Trở về
Chân Pháp Duệ
“Mỗi người trong chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau trong lòng. Phần lớn chúng ta không biết xử lý nỗi khổ niềm đau hay khỏa lấp và chạy trốn. Chúng ta hay dùng những phương tiện kỹ thuật, internet, điện thoại, truyền hình, âm nhạc, sách báo bởi vì chúng ta không có khả năng trở về để xử lý nỗi khổ niềm đau ấy”.
Trước khi bước vào mùa An cư 2013-2014, Sư Ông đã tường thuật về chuyến hoằng pháp tại châu Mỹ trong một vài bài pháp thoại. Trong khi nghe pháp thoại đó của Sư Ông, tôi cảm thấy ấn tượng nhất là lúc Sư Ông nói về những kỹ thuật, những thiết bị điện tử khiến cho chúng ta đánh mất bản thân, đánh mất gia đình và không có khả năng trở về với đất Mẹ. Và chúng ta đã lạm dụng những phương tiện kỹ thuật như điện thoại, mạng lưới internet, truyền hình, âm nhạc, trò chơi điện tử để khỏa lấp khổ đau của chúng ta và có khuynh hướng chạy trốn nó.
Tôi là một người đã được lớn lên trong xã hội Tây phương từ nhỏ và đã gắn liền với những thiết bị ấy. Trong học đường, tôi được khuyến khích dùng máy vi tính để viết văn, học làm những trang nhà hoặc dùng những máy móc để giúp thêm về việc học hành. Tuy nhiên, với sự ham chơi của tuổi trẻ, tôi đâu chỉ dùng máy cho những công việc ấy. Tôi nhớ khi tôi mới được học sử dụng máy vi tính, tôi thường tốn nhiều thì giờ vào việc “chat” hoặc nhắn tin qua lại với bạn bè.
Những mẫu chuyện mà tôi thường trò chuyện với bạn bè không mang lại một ý nghĩa gì cụ thể hoặc có tính cách nuôi dưỡng đối với hạnh phúc của một cá nhân. Mỗi ngày, tôi đã ngồi trước máy tính rất nhiều giờ. Tôi cũng như những người trẻ khác, rất đam mê chơi những trò chơi điện tử, tôi có thể chơi hàng giờ, hàng đêm. Tôi nhớ có những lúc mẹ tôi lên phòng để coi tôi và các em đã ngủ chưa, khi tôi nghe tiếng bước chân của mẹ vọng lên từ những bậc thang thì tôi tắt ti vi và nhắm mắt giả vờ như đã chìm vào giấc ngủ. Sau khi mẹ tôi kiểm tra xong và nghe những bước chân mẹ đi xuống, tôi ngồi dậy bật ti vi lên và chơi thêm vài giờ nữa mới đi ngủ.
Khi vào tu, tuy Sư Ông đã hướng dẫn những pháp môn cụ thể và chia sẻ rất nhiều lần là: “Chúng ta phải có khả năng chế tác được hạnh phúc, có được lý tưởng muốn chuyển hóa bản thân và độ đời.” Thỉnh thoảng tôi vẫn bị lôi cuốn bởi những kỹ thuật hiện đại mà chúng ta đang có của thế kỷ 21 này. Mỗi ngày, tốc độ máy càng mạnh, internet càng phong phú, những thiết bị cầm tay như ipad, iphone, samsung galaxy, microsoft surface.v.v… rất thuận lợi. Tuy nhiên vì sự thuận lợi đó mà chúng ta càng ngày càng bị chìm đắm và phụ thuộc vào những hệ thống mạng lưới ấy.
Có những người mỗi phút mỗi giây phải xem trong những thiết bị ấy có những email nào mới không, có những tin nhắn nào mới không, mặc dù họ biết thừa là những thông tin ấy đôi lúc không có gì đáng quan trọng cả. Tôi nhớ có một thời gian, mỗi lần mở máy lên tôi cũng luôn luôn coi thử có email nào mới không, có ai nhắn tin gì cho tôi không, tôi có vẻ trông đợi một cái gì đó. Bản thân tôi chưa biết dừng lại để công nhận sự mầu nhiệm của đất Mẹ, công nhận những sư anh, sư em mình còn được cùng nhau sống, cùng nhau tu. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta phải làm như vậy, có phải bởi vì chúng ta sợ để trở về?
