Giới thiệu sách : “Thích Nhất Hạnh bỏ túi”

 

Giới thiệu: The Pocket Thich Nhat Hanh

Đây là bài tựa sách The Pocket Thich Nhat Hanh (Thích Nhất Hạnh bỏ túi) do nhà Shambala ấn hành. Bài này do Melvin Mcleod chủ bút của các tạp chí Shambala Sun và Buddadharma viết. Bản dịch là của Trang Nhà Làng Mai. Đây là một cuốn sách mà người Phật tử nào cũng cần có và luôn luôn mang theo mình. Bạn có thể đọc khi ngồi chờ máy bay, khi ngồi trên xe buýt hay xe lửa, khi ngồi đợi ở phòng khám bệnh, hay bất cứ lúc nào. Không cần đọc ngấu nghiến cho mau hết sách, mà chỉ cần đọc mỗi lần một chương nhỏ và đọc lại nhiều lần, bao nhiêu lần cũng được. Đây không phải là một cuốn sách để tiêu khiển mà để thực tập sống cho hạnh phúc. Sách bán giá Mỹ kim là 7$45, tiền Canada là 8$95. Hy vọng sẽ có bản tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Hoa sớm. Địa chỉ mua sách là www.shambala.com

 

LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

Melvin McLeod – Chủ bút các tạp chí The Shambhala Sun

và Buddhadharma: The Practitioner’s Quarterly

 

Chúng ta đánh giá tầm vóc của những bậc thầy tâm linh bằng chiều rộng, chiều sâu và hiệu quả của giáo lý của các bậc ấy, và bằng thân giáo của họ. Xét theo tiêu chuẩn ấy thì Thích Nhất Hạnh là một trong những bậc thầy tâm linh hàng đầu của kỷ nguyên chúng ta. Sự thật là, trong tương lai khi đến lúc phải phân xét những điều này, tôi tin rằng thầy Thích Nhất Hạnh sẽ được công nhận là một trong những bậc thầy lỗi lạc nhất của lịch sử Phật giáo.

Giáo lý của Thầy sâu và rộng như một dòng sông hùng mãnh. Làm thế nào để diễn tả được cái chiều sâu của một nền giáo lý? Cái sâu sắc ấy, mình phải tự mình chứng nghiệm mới được chứ không thể nào diễn tả. Ngôn từ không đủ sức đo được chiều sâu của giáo lý này. Tất cả những gì mà tôi có thể nói về giáo lý của Thầy là các bạn đừng bị đánh lừa bởi cái bề ngoài. Tính cách đơn giản bề ngoài của giáo lý này, tính cách thiết thực, trực tiếp và khế cơ của những điều Thầy dạy không có nghĩa là trong đó không có một chiều sâu triết lý huyền nhiệm. Phải tu học lâu năm chầy tháng với nhiều nỗ lực, người ta mới có thể đạt tới một cái nhìn sáng sủa như thế, trong ấy những vấn nạn của sự sống được giải đáp bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản và thiết thực, có khả năng mang những sự thực sâu sắc ấy đến cho tất cả những ai muốn tìm cầu. Cái ngôn ngữ trong sáng và đơn giản này là chứng tích của một tuệ giác sâu sắc đích thực, chứ không phải là một điều gì trái lại. Trong cuốn sách này, tôi đã cố gắng trích dẫn từ những tác phẩm đã được xuất bản của Thầy Thích Nhất Hạnh, những tác phẩm đã nói lên được chiều sâu của những gì Thầy dạy, chọn những đoạn văn mà tôi nghĩ là có thể tập trung thể hiện được một cách có hiệu quả nhất những tuệ giác và giáo chỉ của Thầy. Nếu kinh nghiệm của bạn về những giáo lý ấy sẽ có tính cách cá nhân và chủ quan thì kinh nghiệm của tôi cũng thế. Tôi đã nghiêu cứu học hỏi và thực tập theo đạo Bụt bao nhiêu năm rồi, vậy mà tôi thấy tất cả những gì tôi có thể làm ở đây là chọn những đoạn sách đã đánh động tới trái tim tôi, đời sống tôi và sự thực tập của tôi một cách sâu sắc nhất. Mục đích của người biên tập thật ra chỉ là làm công việc ấy. Điều tôi mong ước là những gì tôi trích trong sách này cũng sẽ đánh động được trái tim bạn như chúng đã đánh động trái tim tôi.

