Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Vào dòng rong chơi

Chân Thuần Tiến
Viết về Thiền Viện Nhập Lưu Tại Úc châu


Ngày Đầu của Nhập Lưu

Nhập Lưu là một trung tâm thiền tập theo pháp môn Làng Mai tại Úc châu, thuộc tiểu bang Victoria, thành phố Melbourne, làng Beaufort, cách thành phố Melbourne hai giờ đồng hồ lái xe, được chính thức thành lập vào tháng 5 năm 2010, khi thật sự có chúng xuất sĩ đến thường trú tại đây (Sư cô Cần Nghiêm, Sư cô Sinh Nghiêm và tôi). Với tôi, sự thật thì Nhập Lưu đã được thai nghén từ lâu qua sự thực tập của các vị cư sĩ mà đại diện là tăng thân Trúc Xanh, nay đủ duyên thì Nhập Lưu được biểu hiện rõ ràng hơn.

Thiền viện Nhập Lưu được xây dựng đầu tiên trên mảnh đất rừng hoang với diện tích hai chục hecta do gia đình của một Tiếp Hiện cư sĩ Chân Từ Tuệ (chú Thạnh) và Chân Hòa Đức (cô Mịn) cúng dường, sau mười năm khai phá, dọn dẹp và mở rộng những con đường lớn. Khi chúng tôi đến, Nhập Lưu đã có những con đường nhỏ thiền hành xuyên qua những hàng cây tràm rất đẹp. Một hồ nước có tên Trăng Rằm trong xanh khá rộng có trồng nhiều loại hoa sung đủ màu tuyệt vời, nở rộ vào mùa Xuân và kéo dài qua mùa Hè. Giữa hồ có một hòn đảo nhỏ và trên hòn đảo ấy có đặt một tượng Bồ tát Quán Âm với dáng ngồi thật uy nghiêm. Từ hồ Trăng Rằm nhìn lên về hướng Đông khoảng 100m có một cái cốc nhỏ chứa được khoảng từ mười tới mười lăm người ngồi thiền. Bên ngoài cốc phía trái có làm thêm ra một mái để làm chỗ nghỉ ngơi và ngủ lại qua đêm cho các vị đến thực tập. Nhưng khi có các sư cô về ở đây thì cốc Nến Ngọc (chúng tôi tạm đặt tên để gọi) được mở rộng thêm phía bên phải để làm văn phòng và quán sách nhỏ. Gần cốc khoảng 20m là nhà bếp và nhà ăn chung với nhau. Hệ thống vệ sinh có hai phòng tắm và ba nhà vệ sinh ở phía sau nhà bếp. Mảnh đất được chọn làm cốc Nến Ngọc và nhà bếp không nằm gọn trong phần đất 20 hecta mà nằm ngoài phần đất đó, vì vậy cô chú đã mua thêm khoảng đất có diện tích 8 hecta 45 và khi làm giấy tờ cúng dường cho Sư Ông, chú Hoàng Khôi ở Sydney đã giúp đỡ trong việc này. Thiền viện Nhập Lưu có diện tích tổng cộng là 28.45 hecta đất rừng.

