Lòng hôm ấy sẽ là lòng muôn thuở
Anh Chân Văn và chị Chân Huyền được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 2003. Anh chị đã cùng với tăng thân Montreal, Canada thành lập Làng Cây Phong từ năm 1985, và hiện đang là thành viên nòng cốt của tăng thân xóm Dừa tại Nam California. Trong khóa tu 21 ngày tại Làng Mai năm qua, BBT có cơ hội được ngồi chơi và nghe anh chị chia sẻ những kỷ niệm với Sư Ông và những ảnh hưởng của Sư Ông đến cuộc đời của anh chị. BBT xin được trích đăng dưới đây.
Thầy đã giúp cho tôi thay đổi
Anh Chân Văn: Rất khó để nói trong cuộc đời có một người nào đó ảnh hưởng đến mình, làm cho mình thay đổi. Một trong những điều quan trọng nhất tôi trực tiếp nhận từ Thầy là qua Thầy tôi mới bắt đầu hiểu đạo Bụt. Trước đó, tôi đã học về Phật giáo, tự học cũng như học ở chùa, ở đại học, nhưng đến khi gặp Thầy thì tôi nhận ra rằng: Ồ, thì ra Phật giáo là như vậy.
Trước năm 1963, tôi được đọc cuốn Đạo Phật ngày nay của Thầy, do sinh viên Phật tử ở Paris in. Đây là lần đầu tiên tôi đọc sách Thầy. Trước đó, khi nghe nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh nhắc đến ‘thầy Nhất Hạnh’ và sách thầy viết về Duy thức học, tôi chỉ thấy Thầy “có vẻ nổi tiếng và được nhiều người kính trọng”. Đọc cuốn Đạo Phật ngày nay, tôi thấy những điều mình biết trước đó không có ích lợi gì cả, tâm tôi được đánh động. Nó không phải là những hiểu biết mới, nó là một thứ chuyển động trong tôi. Lúc đó tôi mới hiểu: “À, có một cách để đi vào đạo Phật, nó khác với những gì mình đã học”. Bởi tôi học Việt-Hán nên tôi biết chữ Hán một chút, khi tụng đọc tôi có thể hiểu các kinh. Nhưng rồi tất cả những hiểu biết đó không ích lợi gì nếu không đưa mình tới quyết tâm tu tập.
Năm 1964, tôi vào Viện Cao đẳng Phật học. Tôi ghi tên khóa đầu tiên và học một lớp Thầy dạy – lớp Phật giáo Đại cương. Trong lớp đó, khi học về Tứ Diệu Đế, Thầy cho sinh viên một bài tập về nhà. Đó là thực tập về Khổ đế. Lần đầu tiên ở đại học Việt Nam có một thầy giáo (là Thầy) ra bài tập làm ở nhà là bảo sinh viên đi săn sóc người bệnh ở nhà thương để tiếp xúc với cái khổ. Năm đó, tôi được văn phòng nhà trường xếp cho đi thăm một bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi đến, gặp một em bé chừng mười bốn tuổi bị cụt chân, em tên Tuấn, người Quảng Ngãi. Tôi mang quà tặng em và ngồi nói chuyện với em, mỗi tuần vài lần, kéo dài trong nhiều tuần lễ. Bài tập Thầy giao về nhà là như vậy. Cuộc tiếp xúc với em Tuấn đã thay đổi tôi rất nhiều. Đó là lần đầu tiên tôi thấy như chiến tranh ở trước mặt mình. Trước đó, anh tôi mất vì chiến tranh; tôi cũng đưa đám mấy người bạn chết vì chiến tranh. Nhưng trong tôi, chiến tranh vẫn là cái gì đó ở xa lắm. Chỉ đến khi gặp em Tuấn, nghe kể chuyện, một em bé rất quê mùa, hoàn toàn không biết gì ngoài ngôi làng mình ở, không biết cả tỉnh Quảng Ngãi như thế nào, không biết chuyện vì sao có chiến tranh ở Việt Nam… Nhưng nhờ gặp em, tôi mới hiểu được người dân thực sự đang sống thế nào.
Ngay sau đó, tôi đi tham dự các công tác xã hội giúp đồng bào, cho nên không thiết tha đi học để lãnh bằng cấp gì nữa. Đang học chương trình Cử nhân Văn khoa, tôi bỏ luôn. Trường Cao đẳng Phật học, tôi cũng nghỉ, vì không có thì giờ tiếp tục nữa. Ngoài việc dạy học, tôi chỉ đi làm những công việc thiện nguyện.