Trong mùa An cư năm nay, Sư Ông dạy đại chúng phải ngồi lại để bàn về cách sử dụng máy điện tử, internet, email, facebook,v.v… Sư Ông dạy tuyệt đối không dùng facebook riêng, còn những việc khác thì đại chúng của mỗi chùa sẽ tự quyết định. Sau những buổi họp của chúng Tỳ kheo, đại chúng xóm Thượng quyết định là ít nhất trong mùa An cư năm nay đại chúng sẽ không dùng facebook riêng, mỗi người trong chúng sẽ sử dụng hộp thư email chung. Mỗi hộp thư, chúng ta sẽ có bốn, năm người cùng dùng chung một địa chỉ và không sử dụng email riêng. Còn về chuyện internet thì chỉ được lên email thôi và những trang khác sẽ được khóa. Trong tuần chỉ có hai ngày được lên xem email.
Ban đầu nghe như vậy, tôi cũng hơi có sự phản ứng trong lòng, nhưng nghĩ lại tôi thấy đây là cơ hội cho tôi thực tập. Gần 30 năm qua, tôi đã luôn luôn hướng ngoại, tôi đã ít trở về chăm sóc nội tâm, có lẽ bây giờ chính là cơ hội tốt cho tôi thực tập trở về chăm sóc cho chính mình. Nhờ vậy, trong mùa An cư này, anh em chúng tôi có dịp cùng chơi bóng chuyền thường xuyên hơn vào những chiều làm biếng. Có những anh em thì rủ nhau chạy bộ hoặc đi bộ một vòng lớn của đại giới trường xóm Thượng. Thời tiết năm nay rất ưu đãi, cộng thêm trước khi vào An cư, quý thầy đã cùng nhau dựng lên cột đèn cho sân bóng chuyền được sáng, thành ra anh em chúng tôi cùng chơi bóng chuyền với nhau rất vui.
Thời gian ngồi trước máy tính trong những tối làm biếng giờ đây đã được anh em chúng tôi thay vào bằng môn bóng chuyền. Nhờ vậy anh em chúng tôi có cơ hội hiểu nhau nhiều hơn. Trong lúc chơi với nhau nếu có đụng độ thì đó cũng là dịp để giúp anh em chúng tôi có cơ hội cùng thực tập với nhau cho vui. Mỗi lần chơi bóng chuyền, chúng tôi thường thắp đèn chơi đến 8 hoặc 9 giờ tối. Mỗi lần chơi như vậy, có những thầy lớn tuổi như là sư cha Pháp Độ và sư cha Pháp Ứng cũng ra chơi với các thầy trẻ tuổi.
Mỗi lần chơi, tôi có cơ hội quan sát tính tình của từng anh em. Có những anh em rất hoạt bát, năng động, luôn luôn sẵn sàng hy sinh vớt banh cho đội, có những người thì đợi khi nào banh tới mới đánh, có người chỉ chuyên một việc là chuyền banh thôi, và tôi cũng có cơ hội nhận xét về bản thân tôi. Tuy mỗi người trong đội có cách chơi khác nhau, nhưng mỗi thành viên đều phối hợp để trở thành một đội bóng rất hòa hợp, ai ai cũng hiểu ý nhau. Mỗi lần chơi, tôi được có cơ hội so sánh với những thành viên trong chúng, mỗi người đều có một cá tính riêng biệt, và nhờ những cá tính riêng biệt đó mà làm đẹp cho một tăng đoàn. Có người có khiếu về hướng dẫn, có người thì giỏi nấu ăn, giỏi làm việc, có người thì chuyên về học, v.v… và vì thế chúng ta bổ sung cho nhau như những lúc được chơi bóng chuyền.
Tôi đã trở về với chúng hơn hai năm và trong hai năm qua, tôi thấy tôi thật sự may mắn, tôi có thể phó thác được tất cả thân mạng của tôi cho Tăng thân. Tôi luôn chấp nhận những quyết định của tăng thân và luôn luôn thấy rằng Sư Ông và Tăng thân luôn luôn thương tôi và tôi cũng thương Sư Ông và Tăng thân. Có những lúc quyết định của Tăng thân về tôi làm tôi hơi đau và bị tổn thương trong lòng như chuyện phục giới của tôi vừa rồi chẳng hạn. Tôi biết bởi vì tôi đã có sẵn những tri giác về cách tôi được hồi phục giới thể như thế nào. Sau hai năm tôi mới biết được tin rõ rệt là tôi được chấp nhận thọ giới Sadi trở lại. Ban đầu tôi rất buồn vì tôi cứ ỷ y là tôi sẽ được thọ giới Tỳ Kheo trở lại. Đó cũng chính là cơ hội cho tôi trở về, siêng năng hơn trong công phu tu tập hàng ngày và cũng là cơ hội cho tôi chấp nhận rằng tôi có những nỗi khổ niềm đau trong lòng mà tôi cần phải thực tập chuyển hóa mà không nên để cho nó trôi dạt một cách lâu dài nữa.
