Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Sự tái sinh mầu nhiệm

Tâm Hương

“… Hạnh phúc đây rồi tìm đâu nữa
Trở về thôi, bước những bước trở về”

hình vẽ - rõ mặt“Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Tâm Hương đã phải chấp nhận số phận tủi nhục của mình như một sự thật hiển nhiên mà ông trời đã đổ xuống một thân hình nhỏ bé là cô? Ngay từ những ngày cô bé ý thức về cuộc sống, em đã mang trong mình nỗi đau cùng cực mà không biết chia sẻ cùng ai. Cô bé đau khổ nhiều lắm. Có thể ban đầu đó là tình thương người đó dành cho em, Tâm Hương nghĩ vậy nhưng lớn hơn em cảm thấy ghê sợ mỗi lần thấy thủ phạm, cô bé đau khổ và muốn trả thù nhưng cô bé không biết phải làm thế nào: “Giết chết ông ta sao?” Không thể, bởi ông ta cũng là người em thương mà, vậy thì làm gì hơn ngoài im lặng trong tận cùng đau khổ. Tâm Hương nghĩ đến cái chết, chắc hẳn đó là giải pháp tốt nhất cho tự thân nhưng đối diện với cái chết cô bé không làm được, cô bé còn có mẹ, người mà em hết mực thương quý, cô bé không muốn xa mẹ và càng không muốn làm mẹ khổ. Tâm Hương đã không nói cho mẹ nghe nỗi đau trong lòng mình bởi Tâm Hương sợ làm mẹ đau khổ thêm, mẹ khổ vậy đủ rồi. Năm tháng cứ qua đi, Tâm Hương sống trong khổ đau, tủi nhục. Cô bé khiếp sợ nhiều lắm, cô bé sợ mọi người, sợ sự im lặng khi đêm về, sợ một mình trong căn nhà… và nhất là sợ chính bản thân mình, một thân hình dơ bẩn mà mỗi ngày em phải cố gắng che đậy bằng lớp áo quần sặc sỡ sắc màu, một sự che đậy giả tạo mà chắc hẳn chẳng ai biết điều đó ngoại trừ Tâm Hương và thủ phạm. Bên ngoài cô bé cũng giống bất cứ một cô gái cùng tuổi nào, có khác chăng thì em có khuôn mặt dễ thương và trầm lặng hơn với thêm một chút “mít ướt” thôi. Tâm Hương phải sống cuộc sống giả tạo như thế, em đã cố gắng sống vì cái gì vậy? Mẹ, đó là niềm động lực duy nhất, em phải chấp nhận cuộc sống của chính mình như một định mệnh mà Thượng đế đã “ban tặng” cho em. Thương mẹ, Tâm Hương cố tìm cho mình một lối thoát nhưng trước vết thương của tự thân, cô bé thấy tuyệt vọng vô cùng tận, lòng cô bé chứa đầy thù hận, em oán trách và căm giận những ai đã cho em có mặt trên cuộc đời để rồi bao tủi hờn đổ ập xuống thân hình nhỏ bé, mong manh này. Tâm Hương quyết định tự vẫn để hết khổ, đã quá đủ với em sau mười mấy năm phải sống, phải chịu đựng. May mắn cho em, đứng trước lưỡi hái của tử thần ông trời đã không nhắm mắt khi em được gặp một vị Thầy, chắc hẳn vị Thầy đó đã có mặt bên cô bé từ lâu.

“Để có một tương lai” với Tâm Hương thì tương lai có khác gì hiện tại và quá khứ đâu, nó chỉ là một màu đen còn hơn “đêm ba mươi của Chị Dậu trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố” bởi vết thương trong lòng đã bao trùm tất cả, không cho em tiếp xúc được với hiện tại mầu nhiệm. Nhưng trân kính và nghe lời Thầy, Tâm Hương cũng thử đi tìm tương lai trong khóa tu ấy. Một điều kỳ lạ đã đến với cô bé khi em hòa mình vào những thời khóa cùng các bạn trẻ khác, có tới cả ngàn người trẻ tham dự khóa tu này và có nhiều những vị tu sĩ trẻ khiến em tự hỏi: “Ở đây có gì mà hấp dẫn người trẻ đến vậy?” Ngộ chưa, Tâm Hương được hướng dẫn thở, cười, đi, đứng, nằm, ngồi… trong những buổi pháp thoại, pháp đàm, những điều mà với cô bé nó đã hiển nhiên tự bao giờ mà chưa khi nào em tiếp xúc được. Vì thế nên trong suốt khóa tu Tâm Hương chỉ im lặng để có thể tiếp nhận những gì mà những người áo nâu kia chia sẻ.

Trong một buổi pháp thoại, cô bé được nghe vị Thầy dạy về sự trao truyền và tiếp nối. Vị Thầy chia sẻ: “Nhìn vào đôi bàn tay mình chúng ta thấy có cha mẹ, có ông bà tổ tiên…” Tâm Hương đã khóc khi vị Thầy chạm vào nỗi khổ niềm đau trong lòng em, làm sao em có thể chấp nhận được trong em có người đó? Không thể như thế được, không thể có. Cô bé ngồi đó đấu tranh với một sự thật phũ phàng mà Thầy dạy. Nhưng nhờ năng lượng của mọi người trong buổi giảng giúp cô bé dừng lại cảm xúc dâng trào, trở về em nhớ đến hơi thở và lời dạy: “Thở vào, tôi biết em đang có mặt đó. Thở ra, chào em nỗi khổ niềm đau ơi! Tôi đang có mặt cho em đây!” Phép lạ của hơi thở cho em dừng lại cơn bão nơi tự thân, em thôi không khóc nữa, ngồi cho ngay ngắn để tiếp tục nghe pháp. Những ngày sau đó Tâm Hương nương vào đại chúng để thực tập nhận diện em bé tuổi thơ. Ngồi thiền, đi thiền là cơ hội giúp cô bé nhìn sâu để thấy những khổ đau, thấy những nguyên nhân để rồi áp dụng những lời dạy giúp em thoát khỏi ngục tù đau khổ. Em mời mẹ, người em thương nhất cùng có mặt để yểm trợ em, sau đó em mời người đã làm em khổ.

Khóa tu kết thúc sau 4 ngày sinh hoạt nhưng chính từ khóa tu ấy đã mở ra cho Tâm Hương cánh cửa màu hồng, em tìm thấy cho mình một con đường, cô bé quyết định đi tu dù biết đó là điều không dễ. Tâm Hương phải vượt qua sự cản ngăn từ gia đình bởi nhận thức còn phong kiến về người tu trong gia đình em lớn lắm. Ba của em hỏi: “Tại sao con lại đi tu? Ba mẹ có bỏ đói con ngày nào đâu, tại sao con lại trốn tránh trách nhiệm với gia đình, xã hội để an phận, nuôi cho khôn lớn rồi bỏ nhà đi tìm hạnh phúc riêng?” Mẹ của em thì nói: “Con ơi! đi tu khổ lắm, tại sao con lại muốn tu như thế? Bố mẹ đủ sức để nuôi con mà…” Rồi hàng xóm vào ra những lời dị nghị: “Gia đình này sao thế, có con mà không nuôi được, không dạy được, nó bị thất tình hả?” Biết bao câu hỏi áp lực đến với Tâm Hương nhưng cô bé chỉ biết im lặng, làm sao giải thích hết cho mọi người hiểu những gì ở nơi em đã có, làm sao em có thể nói: “Con đau khổ, con đã bị làm ô nhiễm. Con muốn thoát khổ và con đường xuất gia tu học là con đường duy nhất giúp con tìm thấy hạnh phúc… ” Cô bé chỉ có thể im lặng, tự khẳng định với bản thân về con đường tương lai ấy.

Trốn nhà đi tu, cô bé đã tìm mọi cách để được tới với tăng thân, nơi mà em biết chắc sẽ giúp em chuyển hóa được khổ đau, hận thù trong em. Chỉ có con đường thực tập này mới đem lại cho cô bé hạnh phúc thật sự và rồi em sẽ dâng món quà ấy tặng mẹ, tặng những người em mang ơn và tặng cả người kia nữa. Sống trong môi trường tốt, được gần gũi bạn lành, Tâm Hương mỗi ngày trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn. Mỗi sáng thức dậy em đã mỉm cười được thay cho những giọt nước mắt khổ đau trước đây, em mở lòng đến chơi và chia sẻ với những người bạn đồng tu để được cảm thông, thương yêu và nâng đỡ, để dần dần chuyển hóa. Được Thầy cùng đại chúng đồng ý cho Tâm Hương được trở thành sư cô, em hạnh phúc lắm khi biết mình được hòa vào dòng sông tăng thân. Nhờ có Thầy cùng quý sư anh, sư chị, sư em thương yêu chỉ bảo, mỗi ngày sư cô trẻ chuyển hóa dần vết thương trong tự thân. Sư cô đã thấy được người làm mình khổ thì họ cũng khổ, họ cũng chỉ là nạn nhân của sự mê mờ. Sư cô nhớ tới trong một buổi vấn đáp có hai câu hỏi được đặt ra từ trái tim như sau:

Con kính bạch Thầy! Thầy dạy chúng con nhìn sâu để hiểu và thương được người đã gây ra cho mình đau khổ, nhưng trước những nỗi khổ niềm đau nơi tự thân con lại không thể thương được chính con. Xin Thầy dạy cho con biết con phải làm sao để có thể chấp nhận và thương được chính bản thân? Làm sao con lấy niềm vui của người khác làm niềm vui cho con và con phải thực tập như thể nào để giúp người kia thấy và dừng lại những hành động xấu xa ấy?

Xin Thầy từ bi hoan hỷ soi sáng cho con. Con rất muốn tu và nguyện theo tăng thân suốt đời nhưng vì trong quá khứ con có những niềm đau, tâm hận thù, ước muốn trả thù và trừng phạt họ cũng như lối tư duy tiêu cực mà con đang dần đánh mất Bồ đề tâm trong con, không còn gì có thể cho con cảm thấy vui. Xin Thầy giúp cho con?

Và Thầy đã chia sẻ:

“Mình có cảm tưởng là mình đánh mất sự ngây thơ, trong trắng của mình, cho nên mình khổ. Theo nguyên tắc, mình có thể tha thứ và thương yêu người đã gây vết thương cho mình, nhưng nhìn vào bản thân, mình thấy mình không được trinh tuyền, trong trắng như những người khác, mình cảm thấy tủi hổ. Do đó dẫu biết rằng cuộc đời có những mầu nhiệm bên trong và bên ngoài mình cũng không tiếp xúc được, trong đời sống hàng ngày mình không có niềm vui.

Đức Thế Tôn dạy những phương pháp rất cụ thể để mình có thể thoát khỏi tình trạng mặc cảm này. Ở thủ đô Bangkok có những cô gái con nhà lành giàu có, mỗi sáng đi học mặc những chiếc áo rất đẹp. Nhìn bên ngoài bên trong rất trong trắng hồn nhiên, những người đó chưa bao giờ bị những vết thương do sự lạm dụng, ức hiếp. Nhưng ở Bangkok cũng có những cô gái từ nhà quê lên để làm gái giang hồ. Có những mụ Tú Bà đi kiếm những cô gái nghèo dụ dỗ lên thành phố và nói rằng: “Con lên thành phố chỉ nội trong vài tháng là con có thể gởi tiền về cho bố mẹ…”. Những cô gái nghèo đó tin theo các mụ Tú Bà lên thành phố. Mới lên Tú Bà cho liền 100, 200 ngàn bath để gởi về nhà, thành ra cô gái rất hạnh phúc, nhưng từ từ Tú Bà đưa cô gái đi vào thanh lâu để làm nghề rước khách. Cô gái không có cách nào thoát ra khỏi bởi cái lưới mà mụ giăng ra rất nhặt… Tú Bà có mặt ở Bangkok, ở Paris, ở Sài Gòn, Hà Nội, ở khắp mọi nơi và những cô gái quê nghèo bị lọt lưới rất nhiều.