Mùa thu năm 1964, có bão lụt lớn ở miền Trung, cả nước xúc động, chúng tôi họp nhau bàn một chương trình giúp người bị nạn. Cùng một số bạn hoạt động trong các hội đoàn thanh niên ở Sài Gòn, mười anh em chúng tôi đã cổ động sinh viên, học sinh và thanh niên đi công tác. Một vài người đến gặp ông Bộ trưởng xã hội, nói rằng: “Có hàng ngàn sinh viên tình nguyện mang đồ cứu trợ đến tại chỗ giúp đồng bào miền Trung, các ông có dám giao cho chúng tôi không?”. Ông Bộ trưởng xã hội bảo: “Tốt lắm! Nếu các anh đi được thì chúng tôi giao hết cho các anh. Các anh mang thực phẩm, quần áo, giày dép, chăn mền phát cho người dân miền Trung bị lũ lụt”. Ba bốn đoàn thanh niên chúng tôi đi các tỉnh từ Quảng Ngãi xuống tới Tuy Hòa, đi vào vùng lụt lội, sống ở đó cả tháng trời. Đó cũng là lần đầu tiên tôi trông thấy xác chết vì chiến tranh ngay trước mắt. Đoàn của tôi đi từ Quy Nhơn ra đến Bồng Sơn, làm việc tại bốn quận. Trong khi di chuyển, trên xe, chúng tôi luôn luôn phải lo không biết có mìn, hố hay không, có bị phục kích hoặc bắn lẻ không!
Có lẽ cuộc gặp gỡ với em Tuấn đã đánh thức cho tôi về chiến tranh Việt Nam, và từ năm đó tôi làm thơ về chiến tranh Việt Nam. Thành ra, một bài thực tập về Khổ đế mà Thầy giao cho đã thay đổi đời sống của tôi trong những năm 1964. Tôi làm việc xã hội trong nhiều đoàn thể, tôi cũng là một huynh trưởng Hướng Đạo. Rồi tới một lúc, tôi thấy: “tất cả những việc mình làm như đi cứu trợ lũ lụt hay đi xây nhà cho đồng bào tị nạn,… những việc đó chỉ là nhất thời. Còn muốn giúp thực sự cho xã hội mình phải tham gia công tác lâu dài”. Trường Thanh niên phụng sự xã hội là một môi trường như thế. Thầy Thanh Văn đã đến nhà tôi kêu gọi hãy giúp trường, khoảng sau Tết Mậu Thân, năm 1968. Từ đó, tôi chuyển sang làm việc cho trường Thanh niên phụng sự xã hội, với thầy Thanh Văn, anh Chân Lễ Lê Nguyên Thiều, anh Nguyễn Văn Thuất, chú Châu Văn Thọ. Cho đến năm 1975, Thầy vẫn là giám đốc trường Thanh niên phụng sự xã hội. Còn chức Giám đốc điều hành là thầy Thanh Văn, sau đó được thầy Châu Toàn, thầy Từ Mẫn kế nhiệm.
Do ảnh hưởng của Thầy nên đời sống của tôi trong thời gian đó đã thay đổi. Nhưng phải nói đến giai đoạn chót, tức là lúc di cư ra nước ngoài, tôi lại nhận được ảnh hưởng của Thầy lần nữa.
Tôi nhớ khoảng cuối năm 1975 hay 1976, sư cô Chân Không hay Thầy có gửi thư đến Montréal cho tôi, gọi tôi sang Singapore để giúp con tàu vớt người trên biển. Lúc đó tôi không đi được, một phần vì tôi mới qua Canada chưa có quốc tịch, con tôi mới một tuổi, nhà tôi là Quyên (tức Chân Huyền) lại chưa đi làm, tôi là người duy nhất trong nhà đi làm nuôi vợ con. Nhưng sau đó công tác cứu người vượt biển của Thầy cũng phải ngưng vì chính quyền các nước Đông Nam Á ngăn cản.
Năm 1983, chúng tôi lại nhận được thư Thầy, bảo Quyên và tôi xuống gặp Thầy tại Mount Tremper, ở New York. Thầy đang hướng dẫn một khóa thiền tập cho người Mỹ ở đó. Tôi còn nhớ lúc chúng tôi gặp Thầy, câu đầu tiên Thầy hỏi là: “Các cháu đâu?”. Tôi đã rất ngạc nhiên, không nghĩ rằng Thầy sẽ hỏi câu đó. Nhưng Thầy thì mình biết, mỗi câu nói của Thầy đều có suy nghĩ trước và đều có tác dụng. Bài học Thầy dạy tôi hôm đó là hãy lo cho các con; chuyện tu học không phải là chuyện của một mình mình mà là chuyện của cả gia đình.
