Nhà bếp cũng là thiền đường
Chân Diệu Nghiêm
Sư cô Diệu Nghiêm (thường được biết đến là sư cô Jina), người Ái Nhĩ Lan, quốc tịch Hà Lan, xuất gia trong truyền thống Thiền Tào Động ở Nhật Bản năm 1985. Sư cô được thọ giới lớn và được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 1992. Là một sư chị lớn trong tăng thân, sư cô luôn nuôi dưỡng các sư em bằng sự tươi mát, vững chãi và tình thương đầy bao dung của mình. Sư cô hiện đang tu tập tại xóm Hạ, Làng Mai.
Tôi xin chia sẻ kỷ niệm về một mùa An cư kiết đông trong những năm đầu của Làng Mai. Một trải nghiệm đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng cho tới ngày hôm nay. Tôi nhớ đó là mùa đông năm 1991. Năm đó, Thầy thường hay cho pháp thoại trong nhà ăn, cái nhà ăn cũ của xóm Hạ.
Chắc có vài vị cũng biết nhà ăn đó như thế nào. Nhà ăn có một lò củi lớn và Thầy thường ngồi sau bàn gần cái lò củi đó, còn chúng tôi thì ngồi trên những hàng ghế đối diện với Thầy.
Hồi đó, chúng tôi phải nấu ăn trong một góc của nhà ăn; cắt gọt trên một cái quầy có bồn rửa bát, còn bếp lò thì ở phía sau. Phòng ăn không rộng lắm, và điều đặc biệt là chúng tôi phải nấu ăn trong lúc Thầy đang cho pháp thoại.
Hồi đó, đội nấu ăn có rất ít người và đội của tôi thì gồm có hai người là tôi và… tôi. Hôm ấy, chúng tôi phải nấu ăn cho ngày quán niệm, có tất cả là 45 người. Đó thật là một thách thức cho một đội chưa bao giờ từng nấu ăn cho quá sáu người.
Thầy đang giảng trước phòng ăn, còn tôi thì đang ở trong góc, cắt gọt và nấu nướng trên bếp. Tôi phải làm việc thật yên lặng để không làm phiền Thầy. Và phải thật sự có mặt với công việc mình đang làm: cắt gọt, thở, rửa bát và… rửa nồi. Chuyện khó nhất là tôi phải đi từ cái góc bếp tới chỗ rửa nồi ở phòng kế bên, nghĩa là… phải đi ngang qua Thầy!
Tôi bê cái nồi, đi một cách thật chánh niệm, ý thức từng bước chân và hơi thở của mình để đi sang phòng kế bên rửa nồi. Phòng này không có cửa ngăn nên từ nhà ăn người ta có thể nghe được hết những gì đang xảy ra bên này. Rửa nồi xong tôi đi trở về và tiếp tục nấu ăn.
Bầu không khí thật nhẹ nhàng và tôi có mặt hoàn toàn với công việc mình đang làm. Sau buổi pháp thoại, Thầy đi thẳng tới cái quầy tôi đang nấu ăn và nói: “Sư cô Jina là một đầu bếp giỏi!”. Tôi nhìn Thầy ngạc nhiên. Thầy chưa từng thử món ăn tôi nấu bao giờ, làm sao Thầy biết tôi là đầu bếp giỏi hay không? Thầy cười thật tươi với tôi và tôi hiểu ngay. Tôi biết rồi! Thầy không ám chỉ mùi vị của những món ăn tôi nấu mà Thầy muốn nói tới cách thức tôi nấu ăn và đi đứng.
Tuy đó không phải là ngày duy nhất mà tôi nấu ăn nhưng là ngày nấu ăn duy nhất mà tôi còn nhớ. Nấu ăn với sự có mặt của Thầy, tôi cảm thấy mình không nấu ăn một mình. Tôi ý thức sự có mặt của Thầy và được lợi lạc từ năng lượng chánh niệm của Thầy. Đó là một trải nghiệm thật tuyệt vời!
Lúc tôi xao lãng, gây tiếng động trong khi đi đứng thì tôi nhớ lại buổi nấu ăn hôm ấy. Đó là một tiếng chuông chánh niệm, giúp tôi đem tâm trở về với thân để có thể ý thức hơn về từng cử động của mình.
Thầy có mặt nơi nào là nơi đó năng lượng chánh niệm có mặt. Tôi nhớ có lần vào khoảng năm 1996 hay năm 1997, tất cả các sư cô về sống chung với nhau ở xóm Mới. Và thỉnh thoảng Thầy có đến ăn cơm với chúng tôi. Một hôm, khi đi vào phòng ăn, bỗng nhiên tôi cảm nhận trong phòng ăn có một năng lượng rất đặc biệt. Khi các sư cô từ những hướng khác nhau đi đến phòng ăn, ai cũng mở cửa và đóng cửa trong chánh niệm. Mọi người đều ăn và đi đứng có chánh niệm, một cách đặc biệt. Tôi dừng lại, nhìn chung quanh và thấy Thầy đang dùng cơm trưa ở một góc phòng ăn. Buổi chiều, tôi chia sẻ điều đó với Thầy, Thầy hỏi: “Sư cô nghĩ gì về điều này?”. Tôi không trả lời Thầy nhưng để thì giờ quán chiếu về điều đó.
Sự có mặt của Thầy làm phẩm chất chánh niệm trong tôi tăng lên. Tôi nghiệm ra rằng: nếu sự hiện diện của Thầy giúp cho tôi có mặt nhiều hơn trong những công việc mình đang làm thì tại sao tôi không mời Thầy về trong khi mình đi tới thiền đường mỗi buổi sáng, trong khi mình ăn cơm trưa hay trong khi mình ngồi thiền? Như vậy thì bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể thừa hưởng được năng lượng chánh niệm từ sự có mặt của Thầy.