Cùng theo các em học hành như xưa
Phỏng vấn Thầy Pháp Hữu
BBT: Làm một sư anh và cũng là một vị trú trì trẻ, thầy thực tập như thế nào để có thể làm chỗ nương tựa cho các sư em, và đồng thời làm một sư em của các sư anh lớn? Điều gì nuôi dưỡng thầy?
Thầy Pháp Hữu: Thực sự thì Pháp Hữu cũng đang học cách làm một sư anh. Pháp Hữu thấy khi làm một sư anh thì sự có mặt là quan trọng nhất. Thầy mình dạy: “Khi thương ai, món quà quý nhất mình có thể hiến tặng là sự có mặt của mình”. Tăng thân của mình rất lớn, rất khó để có thời gian riêng với mỗi người nhưng trước hết Pháp Hữu cố gắng có mặt cho các thời khóa căn bản như ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, tụng kinh trước pháp thoại… Các sư anh có mặt trong giờ ngồi thiền thì đã là có mặt cho các sư em và tạo được niềm tin cho đại chúng. Pháp Hữu ý thức đó là những điểm căn bản cần phải gìn giữ.
Một bài học mà Pháp Hữu học được từ Thầy trong những năm làm thị giả là sự có mặt của Thầy với đại chúng. Đây là một cái đức rất đẹp của Thầy mà Pháp Hữu hy vọng các anh chị em xuất sĩ đều học được. Trong suốt thời gian còn giảng dạy, không có một bài pháp thoại nào Thầy bỏ. Có những lúc Thầy bệnh rất nặng, đêm hôm trước sốt mà sáng hôm sau Thầy vẫn ra cho pháp thoại. Những lúc Thầy ở xóm Thượng, Thầy đều có mặt để dùng trưa với đại chúng, Thầy không bỏ một bữa cơm nào, cũng như ngồi thiền sáng và tối. Nếu Thầy không có mặt thì ai cũng có thể hiểu được là Thầy lớn tuổi, cần nghỉ ngơi, nhưng Thầy rất quyết tâm có mặt với đại chúng. Điều đó vừa nuôi dưỡng Thầy vừa là lời dạy của Thầy qua hành động cho đại chúng.
Bài học thứ hai là những khi Thầy đang làm việc, đang đọc sách hay đang viết sách mà chỉ cần thưa Thầy tới giờ dùng cơm rồi thì trong vòng hai phút Thầy có thể ngưng công việc để đi dùng cơm. Thông thường, mình rất dễ đánh mất mình trong công việc, nhưng Thầy ngưng được để có thể đi dùng cơm với đại chúng đúng giờ. Pháp Hữu thấy nhờ huấn luyện theo nguyên tắc như vậy mà Thầy tạo được sự quân bình trong sự thực tập, làm việc và tu học trong đại chúng.
Pháp Hữu nghĩ làm sư anh thì cần hy sinh một chút thời gian của mình. Khi thực tập như vậy, mình bắt đầu buông bỏ cái ngã của mình để quan tâm đến anh em. Điều gì mình làm, người kia cũng cảm nhận được vì đó cũng là một loại năng lượng. Mình có mặt để giúp cho sư em mình vượt qua khó khăn. Có những lúc mình thấy hơi mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu mình biết chuyển hướng suy tư, hướng tâm mình về một hướng khác thì mình sẽ có một cái thấy khác. Pháp Hữu nghĩ, mình đầu tư năng lượng, thời gian đó mà có thể giúp được cho sư em vững vàng hơn, cắm rễ được sâu hơn trong đại chúng thì đó sẽ là một niềm vui rất lớn. Mình nghĩ mình hy sinh một chút năng lượng và thời gian của mình nhưng thực ra mình cũng đang nuôi mình. Tất cả tùy vào cách nhìn của mình thôi.