Đó là bài học đầu tiên tôi nhận được từ Thầy, trong cuộc gặp gỡ đó.
Bài học thứ hai, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời Thầy dạy, mà vẫn chưa làm theo được. Một ngày ngồi nói chuyện với Thầy, Thầy bảo tôi một câu: “Anh Toàn, mình không cần phải đọc nhiều sách quá!” Khi nói chuyện, Thầy đã nhìn ra ngay anh này là con ‘mọt sách’. Thú thật là từ năm 1983 cho tới giờ tôi chưa hoàn toàn vâng lời Thầy. Tôi vẫn giữ thói quen đọc nhiều. Có lẽ do nghề nghiệp của tôi là phải viết, cho nên đọc cũng là một cách kích thích giúp cho mình muốn viết và viết dễ hơn.
Nhưng tôi nhớ mãi lời Thầy khuyên: “không cần đọc nhiều quá”, nghĩa là đừng chất chứa quá nhiều thứ vào đầu! Đó vẫn là một điều tôi phải thực tập mãi mãi. Cũng may là tôi hay quên, đọc xong rồi quên, không chứa nhiều thứ trong đầu quá. Nhưng sau khi nghe lời khuyên của Thầy, từ đó tôi cũng thay đổi. Việc đọc sách báo của tôi có tính chất “giải trí” để tự kích thích trong nghề viết; giống như có người muốn viết thì phải ra ngắm trời ngắm đất để lấy cảm hứng. Bây giờ mình đã có máy móc hiện đại để chứa hết các dữ liệu rồi, mình không cần phải nhớ nhiều nữa.
Nhưng một thay đổi lớn trong tôi, sau khi gặp Thầy năm 1983 và cùng gia đình qua ở Làng Mai mùa hè năm 1984, là cách nhìn cuộc đời đã thay đổi khi mình thực tập sống với cái quán chiếu. Ảnh hưởng rõ rệt nhất là dần dần cách viết của tôi thay đổi. Thực tập sống tỉnh thức, khi cầm bút viết mình bắt đầu quán chiếu tâm mình và tâm của người đọc. Tự nghĩ rằng cái này viết ra người đọc sẽ thấy gì, họ nhận được như thế nào, làm như vậy có ích lợi gì cho họ không, xã hội có được ích lợi gì hay không? Cái tâm chuyển biến khiến văn phong bắt đầu thay đổi, từ từ, trong nhiều năm. Từ đó trở đi tôi thấy cách mình nhìn cuộc đời, cách nhìn các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế cũng thay đổi. Bởi mình đã biết tập quán chiếu, quán chiếu mình và quán chiếu người. Lắm khi, con người mình thay đổi hồi nào mà mình không hay, vì sự thay đổi diễn ra chầm chậm, nó thể hiện trong cách mình viết, ngôn ngữ mình dùng cho tới các ý tưởng, phán đoán của mình, mà chính mình không biết mình đang thay đổi. Phải tới một ngày, có những người đọc văn tôi và nêu ra nhận xét của họ tôi mới nhận ra cách viết của mình đã khác trước. Khi đó, mình có ý thức hơn, quán chiếu cẩn mật hơn mỗi khi ngồi trước bàn máy để viết.
Nếu tôi không được gặp Thầy, không được nghe Thầy giảng về sự thực tập chánh niệm, thì tôi sẽ không có được sự thay đổi về cách nghĩ, cách sống và viết theo lối đó. Rõ ràng tôi thay đổi cách viết là nhờ tu tập theo Thầy.
Liều thuốc chánh niệm
Chị Chân Huyền chia sẻ: Trước năm 1975, trên thị trường, sách của Thầy có cuốn nào là Chân Huyền đọc cuốn đó và đọc rất say mê, trừ cuốn Duy thức học vì khó quá. Sau năm 1975, khi sang đến Canada, việc đầu tiên là Chân Huyền liên lạc với nhà xuất bản Lá Bối để thỉnh mua tất cả những cuốn sách bị bỏ lại khi di tản. Và cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức là cuốn sách đã cứu mạng Chân Huyền.
