Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Nhìn lại một năm qua

Chân Hoa Nghiêm

Trung Tâm Làng Mai Quốc Tế Thái Lan

Ngày toàn chúng dọn lên trung tâm mới, nhà ăn, nhà bếp, thiền đường vẫn chưa có. Một số các thầy, các sư chú có tay nghề giúp xây nhà bếp và nhà ăn bằng tranh tạm thời cho đại chúng hai bên sử dụng, còn thiền đường thì mỗi xóm tạm thời dùng phòng sinh hoạt tại cư xá mình ở. Bên cạnh đó, phải thành lập các ban tổ chức các khóa tu cho Sư Ông và phái đoàn Làng Mai về để hướng dẫn khóa tu cho thiền sinh Thái cũng như cho thiền sinh các vùng Đông Nam Á trong đó có người Việt. Các thầy, các sư cô, sư chú ngày đêm “làm việc mệt nghỉ”, vậy mà đi tới đâu tôi cũng thấy nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của mọi người. Thật sự niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi cảm được lúc đó là ai cũng thấy mình thật sự được sống tự do tại tu viện của mình. Sư Ông cũng đã nói ra điều ấy: “Thái Lan là một quốc gia Phật giáo, dân tộc Thái rất hiền và kính trọng người tu. Ở đây cũng là một vùng đất hiền lành. Các con phải thấy rằng mình có nhiều điều kiện hạnh phúc. Bây giờ mình đã có tu viện và mình có chủ quyền với tu viện của mình. Mình muốn trồng cây, làm vườn hay xây cất theo kiểu nào thì tùy ý. Không có chính quyền hay một đảng phái nào bắt mình phải làm theo ý của họ, cũng không ai có thể đuổi mình ra khỏi tu viện.” Bát Nhã là một bài học kinh nghiệm cho chúng tôi trân quý những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.

vẫn còn bên nhau
vẫn còn bên nhau

Tháng Tư, Sư Ông và phái đoàn Làng Mai về Thái Lan, đại chúng hạnh phúc được gặp lại Sư Ông và Tăng đoàn. Mới đến trung tâm, qua ngày sau Sư Ông đã hướng dẫn đại chúng thiền hành quanh các xóm. Dãy núi phía sau cốc Nhìn Xa của Sư Ông là nơi ngồi thiền lý tưởng được Sư Ông đặt tên là thiền đường Vách Núi. Kể từ hôm ấy, mỗi sáng sớm đại chúng theo Sư Ông thiền hành lên núi và ngồi thiền tại đó. Đây là một thiền đường thiên nhiên, không cần xây cất gì cả. Ngồi ở đó mình được thở không khí thật trong lành của buổi sớm mai, nghe chim hót và mọi người có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, ngắm bình minh lên trên dãy núi Khao-Yai từ xa. Bắt đầu mỗi buổi ngồi thiền, Sư Ông thường đặt cái chuông nhỏ trong lòng bàn tay của một sư chú hoặc một sư cô sa di trẻ, rồi Sư Ông thỉnh lên ba tiếng chuông. Tiếng chuông ngân vang trong không gian mát rượi, núi rừng, cây cỏ, chim chóc như ngưng đọng và cùng thở chung một nhịp thở với loài người. Trở về với hơi thở, không khí thật trong lành, Sư Ông và đại chúng đang ngồi đó, tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc. Sư Ông thăm và chơi với đại chúng ở Thái suốt thời gian ở thiền viện trước khi tham dự các khóa tu. Thời gian ấy cứ mỗi lần Sư Ông đi ra ngoài thì không biết từ đâu, từng đàn bướm trắng bay quanh quấn quýt bên Người.

Tháng Tư là tháng của mùa xuân bên Thái Lan, nhưng cũng là tháng nóng nhất trong năm. Vì là một trung tâm mới nên cái gì cũng mới, những cây cao lớn chưa có để che bóng mát cho các Ni xá cũng như Tăng xá, chỉ có những bông hoa màu vàng, màu cam rực rỡ đầy ắp được trồng ở Ni xá của các sư cô. Mỗi lần đi từ Ni xá đến nhà ăn, trời nắng như thiêu như đốt, tôi có cảm tưởng rằng mình đang đi ngang qua một sa mạc. Nhà ăn chưa xây nên phải tạm dùng nhà lợp bằng tranh không tường không vách, cái nóng bên ngoài hắt vào khá nóng khi phải ngồi ăn bên trong. Giữa cái thời tiết khắc nghiệt như thế mà đại chúng ai cũng hạnh phúc, sự hiện diện của Sư Ông như tàng cây cổ thụ đã làm dịu đi cơn nóng khắc nghiệt của vùng nhiệt đới Khao-Yai, Thái Lan.