Pháp Hữu cũng thấy là làm sư anh, cũng như làm cha mẹ, phải biết tưới hoa, nghĩa là phải thực sự công nhận những điểm đẹp đang có nơi huynh đệ mình. Khi thấy anh em có khó khăn, mình tới hỏi thăm, lắng nghe và làm một người bạn cho người đó chia sẻ. Thông thường, ai mà tươi mát, vui vẻ thì mình dễ gần gũi; còn ai có một chút khó khăn, khó chịu, đau khổ thì thường là mình muốn tránh. Mình có thể nói: “Mình cho người đó không gian”, nhưng có thể trong lúc đó họ thực sự cần một người bạn, một sư anh, sư chị. Mình chỉ cần tới hỏi: “Sư em đang buồn hả, sư em có cần chia sẻ ra không?”. Chỉ cần mình hé cánh cửa ra, nếu lúc đó sư em đủ can đảm và đủ tin tưởng thì có thể chia sẻ ra được. Và có thể nhờ sự chia sẻ như vậy mà sư em vượt qua được giai đoạn khó khăn của mình.
Trong sự thực tập làm sư anh, mình cũng đang tiếp tục làm sư em của các sư anh trong chúng. Pháp Hữu ý thức rất rõ cái tình của mình với các sư anh cũng quan trọng không kém, và như vậy mình cảm được mình không đứng một mình. Sẽ có những lúc mình gặp khó khăn, rất khó chịu, bức xúc, nếu mình không có cái tình với các anh em thì mình sẽ cảm thấy đơn độc, phải ôm hết một mình. Sống trong đại chúng, ai cũng có những cái rễ với mọi người. Mình cần thực tập nhận diện ra những cái rễ đó. Có những người bạn mình có thể dễ dàng tới chơi và đùa giỡn, chia sẻ. Nhưng cũng có người mình có thể tới và nương tựa trong những lúc có khó khăn. Khi thấy được đây là một đại gia đình, có truyền thông, có sự hiểu biết và tình thương, thì mình có thể buông bỏ được cái ngã của mình để cầu sự giúp đỡ từ các anh em.
Khi thực tập làm sư anh, làm y chỉ sư, Pháp Hữu cũng phải rất cẩn thận để không áp đặt cái thấy của mình vào các sư em. Mình cần phải cho các sư em không gian để thực tập chuyển hóa. Làm một người lớn, hình như mình hay có khuynh hướng đặt những mong muốn, kỳ vọng của mình vào các em. Nhưng có khi mình kỳ vọng nhiều quá, cái thấy của mình trở nên hẹp đi, mình chỉ muốn sư em theo ý của mình và không thấy được những đức tính hay mà các sư em có thể phát triển. Thực tập của mình là thực tập ý thức, cho nên mình chỉ cần chiếu ánh sáng, tưới tẩm cho các sư em một cách khéo léo và các sư em phải là người tự thấy, tự cảm nhận, để thực tập mà mình không ép các em làm theo ý mình. Mình chỉ có mặt và yểm trợ để các sư em không đi lạc đường. Nhưng chuyển hóa được hay không phần lớn là do nỗ lực tự thân của vị đó.
BBT: Trong hai năm qua, Thầy đã làm thị giả chăm sóc Sư Ông trong quá trình trị liệu sau đột quỵ, và phải xa đại chúng lớn. Khi trở về, thầy thực tập như thế nào để hòa nhập lại với đại chúng?
Thầy Pháp Hữu: Pháp Hữu thấy cái khó nhất là buông bỏ cái ngã của mình, buông bỏ cái riêng để hòa vào cái chung, hòa nhập lại với đại chúng. Pháp Hữu nghĩ: “Mình chịu cực khổ nhiều rồi, bây giờ nghỉ ngơi, từ từ rồi hòa nhập lại, từ từ rồi đi thời khóa với đại chúng”. Mình có cảm giác không ai hiểu được mình vì không ai trải qua những gì mình từng trải qua. Những tri giác đó từ từ tách mình ra với anh em, làm mình không thể tiếp nhận tình thương và sự yểm trợ của tăng thân. Mặc dù huynh đệ thương mình, tăng thân thương mình, quan tâm tới mình nhưng mình chưa chịu mở lòng chấp nhận.
Pháp Hữu tự dặn lòng cần quay về thực tập như một sa di trở lại, ngồi thiền, đi thiền, nghe pháp thoại,… tham dự những thời khóa căn bản nhất. Pháp Hữu thực tập để theo đại chúng như lời Thầy từng dạy: “Thời khóa của đại chúng là thầy mình, nhất là trong những lúc mình không biết nương vào đâu”.
