Những bông hoa trong “Làng Mộc”
Làng Mộc
Mộc Lan là một trong ba tu viện của Sư Ông Làng Mai tại Mỹ. So với anh chị của nó như Tu viện Lộc Uyển và Tu viện Bích Nham thì Mộc Lan còn rất mới và rất trẻ. Mộc Lan chính thức có mặt của chúng xuất sĩ tính đến nay chỉ gần 4 năm, nhưng Mộc Lan đang vươn mình mỗi ngày, không ngừng đâm chồi nảy lộc hiến dâng hương thơm, vẻ đẹp cho đời. Mời các bạn lắng nghe những hoài bão cùng sự thực tập xây dựng chúng, giúp đời của những bông hoa trong vườn Mộc Lan mà anh chị em chúng tôi thân quen gọi là “Làng Mộc” nhé!
Kính thưa thầy, thầy về Mộc Lan sau gần 2 năm chúng xuất sĩ có mặt, chúng con thấy thầy rất hết lòng trong mọi công việc. Với cương vị một sư anh lớn, không biết thầy có bị áp lực, khó khăn nào trong quá trình xây dựng Mộc Lan không ạ?
Thầy Pháp Huy: Sư anh ở Mỹ mười mấy năm rồi mới đi tu, tuy ở Mỹ nhưng sư anh còn rất nhiều nét văn hóa Việt Nam, nên có gì đó rất thương các sư em ở Bát Nhã, vì thế mới xin Sư Ông về Mộc Lan. Lúc đầu sư anh chỉ nghĩ về đây chơi với các sư em thôi, không nghĩ mình sẽ đóng vai trò của một sư anh lớn. Khi về đây đã có thầy Pháp Hội rồi, nhưng sau đó thầy đi về Lộc Uyển nên sư anh đứng ra gánh vác, chăm sóc chúng. Lúc đầu sư anh cũng có chút khó khăn vì một chúng mới, các sư em đông mà tuổi cùng ngang nhau, ai cũng có những ý kiến riêng, chưa đi chung tới một cái thấy mà chúng thì cần những vị lớn như ở Thái Lan có Sư Bá vậy. Sự có mặt của một vị lớn trong chúng rất quan trọng. Nhưng may mắn là có những vị đã từng sống trong chúng lâu, hiểu mình và thương chúng nên yểm trợ sư anh nhiều như sư cô Hỷ Nghiêm, sư cô Túc Nghiêm, sau này có các thầy Pháp Uyển, Pháp Nhã về. Vì đây là một trung tâm hoàn toàn mới, tuy đã có vài cái căn bản nhưng mình phải tự túc mọi thứ từ trong ra ngoài. Khi mình xây dựng nội bộ chúng xuất sĩ vững mạnh thì công việc bên ngoài mới chạy được. Sư anh rất thích về sự thực tập vô thường nên cũng không nghĩ mình sẽ ở đây lâu, cứ sống và cống hiến hết những gì mình có thể trong giây phút hiện tại nên đôi khi nói đùa với mọi người là mình chỉ sống tới 40 tuổi thôi rồi chết để sư anh trân quý thời gian mình sống ở đây.
Làm sao thầy dung hòa được kinh nghiệm của mình đi trước để nâng đỡ các sư em đi sau khi làm việc?
Trong tu viện mình có những ban làm việc như ban chăm sóc, sư anh cũng tin vào khả năng làm việc của các sư em. Có những điều mới lạ, sư anh cũng khuyến khích để các sư em làm cho những sinh hoạt của chúng sống động hơn. Với những công việc lớn, sư anh chia sẻ trước cho các sư em, còn những công việc nhỏ sư anh biết dù có chút trục trặc trong đó cũng không sao, sư anh muốn để cho các sư em mình có không gian, niềm tin để làm, khi làm nếu có vấp ngã các sư em sẽ có kinh nghiệm. Và khi đó mình chia sẻ kinh nghiệm của mình thì giúp các sư em thực tế hơn.
Thầy có thể chia sẻ cái nhìn của thầy về tương lai của Mộc Lan?