Cho người niềm vui

Suốt một tháng trời, Sư Ông đã hiến tặng sự có mặt của mình trong tất cả những khóa tu. Những buổi phỏng vấn với các nhà báo, những buổi gặp mặt với các thiền sinh cũng như với cha mẹ của các thầy các sư cô, ngay cả những buổi gặp mặt với các sư con còn tuổi teen của Sư Ông. Tưởng chừng như Sư Ông đã “vắt hết” nước từ bi trong người của mình ra để hiến tặng cho đất nước Thái Lan, cho thiền sinh vùng Đông Nam Á, cho những người dân Việt Nam, và cho các học trò của mình.

Những khóa tu đã rất thành công. Khóa tu Đạo Bụt Ứng Dụng với chủ đề “Happy teachers can change the world” (Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới) tại trường đại học MahachulaLongkhon với hơn 800 người tham dự, đa số là thầy cô giáo Thái, ngoài ra còn có nhiều thiền sinh từ các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Mã Lai, Hồng Kông, v.v… và hơn nửa số thiền sinh là các thầy từ truyền thống Nam tông đang học tại trường tham dự. Sư Ông đã cho những bài pháp thoại rất sâu sắc cho các thầy cô giáo. Đặc biệt của khóa tu là những buổi workshop được hướng dẫn bởi các thầy các sư cô giáo thọ Làng Mai với các thiền sinh giáo viên. Một cô giáo dạy trường trung học chia sẻ rằng: “Cô rất hạnh phúc vì có thể áp dụng tiếng chuông trong lớp học để giữ sự im lặng. Cô sẽ dạy học trò cách thở chánh niệm, và thay vì trừng phạt và la lối như trong quá khứ cô đã từng làm thì cô sẽ dùng một phương pháp khác nhẹ nhàng và đầy hiểu biết hơn.” Một thầy Giáo thọ chia sẻ lại rằng: “Mình sử dụng tiếng chuông là để nhắc các em trở về với hơi thở chánh niệm, để làm lắng dịu những cảm xúc và tâm hành đang phát khởi trong các em nhiều hơn là bắt các em im lặng. Thói quen này sẽ giúp các em khi ra khỏi ngoài trường học biết cách trở về với hơi thở trong những khi có cảm xúc, giúp các em làm lắng dịu những cảm xúc khi gặp những khó khăn”. Cuối khóa tu, có gần 400 người xin thọ Năm giới.

Khóa tu Gia Đình kết hợp với khóa tu Wake Up dành cho người trẻ, số lượng người ghi danh quá đông, lên đến 1200 người tham dự. Một số các em thanh niên trong nhóm Wake Up phải ra ngoài các nhà trà của khách sạn để cư trú. Tết Songkran của Thái Lan được tổ chức ngay trong khóa tu, nghi lễ diễn ra thật cảm động. Buổi sáng sớm, sau khi ngồi thiền là buổi đi khất thực của Tăng đoàn Làng Mai với sự có mặt của Sư Ông. Tất cả thiền sinh Thái đều đứng hai bên đường chắp tay cung kính. Khi quý thầy quý sư cô đi qua, mỗi thiền sinh liền đặt vào bình bát từ những muỗng gạo cho đến những túi gạo, hộp sữa v.v… phần lớn phẩm vật cúng dường là gạo. Trời bỗng nhiên mưa lất phất, Sư Ông và phái đoàn vẫn tiếp tục đi cho hết đoạn đường dài. Thật cảm động, hầu như tất cả thiền sinh Thái từ em bé cho đến người lớn đều muốn cúng dường Sư Ông, bên phía Sư Ông, hàng người cúng dường cứ kéo dài ra không dứt. Ban tổ chức phải ngăn chặn người cúng dường lại vì sợ Sư Ông sẽ bị gió mưa, họ có thể cúng dường sau đó cũng được. Buổi lễ rưới nước của dân tộc Thái lúc nào cũng là một buổi lễ đầy ý nghĩa. Đối với người Thái, nước mang đến nhiều may mắn cho một năm mới. Thông thường lời chúc tốt nhất của người nhỏ là rưới nước lên tay hoặc lên chân cho bậc trưởng thượng trong gia đình hoặc người mình thương kính. Sau bài pháp thoại, ba vị đại diện trong số những thiền sinh đã lên làm lễ rưới nước: Ông đại sứ nước Bhutan đại diện cho những thiền sinh Đông Nam Á, ông Pi Charoen đại diện cho Tăng thân Thái và cuối cùng là một bé trai đại diện cho thế hệ trẻ ở Thái lan. Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm và cảm động với bài hát chấm dứt của nhóm Wake Up. Buổi chiều tất cả quý thầy quý sư cô lớn cho đến các sa di trẻ đều ngồi dọc hai bên  đường để các thiền sinh làm lễ rưới nước. Buổi lễ chấm dứt thật hào hứng khi các người trẻ tạt nước cho nhau bằng những xô nước lớn, các thầy cô trẻ cũng không thoát khỏi.