Cho đến khóa tu mùa hè, các anh em mời Pháp Hữu vào ban tổ chức. Pháp Hữu nghĩ đây là cơ hội cho mình từ từ hội nhập lại, cơ hội cho mình đến với các anh chị em nhiều hơn, xây dựng lại tình huynh đệ. Rồi khóa tu người trẻ, những cái rễ của Pháp Hữu đã bám chắc hơn với tăng thân. Sự thành công của khóa tu, niềm hạnh phúc của các em trẻ cũng nhắc lại tâm bồ đề của mình, nhắc lại cho mình nhớ vì sao mình đi tu, tại sao mình có mặt ở đây, mình đang thực tập để làm gì? Pháp Hữu thấy rõ hơn sự thực tập của một vị xuất sĩ giúp được cho rất nhiều người.
Nhìn các sư em trong gia đình Cây Đan Mộc tu tập, đóng góp cho đại chúng mình cũng muốn “cùng theo các em học hành như xưa”. Nhờ đợt sóng ở phía sau đẩy mình đi tới. Và khi thực sự buông xuống cái ngã của mình, trở về làm một sa di nhỏ theo thời khoá của đại chúng, Pháp Hữu thấy tâm mình nhẹ hơn.
Thêm vào đó, Pháp Hữu đã đứng lại vai trò trú trì, và cũng rất ý thức sự có mặt, năng lượng của mình ảnh hưởng đến các sư em trong chúng. Đó cũng là một lực đẩy để mình vững chãi hơn, có mặt cho các anh em, có mặt với đại chúng. Trong lúc Pháp Hữu hướng dẫn, chia sẻ cho thiền sinh hay cho các sư em, Pháp Hữu cũng thật sự đang tự nhắc nhở mình. Nó thúc đẩy mình đi tới, giúp mình nỗ lực hơn, vững chãi hơn để đóng góp cho tăng thân và đồng thời giúp mình nhớ lại những ước muốn của mình và của tăng thân. Pháp Hữu cũng muốn làm một vị trú trì vững. Năng lượng của đại chúng, cùng với sự cởi mở, hết lòng của các anh em giúp cho Pháp Hữu rất nhiều. Những cái rễ bắt đầu cắm lại, thấy mình tự tin hơn, nương tựa Thầy, nương tựa đại chúng và làm chỗ nương tựa cho các sư em.
Pháp Hữu thấy đại chúng đã bước được những bước quan trọng, và Pháp Hữu có niềm tin mình sẽ tiếp tục vượt qua được những trở ngại có thể xảy ra trong tương lai.
BBT: Tại Làng Mai có rất nhiều buổi họp, thầy thực tập như thế nào để nuôi dưỡng và tạo hứng khởi cho mình trong các buổi họp?
Thầy Pháp Hữu: Pháp Hữu nghĩ yếu tố đầu tiên dẫn đến sự thành công của buổi họp là người chủ tọa phải là người thích đi họp (cười). Người điều hành buổi họp phải là một người sẵn sàng đi họp. Vì nếu mình không thích đi họp, cảm thấy đi họp nặng nề thì khi chủ tọa buổi họp mình sẽ truyền năng lượng nặng nề đó cho đại chúng.
Theo kinh nghiệm của Pháp Hữu, về phần họp, có nhiều khía cạnh cần lưu tâm. Trước hết, anh chị em trong chúng phải hiểu sự quan trọng của buổi họp. Buổi họp giúp duy trì sự truyền thông của đại chúng trong lĩnh vực làm việc, cũng như điều hợp, vận hành cho một xóm, một tu viện. Họp có rất nhiều loại: họp Ban chăm sóc, họp Tỳ kheo, họp Giáo thọ, họp Sa di, họp Ban tổ chức, họp chúng,… nhưng nguyên tắc chung của buổi họp là đưa tới sự hòa hợp. Buổi họp đưa tới hòa hợp để cho nhóm, cho ban, cho công việc đó đi đến một kết quả mà ai cũng đồng ý nâng đỡ. Đó là nguyên tắc mình cần biết và chia sẻ với đại chúng.
