Chánh niệm là nền tảng của sức khỏe (12-18/5/2012)

 

Sau khóa tu tiếng Pháp, đại chúng ở Làng được làm biếng vài ngày trước khi vào sinh hoạt bình thường.  Riêng quý sư cô xóm Mới đã lấy chiều ngày Quán niệm để họp toàn chúng chuẩn bị cho khóa tu sức khỏe.

Khóa tu sức khỏe thường được tổ chức vào mùa Thu hoặc mùa Xuân giữa các khóa tu lớn khi Sư Ông và quý thầy quý sư cô đi giảng dạy ở xa. Riêng Mùa Xuân này khóa tu sức khỏe được tổ chức ở xóm Mới, thiền sinh được nghe hai buổi pháp thoại của Sư Ông vào ngày Chủ Nhật (13.05.2012) tại xóm Mới và cùng tham dự buổi ăn cơm quả đường. Rồi vào ngày thứ Năm (17.052012) tại xóm Thượng, sau pháp thoại Sư Ông đã dẫn đại chúng thiền hành xuyên qua  rừng tùng xuống chùa Sơn Hạ ngồi chơi, ăn trưa picnic và xem triển lãm thư pháp. Trong khóa tu này xóm Mới được xây đắp tình huynh đệ bởi một nhóm quý thầy xóm Thượng và quý sư cô xóm Hạ đã về xóm Mới để cùng giúp hướng dẫn 200 thiền sinh tu học.

Khác với các khóa tu khác, chẳng hạn như Khóa tu mùa Hè, Khóa tu Tiếng Pháp, Khóa tu 21 ngày thiền sinh xóm nào thường về lại xóm đó để pháp đàm sau khi nghe pháp thoại chung.  Riêng niềm vui của  khóa tu sức khỏe là được cùng ở chung một xóm, cùng thể dục, ngồi thiền, nghe pháp thoại, dự pháp đàm và chấp tác chung… Lần nào thiền sinh cũng rất hạnh phúc vì được ngồi chơi chung 3 xóm với nhau.

Khóa tu sức khỏe thường có nhiều người lớn tuổi, tuy vậy năm nay đã có nhiều người trẻ về tham dự. Trong những buổi pháp đàm họ chia sẻ điều họ quan tâm cho sức khỏe là một nếp sống lành mạnh. Bởi nhịp sống hối hả và sức ép công việc đã làm cho các bạn trẻ mệt mỏi, dễ giận và dễ mất khả năng truyền thông với người thân và đồng nghiệp. Cho nên các bạn cần đến một nơi yên lành, có thiên nhiên và con người sống vui vẻ bên nhau để thư giản và trị liệu. Các bạn chọn Làng làm điểm dừng chân như một điểm gặp mặt, một tuần an dưỡng thân tâm và học hỏi cách áp dụng chánh niệm vào đời sống hằng ngày.

Và chúng ta cũng cần lưu ý đến những căn bệnh lạ như: có một cô thiền sinh mà chỉ cần thấy thức ăn là cô bắt đầu khóc, nước mắt giàn dụa. Cô đã phải thực tập với điều đó nhiều năm nay. Và những căn bệnh rất lạ mỗi ngày một xuất hiện nhiều thêm nên nhu yếu quan tâm tới sức khỏe ngày một nhiều. Số lượng thiền sinh đã hơn 200 người, quá giới hạn chăm sóc và điều kiện sinh hoạt của xóm Mới nên ban văn phòng cố gắng từ chối thư đăng ký tu học của câc bạn. Hẹn các bạn về Làng vào dịp khác nhé!

Mấy hôm trước Khóa tu Sức khỏe, trời mưa nên cỏ mọc phơi phới. Vậy là những lúc trời nắng, các sư cô tri cắt cỏ tranh thủ ra cắt cỏ từ khi cỏ khô đến tận chiều tối. Tri cảnh và tri vườn cũng ra sức làm đẹp, góc vườn nào cũng có bàn tay quý sư cô chăm chút, nhổ cỏ, trồng hoa, tỉa cành… Sư mẹ Thoại Nghiêm – mẹ của cây cối –  vừa từ Mỹ về là cầm kéo ra vườn ngay. Nơi thì trồng thêm hoa, cây thì cần tỉa bớt để cây khỏe mạnh có đủ nắng, đủ sức cho hoa… Mấy ngày làm biếng sau khóa tu tiếng Pháp, trời nắng đẹp quá nên ai cũng ra vườn.