Khóa tu Gia Đình là một khóa tu được tham dự với mọi tầng lớp cũng như mọi lứa tuổi trong xã hội Thái. Lần này có thêm nhóm Wake Up tham dự nên khóa tu Gia Đình khá hoành tráng. Tăng đoàn Làng Mai phải chia ra hai nhóm xuất sĩ ở hai nơi để chăm sóc. Đặc biệt trong nhóm Wake Up có một em thanh niên trẻ làm việc cho đài truyền hình TBS Thái Lan tham dự. Em Wanasing đã thu hình tất cả mọi sinh hoạt của khóa tu Wake Up. Em đi tham vấn từng thầy, quý sư cô trẻ đang hướng dẫn và phỏng vấn những thanh thiếu niên Thái đang tham dự khóa tu. Các em trẻ Thái Lan chia sẻ rằng: Tu thiền theo truyền thống Theravada quá nghiêm khắc đối với các em, vì chỉ có ngồi thiền cả ngày. Trong khi đó các em gặp nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày cần được sự hướng dẫn rõ ràng, mà chỉ học có phương pháp thiền nghiêm ngặt (intensive meditation) không đủ để giải tỏa những bức xúc ở trong lòng. Trong khóa tu này, các em thấy mọi người thực tập lắng nghe nhau, học cách nói lời dễ thương, nói ra được những khổ đau và khó khăn trong lòng cho nên các em thích lắm. Trước những buổi pháp thoại, các em được thực tập hát những bài thiền ca có chất lượng nuôi dưỡng và trị liệu chứ không phải là những ca khúc tình sầu đứt ruột. Một điều ấn tượng cho các em thiền sinh là buổi vấn đáp với các thầy các sư cô trẻ Làng Mai, các em đã đặt những câu hỏi như “vì sao các thầy các sư cô còn quá trẻ mà lại chọn con đường xuất gia suốt đời như vậy?”. Nhiều chuyện vui xảy ra trong buổi vấn đáp ấy. Đêm cuối của khóa tu có trình diễn văn nghệ, một số thầy và quý sư cô trẻ rất “chịu chơi” đã gây ấn tượng mạnh trong lòng các em. Một vị thiền sư đã từng nói rằng: “Đạo Bụt tại thế gian, bất ly thế gian giác.” Các em cho rằng: “Đây là một đạo Bụt mới rất thích hợp và đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của tuổi trẻ hiện đại. Tu thiền không phải chỉ có ở trong chùa, mà tu thiền có thể áp dụng bất cứ ở đâu, trong học đường hay ngoài xã hội.” Sau khóa tu, đài truyền hình Thái TBS đã trình chiếu một loạt phim về những sinh hoạt chi tiết của khóa tu. Chương trình Wake Up bắt đầu phát triển mạnh ở các vùng khác trên đất nước Thái như Chiangmai, Bangkok. Hiện nay tại tu viện, nhóm Wake Up đã tổ chức được những khóa tu định kỳ một năm ba lần.

