Dấu ấn của tình thương
(Viết cho em bé năm tuổi trong tôi)
Em à,
Em có biết không, thư này tôi viết cho em đến gần bốn năm mới hoàn tất đó.
Tôi đã bắt đầu viết từ năm 2013, rồi bỏ lửng đến hôm nay mới có dịp viết tiếp. Khi mới viết, tôi thấy nó sao sao ấy, nó hơi non non, như ổi còn chát, như chuối còn xanh, và tôi không có cảm hứng để viết tiếp. Thật là có lỗi với em lắm lắm! Cho đến ngày hôm nay tôi mới gửi những dòng này đến em.
Cuối năm 2012, trong dịp lễ Giáng sinh, tôi nhận được một món quà khi đại chúng chơi trò Ông già Noel bí mật (Secret Santa). Em có biết trò chơi này không? Năm nào chúng tôi cũng chơi trò này. Tên của tất cả mọi người, kể cả thiền sinh, được ghi trên từng mảnh giấy riêng rẽ, rồi được bỏ vào chuông hay vào một cái hộp. Mình bốc trúng tên của ai thì chỉ mình biết thôi và mình chuẩn bị một món quà cho người đó. Món quà sẽ được bỏ dưới gốc cây thông Noel, dán tên của người đó. Đến ngày 25 tháng 12, đại chúng dùng sáng chung rồi sẽ có một ông già Noel cười “Ho, hoh, hoh” ra phát quà cho đại chúng. Phát tượng trưng thôi vì đại chúng đông lắm. Sau đó ai cũng sẽ nhận được ít nhất là một món quà. Đó là món quà của ông già Noel bí mật.
Món quà tôi nhận được năm đó là một viên đá màu trắng, ở trên có ghi chữ “nhẫn” bằng mực tàu, viết theo kiểu thư pháp của Sư Ông. Làng Mai có nhiều người viết chữ rất giống Sư Ông, nên tôi chắc đó là nét chữ của một thầy hay một sư cô nào đó. Tuy vậy, tôi vẫn thầm nghĩ biết đâu đó là quà từ Sư Ông? Đó cũng là một cách thực tập đó em, để tưới tẩm cho hạnh phúc trong mình lớn hơn. Tôi thích món quà đó lắm dù đó là của ai. Thích cho đến nỗi tôi đã viết thư cho em để “thử” chia sẻ về chữ “nhẫn”. Tôi thấy thú vị lắm! Tuy biết rằng còn lâu tôi mới thực hiện được hạnh nhẫn nhục ba la mật nhưng tôi cũng thử bàn về chữ “nhẫn” trong cái thấy và cái làm còn hạn hẹp của tôi.
Trong tiếng Việt, chữ “nhẫn” thường đi đôi với chữ “nhịn”, hay chữ “nhục”. Ngoài ra còn nhẫn nại, kiên nhẫn, ẩn nhẫn nữa. Tóm lại, một người được nói đến kèm với một trong những từ có chữ nhẫn nói trên, đối với tôi, là một người “đáng nể”. Tại sao vậy? Tại vì muốn nhẫn nhịn, nhẫn nhục, nhẫn nại hay kiên nhẫn không phải dễ. Thí dụ, mình là một thầy giáo hay cô giáo dạy Toán. Mình giảng về một công thức toán học rồi cho bài tập. Và học trò mình không giải được bài tập đó. Mình “kiên nhẫn” giảng lại. Học trò vẫn không làm được. Rồi mình kiên nhẫn giảng một lần nữa. Vậy mà có em vẫn không làm được. Hồi tôi còn làm cô giáo, tôi mất hết kiên nhẫn. Tôi thấy sao học trò mình… “chậm tiêu” quá! Bây giờ biết nhìn lại, tôi thấy chính mình mới chậm tiêu. Chính tôi cần thay đổi cách giảng bài để học sinh có thể dễ tiếp thu hơn, và vì thế có thể nhẫn nại được lâu hơn. Sự nhẫn nại đó sẽ đem lại kết quả khá hơn.
Một người nhẫn nại là một người chịu khó. Còn một người kiên nhẫn là một người không bỏ cuộc. Toàn là những đức tính cần có để làm “chuyện lớn”, những đức tính mà tôi ao ước.
Lúc còn học trung học, có lần một người quen bói chữ cho tôi, nói tôi là một người làm gì cũng dở dang, làm gì cũng không đến nơi đến chốn. Tôi rất buồn và tự ái khi nghe nói như vậy. Người mà làm cái gì cũng không đến nơi đến chốn là một người không kiên nhẫn, không nhẫn nại. Sau này nhìn thật kỹ, tôi thấy cũng không xa với thực tại của tôi là mấy. Việc làm của tôi không có cái gì là lâu bền cả. Không lâu bền không phải vì bị đuổi việc, mà bởi vì tôi luôn luôn tự động xin thôi việc. Vì bất mãn với sếp, vì không đồng ý với hệ thống điều hành, vì đòi hỏi quá cao nơi chính mình nên tôi không đủ kiên nhẫn để ở lại một nơi nào lâu cả.
Ông bà mình nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng tôi chưa bao giờ có được kinh nghiệm đó. Không nhẫn nại, không đủ kiên nhẫn và không muốn nhẫn nhịn nên chỉ làm việc tối đa năm năm là tôi bỏ việc để đi tìm một việc khác. Rồi sau vài năm lại bỏ việc đó để đi tìm một việc khác nữa. Sau này (lúc chưa xuất gia) nhìn lại, thỉnh thoảng tôi vẫn… chép miệng tiếc rẻ: “Phải chi hồi đó mình kiên nhẫn hơn một chút, chắc bây giờ mình đã là một cô giáo, một nhân viên xã hội, một… có kinh nghiệm rồi!”
Nói tới nói lui nãy giờ tôi chỉ muốn cho em biết tôi là một người thiếu kiên nhẫn, thiếu nhẫn nại thuộc loại… cao thủ. Đó chỉ là đơn cử một vài thí dụ thôi.
Trước đây, tôi không hề nhận ra tập khí thiếu kiên nhẫn và hay phản ứng của mình. Đằng sau những tập khí ấy có một cái gì đó âm thầm chi phối cách hành xử của tôi. Cũng giống như đôi khi mình mở máy vi tính lên, thấy sao mà nó chạy chậm rì. Một lát ở góc dưới bên phải màn hình hiện lên một khung chữ nhật nho nhỏ, báo cho mình biết là có chương trình gì đó đang chạy phía trong, nên mình không mở được chương trình gì khác. Biết nó như vậy, mình đâu có cách nào khác, mình phải chờ. Thật lòng mà nói, tôi còn kém hơn cái máy tính nữa! Chương trình chưa có tên, chưa được nhận diện đó của tôi âm thầm chạy, nhưng tôi lại không có cái khung vuông báo động nên tôi tự cho mình là người… dễ tính, vui vẻ, dễ thương, nhất là với bạn bè. Dù có khi ai nói chuyện với tôi mà hơi lòng vòng một chút, không vào vấn đề là tôi sốt ruột lắm, tôi… nhảy vô nói dùm và kết luận dùm luôn. Nhưng tôi vẫn “kiên cố”: “Hừm, tôi mà hay phản ứng hả? Tôi có lý do chính đáng mà, đâu phải tôi muốn như vậy, tại bạn tôi nói vậy, làm vậy nên tôi mới như vậy chứ…”.
Trong nhiều năm, tôi đã sống và hành xử như vậy cho đến lúc tôi gặp pháp môn thở và cười của Sư Ông. Khi thấy đệ tử làm cái gì mà hơi ngán một chút, Sư Ông thường động viên: “Làm một hồi rồi sẽ quen thôi con”. Tôi thích hai chữ “một hồi” lắm bởi vì nó có vẻ không là một thời gian dài, hợp với người thiếu kiên nhẫn như tôi. Sư Ông dạy quay trở về với bước chân, với hơi thở ý thức để có mặt trong giây phút hiện tại, vậy nên có chuyện không vừa ý, tôi tập thở và cười. Ban đầu có hơi gượng gạo một chút nhưng từ từ thì có vẻ tự nhiên hơn. Vì cứ quay về với giây phút hiện tại, với hơi thở nên tôi quên bẵng đi là tôi đang sốt ruột, hay đang mong đợi cái gì diễn ra kế tiếp.
Ngồi yên trong khi ngồi thiền, tụng kinh, ngồi trong các buổi pháp đàm; đi yên trong khi đi thiền hành, trong khi đi từ nơi này đến nơi kia trong tu viện… một hồi, dù chưa làm giỏi lắm, một lúc nào đó tự dưng cái chương trình chưa có tên vận hành phía sau tâm tôi từ từ lộ diện. Mà thực ra không phải chỉ là một chương trình thôi đâu mà nhiều cái lắm. Chúng nó cứ thay phiên nhau hoặc cùng nhau hoạt động bất chấp không gian, thời gian, hay… thời tiết. Em thấy có lợi hại không? Nhận diện ra chúng rồi, tôi tập gọi đúng tên của chúng, như Sư Ông thường dạy “Hãy gọi đúng tên tôi”. Em đã sẵn sàng để tôi giới thiệu chúng cho em chưa? Đây, tên của chúng đây: mặc cảm hơn, kém, bằng, tủi thân, lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi, và nhiều nhiều nữa.
Dĩ nhiên đôi lúc cũng có mấy chương trình có tên là từ, bi, hỷ, xả, hiểu, thương, chánh niệm vận hành để tôi hành xử dễ thương, biết buông bỏ, biết thông cảm v.v. Nhưng hôm nay tôi chỉ muốn chia sẻ với em mấy cái chương trình đã làm tôi lao đao lận đận mà thôi.
Sống trong tăng thân, tôi được nhắc nhở và soi sáng thường xuyên. Em xem, làm sao mà tôi “làm lơ” với cái tập khí thiếu kiên nhẫn và hay phản ứng của tôi được nữa. Tôi biết, nếu tôi để cho những chương trình, bây giờ đã có tên, chạy âm thầm phía dưới, nó sẽ làm tôi không mở được các chương trình khác mà tôi cần dùng. Khi đó truyền thông với các sư chị, sư em sẽ bế tắc, những quan hệ tốt đẹp sẽ bị ảnh hưởng. Và tôi sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để xây dựng lại. Thú thật với em, có khi cái khung hình báo động hiện lên khá lâu mà tôi vẫn chưa tắt được chương trình mình cần tắt. Nhưng ít ra, tôi đã có phương tiện báo động, điều đó làm tôi rất an lòng. Tôi thấy mình… còn có thuốc chữa, chưa đến nỗi bị bác sĩ chê.
Mùa hè, thiền sinh về Làng tu học rất đông. Đông quá nên cả xóm, cả Làng bận bịu. Nhiều thiền sinh cũng có nhu cầu tiếp xúc riêng với quý sư cô ngoài thời khóa. Đôi khi tôi có thể ngồi lắng nghe các bạn ấy hàng giờ đồng hồ. Khi khác mới nghe một chút, tôi đã thấy đầy và nôn nóng muốn cho lời khuyên để chấm dứt câu chuyện. Sau đó, bao giờ tôi cũng thấy áy náy trong lòng vì thấy mình không dễ thương. Tôi tập nhận diện những chương trình đang chạy phía sau cách hành xử đó: phán xét, sân si, lo lắng, sợ hãi,… Quá mệt mỏi, không chăm sóc cho mình đàng hoàng cả về thân lẫn về tâm nên không đủ rỗng rang trong lòng cũng làm cho tôi trở nên thiếu kiên nhẫn đó em.
Trong 60 năm đi khắp nơi để gieo trồng tưới tẩm hạt giống của hiểu và thương, Sư Ông quả thật là một tấm gương kiên nhẫn cho tôi ngưỡng mộ và noi theo. Sư Ông đã đem thông điệp chánh niệm giảng đi giảng lại một cách không mệt mỏi trong suốt ngần ấy năm. Có người nghe Sư Ông một hồi rồi nói: “He doesn’t say anything new – Thầy không có dạy cái gì mới hết!”. Đúng như vậy thật, thì có gì mới đâu ngoài việc đem thân về lại với tâm để có mặt thật sự trong phút giây hiện tại, rồi thì cứ thở vào thở ra, đã về đã tới trong từng bước chân, từng hơi thở,… Chỉ vậy thôi mà Sư Ông đã đi khắp gần xa để hướng dẫn, giảng dạy, dù cho đó là cảnh sát, công an, doanh nhân, thầy cô giáo, nhân viên xã hội, bác sĩ, kỹ sư hay người nội trợ gia đình. Tất cả đều có chung một “đơn thuốc”. Sư Ông đã kiên trì, nhẫn nại dạy đi dạy lại, vậy mà tôi vẫn thực tập rất lơ mơ. Nếu không có từ bi lớn, một trái tim lớn thì có lẽ Sư Ông đã… bỏ cuộc từ lâu.
Bởi vậy, trước đây khi chưa biết câu thư pháp “Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương” của Sư Ông, tôi đã mang máng cảm nhận một điều là muốn kiên nhẫn mình phải có một ước nguyện, một tình thương, hay ít ra là một ý thích. Nếu không thì đó chỉ là một sự chịu đựng mang nhiều đau khổ. Kiên nhẫn trong tình thương thì mình mới có thể “thưởng thức” được cái mình đang làm và mình mới có thể tiếp tục… kiên nhẫn.
Sống trong tăng thân, tôi mới thấy đại chúng đã kiên nhẫn với tôi như thế nào. Đi xuất gia, tôi mang vào tu viện tất cả những tập khí đẹp cũng như chưa đẹp của mình và dĩ nhiên những cái chưa đẹp là đa số. Đại chúng đã cho tôi thời gian và không gian để từ từ nhận diện rồi chuyển hóa chúng. Đại chúng không hề sốt ruột. Tôi mới là người sốt ruột. Tôi muốn là người… hoàn hảo, chắc em biết rồi đó. Sống trong chùa, phần lớn tôi được nhắc nhở bởi cách sống của quý sư cô hơn là sự nhắc nhở trực tiếp. Tôi thấy những khi mình lầm lỗi, hay có những gì chưa đẹp, chưa hay, ít khi nào tôi bị rầy, thường thì quý sư cô chỉ cười. Khi soi sáng, quý sư cô chia sẻ rất nhẹ, rất khéo léo với nhiều tình thương. Tôi quan sát cách quý sư cô nói năng, hành xử và giải quyết những trường hợp khó xử; cách quý sư cô chăm lo và chơi với các sư em mới xuất gia; cách quý sư cô chăm sóc cho chính tự thân khi trải qua khó khăn. Tôi thấy không ai sốt ruột muốn sư em hay muốn mình chuyển hóa… sau một đêm. Ai cũng kiên nhẫn, cũng cho mình và cho sư em không gian, thời gian. Miễn thấy sư em có tâm muốn chuyển hóa là ai cũng hoan hỷ. Được sống trong một đại chúng như vậy, tôi lại được tham gia cùng Sư Ông và đại chúng trong những buổi thiền hành, các thời thiền tọa, pháp thoại, pháp đàm, xếp hàng để khất thực và rửa bát… (Tiết lộ cho em một bí mật: tất cả những thực tập tôi vừa liệt kê đều diễn ra với một tốc độ… chậm rì). Nhờ vậy mà tôi đi trong sương lâu ngày cũng ướt áo, tôi bỗng trở nên bớt sốt ruột hồi nào không hay. Tôi biết chấp nhận các tập khí của mình hơn. Hình như tôi đã biết thương mình hơn!
Dạo này tay tôi hay đau. Tôi thấy cái đau kéo dài hơi lâu. Đã mấy tháng rồi mà chưa khỏi. Tôi thở, ngồi thiền gửi tình thương cho nó, cho phép nó nghỉ ngơi, xoa bóp cho nó, vậy mà nó vẫn không khỏi. Rồi tự nhiên tôi nhận ra là mình không hề lo lắng, sợ hãi như hồi xưa. Tôi cứ chăm sóc nó như vậy, tôi chấp nhận nó.
Và, hình như… tôi đã có được một chút kiên nhẫn mà tôi ao ước.
Tôi biết em mừng lắm, bởi vì em đã ẩn nhẫn chờ tôi quá lâu rồi. Em chờ tôi chăm sóc cho em, nhưng tôi thì lại không có kiên nhẫn, cho nên ít khi tôi chăm sóc em cho đến nơi đến chốn. Giờ đây tôi đã biết chăm sóc cho cái tay của mình một cách kiên nhẫn, vì vậy em cứ yên lòng. Hai chị em mình đang có nhiều hy vọng.
Thương quý
Chị của em,
Trăng Mai Thôn