Mộc Lan mình tuy mới gần bốn tuổi nhưng khá ổn định về cơ sở vật chất như nhà ăn, thiền đường, tháp chuông, ni xá, nhà khách, sau này sẽ có thêm tăng xá. Nhưng về mặt đối ngoại thì hơi thiếu, thiền sinh Mỹ về tu viện ngày càng đông, mình sống ở xã hội Mỹ thì ít nhất phải có quý thầy quý sư cô Tây phương. Theo kinh nghiệm của sư anh đã từng sống ở nhiều trung tâm, tuy anh chị em mình nói tiếng Anh được nhưng cũng chỉ giúp tới một mức độ nào đó thôi, mình cần mời thêm những vị Tây phương về thì sẽ dễ dàng chia sẻ, giúp đỡ thiền sinh hơn vì họ có cùng một nền văn hóa. Còn ở đây phần đông anh chị em mình là người Việt hoặc người Việt quốc tịch Mỹ. Các trung tâm Bích Nham, Lộc Uyển, Làng Mai có quý thầy quý sư cô Tây phương nên giúp thiền sinh được nhiều hơn.
Thưa sư cô Hỷ Nghiêm, Tu Viện Mộc Lan mới có tứ chúng đồng tu trong khoảng 4 năm nay nhưng sự phát triển thì khá nhanh. Chúng con được biết sư cô là người đầu tiên về Mộc Lan cùng 5 sư cô nữa đến từ Làng, vậy xin sư cô có thể chia sẻ về sự chuyển mình của Tu Viện trong quá trình xây dựng Tăng thân cũng như xây dựng cơ sở vật chất từ ngày khởi đầu cho đến hôm nay?
Sư cô Hỷ Nghiêm: Nhìn về mặt hình thức thì Mộc Lan có sự chuyển biến khá nhanh so với những môi trường mà chị đã sống trong 18 năm qua. Năm 2012 chị có đi khóa tu ở Nashville và trong buổi vấn đáp có một vị thiền sinh hỏi: “Tại sao quý vị không chọn một thành phố lớn như New York, Chicago là nơi đông đúc dân cư và kinh tế khá phồn thịnh mà lại chọn vùng Mississippi ở Miền Nam Trung Mỹ làm trung tâm thiền tập”. Chị đã trả lời với họ là: “Nguyên nhân ban đầu là do một số thao thức của người Việt sống ở Mỹ mong muốn có một trung tâm thiền tập, phương pháp hành trì rõ ràng, phù hợp với thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên ở đây. Thứ hai là mình về đây không phải tự mình tìm tới mà dường như có sự sắp đặt của Tổ tiên đất đai nơi này”. Liền sau đó thầy Pháp Huy có trả lời thêm: “Ngày xưa Đức Thế Tôn thị hiện ở một nơi rất nghèo thì bây giờ vùng Mississippi này cũng nghèo nên pháp môn của chúng tôi mới tới. Có thể Tổ tiên đất đai ở đây chọn chúng tôi chứ không phải chúng tôi chọn”. Thì hai ý trả lời này dường như giống nhau.
Sự chuyển mình trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất rất cần nhưng chưa phải chính yếu. Chính sự tu học mới là yếu tố quan trọng. Yếu tố đặc thù trong quá trình chuyển mình của tu viện Mộc Lan là đã đem được hạt giống từ hòa, tỉnh thức rải ở vùng Trung Nam Mỹ này. Và nó được biểu hiện từng ngày trong suốt 4 năm qua. Người tu đích thực là người biết chăm sóc cái tâm, nỗi khổ, niềm đau của mình. Phải biết vun bón hạnh phúc, tri ân cuộc đời trong mỗi giây phút hiện tại. Khi làm được điều đó mình mới tỏa ra năng lượng bình an và tạo được niềm tin cho những người đến tu tập với mình. Nhờ có niềm tin họ mới phát tâm về mặt tài chính để nuôi dưỡng và duy trì chúng cũng như những cơ sở vật chất như hiện nay. Nhờ chúng cư sĩ nồng cốt có thực chất tu tập, nếm được pháp lạc, chuyển hóa tự thân và gia đình của họ nên niềm tin nơi các vị ngày càng sâu sắc vững mạnh và họ đã đứng ra kêu gọi đóng góp. Vì vậy những người chung quanh đã hết lòng đóng góp để xây dựng Thiền Đường nên mình mới gọi là Mọc Liền (cười).
