Hạnh nhỏ
Chân Trăng Mai Thôn
Hôm nay trong lúc đang đi thiền hành cùng Thầy và đại chúng tại xóm Thượng, tôi bỗng nghĩ: “Tại sao mình không ghi lại một chút về các tiểu hạnh (hạnh nhỏ) nhỉ?” Trước nay tôi hay nảy ra ý này ý nọ trong khi ngồi thiền, đi thiền hay đang làm một cái gì đó nhưng ít khi ghi lại. Và sau đó một thời gian, khi muốn ghi lại tôi không tài nào nhớ ra mình đã nghĩ đến đề tài gì. Rút kinh nghiệm, lần này ăn cơm chiều xong là tôi ngồi vào bàn ngay. Vả lại thời gian này là thời gian Ban biên tập lá thư Làng Mai đã bắt đầu “in action” (vào hành động) nên tôi phải chuẩn bị, không để bị “đòi nợ” như mấy lần trước nữa.
Thường thường khi niệm danh hiệu của các vị Bồ tát, người ta hay ca ngợi “đại nguyện” của quý ngài, thí dụ như “Nam mô Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền” mà gần đây Thầy khuyến khích chúng tôi niệm danh hiệu của ngài bằng tiếng Phạn là Samantabhadra. Thầy nói thời bây giờ đâu còn ai nói Nữu Ước nữa mà người ta nói New York, đâu có ai nói Tân Tây Lan nữa, người ta nói New Zealand, vì vậy nên mình cũng nên thực tập niệm tên nguyên thủy của quý Ngài. Chư Bồ tát thì hành đại nguyện, tôi xin phép được chia sẻ một chút cũng về nguyện, nhưng chỉ là… tiểu nguyện mà thôi.
Mùa thu năm ngoái, trong lớp học về các pháp môn thực tập căn bản của Làng Mai, thầy Pháp Đăng có nói rằng mình đừng nên phê phán hành động của người khác vì biết đâu họ đang tu một mật hạnh nào đó mà mình không biết. Câu này đã đánh động tôi rất nhiều, nó giúp tôi bớt phê phán người khác. Tuy nhiên, ý của tôi có nẻo đi đường về quen thuộc của nó nên đôi lúc lợi dụng khi tôi lơ là, mất cảnh giác, nó lại “ngựa quen đường cũ”. Sau một thời gian, tôi nhận ra mình lại phê phán người khác, phê phán chính bản thân mình như cũ. Mỗi lần như vậy, tôi lại học theo cách Thầy đã dạy là nhận diện tâm mình rồi không theo nó nữa. Tuy không phải lúc nào cũng thành công, nghĩa là không phải lúc nào tôi cũng buông nó ngay sau đó, nhưng ít nhất là nó không còn có thể “làm mưa làm gió” trên bề mặt ý thức của tôi như trước đây nữa.
Sau khi nghe bài giảng đó của thầy Pháp Đăng, tôi kín đáo quan sát những người sống chung với tôi xem có ai đang thực tập mật hạnh hay không. Tôi biết mình hơi buồn cười trong chuyện này, bởi vì đã gọi là mật hạnh thì… nó phải bí mật, làm sao mà mình biết được. Nếu người khác biết thì còn gì là “mật” nữa. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn cứ quan sát vì tôi cũng muốn học hỏi để thực tập mật hạnh. Tôi thấy người tu mà thực tập mật hạnh thì hay vô cùng. Giống như ngài La Hầu La được xưng tụng là Tôn giả Mật Hạnh.