Vườn rau cũng được bàn tay các sư cô chăm sóc kỹ càng. Chuẩn bị xà lách, cà rốt, củ cải cho khóa tu 21 ngày. Hoa chen lẫn với rau mà rau cũng cho hoa. Đâu đây râm ran tiếng cười nói. Thiền sinh nhìn các sư cô tý hon mà làm việc nhanh nhẹn vui vẻ nên hạnh phúc lắm. Họ nói với nhau: các sư cô đang chơi đấy chứ, có phải làm việc đâu. Có cô thiền sinh trẻ nói: “You have a good way to be lazy”. Họ thấy  các sư cô Làm Biếng thật là tài, vì họ thấy ghi trên thời khóa là làm biếng mà không thấy các sư cô làm biếng chút nào. Các sư cô trả lời: Chúng tôi đang làm biếng đấy chứ, đang rong chơi, có bận rộn đâu nào, mệt thì nghỉ, nên chấp tác tuy mệt nhưng lại có thật nhiều niềm vui. Vì biết sắp tới sẽ có thật nhiều thiền sinh về tu học mà họ chỉ tới ở được một tuần nên các sư cô cũng muốn xây Tịnh độ hiện tiền để hiến tặng niềm vui cho thiền sinh tới Làng tu học. Từ nấu ăn, cắm hoa, may vá rồi làm đường, trồng cây, cuốc đất, sửa chữa đường dây điện, ống dẫn nước, sơn tường, sửa nhà, cắt cỏ… Mấy chị em thường bảo nhau: cứ đi tu rồi cái gì cũng biết làm. Có bữa ngồi chơi với sư mẹ (sư mẹ tu hơn 20 năm rồi), sư mẹ kể: “Mẹ chị không tưởng tượng được con gái của mẹ phải nấu một cái nồi cao gần bằng đầu cho cả nghìn người ăn; nấu cho nhiều người quen nên về nhà nấu cho 2-3 người cố gắng nấu ít vẫn thành nhiều. Các công chúa được cưng chiều giờ tay lấm lem bùn đất, nhưng nụ cười thật tươi vì chúng con đang làm đẹp cho đời.

Cắt cỏ cho thiền sinh cắm lều

Sau những ngày mưa dầm nên cỏ mọc che kín hoa, chỉ cần nhổ cỏ cho hoa mọc lên là mình có cả một vườn hoa đẹp rồi. Vườn tâm của mình cũng vậy, mình biết thanh lọc thì bao nhiêu điều lành thiện đã có sẵn trong mình rồi.

Trong Khóa tu Sức khỏe, thiền sinh có cơ hội thực tập chung với cả quý thầy quý sư cô. Năm nay quý thầy xuống tham dự khá đông có một số quý thầy đã tham dự khóa tu nhiều lần nên rất hào hứng với Khóa tu Sức khỏe. Còn một số quý thầy mới ở Việt Nam qua nên cũng lấy cơ hội để tham dự Khóa tu Sức khỏe đầu tiên tại Làng. Quý sư cô xóm Hạ cũng về giúp chị em một tay, đây cũng là cơ hội để chị em hai xóm chơi chung, làm chung với nhau và ngày được đi bộ chung, cùng tham quan những ngôi nhà, đồi nho quanh xóm Mới. Khóa tu có tới khoảng 260 người, kể cả quý thầy quý sư cô. Mỗi gia đình có đến 2-3 quý thầy, quý sư cô chăm sóc nên thiền sinh có cơ hội hiểu hơn về đời sống tăng thân. Điều ngạc nhiên là có rất nhiều bạn trẻ về tham dự vì vậy năng lượng khóa tu rất trẻ trung và tươi mát. Các bạn trẻ rất hào hứng với Năm giới được chính những bạn thiền sinh đã thực tập rồi chia sẻ lại. Sau đó trong giờ pháp đàm, các bạn lại giúp nhau hiểu thêm về sự thực tập cụ thể nên ngày truyền giới nên đã có hơn 70 thiền sinh phát nguyện nhận Năm giới như là một cam kết tham dự đời sống chánh niệm lành mạnh, để có thêm cơ hội chăm sóc sức khỏe thân tâm và tham gia sinh hoạt với tăng thân.

