Nhặt cỏ vườn hoa
Phiên tả những buổi vấn đáp của Thầy cho tuổi teen ở khóa tu “Đi tìm ngôi nhà đích thực” (Finding our true home)
tại tu viện Lộc Uyển ngày 15.10.2013)
Hỏi: Ba của con mất cách đây 2 năm rưỡi vì ung thư tuyến tiền liệt. Ông ấy đã rất đau khổ vì những đau nhức trong thân thể và tinh thần không còn minh mẫn nữa. Vì lẽ đó mà con rất khó để truyền thông với ba con trong những ngày tháng còn lại của ông. Hồi trước, con rất bình an để cho ba ra đi, nhưng bây giờ con thấy càng ngày càng khó khăn hơn trong việc kết nối với năng lượng của ba. Và càng khó hơn để cho con biểu lộ cảm xúc đau buồn hay qua sự ra đi của ba. Con phải thực tập như thế nào để mở lòng ra và có sự kết nối với ba con dù cho ông ấy đã qua đời rồi?
Thầy: Ba của chúng ta không chỉ có ở ngoài mà đang có mặt trong chúng ta. Ông ấy vẫn còn có đó và luôn luôn được tiếp nối trong mỗi chúng ta. Chúng ta mang cha, mẹ và các thế hệ tổ tiên trong mỗi tế bào của cơ thể, cho nên chúng ta có thể nói chuyện với ba ngay bây giờ và ở đây. Tôi thường hay làm như vậy với ba tôi. Tôi chia sẻ với ông về sự thực tập của tôi và tôi cảm nhận ba luôn có mặt cho tôi. Khi tôi tiến triển hơn trong sự tu tập thì ba tôi cũng được hưởng. Tôi thường hay mời ba cùng đi, cùng thở cho nên chúng tôi hài hòa với nhau. Tôi đang làm giúp cho ba tôi những gì mà ông chưa thể làm được trong lúc còn tại thế. Bây giờ thì tôi có nhiều bình an, niềm vui và tự do hơn.
Những khó khăn, khổ đau của ba chúng ta vẫn còn trong mỗi chúng ta. Những khổ đau của chúng ta mang trong tự thân nó một phần là những khổ đau của ba chúng ta. Bởi vậy, nếu chúng ta ôm ấp những khổ đau của mình một cách nhẹ nhàng và lắng nghe chúng tức là chúng ta cũng đang ôm ấp và lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau của ba.
Sự truyền thông giữa hai bên luôn có mặt tại vì cha và con trai hay mẹ và con gái luôn tương tức với nhau. Anh không thể có đó mà không có ba anh và ba cũng không thể nào có đó nếu như không có anh. Cho nên anh là sự tiếp nối của ba. Anh chính là ba.
Chúng ta biết rằng niềm đau, nỗi khổ có thể rất có ích. Nó giúp chúng ta nhận ra sự bình an và hạnh phúc đang sẵn có cho chúng ta bây giờ và ở đây. Dựa trên nền tảng của khổ đau, hạnh phúc sẽ hiện ra rõ ràng hơn. Cho nên khổ đau rất hữu ích. Chúng ta được thể nói tới mặt tốt của khổ đau. Bởi vậy, khi người cha đã từng khổ đau và con cái cũng từng có khổ đau, đó là một điều tốt bởi vì chúng ta đã có được một ít bùn để nuôi lớn những bông sen. Không có hạnh phúc nào mà thiếu vắng khổ đau. Bụt đã trải nghiệm được hạnh phúc nhưng đồng thời người cũng biết cách khổ đau.
Hỏi: Trong những năm qua con đã chơi nhiều trò chơi điện tử, có khi đến 8 giờ mỗi ngày. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh. Làm sao con có thể chấm dứt sự nghiện ngập trò chơi điện tử này?
Thầy: Người trẻ có thể có nhiều khổ đau trong lòng mà cha mẹ không biết cách để giúp họ bớt khổ đau và chuyển hóa những khổ đau trong con cái mình. Vì vậy cả cha mẹ và con cái đều khỏa lấp những khổ đau trong mình bằng cách giải trí qua âm nhạc, sách báo, phim ảnh, trò chơi điện tử v.v… Những cái đó không phải là sự hưởng thụ thật sự mà là sự trốn chạy khổ đau bên trong. Thời gian trôi qua, cái khổ đau trong mình tiếp tục lớn lên bởi cái mà mình tiêu thụ. Việc quên đi khổ đau có thể mang lại cho chúng ta thêm độc tố, giận hờn và khó khăn. Đó không phải là sống mà là sự trốn chạy khỏi sự sống.