Sang Canada được ba năm, nhờ may mắn, Chân Huyền mở được tiệm thuốc riêng. Tất nhiên, Chân Huyền phải làm việc rất nhiều, vội vã và căng thẳng. Chân Huyền không thích thuốc an thần, nhưng lúc đó đã bắt đầu phải uống thuốc để có thể làm việc mười tiếng một ngày, rồi về lo cơm nước cho gia đình. Cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức Chân Huyền thỉnh về từ năm 1976 – 1977, để ở đầu giường và lật ra đọc. Khi ấy, Chân Huyền cũng không hiểu quán niệm khác với chánh niệm là như thế nào. Tất cả các danh từ trong cuốn sách ấy đều rất lạ lùng.
Trong ba mươi mốt bài thực tập, chỉ có một bài Chân Huyền có thể theo được, là mỗi tuần dành một ngày để sống thong thả, tức là sống có chánh niệm. Chân Huyền không biết sống có chánh niệm là gì nhưng hiểu là làm đến đâu thì làm, không cần phải lo, không cần phải cố gắng. Chân Huyền áp dụng bài đó. Mỗi Chủ nhật, thay vì nấu ăn cho ngon, mời bạn bè đến thì Chân Huyền bỏ, không làm nữa. Ngày Chủ nhật là ngày thong thả. Giặt quần áo đến đâu thì giặt, không cần phải giặt hết, lau nhà cũng không cần phải lau cho hết các phòng, sống cho thong thả, đến chiều thì cả nhà cùng đi ăn tiệm, không phải nấu vì nấu ăn cũng mất rất nhiều thì giờ. Trước đó, Chân Huyền đã phải uống một tuần hai viên thuốc an thần. Ba tháng sau khi áp dụng bài tập “ngày Chủ nhật sống thong thả” thì bỗng nhiên thấy mình không cần phải uống thuốc mà ra tiệm vẫn làm việc bình tĩnh được. Đó là bài học đầu tiên Chân Huyền học trong sách. Sau đó thì không bao giờ Chân Huyền đụng đến thuốc nữa.
Năm 1982, Chân Huyền bị mất ngủ liên miên, một người bạn rất thân của gia đình đã qua đời vì tự tử, đó là một cú sốc rất lớn cho hai vợ chồng. Khi mới sang Canada, anh ấy là người bạn thân nhất, thường tới giúp gia đình Chân Huyền đủ mọi thứ. Từ chuyện tìm kế sinh sống ở nước ngoài cho tới khó khăn về tâm lý, anh ấy cũng là chỗ cho mình tâm sự. Vậy mà lúc anh ấy có chuyện, mình lại không biết để giúp đỡ. Anh ấy rất kín đáo. Anh là một người rất đáng quý, rất dễ thương, nhưng lại coi nhẹ đời sống, khi có vấn đề thì anh tự kết liễu đời mình. Chiều hôm đó, anh đến nhà chơi với các cháu, dùng cơm chung, rồi đêm về nhà tự kết liễu cuộc đời. Chân Huyền rất ân hận là tại sao một người thân và quý của mình như vậy mà mình không hiểu gì về họ trong lúc họ gặp khó khăn.
Hai vợ chồng Chân Huyền bị sốc rất nặng, rất đau khổ, nên cứ đêm là Chân Huyền thức dậy lúc hai, ba giờ sáng. Chân Huyền bắt đầu đọc lại cuốn Nẻo vào thiền học của Thầy, thấy đoạn rửa chén cũng là thiền, quét nhà cũng là thiền thì sướng quá. Một buổi sáng thức dậy sớm, Chân Huyền mới mạo muội viết cho Thầy một lá thư, xin phép Thầy để được qua thăm vào một mùa hè nào đó để học thiền rửa chén và thiền quét nhà. Chân Huyền cũng biết là Thầy rất bận cho việc viết sách, đóng sách,… Hồi đó, Thầy được phong là “ông đạo đóng sách”. Thật bất ngờ, chỉ một tuần sau Chân Huyền nhận được thư của Thầy. Thầy trả lời thư, lá thư dài tới hai trang. Thầy bảo Chân Huyền “chị có tới ba thiện tri thức trên con đường tập thiền, phải không. Việc nuôi dạy các cháu là việc quan trọng nhất, căn bản nhất. Tương lai của nhân loại tùy thuộc ở nơi đó. Nếu anh chị chăm chú thì sẽ học được rất nhiều nơi các cháu. Đó là những thiền sư ‘authentiques’ (thứ thiệt) nhất. Tôi đang lập Làng Hồng, khi nào xong mời anh chị và các cháu về chơi, chúng ta cùng ngồi thiền. Nhưng năm tới tôi sang dạy cho người bản xứ, tôi sẽ thu xếp để chị có thể tới gặp tôi một buổi”. Thầy rất chu đáo. Vì thế nên có cuộc gặp gỡ với Thầy vào năm 1983 ở Mount Tremper, ngày Thầy được rảnh trong chương trình “làm biếng”. Thầy tiếp hai vợ chồng Chân Huyền từ sáng tới chiều tối.