Thời tiết lại ưu đãi xóm Mới nên khóa tu này trời nắng rất đẹp; thiền sinh có giờ tập thể dục trước khi ngồi thiền. Ăn sáng nhẹ và mang theo trái cây và hạt để đi bộ gần hai giờ đồng hồ, sau đó trở về xóm được quý sư cô hướng dẫn thiền buông thư trước khi ăn trưa.

Thiền buông thư

Thức ăn trưa chủ yếu là gạo lứt muối mè, có rau luộc và xà lách. Thực phẩm sạch (Bio) được lựa chọn tối đa trong khả năng của xóm để giúp thiền sinh thanh lọc cơ thể.

Buổi chiều là các giờ chấp tác theo gia đình và pháp đàm. Chấp tác theo gia đình là cơ hội để tạo nên rất nhiều niềm vui. Làm vườn, cắt gọt, chuyển hóa rác… Việc nào cũng được đặt trong ý thức được có mặt đây cho nhau. Tuy nấu ăn khá đơn giản nhưng vì chưa quen nên thiền sinh có nhiều người muốn ăn thêm, đôi khi thiếu thức ăn các sư cô trong gia đình nấu ăn cũng thực tập “thiền chạy”. Sư cô Đôn Nghiêm chia sẻ: Khi nào được thảnh thơi mình phải đi thảnh thơi cho hết lòng, còn khi cần chạy mình cũng chạy cho hết lòng.  Sư cô Trăng Đầu Hạ (năm nay sư cô đã ngoài 70 tuổi rồi, Sư cô được các sư cô trẻ gọi là sư Mamy vì Sư cô có hai con gái đều đang là sư cô – Sư cô Bích Nghiêm và sư cô Phú Nghiêm) tâm sự: Cảm động nhất là nhìn thấy những vị nam giới cẩn thận chùi từng cái nồi, lau từng cái bàn. Thường ở nhà thì chỉ có phụ nữ làm việc nhà thôi (không rõ ở Tây Phương thì sao?), nhưng ở khóa tu thì có năng lượng chung nên ai cũng hoan hỷ góp một tay.

Gia đình cắt gọt

Gia đình rửa dọn             

Gia đình khử trùng

Buổi tối, thiền sinh có cơ hội tham dự các hội thảo (workshop) để học thêm về các phương pháp trị liệu: hay tham vấn với những vị có chuyên môn về bệnh của mình. Năm nay, xóm Mới may mắn mời được bác sĩ Sam (Wang) người Việt sống tạ Mỹ đã được mời qua Làng chia sẻ cách chăm sóc cột sống. Theo bác sĩ, chăm sóc cột sống là một phương pháp tự trị tự nhiên bằng cách kết hợp sự ý thức vào các động tác trong sinh hoạt hằng ngày. Bác sĩ đi một vòng giám niệm cách quý sư cô khiêng một cái nồi to, cuốc đất, cho đến việc nhăt một chiếc lá…  Nhờ vậy khi quý thầy quý sư cô có cơ hội tham vấn và điều trị thêm qua những buổi chia sẻ bằng tiếng Việt. Bác sĩ đã chia sẻ hết lòng và khuyến khích quý thầy, quý sư cô áp dụng nhưng tư thế bảo vệ cột sống vào đời sống hằng ngày.  Bác sĩ còn chia sẻ rất nhiều cách để tự trị liệu bằng cách tập thể dục, giữ tư thế đúng và chọn các vật dụng cho phù hợp với cơ thể. Bác sĩ chia sẻ hết lòng và hóm hỉnh nên tạo nhiều cảm hứng cho cả quý thầy quý sư cô và thiền sinh. Ngoài ra, bác sĩ đã tận tình dành hết thì giờ để chữa bệnh cho quý thầy quý sư cô.