Mặt khác, nếu mình để hết thời giờ vào quá trình xây dựng cơ sở vật chất, mình sẽ đánh mất chính mình và mình sẽ là người tu thất bại mà chính mình không biết. Nếu không nhận ra điều đó thì mình rất thiệt thòi và rất nguy hiểm cho một người tu.
Bên cạnh đó, một người tu không nên có tâm tự hào khi thấy những cơ sở vật chất biểu hiện, cũng như những tài năng của mình. Mình chỉ nên ghi nhận và biết rằng đây là nhờ vào nhân duyên cùng khắp mà biểu hiện. Ở đời người ta cần tài năng, nhưng người tu thì cần cái đức khiêm cung, khiêm hạ. Nếu tài năng không đi đôi với tâm hiền thiện, trong sáng thì sẽ thiếu đi phước đức. Với tâm hiền thiện, trong sáng sẽ chiêu cảm đến lòng thương yêu và che chở của Tổ tiên đất đai nơi này. Điều chị cảm nhận sâu sắc mọi chuyện chuyển mình ở Mộc Lan là do Bụt Tổ sắp đặt cả, sự tu học của mình chỉ đem tâm thuần khiết để thực tập và góp phần thôi. Dĩ nhiên mình cũng còn tàng trữ những hạt giống không lành không thiện trong tâm thức, nhưng sự thực tập của mình là nhận diện những hạt giống đó mà thực tập tinh tấn để cho những hạt giống đó không phát triển đi về hướng tiêu cực. Qua đó mình thấy rằng cái gì đứng chung với nhau sẽ tạo thành một tổng thể rất đẹp. Còn nếu tách riêng ra từng khía cạnh thì nó không bao giờ hoàn hảo cả. Cái tuệ giác mà Thầy dạy là “Đi như một Tăng thân, đi như một dòng sông” thì việc gì mình cũng có thể làm được, đó là sức mạnh của Tăng thân. Còn nếu mình đi như một cá nhân, một tế bào biệt lập thì dù mình có tài ba như thế nào đi chăng nữa thì nó chỉ thành tựu ở tính cách cá nhân. Khi mình biết nương tựa Tăng thân thì mình sẽ thấy những tài năng, những hoa trái tu tập của mình có được là do cuộc đời nuôi dưỡng mình và gần nhất là Ông bà, Tổ tiên, cha mẹ, Thầy và Tăng thân cũng như Phật tử xa gần nuôi mình. Thấy được như vậy thì mình không có tự hào, ngã mạn và kiêu căng.
Khi làm những công việc ở Thiền đường, chị cũng rất lo ngại vì tính chất nguy hiểm không an toàn có thể xảy đến. Chị luôn nhắc các sư em của mình trong khi làm việc nên nghĩ tới năng lượng lành và không nên khởi tâm không hoan hỷ, buồn phiền, trách móc, nếu các sư em đang có tâm hành bất ổn, không an thì có thể làm những công việc khác. Chúng đã đồng một lòng thực tập như vậy và ngày tháng đi qua cho đến khi mọi việc được thành tựu viên mãn. Trong suốt thời gian xây dựng không có một tai nạn nào xảy ra, chị nghĩ đó là một may mắn và phước đức lớn của tăng thân mình. Bây giờ tu viện Mộc Lan có được thiền đường lớn, rộng rãi, Thầy mình đặt tên cho thiền đường là: Hải Triều Lên. Tứ chúng mình tu học làm sao để ngày càng đi lên, đi xa, đi rộng đúng như cái tên của thiền đường. Nhưng nếu cái tâm của mình “không lên, không rộng” mà cứ mãi còn kẹt, còn gút mắc trong mỗi giây phút hằng ngày thì thật là uổng phải không các sư em?