Chuyện Thầy ảnh hưởng tới Chân Huyền thì rất nhiều, ngoài hai cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức và Nẻo vào thiền học. Chân Huyền nhớ rất rõ là với anh Toàn thì Thầy dạy đừng đọc nhiều quá; còn với Chân Huyền thì Thầy dạy: “Đừng quá lo lắng về các cháu. Các cháu có dòng máu Việt trong người, khi lớn lên các cháu sẽ có văn hóa Việt. Chị đừng lo quá!”. Chân Huyền chưa nói gì về con cái nhưng Thầy đã nói trước rồi. Thầy đọc được sự lo lắng trong mắt Chân Huyền. Năm đó cũng là lần đầu tiên được gặp thầy Giác Thanh. Thầy Giác Thanh là người Thầy gửi gắm hướng dẫn cho vợ chồng Chân Huyền đi thiền hành. Hôm đó, cảm được năng lượng thương yêu, ân cần và từ bi của Thầy, Chân Huyền rất cảm động.
Lúc mới tới Chân Huyền mặc chiếc áo mưa, Thầy bảo: “Chị bỏ áo ra, tôi cất vào đây cho”. Chân Huyền thưa: “Thưa Thầy, con lạnh”. Lúc Chân Huyền đi ra ngoài để tập thiền hành với thầy Giác Thanh, Thầy đứng lên lấy áo và mũ của Thầy đưa cho Chân Huyền mặc. Thầy nói: “Bên ngoài lạnh lắm, chị mặc thêm áo cho khỏi lạnh”. Thế là Chân Huyền khoác áo măng-tô và đội mũ của Thầy. Chân Huyền còn bức hình đó. Vậy nên cứ lút cút theo Thầy cho tới giờ này (cười).
Nhưng có một công án Thầy trao cho Chân Huyền từ khi mới nhận giới Tiếp Hiện. Thầy qua Montreal, Canada hướng dẫn khóa tu 5 năm liền, từ 1985 cho đến 1989, mỗi năm Thầy đều tới, đó là một đặc ân Thầy dành cho người Việt ở Canada. Thầy rất hay ở nhà Chân Huyền, trước và sau khóa tu. Ba, bốn giờ sáng Thầy thức dậy thì Chân Huyền cũng dậy theo và đi xuống mang trà lên để Thầy dùng. Thầy lại bảo ngồi đây uống trà với Thầy. Có một hôm, khi vừa thọ giới Tiếp Hiện, ngồi uống trà cùng Thầy, Thầy nhìn thẳng vào mặt Chân Huyền và nói: “Chân Huyền”, thì Chân Huyền nói: “Dạ”. Thầy nói tiếp: “Thiền tập không phải chỉ để sống đỡ căng thẳng đâu nhé!”. Chân Huyền chỉ biết dạ vì lúc đó Chân Huyền cũng sợ lắm, không dám hỏi thêm Thầy một câu gì nữa. Câu đó làm cho Chân Huyền biết là chỉ có thực tập thôi, để rồi xem Thầy nói thế nghĩa là gì.
Và sự thực tập chánh niệm, dù mình còn nhiều lên xuống, khi thì nhớ thực tập, khi thì không, nhưng mình nhớ chút chút mình cũng đã thấy hạnh phúc nhiều hơn trước, gia đình êm ấm hơn. Và dần dần mình mới hiểu thêm câu nói của Thầy, rằng chánh niệm giúp mình những gì. Điều chính là chánh niệm giúp mình thấy được hạnh phúc từ trong tâm, không cần lời khen của ai, không cần phải mua bán hay đạt được một thứ gì hết. Mình có hạnh phúc khi mình biết thở, mình biết thực tập. Đó là điều giúp cho Chân Huyền lúc nào cũng hăng hái trong sự thực tập, nhất là bên cạnh thì có tăng thân Làng Cây Phong, và sau này thì có tăng thân Xóm Dừa ở California.
Chân Văn – Chân Huyền