Năm nay, trước khi khóa An Cư Kiết Đông bắt đầu, như thường lệ chúng tôi được đổi phòng. Tôi ở một phòng gồm ba sư cô kể cả tôi. Một trong hai sư cô cùng phòng với tôi là một khách tăng vừa mới tới Làng an cư. Vài hôm sau khi dọn vào phòng, một sư chị đến thăm sư cô, mang theo một đôi giày mới tinh. Tôi hỏi thì sư chị nói tặng sư cô để sư cô đi thiền hành. Tôi biết là sư chị mới mua đôi giày này cách đây không lâu nên hỏi: “Rồi sư chị lấy gì để đi?” Sư chị nói sư chị còn một đôi giày cũ. Đối với bạn, có lẽ đây là một việc nhỏ, đâu có gì đặc biệt. Nhưng tôi biết là sư chị tôi cũng như phần lớn các chị em tôi, khi muốn mua một món gì thì phải “bỏ ống” khá lâu mới mua được. Tôi biết là người tặng hạnh phúc mà người nhận cũng rất hạnh phúc vì nó không đơn thuần là một món quà vật chất.
Có một sư cô đi đâu không có nhà thì thôi, hễ có mặt ở nhà là rửa cành, chăm cây, trồng hoa, cắt cỏ, dọn dẹp làm đẹp cho xóm. Sư cô thường phát tâm đến ở nơi nào còn chưa tươm tất trong các khu ni xá để sửa sang, cải thiện tình trạng nơi đó cho các sư em được thoải mái.
Một sư cô khác quanh năm chăm lo khu vườn rau của xóm thật xanh tốt. “Tía tô, rau húng, rau ngò mầu nhiệm”, khi nào cần ăn xuân quyện là có ngay. Sư cô thường hoan hỷ giúp các sư em ở các đội nấu ăn để các sư em có thể ở lại tham gia sinh hoạt vào ngày quán niệm tại các xóm khác khi cần, mà không phải về sớm để nấu ăn. Làng Mai vào mùa Hè, mỗi xóm có ít nhất 250 người trở lên, vì vậy phải nấu đến sáu nồi cơm to với hai thứ cơm, cơm trắng và cơm lứt. Ngày nào có ai nấu nồi to không quen, bị khét hơi đen không ăn được, sư cô thường hay ngâm cơm để rửa phần cháy đi. Rồi sau đó, sư cô dùng cơm này để nấu thành cháo và ăn một cách rất lặng lẽ mà không bắt người khác phải ăn phụ.
Một sư cô lớn tuổi lúc nào cũng sẵn sàng giác hơi cho các sư em bị trúng gió. Khi nào sư cô đi vắng, đại chúng cũng thấy nhớ dáng sư cô ngồi cần cù làm cỏ trên các đường đi của xóm. Khi nào các sư em muốn đãi đại chúng một món ngọt của quê hương, sư cô hoan hỷ giúp nấu một nồi chè.
Một sư chị bỏ ra rất nhiều ngày, nhiều giờ để chỉnh sửa kinh sách cho khớp nhau vì có những sai biệt trong các lần in.
Một sư mẹ vừa đi khóa tu về là thấy khoác ngay một chiếc áo cũ. Chiếc áo này chắc là sư mẹ đã dùng cả hai chục năm rồi. Tôi nhìn sư mẹ và cảm thấy sư mẹ rất hạnh phúc. Theo Sư Ông đi hoằng pháp xa, thường thường sư mẹ phải mặc áo “coi cho được” một chút. Còn ở Làng thì thông thường sư mẹ có hạnh mặc đồ rất cũ. Sư mẹ tiết kiệm của thường trú từng chút một.
Trong một bài pháp thoại, Thầy nói có một sư cô bị hiểu lầm về một việc gì đó nhưng sư cô không hề giải thích. Sư cô chỉ yên lặng, mỉm cười thôi. Hơn mười năm sau, tình cờ Thầy mới biết là sư cô đã bị hiểu lầm.
Còn nhiều, nhiều nữa những hạnh nho nhỏ như vậy mà các huynh đệ của tôi đang thực tập. Tôi chắc rằng ở khắp mọi nơi, ở xóm Thượng, xóm Hạ, Sơn Hạ, Lộc Uyển, Bích Nham… đâu đâu cũng có những người đang thực tập các “mật hạnh” như vậy, nhỏ thôi nhưng giúp làm đẹp cuộc đời hơn biết mấy. Nhỏ thôi nhưng thật sự không nhỏ chút nào.
