Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Hội những cây tùng – bảo bọc nếp sống tâm linh

Denise Nguyễn

Câu chuyện quanh bữa cơm tối gia đình tôi bắt đầu như thường lệ bằng việc kể cho nhau nghe những việc đã xảy ra trong ngày.

Bỗng nhiên mẹ tôi nói: “Mẹ đang suy nghĩ về cái di chúc của ba mẹ”.

Đang nhai miếng bánh phở tôi liền ngưng lại. Có những vấn đề quan trọng cần bàn thảo nhưng thật ngại ngùng khi nghĩ tới: nào là vấn đề di chúc, nào là ý nghĩ một ngày nào đó ba mẹ tôi sẽ ra đi để tiếp tục dưới một hình thức khác. Để lấy lại bình tĩnh, tôi thở một hơi thật sâu và nhớ lại lời Sư Ông dạy về Không sinh, không diệt.

Mẹ tôi nói tiếp: “Ba mẹ đang suy nghĩ về việc để “Thích Nhất Hạnh Foundation vào trong di chúc”. Tôi có cảm giác là mẹ tôi hơi có chút ngại ngần.

Tập tục bình thường của người Việt là để lại tất cả tiền bạc, của cải cho con sau khi qua đời. Để di chúc đóng góp vào các quỹ thiện nguyện là chuyện rất bình thường trong xã hội Tây phương nhưng chưa được thông dung trong thế hệ của ba mẹ tôi.

Cũng như bao nhiêu bậc cha mẹ khác, ba mẹ tôi lo lắng cho tôi. Mặc dầu tôi đã trưởng thành, ba mẹ tôi vẫn lo cho đời sống vật chất của tôi sau khi qua đời. Di chúc của ba mẹ sẽ đảm bảo đảm tài chánh cho tôi sau này; thương con nên ba mẹ muốn bằng cách đó vẫn tiếp tục chăm sóc cho tôi khi hai vị không còn nữa.

“Như vậy là quá hay đó mẹ”, tôi trả lời không chút ngập ngừng. Để  giúp mẹ bớt ngại ngần, tôi chia sẻ một chút về sự tương tức trong dự định tuyệt vời đó của ba mẹ: “Mẹ à, ba mẹ để Thich Nhat Hanh Foundation vào di chúc thì chẳng khác gì ba mẹ lo cho con. Ba mẹ lo cho tinh thần và đời sống tâm linh của con thì cũng quan trọng như lo cho con được vững vàng tài chánh về sau. Sự giúp đỡ của ba mẹ sẽ giúp cho các tu viện như Lộc Uyển hay Bích Nham còn đó để cho con có chỗ nương tựa những khi căng thẳng hay cần nơi tu tập”.

Tôi nói thêm: “Số tiền đóng góp sẽ lo cho sức khoẻ của các thầy, các sư cô. Đó là những giáo thọ, là các sư anh, sư chị của con – cũng là gia đình con”.

Như Sư Ông đã có viết trong cuốn An lạc từng bước chân: “Dù có bao nhiêu tiền trong ngân hàng đi nữa, mình vẫn có thể chết dễ dàng vì những đau khổ của mình. Cho nên nếu có được một người bạn tốt, xây dựng được một tăng thân tốt gồm những người bạn chân thật, biết nâng đỡ và bảo bọc ta trong lúc khó khăn, đó là một nguồn đầu tư lớn. Những người bạn này giúp ta tiếp xúc với những yếu tố tươi mát và lành mạnh trong con người ta và xung quanh ta, làm chỗ nương tựa cho ta khi gặp khó khăn”.

Khi mà tin tức trong ngày quá tồi tệ và niềm hy vọng trở nên mong manh thì tôi có thể tìm an ủi nơi một cộng đồng quốc tế của tăng thân tu tập.

Ba mẹ tôi hiểu rất rõ giá trị của tăng thân và sự quan trọng của việc giúp quảng bá pháp môn tu tập mà Sư Ông đang giảng dạy trên khắp thế giới. Ba mẹ tôi biết rằng đây là một sự đầu tư cho tất cả chúng ta và cho cả địa cầu. Tôi rất cảm ơn ba mẹ đã đem quan niệm đó vào hành động bằng cách gia nhập “Hội những cây tùng”, là một chương trình Món quà từ di sản thuộc Thich Nhat Hanh Foundation (tạm dịch từ Thich Nhat Hanh Foundation’s legacy gift program).

“Hôi những cây tùng” được thành lập để tiếp nối tinh thần của những cây tùng – là tên Sư Ông đã đặt cho nhóm thiền sinh đệ tử đầu tiên của Sư Ông gồm 13 vị. Đó là những hỗ trợ Sư Ông khi Người còn là một giáo thọ trẻ, mới bắt đầu giảng dạy tại Việt Nam.

Nhìn Sư Ông, chúng ta có thể thấy truyền thống của Sư Ông đang cắm rễ trong xã hội Tây phương dưới một biểu hiện mới, đồng thời trong Sư Ông vẫn còn đó những cây Tùng. Ngày hôm nay, chúng ta có đây bởi năm xưa, những cây tùng còn đó.

Tôi rất sung sướng vì ba mẹ tôi sẽ được tiếp nối không những qua bản thân tôi mà toàn thể tăng thân. Tôi thấy rõ là tôi đang được bảo hộ bởi “Những cây tùng” của năm xưa cũng như của ngày mai.

Denise Nguyễn, Chân Nguyệt Đăng – Giám đốc Thich Nhat Hanh Foundation and practices, Los Angeles, California.

Để biết thêm về Hội những cây tùng, xin vào trang mạng:
thichnhathanhfoundation.org/bequest
hay email info@thichnhathanhfoundation.org