Cái mà người Tây phương gọi là nước Chúa thì ở trong đạo Bụt người ta gọi là Pháp thân. Bụt có Phật thân nhưng đồng thời cũng có Pháp thân. Khi nhục thân của Bụt không còn nữa thì Pháp thân của Bụt vẫn tiếp tục cho pháp thoại. Khi nhìn vào bông hoa hay nghe tiếng gió trong cây liễu với chánh niệm và định, chúng ta có thể nghe bài pháp thoại qua Pháp thân của Bụt, vì thế Bụt luôn còn sống để cho chúng ta những bài pháp thoại.
Khi chúng ta quán chiếu về mặt trăng, đám mây, bầu trời xanh, con sông, hải triều âm… thì tất cả đều đang thuyết pháp. Như vậy Pháp thân tương đương với nước Chúa và chúng ta biết nước Chúa có đó. Mỗi bông hoa, mỗi ngọn cây đều thuộc về nước Chúa, chúng nói với ta rằng nước Chúa đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Nếu ta biết cách trở về với giây phút hiện tại thì ta có thể tiếp xúc được với nước Chúa, nó sẽ nuôi dưỡng và làm cho ta hạnh phúc.
Ta không cần phải trốn chạy để nương tựa vào những trò chơi điện tử. Khi thở vào với chánh niệm, ta đem tâm mình về nhà với cái thân và khi thân tâm hợp nhất, ta mới sống thật sự. Nếu ta đánh mất mình trong điện tử thì thân và tâm của ta bị cách biệt, lúc ấy ta không thật sự đang sống, ta đang làm phí đời sống của mình, ta không có gì lợi lạc từ đời sống của ta.
Thiên nhiên đã cho chúng ta sự sống và mỗi giây phút đều là ngọc quý. Nếu chúng ta có thể an trú trong giây phút hiện tại thì chúng ta có thể thưởng thức được nước Chúa ngay bây giờ và ở đây. Đó là loại hưởng thụ hay nhất.
Có một hình ảnh trong Thánh kinh về một người nông dân đã khám phá ra một mảnh đất trong ấy có châu báu. Vị ấy trở về bán tất cả nhà cửa của mình để mua mảnh đất nhỏ có châu báu đó. Cái châu báu ấy có thể làm cho ông hạnh phúc cả cuộc đời trong kiếp này và những kiếp về sau. Vì thế nếu ta có châu báu, có thiên quốc của Chúa thì ta không cần những cái khác như danh, tài, quyền lực, dục lạc và trò chơi điện tử.
Cha mẹ nên thực tập để có thể thưởng thức nước Chúa bây giờ và ở đây. Làm như thế, cha mẹ có thể dạy cho con cái của mình cùng thực tập chung. Những người con không còn phải trốn chạy và nương vào trò chơi điện tử rồi bị nghiện vào nó nữa. Nếu chúng tiếp tục nghiện như vậy thì sẽ gặp nhiều vấn đề cho thân và tâm. Điều này đã được chứng nhận là có thật.
Nếu ta dành quá nhiều thời giờ trên máy vi tính, trò chơi điện tử và bị nghiện bởi những công nghệ điện tử của thời đại mới thì ta sẽ không còn thời giờ để thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống, của nước Chúa đang có mặt bây giờ và ở đây. Điều này là mối quan tâm không dành riêng cho người trẻ mà cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ và giáo viên.
Câu hỏi và trả lời của Thầy cho các em thiếu nhi tại khóa tu “Nghệ thuật khổ đau” (Art of Suffering)
ở tu viện Bích Nham ngày 29.08.2013
Hỏi: Tại sao có người giận dữ và trái tim của họ bị tràn ngập bởi cơn giận trong khi họ thật sự không muốn giận dữ như vậy?
