Hãy tin ở chính mình
Ban Biên Tập phỏng vấn thầy Pháp Lâm
Trung tâm Làng Mai Quốc Tế Thái Lan còn có tên là Vườn Ươm, vì sao có tên là Vườn Ươm thưa thầy?
Chữ Vườn Ươm mang cho ta một hình ảnh là nơi đó người ta gieo những hạt giống, chăm sóc, bảo vệ cho đến khi cây mọc đủ sức thì đem trồng. Khi gieo trồng trong vườn ươm người ta làm cho những đặc tính của chủng loại cây đó được phát triển mạnh nhất và chất lượng nhất. Tu viện Vườn Ươm cũng vậy, có những người trẻ, có lý tưởng, có hạt giống bồ đề rất lớn, nhưng cần chăm sóc một chút cho đủ cành đủ lá thì mới đem trồng nơi khác.
Nơi khác là đâu thưa thầy?
Nơi khác là nơi này, là tu viện Vườn Ươm hay ở nơi cần “cây bồ đề”, đó là nơi cần một hướng đi, cần tình huynh đệ, cần hạnh phúc và cần chuyển hóa khổ đau.
Quý thầy, quý sư cô ở Thái Lan đã đi vào “nhà tình thương”, tên gọi dễ thương của một nhà tù dành cho các em dưới 18 tuổi để hướng dẫn tu học. Các em là nạn nhân của những gia đình tan vỡ, của một xã hội đang chạy theo tiêu thụ. Vì cha mẹ không quan tâm, vì đua đòi với bạn bè mà họ bán thân, buôn thuốc phiện, tham gia băng đảng… Pháp Lâm nhớ trong một khóa tu có nhiều em đã khóc trong những buổi pháp đàm và làm mới. Trong họ có những vết thương và nhờ tham dự khóa tu, họ hiểu và tha thứ được cho cha mẹ họ và bản thân họ, có người còn nói là sau khi ra tù sẽ tới ở Tu viện.
Các thầy cô cũng đi vào các trường Đại học để chia sẻ với sinh viên. Sinh viên cũng bị nhiều áp lực, căng thẳng, sợ hãi và không biết hướng đi. Trong một buổi vấn đáp có một em sinh viên hỏi: “Con có một người bạn, bạn ấy đang rất khổ, bạn ấy không biết mình sống để làm gì và có nhiều lúc muốn chết.” Hay có người hỏi: “Cha mẹ bắt con học ngành mà con không thích, nên đi học chán lắm, con phải làm sao?” Đó là những nơi cần Vườn Ươm.
Như vậy thì rộng quá, nơi nào mà không cần tình huynh đệ, cần hạnh phúc. Vậy Tu viện Vườn Ươm có mặt từ khi nào và với nhân duyên nào mà Vườn Ươm được biểu hiện thưa thầy?
À, có từ “từ ấy”. Từ ấy là khoảng 40 năm trước Sư Ông đã đến Thái Lan. Anh em cũng có tới đó thăm, đó là một ngôi chùa trên núi ở Chiang Mai, phía Bắc Thái Lan. Bây giờ chỉ còn cái nền cốc ngày xưa thôi. Phía trước cốc là dòng suối đá, gọi là suối đá vì dòng nước chảy trên đá chứ không chảy trên đất. Phía sau cốc là rừng. Từ chánh điện mà xuống cốc thì phải đi trong rừng khoảng 15 phút. Chắc đó cũng là nhân duyên có tu viện Vườn Ươm bây giờ.
Từ ấy, Thái Lan là một nước Phật giáo theo truyền thống Nam tông. Và với những hình thái thực tập “hơi già” nên chưa đáp ứng đủ với những khổ đau, mong mỏi của người trẻ trong xã hội hiện tại nên tu viện Vườn Ươm có mặt.
Từ ấy cũng là sư cô Linh Nghiêm, một người trẻ Thái Lan, xuất thân từ một gia đình thượng lưu ở Thái đến xuất gia tại Làng Mai. Sư cô thấy pháp môn này hay quá và cứ mỗi lần về thăm nhà cô rủ thêm quý thầy, quý sư cô về cùng, vừa làm đệ tứ thân, đệ ngũ thân vừa tổ chức những khóa tu cho cư sĩ Thái. Và có một ước muốn có một trung tâm thực tập theo pháp môn Làng Mai.
