi nào không gian cũng mênh mông và đầy năng lượng tâm linh an lành.
Thầy ra hiệu cho anh em thị giả chúng tôi đẩy xe Thầy qua phòng sinh hoạt chung của xuất sĩ xóm Hạ. Không khí thật ấm áp. Thầy ngồi uống trà, và mời tất cả những đứa con Thầy ngồi xung quanh. Thấy chỗ ngồi có vẻ chật, Thầy dạy chúng tôi đẩy xe lăn lui lại một chút cho đủ chỗ. Cái cách Thầy đưa tay và đưa ánh mắt mời các con Thầy ngồi xung quanh quả đã biểu hiện được tất cả tình thương của một người thầy dành cho đệ tử. Anh chị em chúng tôi rất trân quý những giây phút mầu nhiệm ấy. Tôi đứng đó, chứng kiến những gì đang diễn ra đầy đủ tình thầy trò và chợt nhớ đến câu nói mà rất nhiều lần Thầy nhắc trong pháp thoại. Thầy nói Thầy còn trẻ lắm, Thầy còn chịu chơi lắm! Bây giờ, tôi thấy, chưa bao giờ Thầy đánh mất sự liên hệ với người trẻ.
Các sư con ngồi xung quanh và cùng hát với Thầy. Thầy vẫn còn trẻ lắm. Thầy vẫn còn chịu chơi lắm. Thầy đã hát thành tiếng, và trên khuôn mặt luôn giữ một nụ cười bình lặng. Thầy đã cùng chúng tôi hát đi hát lại nhiều lần bài Cẩn trọng:
Thầy hát cùng chúng tôi bằng cả trái tim. Thầy rất thích nghe các con của Thầy hát bài này. Bài thơ ấy cũng hàm chứa một sự thực tập rất sâu sắc mà Thầy muốn nhắn nhủ. Đêm nay, giữa khung cảnh ấm tình này, Thầy đã hát và phát âm rõ ràng nhiều từ. Các con của Thầy vui quá, xúc động quá, nhiều sư em đã vừa hát vừa đưa tay lên quẹt những giọt nước mắt không ngăn được. Mà thật sự không ai cần phải cố gắng ngăn cản những giọt nước mắt hạnh phúc ấy. Các anh chị em đã nói lên niềm vui khi nghe được những từ Thầy phát âm tròn chữ trong bài hát. Thầy có vẻ hơi ngại khi các sư con khen nhiều quá, nên đã vừa cười vừa nói: “Thôi, được rồi!”. Thầy còn nói thêm mấy câu nữa, nhưng do vừa nói vừa cười thành tiếng nên chúng tôi không nghe rõ. Tâm linh anh chị em chúng tôi ai cũng bị chấn động bởi những từ Thầy nói. Nhiều người trong số chúng tôi chưa từng nghe Thầy nói lại một từ nào kể từ ngày Thầy bệnh. Thầy đưa tay chỉ tới phía trước. Mọi người nhìn theo hướng ánh mắt Thầy. Sư em Trăng Non Cao đang vừa cười vừa đưa tay thấm những giọt nước mắt. Không phải một mình sư em xúc động. Nhiều người đã khóc. Thầy cũng xúc động và ánh mắt Thầy tràn đầy tình thương. Chúng tôi tìm thấy bóng dáng Thầy nơi thâm sâu năm uẩn của chúng tôi. Trở về và yên lại, chúng tôi tức khắc được thấy bóng dáng Thầy hiển hiện. Tôi mãi mãi tin lời Thầy: