Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Chiếc áo giáp chánh niệm

Chân Bảo Niệm (Cheri Maples)

Chị Chân Bảo Niệm (Cheri Maples), người Mỹ, từng là một cảnh sát và có trên hai mươi năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tư pháp Mỹ. Chị được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 2008. Dưới đây là chia sẻ của chị trong khóa tu 21 ngày “Đường về Núi Thứu” tại Làng Mai, ngày 15.06.2016; được chuyển ngữ từ tiếng Anh.

 

Tiếp xúc với Thầy và pháp môn

Vào năm thứ bảy trong nghề cảnh sát, lần đầu tiên tôi đã tham gia một khóa tu với Thầy. Bạn có thể cho đó là một sự ngẫu nhiên, mà cũng có thể là vì nhân duyên hội tụ đầy đủ.

Trước đó tôi nhận thấy có ba tác động nghề nghiệp xảy ra với nhiều nhân viên cảnh sát trong suốt thời gian làm việc của họ và điều đó cũng đã xảy ra cho chính tôi.

Về mặt sinh lý, có những ảnh hưởng rất phức tạp. Các nghiên cứu cho thấy trong chúng ta, những người bình thường, ai cũng có một lượng adrenaline vừa phải. Nhưng đối với nhân viên cảnh sát, lượng adrenaline thường tăng vọt lên khi họ ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, lo lắng cho an ninh của chính mình và của mọi người – điều này cũng xảy ra với những người phải làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking). Họ lúc nào cũng được huấn luyện phải cảnh giác về những tình huống xấu có thể xảy ra mà không được huấn luyện để nhận diện những điều tốt đẹp đang diễn ra. Trong khi đó trên thực tế, những tình huống tốt luôn chiếm đa số.

Khi adrenaline lên cao, phải cần hai mươi bốn tiếng đồng hồ mới trở lại bình thường, nhưng các nhân viên cảnh sát phải trở lại làm việc trước hai mươi bốn tiếng. Trong môi trường công việc, họ làm những quyết định quan trọng, luôn bận rộn và có vẻ vui tươi, hài hước. Adrenaline giúp họ năng động. Nhưng khi về với gia đình, họ không còn năng lượng, bơ phờ, trầm cảm. Tại Mỹ, số lượng nhân viên cảnh sát tự tử cao gấp bốn lần số lượng bị tử vong trong khi thi hành nhiệm vụ.

Về mặt tinh thần, sự ảnh hưởng được biểu hiện qua sự bực dọc, thiếu kiên nhẫn, giận dữ, hoặc trầm cảm. Nhiều người trở nên cay đắng, chua chát. Vì phải tiếp xúc với những điều tiêu cực lặp đi lặp lại của một thành phần nào đó, họ sẽ có thành kiến sâu sắc với thành phần đó. Và dần dần, trái tim của họ bị đóng băng, vô cảm với những gì đang diễn ra.

Còn một hiện tượng nữa mà tôi tạm gọi là hội chứng “Tôi đã từng…” (“I used to” syndrome). “Tôi đã từng biết tưới tẩm hạt giống của niềm vui. Tôi đã từng có thời gian đạp xe đạp, chơi  thể thao. Tôi đã từng có thời gian làm vườn, làm thơ, hoặc làm những việc tôi thích,…”. Tất cả những nguồn cảm hứng ấy giờ đây đều đã mất đi. Thế giới của bạn ngày càng bị thu nhỏ vì những giờ làm việc bất thường. Vì nghĩ rằng mọi người không thể hiểu mình, bạn chỉ giao tiếp với những đồng nghiệp của mình mà thôi. Cứ như thế các cảm xúc, các cách hành xử tiêu cực của chúng tôi càng được củng cố. Và đó là tất cả lý do vì sao tôi có mặt lần đầu tiên trong khóa tu với Thầy năm 1991.

Trước đó, tôi bị chấn thương trong khi làm việc và đã tìm tới bác sĩ nắn chỉnh thần kinh cột sống (chiropractor). Trong phòng đợi của bác sĩ có quyển sách ‘Being Peace’ của Thầy. Tôi cầm lên lật vài trang và thầm nghĩ: “À, những điều này thú vị quá!”. Một hôm, trong thời gian nghỉ bệnh, tôi thấy trên bản tin trong phòng đợi ở phòng bác sĩ tờ quảng cáo về khóa tu do Thầy hướng dẫn  tại thành phố Munda Line, tiểu bang Illinois, vào năm 1991. Tôi nghĩ mình sẽ tham dự cho biết. Tôi đến khóa tu với một tâm trạng tự vệ nặng nề như mang giáp sắt. Tôi sẵn sàng tiếp nhận sự căm ghét từ mọi người vì tôi là một cảnh sát. Điều này thường xảy ra đối với chúng tôi. Thấy bộ đồng phục cảnh sát thì người ta sẽ có một cái nhìn thiếu thiện cảm về chúng tôi ngay lập tức.

Sư Cô Chân Không và Cheri Maples chia sẻ trong khóa tu 21 ngày năm 2016

Tại khóa tu, tôi đã tiếp xúc được với sự bình an một cách thật mầu nhiệm. Nhiều việc bất thường đã xảy đến với tôi sau khóa tu ấy. Tôi trở lại với công việc trong vai trò một hạ sĩ quan và thường làm việc vào buổi tối. Tôi không hiểu sao mọi người xung quanh tôi thay đổi. Họ dường như trở nên hiền hậu hơn trong thời gian tôi nghỉ bệnh. Ngay cả những người bị tôi bắt. Phải một thời gian sau tôi mới nhận ra rằng chính năng lượng của tôi đã thay đổi và mọi người đã đáp ứng lại năng lượng đó. Điều này là một bài học không thể tưởng tượng nổi cho tôi. Trong khóa tu, tôi được dạy về Năm giới (Năm phép thực tập chánh niệm) và giới đầu tiên là Bảo vệ sự sống. Tôi nghĩ tôi không thể nào tiếp nhận được những thực tập này vì nghề của tôi là nghề cầm súng và tôi không bao giờ có thể biết trước cái gì có thể xảy ra. Cho đến bây giờ, tôi không nhớ rõ rằng Thầy hay sư cô Chân Không đã nói với tôi rằng: “Chúng tôi còn trông chờ vào ai khác để mang súng hơn là một người biết sử dụng nó trong chánh niệm?” (“Who else would we want to carry a gun except somebody who will do it mindfully?”)

Con đường chuyển hóa

Sự chuyển hóa đến với tôi như một sự chuyển tiếp chậm rãi, một sự thay đổi có tính cách từng bước. Tôi đã không còn làm việc một cách máy móc nữa. Nhờ vậy, tôi đã bắt đầu nhìn những gì xảy ra trước mắt mình bằng một con mắt mới: tôi thấy được người đang đứng trước mặt tôi đây là một con người đang đau khổ và đang cần sự giúp đỡ của tôi và thường là họ không còn nơi nào khác để tìm về.

Có một lần, tôi được gọi đến để giải quyết một vụ bạo hành trong gia đình. Vào thời đó, chính sách của chúng tôi là nếu một người hăm dọa một người khác, bằng hành động hoặc bằng bất cứ hình thức nào thì bạn phải bắt giam họ. Lúc đó tôi chỉ có một mình. Một người phụ nữ chạy về phía tôi kêu cứu: “Chồng tôi đang giữ đứa con gái của tôi. Tôi đang rất lo sợ. Hai chúng tôi đã chia tay và anh ấy không chịu để cháu ra về với tôi. Chúng tôi đã thỏa thuận về việc chia thời gian để giữ cháu và lần này là đến lượt tôi”. Tôi bảo cô ấy ra ngồi đợi ngoài xe ở phía cuối đường rồi đến gõ cửa. Một người đàn ông cao khoảng 1,9 mét (tôi cao chỉ 1,6 mét) ra mở cửa. Ông trông rất giận dữ. Nhìn vào ông, tôi có thể thấy được rõ nỗi khổ đau của ông ấy. Với một giọng bình tĩnh, tôi nói: “Tôi có thể vào nhà được không? Tôi đến đây chỉ để lắng nghe và giúp cho gia đình ông thôi”. Tôi bước vào. Thấy bé gái ở một góc phòng, tôi cất tiếng: “Ông biết không, tôi thấy cô con gái nhỏ của ông ở đằng kia. Tôi biết ông rất thương và lo cho cháu. Tôi thấy cháu đang sợ hãi và tôi biết ông không muốn tình trạng này xảy ra. Thôi ông hãy để cháu ra ngoài gặp mẹ cháu rồi ông và tôi sẽ nói chuyện một chút”. Và ông đã đồng ý.