Sư Ông dạy chúng ta là nên giao thân mạng của chúng ta cho Tăng thân. Trong hai năm qua, tôi có cơ hội thực tập cụ thể những điều dạy đó của Sư Ông và tôi cảm thấy rất biết ơn Sư Ông và đại chúng mà không trách bất cứ thành phần nào. Thành phần nào cũng chính là bản thân tôi. Thực tập được như vậy tôi cảm thấy nhẹ hơn trong lòng rất nhiều. Sự thật, tôi không cần lo gì cả, tất cả mọi điều đã được Tăng thân lo rồi. Tôi biết rằng, bản thân tôi còn những yếu kém và đây cũng chính là cơ hội cho tôi nhìn lại.
Tôi đã được học cách trở về, cách nuôi dưỡng hạnh phúc trong mỗi giây phút của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, tôi không thực tập được một cách trọn vẹn và hoàn hảo. Những lúc tôi có thể dừng lại được, thấy được những gì tôi đang có là phép mầu nhiệm mà không dễ gì ai cũng có. Mỗi ngày mỗi phút, tôi được học để thưởng thức thực tại và nhờ vậy tôi có đủ bình an và có hạnh phúc để chăm sóc cho những nỗi khổ niềm đau trong lòng. Có nhiều lúc tôi để cho những lao xao, những mong muốn làm tâm tôi bị lôi cuốn và trở nên hấp tấp, muốn tới một địa điểm nào đó một cách mau chóng.
Hạnh phúc của chúng ta rất đơn giản mà thỉnh thoảng tôi lại nghĩ hạnh phúc là thứ tôi khó mà với tới được hoặc là nó nằm ở ngoài những gì tôi đang có bây giờ. Tôi được sống trong môi trường có Tăng thân nên tôi luôn luôn được nhắc nhở là mỗi bước chân của mình chính là hạnh phúc đích thực mà tôi không cần đi đâu xa để tìm kiếm. Mỗi lần tôi có thể bước được những bước có chánh niệm, ý thức được những bước chân tôi đặt trên mặt đất, cảm nhận được sự êm dịu của bàn chân trên mặt đất thì tôi có cơ hội để sống thật sự sâu sắc với vẻ đẹp của thiên nhiên. Tôi biết thưởng thức được những cơn gió nhẹ thoang thoảng bên tai với những chiếc lá xào xạc, những tia nắng mới đang hiện dần dần sau những rừng cây. Những thực tập này giúp tôi ý thức được sự may mắn khi tôi còn sống và được tu tập trong Tăng thân.
Hạnh phúc không có gì xa vời, hạnh phúc là cái mà ta có khả năng cảm nhận được bằng cách thực tập dừng lại. Chạy theo những thiết bị điện tử, luôn hồi hộp hàng ngày hàng giờ xem thử chúng ta có một tin tức gì mới không, xã hội hiện giờ đang như thế nào, nước này có hòa bình không v.v… thì ta sẽ không có thì giờ để cho ta có cơ hội trở về với bản thân. Trong mùa An cư này, Sư Ông đã tạo những cơ hội cho đại chúng có mặt bên nhau nhiều hơn, trở về với bản thân mình để thưởng thức với sự sống bằng cách buông bỏ bớt những thiết bị điện tử và mạng lưới không cần thiết.
Thật ra những thiết bị hiện đại tự thân không mang tính cách tốt hay xấu, tốt hay xấu là do cách chúng ta dùng nó như thế nào mà thôi. Ví dụ như trang facebook, nó có khả năng liên kết được với rất đông quần chúng và nhờ như vậy mà sự truyền bá giáo pháp cũng rộng rãi hơn. Mạng lưới internet cũng như vậy, chúng ta có thể thiết lập những trang nhà có tính cách nuôi dưỡng và lành mạnh hơn. Tuy nhiên, đa số chúng ta ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, thích tìm tòi những cảm giác mạnh, bồi hồi chờ đợi những người bạn trên thế giới ảo với những tin nhắn không được nuôi dưỡng và để cho nó tàn phá thân tâm, làm mất thì giờ vô ích. Tôi cũng đã từng là nạn nhân bị nó lôi kéo nên bây giờ tôi muốn trở về để thương lấy chính mình, chăm sóc mình và thiết lập lại thân tâm để có bình an nhiều hơn.