Khóa tu Gia Đình kết thúc, xe của ban tổ chức chúng tôi được đi về cùng lúc với xe của Sư Ông. Trên đường về lại tu viện, xe của chúng tôi được ưu tiên đi ngang qua vùng núi Khaoyai.  Xe càng đi sâu vào núi thì càng lên cao, bất ngờ xuất hiện một con voi khá to trông vẫn còn trẻ chận đường xe của Sư Ông, thế là xe của chúng tôi cũng phải dừng lại một lúc, lần đầu tiên tôi thấy voi ở Khaoyai. Con voi nhìn chăm chú vào chúng tôi một hồi lâu mới rời đi.

Tuần cuối của tháng Tư, khóa tu cho người Việt với tựa đề “Giờ phút bên nhau” là khóa tu sau cùng của Sư Ông và phái đoàn Làng Mai tại Thái Lan. Có trên 800 người từ Việt Nam tham dự. Đây là một khóa tu không có sự giúp đỡ của những vị tình nguyện viên Thái nên chúng tôi phải lo từ A đến Z. Trung tâm chưa có phòng ốc cho cư sĩ, chưa có thiền đường, v.v… cho nên chúng tôi phải đi tìm những khách sạn nào lớn mà gần Trung tâm để dễ cho việc di chuyển. Tôi nhớ ngày chúng tôi đi đến khách sạn Khiritantip để hỏi thuê chỗ cho khóa tu chứa khoảng bảy tám trăm người tham dự. Chúng tôi đi bằng một chiếc xe van cũ kỹ, không cửa kiếng, không có ghế ngồi. Ban tổ chức phải ngồi dưới sàn xe. Chú quản lý khách sạn Khiritantip là một Phật tử đã từng nghe tiếng Sư Ông. Chú không biết chúng tôi là ai, nhưng chú hết lòng yểm trợ và chấp nhận mọi yêu cầu từ phía chúng tôi. Khi tiễn chúng tôi ra xe, nhìn thấy các thầy các sư cô ngồi trong cái thùng xe cũ mèm, chú cười thật tươi và chắp tay thật cung kính chào chúng tôi. Lúc đầu tôi cũng hơi lo, thấy chúng tôi “nghèo” như vậy thì chắc là chú sẽ từ chối. Nhưng kết quả đã nằm ngoài sự lo âu của tôi, chú và cả khách sạn đã yểm trợ chúng tôi hết lòng, gia đình của chú và chủ khách sạn cùng tham gia dự khóa tu nữa. Cho đến bây giờ, những khóa tu khác vẫn tiếp tục tổ chức tại khách sạn đó, và lúc nào chú quản lý cũng yểm trợ chúng tôi một cách hết lòng. Một phần ba thiền sinh của khóa tu người Việt là gia đình của các thầy các sư cô tham dự. Có một buổi gặp mặt giữa Sư Ông và cha mẹ của các thầy các sư cô. Trong buổi gặp mặt đó, Sư Ông dạy các thầy các sư cô thiền ôm với cha mẹ, có nhiều người cha người mẹ đã khóc vì lần đầu được ôm con với ý thức trân quý sự có mặt cho nhau dù người đó bây giờ đã là một sư cô, một sư chú, hay là một vị thầy rồi.

Cuối khóa tu là những buổi lễ liên tiếp xảy ra. Lễ cúng dường xây thiền đường cho tu viện, lễ truyền Năm giới, lễ xuất gia và lễ Truyền đăng. Trong một khóa tu mà đã có bốn buổi lễ lớn, lễ cúng dường và lễ Truyền đăng được tổ chức ngoài trời và khá hoành tráng. Số lượng người tham dự đã lên đến 1000 người. Những người Thái đến từ Bangkok, từ những tỉnh thành khác của Thái, và cũng có cả những người đến từ địa phương. Trong buổi lễ cúng dường, thầy phó viện trưởng trường đại học Mahachulalongkhon đã phát biểu là trường luôn yểm trợ Làng Mai và rất quý kính Sư Ông.