Tôi nhận ra rằng thay vì phải làm cho tình thế trở nên nghiêm trọng hơn để rồi phải bắt người đó, bạn chỉ cần ứng xử với lòng từ bi và năng lượng chánh niệm. Dù trên người đang mang súng và áo chống đạn, tôi đã ngồi xuống bên cạnh người đàn ông ấy. Tôi đã vi phạm tất cả các qui định và luật lệ. Chúng tôi ngồi trên ghế sofa và ông ấy bắt đầu khóc trong vòng tay của tôi. Tôi không thể tưởng tượng được là một chút từ bi có thể thay đổi được hoàn cảnh như thế. Tôi thấy có nhiều cách mà tôi có thể dùng để ứng xử với mọi người. Đương nhiên nếu bạn đang trong tâm trạng giận dữ, bực bội hay cay đắng thì sẽ rất khó cho bạn nhận ra được những phương cách ấy. Ba ngày sau tôi gặp lại ông ấy. Tôi đang đi bộ trên con đường gần nhà thì ông ấy tiến đến sau lưng tôi. Tiếp cận một nhân viên cảnh sát từ phía sau là một điều tối kỵ! Ông ta nhấc tôi lên khỏi mặt đất và nói: “Cô, chính cô đã cứu cuộc đời tôi tối hôm ấy”.

Xây dựng cộng đồng và pháp môn dấn thân

Trong những lời Thầy dạy, tôi nhận thấy Thầy nhấn mạnh không chỉ về sự thực tập chánh niệm và sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, mà còn về xây dựng tăng thân và sự thực tập dấn thân. Hai điều này ít được nhấn mạnh trong nhiều truyền thống khác của đạo Bụt. Tôi bắt đầu nghĩ đến một tăng thân, một cộng đồng. Tôi tham gia thực tập cùng một tăng thân ngay sau khi tham dự khóa tu về, nhưng đồng thời tôi cũng bắt đầu coi những đồng nghiệp và gia đình là tăng thân của mình.

Năm 2002, tôi tìm về Làng Mai để tham dự ba tháng an cư và cảm được một năng lượng vững chãi lạ kỳ. Thầy truyền 14 giới Tiếp Hiện cho tôi và 32 người khác. Tôi viết một lá thư cho Thầy và bỏ vào chuông. Trong thư tôi thưa rằng tôi vẫn còn có sự giằng co giữa hai cảm giác vừa là nạn nhân, vừa là kẻ đàn áp trong tâm mình khi làm nghề cảnh sát. Ngày hôm sau, trong bài pháp thoại, Thầy đã dạy về sự biểu hiện của tình thương với nhiều hình thức, nhiều khuôn mặt khác nhau. Tôi ngồi ở cuối thiền đường và khi nghe Thầy đề cập đến các nhân viên cảnh sát, nước mắt tôi đã tuôn trào. Một sự chuyển hóa lớn lao đã đến với tôi, tôi thấy mình mềm ra. Thầy giúp cho tôi hiểu ra rằng “trong tất cả chúng ta, ai cũng có thể vừa là một nạn nhân vừa là một kẻ áp bức”. (“we’re all victims and oppressors.”)

Cũng trong mùa An cư đó, trong một buổi chấp tác cắt gọt rau củ, tôi nói với các bạn trong nhóm: “Tôi có một hình ảnh điên rồ trong đầu, hình ảnh một nhóm nhân viên cảnh sát cùng nắm tay nhau đi thiền hành, chế tác ra những bước chân an lành trên mặt đất”. Một cô thiền sinh nhìn tôi nói: “Cheri, chị có thể thực hiện được điều đó, chị có thể làm được mà”. Tôi không còn nhớ người bạn đó là ai và cô ấy có thể sẽ không bao giờ biết được những tác động của lời khuyên lúc ấy.

Trong thời vấn đáp vào ngày thứ Năm tuần đó, tôi hỏi Thầy có thể sang Mỹ hướng dẫn một khóa tu cho các nhân viên cảnh sát hay không. Tôi lo là Thầy sẽ từ chối, nhưng tôi đã rất hạnh phúc khi Thầy nói: “Được, thầy nghĩ là sang năm chúng ta sẽ làm”. Điều này có nghĩa là tôi sẽ có một năm để chuẩn bị và kêu gọi các nhân viên cảnh sát tham dự một khóa tu chánh niệm với một vị thầy Phật giáo.

Công việc tổ chức không tránh khỏi sự phản ứng và nhiều trở ngại. Nhưng cuối cùng, Thầy đã đến Mỹ và khóa tu đã diễn ra. Trong số thiền sinh tham dự khóa tu năm đó, có khoảng 16 cảnh sát đến từ sở cảnh sát nơi tôi làm việc. Sau buổi pháp thoại đầu với chủ đề “Violence begets violence” (Bạo động chỉ làm phát sinh thêm bạo động mà thôi), họ đã đến gặp tôi và hỏi: “Cheri, vậy thì chúng ta phải làm như thế nào? Thầy ấy nói bạo động chỉ làm phát sinh thêm bạo động là như thế nào? Chúng tôi muốn nói chuyện với Thầy”. Sau đó Thầy đã gặp riêng và nói chuyện với họ. Rất là tuyệt vời, bởi vì từ đó cho đến cuối tuần không có ai có vấn đề hay phản đối gì nữa cả. Vào cuối khóa, Thầy hỏi tôi: “Chúng ta có được nghe các vị cảnh sát chia sẻ không?”. Vì vậy vào đêm cuối của khóa tu, các nhân viên cảnh sát đã lên chia sẻ. Tôi chưa bao giờ được nghe họ chia sẻ như thế về cuộc sống của họ khi làm một nhân viên cảnh sát. Và cũng chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cộng đồng sẵn sàng lắng nghe họ như vậy. Cuối khóa tu, 16 nhân viên cảnh sát và tôi đã nắm tay nhau thực tập thiền đi.

Năm 2007, tôi được tham gia chuyến về Việt Nam của Thầy. Năm 2008, tôi được nhận truyền đăng từ Thầy với bài kệ kiến giải:

Thở vào, tôi biết chánh niệm là con đường đưa đến bình an

Thở ra, tôi biết bình an là con đường đưa đến chánh niệm

Thở vào, tôi biết bình an là con đường đưa đến sự công bằng

Thở ra, tôi biết sự công bằng là con đường đưa đến bình an

Thở vào, tôi biết trách nhiệm của tôi là đem đến sự an toàn và phòng hộ cho tất cả mọi loài

Thở ra, tôi cảm thấy khiêm cung và trân quý trách nhiệm của mình – một nhân viên hoạt động cho hòa bình.

Thở vào, tôi chọn chánh niệm làm áo giáp và từ bi làm vũ khí

Thở ra, tôi nguyện đem tình thương và sự hiểu biết đến với tất cả những ai tôi phục vụ.

Ba khía cạnh tương tức

Nội lực

Đã có rất nhiều người đến nói với tôi rằng: “Cheri, chị đã mềm ra rất nhiều”. Tôi nghĩ đó là sự thật. Những lớp áo giáp bảo vệ của tôi đã từng lớp, từng lớp được tháo ra. Tôi ý thức được hai tâm hành tham đắm, ghét bỏ và học cách chuyển hóa chúng. Tôi cũng nhận diện và làm lắng dịu được cả những tâm thật vi tế như tâm tham. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng khi có được sự trị liệu và sự bình an thì mình lại bị kẹt vào đó để tạo nên một cái ngã. Tôi học cách để nhận diện và chuyển hóa ngã chấp đó. Trong xã hội của chúng ta, mọi người được đánh giá qua việc người ấy làm. Trong khi đó, Thầy dạy rằng phẩm chất của việc làm luôn tùy thuộc vào phẩm chất của chính người làm việc đó. Tôi được học cách sống hạnh phúc ngay bây giờ, mà không bị cuốn vào công việc và bắt hạnh phúc phải chờ đến tương lai.