Trung tâm Nhập Lưu - ÚcNgày đầu mới tới Nhập Lưu, mọi thứ đều hạn chế. Điện chưa có nên chúng tôi tạm dùng một máy phát điện nhỏ chỉ chạy vào buổi tối để ăn cơm. Khi ngồi thiền tụng kinh, quý sư cô thắp đèn cầy. Hệ thống  nước thì dùng nước mưa được hứng từ hai thùng chứa nước khá lớn. Vì khí hậu xứ này lạnh nên các chú đã bắt hệ thống gaz để nấu nước nóng dùng cho việc tắm rửa. Không có máy giặt nên chị em tôi có cơ hội giặt áo quần bằng tay. Nhiên liệu dùng nấu ăn là bếp ga nhỏ. Nhưng đó chỉ là giải pháp cấp thời của buổi đầu, để cho sự sinh hoạt lâu dài, chúng tôi cần phải có hệ thống điện, nước đầy đủ hơn, vì vậy chúng tôi đã tiến hành làm hệ thống điện. Thầy Pháp Khâm đã liên lạc thúc hối nhà đèn và chú Cảnh (ba của sư cô Sinh Nghiêm) ở Brisbane đã bắt đèn và gắn hệ thống điện và sau ba tháng thì Nhập Lưu đã có điện để dùng. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải góp sức vào trong quá trình tiến hành hệ thống đào đường dây điện cần bắt từ thiền đường xuống nhà ăn và cốc Nến Ngọc dài hơn 250 mét với sự giúp đỡ của các vị cư sĩ đến tu học cuối tuần. Sau hơn một tháng, công trình đường dây điện đã được đào xong và nhờ vậy nhà ăn, nhà bếp và cốc Nến Ngọc cũng bắt đầu có điện. Về vấn đề nước thì chúng tôi mua thêm ba thùng chứa nước lớn đủ để thích ứng với nhu cầu đang cần.

Nhập Lưu đã được nhiều người biết đến và tìm về tu học. Số lượng người tìm về mỗi ngày một đông, vì vậy năm 2005 tăng thân Trúc Xanh đã cố gắng xây dựng được một thiền đường chứa khoảng một trăm người. Thiền đường Nhập Lưu là tên Sư Ông đã đặt khi chú Chân Từ Tuệ qua Làng xin Sư Ông đặt cho Thiền đường một cái tên. Sau khi nhận trung tâm rồi, vì chưa biết phải gọi tên gì nên chúng tôi đã lấy tên Nhập Lưu để gọi cho trung tâm là Tu viện Nhập Lưu. May mắn thay, cuối năm nay, 2013 Sư Ông đã chính thức đổi lại là Thiền viện Nhập Lưu. Sau này chị em chúng tôi tạm đặt cho thiền đường một cái tên để gọi, nghe khá mát mẻ là Thiền đường Thanh Lương Địa. Thiền đường Thanh Lương Địa ban đầu chưa có sàn gỗ và các dụng cụ ngồi thiền. Quý sư cô đã dùng những miếng thảm cắt tròn như những bông sen đủ để thay thế cho bồ đoàn khi ngồi thiền. Năm 2012 chúng tôi may mắn có chú Nhâm ở Sydney xuống cúng dường và phối hợp với người bạn ở Melbourne để lót sàn gỗ cho thiền đường làm cho thiền đường khang trang và ấm áp hơn. Chúng tôi được chú Thải, cũng là một thành viên tu học cùng tăng thân Friday night (chiều thứ Sáu tại Melbourne) đã giúp hướng dẫn gắn hệ thống Solar (dùng năng lượng mặt trời). Với hệ thống Solar này, thiền viện chúng tôi đã tiết kiệm được tiền điện rất nhiều.