Tất cả những buổi lễ, những khóa tu, những bài pháp thoại công cộng và những cuộc gặp gỡ quan trọng mà chỉ tổ chức trong vòng có một tháng thì ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Nhưng Sư Ông và Tăng thân Làng Mai tại Pháp và Thái Lan đã thực hiện được. Tôi nghĩ điều này chắc là có chư Bụt và chư Tổ gia hộ. Trước thời gian khóa tu tiếng Việt, sư cô Chân Không đã bị bệnh khá nặng, tưởng chừng như không thể hướng dẫn được buổi thiền buông thư và thiền lạy cho thiền sinh người Việt. Tôi lo lắng nghĩ rằng kỳ này chắc là mình và sư cô Định Nghiêm sẽ phải thay thế sư cô ra hướng dẫn, và cảm thấy tiếc cho thiền sinh người Việt không được học trực tiếp từ sư cô. Nhưng hôm đó, bỗng nhiên sư cô xuất hiện mà còn dạy thiền sinh tập những động tác của “Suối nguồn tươi trẻ”, sư cô còn có thể xoay mấy chục vòng luôn. Điều này đã khiến cho nhiều người có niềm tin rất lớn vào pháp môn thực tập mà sư cô đang giảng dạy. Cuối khóa tu hầu hết thiền sinh Việt Nam đều xin thọ Năm giới mới của Làng Mai. Sau khóa tu, những thiền sinh Việt nào đã đăng ký thì được các thầy các sư cô hướng dẫn đi du ngoạn ở Bangkok, một chuyến du ngoạn nhớ đời.

Trước khi rời Thái để tiếp tục cuộc hành trình tại Đông Nam Á, Sư Ông đã có một cuộc gặp gỡ với tất cả chúng thường trú tại Thái Lan. Trong buổi gặp gỡ này, Sư Ông đã dặn dò nhiều điều quan trọng giúp Tăng thân xuất sĩ tại Thái Lan rất nhiều.

Mùa an cư

Mùa An cư cũng là mùa mưa. Cơn mưa của vùng núi có khi là những cơn giông dữ dội làm nghiêng ngả những thân cây già cằn cỗi. Mình chỉ biết ngồi trong phòng lắng nghe tiếng mưa rơi ào ạt trên mái hiên. Trung tâm chúng tôi dùng nước giếng, phải có máy bơm để bơm nước từ giếng lên mới có nước để xài. Thỉnh thoảng máy bơm bị cháy điện hoặc cúp điện, chúng tôi đành chịu trận mà không biết lấy nước từ đâu. Lượng nước mưa này nếu mình có thể chứa trong thùng chứa nước lớn thì chúng tôi có thể tiết kiệm được lượng nước giếng rất nhiều và không tốn năng lượng điện sử dụng. Nhưng hiện nay, Tu Viện còn chưa có tiền để xây nhà bếp, thiền đường v.v… thì lấy tiền đâu mà làm máng xối và mua thùng chứa nước lớn. Chúng tôi phải đợi có những vị Bồ tát nào cúng dường thì mới thực hiện được những điều này. Mưa lâu rồi cũng tạnh, tôi cùng sư em thị giả thiền hành quanh ni xá. Cây cối dường như xanh mát hơn sau cơn mưa. Những cây phượng trước ni xá dường như cao hơn và các tàng cây cũng vươn rộng ra hơn, những cây này chỉ mới trồng có mấy tháng nay thôi. Đi dọc theo con đường ra tận cốc Nhìn Xa, những cây bồ đề trông cũng lớn mạnh thêm, có cây đã cao quá đầu tôi rồi. Mười năm nữa, nơi đây sẽ là một Tu viện đẹp tuyệt vời với những hàng cây che mát chứ không còn nóng bức như trên sa mạc nữa.

Tại Thái Lan, mùa An cư bắt đầu vào tuần thứ hai của tháng Bảy dương lịch và chấm dứt vào cuối tháng mười. Mùa An cư là mùa tu học tinh chuyên của giới xuất gia. Những lớp học được hình thành, thầy cô giáo của các lớp học nội điển là các thầy các sư cô giáo thọ đảm trách. Nhìn hình ảnh của các sư chú sư cô trẻ cắp sách đến lớp học một cách phấn khởi làm tôi cũng vui lây. Có nhiều em còn rất nhỏ, khoảng 14 cho đến 16 tuổi, đa số vào lứa tuổi 25 trở xuống, nên các em còn “ham học” lắm. Ngay cả Ôn Thủ Tọa là vị niên trưởng cao tuổi hạ nhất của Tu viện cũng tham dự lớp học Duy Biểu của chúng tôi. Hồi tôi còn ở Pháp, có lần Sư Ông dạy: “Các thầy, các sư cô ở Pháp thì phải biết tiếng Pháp, nếu không biết thì không được ăn bánh mì baguette của Pháp.” Tôi cũng cắp sách đi học tiếng Thái, ở xứ Thái mà không biết tiếng Thái thì làm sao được ăn món song-tầm, một món gỏi đặc biệt được làm bằng đu đủ xanh với thật nhiều ớt của dân tộc Thái Lan, vừa ăn vừa hít hà thì mới ngon.