Một điều rất quan trọng là chúng ta cần phải biết cách phân biệt giữa lòng tự trọng (self-esteem) và lòng từ bi cho chính bản thân (self-compassion). Vấn đề của sự tự tôn (high self-esteem) là chúng ta vẫn còn so sánh giữa mình và người khác và đôi lúc còn tranh hơn thua với họ và âm thầm mong rằng người khác sẽ thua kém mình. Có từ bi với chính mình thì chúng ta sẽ biết thông cảm và có thiện chí với bản thân. Tôi nhận thấy khi có thể áp dụng các pháp môn thực tập để làm được như thế thì cái ngã của tôi thu nhỏ lại. Hạnh phúc lớn nhất là khi cái ngã của mình nhỏ nhất. Còn khi cái ngã to lên thì đó cũng là lúc tất cả những tập khí của tôi biểu hiện.

Công việc dấn thân

Chúng tôi có một số chương trình tu học trong các nhà giam ở tiểu bang Wisconsin. Chương trình đã bắt đầu từ một nhà giam và sau đó nhân rộng ra cho cả một hệ thống. Chúng tôi sẽ bắt đầu dạy phương pháp tu tập chánh niệm cho những người quản lý trại giam.

Nhờ tính thuyết phục của những nghiên cứu khoa học về phương pháp chánh niệm, chúng tôi cũng được mời hướng dẫn sự thực tập này không những cho nhân viên trong các trại cải huấn mà còn cho các nhân viên giáo dục phạm nhân và nhân viên quản lý những người được tạm tha.

Trong sự dấn thân, tôi nhận thấy điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ cho năng lượng thực tập của mình vững vàng và sống động, nếu không thì chúng ta sẽ lâm vào tình trạng “hết xí quách” trong khi phụng sự (compassion fatigue). Tình trạng “hết xí quách” (tình trạng kiệt sức và không còn năng lượng để làm gì nữa hết) xảy ra là vì chúng ta cho ra quá nhiều trong khi nội lực chúng ta lại không có đủ. Khi sự hiến tặng đến từ chính năng lượng thực tập căn bản của chúng ta thì năng lượng ấy sẽ được làm mới lại và trở nên vô lượng, không giới hạn. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải duy trì sự thực tập cho vững vàng và sống động. Vì lý do này mà những thành viên của dòng tu Tiếp Hiện phải có 60 ngày tu chánh niệm mỗi năm.

Sự liên hệ giữa mình và người

Đối với tôi, sự liên hệ giữa mình và người khác là một sự thử thách cao nhất trong đời sống tâm linh. Nếu sự thực tập không có mặt trong những mối liên hệ như vậy thì quả là có điều gì đó không ổn. Là một nhân viên cảnh sát, tôi đã bắt đầu kinh nghiệm được năng lực trị liệu của sự không gây hấn (non-aggression).

Điều mà tôi học được khi tiếp xử với mọi người là tránh gây thêm tác hại. Ngay cả khi phải dùng vũ lực, tinh thần bất hại vẫn phải luôn có mặt. Một trong những điều quý giá mà Thầy đã dạy tôi là lòng từ bi có khi biểu hiện một cách nhẹ nhàng và có khi biểu hiện một cách mạnh mẽ. Tuệ giác là biết khi nào cần áp dụng lòng từ bi một cách nhẹ nhàng để hiểu thêm về đối tượng và khi nào cần áp dụng lòng từ bi một cách mạnh mẽ để duy trì luật lệ và khuôn phép. Điều này rất quan trọng. Và tôi nghĩ rằng cách chúng ta giao tiếp và liên hệ với người khác hàng ngày chính là công tác hòa bình quan trọng nhất mà chúng ta dấn thân vào.

Tôi nhớ khi tôi còn làm đội trưởng trong phân ngành huấn luyện nhân viên, một hôm ngồi ở bàn làm việc, một cảnh sát trẻ bước vào và nói: “Thưa Đại úy,  tôi xin được thưa chuyện với bà”. Lúc ấy tôi thật sự không muốn bỏ dở công việc đang làm. Tôi nhận diện được ngay tâm hành này và quyết định thay đổi cách hành xử của mình. Sự liên hệ với người phải quan trọng hơn công việc. Có thể một số người khác sẽ không bằng lòng vì như thế công việc sẽ bị đình trệ, có thể tôi sẽ không làm được nhiều việc như ý muốn. Nhưng có điều gì quan trọng hơn việc hiến tặng sự có mặt của tôi cho một con người khác? Bởi vì hiệu ứng gợn sóng của sự có mặt ấy, bạn sẽ không bao giờ, không bao giờ lường trước được.