Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Cuộc dạo chơi của ba

 

Chân Trung Hải

Cuộc dạo chơi Cả tuần rồi, trong tất cả những giờ thiền tọa, thiền hành với đại chúng chú đều không thể rời tâm khỏi hình ảnh của ba chú được. Chú không hề có chủ ý mời hình ảnh thân thương kia về trong những giờ quán chiếu ấy, thế nhưng không có buổi nào là hình ảnh ấy không mỉm cười rạng rỡ trong lòng chú. Không mời nghĩa là cũng không xua đuổi. Huống chi hình ảnh ấy là hình ảnh trìu mến và linh thiêng sâu kín trong lòng chú!

Từ khi đủ lớn để nhớ được những gì xảy ra quanh mình, chú chưa từng thấy ba mình bước đi hay là ngồi thẳng. Chú đã từng thấy ba mình ngồi trên xe lăn với hoặc là chú hoặc là em trai của chú trong lòng, nhưng ngồi, dù là trên ghế, thì chưa bao giờ. Vào tuổi của chú, ba chú đã phải nằm trên giường và ngồi trên xe lăn cho tới ngày ba nằm hẳn, 7 năm sau đó.

Những tuần này chú đã nếm được rất sâu duyệt lạc trong những giờ ngồi thiền với đại chúng, và hay thay, trong hầu hết những khoảnh khắc nhớ đến niềm hạnh phúc đang hiện hữu ấy chú đều nhận thấy nụ cười của ba nở tươi trên môi mình. Chú đã khá thuần thục với sự thực tập nương vào hơi thở để chấm dứt tầm từ. Có khi, chỉ cần vài hơi thở là chú đã có thể trở về trạng thái tĩnh lự rồi. Vọng niệm vẫn đến đấy thôi, nhưng ý thức về hơi thở một cách liên tục và vẹn toàn đã giúp chú mở tung vòng tay cho những vọng niệm ấy trôi qua nhẹ nhàng mà chẳng hề để lại bất cứ dấu vết nào. Duy trì tâm trong trạng thái ấy và chỉ nhận diện đơn thuần những gì đang đến, đang đi qua vòng tay tháo tung rộng mở kia đã cho chú những thời khắc nghỉ ngơi tuyệt hảo. Và cũng thế, trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi tuyệt hảo ấy chú cũng thường nhận thấy nụ cười của ba nở tự lúc nào, bền bỉ, trên môi mình.

Sau vài lần như thế, chú bỗng nhận ra rằng ba mình đã từng muốn ngồi thẳng như mình lúc ấy một cách mãnh liệt đến chừng nào. 33 tuổi, 7 đứa con, nằm mãi trên giường nhìn mọi gánh nặng của cuộc đời dồn cả lên vai người vợ chỉ mới 32 tuổi, với tâm tư ấy làm sao một người cha, một người chồng có thể nằm yên mà nghỉ ngơi được! Trong những khoảnh khắc an tĩnh của mình, chú ý thức rõ ràng biết mấy sự buông thư của ba! Ngồi đó, ý thức từng nhịp đi vào ra chầm chậm an nhàn của hơi thở, chú lắng nghe những niềm đau và những nỗi hận của ba đang tan chảy ra, tháo tung ra, bốc hơi lên và tiếng cười sảng khoái hiếm hoi của ba vọng lên ngọt ngào từng hồi từ đáy sâu tâm thức đang cởi mở và tĩnh lặng của chú.

Ba không phải thở
Ba không phải ngồi

Để cho con thở
Để cho con ngồi.

Con đang thở nhẹ
Con đang ngồi yên

Ba được thở nhẹ
Ba được ngồi yên.

Bài kệ của Thầy được chú điều chỉnh lại như thế cho phù hợp với những khoảnh khắc phụ tử trùng phùng mầu nhiệm ấy.

Sau giờ thiền tọa nào cũng có một giờ kinh hành trước khi ngồi xuống để tụng kinh. Hai chân của ba chú đã teo lại, tuy là vẫn còn các cơ bắp nhưng nhão, không điều khiển được và hoàn toàn không có cảm giác. Các anh của chú thường thay nhau bóp chân cho Ba. Ngày đó, những bàn tay của chú hãy còn quá bé để có thể làm được điều ấy. Có lần, người ta cố ý lén dùng lửa đốt ngón chân của ba, để xem ba có cảm nhận được gì không. Và đương nhiên là ba vẫn nói cười tỉnh queo như thường. Và từ đó, trong lòng, niềm hy vọng thấy được ba mình đứng lên cũng liền tắt theo ngọn lửa vừa đốt chân ba. Ngón chân cái của ba chú bị cháy đen là do lần bị đốt ấy. Một chân vắt ngang bụng của ba, một tay ôm cổ ba, đầu nằm tựa trên tay ba, mắt chăm chú theo dõi những con chữ lạ lùng ba đang đọc, chú đã “đi” cùng ba qua biết bao giai đoạn lịch sử nước nhà, biết bao câu chuyện kiếm hiệp, biết bao cảnh quan cẩm tú của quê hương và những anh hùng danh nhân của đất nước… với những buổi đọc sách như thế.

Ba chú thích đọc sách, và thường đọc cho con nghe như là một cách ru con ngủ nếu như không hát. Ba chú cũng thường hát, nhạc xưa, buồn có, vui có, và đó là cách mà chú được ru vào những giấc ngủ. Nếu ba hát, chú thường ngủ rất nhanh. Nhưng nếu ba đọc, chú thường không ngủ ngay mà theo dõi từng chi tiết câu chuyện và từ từ chú còn biết ghép những lời ba đang đọc cho khớp với những dòng chữ trong sách. Trước khi đi mẫu giáo chú đã biết đọc và cũng như chuyện biết bơi, chú không thể nhớ ra là mình từng tập đọc như thế nào. Sau này, chú mới nhận ra là mình đã biết đọc nhờ những lần cùng “đi” với ba qua những cuốn sách, qua những câu chuyện như thế.

Mỗi bước đi trong thiền đường Thánh Mẫu Ma Gia là một nụ cười sáng tươi của ba nở im lặng trên môi chú. Rõ ràng là chú đang bước cho ba, nhưng chỉ cần một niệm tác ý, chú liền thấy ngay rằng ba đang bước cho chú. Ba đã không thể tự mình bước đi được nữa từ khi ba bằng tuổi chú lúc này. Ba chú là người mạnh khỏe, cường tráng và năng động. Những bước chạy bộ của chú qua cả chục cây số trong những giờ thể thao là thừa hưởng từ mầm sống khỏe mạnh của ba mình.

Chú thường không ghìm được nụ cười của chính mình mỗi khi ghép hình ảnh của ba vào những bước chân ý thức ấy của mình. Ban đầu, dáng đi của ba còn nghiêng nghiêng, chập chững, nhưng chỉ sau vài hơi thở trọn vẹn trong ý thức sáng tỏ của chú thì ba chú đã có thể bước ngay những bước tiếp theo với đầy đủ vững chãi, quyết liệt và thong dong. Chú cứ để cho ba bước như thế trong cả vòng kinh hành, tới khi tiếng khánh báo sắp dừng lại thì chú mới nhìn thẳng vào mắt ba mà cười rồi cầm tay ba mà hân hoan đi nốt những bước chân còn lại.

Nằm trên chiếc giường rộng, nhìn ra gốc khế chua ngoài sân qua khung cửa sổ có những chiếc song dọc, chắc chắn ba đã hơn một lần muốn vùng dậy khỏi chiếc giường ấy mà chạy ùa ra sân, để công kênh hai đứa nhóc bửu bối nghịch ngợm của mình trên vai mà đi quanh xóm. Hai anh em chú thường chơi đùa ngay dưới cội khế già cạnh cửa sổ phòng ba. Ánh mắt ba cổ vũ những trò vui ngày xưa vẫn còn in đậm trên những bước ngoặt khó khăn chú đã đi qua, và ánh mắt ấy vẫn sẽ còn có mặt trong những bước ngoặt khó khăn khác đang chờ đón chú phía trước. Có ánh mắt ấy đi cùng, chú đâu còn sợ gì cô độc?

Ngày xưa, chú thường có cảm giác tủi thân khi thấy bạn bè tan học được ba đến đón ngay cổng trường, được ba công kênh trên vai, rồi vừa ngồi ngất ngưỡng trên cao ấy vừa vẫy chào bạn bè với đôi tay bận rộn cùng cây kem còn bốc khói mát. Bây giờ, với từng bước chân trên nền đá lạnh của thiền đường Thánh Mẫu Ma Gia, chú đã trả lại niềm hân hoan được tung tăng trên vai ba với cây cà rem mát ngọt trên tay của thằng bé ngày xưa về với đôi mắt của nó, đôi mắt đang nhắm hờ khi dừng lại trước tọa cụ của mình.

Ba không phải thở
Ba không phải đi

Để cho con thở
Để cho con đi.

Con đang thở nhẹ
Con đang dạo chơi

Ba được thở nhẹ
Ba được dạo chơi.

 

Và ước mơ của mạ

Sáng sớm hôm nay, sau giờ công phu với đại chúng chú đã ở lại thiền đường, ngồi thêm một lúc cho đến khi những anh em thực tập thiền lạy cá nhân đã rời thiền đường hết thì chú bắt đầu tụng kinh. Chú đã ở lại để thâu âm những bài kinh, bài tụng mới trong sách Nhật Tụng Thiền Môn 2012. Mạ chú muốn chú tụng thêm kinh cho mạ nghe. Được nghe con mình tụng kinh vẫn thích hơn là nghe một vị tôn đức nào khác tụng, mạ chú thường nói thế.

Từ khi xuất gia, chú vẫn giữ liên lạc thường xuyên với gia đình. Với các anh chị em của mình thì qua điện thư, nhưng mạ đâu có biết dùng điện thư cho nên điện thoại là phương tiện duy nhất chú có thể liên lạc với mạ. Mỗi lần nói chuyện như thế với ,ạ, chú đều ý thức là mình đang nuôi dưỡng một mầm Bồ đề cho tương lai. Từ mấy năm nay, Mạ chú đã chính thức phát nguyện kiếp sau sẽ làm người xuất sĩ, và lại còn ước muốn được xuất gia từ nhỏ. Tuổi của ,ạ đã không cho phép mạ xuất gia lúc này. (Đương nhiên đó chỉ là do mạ tự nghĩ như thế). Mạ chú tin vào kiếp sau, rằng sẽ có một “mạ” như thế được sinh ra trong hình thức một em bé và em bé ấy sẽ thừa hưởng những công quả của nó từ kiếp trước mà được xuất gia.

“Sinh phùng trung quốc
Trưởng ngộ minh sư
Chánh tín xuất gia
Đồng chơn nhập đạo.”

Sư Ông Làng Mai đã dịch như thế này:

“Kiếp sau xin được làm người
Sinh ra gặp Pháp sống đời chân tu
Dắt dìu nhờ bậc minh sư
Nương vào chánh tín hạnh từ xuất gia.”

Mạ chú, đã mấy năm nay, từng ngày đều nuôi dưỡng chí nguyện ấy. Một lần nói điện thoại, mạ đã kể cho chú nghe say sưa về cuốn Sám Pháp Địa Xúc, rằng nó hay như thế nào, và mạ chú thích nó như thế nào. Mạ chú biết đọc rất ít. Làm tính thì mạ rành hơn bởi vì từng phải buôn bán nuôi con. Đọc được là do ba đã dạy từ những năm đầu mạ về làm dâu nhà họ Nguyễn. Ba chú từng được đi học, nhưng đã về làng lấy người vợ được Ôn Nội chọn cho, và vợ là cô gái 18 tuổi ở ngay nhà bên cạnh. Cô gái trẻ ấy chưa từng được đến trường mà chỉ phụ mẹ việc nhà và buôn bán. Mạ kể rằng những năm trước khi được ba cưới về, mỗi ngày mạ phải gánh cá lên tận chợ Xép ở đường Ngô Đức Kế ngày nay để bán, sau đó mua những thứ cần thiết khác rồi gánh chúng về. Và đương nhiên đều là đi bộ. 18 cây số cho mỗi chặng đường!

Về với ba, mạ được học đọc. Nhưng chắc chắn là chỉ học cho biết đọc thôi bởi vì từ khi lớn lên, chú hiếm khi thấy mạ ở gần một cuốn sách, ngoại trừ những lần phải bọc sách cho anh em chú. Mà cũng phải thôi, một tay phải lo cho cả nhà 11 người từ chuyện ăn tới chuyện mặc, rồi còn cả chuyện nhà cửa học hành… làm gì mà mạ còn có thì giờ để đọc sách! Nhưng chú đâu biết rằng cuốn sách mạ đang đọc là cuốn sách sống động, một cuốn sách không ai có thể viết được. Một thiếu phụ 32 tuổi bị suyễn mãn tính, chưa từng tới trường, không có chuyên môn, mất chồng và phải thay chồng trả hiếu cho cha chồng, thay chồng nuôi dạy bảy đứa con của mình cộng thêm hai đứa cháu của chồng với lời hứa nặng như núi đó là cho các con học hành tới nơi tới chốn. Ai là người nghĩ rằng người thiếu phụ ấy có thể thành tựu tâm nguyện của mình một cách dễ dàng?

Những năm tám mấy chín mươi ấy, Việt Nam hãy còn nghèo khủng khiếp, nhất là ở miền quê. Chạy cơm đã khó, đàng này còn thêm áo quần, sách vở và tiền học cho cả 9 đứa cả con cả cháu, không biết bằng cách nào mà người thiếu phụ yếu đuối kia đã “đọc” xong cuốn sách ấy? Chú là người duy nhất không học hết bậc đại học trong 7 anh em, kể ra thì đó cũng là một phần chú có lỗi với Ba, bởi vì chú còn nhớ, ngồi bên ba, trước lúc ba mất, tất cả mọi người đều đã hứa với ba rằng sẽ học cho tới nơi tới chốn. Tới nơi tới chốn, theo cách hiểu lúc ấy là học ra đại học. Nhưng chú tin là ba không hề trách chú chỉ vì chuyện chú chưa từng lấy bằng đại học nào. Ba chắc chắn biết rõ là cho tới tận hôm nay, chú vẫn không ngừng được học mỗi ngày. Ngày em trai của chú xong đại học, mạ chú đã được hội phụ nữ tỉnh mời lên thành phố để tặng bằng khen “Người Phụ Nữ Có Thành Tích Nuôi Dạy Con Giỏi”, và mạ chú đã phải khó khăn lắm mới đọc trôi chảy cái nội dung viết bằng chữ đỏ to tướng trong cái khung hình trang trọng ấy! Người ta đâu có biết người đàn bà đang khiêm tốn rụt rè nhận giải thưởng giành cho bà mẹ giỏi dạy con kia chưa từng được tới trường!

Ở làng chú, chuyện một đứa con trong nhà học hết bậc đại học vào cái thời chưa có chiếc cầu bắt qua phá Tam Giang mênh mông nước ấy là chuyện có khi được cả họ ăn mừng. Thường, cả nhà phải đi làm chỉ để cho một người duy nhất được đi học. Nhà chú thì tất cả đều phải đi học, chỉ có một người được đi làm! Thời gian đó, cả nhà đã phải nhận thêm sự giúp đỡ của bà con họ hàng. Thấy mạ chú gánh vác quá nhiều, Ôn Nội chú tuy đã gần 80 mà vẫn còn theo đám thanh niên ra khơi đánh cá. Nhưng sức của Ôn đâu còn cường tráng như cái tuổi ba mươi? Chỉ sau một thời gian ngắn thôi rồi Ôn cũng đã phải ở nhà. Ở nhà, Ôn đan lưới, đan tre; Ôn trồng rau, trồng bí, trồng mướp… Hình ảnh Ôn quắc thước tươi cười ngồi đan lưới trước hiên nhà với cái bụng to và bộ râu dài trắng như cước nằm gọn trong tay một trong hai thằng Tèo là hình ảnh rất đẹp và linh thiêng trong lòng chú. Hai anh em chú ưa ngồi trong lòng Ôn, trong khi ôn làm việc, và vuốt râu, xoa bụng Ôn. Đó là “việc” mà anh em chú có thể “phụ” gia đình được! Cho tới bây giờ, mỗi lần nghĩ về những năm tháng ấy chú vẫn không tài nào mường tượng được bằng thứ sức mạnh nào mà mạ chú đã có thể đi qua!

Ngày mạ nói với chú rằng mạ đã phát nguyện xuất gia, chú thấy trong lòng vui lạ. Chẳng phải là do chú sẽ có thêm được một sư em mà vui. Vui là bởi chú ý thức được rằng đó chính là lúc mạ chú buông xuống được hết cả mấy mươi năm lo toan xuôi ngược, vui là vì đó chính là lúc Mạ chú buông xuống hết được tất cả những nỗi khổ nhục, buồn đau.

Từ sau ngày ấy, mạ chú bắt đầu thực tập địa xúc. “Địa xúc là pháp môn bao hàm tất cả các pháp môn, là giáo lý ôm hết tất cả các giáo lý, là công hạnh gồm thâu tất cả các công hạnh.” Chú đã hùng hồn nói với mạ như thế ngày chú khuyến khích mạ hành trì pháp môn ấy. Mạ chú đọc rất chậm, mỗi ngày chỉ đọc được một hay hai đoạn mà thôi. Và ngày nào cũng đọc thêm một hay hai đoạn nữa. Mới đây thôi, mạ nói với chú rằng mạ đã thực tập được hơn nửa cuốn rồi và mạ rất thích thú. Chắc bây giờ thì mạ đã trở lại thực tập từ đầu như chú đã khuyên: “Hết rồi thì bắt đầu trở lại”.

Mạ chú, từ lúc phát tâm xuất gia ấy đã luôn luôn mong muốn những gì mình đang làm hằng ngày sẽ bồi đắp cho nếp sống xuất gia sau này, dù là ở kiếp sau. Kiếp mệnh, tuy chẳng phải là giáo lý đệ nhất nghĩa nhưng trong trường hợp này thì nó “Phật pháp” không thua gì đệ nhất nghĩa! Trong cách ăn mặc, trong cách nói năng, trong cách tiếp xử với con cháu họ hàng và trong cả cách sống hằng ngày, mạ chú đang thực tập để có thể sẵn sàng cho đời sống xuất gia vào kiếp sau. Và điều ấy làm cho Mạ có một nguồn vui sống mới sau khi đã hoàn thành ý nguyện của chồng, sau khi đã thấy các con mình rồi các cháu của mình trưởng thành, lớn khôn, học hành tới nơi tới chốn.

Mạ chú không biết nhiều Phật pháp. Trong những câu chuyện với Mạ, nếu không phải là những niềm vui khi đi chùa cúng dường, khi đi làm từ thiện, khi làm việc trong vườn thì cũng chỉ là niềm vui khi thực tập địa xúc hay đi dạo mỗi sáng chiều ra biển mà thôi. Tuy vậy, chú lại không thể nói hết được Phật pháp qua cuộc đời của mạ.

Cái chí nguyện xuất trần thật lạ! Nó chẳng những thay đổi cách nhận thức, cách yêu thương, cách sống và cách phụng sự cuộc đời nơi một người thanh niên trẻ mà nó còn có thể làm cho những điều đẹp đẽ ấy trong lòng một bà cụ hồi sinh.