Chỉ cần quán chiếu về chiều rộng của giáo lý Thầy cũng đã là một công việc có tính cách thách thức rồi. Không có vị đạo sư Phật giáo nào – có thể nói là không có vị đạo sư của bất cứ tôn giáo nào – trong thời đại chúng ta mà những điều giảng dạy đã đề cập tới mọi vấn đề quan trọng nhất của sự sống, từ vấn đề cá nhân cho đến vấn đề trái đất.

Thích Nhất Hạnh đã viết trên 70 cuốn sách và đã giảng dạy trực tiếp (trong nhiều khóa tu và trong các Phật học viện) trên sáu chục năm rồi. Những gì Thầy viết bao gồm từ những tác phẩm khảo luận sâu sắc về triết lý đạo Bụt cho đến những tác phẩm có tính cách đại chúng về sự thực tập đạo Bụt trong các lĩnh vực chính trị, tâm lý, thi ca, lịch sử, văn học và thiếu nhi.

Quán chiếu tổng thể về nền văn học bao la của Thầy, nguyện vọng của tôi là cuốn sách nhỏ này sẽ giới thiệu được với bạn những chủ đề quan yếu nhất trong toàn bộ tác phẩm của Người, những chủ đề có liên hệ tới người hành giả và các độc giả nói chung. Sắp xếp và tổ chức những giáo lý này tất nhiên là một công việc cần tới một cái nhìn chủ quan. Trong khi học hỏi và thực tập theo giáo lý của Thầy, tôi tìm thấy rằng giáo lý ấy có thể được xếp vào trong bốn hạng mục: 1.chánh niệm; 2. tuệ giác; 3. cảm xúc và thâm tình; 4. hòa bình.

Phần đầu của tập sách này là Chánh niệm, được cấu thành bởi những lời giảng dạy đã làm cho Thầy nổi tiếng. Cũng như các vị đạo sư lớn khác của đạo Bụt, Thầy là một bậc thầy giảng dạy về thiền tập trước hết. Thầy chỉ cho chúng ta những phương pháp hành trì sâu sắc mà chúng ta có thể sử dụng trong những buổi công phu và trong đời sống hàng ngày. Những lời giảng dạy đó dù là bằng ngôn ngữ thi ca hay thông dụng đều có thể đánh động vào trái tim của sự sống. Làm theo được thật sự những lời dạy ấy, dù cho chỉ là trong chốc lát, ta có thể được chuyển hóa ngay tại chỗ, khiến cho đời sống của ta tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và đức độ.

Từ nơi ấy, nơi mà Thầy Nhất Hạnh gọi là hải đảo tự thân, nhà, true home, Thầy đưa chúng ta đi tới một quá trình chuyển hóa còn sâu sắc hơn nữa, vào những chân nghĩa thâm uyên nhất của đạo Bụt. Vì vậy cho nên trong phần thứ hai của tập sách, phần nói về Tuệ giác, chúng ta có dịp học hỏi về con đường có thể giúp ta vượt thoát si mê, vật lộn và cả sinh tử. Đây là con đường đi tới giải thoát hoàn toàn mà chúng ta có thể bước được bước đầu ngay tự bây giờ. Trong phần này, ta thấy Thầy Thích Nhất Hạnh không phải chỉ là một vị Thầy giảng dạy nếp sống tâm linh cho đại chúng mà là một bậc thầy đã chứng đạt một cách sâu sắc, đang nói với chúng ta trực tiếp từ kinh nghiệm giải thoát đích thực của chính Thầy. Cũng như các bậc đạo sư khác của truyền thống đạo Bụt, Thầy nói với chúng ta bằng tiếng nói của Bụt.

Trong phần ba của sách, nói về cảm xúc và thâm tình, chúng ta trở về với đời sống hàng ngày trong thế giới ngày nay với những lên xuống, vui buồn và đau khổ mà ta gây ra cho kẻ khác và cho cả chúng ta. Tôi không biết vì sao mà vị thầy già người Việt này có thể hiểu được chúng ta (người Tây phương) một cách sâu sắc như thế, nhưng quả là Thầy đã đưa ra cho chúng ta nhiều pháp môn thực tế và hữu hiệu để chúng ta có thể chữa trị được những vết thương trong lòng và chuyển hóa những khó khăn ta đang có với những người khác. Với tuệ giác về tâm học của đạo Bụt, Thầy khai thị cho ta một con đường hùng tráng có khả năng chữa trị được cho những tâm lý đầy thương tích mới của chúng ta. Vì những thương tích trong ta là nguyên do và động lực tạo nên những thương tích nơi kẻ khác, cho nên con đường Thầy chỉ dạy cũng là con đường đi tới một liên hệ lành mạnh và thân tình với người ta thương. Đó cũng là con đường đi tới một xã hội lành mạnh và có thương yêu.

Trong truyền thống Phật giáo đại thừa nơi mà thầy Nhất Hạnh xuất thân, giải thoát cá nhân không bao giờ cho đủ. Khi người khác còn đau là mình còn đau. Đó là cách nhìn cuộc đời của một vị Bồ tát như Thầy Thích Nhất Hạnh. Thầy được biết đến như một người đã sáng lập ra phong trào Đạo Bụt Đi Vào Cuộc Đời (Engaged Buddhism), và vì vậy trong phần thứ tư của cuốn sách này, phần nói về Hòa bình, tôi đã trích dẫn những đoạn Thầy giảng dạy về chính trị, xã hội và môi trường. Những giáo lý ấy nhắm tới sự chế tác bình an giữa người với người, giữa tôn giáo với tôn giáo, giữa quốc gia với quốc gia, giữa con người với đất Mẹ. Và vì hòa bình phải luôn luôn bắt đầu từ bản thân cho nên sách này cũng có giới bản Năm giới rất nổi tiếng của Làng Mai, gọi là Năm pháp thực tập chánh niệm, một bộ môn thực tập nhắm tới sự thực hiện hòa bình, đạo đức, có khả năng chuyển hóa bản thân, gia đình và xã hội của ta.

Ngay chính cuộc đời của Thích Nhất Hạnh cũng đã là một nguồn cảm hứng. Đây là một con người đã để hết cuộc đời mình vào sự nghiệp hòa bình, đã dâng hiến tất cả những gì mình có để cho mọi người có được lợi lạc. Hồi còn là một ông thầy tu trẻ, Thầy đã nỗ lực cải tổ nền Phật giáo cổ truyền và cũng đã trở thành một người đi đầu của phong trào hòa bình ở Việt Nam. Chính trong thời gian tranh đấu cho hòa bình mà Thầy đã đặt được nền móng cho một Đạo Bụt Nhập Thế, một đạo Bụt đã tiếp tục gây niềm cảm hứng cho chúng ta cho đến ngày hôm nay, mặc dù công việc của Thầy đem lại cho Thầy nhiều hiểm nguy. Nỗ lực tranh đấu bất bạo động và không theo phe phái của Thầy đã làm cho các phía tham chiến giận dữ. Vì vậy cho nên năm 1966, khi Thầy qua Tây phương để vận động hòa bình, chính quyền miền Nam đã không cho Thầy về nước. Cái ông thầy ra đi đơn độc, lưu đày và không có một thước đất cắm dùi ấy, nay đã đánh động được trái tim của không biết bao nhiêu người. Hàng chục ngàn người trên thế giới tự nhận mình là đệ tử của Người. Những tác phẩm của Thầy đã gây cảm hứng cho hàng triệu độc giả và giúp tạo nên một đạo Bụt mới mà ta thấy hôm nay. Ảnh hưởng của Thầy rất sâu đậm. Cũng như nhiều Phật tử khác, tôi đã được thừa hưởng nhiều từ cuộc đời cũng như những lời giảng dạy của Thầy. Mong rằng những gì Thầy dạy cũng đem lại những lợi lạc như thế cho bạn đọc.

 

Dưới đây là nguyên bản lời giới thiệu của cuốn sách.