Thầy: Trong chúng ta ai cũng có hạt giống giận hờn và hạt giống của tình thương, từ bi. Một người cho phép hạt giống giận hờn được tưới tẩm mỗi ngày sẽ dễ dàng giận nhiều hơn là người không cho phép nó bị tưới tẩm. Nếu chúng ta xem tivi và thấy nhiều sự giận dữ trên tivi thì chúng ta cho hạt giống giận được lớn lên mỗi ngày. Nếu hạt giống giận trong chúng ta mạnh, chúng ta sẽ dễ nổi cơn giận.
Cơn giận không chính xác đến từ ở bên ngoài, nó từ bên trong nên chúng ta phải cẩn thận khi xem tivi, trò chơi điện tử hay là nói chuyện với những người khác, đừng cho những cái này tưới tẩm hạt giống giận hờn trong ta. Bởi vì nếu hạt giống giận được tưới tẩm thì mình có thể dễ dàng nổi giận. Mỗi khi giận, chúng ta đau khổ và sẽ làm cho người kia đau khổ.
Bên cạnh đó, ta cũng có những hạt giống của tình thương và từ bi trong ta. Nên khi ta đọc sách, nghe pháp thoại hay nghe những lời nói chứa đựng nhiều tình thương và từ bi thì những hạt giống tình thương và từ bi trong mình được lớn lên. Nếu ta có rất nhiều tình thương, ta sẽ trở nên một người hạnh phúc và không còn giận dữ nữa. Vì vậy chúng ta phải biết cách chăm sóc hai loại hạt giống trong chúng ta: hạt giống giận hờn và hạt giống tình thương.
Thiền tập có thể giúp cho chúng ta rất nhiều. Khi ta có thêm từ bi, ta trở nên hạnh phúc. Cho dù ta gặp phải một sự khiêu khích ta vẫn có thể mỉm cười. Lúc ban đầu ta có thể mỉm cười với cơn giận của ta và khi đã thành công với việc ấy thì ta được bảo hộ bởi năng lượng của từ bi nên ta có thể mỉm cười với người đang giận dữ, bạo động, nói những lời thô tháo và dữ dằn, thậm chí suýt đánh ta. Chúng ta có thể mỉm cười với họ và nói: “Anh ơi! chị ơi! tôi biết anh, chị đang khổ đau nhưng anh, chị không cần phải khổ đau như vậy.” Đó đã là một sự thành công, đó là sự chiến thắng mà một hành giả nhờ thiền tập có thể đạt được mỗi ngày.
Hỏi: Tại sao con người phải đau khổ?
Thầy: Khổ đau và hạnh phúc là một phần của cuộc đời. Khổ đau và hạnh phúc phải đi chung với nhau. Đây là giáo lý thâm sâu của Bụt, cũng như là mặt trái và mặt phải. Nếu mặt trái có đó thì mặt phải cũng phải có đó. Nếu mặt trái nói: “Phải ơi, anh hãy đi đi! Tôi không muốn anh hiện hữu nữa.” Nói như vậy là vô lý bởi vì nếu không có mặt trái thì sẽ không có mặt phải, nó khó nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu được.
Muốn trồng hoa sen ta phải cần đến bùn. Bùn thì không thơm nhưng hoa sen thì thật sự rất thơm. Chúng ta không thể trồng hoa sen trên đá cẩm thạch. Cho nên giữa hạnh phúc và khổ đau có một mối liên hệ mật thiết. Khổ đau là bùn và hạnh phúc là hoa sen. Nếu bạn biết cách sử dụng bùn thì bạn trồng được những bông sen rất đẹp. Cũng như nếu bạn biết xử lý khổ đau thì bạn có thể chế tác hạnh phúc. Đó là nguyên nhân chúng ta cần một chút khổ đau để tạo nên hạnh phúc.
Và chúng ta cũng biết rằng thế giới này đã có đủ khổ đau rồi nên ta không cần phải tạo thêm khổ đau nữa. Cái mà mình cần làm là học sử dụng khổ đau một cách khéo léo để tạo nên hạnh phúc. Trong khóa tu này mình đã học được một điều rất quan trọng này, đó là nếu biết cách khổ đau, chúng ta sẽ khổ ít lại, chúng ta chỉ khổ một chút xíu thôi. Điều đó cho phép chúng ta có thêm hiểu biết, từ bi và làm cho ta hạnh phúc, đó là cách sử dụng bùn để trồng hoa sen, đây là một phép thực tập rất quan trọng.