Thật vui khi trong các câu chuyện chia sẻ hàng ngày các sư chị sư em đã nhắc nhở nhau cùng thực tập những gì bác sĩ dặn. “Chị nhớ giữ lưng cho thẳng khi khiêng đồ. Nào, xuống tấn! Một, hai, ba…cái nồi đạu hủ được nhấc lên kèm theo một nụ cười hạnh phúc.  Ở Làng cái gì cũng to và nặng so với sức vóc nhỏ bé của các sư cô người Việt nhỏ bé nên bác sĩ dặn phải giữ tư thế cho đúng nếu không cột sống sẽ bị vẹo, và chèn dây thần kinh lâu ngày sinh bệnh… Thương bác sĩ lo chữa bệnh không có thời gian tận hưởng mùa xuân ở Làng nên Sư Ông mời bác sĩ ở lại chơi thêm một tuần nữa và bác sĩ đã vui vẻ nhận lời.

Ngoài ra còn có nhóm hội thảo về Chánh niệm về cơ thể (Mindfulness of the Body) – do sư cô Thưởng Nghiêm hướng dẫn; Nhóm chia sẻ về Học nhanh (Quick leaning) của sư chú Bảo Tạng. Một ngày khép lại bằng tiếng chuông đại hồng báo hiệu giờ Im lặng hùng tráng. Thiền sinh sau khi nghe hội thảo rất sôi nổi được lắng lại bằng giờ thiền hành im lặng rồi trở về phòng nghỉ ngơi.

 

Ăn cơm với gia đình chấp tác

Khóa tu Sức khỏe mỗi ngày được hoàn thiện thêm, nên tuy chưa có trong lịch sinh hoạt chung của làng nhưng thiền sinh tham dự mỗi ngày một nhiều. Vừa thực tập chánh niệm, kết hợp với chế độ ăn uống nhẹ, đi bộ nhiều, tiếp xúc với thiên nhiên và môi trường trong lành… đã giúp cho thiền sinh phục hồi sức khỏe, niềm vui. Nên có nhiều thiền sinh chia sẻ, dù ban đầu hơi khó để thích nghi với chế độ ăn uống quá ít như vậy nhưng được sinh hoạt chung với gia đình, có nhiều sự nâng đỡ nên dần dần họ cảm thấy có thể vượt qua được một tuần. Có nhiều thiền sinh tuy chưa biết về thực tập chánh niệm, họ tới khóa tu với nhu yếu chăm sóc sức khỏe nhưng cũng phát nguyện thực tập Năm giới vì nhận ra đó là cách để có thể có sức khỏe và hạnh phúc lâu dài.

Xin Thầy và Tăng thân cho chúng con được thọ trì năm giới

Lễ truyền giới rất trang nghiêm và thật bất ngờ vì sự có mặt của Sư Ông. Khi vị giáo thọ Tiếp hiện đọc lời thỉnh nguyện để  xin Sư Ông và tăng thân thương tưởng truyền cho chúng con Năm giới. Lá thư xin nhận giới đã được gửi về cho quý thầy, quý sư cô hướng dẫn các gia đình pháp đàm để đặt tên từ hôm trước. Nhưng khi vị giáo thọ dẫn thỉnh hỏi lên câu hỏi: Nếu có ai ngay bây giờ phát nguyện thọ trì Năm giới nhưng chưa viết thư thì có thể đứng dậy, nói tên của mình và trình diện trước Tam Bảo. Vậy là có tới gần 10 vị thiền sinh đã đứng lên từ từ bước ra xin thọ giới. Nhìn những vị thiền sinh Tây phương chắp tay cung kính và lạy tứ ân thật là cảm động, hình ảnh ấy nuôi dưỡng niềm tin về một con đường cùng nhau gìn giữ và bồi đắp bằng sự thức tỉnh ý thức sống lành mạnh là điều cần thiết.

Buổi tối cuối cùng được dành cho những tiết mục văn nghệ, là hoa trái sau một tuần thực tập cùng tu cùng học. Sau giờ ăn trưa, ăn chiều hay rảnh rỗi là mỗi gia đình lại hẹn nhau để tập kịch hay tập hát. Những đạo cụ được sử dụng thường từ chính những đồ vật trong chùa, gần gũi với mỗi gia đình chấp tác, để cho niềm vui được đọng lại trong mỗi nụ cười, và thành quả từ sự có mặt cho nhau như một gia đình.

Gia đình khử trùng tập kịch cho giờ be-in buổi tối

Khóa tu Sức khỏe đã trở thành điểm hẹn cho nhiều người về để cùng tu, cùng học cùng làm việc chung, cùng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Giờ chia tay bịn rịn, gia đình nào cũng lấy email để liên lạc và rủ nhau sang năm đến hẹn lại về.