Bữa đó có một em bé 16 tuổi, nạn nhân của Tú Bà đi trên đường đại lộ Bangkok và thấy đoàn nữ sinh tươi như những chú chim ca hót, cô bé cảm thấy tủi thân và có cảm tưởng mình là ô uế, tội lỗi… mình oán trời, trách đất. Tại sao các vị tiểu thư đó trong sáng, trinh tuyền, an ninh như vậy còn mình lại sa vào vũng lầy tội lỗi? Ai có thể giúp được cô gái ấy thoát khỏi mặc cảm lem luốc kia? Cố nhiên có những người tìm cách phá tung những tấm lưới để giải thoát cho những cô gái được hoàn lương. Nhưng dẫu cô gái có may mắn được cứu thoát thì vẫn mặc cảm vì mình đã đi ngang qua giai đoạn khổ đau đó, mặc cảm có thể đi theo suốt đời làm cho cô gái không có niềm vui. Đức Quan Thế Âm có khả năng giúp mình, đức Bồ Tát nói rằng:“Này con! Đoàn nữ sinh kia trong trắng, thơ ngây, sở dĩ được như vậy là nhờ những đứa như con”. Trong xã hội có bùn, có sen, có những thành phần phải đóng vai bùn để làm nên sen. Có những nhà chính trị, nhà giáo dục, kinh tế… họ chưa để ý đến những em bé như con. Họ chỉ lo tranh đấu đâu đâu. Vì vậy cái lỗi này không phải là lỗi ở con. Con đừng tưởng con là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về vết thương của con, vì những người đó không có mặt cho con, họ không bảo vệ con, nên bây giờ con lâm vào tình trạng này. Đó là lỗi của tất cả những người trong nước. Sở dĩ bọn kia được trong trắng, thơ ngây là nhờ được nuôi dưỡng bởi lao động cực khổ của những người như con, con tượng trưng cho bùn và những đứa đó tượng trưng cho sen. Trên thực tế những bông sen nếu không được nuôi dưỡng thì nó sẽ trở thành bùn. Còn nếu con biết phương pháp thực tập thì con sẽ trở thành một bông sen, vì trên nguyên tắc: “Không có gì dơ không có gì sạch, bất cấu bất tịnh”. Và chìa khóa của sự giải thoát nằm trong Tâm Kinh Bát Nhã, nếu mình thiền quán thấy được bùn và sen tương tức thì mình vượt thoát mặc cảm về bùn và mình biết chính mình có thể tạo ra sen, chính những người đi qua khổ đau mới có khả năng hiểu và thương.

Thầy cũng vậy! Thầy đi qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều cuộc đàn áp… cho nên thầy có cơ hội chế tác lòng từ bi. Nếu thầy không nhận những bùn đó thì bây giờ thầy không có đóa sen này để cho quý vị. Nên thầy không có mặc cảm mình đã bị lấm bùn. Bây giờ con cũng vậy, con phải coi chuyện lấm bùn của con là cơ hội tốt để con phát ra được tâm hiểu và thương, phát ra được chí nguyện giữ giới và bảo hộ cho những đứa trẻ. Khi mình có năng lượng của giới, của tuệ thì mình bắt đầu có sự trị liệu ở trong lòng về những mặc cảm, về tư duy nhị nguyên bùn và sen là hai cái khác nhau. Mình sẽ biết trong bùn có sen, trong sen có bùn. Mình thấy trong mình có một đóa sen rất đẹp. Khi con thấy đóa sen trong con, con thoát ra được cái mặc cảm đó và con trở thành đệ tử giỏi của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Này Xá Lợi Phất: “không có gì sạch không có gì dơ”. Đó là phán quyết của tuệ giác Phật giáo, chỉ có tuệ giác đó mới giúp mình thoát khổ. Ngoài tuệ giác đó không ai có thể giúp mình ra khỏi vũng lầy của mặc cảm ô uế, xấu xa.

Có một khía cạnh nữa của vấn đề: “quá khứ nó ám ảnh”. Trong ta có A lại gia thức, nó chứa chất những kỷ niệm về quá khứ, những cuốn phim đau thương. Quá khứ vẫn còn ở đó và mỗi ngày nó tự động chiếu lên những giây phút mình bị lạm dụng, bị tức tưởi, bị đàn áp. Mình bị kéo trở lại sống trong ngục tù quá khứ và đó là trường hợp của rất nhiều người. Vì vậy trong giáo pháp của đạo Bụt có một pháp môn thực tập để giúp phá tan địa ngục cho chúng ta thoát ra đi về thế giới của hiện tại, tương lai: Đó là chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng đưa mình trở về hiện tại. Người đó đang ngồi với mình trong không khí vui quá chừng mà người đó không tận hưởng được mà người đó cứ chìm đắm trong quá khứ. Sự thật thì giây phút khổ đau đã qua rồi, từ hồi mình còn ấu thơ. Quá khứ đã không còn nhưng mình vẫn tiếp tục trở về quá khứ để sống với giây phút đó.

Ví dụ có một bữa mình bị tát một cái, cái tát đó làm cho mình tủi nhục. Hình ảnh ấy ghi vào chiều sâu của tàng thức và mỗi khi mình nghĩ tới là mình lại bị tát lại, mình cứ bị tát hoài hoài trong khi sự thật mình chỉ bị tát một lần. Tu tập chánh niệm để nhắc mình cái đó đã thuộc về quá khứ, trong hiện tại nó không có xảy ra. Đó là giác ngộ. Thành ra trong mình có một cô bé bị thương, bị nhốt trong quá khứ. Khi mình thực tập ngồi thiền, đi thiền… mình đưa tay kéo em bé đó ra, mình nói với em bé: “Này em bé ơi! Tôi biết em rất đau khổ. Ngày nào, đêm nào em cũng sống trong kỷ niệm đau thương ấy. Nhưng em nên nhớ rằng chúng ta đã trở thành những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ. Đừng có ngồi ở trong quá khứ, quá khứ đã qua rồi. Em hãy cầm lấy tay tôi, chúng ta cùng rong chơi trong giây phút hiện tại, hiện tại mầu nhiệm vô cùng”. Mình có đủ khả năng tự bảo vệ, không ai ép mình được nữa. Mình không phải là chú bé hay cô bé nữa, đó là sự thật.

Mình phải nói chuyện với em bé, cầm tay đưa em ra khỏi quá khứ để sống với hiện tại. Mời em bé đi thiền hành với mình, vuốt ve bông hoa, ngắm bầu trời xanh… Một thời gian thì em bé sẽ được giải thoát. Sự thực tập hàng ngày là như vậy, với thời gian vết thương sẽ được chữa lành. Trong đạo Bụt có rất nhiều yếu tố để giúp mình và cái tuyệt vời nhất là tuệ giác bất nhị: bùn và sen không tách rời nhau, bùn làm ra sen. Mình có thể trong sáng và còn trong sáng, đẹp đẽ hơn những cô thiếu nữ con nhà lành kia, mình vĩnh viễn thoát ly được đau khổ nếu mình thực tập cho đàng hoàng. An trú trong hiện tại, nương vào tăng thân để thực tập, nội trong vài tháng mình có thể thoát ra tình trạng đau thương đó và mình có được pháp lạc. Tại sao mình lại phải chìm đắm trong quá khứ?

Mình phải ngồi chơi với nhau và phải làm sao để giúp người đó đừng tiếp tục làm khổ cho những người khác. Nếu cần thì mình nhốt họ vào tù nhưng nhốt bằng tình thương. Mình phải làm việc với các nhà văn hóa, chính trị, các vị dân biểu… làm nên những đạo luật, phương tiện để bảo vệ trẻ em. Làm ra những phương thức để ngăn ngừa những người đó không tiếp tục gây tàn phá trong giới trẻ nữa và nếu cần mình để cho họ lấy công chuộc tội. Mình mời họ đi làm vườn, quét nhà… trong hai năm, ba năm để chuộc lỗi. Trong khi làm, mình dạy cho họ cách làm việc sao cho có hạnh phúc. Đặt họ vào môi trường để họ không tiếp tục tàn phá nữa. Điều đó được làm bằng tình thương, với tình thương chứ không phải bằng ý niệm muốn trừng phạt. Để làm được điều đó, một, hai cá nhân không đủ sức, chúng ta phải ngồi lại với nhau, với sự cộng tác của các nhà luật gia, nhà giáo dục. Đó là công việc của con tại vì con tu tập là để mở ra cho được một chân trời như vậy. Phải làm như thế nào để cho các em bé trong tương lai không bị khổ đau như mình…”

Nhớ lại những lời chia sẻ của Thầy, sư cô hiểu ra người đó đã không được trao truyền những cái hay, cái đẹp, người đó không biết thế nào là thương yêu, môi trường người đó sống không mấy tốt đẹp… Sư cô trẻ mỉm cười tha thứ khi thấy được nguyên nhân khổ đau là vì đâu. Sư cô nhận ra mình đang thật sự may mắn, sư cô hạnh phúc khi có được con đường đi sáng tươi này. Thương cho người làm khổ mình bởi họ chưa biết đến con đường mầu nhiệm. Một khoảng lặng trong sư cô khi sư cô nghĩ đến những bạn trẻ đang sống ngoài xã hội kia. Sư cô tự hỏi: Mình phải làm gì để cho các bạn trẻ ấy biết rằng trong cuộc sống này vẫn đang có một con đường thật sự có hạnh phúc, có tự do và có thương yêu. Sư cô trẻ nhớ tới lời dạy của Thầy “nhờ bùn mà có sen”.

Chính những bùn dơ ngày xưa đã giúp hoa sen nở ra nơi sư cô. Sư cô thấy rõ mình đã thực chứng “chuyển rác thành hoa” dưới sự nâng đỡ của Thầy cùng tăng thân và sư cô nhận ra được điều mầu nhiệm trong đời sống tu học khi sư cô mở cánh cửa lòng mình và thật sự trao gởi không chỉ hạnh phúc mà còn khổ đau của sư cô cho Thầy cùng Tăng thân ôm ấp. Đó là điều nhiều người biết nhưng không phải ai cũng cam đảm để thực hiện. Sư cô trẻ thấy mình không cần phải làm gì hơn ngoài tu học sao cho có hạnh phúc, bình an, chuyển hóa được tự thân là giúp người thoát khổ. Chẳng phải chúng ta được dạy “Tâm bình thế giới bình” đó sao? Sau những tháng năm tu học, bây giờ sư cô nhận thấy con đường lý tưởng của mình đang được mở rộng mỗi ngày và giờ đây lý tưởng của sư cô không chỉ ở nơi tự thân mà còn là phụng sự: “chuyển hóa và độ đời”. Sư cô thầm biết ơn Thầy cùng tăng thân thật nhiều, thật nhiều và thật nhiều.

Bạn thương mến!

Ngồi đây viết những dòng chia sẻ từ tận sâu thẳm trong lòng, mình  không hy vọng sẽ nhận được tình thương từ nơi bạn hay bất cứ nơi một người nào bởi với mình, tình thương đã luôn có mặt khi mình được Tái Sinh là một sư cô. Mình viết xuống đây mà lòng hạnh phúc và bình an đến lạ. Mình đã gọi đúng và thật tên nỗi khổ niềm đau trong tự thân. Còn bạn thì sao? Mình hy vọng trên bước đường mà bạn đang đi dù có thật nhiều chông gai, thử thách thì bạn cũng nhìn thấy bên lề đường có những bông hoa đang mỉm cười với bạn. Đừng nản lòng bạn nhé! Thầy và tăng thân cũng như bản thân mình đang có mặt cùng bạn đây, chúng ta cùng nắm tay nhau đi tới trên con đường hiểu biết và thương yêu bạn nhé!

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Con có thêm ngày nữa để thương yêu.