Chị nhớ những ngày đầu mới về đây, Phật tử chưa thích nghi được cách sinh hoạt của mình vì quá nghiêm túc. Ngày thường họ tới chùa lạy Bụt nhưng khi mình đưa họ vào thời khóa thực tập, họ chưa quen và cảm thấy ngột ngạt vì phần nhiều họ chỉ có tâm cúng dường. Bây giờ họ đã thấm và biết chăm sóc chính mình bằng cách thực tập hơi thở, nghe pháp thoại, pháp đàm, đi thiền và tụng giới. Cụ thể là những sinh viên ở trường Ole miss, học sinh trung học và các em Gia đình Phật tử đã biết đến và tới đây thực tập mỗi năm.
Theo sự nhìn nhận của chị thì phần đông các anh chị em đã và đang ở Mộc Lan ai cũng có tâm để cống hiến và tu tập. Nhờ sự gia lực, gia trì của Tổ tiên đất đai và Tổ tiên tâm linh ở đây nên sự chuyển mình của Mộc Lan với đầy đủ duyên lành, những đóa hoa thiền đang nở cùng khắp, mời các vị đến tiếp xúc với khung cảnh thiên nhiên trong lành và những đóa hoa thiền, những bước chân hiền cùng đại chúng. Xin gởi trọn lòng tri ơn qua bài thơ nhỏ này:
Mộc Lan thầy đến rồi đi
Chúng con vẫn đợi ước gì thầy sang
Tình thầy đượm dấu nơi này
Ơn thầy con nhớ ngày ngày công phu.
Đang thực tập làm một vị Giáo thọ tập sự chỉ mới 25 tuổi (còn khá trẻ), sư chị có cảm giác như thế nào trong buổi họp đầu tiên? Sư chị đang chuẩn bị hành trang gì cho vai trò một vị Giáo thọ trẻ trong tương lai như ra hướng dẫn sự tu tập cho mọi người hay chăm sóc Y chỉ muội?
Sư cô Cẩm Nghiêm: Cám ơn sư em đã hỏi câu hỏi rất thực tế này. Đối với chị, ngày đầu tiên đi họp chị thấy vui lắm, chị không có gì phải lo lắng, hồi hộp về một vấn đề gì cả vì chị luôn ý thức là mình còn nhỏ. Tính ra chị là vị Giáo thọ tập sự nhỏ tuổi nhất ở Mộc Lan bây giờ. Trong tương lai chị nghĩ mình cũng là vị Giáo thọ nhỏ tuổi nhất (25 tuổi), cho nên bổn phận và trách nhiệm của mình cũng chưa có gì là nặng nề, do đó chị chỉ vào họp với một cái tâm học hỏi, nuôi dưỡng để làm hành trang cho mình sau này cũng như khi mình chuyển đến một môi trung tâm nào khác.
Còn về dự án cho tương lai sau này thì tùy theo khả năng sự thực tập của mình để biết khi nào mình cần đi ra, khi nào mình cần học hỏi và nghiên cứu thêm. Nhưng cái chính đối với chị là để mình có tự tin khi ra hướng dẫn thì mình cần có thời gian học hỏi thêm, nghiên cứu những lý thuyết căn bản cũng như sự thực tập và hành trì sâu hơn với những lời chỉ dạy của Thầy, áp dụng một cách thực tế trong đời sống hằng ngày mà chị chưa có cơ hội nhìn sâu và chuyển hóa nó. Với chị, chị chỉ mong ước mình chuyển hóa được những phiền giận, khó khăn trong nội tâm để cống hiến những kinh nghiệm thực tập của mình và để chia sẻ được cho mọi tầng lớp. Mỗi tầng lớp mình chia sẻ một cách khác nhau để họ có thể hiểu được. Nói chung vấn đề chính là sự thực tập của mình. Nếu mình có hạnh phúc, tươi mát thì mọi người có hạnh phúc, tươi mát. Còn khi mình có khó khăn thì mọi người luôn luôn đứng bên cạnh để yểm trợ. Điều quan trọng nhất giúp chị thấy an toàn khi đứng ra hướng dẫn là chị luôn luôn cần học hỏi những vị lớn đi trước. Chị ý thức đây chỉ là sự bắt đầu mà không có kết thúc, mỗi ngày mình học hỏi, huân tập thêm những cái mới mà không dừng lại ở một điểm nào.