Trung tâm Nhập Lưu - ÚcNhóm đầu tiên của chị em tôi đến Nhập Lưu chỉ có ba người. Hai tháng sau có thêm sư cô Lương Nghiêm về ở chung. Nhưng sau đó sư cô Sinh Nghiêm cần về lại Làng để nhận giới nên chúng tôi vẫn chỉ có ba sư cô tu học chung. Hai năm sau đó có thêm sư cô Trí Duyên về từ Tu viện Bích Nham-Mỹ, chúng tôi có được bốn chị em. So với các trung tâm khác như ở Làng, Hồng Kông hay Thái Lan.v.v… thì chúng xuất sĩ ở đây quá ít, vì vậy chúng tôi cần bảo lãnh thêm một số các sư cô từ Thái Lan hoặc Việt Nam sang để yểm trợ cho năng lượng tu học được mạnh thêm. Nhưng bên cạnh đó vấn đề chỗ ăn chỗ ở vẫn còn khiêm tốn quá, ngay cả những ngày quán niệm cũng chưa có chỗ nghỉ ngơi cho chúng cư sĩ cũng như phải cần đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn cho việc bảo lãnh các sư cô từ Thái Lan và Việt Nam. Kế bên đất của tu viện có vườn nhà của chú Ian Roberts (Chân Hỷ Mặc), cũng là một thành viên cư sĩ của Nhập Lưu đã hoan hỷ bán nhà và vườn đất lại cho Tu viện Nhập Lưu với giá 254.000 tiền Úc. Vườn đất này có diện tích 10 hecta. Biết Tu viện Nhập Lưu còn thiếu kém về vật chất nên chú đã giúp đỡ bằng cách cho trả tiền chia làm hai đợt và không lấy tiền lời. Nhờ vậy mà trung tâm có thêm nhà ở và cuối năm 2012, chúng tôi đã bắt đầu bảo lãnh sáu sư cô từ Thái Lan nhưng đến tháng Ba năm 2013 sáu sư cô mới được qua tu học chung, đó là các sư cô Thể Nghiêm, Thuấn Nghiêm, Quán Nghiêm, Trung Ngọc, Khuyến Nghiêm và Xương Nghiêm. Hiện tại chúng tôi đã có được mười chị em thường trú cùng tu tập ở đây. Ngôi nhà mua lại của chú Chân Hỷ Mặc cũng cần được sửa sang lại cho hợp với nhu cầu cần thiết. Nhà được mở rộng ra thêm hai phòng ở. Hệ thống nhà vệ sinh, nhà tắm cũng được sửa sang thành ba phòng vệ sinh và ba phòng tắm thay vì trước đó chỉ có một phòng tắm và một phòng vệ sinh. Khi có thêm quý sư cô về, chị em chúng tôi nghĩ đến việc trồng thêm rau tươi để dùng. Đúng là có cầu thì có ứng, chúng tôi được hai chú Andrew và chú John ở Sydney xuống cúng dường và giúp làm một cái nhà xanh nho nhỏ thật dễ thương, thật đẹp. Nhìn vào thiền viện có vườn rau xanh, tôi thấy thật thiền vị và có cái gì đó rất hợp với nếp sống đơn giản, thanh bạch của người tu.

Chị em chúng tôi mỗi người nhận nhiều việc khác nhau. Ngoài thời khóa luân phiên theo đội, tuy thiếu người nhưng sư cô Cần Nghiêm vẫn để thì giờ cho vườn rau. Sư cô chăm sóc vườn rau giỏi lắm, ai lên Nhập Lưu cũng thích ngắm vườn rau xanh của sư cô mà hạnh phúc quá chừng và còn xin đem về nhà nữa. Sau này có các sư em về giúp sư cô thêm trong việc chăm sóc vườn cảnh. Sư cô Lương Nghiêm thì giúp làm văn phòng, lái xe và bảo trì xóm rất đẹp và ngăn nắp. Sư cô Trí Duyên rất thích hợp đóng vai trò của Sứ giả Giám Trai chăm sóc cho chuyện bếp núc. Nhưng khi có thêm các chị em thì sư cô chuyển qua giúp về khâu thủ quỹ. Còn tôi thì thợ đụng, nơi nào cần thì tôi có mặt. Lúc đầu ai cũng bận rộn nhiều, nhất là vào những ngày quán niệm Chủ nhật và lễ hội, bây giờ công việc được chia ra với sự giúp đỡ của các sư em trẻ nên chúng tôi có nhiều thời gian thong dong hơn.