Mùa Đông năm nay chúng tôi được học Duy Biểu. Thầy dạy chúng tôi về cách thức vận hành của tâm ý. Tương tự như trong một cuộc thực hành giải phẫu khi học về Cơ thể học của sinh viên Y khoa, Thầy mổ xẻ vấn đề thật rốt ráo. Dù Thầy mới cho hai, ba bài pháp thoại thôi nhưng chúng tôi đã được Thầy chỉ cho thấy ngóc ngách, đường đi lối về của tâm ý một cách thật rõ ràng như soi dưới kính hiển vi. Thầy nói tâm ý của chúng ta có một lối mòn mà chúng đi theo. Khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, chúng ta sẽ có những ý nảy ra, theo sau những cảm thọ nhất định. Vì cảm thọ đó chúng ta sẽ có một cái tưởng về người đó. Dựa trên cái tưởng đó, ta sẽ hành động, cư xử với người đó một cách tương ứng. Và hễ sau này tiếp xúc lại với đối tượng đó, ta sẽ có phản ứng tương tự, trăm lần như một. Đôi lúc tôi thấy Thầy nói sao trúng tim đen của mình quá. Hơi quê, tôi kín đáo nhìn quanh, hình như cũng có vài người, không, khá đông người cũng có vẻ mặt hơi … quê quê như mình. Chắc là họ cũng đang cảm thấy bị Thầy nói trúng tim đen. Tôi hơi yên tâm trở lại.
Ở Làng vui lắm, khi nào bạn thấy có nhiều của cải quá thì bạn buông bỏ bớt để cho người khác dùng. Sự thực tập buông bỏ này có thể xảy ra một cách tự nguyện bất cứ lúc nào trong năm. Đó là nói về mặt vật chất. Bạn cũng có thể buông bỏ về mặt tinh thần nữa. Thí dụ như bạn muốn buông bỏ một tập khí nào đó chẳng hạn. Mỗi năm một lần, trước khi An Cư Kiết Đông, bạn sẽ được khuyến khích buông bỏ cho thân tâm nhẹ nhàng, sẵn sàng bước vào An cư cho thanh tịnh. Hôm qua, tôi đang dùng một cây viết “xịn” mà tôi không hề biết giá trị của nó. Bởi vì cây viết này đã được ai đó buông bỏ và tôi lượm được. Một sư chị thấy tôi dùng cây viết đó và sư chị biết giá trị của nó nên sư chị hỏi xin để dùng cho chúng. Nếu như tôi không biết giá trị của nó thì chắc tôi đã không ngần ngại đưa tặng sư chị ngay, nhưng vì sư chị vừa mới cho tôi biết giá trị của nó nên tôi hơi ngần ngại. Chỉ một vài giây thôi. Chắc sư chị không nhận ra (tôi mong là sư chị không nhận ra). Và tôi biết là ý của mình đang đi theo một con đường mòn cũ rích mà nó đã đi suốt mấy chục năm qua, đó là hễ cái gì mình thích, cái gì mình nghĩ là có giá trị thì mình muốn giữ. May thay, khi ấy hình ảnh sư chị hiện ra trong tâm tôi. Đó là hình ảnh sư chị tôi cầm đôi giày mới tinh trên tay đến tặng cho sư cô để sư cô đi thiền hành và sư chị thì đi đôi giày cũ. Khi hình ảnh đó hiện ra, tôi biết là mình đang được yểm trợ. Tôi biết là ý của mình lần này không có cơ hội để đi theo con đường cũ nữa rồi. Tôi thật cảm ơn sư chị.
Vậy đó, bạn đâu thể biết được một hạnh nhỏ mà bạn đang hành trì có thể giúp người khác như thế nào có phải không?