Từ ấy cũng có thể là do chư Tổ sắp đặt. Mười ngày trước khi tăng thân bị đuổi khỏi Bát Nhã (27.09.2009) có 4 thầy và 6 sư cô qua mở trung tâm tại Thái. Nhưng cũng chưa có đất có chùa gì cả, quý thầy ở tạm nhà nghỉ dưỡng của cha mẹ sư cô Linh Nghiêm, còn quý sư cô thì ở tạm nhà bạn mẹ sư cô Linh Nghiêm cách đó 3km. Nơi này sau đó đón cả 200 quý thầy cô từ Bát Nhã qua. Con người Thái và đất nước Thái đã mở lòng đón tăng thân. Tu viện Vườn Ươm có từ từ ấy là vậy.
Chắc là nhà mẹ sư cô Linh Nghiêm lớn lắm mới chứa được từng đó người phải không thầy? Xin thầy chia sẻ về những ngày đầu tăng thân sống ở Thái?
Nếu mà Pháp Lâm viết văn giỏi thì chuyện của những ngày ấy viết chắc cũng vài cuốn sách. Đây chỉ kể sơ thôi.
Pháp Lâm nhớ, khi “đã về, đã tới”, (tới nơi ở tại Thái rồi) có thầy đã hỏi: “Ngày mai mình đi tiếp phải không?” Vì thầy thấy chỗ ở cho cả trăm thầy mà chỉ có một ngôi nhà nhỏ với hai phòng, một toilet, không bếp… và một cái lều xanh. Không khí trong cái lều xanh ban ngày là lò nướng, ban đêm là tủ lạnh nên anh em bệnh rất nhiều. Sống như vậy khoảng 4 tháng thì anh em quyết định dựng thêm nhà tranh. Sau này mình biết có thêm hai thiền đường bằng tranh là thiền đường Tình Huynh Đệ và thiền đường Trời Phương Ngoại, nhưng trước đó thiền đường có tên là “hội ngàn đinh”. Thiền đường này là một cái lều lớn, sàn được lót bằng những cái chõng tre. Lâu ngày những cây đinh từ cái chõng tre nhú ra và làm rách những cái quần không thương tiếc. Những buổi trưa tháng Tư, mùa nóng nhất ở Thái Lan, anh em thường ra gốc xoài để ngủ, thầy Pháp Sĩ thường nằm dưới mái hiên làm nhà ăn lợp bằng lá dừa để ngủ, dưới chõng tre thầy không quên để một thau nước cho đỡ nóng. Vậy mà những lớp học dưới vườn xoài, những khóa tu ở nhà hay ở ngoài, những buổi ngồi thiền, thiền hành hay những trận đá bóng đã không thiếu. Tiếng cười, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng huynh đệ đã giúp anh em vượt qua những khó khăn.
Sau này, những vị cư sĩ Thái thấy thương quý thầy quá nên đã cùng nhau mua đất và xây chùa để có nơi ổn định cho quý thầy ở và tu học. Bây giờ chỉ mới xây được cư xá cho quý thầy và quý sư cô ở thôi. Còn thiền đường, nhà ăn, nhà bếp, nhà cư sĩ cũng chưa đủ điều kiện xây được. Nhưng nhìn chung là sự tu học cũng đã bắt đầu ổn định.
Cái gì ấn tượng nhất đối với thầy khi thầy sống ở Thái?