Nơi chúng tôi ở cách thành phố khá xa nên vấn đề đi lại cần phải có xe. Chú Khôi Hoàng và cô Tuệ Hương đã cúng dường một chiếc xe năm chổ, giúp chúng tôi có phương tiện đi lại dễ dàng ngay bước đầu tiên mới về. Khi các sư cô từ Thái Lan qua vào tháng 3/2013, gia đình chú Bi Hạnh và cô Từ An ở Brisbane và cô Hương ở Melbourne cũng cúng dường thêm hai chiếc xe năm chổ nữa, vậy là chị em chúng tôi có đầy đủ phương tiện để di chuyển khi cần đi ra ngoài và còn nhiều thứ khác nữa mà các tăng thân ở các tiểu bang đã giúp đỡ, yểm trợ và đóng góp vào đời sống cho các sư cô.

Xây dựng tăng thân

Thời gian đầu mới về Nhập Lưu, chị em chúng tôi chỉ tổ chức hai ngày quán niệm một tuần vào ngày thứ Năm và Chủ nhật. Ngày thứ Năm cho chị em tôi và Chủ nhật thì có cư sĩ đến tham dự chung. Trước đây, cứ mỗi hai hoặc ba năm, tăng thân ở đây có tổ chức khóa tu và mời quý thầy quý sư cô từ Làng Mai đến để hướng dẫn tu học. Khi có cơ sở chính thức thì mỗi năm nơi này tổ chức hai khóa tu vào tháng Tư và tháng Chín, cũng có sự yểm trợ của quý thầy từ Làng Mai nước Pháp, Hồng Kông hay Mỹ sang đã kết hợp với quý sư cô tại Nhập Lưu. Các khóa tu được tổ chức tại Nhập Lưu, Melbourne, Sydney, Brisbane, và năm nay được mở rộng thêm tiểu bang Adelaide. Trung bình số lượng của các khóa tu có khoảng 80 đến 100 người về tham dự. Ban đầu số lượng người Việt nhiều hơn người Tây phương, nhưng gần đây thì người Tây phương đã về đông hơn và số lượng đã cân bằng ngang nhau. Chúng tôi phải chia sẻ, khuyến khích bằng hai ngôn ngữ Anh – Việt. Chúng tôi cũng đã chia sẻ cách thực tập xây dựng tăng thân. Và đến nay có hơn 20 tăng thân Việt và Úc thực tập theo pháp môn Làng Mai trên bốn tiểu bang đã kể trên.

Với tinh thần đạo Bụt dấn thân, chúng tôi cũng có cơ hội đến trại tù gần thiền viện ba lần để hướng dẫn cho họ thực tập chuyển hóa những tập khí tham đắm, giận và lo sợ trong tự thân và biết cách trở về chăm sóc thân tâm mỗi khi nỗi sợ hãi, hối hận và lo lắng trấn ngự. Trại tù nơi chúng tôi đến là trại dành cho những người buôn bán, phần nhiều là phụ nữ người Việt và Úc, những người này còn trẻ lắm. Những buổi hướng dẫn của chúng tôi có cả những người trưởng trại và cai tù cũng đến tham dự… Mỗi lần chúng tôi hướng dẫn cho khoảng từ 20 đến 30 người.

Chúng tôi cũng đã đem đạo Bụt vào trường học để hướng dẫn cho các em học sinh cấp Trung học từ lớp 8 đến lớp 12. Chúng tôi chia sẻ cho các em thực tập xử lý những căng thẳng, buồn giận và những tâm hành tiêu cực bằng cách trở về nắm lấy hơi thở, có mặt và ôm ấp cơn giận của mình, biết chấp nhận và thương yêu chính mình. Để cho việc hướng dẫn có kết quả, nhà trường chia các em ra thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm có 25 em và chia làm năm nhóm. Trường chúng tôi đến là trường Công giáo có tên là Marian College, cách Tu viện Nhập Lưu khoảng một giờ lái xe, chúng tôi đã đến được bốn lần để hướng dẫn cho các em và cô giáo. Sau những lần hướng dẫn tu học, các em và thầy cô giáo rất thích và vô cùng hạnh phúc, các em hứa sẽ cố gắng thực tập theo lời chỉ dẫn của chúng tôi.