Còn về vấn đề chăm sóc cho Y chỉ muội trong tương lai chị cũng chưa có nghĩ gì, chị chỉ trở về chăm sóc chính bản thân chị trước thì chị nghĩ mình sẽ chăm sóc Y chỉ muội tốt trong tương lai.
Thưa thầy Pháp Uyển, là một người luôn có mặt để chơi và chăm sóc các em thanh thiếu niên, chăm sóc người trẻ khi các em đến tu viện, xin thầy chia sẻ những kinh nghiệm của mình với anh chị em xuất sĩ trẻ chúng con, những người cũng có cùng tâm huyết?
Thầy Pháp Uyển: Điều quan trọng đầu tiên là sư anh đến chơi với các em một cách tự nhiên, không có mục đích chỉ dạy gì cho các em cả. Khi sư anh làm bạn được với các em rồi thì các em mới có cảm hứng chia sẻ, lúc đó sư anh mới tìm cách để giúp các em. Sư anh thường chia sẻ cho các em những kinh nghiệm rất thật của mình, làm các em có cảm giác gần gũi, thấy quý thầy quý sư cô cũng là con người, không quá xa với những vấn đề mà các em phải đối diện trong xã hội ngày nay. Khi mình hiểu những vấn đề thực tế của các em, mình mới đi vào lòng và giúp các em được. Có lúc sư anh cũng thực tập thí nghiệm chơi game để hiểu tâm mình thế nào, viết xuống nhật ký và khi các em tới tu viện, sư anh mới có kinh nghiệm chia sẻ với những em bị nghiện game. Đối với các em thích nghe nhạc, sư anh cũng cho các em nghe nhạc hip hop, sau đó tìm nhạc nuôi dưỡng cho các em nghe để các em so sánh, phân tích rồi đề nghị các em chia sẻ tâm hành, cảm xúc khi nghe hai loại nhạc như vậy. Các em sẽ biết chọn lựa cho mình thức ăn lành mạnh hơn.
Tu viện mình ngày càng có nhiều thiền sinh Tây phương đến, làm sao anh chị em trẻ chúng con vượt qua được sự ngại ngùng khi chưa tự tin lắm về ngôn ngữ trong lúc chia sẻ kinh nghiệm tu học của mình cho thiền sinh Tây phương?
Sư anh thấy vấn đề ngôn ngữ cũng rất quan trọng. Các anh chị em từ Thái Lan hay Việt Nam qua rất cần học tiếng Anh, càng mạnh dạn tập nghe và nói thì mình càng tiến bộ hơn trong việc hiểu cũng như có cơ hội chia sẻ với mọi người. Nếu mình nghe và hiểu được ngôn ngữ của họ thì mình mới lắng nghe được những nỗi khổ của họ khi họ về đây nương tựa mình.
Thưa sư chị Thuần Minh, khi sống ở môi trường Tây phương, ngôn ngữ (Anh văn) còn nhiều hạn chế đối với một số anh chị em Việt Nam mới qua. Làm sao sư chị có thể vượt qua được những mặc cảm và để có thể hòa nhập vào văn hóa cũng như con người nơi xứ Mỹ này. Động lực nào giúp sư chị có thể đến được với họ một cách tự nhiên?
Sư cô Thuần Minh: Chị thấy khi mình làm một công việc gì, những bước đầu thường có nhiều khó khăn và trở ngại. Chị nhớ cái mặc cảm lớn nhất đầu tiên của chị khi mới qua Mỹ là khi thấy họ, chị luôn trốn (chẳng hạn họ ở đằng trước thì chị trốn đằng sau), tình trạng đó đã kéo dài và lập lại tới suốt một năm.