Tôi hy vọng trong các nhà trường họ sẽ dạy cho chúng ta nghệ thuật khổ đau hay phép thực tập để tận dụng khổ đau mà chế tác hạnh phúc. Sau đó ta sẽ học được về mặt tốt của khổ đau bởi khổ đau đôi khi cũng có lợi ích của nó. Khi ta nhìn vào khổ đau, ta sẽ hiểu và từ bi sẽ được phát sinh trong ta. Khổ đau không hẳn là tiêu cực, nó như là bùn vậy.
Khi ta trồng rau hữu cơ, ta biết cách giữ lấy rác để làm thành phân hữu cơ để nuôi dưỡng những bông hoa và rau. Ta không cần phải vất rác đi bởi vì rác có thể sử dụng được, điều này cũng giống như khổ đau. Bạn không cần phải bỏ cái khổ đau đi, bạn có thể dùng khổ đau như là một loại phân để làm nên hoa của hạnh phúc.
Hỏi: Chúng ta phải làm gì để có một cái tâm tĩnh lặng?
Thầy: Con có muốn có một cái thân tĩnh lặng luôn không?
Thầy nghĩ rất là tốt để có một cái thân tĩnh lặng. Có một thân tĩnh lặng nó dễ hơn là có một cái tâm tĩnh lặng. Bởi vì thân và tâm tụi nó thích đi chung với nhau. Nên khi con tới một khóa tu như khóa tu này, con học được làm sao để đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm. Và nếu con thực tập tốt thì mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra sẽ giúp làm tĩnh lặng cái thân và cái tâm của con. Cảm ơn con.
Câu hỏi của teen:
Hỏi: Em gái con năm nay 13 tuổi, em đã ở tu viện Bích Nham trong mấy tháng vừa qua. Em ấy đã đi khóa tu với Thầy và tăng thân. Em hi vọng sẽ được trở thành một sư cô. Điều đó rất khó chấp nhận đối với con vì con nhớ em lắm. Làm sao con thực tập để không bị vướng mắc vào em con?
Thầy: Thầy thấy có rất nhiều giải pháp. Giải pháp thứ nhất là con có thể đi chung với em con luôn (Cả đại chúng cười òa lên). Giải pháp thứ hai là con giữ liên lạc với cô ấy, hỏi thăm những gì em con đang làm mỗi ngày và tập làm theo như vậy. Tuy có khoảng cách về địa lý nhưng khi chúng ta chia sẻ cho nhau về cùng một niềm vui, cùng một mối quan tâm thì chúng ta sẽ cảm thấy rất gần nhau. Sự thực tập đàng hoàng, chân thật sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và tình thương cho cả hai. Khoảng cách không thể chia cắt được chúng ta khi mà chúng ta có cùng một mối quan tâm.
Em con có thể học được những gì con đang làm và con cũng học hỏi được những gì em con đang thực tập ở Bích Nham. Có thể con sẽ thấy gần gũi em con hơn khi cả hai chị em ở cùng nhau. Bởi vì đã từng có một người cha và con trai ở chung với nhau trong một ngôi nhà nhưng chưa bao giờ họ gần nhau, hiểu nhau. Và cũng có những cặp cha con tuy không sống chung với nhau nhưng họ vẫn truyền thông được và rất hiểu nhau. Cho nên họ đã thật sự ở gần nhau.
Vấn đáp dành cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Khóa Tu Chánh Niệm cho các nhà giáo dục (Mindfulness Retreat for Educators)
tại trường Đại học Brock, St. Catherine’s, Canada ngày 15.08.2013
Hỏi: Trong bài pháp thoại của Thầy, Thầy có dạy về 16 phép Quán Niệm Hơi Thở để chế tác niềm vui và chế tác hạnh phúc, nhưng con không hiểu sự khác biệt giữa chúng. Con nghĩ là sẽ giúp ích cho con trong sự thực tập nếu con có thể hiểu thêm về sự khác biệt giữa chế tác niềm vui và hạnh phúc.
Thầy: Nó có một sự khác biệt nhỏ giữa niềm vui và hạnh phúc theo cách diễn giải mà chúng ta thường dùng trong đạo Bụt. Đó là trong niềm vui còn có những sự kích động, nhưng trong hạnh phúc, sự kích động đó được lắng xuống rất nhiều. Giả sử có một người du khách cần đi qua một sa mạc hoang vắng và người đó đang rất khát nước. Trời rất nắng nóng và bỗng dưng người đó phát hiện ra một ốc đảo phía trước và một hồ nước bao quanh bởi những hàng cây. Như vậy cảm giác người ấy có lúc đó là hỷ, nó còn có một ít sự kích động, vui nhưng còn nhộn nhịp. Khi người đó thực sự đã tới được hồ nước và quỳ xuống, dùng hai bàn tay vốc nước uống, đó là hạnh phúc, lúc này là sự khác nhau.
Chúng ta đã học rằng nghệ thuật của hạnh phúc liên quan mật thiết đến nghệ thuật của khổ đau. Nếu chúng ta biết cách khổ đau chúng ta sẽ bớt khổ rất nhiều và chúng ta có thể chế tác hạnh phúc, biết cách xử lý khổ đau như người trồng sen, biết sử dụng bùn để nuôi dưỡng những hoa sen vậy.
Hỏi: Cha của chúng con không làm theo chánh kiến và ông ấy đã làm cho gia đình con khổ rất nhiều. Cha lấy hết thời gian của mẹ để mẹ không có thì giờ cho anh chị em con. Con có rất nhiều phẫn uất và giận dữ dồn nén trong lòng. Điều đó làm con rất sợ hãi. Làm sao con có thể nhìn bản thân mình với chánh kiến và thương bằng tình thương không điều kiện với những người mà ngay cả họ cũng không hề biết thương yêu chính mình? Làm thế nào để con có thể chuyển hóa những khổ đau trong con thành bình an, niềm vui và chấp nhận được ba con trong khi ông ấy đã làm con rất đau lòng?
Thầy: Khi ba hoặc mẹ mình không có hạnh phúc, chúng ta phải biết rằng không phải là vì họ không muốn có hạnh phúc. Họ cũng muốn có hạnh phúc nhưng vì họ không thể có được hạnh phúc cho nên họ đã làm cho những người chung quanh họ cũng không hạnh phúc. Có thể là họ không muốn như vậy, nhưng vì họ không biết làm thế nào để làm chủ được những khổ đau trong họ nên họ đã vung vãi ra cho những người xung quanh.
Vì vậy, là một người con chúng ta phải tập nhìn sâu vào những khó khăn, những nỗi khổ niềm đau của ba mẹ thì mới có thể hiểu được họ: Ba tôi cũng có rất nhiều khổ đau và ông ấy chưa từng biết cách để làm chủ và chuyển hóa những khổ đau trong chính tự thân.
Hơn nữa không có ai từng giúp cho ông ấy làm chủ những khổ đau trong lòng để ông có thể nhẹ nhàng, từ bi hơn, có nhiều niềm vui hơn. Có lẽ tôi là người đầu tiên giúp ba tôi mặc dù tôi vẫn còn đang rất trẻ.
Tôi đã có cơ duyên gặp được đạo Bụt, gặp được chánh pháp, biết thực tập hơi thở, bước chân chánh niệm. Tôi đã được học cách làm thế nào để lắng dịu những cảm thọ, sợ hãi và giận dữ trong tôi. Tôi đã có khả năng tiếp xúc với những gì tươi mát và lành mạnh trong tôi và chung quanh tôi. Vì vậy tôi làm chủ những cơn giận, sự bực tức và sự tuyệt vọng trong mình tốt hơn. Nếu tôi trở nên nhẹ nhàng, tự do và từ bi hơn thì tôi đang ở trong một vị trí mà có thể giúp ba mẹ tôi.
Mỗi khi ba tôi nói năng hay hành xử không dễ thương với tôi hoặc với mẹ tôi, thay vì nổi giận với ba, tôi quán chiếu để thấy rằng những khổ đau trong ba đã thúc đẩy ông nói và hành xử như vậy. Nhờ được bảo vệ bằng hiểu biết và thương yêu, tôi đã không nổi giận, đó là cái đầu tiên tôi có thể làm. Nếu tôi không nổi giận và giữ được sự bình an của mình là tôi đang giúp cho ba tôi.
Thỉnh thoảng khi ba tôi đang có tâm trạng tốt, tôi có thể ngồi xuống với ba hoặc mời ba cùng đi bộ. Tôi chia sẻ cho ba cách tôi đã học làm sao để lắng dịu những cảm thọ trong mình v.v… Nhờ vậy nên tôi là một người dễ chịu. Tôi có thể lắng nghe và hiểu được những khó khăn của ba và vì vậy ba tôi thích gần gũi với tôi. Một người có sự yên lắng, dễ chịu, luôn tươi cười là người mà người khác muốn tới và tạo mối liên hệ thân thiết với người đó. Cho nên nếu tôi thực tập giỏi, nếu trong tôi có nhiều bình an và từ bi, tôi có thể giúp cho cha và mẹ tôi.
Trên thực tế, có rất nhiều các em nhỏ tới Làng, tham dự các khóa tu được tổ chức tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ,… Sau khi thực tập trong các khóa tu, các em trở về nhà và đã giúp được cho ba mẹ rất nhiều. Hơn nữa, các em còn có khả năng thuyết phục ba mẹ đến tham gia những khóa tu tới. Chuyện những người trẻ có thể giúp được cho gia đình mình đã xảy ra rất thường.
Khi nhìn vào cha hoặc mẹ mà chúng ta thấy được rằng họ là những người không có hạnh phúc và có rất nhiều khổ đau thì đó gọi là hiểu. Hiểu biết luôn luôn mang tới từ bi. Chúng ta không còn giận họ nữa, thay vào đó chúng ta muốn giúp đỡ họ. Người trẻ có thể làm được những chuyện này, cho nên con cái cũng có thể tu tập để giúp ba mẹ mình.
Hỏi: Con rất buồn khi thấy những người bạn của con có quan hệ tình dục không lành mạnh và sử dụng ma túy. Và vì họ có quá nhiều khổ đau nên họ trở nên rất giận dữ. Pháp môn này đã giúp con rất nhiều và con muốn giúp các bạn của con, nhưng cùng lúc đó con không muốn áp đặt tư tưởng của con lên các bạn vì như vậy sẽ làm họ đau khổ thêm. Làm thế nào để con có thể mang sự thực tập này vào đời sống hằng ngày để yểm trợ thêm cho các bạn của con?
Thầy: Có rất nhiều cách để giúp người bạn của mình. Cách đầu tiên là con kể cho bạn nghe câu chuyện của mình. Con hỏi: “Bạn có muốn tôi kể cho bạn nghe kinh nghiệm của tôi về cách điều phục sự giận hờn, sự sợ hãi, hay nỗi buồn của tôi không?” Người kia có thể rất hứng thú để nghe bởi vì người ấy đã từng là nạn nhân của sự sợ hãi, giận hờn và buồn đau. Nếu con biết cách điều phục được những tâm hành đó thì họ sẽ rất hứng thú để được biết. Con có thể viết cho bạn của mình một lá thư kể về kinh nghiệm của con ở Làng hay trong một khóa tu. Nhưng đừng cố gắng dụ dỗ người bạn đó theo đạo Bụt, con cần tránh điều này. Chỉ cần kể về kinh nghiệm của bản thân thôi, kể về những gì đã thật sự xảy ra trong các khóa tu ở các trung tâm thực tập như Làng Mai và điều đó sẽ giúp tưới tẩm những hạt giống tốt trong người kia.
Con có thể mời người đó tới tham dự cùng cho vui. Đừng nói rằng: “Lại đây tu với tôi!” Con có thể nói: “Tới đây để quán sát thôi”. Sau khi người đó tới rồi, họ sẽ tự tìm thấy không khí yên tĩnh, bình an, thân mật và người đó sẽ thích. Tôi nghĩ rằng sở dĩ một người bị vướng vào ma túy, tà dục và những tệ nạn khác là vì người đó chưa từng có gì tốt hơn để trải nghiệm. Cho nên cái mà mình phải làm là hướng dẫn cho những người đó một môi trường lành mạnh, chỉ cho họ một mẫu người tốt, đó là những người không sử dụng rượu, các chất ma túy hay tà dục, và chỉ cho họ thấy thế nào là hạnh phúc đích thực. Từ từ, họ sẽ bỏ những gì từng làm họ khổ trong quá khứ như rượu, các chất ma túy, tà dâm… và đi theo đường hướng mới. Chúc con may mắn!