Thiên nhiên nuôi dưỡng

Nói về Nhập Lưu, điều làm tôi ấn tượng và hạnh phúc nhất là hương rừng và rừng ở đây đủ các loại tràm khác nhau rất đẹp. Mỗi buổi sáng, vào khoảng 4 đến 5 giờ, từ cư xá Cam Lộ Vị (cư xá của các sư cô ở, chúng tôi cũng tạm đặt tên để gọi) đến thiền đường Thanh Lương Địa, con đường dẫn đến thiền đường nằm giữa rừng cây hướng đến ngọn đồi thoai thoải, thả những bước chân an lạc thong dong tôi vừa thưởng thức hương thơm của hoa tràm quyện vào những làn sương mỏng của rừng núi. Nhắc đến nước Úc, có lẽ ai cũng biết loài động vật được mọi người ưa thích và biết đến đó là Kangaroo. Hầu như chúng tôi đều được ngắm những chú Kangaroo mỗi ngày, chúng rất hiền và dễ thương. Ban đầu thấy mọi người thì chúng hơi ngần ngại và lảng tránh, nhưng sau quen dần, chúng đến gần hơn và dạo chơi khắp mọi nơi trong đất của thiền viện. Đặc biệt nơi này có một giống chim rất lạ có tên là Cookaburra, tôi nghe nói loài chim này rất đặc biệt, chỉ có ở nước Úc mà thôi. Khi có một con cất tiếng kêu thì tất cả những con chim khác đều cất tiếng hòa vào thành một âm vang rất hùng mạnh như tiếng cười, vang vọng cả núi đồi. Mỗi buổi tối khi màn đêm buông xuống, trước nhà ăn luôn có vài con Possom xuất hiện, chúng thật hiền và nhẹ nhàng rón rén đến hôn chân bất cứ ai đang ở đấy để xin ăn. Táo, chuối hoặc mì gói là món rất thích của Possom. Không khí ở đây rất lành mạnh, thời tiết trong năm lạnh nhiều hơn nóng. Khoảng mười giờ đêm thì khí trời lạnh hơn ban ngày cho dù nhiệt độ ban ngày tới 16 °C đến 23°C.

Với cánh tay dài

Làng Mai là cây cổ thụ và Thiền viện Nhập Lưu là một trong những nhánh cây vươn ra từ đấy. Cây có nhiều cành thì bóng mát được lan rộng xa hơn, che được cho nhiều người hơn. Là học trò của Thầy, những đứa con của tăng thân, chị em chúng tôi đang mang hạnh nguyện của Thầy và đường hướng của tăng thân đi về châu Úc. “Công trình xây dựng ngàn đời. Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất. Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới…” Tôi thấy mọi việc như đã được chư Tổ sắp đặt và mọi thứ có lẽ đã hình thành trước đó. Chúng tôi chỉ là những người tiếp nối cho Nhập Lưu được biểu hiện. Trong tôi dâng lên niềm biết ơn rất lớn, biết ơn Bụt, chư Tổ, biết ơn Thầy cùng tăng thân và những vị cư sĩ đã hết lòng yểm trợ cho Nhập Lưu được lớn lên trong thời gian qua. Chúng tôi đang làm sứ mệnh của những người con Bụt, đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Tôi rất biết ơn các sư chị sư em đang có mặt đó cho tôi, cùng tôi đi qua những ngày đầu của Thiền viện Nhập Lưu. Niềm tin của Thầy, sự bền bỉ và lòng trung kiên của các sư, chị sư em đã nuôi dưỡng tôi rất nhiều. Tôi biết dù tâm bồ đề có mạnh, dù chí hướng giúp đời của tôi có lớn cách mấy, nhưng nếu một mình thì tôi không thể làm gì được. Chúng tôi đang cùng nắm tay nhau đi vào dòng, nhập chung vào dòng chảy lớn của tăng thân, chúng tôi đang được trở về với suối nguồn của hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu.