Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Mộc Lan “Mọc Liền”

Chân Bi Trú

Chú Chân Bi Trú là một cư sĩ Tiếp Hiện thuộc tăng thân Làng Mai đang thực tập và đóng góp sự có mặt của mình cho Tu Viện Mộc Lan tại Mỹ. Những gì chú ghi lại dưới đây là dấu ấn của những ngày chú cùng có mặt với tăng thân, giúp quý thầy quý sư cô trong công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của Tu viện Mộc Lan trong những ngày đầu mới đến. Dù chưa đến Tu viện Mộc Lan nhưng qua bài viết sẽ giúp chúng ta có một cái thấy về tu viện và những con người đang ngày đêm tu tập và hiến tặng sự có mặt của mình cho tu viện và cho những ai cần đến.

Tu viện Mộc Lan cũng như bao nhiêu tu viện khác như Lộc Uyển, Bích Nham hay Làng Mai, mỗi nơi đều có một vài đặc tính riêng. Muốn biết về Mộc Lan chúng ta phải đến tận mỗi nơi trong tu viện mới thưởng thức hết được những gì đang có mặt nơi này: Những hàng cây xanh, những con đường ngoằn ngoèo lên dốc xuống đồi, những bãi cỏ xanh mênh mông tươi mát, những chùm hoa dại đủ màu sắc kỳ diệu đang biểu hiện, từng đàn chim líu lo thánh thót gọi đàn. Không gian bao la với bầu trời xanh, mây trắng, gió mát, trăng trong v.v… không thể nào diễn tả hết bằng chữ nghĩa. Chúng tôi xin dành phần khám phá khá thích thú đó lại cho quý vị nào muốn đến nơi đây để mà “tự mình chiêm nghiệm, tự mình giác tri”. Hôm nay chúng tôi chỉ xin mời quý vị cùng chúng tôi lướt qua một vài sự kiện phát triển “Mọc Liền” của tu viện Mộc Lan.

Mộc Lan còn có biệt danh (nickname) là “Mọc Liền”. Danh từ “Mọc Liền” là do bởi Mộc Lan thay đổi quá nhanh khiến thầy Pháp Dung đến phải ngạc nhiên khi trở lại đây. Lúc thầy đến Mộc Lan (tháng 07 – 2010) thì Ni xá đang thi công, lên tường, lợp ngói… Khi thầy đi thì Ni xá vẫn còn ngổn ngang nhiều việc chưa xong. Vậy mà mấy tháng sau thầy trở lại, mọi công trình đã hoàn tất. Không những Ni xá mà còn thêm cốc của Sư Ông, nhà vệ sinh công cộng và mười mấy cái cốc (hut) mọc lên, sẵn sàng nghênh đón Sư Ông cũng như thiền sinh đến tham dự khóa tu. Trước đó nhà bếp còn nhỏ xíu, bây giờ đã được nới rộng thêm và trở thành một nhà bếp mới rộng rãi. Những dụng cụ cần thiết cho cuộc sống cộng đồng như walking cooler, máy rửa chén (dish washer), kho chứa thực phẩm khô v.v… đã được lắp đặt rất ngăn nắp và tiện cho việc sử dụng. Quả thật Mộc Lan đã có nhiều thay đổi, thầy Pháp Dung nói thầy ngạc nhiên quá đi (supper surprised), cứ tưởng như đang còn trong mơ và thầy thốt lên: “Mộc Lan là Mọc Liền”, kể từ đó Mộc Lan được gọi là “Mọc Liền”. Không những chỉ riêng thầy, mà mỗi lần bất cứ ai tới Mộc Lan cũng đều thấy có sự đổi mới dường như hàng ngày.

thiền đường Hải Triều Lên
thiền đường Hải Triều Lên

Thương kính Sư Ông tuổi đã cao, nếu không có chỗ nghỉ ngơi thì làm sao có đủ sức khỏe để trao truyền pháp lạc, nghĩ đến thiền sinh về tham dự khóa tu mà không đủ phương tiện tắm rửa, nên cứ theo nhu cầu đó mà Mộc Lan phải “Mọc Liền” với những tiện nghi căn bản. Khóa tu cũng sắp gần kề, thiền sinh đã ghi danh gần cả ngàn người vậy mà chánh điện hiện có thì quá nhỏ, không thể nào chứa hết lượng người kể trên. Ban tổ chức đành phải mướn một cái lều khá lớn có thể chứa cả ngàn người, do một công ty cho thuê đến dựng lên. Như thế cũng đáp ứng được nhu cầu cho khóa tu vào cuối tháng 9 năm 2011. Khóa tu đi qua trong không khí yên bình đầy năng lượng chuyển hóa và an lạc. Các anh chị em ai nấy đều hạnh phúc và thở phào nhẹ nhõm. Riêng Sư Ông và tăng đoàn tiếp tục lộ trình hoằng pháp sang Bích Nham và miền Đông Hoa Kỳ. Trước khi rời Mộc Lan, Sư Ông cũng đã chỉ dạy cho sư cô Hỷ Nghiêm địa điểm sẽ xây thiền đường và vị trí xây tháp chuông.

Vậy là yên tâm, Sư Ông đã chỉ chỗ cho mình rồi, còn thực hiện được hay không là tùy vào sự đóng góp tinh thần cũng như tài năng của mỗi thành phần trong tăng thân. Có một thiền đường rộng rãi để cho bao nhiêu người về nương tựa là một ước mơ và thao thức chung của mọi người. Hơn nữa, theo số lượng thiền sinh hơn cả ngàn người tham dự trong khóa tu vừa qua, thì ngôi thiền đường rất cần phải “Mọc Liền” để đủ chỗ che mưa, che nắng cho các khóa tu tới.

Vậy là công trình dự tính được thông báo, quý vị Phật tử xa gần ở vùng Jackson cũng như vài vùng lân cận hết lòng yểm trợ nên đã đồng lòng đứng ra gây quỹ vào mùa xuân 2012. Việc nâng đỡ quý thầy quý sư cô có đủ phương tiện tu học để đem pháp lạc chia sẻ đến mọi nơi là cái thấy chung của rất nhiều Phật tử, vì vậy mọi tổ chức đều được làm trong tinh thần tự nguyện và hiến tặng. Trong lúc chờ đợi bản vẽ và vận động tài chánh cho thiền đường mới, mọi người biết rằng còn phải trải qua nhiều thời gian và thủ tục mới khởi công cho những dự án được bắt đầu. Vì vậy, sư cô Hỷ Nghiêm đề nghị nên xây cốc sư cô Chân Không trước, vì quỹ xây cốc này đã có ân nhân yểm trợ sẵn rồi. Thế là duyên lành đầy đủ, bốn chúng đều đồng ý nên liên lạc ngay Uncle Rick phác họa cho một bản vẽ như ý. Mọi việc cứ thế mà tiến hành, người cưa, kẻ đóng, chỉ nội trong vòng 3 tháng là cốc của sư cô Chân Không “Mọc Liền”. Cốc đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi và ấm cúng. Nghe đâu sư cô Chân Không thích lắm và còn khoe là “đẹp hơn cốc của Sư Ông nữa?”. Sư cô đặt tên là “Cốc Thanh Thoát”. Thanh thoát cũng có nghĩa là trong lúc làm ai cũng chung một bàn tay, một tấm lòng mà không thấy mình cưa ván, đóng gỗ, hay lợp trần. Mọi người đã làm việc trong hơi thở, niềm vui của tình huynh đệ tứ chúng. Chính với những yếu tố đó nên cốc của Sư Cô đã biểu hiện với cái tên Thanh Thoát thật dễ thương. Thật là vui quá chừng, thêm một cái cốc “Mọc Liền” hoàn tất.

Bây giờ là vào đầu mùa Thu 2012. Trong lúc chờ đợi bản vẽ, toàn bộ nhân lực dồn vào giúp cho công trình xây dựng tháp chuông. Tháp chuông so với thiền đường tuy nhỏ, khi hoàn tất nhìn vào có vẻ như đơn giản, nhưng sự thật thì không đơn giản như mình nghĩ. “Nhỏ con, nặng đòn” mà, biết bao là xi măng và sắt thép từ dưới móng lên tận nóc, nhiều lắm. Nếu không có đàn chim “Ca Lăng Tần Già” của quý thầy, quý sư cô Mộc Lan chia nhau uốn từng que sắt, cắt từng miếng thép thì còn vài năm nữa mới xong. Đến lúc bản vẽ của thiền đường gởi đến, thầy Pháp Huy và sư cô Hỷ Nghiêm tiến hành xin giấy phép xây dựng. Trước khi nộp bản vẽ để xin giấy phép, sư cô Hỷ Nghiêm nói với thầy Pháp Huy rằng: “Lên xe, chị em mình nhớ trở về với hơi thở, mình niệm Bồ Tát Quan Âm và Tổ tiên đất đai gia hộ cho mình xin giấy phép được thuận duyên, dễ dàng”. Quả thật, sự linh ứng mầu nhiệm đã xảy ra, bình thường xin một giấy phép (construction permit) họ tính theo diện tích “square feet” trong bản vẽ để đóng lệ phí và đòi hỏi bản vẽ phải đúng code của thành phố mới cấp giấy phép. Nhưng khi coi bản vẽ, họ không cần hỏi han gì cả và chỉ cho đóng $25 đô la tượng trưng và cũng không cần đòi hỏi gì thêm, họ còn nói “Mộc Lan là trung tâm thực tập chánh niệm nên cứ làm, không sao cả”. Thầy Pháp Huy và sư cô Hỷ Nghiêm cầm giấy phép trên tay mà không khỏi ngạc nhiên bỡ ngỡ và vui mừng. Thầy Pháp Huy nói: “Long Thần Hộ Pháp ở đây linh lắm, chỉ có Mộc Lan mới có chuyện này”. Chúng tôi bắt đầu với việc đặt sườn sắt cho thiền đường, mãi cho tới cuối tháng 9 năm 2012 mới tìm được nhà thầu ban đất, đổ móng, công việc kéo dài liên tiếp tới tháng 12 mới dựng sườn. Nhà thầu chỉ có dựng sườn sắt và lợp tôn, còn lại bao nhiêu việc lớn nhỏ đều do tứ chúng của Mộc Lan thầu hết. Bà con thấy có oai không?

Không biết có ai quay phim làm tài liệu trong lúc xây cất không? Giá như có thì chắc quý vị cũng không tin đâu. Vì sao? Nhìn vào quý thầy, quý sư cô thì đoán biết ngay, người nào người nấy với chiều cao khiêm tốn và trọng lượng cũng không quá 45 cân, ấy vậy mà dám gồng mình với sắt đá? Thương thật là thương nhưng không dám thổ lộ, vì khi sườn sắt dựng lên, các cột trụ to cả người ôm, và chính giữa nóc cao hơn 35 feet, nhìn vào chỉ toàn sắt là sắt, còn nhìn lại sức mình thì chỉ xem như “bảy chú lùn” không đáng so sánh vào đâu cả. Tục ngữ có câu “có tật thì có tài”. Lùn thì lùn, nhỏ mặc nhỏ, sức chừng nào làm chừng nấy. “Mạnh cậy tài, yếu liệu sức” mọi người cứ thế mà làm không hề thối lui. Thường thường gỗ người ta vác mỗi người một cây, còn quý sư cô hai người mà vác tới ba cây, thử hỏi như vậy mà Thiền Đường sao không xong sớm cho được? Còn quý thầy, nhìn thì thấy vóc dáng ốm yếu gầy gò, ấy thế mà khi ra làm việc là dùng hết công lực đến nỗi đinh ốc bắt sắt và máy khoan cũng chịu không nổi phải… bứt luôn. Bởi bình thường người chuyên nghiệp có kinh nghiệm thì họ chỉ dùng đủ sức để ốc từ từ bắt vào sắt, còn quý thầy thì rít hết ga và đẩy hết sức thì đinh nào chịu được. Đó là những kinh nghiệm vui thật là vui. Ngoài tài khiêng vác, dọn dẹp, quý sư cô còn có tài đóng giấy đen và bỏ bông cách nhiệt (insulation) lên tường, cũng như sơn quét, xây đá, lát đá. Có lẽ nhờ nhỏ người, nhẹ ký, nên có thể biểu hiện như là những “Thiên Thần” trèo cao, cao cách mấy cũng không nao núng sợ hãi, đúng là “tuổi trẻ tài cao”, thật đáng khâm phục, khâm phục.