Là một trong những vị giáo thọ có trách nhiệm hướng dẫn một số môn học, tôi thấy mình không phải chỉ là người hướng dẫn thôi, mà mình đồng thời cũng là học sinh nữa. Những lớp học được phân chia theo cấp bậc từ lớp Phật Pháp Căn Bản chúng tôi gọi là lớp “Trái Tim Của Bụt” cho các em mới xuất gia đến 2 năm, đến lớp cao hơn là lớp “Duy Biểu học” còn gọi là tâm lý học Phật giáo, dành cho các vị xuất gia từ ba năm trở lên. Những thầy, sư cô giáo thọ đã được phân chia trách nhiệm dạy hay hướng dẫn các lớp học ấy. Mỗi lần nghe xong một hoặc hai bài pháp thoại của Sư Ông hay của một vị giáo thọ thì “học sinh” được ôn bài hoặc làm bài tập. Ngoài những kiến thức mình đã học từ trường, nghiên cứu từ sách vở, dù là bộ môn nào; nội điển hay ngoại điển, chúng tôi đều chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong đời sống hàng ngày của ngay chính bản thân mình đi kèm theo với bài mình đang giảng dạy dù đó là môn khoa học. Điều quan trọng trong khi học là cần các em cần hiểu bài hơn là thuộc bài. Chúng tôi cũng cho các em làm bài tập, nhưng không bắt buộc phải nộp bài liền và cũng không chấm điểm. Vậy mà các em cũng nộp bài đầy đủ và làm rất hay, các em làm bài từ trái tim của mình chứ không phải bằng những kiến thức của người khác. Không khí học rất vui, giữa thầy cô giáo và học trò không có khoảng cách, không cảm thấy bị áp lực bởi cái dạy và cái học như ngoài xã hội. Khi hướng dẫn lớp học, các thầy các sư cô giáo thọ không hướng dẫn theo tinh thần “học gạo”, hay nhét đầy các kiến thức như “dồn ngỗng”, mà với tinh thần vừa học vừa tu mà cũng vừa chơi nữa. Có lẽ do vậy nên ít ai vắng mặt, trừ khi nào bệnh hoặc vì nằm trong đội luân phiên phải nấu cơm cho đại chúng.

Bên cạnh đó, tu học và sống chung với người trẻ mình cũng có nhiều mối lo toan lắm. Đa số là những người còn trẻ cho nên tâm tính cũng bất đồng. Có những người đi tu vì lý tưởng, nhưng cũng có những người đi tu vì hoàn cảnh khó khăn. Trước ngày lễ Bông Hồng cài áo, khi tôi trở về phòng và thấy ai đó đã để trên bàn của mình một xấp giấy viết, cầm lên xem thì tôi mới biết đó là một lá thư tâm sự với cha về nỗi đau khổ của một cô bé 11 tuổi đã bị cưỡng bách vì tình dục. Nỗi đau đớn, xấu hổ đã khiến em nhiều lần muốn tự tử dù đã đi xuất gia rồi. Tôi xin trích một đoạn ngắn: “Ba kính thương! Tuổi thơ của con sống bên ba thật là ngắn ngủi. Khi con lên 11 tuổi, ba từng hỏi con: “Tại sao con như vậy? Tại sao con như thế kia?” Ba ơi! Sự thật ra “con đã bị hại” từ dạo ấy… Từ dạo ấy, ba cũng thắc mắc và đau khổ về sự thay đổi tính tình trong con. Ba rất đau lòng khi lúc nào con cũng hất hủi và chối từ tình thương ba dành cho con… tuổi thơ dữ dội ấy đã từ bỏ con khi con lên 11 tuổi. Nói đi xuất gia, nhưng sự thật là con muốn trốn tránh những người đã làm hại cuộc đời con… Thanh tịnh hay ô nhiễm cũng do con. Nếu không nhờ cái nhìn vi diệu đó, dù con đang ở thiên đường thì cũng là người đầy khổ đau. Xin ba mỗi ngày cùng con nuôi dưỡng tâm từ bi, và gửi năng lượng từ bi ấy đến những con người đáng thương ấy.” Đọc đến đây tôi cảm động và mừng vì em đã thực sự bôi đi vết nhơ của tuổi thơ và tha thứ được những người đã làm hại mình. Năm nay Sư Ông dạy 30 bài tụng Duy Biểu. Sư Ông cũng dạy rằng: “Bản chất của A lại da là không tịnh cũng không ô nhiễm, tịnh hay nhiễm là do mình mà thôi”. Lòng từ bi và những lời pháp của Thầy đã cứu vớt em đi ra được bóng tối của tuổi thơ, cho thấy là em vẫn trong sáng không chút bợn nhơ. “Ba à! con của ba bây giờ đã lấy lại niềm tin, xin ba an tâm và dưỡng bệnh. Bởi vì bây giờ con đã tìm được một môi trường tốt, một Tăng thân tuyệt vời để nuôi dưỡng. Bên con luôn có Thầy, có bạn đồng tu cùng con san sẻ những vui buồn.” Lá thư không ký tên và tôi cũng không cần biết là ai, chỉ thấy rằng em đã biết chọn cho mình một con đường sáng. Mong rằng sự tu học sẽ giúp em chuyển hóa những khổ đau và vững tiến trên con đường đạo học. Hiện nay trên thế giới biết bao nhiêu người trẻ cô đơn vì hoàn cảnh và những khổ đau từ quá khứ của bản thân mình. Trong số đó, có người đã đi tìm lãng quên trong sự hút xách, trụy lạc, tàn hại thân tâm cho đến cuối cuộc đời. Nhưng cũng có người đã biết quay đầu nhìn lại và chọn cho mình một con đường sống. Cửa thiền luôn mở rộng để đón nhận những người con lầm đường lạc lối, và những mảnh đời đang trôi dạt trong bể khổ trầm luân.

Hiện nay một nhóm thầy, sư cô giáo thọ đã ngồi lại để soạn chương trình đào tạo kỹ sư Phật học 7 năm. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai Trung Tâm Làng Mai Quốc Tế Thái Lan sẽ là một nơi đào tạo những người xuất sĩ phụng sự cho xã hội, cho thế giới bằng tuệ giác của sự tu tập tự thân chứ không phải chỉ do thu thập kiến thức mà thôi. Chung quanh tôi toàn là những thầy, sư cô, sư chú còn rất trẻ, nhưng họ đã chọn cho mình một hướng đi không phải cho cá nhân mình, mà cho gia đình và cho xã hội. Họ đã bỏ lại sau lưng những tiện nghi vật chất, những đam mê tình cảm, những danh vọng tiền tài, thú vui chơi của thế gian. Hàng ngày sáng tối công phu, chiều chấp tác, cơm chay đạm bạc, trau dồi trí tuệ thì hy vọng rằng chúng tôi đã tiếp nối được sứ mạng mà Bụt, Tổ và Thầy đã giao phó.

Con Bụt thích chơi hang Chúa

Mùa Đông đã về, trời trở lạnh như mùa Thu ở trời Tây. Có ngày nhiệt độ xuống đến 14 -15 °C. Nơi đây là vùng núi, tu viện lại xây theo kiểu nhà của dân tộc Thái, mùa Hè thì rất mát nhưng vào mùa đông thì bốn bề gió lộng. Trước khi dọn về tu viện, chúng tôi cứ ngỡ là nơi đây sẽ rất nóng, vào mùa Đông thì có thể trời sẽ mát hơn nhưng không ngờ trời lại lạnh như vậy. Các sư cô người nào cũng co rút người lại khi đi ra ngoài. Các anh chị tình nguyện viên Thái rất từ bi, biết chúng tôi lạnh họ đã hùn tiền lại và mua áo quần ấm cúng dường cho hai xóm. Mặc chiếc áo ấm trong người, tôi thấy lòng biết ơn rất nhiều đến Tăng Thân Thái Lan. Họ thương và lo hết lòng cho chúng tôi mọi chuyện từ nhỏ tới lớn, tôi thường nhắc nhở các sư em phải cố gắng tu học cho đàng hoàng để không phụ lòng những anh chị tình nguyện viên cũng như của dân tộc Thái Lan.

Hàng năm cứ vào dịp Noel thì Làng Mai ở Pháp cũng như ở các nước phương Tây như Mỹ châu hoặc Âu châu đều tổ chức ăn mừng Chúa giáng sinh. Ở Thái Lan chúng tôi không tổ chức Noel vì đây là một quốc gia Phật giáo và cũng không có người Tây tham dự. Khi biết rằng không có tổ chức Noel, thì một sư em đã âm thầm trang trí hang Noel trong phòng của mình. Đi ngang qua phòng em, nhìn vào tôi thấy ánh đèn chớp tắt và lố nhố những cái đầu tròn đầy ắp trong phòng, thì ra các sư cô nhỏ đang thưởng thức cái hang Noel mới vừa “biểu hiện”. Bắt đầu từ đó, những cái hang Noel tiếp tục xuất hiện trong những căn phòng khác, trên bàn học hay dưới gầm bàn, có em làm cái hang nhỏ xíu bằng một bàn tay để trên bàn thờ Bụt nho nhỏ của mình. Các sư cô trẻ rất sáng tạo. Các em tạo dáng hang động bằng bao giấy xi măng sạch, thay vì để đức chúa sơ sinh trên máng cỏ thì các em để những thiên thần nhỏ có cánh, và trang trí những mảnh bông gòn trông giống như là tuyết rơi và treo đèn lấp lánh chung quanh hang động. Không phải là con Chúa nhưng lòng tôi cũng nao nức chào đón Noel sắp tới, cũng là cơ hội để mình được tặng quà cho những người mình thương. Đi ngang qua dãy phòng của các sư cô, tôi chợt nghĩ rằng: “Những người con của Bụt thực tập giỏi quá, không có tâm kỳ thị tôn giáo, chỉ có sự thưởng thức những mầu nhiệm trong giờ phút hiện tại. Trong cái nhìn tương tức, cái này được làm bằng cái khác, cái này đã nằm sẵn trong cái kia rồi.”

Từ phòng ăn tôi rảo bước về lại ni xá 1, sư em thị giả nhẹ nhàng bước theo sau, chúng tôi đi trong im lặng. Mặt trời như quả bóng to hồng thật đẹp nằm giữa hai ngọn núi. Ánh nắng ban mai ngọt dịu chan hòa khắp nơi, trên từng tảng đá, đầu cây, ngọn cỏ, làm hồng gương mặt của sư em. Cơn gió nhẹ thổi qua hiền lành mát rượi, những bông hoa nghiêng mình như chào đón gió xuân. Tiếng chim hót khắp nơi như báo tin rằng nàng xuân sắp đến. Đẹp quá đi thôi vùng đất Khaoyai linh thiêng! Tôi buộc miệng đọc lên một câu thơ của Sư Ông: “Trời hôm nay đẹp lắm, thật mà! Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ.” Hiện tại tuyệt vời quá đi, về với quá khứ làm chi nhỉ. Sư em thị giả nhìn tôi cười khúc khích: “Dạ trời hôm nay đẹp lắm, trông sư mẹ vui ghê.” Giọng Hà Nội của sư em nghe dí dỏm làm sao, hai chúng tôi cùng cười vui. Bước lên bậc thềm của ni xá 1, một số các sư cô đang đọc bảng thông tin được dán trên tường trước cửa vào ni xá, sư em “Đu Đủ” quay qua nhìn tôi cười: “Một lát nữa con sẽ mời sư cô uống cà phê Indo nhé”. Tôi ngạc nhiên vì sao mà em có, thì em bảo là do y chỉ sư cho. Một sư em khác nhìn tôi cười: “Sư mẹ ơi, ngày mới người mới, cái áo cũng mới nữa nè.” Em khoe chiếc áo mới đang mặc trên người, tôi cười vì sự bắt chước của em. Các sư cô trẻ vui tươi và dễ thương như thế đó, làm sao mà mình không thương cho được.

Năm nay Sư Ông cho câu đối rất vui: “Năm mới ta cũng mới. Người vui, cảnh sẽ vui”. Năm mới đến, Trung tâm bắt đầu mới, chúng tôi cũng mới theo từng phút giây. Những điều kiện hạnh phúc tràn ngập khắp nơi. Chúng tôi thương chúc đại gia đình Làng Mai ở khắp nơi có một mùa xuân mới tinh từ thân đến tâm.