Người chủ tọa buổi họp cần phải có sự chuẩn bị trước. Thứ nhất, phải biết đề tài của buổi họp. Mỗi đề tài mình phải nắm vững để chia sẻ cho đại chúng hiểu được và đóng góp để cùng đưa tới quyết định. Khi chuẩn bị trước như vậy, nếu đại chúng thắc mắc mình có thể có đủ thông tin để giúp đại chúng đi đến quyết định nhanh hơn. Người chủ tọa, nếu không nắm rõ đề tài thì khi đại chúng hỏi, mình không có đầy đủ thông tin và đại chúng cần phải bàn về những câu hỏi đó sẽ mất thêm nhiều thời gian. Trong thời khóa bình thường, Pháp Hữu nghĩ mình duy trì buổi họp mỗi tuần và cố gắng như thế nào để buổi họp diễn ra trong vòng một đến một giờ rưỡi. Kéo dài buổi họp quá sẽ tạo tâm lý ngán và mệt mỏi cho đại chúng.
Khi làm chủ tọa buổi họp thì trước buổi họp một ngày, Pháp Hữu thường viết sẵn đề tài để đại chúng có thể hình dung trước, có thể cùng nhìn về đề tài đó trước khi vào buổi họp. Nếu không, khi vào buổi họp, đại chúng chưa có khái niệm nào hết nên sẽ cần thời gian để suy nghĩ về đề tài đó. Thứ hai, những công việc, những đề tài nào mình chưa nắm chắc thì mình nên đi hỏi thêm thông tin trước khi trình bày. Có những đề tài khó mà mình cảm nhận không biết đại chúng có dễ dàng chấp nhận hay không thì có thể hỏi ý vài anh em trước để có thể trình bày trong buổi họp rõ ràng hơn. Những phần chuẩn bị như vậy đưa tới sự rõ ràng, càng rõ ràng thì đại chúng sẽ càng khỏe.
Trước các buổi họp, mình cần phải đọc lời quán nguyện. Sự thực tập này rất quan trọng, nhắc nhở đại chúng: “nếu trong số chúng con có người nhận thấy có sự căng thẳng, chúng con xin lập tức ngừng lại để sám hối tại chỗ và trả lại cho đại chúng không khí Ý hòa đồng duyệt”. Ở xóm Thượng, quý thầy cũng thực tập điểm này. Khi có vị chia sẻ quá lớn tiếng thì sẽ được nhắc nhở sám hối để đưa lại cho đại chúng không khí hòa hợp. Trong buổi họp, khi có sự lớn tiếng và bất hòa, Pháp Hữu thường dừng buổi họp, đợi tới ngày mai hay tuần sau mới tiếp tục. Pháp Hữu nghĩ khi đưa ra quyết định trong năng lượng bực bội, đại chúng sẽ không thông, không hòa hợp. Một buổi họp như vậy sẽ không đưa đến một kết quả tốt đẹp.
Vị hướng dẫn buổi họp phải nhạy bén. Có những đề tài dễ dàng, không có gì trở ngại, ai cũng cười thì mình có thể xin thông qua. Mỗi vị tỳ kheo, tỳ kheo ni trong đại chúng có trách nhiệm chia sẻ cái thấy của mình, nhưng sau khi đã chia sẻ thì thực tập buông bỏ. Mình nên tránh dùng cách bỏ phiếu, bởi vì khi bỏ phiếu tức là đã chia thành hai bên rồi, đâu còn sự hòa hợp.
Người chủ tọa buổi họp phải có tâm, và cũng là một người có tình, có sự liên hệ với mọi người trong chúng. Người chủ tọa là một người đứng ở vị trí trung lập, đang nói cho đại chúng chứ không phải nói cho cá nhân mình. Mình là người ngồi chuông, mình không thể lái đại chúng theo cái muốn riêng của mình. Người cầm chuông phải lái đại chúng tới sự hòa hợp. Pháp Hữu rất vui khi có một sư em tỳ kheo nói rằng: “Sư em thích tham dự những buổi họp vì khi họp sư em cảm được sự hòa hợp của đại chúng, và khi đưa tới một quyết định thì đó là quyết định chung. Lúc đó mới thấy mình là một cơ thể”.
BBT: Chúng con kính cảm ơn thầy đã chia sẻ hết lòng những kinh nghiệm rất quý mà thầy đã và đang đi qua.