Tìm cái nhất thì khó lắm, vì mỗi sự kiện, mỗi giây phút đã qua khi sống ở Thái đều quý hết nên chỉ kể cái ấn tượng nhì thôi. Cái ấn tượng nhì là được đi khất thực. Pháp Lâm có đọc kinh, có đọc sách Đường Xưa Mây Trắng, có nghe kể về giáo đoàn ngày xưa của Bụt mỗi sáng sớm đi từng hàng vào thôn xóm khất thực. Khi qua Thái, Pháp Lâm đã chứng nghiệm được cảm giác này, cảm giác của người khất sĩ thực tập hạnh xin ăn. Từ sáng sớm quý thầy quý, sư cô tập trung lại, được chỉ dạy cách ôm bình bát rồi chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm có 10 thầy và 10 sư cô. Đi mỗi nhóm ít vậy là vì khi quý cư sĩ cúng dường, ai cũng muốn cúng cho tất cả quý thầy, quý sư cô, đi nhiều quá người ta không đủ đồ cúng dường tội nghiệp. Khi mặt trời chưa lên, đường còn vắng xe cộ, không khí yên lặng và trang nghiêm, từng nhóm quý thầy, quý sư cô bước thảnh thơi đi vào thôn xóm. Từ xa đã thấy cả gia đình các thí chủ với đồ cúng dường đã chuẩn bị đứng trước nhà. Khi quý thầy quý, sư cô đi tới, họ bỏ giày dép ra, đi chân đất, dù trời lạnh hay mưa ướt, để thể hiện lòng tôn kính Tam Bảo, dâng đồ cúng dường đến từng thầy, từng sư cô rồi cả gia đình đứng gần nhau và lạy xuống trước quý thầy, quý sư cô. Sau đó họ quỳ xuống chắp tay đợi quý, thầy quý sư cô chúc phúc và tụng kinh. Đứng trong khung cảnh đó ai là người cho, ai là người nhận hay tất cả đều quyện vào nhau? Người cho thì: Trong thể tính chân như, không chủ thể đối tượng, đệ tử cúng dường người, trong thương cảm nhiệm mầu… Còn người nhận thì: Trong thể tính chân như, không chủ thể đối tượng, đệ tử nhận cúng dường…
Được làm người xuất sĩ, được đi khất thực là một hạnh phúc lớn. Hạnh phúc của cái thấy nương tựa lẫn nhau để hiện hữu giữa cuộc đời. Hạnh phúc vì những bước chân an bình mỗi sớm mai.
Ở Thái vui quá thầy ha. Tăng thân mình ngày nào cũng đi ra thôn xóm khất thực phải không thưa thầy?
Không, chỉ đi hai tuần một lần thôi.
Nghe nói người Thái ăn cay lắm, quý thầy, quý sư cô ở đó có quen ăn thức ăn cay không?
Vì là Vườn Ươm nên quý thầy, quý sư cô ở đó tuổi rất trẻ, tuổi dưới 25 là hơn 70% chúng nên ăn mạnh lắm, còn thiếu ăn nữa đó chứ (cười). Những ngày đầu vì theo văn hóa Thái thì quý thầy không được đi chợ nên người cư sĩ cúng dường, sau đó những người bán hàng rong chở tới cho mình nên có gì thì mình ăn đó, có tuần chỉ ăn một món giống nhau. Lúc đó nếu đi muộn hoặc xếp hàng sau thì có khi không có gì ăn hay ăn cơm với xì dầu thôi. Nên cái tâm lý sợ đói, sợ không có gì ăn thúc đẩy “lòng” mấy người trẻ xếp hàng trước khi chuông thỉnh hoặc nghe chuông thỉnh thì đi liền. Có vị nhận diện được cái tâm “sợ đói” đó đã nói: “Nếu vì cái tâm sợ đói mà đi trước thà ở nhà còn hơn.” Có lẽ cái tâm tàm quý của vị đó thấy rằng bị cái sợ trói buộc thì không ăn còn hơn. Và sau đó vì anh em thương nhau, có gì ngon mà mình đi trước thì lấy ít lại một chút cho người đến sau. Cũng may là người tu nên có món ăn khác là Pháp. Đầu tiên là học Pháp. Pháp là lời dạy của Bụt có khả năng dập tắt phiền não, có khả năng dẫn đạo đi lên… Tại Vườn Ươm có rất nhiều lớp học về Phật pháp như lớp Trái Tim Của Bụt học về Tứ Diệu Đế, Tứ Vô Lượng Tâm, lớp Duy Biểu Học học về cách vận hành của tâm, lớp Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh học về các Kinh Nhật Tụng, còn các lớp uy nghi, giới luật, xây dựng tăng thân… học rất vui. Cứ khoảng hai tuần là có ôn tập và kiểm tra, kiểm tra bằng cách viết bài luận hay trắc nghiệm, trả lời câu hỏi hoặc kiểm tra bằng trò chơi. Kiểm tra là để trình bày cái hiểu của mình về pháp môn hay về kinh nghiệm thực tập của mình chứ không phải lấy điểm hay thi lên lớp. Có người học xong khóa học không chịu lên lớp còn xin ở lại nữa. Quý vị khi gặp quý thầy, quý sư cô ở tu viện Vườn Ươm mà hỏi học có vui không? Thì chắc ai cũng nói “vui lắm” cho xem.
Làm sao để mình duy trì được cảm hứng học một cách lâu dài thưa thầy?