Một năm sau, chị được đi khóa tu ở Nashville và động lực học Anh văn trong chị được ươm mầm từ đó. Trong khóa tu, chị có ngồi chơi với một cô thiền sinh và nhìn vào gương mặt của cô chị thấy cô rất khổ. Hồi đó chị chưa biết Anh văn nhiều lắm. Cô đã chia sẻ cho chị nghe rất nhiều những khó khăn đối với ba mẹ và gia đình, sau đó cô khóc. Cô đã nói rất nhiều nhưng chị chỉ biết ngồi nghe và thở thôi vì chị không kiếm ra từ để chia sẻ với cô. Lúc đó hạt giống muốn hiểu người và giúp đỡ người khác trong chị rất lớn. Chị chợt thấy được sự thiếu sót của mình và từ đó chị bắt đầu học tiếng Anh. Ở Việt Nam chị không được học Anh văn nhưng sau 2 năm ở Mỹ, chị thấy mình tiến bộ rất nhiều. Chị có khả năng nghe, nói và chơi với họ nhiều hơn trước.
Bây giờ chị đã hiểu sâu hơn câu nói của Sư Ông đã từng dạy chúng rằng: “Trong một ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ và chính những cửa sổ đó sẽ giúp mình thấy được nhiều hướng”. Giờ đây, chị thấy chị rất cởi mở để học hỏi ngôn ngữ cũng như văn hóa của người Tây. Trước đây chị là người tương đối kín đáo nhưng bây giờ chị thấy mình cởi mở, tươi vui, trẻ trung, năng động và chịu chơi hơn. Khi tiếp xúc với họ, chị học được tính cởi mở vì họ có khả năng nói ra hết những gì ở trong lòng. Khi lắng nghe, chị có thể thông cảm được những nỗi khổ của họ vì trong chị cũng đã từng có những cảm giác bị bỏ rơi hay bị cô đơn, tuyệt vọng. Muốn giúp họ thì chị phải có cái hiểu, cái thấy thì chị mới nói được. Và từ đó Anh văn của chị càng ngày càng tiến bộ. Chị nghĩ khi mình đến với một ai đó bằng tấm lòng, bằng trái tim thì ngôn ngữ không còn là một vấn đề quan trọng nữa. Chính lúc đó tiếng Anh đi vô người chị lúc nào chị cũng không biết nữa. Nhiều lúc chị cảm thấy rất ngạc nhiên khi nghe họ nói, chị không cần suy nghĩ con phải nói câu gì nhưng trong tàng thức nó đã có sẵn câu trả lời. Và chị không ngờ chị học được như vậy. Chị phải trải qua mặc cảm một năm mới đến được với mọi người như bây giờ (cười).
Thưa thầy Pháp Thể, con đường của Bụt là con đường thực tập tình thương lớn, vậy thì từ khi vào Tăng thân, thầy có thương riêng một ai đó trong chúng nhiều hơn những người khác không? Thầy có cảm giác gì khi rơi vào trường hợp này? Khi có một sư em mến hoặc quý về sự thực tập của thầy và có thể đi hơn mức giới hạn thì thầy đã thực tập như thế nào để đi về hướng (Xả), để được bình đẳng trong tình thương?
Thầy Pháp Thể: Thực chất khi sư anh qua Mộc Lan, tình thương của sư anh không dành riêng cho một ai hết. Sư anh cũng chưa từng để mình vướng vào một đối tượng nào trong chúng để mình phải hệ lụy, khổ đau và mệt mỏi. Đối với sư anh, mình phải thực tập làm sao để có thể đến và giúp được nhiều người chứ không phải dành riêng cho một ai cả. Còn nếu thương riêng thì sự thực tập của mình đã có sự hạn chế. Vì tình thương đó sẽ không được rộng và không bao trùm hết tất cả mọi người. Với tình thương lớn thì con đường của mình mới được lâu dài, bền và trọn vẹn hơn. Còn nếu không thì sư anh sẽ bị rơi rụng hoặc sẽ bị chướng ngại trên đường tu. Đó cũng là nhờ sư anh rút ra từ những bài học kinh nghiệm của Sư Ông hoặc của các sư anh lớn khác.
Trong trường hợp nếu sư anh biết có một sư em đang thương và quý mình thì trước tiên sư anh sẽ can đảm gặp người đó để nói riêng. Mình có thể giải thích là: “Nếu thật sự thương và quý nhau thì mình phải yểm trợ cho nhau để cùng đi về một hướng. Mình phải biết mình đang đi hướng nào thì mình phải quyết định rõ ràng. Nghĩa là mình đang đi về hướng thực tập, tu học thì mình phải đi về hướng thực tập, tu học. Nếu mình có ý thức quyết định đi con đường này rồi thì mình phải cố gắng giữ gìn cho nhau”. Sư anh sẽ giải thích cho sư em đó biết như vậy. Thực chất sư anh đã một vài lần rơi vào trường hợp đó rồi chứ không phải không có.
Nên khi đến với Tăng thân sư anh luôn lấy bài học đó để nhắc nhở mình chứ không thì rất khó để tu trọn con đường này.
Là một sư em mới xuất gia, vừa mới theo gia đình định cư ở Mỹ, trước khi sư em về Mộc Lan, sư em có cảm thấy lo lắng gì không? Theo sư em một sư út dễ thương thì mình thực tập như thế nào?
Sư cô Trăng Ngàn Dặm: (Cười) Trước khi về Mộc Lan em cảm thấy lo lắng nhiều vì không biết các sư chị ở đây có dễ thương không? Khung cảnh ở đây như thế nào? Em nghe nói sẽ ở trên núi, xa dân cư. Mặc dù em đã thấy hình thiền đường cũng như hình quý thầy, quý sư cô ở trên mạng. Điều lo lắng nữa là em chưa chấp nhận sống xa gia đình xuất gia (Cây Hoa Gạo) và ở đây chỉ có một mình em thôi, em không biết ngày tụng giới sẽ như thế nào, vì lên tụng giới một mình em run và sợ lắm. Ở bên Diệu Trạm mỗi lúc tụng giới thường có hai mươi mấy chị em và em thường đứng sau nên đỡ run hơn.
Nhưng ngày đến tu viện em cảm thấy vui vì được quý thầy, quý sư cô tiếp đón nồng nhiệt. Hạnh phúc nhất là em được làm sư út ở đây (cười).
Em không biết như thế nào là một sư út dễ thương vì sống bên ngoài em chưa khám phá ra tài năng của mình là gì hết nên khi vào chúng em chỉ biết nương tựa đại chúng để học hỏi nhiều hơn. Em thấy các sư chị ai cũng có những cái đẹp riêng. Là một sư út dễ thương thì em sẽ thực tập vâng lời và đến chơi với tất cả các sư chị. Ngoài ra em cũng chăm sóc sức khỏe của mình nhiều hơn để đại chúng khỏi lo. Dạ! cuối cùng em xin cám ơn Thầy và Tăng thân đã che chở và bảo bọc cho em.
Xin cám ơn những lời chia sẻ của quý thầy quý sư cô, qua đó chúng con hiểu thêm về quá trình hình thành cùng những gì đang diễn ra ở Mộc Lan trong thời gian qua, cũng như tâm tư, hoài bão của mỗi người. Kính chúc quý thầy quý sư cô tiếp tục nuôi dưỡng thêm những hoài bão đẹp đó trên đôi chân vững mạnh, cùng góp sức làm cho Làng Mộc mỗi ngày thêm xanh tươi, thơm ngát hơn.
Trên đây chỉ là một trong số những bông hoa trong vườn mà chúng con có dịp ghé qua mời các bạn cùng thăm, bên cạnh đó còn nhiều bông hoa Mộc khác nữa trong vườn đang âm thầm tỏa hương cho đời hay đang vươn xa nơi Vườn Ươm Thái Lan hay ở quê nhà. Hương Mộc đang bay khắp nơi nhưng chắc chắn rằng sẽ không bao giờ quên những ngày tháng được đứng bên nhau, chịu bao mưa nắng để làm nên Vườn Mộc xanh tươi như ngày nay cho các thế hệ “Hoa Mộc em” đang tiếp nối.