Bây giờ đã là tháng 6 năm 2013 rồi. Tính ra thì chỉ còn vỏn vẹn chưa tới ba tháng là Sư Ông và Tăng đoàn cũng như khóa tu cho hơn 1000 người đã ghi danh sẽ diễn ra. Cả gia đình tứ chúng lớn nhỏ đều có vẻ lo âu, đặt câu hỏi liệu thiền đường có kịp cho khóa tu không? Trước tình hình đó sư cô Hỷ Nghiêm dẫn đầu một nhóm mấy chị em xung phong người khiêng, kẻ đục cố giúp xây tường đá để mong cho kịp xong. Lúc đầu sư cô còn đưa mắt nhìn mấy ông thợ và hỏi cách xây, nhưng sau vài phút là sư cô một tay cầm bay, tay kia trộn hồ, vừa làm sư cô vừa gọi: “chị em ơi! chồng đá lên, chồng đá lên!” Chỉ trong chốc lát các chị em đã xây xong một khoảng bự, tài không? Mọi người thấy thích thú quá với công việc mới mẻ này, sư cô hỏi vui: Ai mà xây “pro” quá vậy nè? Nghe sư cô hỏi vậy khiến ai cũng không khỏi tức cười. Riêng quý thầy thì chia ra ba bốn nhóm cùng với Uncle Rick làm suốt. Các chú thì tăng cường thêm nhân lực chia hai nhóm làm thêm ca đêm. May quá, có gia đình ba má của thầy Pháp Duệ từ Canada qua phụ giúp, anh Cường từ Atlanta đến giúp chạy điện. Nhiều người góp nhiều bàn tay, nhờ vào năng lượng vừa thực tập vừa làm việc hăng hái, mệt ít vui nhiều nên ai nấy đều nhẹ nhõm và hạnh phúc vì thấy Thiền Đường đang “mọc liền liền” gần xong. Tuần lễ đầu tháng 08, thầy Pháp Huy, thầy Pháp Uyển, sư cô Hỷ Nghiêm và sư cô Xứ Nghiêm đi Canada 10 ngày để phụ khóa tu với đại chúng lớn từ Làng Mai qua. Công việc còn lại nhờ anh Chân Bi Trú và anh Chân Lạc Định chăm sóc, chỉ còn đợi nhà thầu lót gỗ tre cho sàn nhà nữa thì mọi việc ổn định. Sư cô Hỷ Nghiêm mang về từ Canada thư pháp Sư Ông viết đặt tên cho thiền đường là “Hải Triều Lên”. Sư cô cùng chúng tôi tìm đá, dựng đá để sư cô Hải Nghiêm và anh Ngân khắc thư pháp tên chữ thiền đường lên đá. Phải nói, xin nghiêng mình cảm phục trước tấm lòng hy sinh thầm kín của thầy Pháp Tâm, thầy Pháp Nhã và thầy Pháp Lân. Uncle Rick nói “có quý thầy thì việc gì cũng xong”. Quý vị tới để thấy hệ thống âm thanh được dấu kín, không hề thấy một cọng giây nào dù bất cứ ở đâu trên nền nhà. Tất cả hệ thống giây đều bắt ở trong tường, chỉ cần cho mic và loa vào các ổ cắm là phát ra âm thanh, hay quá, nhờ có thầy Pháp Tâm giúp một tay mà công việc bắt điện được gọn đẹp. Xong công việc thiền đường, quý thầy, quý sư cô cùng một số các anh chị bắt đầu tiếp tục cho cổng tam quan. Mọi người giúp buột sắt, dựng cột để đổ xi măng làm trụ đá, ai cũng giúp tranh thủ làm suốt ngày đêm để trụ đá được hoàn thành, sau đó thì tên của tu viện được khắc vào trụ đá. Nghệ thuật của anh Ngân thật khéo léo, anh chỉ cho quý thầy, quý sư cô làm đá nhân tạo mà ai mới nhìn vào cứ nghĩ là đá thật, có vị hỏi sư cô Hỷ Nghiêm mua tảng đá này từ đâu và bao nhiêu tiền, sư cô dí dỏm trả lời là tảng đá này vô giá, bởi nó được mua bằng hơi thở.

Công việc đang tiến hành tốt đẹp ở thiền đường và tháp chuông thì thêm một tin vui nữa tới, đó là tôn tượng Quán Thế Âm cũng vừa chuyển đến từ Việt Nam đúng theo giao ước. Vài ngày sau, một dàn xe cẩu đồ sộ đến dựng tượng lên, vậy không phải “mọc liền” thì gọi là gì?  Còn nữa, chắc quý vị cũng hình dung được và cũng từng thấy qua sự xấu xí của một công trường đang thi công như thế nào chứ? Ấy vậy mà chỉ sau một đêm, xung quanh thiền đường cây cảnh đã được làm xong, các hòn đá được dựng lên và 60 kiện (pallet) cỏ cũng được lót xuống. Sáng thức dậy, ai cũng ngơ ngác vì cứ nghĩ như có một nhà ảo thuật biến hóa, chứ sức người đâu làm như vậy nổi? Vậy đó mà sự thật là vậy, như thế mới có biệt danh “Mọc Liền” chứ. Qua vài ngày sau thêm 70 kiện (pallet) cỏ nữa được lót luôn từ ngoài cổng vào đến tháp chuông.

Cuối cùng công trình xây dựng tại Tu viện Mộc Lan cũng được hoàn thành tốt đẹp. Màu xanh của cỏ làm cho cảnh trí quanh thiền đường và tháp chuông như nổi bật thêm lên. Tứ chúng sẵn sàng nghênh đón Sư Ông và tăng đoàn cũng như thiền sinh đến tham dự khóa tu. Không biết Sư Ông có cảm nhận gì không khi nhìn thấy thiền đường? Nhưng có lẽ Sư Ông cũng vui lắm, Sư ông có dạy: “mình làm rất cực khổ, nhưng khi bao nhiêu người ngồi trong đó, cùng thở với nhau, chế tác năng lượng hỷ lạc, hạnh phúc, thì cũng làm cho mình hạnh phúc”. Và Sư Ông đã viết tặng cho thiền đường “Hải Triều Lên” hai câu đối: “Nhìn trúc mộc lên xanh nghe hải triều lên mấy độ. Thấy mai lan nở rộ nguyện phát túc về siêu phương”

Đúng vậy, mọi người ai cũng tấm tắc khen Tu viện đẹp và cảm thấy rất hạnh phúc. Riêng thầy Pháp Dung thì “sững hồn” và lại thốt lên: “Thiệt tình! đúng Mộc Lan là Mọc Liền không sai” và thầy nở nụ cười thật sảng khoái. Thật không có niềm vui nào bằng khi thấy ai cũng hân hoan tươi mát và hạnh phúc khi bước vào thiền đường. Đến đây, Mộc Lan “Mọc Liền” xin khép lại, vì còn nhiều chuyện lắm, chắc cần tái sinh lại mới kể hết. Xin hẹn lại dịp khác và kết thúc chuyện Mộc Lan bằng bài thơ sau, như là sự biểu hiện của Mộc Lan. Xin chúc nhau năm mới có nhiều an vui trong sự tu học.

Mộc Lan nở đóa Chơn Thường

Đây Mộc Lan bao quanh xanh màu lá

Hoa đầy cành, trái chín khắp lối đi

Dù gian nan, nguy khó chẳng ngại gì

Quyết đồng lòng, chung sức xây tổ ấm

Hải Triều Lên thênh thang trời lồng lộng

Xóm Mai vui nhộn nhịp đón khách về

Bên xóm Trúc náo nức mừng khách tới

Ôi! Vui quá, vượt ngàn dặm sơn khê

Từ khắp chốn người về vui mở hội

Đón trăng Rằm tháng Tám đẹp miền quê

Sao lấp lánh, gió nhẹ quyện lời thề

Tập buông bỏ, ngăn muộn phiền ập tới

Thở vào ra từng bước nhẹ thảnh thơi

Cho tâm trí nhẹ vơi bao khắc khoải

Cho muôn người kết chặt hiểu và thương

Mộc Lan đang nở rộ đóa Chơn Thường

Mời bạn đến thở cười ngát mùi hương.

Xuân Chơn Thường 2014