Như đã nói trên, khi học đã vui rồi, mà áp dụng lời Pháp vào sự thực tập nữa thì niềm vui có được rất lớn, gấp cả chục lần, giống như mũi tên thứ hai vậy. Mũi tên thứ nhất là hạnh phúc khi học Pháp, mũi tên thứ hai là thực tập Pháp. Anh em cũng thường nhắc nhau học là thực tập chứ không phải chất chứa kiến thức nên dù là học lớp nào mọi người cũng được học về cách chuyển hóa những nội kết, những khổ đau trong lòng và làm lớn lên hạnh phúc. Trong môi trường tu viện, huynh đệ có cơ hội áp dụng những điều mình học trên lớp vào đời sống. Khi có những khóa tu, mình đem những gì mình đã học và thực tập được ra hướng dẫn cho thiền sinh. Mình giúp họ và thấy họ thực tập có hạnh phúc, bớt căng thẳng, cha con truyền thông lại với nhau, thấy những cảnh đó ai cũng được nuôi dưỡng và tự nhiên nguồn cảm hứng học và thực tập được nâng cao. Tu viện Vườn Ươm cũng đang soạn giáo trình “Thạc sĩ Phật Học Ứng Dụng” để vào dạy tại Trường đại học Phật giáo Mahachualongkorn.
Điều thứ hai là tu viện Vườn Ươm đã cố gắng duy trì chương trình học ổn định trong năm, không để bị ngắt đoạn nhiều. Các lớp học được phân chia theo từng độ tuổi (đời và đạo) để giúp cho mọi người có thể hiểu được. Ví dụ như các em tập sự, các em mới xuất gia hoặc các sư anh sư chị dưới 18 tuổi thì học lớp Trái Tim Của Bụt. Còn các vị từ Cây Lê, Trầm Hương, Hướng Dương trở lên thì học lớp Duy Biểu. Mỗi lớp đều có các vị giáo thọ chăm sóc. Nhưng cũng có những lớp thì người lớn cũng như người nhỏ học chung, ví dụ như nghe pháp thoại của Sư Ông mùa Đông này. Đa số là học chung với nhau nên khi học mình chế tác được tình huynh đệ, tình huynh đệ giống như giải thoát, chứng ngộ… là hoa trái của sự thực tập và cũng là vốn liếng giúp cho sự thực tập thành công. Đó cũng là thức ăn mà cũng là nguồn cảm hứng trong việc học.
Đầu tháng Ba năm nay sẽ bắt đầu chương trình 7 năm. Đó là chương trình 4 năm của Sư Ông. Ban Giáo thọ Thái Lan đã phân chia các môn học theo từng tiết học, từng học kỳ, theo tuổi cho rõ hơn. Quý vị có muốn tham dự thì xin về Thái.
Vâng, cảm ơn thầy. Vấn đề ngôn ngữ và văn hóa khi quý thầy, quý sư cô ở Thái Lan thì như thế nào thưa thầy?
Lúc đầu khi mới từ Việt Nam qua thì miệng chỉ dùng để tặng nụ cười thôi, còn nói là bằng tay. Nhờ tình thương và sự cảm thông của người Thái mà những khó khăn cũng dần qua đi. Bây giờ sau ba năm mình cũng như em bé 3 tuổi, bắt đầu bập bẹ biết nói, biết hát và hướng dẫn tổng quát cũng như thiền buông thư và pháp đàm bằng tiếng Thái rồi. Sáng nào cũng có lớp tiếng Anh và tiếng Thái. Chỉ có Pháp Lâm là lười thôi.
Còn văn hóa thì cũng có khác biệt, như quý thầy không được đi chợ, khi người nữ đưa gì thì quý thầy không được nhận trực tiếp từ tay sang tay mà phải để trên bàn hay trên khay… và cuối cùng có một cách giúp mình hòa nhập, thích ứng, học hỏi và hành động khế cơ là “văn hóa chánh niệm”, có chánh niệm thì làm cái gì cũng đẹp.
Cho chúng con hỏi tiếp là Thái Lan đang có những bất ổn về chính trị, thầy nghĩ Tu viện Vườn Ươm có thể giúp được gì?
Không chỉ có Thái Lan bất ổn mà khắp nơi đều bất ổn. Mọi người cần một nơi để trở về và cần một cách thức nào đó làm cho những bất ổn trong họ lắng dịu.
Ta và vũ trụ có sự liên hệ tương tức với nhau. Ta làm gì cũng đều ảnh hưởng đến vũ trụ. Trong một đất nước đang có những bạo động, bất an mà có một tăng thân có khoảng 160 người thực tập, biết chế tác hỷ lạc, bình an thì tự thân sự thực tập đó đã giúp đỡ người Thái Lan rồi.
Pháp Lâm biết trong những ngày xảy ra bạo động đó, tại Tu viện Vườn Ươm có khóa tu cho khoảng 100 người trẻ Wake Up Thái với chủ đề “Để Có Một Tương Lai.” Trong khóa tu quý thầy, quý sư cô đã hướng dẫn cho người trẻ có “một tương lai” những điều như: Bước cho thảnh thơi, ngồi cho tự do, nằm cho buông thư, đứng cho vững chãi, ăn cho hạnh phúc v.v… Cá nhân một người có tương lai thì đất nước người đó mới có tương lai. Mong là mọi người thấy được ngọn nến trong cơn bão mà làm cho nó thành bếp lửa để mọi người cùng đến ngồi lại với nhau như một gia đình quanh bếp lửa.
Thầy là người tu trẻ, thầy thấy những thói quen hay sở thích nào làm chướng ngại đường tu và khó buông bỏ?
Tu viện Vườn Uơm nằm bên mé rừng nên muỗi nhiều lắm, đi thiền hành muỗi cũng “thiền bay” theo. Những buổi ngồi thiền thì khỏi nói, muỗi chích đỏ cả tay và mặt mình. Có lúc những suy nghĩ “cái bọn muỗi đáng ghét, không có bọn ngươi thì ngồi thiền hạnh phúc biết mấy”, thế là có thêm khổ thọ vì bực bội, một loại muỗi mới vo ve trong thân tâm. Muỗi thì vô số, sinh sản rất nhanh, nếu mà cứ ngồi đòi hỏi đừng có muỗi thì 4 tháng ngồi thiền sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Nên cách hay nhất là tìm dầu thoa cho bớt muỗi và ngồi đó dùng tâm chánh niệm theo dõi cảm thọ khi nghe tiếng muỗi, cảm giác khi muỗi đậu trên da rồi cảm giác muỗi dò kim và cảm giác ngưa ngứa khi kim chích vào da. Ta nói thầm “vì muỗi có đó nên ta có đây.” Thế là từ cảm giác khó chịu ta lại có cảm giác vui vui. Và nếu lên tầng hai nhà ăn ở tu viện Vườn Ươm vào mùa mưa thì thích lắm, có gió hiu hiu mát mát, nhìn xuống thì một màu xanh của cỏ, anh chị em thích chụp hình với cỏ đuôi chồn vì cỏ rất đẹp. Nhìn xa một chút thì núi KhaoYai với mây bao phủ trông rất đẹp. Vào mùa nắng cỏ chuyển sang màu vàng. Mùa này nắng nóng nên khi giặt đồ và phơi chỉ khoảng 1 giờ là khô. Để ngủ trưa, có người phải đặt thau nước dưới giường cho đỡ nóng. Ngồi thiền mồ hôi chảy ướt cả áo. Có người ước: “Bây giờ có tuyết rơi thì hay biết mấy”, có người vừa cầm quạt vừa than: “Nóng quá, nóng quá! Có máy lạnh thì sướng biết mấy.” Ước hay than như vậy nhưng ai cũng biết nên ở yên, ít vận động cho đỡ nóng. Có người còn biết theo dõi cảm thọ của mình khi những dòng mồ hôi chảy trong lúc ngồi thiền, không than thở để khỏi bị lò lửa bực bội đốt từ bên trong. Nên dù nóng anh em vẫn vui được. Nên cái mà Pháp Lâm thấy khó bỏ và chướng ngại cho hạnh phúc của mình là ý niệm về hạnh phúc. Cái ý niệm hạnh phúc thúc đẩy mình theo đuổi một cái gì đó và càng theo đuổi thì mình càng xa bờ hạnh phúc, từ từ nó cũng thành tập khí tìm hạnh phúc, trong khi hạnh phúc có thể có ngay bây giờ. Nếu biết dưới chân là Tịnh độ, dừng lại đã lâu rồi!
Thầy là một tu sĩ trẻ năng động, sáng tạo mang đầy nhiệt huyết của ngọn lửa Bồ đề tâm. Thầy không chỉ hướng dẫn tu học mà thầy còn chơi rất giỏi, truyền thông rất tốt với các sư em trẻ tuổi. Thầy muốn nhắn nhủ gì với các sư em trẻ không?
Sư Ông rất tin tưởng vào người trẻ, vậy chúng ta là những người trẻ thì hãy tin vào chính mình.