Góc nhỏ bình yên
Chân Thoại Nghiêm
Đầu năm
Đêm Giao Thừa, dự lễ về khuya, tôi chỉ muốn viết ít hàng nên mở laptop… khai bút, khỏi nến, khỏi nhang, nhưng lòng rất vui. Tôi vừa gọi điện thoại về nhà thăm hỏi và chúc Tết ba mẹ tôi xong. Trong khi những người bạn của ba tôi có người đã mất, có người phải đi lọc thận, tôi rất hạnh phúc khi ba mẹ tôi vẫn còn đó và còn đủ sức khỏe. Vì vậy tôi sẽ vẫn còn được ở Làng thêm mà chưa phải về nhà liền. Và tôi có thể ung dung chúc mình và mọi người trong năm mới có chí tu học vững bền, sức khỏe đầy đủ (không thể mong ước “luôn luôn khỏe mạnh” được vì đó là điều không tưởng), có trí tuệ hơn và có nhiều khả năng để hoằng pháp hơn. Ngày xưa tôi hay chúc mình có bình an, bây giờ thấy tạm đủ xài rồi nên mới dám chúc về chuyện hoằng pháp, mà muốn hoằng pháp được thì phải có trí tuệ, thế đấy! Tôi làm biếng hoằng pháp vì thấy mình chưa đủ trí tuệ, nhưng biết đến bao giờ mới là đủ kia chứ? Mà không hoằng pháp thì sẽ thành con… bất hiếu, phải không bạn hiền?
Còn Thầy, con biết chúc Thầy chi đây? Có lẽ là chúc Thầy có sức khỏe chứ Thầy đâu cần gì khác. Và chúc Thầy luôn có mặt đó cho con như con có mặt cho Thầy.
Mồng 3 Tết – Hội chợ ở xóm Mới như mọi năm
Tôi xí xọn làm bốn món gỏi có bốn màu nên đặt tên là gỏi bốn mùa: màu trắng cho mùa Đông (ngó sen), màu xanh cho mùa Hè (phổ tai, dưa leo), màu vàng cho mùa Thu (xoài), màu cam cho mùa Xuân (bí, gừng). Ăn không tệ, nhìn cũng thấy hấp dẫn, nên đắt hàng quá trời. Các sư em vào bán phụ, tôi mừng quá được đi chơi lòng vòng, ăn hàng ở quán khác và cả buổi chiều cũng rảnh để đi thăm đủ mọi phòng, tối mới về lo tiếp khách. Đến 10 giờ khuya thì hết chịu nổi, mặc kệ các sư em còn hát hò ở tầng dưới, tôi leo lên gác trên chui vào mền trốn khách. Ai siêng năng leo lên gác thấy một đống mền cũng nhẹ nhẹ đi xuống, còn tôi rúc đầu trong chăn cười toe.
Hôm sau, phiên tôi đem cơm qua cho Thầy, tôi kể chuyện Tết. Tưởng kể cho vui không ngờ Thầy nhớ lâu. Mấy ngày sau nữa ra cốc Ngồi Yên để trình Thầy diễn tiến chuyện tổ chức chuyến đi Đại Hàn, Thầy chọc: “Cứ tưởng mấy sư mẹ là không biết mệt nhưng cũng có người phải chun vào mền trốn.” Ôi, tôi quê quá, chỉ biết cười, nhưng hạnh phúc.
Cảm xúc xa xưa
Tháng Hai, khóa tu xuất sĩ thật bình an. Chúng tôi dọn lên xóm Thượng ở hết. Mỗi sáng đi bộ từ cư xá Linden lên thiền đường, ánh sáng của những ngọn đèn hai bên đường đi làm tôi nhớ quá mỗi sáng đi lên thiền đường Cánh Đại Bàng, băng qua đồi thông và khi gần tới thiền đường thì cũng đi dưới ánh sáng của những ngọn đèn như vậy. Mà có lẽ không phải chỉ vì con đường mà vì sự im lặng đầy hùng tráng của những tà áo nâu đang đi về một hướng gợi nhớ cảm xúc xa xưa. Trong vòng tròn be-in, nghe tiếng hát khỏe và trong trẻo của Tích Nghiêm với những bài hát quen thuộc đã từng nghe ở Bát Nhã, tôi chợt thấy lòng mình trầm xuống. Vốn dĩ từ khi bắt đầu khóa tu, buổi sáng đi ngồi thiền, tôi đã nhớ Bát Nhã. Khi sư em Tích Nghiêm được Thầy gọi lên ngồi gần để hát, tôi chợt nhớ mới năm nào báo tin cho Thầy biết có thêm các em người dân tộc vào xuất gia, Thầy vui lắm và cứ muốn tôi gởi các em sang Pháp, nhưng lúc đó các em còn nhỏ quá, tiếng Kinh còn chưa rành, Bát Nhã đã là một nơi quá khác lạ với buôn làng các em rồi… Bây giờ, đã tám năm, em lớn lên, chững chạc, lưu loát. Nhớ lúc đó, sư em Doãn Nghiêm mỗi chiều còn đút thuốc cho các em như… chơi búp bê. Ôi, Bát Nhã là một huyền thoại đẹp mỗi khi nhớ về nơi ấy. Tuổi thơ êm đềm nào cũng phải qua đi, dù có xảy ra sóng gió hay không nên có gì để luyến tiếc.
Thầy thăm Nhật Nguyệt thất
25/2, Khóa tu chấm dứt, được về lại xóm tôi, hạnh phúc chi lạ. Chui vào chăn, trên chiếc giường và quang cảnh thân thuộc, tôi đánh một giấc quá ngon. Sáng nay mở mắt thấy tuyết rơi trắng xóa, tôi choàng dậy, khoác áo ấm đi thăm vườn và thưởng thức tuyết. Đang đem mấy chậu hoa vào trong nhà để tránh tuyết, tôi vừa nghĩ bụng tuyết đẹp thế này mà Thầy không qua thì uổng, liền nghe các em xì xào Thầy tới. Tôi mỉm cười, vào ăn sáng cho chắc bụng xong rồi vào thiền đường thăm Thầy, và cùng các sư em theo Thầy lên đồi mận. Đi theo bước chân Thầy, tuyết trắng dưới đất, bông tuyết lất phất, cái lạnh thật dễ chịu và cảm giác thật bình an. Tôi vừa về lại phòng học thì các sư em thị giả báo tin Thầy lên Nhật Nguyệt thất vì phòng Thầy đang sửa lò sưởi nên không dùng được. Thầy hỏi có chỗ nào có lò sưởi và dĩ nhiên phòng tôi trúng số độc đắc. Thế là chị em tôi đốt lò, thầy trò ngồi chơi uống trà, ăn mứt gừng, nói chuyện rất vui. Cả nhà kéo lên ngồi chơi với Thầy, vòng trong vòng ngoài nên giống ăn Tết ghê. Tôi cười, năm nay Nhật Nguyệt Thất hên quá rồi. Tới trưa Thầy ở lại dùng cơm với mọi người. Ôi, xóm Mới ai cũng hạnh phúc. Buổi tối ở văn phòng chùa bước ra, bỗng tôi thấy trăng rất sáng, vàng tươi, tôi lặng đi một chút. Có những cái đẹp đến bất chợt, lam tôi nhớ Thầy có nhắc đến đêm Rằm nguyên tiêu, rằm tháng Giêng. Trăng có mặt đó cho tôi, mà tôi, tôi có mặt cho trăng không?
Ăn hết cơm Thầy
Đầu tháng Ba, có một ngày các sư em thị giả bảo Thầy nhắn tôi qua Sơn Cốc lấy thư pháp để làm quà cho Đại Hàn. Thầy đang ngồi viết thư pháp bên Phương Khê, thấy tôi qua Thầy chỉ cho tôi xem những tấm calligraphy mới viết. Thầy tiếp tục viết, trò lấy đi phơi. Các sư em thì xếp những tấm thư pháp đã khô mực lại, không khí đầm ấm. Sau đó mấy chị em được đi thiền hành với Thầy cả buổi sáng. Được một lúc Thầy dừng lại và ngồi ở võng, hai sư em Hạnh Lý và Phương Nghiêm ngồi đưa võng. Tôi bó gối ngồi gần. Có tiếng chim đâu đó trong vườn. Có tiếng gió rất nhẹ thoảng qua. Thầy đang có mặt đó với học trò. Những giờ phút được gần Thầy sao mà bình an đến lạ. Đến trưa chúng được mời ở lại ăn cơm, vì Thầy ép nên chúng tôi ăn hết cơm của Thầy luôn. Thầy cười hiền: “Thị giả nấu cơm sẽ vui lắm!”
Những ngày ở Thái
Những bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi châu Á rồi cũng phải xong. Cuối tháng Ba, chúng tôi về tới đất mới. Cư xá khang trang. Các sư em mừng rỡ. Tôi gặp lại những khuôn mặt thân thương ngày nào. Buổi tối đi ngủ khí trời thật mát. Đó là một hạnh phúc ở xứ nóng Thái Lan. Giữa đêm tôi phải kéo chăn lên đắp và ngủ ngon lành tới 4 giờ sáng mới dậy. Trời còn tối nhưng trăng rất sáng. Tôi thay đồ và đi dạo một mình; nghe tiếng cắc kè kêu, tiếng côn trùng, tiếng gà gáy sáng lẫn tiếng tụng kinh của các thầy tu trên núi. Buổi sáng mộc mạc và đầy sự sống. Trời còn tối quá nên tôi xuống bếp phụ một chút, chờ khi sáng tỏ mới lò dò đi thăm các nơi. Cốc Thầy đang xây, chỉ mới có cái sườn gỗ hai tầng dựa vào vách núi nhưng địa thế rất đẹp. Tăng xá các thầy ở phía đất trên cao, có sẵn cây me, vườn xoài và một vườn rau tươi tốt. Ni xá các sư cô nằm ở đồng không mông quạnh, chưa có cây cối gì hết nên trông có vẻ khô khan hơn.
Ngày đầu ở Làng Mai Thái Lan, tôi chưa thăm hết mọi nơi. Nghe tin có xe về nhà bác Bôn Lư, tôi xin đi theo vì… được ngồi ở thùng xe. Ở Mỹ dễ gì có chuyện này! Tôi thấy mình cũng còn ham vui thật. Ôi, ngồi đàng sau vui nhưng hưởng bụi khiếp luôn vì xe phải chạy qua những con đường đất bụi tung mù mịt. Những vườn hoa nhà bác Bôn Lư còn dở dang, vườn rau của các sư cô đang chết khô vì không ai tưới (mọi người dọn hết lên đất mới rồi), tôi thấy tội tội. Sau đó tôi tung tăng đi thăm cả vườn và hái trái cây. Mùa này không còn gì nhiều. Ổi thì sâu. Đào thì sống. Sư cô Hạnh Nghĩa khều cho tôi mấy trái dừa tươi uống bù. Tôi bị muỗi và kiến cắn tơi tả, nhưng vẫn vui. Tôi hái được mấy trái xoài xanh làm gỏi xoài và hái rau lang để luộc. Bữa cơm trưa đơn sơ mà ngon lạ lùng nhờ rau tươi.
Ngày hôm sau, chưa có thời khóa, tôi đi với sư cô Hạnh Liên mua cây ăn trái về trồng quanh cư xá II cho ni xá xanh tươi hơn. Chị em tôi đi cả ngày, nóng chi là nóng, nhưng mà vui. Tôi hứa sẽ đi xin tiền để mua thêm cây. Sư chị Tịnh Nghiêm từ Lộc Uyển qua cúng dường một cây xoài có trái sẵn, trái chưa chín nhưng đong đưa trong gió, ai nhìn thấy cũng .. tác ý hết.
Trừ ngày phải đi lên Bangkok dự pháp thoại cho giới chính trị gia, sáng nào chúng tôi cũng được đi thiền hành với Thầy ở đất mới. Tôi hạnh phúc vô cùng khi thấy đôi chân của mình còn khả năng đi theo Thầy khắp mọi nơi chứ không phải ngồi ì một chỗ như chuyến đi Á châu hai năm trước. Ngày nào cũng vậy, khi đi đến chân núi, thầy trò trải chiếu ngồi thiền, ngồi thật yên và lắng nghe tiếng chim ríu rít trên cao. Nhiều loại chim lắm, có khi có cả tiếng chim vang xa trong rừng. Tôi nhắm mắt, nghe gió nhẹ thoảng qua, rõ ràng là “nghe như có tiếng đất trời gọi nhau” (thơ Thầy đó).
Tôi ở cư xá II, nghĩa là xa nhà ăn nhất, nên có cơ hội đi bộ nhiều. Đi bộ thì tôi không sợ nhưng sợ cái nóng nung người khi băng qua bãi đất trống chỉ toàn đá. Nên tôi tích cực đi mua hoa để làm con đường hoa Bằng Lăng và hoa Phượng như ý muốn các sư em. Mà cây phượng lớn rất nhanh. Mỗi lần đi khóa tu về, tôi lại thấy nó cao thêm một chút, tàng lá xanh mát thấy thương. Chắc hai năm nữa về lại Thái thì cây cao hơn đầu tôi rồi. Ở đây tôi còn một hạnh phúc nữa là ngắm mặt trời lặn và mặt trăng lên giữa hai dãy núi mỗi chiều. Cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt, gió thổi mát rượi, không gian bao la, tôi thấy mình giàu có quá chừng chừng.
Ngày 01/4, Thầy dẫn cả chúng đi chùa Thái “hàng xóm”. Mọi người dậy từ 4 giờ 30 và bới cơm sáng. Chúng tôi khá xa, khoảng 1 tiếng 10 phút thì có xe đến đưa Thầy lên tiếp vì chùa ở trên cao. Thầy từ chối ngồi xe du lịch dành cho mình và trèo lên xe thùng như xe lam chở đại chúng. Ai cũng cười hạnh phúc. Tôi lọt vào nhóm người đi kế Thầy nên cũng leo được lên xe. Tới chùa, thầy trò đi bộ quanh quanh thì thầy trụ trì đến và mở cửa chánh điện. Thầy trò vào lạy Bụt, xong thầy trụ trì lạy Thầy, rồi đại chúng đảnh lễ thầy trụ trì. Chùa nhỏ, nhưng ở trên cao nên thoáng. Thầy trụ trì dẫn đại chúng ra hồ để mọi người ngồi chơi và ăn sáng. Sau đó chúng tôi đi thăm hang động của chùa. Chùa có ba cái hang nhưng một cái chưa khai phá xong, vào sợ không đủ oxy nên đại chúng chỉ đi thăm hai hang động còn lại. Ở đây dơi ở trong động rất nhiều, nghe nói gần “chùa mình” có động dơi cả ngàn con. Còn ở đây, có một hang cũng đầy dơi, chúng đập cánh loạn xạ khi có ánh đèn chiếu vào. Từ hang thứ nhất qua hang thứ hai phải khom lưng đi rất sát mà đoạn đường có phải là ngắn đâu. Tôi mừng là cái lưng của mình sau tai nạn đã có khả năng cúi thấp như vậy để đi theo mọi người. Nhưng cái tính lí lắc không chừa, tôi cười khi nghe Thầy nói: “Linh đan đổi cốt mới ra về.” Tôi sắp đổi cốt thành lưng bà ngoại rồi. Tới hang thứ hai, Thầy trải chiếu ngồi trước chỗ có tượng Bụt nhập Niết bàn, nghe nói đây là chỗ các thầy trong chùa an cư và ngồi thiền khi trời nóng quá. Thầy cười và cứ hỏi thăm xem ông Pritam có tới chưa và làm sao ông chui được qua cái đường hầm như vậy.
Tháng tư, Khóa tu ở MCU diễn ra như thường lệ. Khóa tu vừa xong, buổi chiều tôi tháp tùng theo hai sư em Trai Nghiêm và Linh Sơn đi lấy khung hình cho thư pháp, sau đó ghé thăm thủ đô cũ của Thái nay đã hoang tàn sau những lần bị người Burma cướp phá. Chỉ còn chùa tháp hoang sơ, tượng Bụt bị bể tay, không có đầu, rất hoang phế. Họ đã lấy hết lớp vàng phủ bên ngoài và đốt tượng nên tội lắm. Đây là một di tích lịch sử của Thái, gần MCU như vậy mà đi Thái bao nhiêu lần rồi, tôi không hề biết để tới thăm. Không biết Thầy đã đi chỗ này chưa?
Những ngày ở Thái qua nhanh với khóa tu xuất sĩ, khóa tu người Việt, khóa tu người Thái. Trong khóa tu người Việt, tôi được gặp lại dì mình, gặp lại một người bà con cả ba mươi mấy năm bặt tin từ khi tôi rời nước, gặp lại các chú, các cô Tiếp Hiện, các Sư bà, các Hòa thượng, Thượng tọa. Đúng là có trung tâm Làng Mai Thái Lan tôi không còn phải về Việt Nam mới gặp được mọi người. Cả tháng trời ở Thái, tôi có nhiều dịp chơi với các sư em đến từ Việt Nam và ở Thái. Các sư em Trăng nhiều quá, tôi đi ra đi vô hỏi tên mà cứ quên miết thôi. Nhìn em nào cũng thấy quen, mà cứ kêu lộn tên. Các sư em cười tôi quá xá.
Chuyến đi Hàn Quốc
Tôi rời Thái trước mọi người, đi Đại Hàn sớm để làm tiền trạm với hai sư em Tuệ Nghiêm và Pháp Công.
Chuyến bay chỉ có 6 tiếng nhưng tôi mất ngủ nguyên đêm. Tới nơi, tôi mệt đừ. Tuy nhiên mùa Xuân ở Đại Hàn thật đẹp. Hoa Đỗ Quyên nở đầy hai bên đường. Những cây phong lá đỏ chen sắc với những cây khác đầy lá non xanh. Chúng tôi được ban tổ chức đón về trụ sở của họ để ăn trưa rồi đi chợ để chuẩn bị đón tiếp phái đoàn. Tôi chuẩn bị phòng cho tăng thân và chất đầy đồ ăn nấu cho Thầy trong tủ lạnh. Mọi người được ở chung nơi khu cư trú của thiền sinh, riêng Thầy và thị giả thì ở lầu khác, ở trên Tăng xá của các thầy thường trú nhưng trong khu vực dành riêng cho thầy Pháp Chủ.
Hôm sau, chúng tôi theo Thầy đi đảnh lễ ở văn phòng Tổng hội giáo phái Tào Khê rồi vào phòng họp báo. Sau buổi họp báo, cả phái đoàn được dẫn đi ăn ở một tiệm chay mà mười năm trước Thầy đã đi, cũng ở gần đó. Tiệm ăn có phong cách rất đặc biệt, rất Đại Hàn và rất chùa vì chủ quán nguyên trước đây là tu sĩ. Ai cũng hạnh phúc quá chừng.
Ngày kế đến, phái đoàn đi thăm đài truyền hình Phật Giáo và dự buổi phỏng vấn của Thầy. Thầy hơi mệt và sau buổi phỏng vấn còn phải đi lên chùa Woljinsa để bắt đầu khóa tu hôm sau. Thời khóa sít sao quá nên ban tổ chức phía Làng Mai phải bỏ buổi phỏng vấn của Thầy để đi trước từ sáng sớm. Chúng tôi ăn trưa trên xe buýt. Tới nơi vừa ổn định chỗ ở là chúng tôi đi họp liền cho khóa tu. Các tình nguyện viên làm thông dịch viên nói tiếng Anh rất yếu, nhưng đành vậy, còn hơn… không có ai. Chùa đẹp, ở trên núi nên yên tịnh và thoáng mát. Thiền đường, nơi các sư cô cư trú, có sưởi dưới sàn nên chúng tôi ngủ rất ngon (trừ đêm đầu tiên bị mất ngủ vì quên tắt cái đồng hồ mỗi 15 phút gõ chuông một lần). Tôi nằm mơ thấy dì Năm tôi. Tôi ít khi ngủ mơ thấy ai vì tàng thức tôi cũng làm biếng lắm. Tôi biết dì tôi đang nằm bịnh viện. Sáng ra mượn được máy để mở mail, tôi hay tin dì mất tối hôm qua ở Mỹ. Trong vòng ba tháng tôi được tin hai người thân của mình không còn nữa. Hôm tháng Ba, khi đi Thái, tôi nhận tin là cô bạn thân nhất từ thời mẫu giáo ở Việt Nam qua đời. Bởi vậy nói gì đến tuổi của ba má tôi, vô thường là chuyện hàng ngày và cho bất cứ ai. Tôi đi thiền hành. Núi đồi vào Xuân đang tràn dâng sức sống mãnh liệt. Tôi đi cho những người không còn đi được nữa và đi cho chính mình. Chưa bao giờ tôi thấy thấm thía lòng biết ơn Bụt, ơn Thầy đến thế.
Khóa tu chấm dứt. Hôm sau là khóa tu cho xuất sĩ ở trường Đại học Phật giáo. Không đủ chỗ ở nên chúng tôi sáng đi tối về. Xe vừa lên tới nơi chúng tôi thấy khoảng 500 thầy và sư cô đắp y vàng tề chỉnh đứng chờ trông rất khí thế. Ai cũng trắng trẻo, cao lớn, tướng tá rất oai phong. Tôi không ngăn được sự so sánh khôi hài: “Người Hàn vốn có nước da đẹp, còn chúng tôi thì mặn mà nắng Thái Lan; họ cao lớn như Tây phương, còn chúng tôi thì thanh cảnh nhỏ xíu; họ mặc đồ lam kiểu áo tu sĩ Đại Hàn phồng ra, còn chúng tôi mặc đồ nâu sát người.” Ôi, cái gì cũng tương phản, chỉ có cái đầu là giống nhau. Và nhóm áo nâu chỉ có mấy chục người lại đi hướng dẫn cho nhóm áo lam mấy trăm người. Thầy dạy mấy điều rồi dẫn đại chúng đi thiền hành liền. Ngày đầu mọi người sinh hoạt còn dè dặt, giờ pháp đàm cũng chưa cởi mở lắm. Hai sư cô thông dịch trong nhóm tôi mới học tiếng Anh có hai tháng, hỗ trợ nhau dịch với cái máy iTouch. Sau buổi giảng thứ hai thì không khí đã bắt đầu có sự thân tình. Các thầy và các sư cô trong nhóm pháp đàm của tôi đã chia sẻ nhiều hơn và cũng đặt nhiều câu hỏi hơn. Nhưng đỉnh điểm là giờ “workshop” (chia ra nhóm nhỏ theo chủ đề để trình bày và học hỏi thêm) vào buổi chiều. Sau giờ ăn, mọi người kéo đến ngồi với nhau rất tự nhiên trên cái sân rộng hát hò và khi thầy viện phó ra thông báo tới giờ workshop, ai cũng muốn nó thành giờ “play-shop” (play có nghĩa là chơi). Thế là ngay giữa sân trường tự động hình thành một buổi be-in rất giàu có, phong phú và đầy tình huynh đệ. Chắc đây là lần đầu tiên mà các thầy và các sư cô Đại Hàn ngồi chung với nhau như sinh viên đại học ngoài sân trường vì khi đi ăn, đi đổi lớp họ đều có những lối đi riêng biệt chứ không đi chung. Ôi, buổi be-in đó vui cực kỳ, ai cũng cười nghiêng ngửa. Cứ phía Làng Mai ra trình diễn một màn thì tới phía Đại Hàn đáp lễ một màn. Nhiều màn trình diễn rất hay. Thậm chí có sư cô Đại Hàn làm hoạt náo viên cũng rất là chuyên nghiệp. Khoảng cách giữa Làng Mai và các thầy cô Đại Hàn như rút lại rất ngắn. Tôi thấy rất rõ tình thân được xây dựng rất nhanh, nhanh đến không ngờ.
Ngày thứ hai 9/5 và cũng là ngày cuối. Giờ vấn đáp thật hay. Thầy mệt mà dạy kỹ ghê. Khi chia tay ra về, ai cũng bịn rịn. Thầy viện chủ Misan nói là lúc đầu thầy rất kinh ngạc vì quen với nguyên tắc và kỷ luật, nhưng thầy đã học được sự uyển chuyển khi thấy work-shop thành play-shop mà cũng rất thành công, thầy bảo thầy cũng muốn hát nhưng chẳng thấy ai mời. Thế là học tăng vỗ tay ầm ĩ, yêu cầu thầy hát và thầy… hát thiệt. Ai cũng vui hết. Và có lẽ đây là lần đầu tiên thầy hát trước học tăng như vậy.
Busan
Xong khóa tu, chúng tôi lên xe buýt đi thẳng về miền Nam, tới thành phố Phủ Sơn (Busan). Thầy và ban thị giả đã bay tới trước và ở nơi khác, còn chúng tôi tới ở chùa Hoằng Pháp (Hongbeopsa) là chùa lúc đầu mời Sư Ông cho pháp thoại với thính chúng 10,000 người. Sau đó vì tầm quan trọng của chùa cổ Phạm Ngư (Beomosa) vốn là trụ sở của giáo phái Tào Khê tại Busan nên họ nhường cho Phạm Ngư Cổ Tự tổ chức buổi thuyết pháp, nhưng xin được đón tiếp tăng đoàn. Tới chùa là quá 10 giờ khuya. Thấy thầy trụ trì đắp y đứng chờ với Phật tử dưới mưa mà chúng tôi hết hồn. Thầy trụ trì đích thân dẫn đại chúng lên phòng. Mỗi phòng dành cho hai người, có toilet riêng, có mền chiếu trải sẵn dưới sàn kiểu Đại Hàn. Thầy rất cởi mở và hiếu khách. Thầy dành hẳn phòng uống trà làm phòng sinh hoạt chung cho đại chúng và vui nhất là thầy chất đầy bánh trái, thức uống đủ loại cả một góc phòng để chúng tôi sử dụng, trông vào như một gian hàng tạp hóa nhỏ. Thấy mắt mọi người sáng lên ngạc nhiên, thầy ngồi cười hỉ hả ở bàn trà. Chúng tôi ai cũng cảm động và thấy ấm áp vì sự chăm sóc của thầy.
Hôm sau chúng tôi được ăn sáng với đủ thứ đồ ăn lạ, ai cũng hạnh phúc hết. Ăn sáng xong, thầy trụ trì hỏi chúng tôi muốn gặp các chú điệu không. Dĩ nhiên là chúng tôi hào hứng gật đầu. Một đoàn mười lăm chú khoảng năm, sáu tuổi, đĩnh ngộ, lí lắc ùa vào. Các chú đứng chào rồi thầy bảo tụng kinh cho chúng tôi nghe. Ôi chao, tụng kinh mà có người thì đứng một chân, người thì dụi mắt, người thì thúc kẻ đứng bên cạnh, chú thì bịt miệng bạn, chú thì tròn mắt, chú thì nhắm mắt há mồm, đủ kiểu làm chúng tôi ôm bụng cười quá chừng. Các chú hồn nhiên và nghịch ngợm một cách hạnh phúc. Các chú chỉ cạo đầu tập làm tu sĩ có 21 ngày trong thời gian lễ Phật Đản thôi. Những người tình nguyện chăm sóc các chú chắc mệt đừ. Đây là lần thứ 8 chùa có nhóm điệu như vậy. Pink, cô cư sĩ trong ban tổ chức và là thông dịch viên của chúng tôi, quê ở Phủ Sơn, là người chính chăm sóc mấy chú những đợt đầu nên rất biết cách nói chuyện với các điệu. Thầy cũng thương và gần gũi với các chú điệu thiên thần này nên các điệu quý, ôm thầy làm nũng rất dễ thương.
Sau đó chúng tôi theo đúng phép đắp y lên chánh điện đảnh lễ thầy trụ trì rồi xuống dùng cơm trưa để còn qua chùa Phạm Ngư dự pháp thoại của Thầy. Nghe tin Thầy không khỏe ai cũng lo quá chừng. Nhưng cách tốt nhất để yểm trợ Thầy là việc mình, mình phải lo cho đàng hoàng, dù là đã có kế hoạch thay thế phòng khi Thầy không tới được.
Chùa Phạm Ngư là một ngôi cổ tự ở trên núi cao. Chùa rất đẹp và người đã tới đông nghẹt. Nhìn quanh thì chỉ khoảng 3,000 người nhưng khi tôi hỏi Emi thì mới biết còn ba tầng khác từ dưới núi lên và có dựng màn hình rộng để mọi người đều có thể xem. Tôi nhờ sư em Trời Độ Lượng đi chụp hình các nơi đó thì số người có thể lên đến 13,000 người. Họ đứng nghẹt các phòng quanh khoảng đất làm hội trường chờ đợi. Còn chúng tôi cũng lo Thầy không ra được, vì nghe nói tới giờ phải ra xe mà Thầy cũng vẫn còn rất yếu. Tới giờ thuyết pháp vẫn chưa thấy Thầy đâu, thầy Pháp Ứng bắt đầu nói ít lời về đức Bồ tát Lắng Nghe Quan Thế Âm và khi chúng tôi chuẩn bị niệm danh hiệu Ngài thì Thầy xuất hiện. Nhìn Thầy ốm và xanh, người nào cũng xót xa trong lòng và lo lắng. Niệm Quan Âm mà sư cô Mai Nghiêm nước mắt chảy dài, sư cô Giác Nghiêm thì chắp hai tay thành khẩn như đang nguyện đức Bồ tát phù hộ cho Thầy. Tôi thì… căng thẳng vì không biết làm cách nào để chắn gió cho Thầy đừng bị trúng gió. May sao mấy người cư sĩ kéo một tấm bình phong ra và họ đứng đàng sau để giữ cho tấm bình phong được đứng vững trước những cơn gió núi.
Và mầu nhiệm thay, chắc chư Tổ Đại Hàn gia hộ nên Thầy cất tiếng được, dạy gần một tiếng, chậm rãi, tập trung, chính xác, trả lời đúng vào vấn đề các thầy Đại Hàn đã thỉnh ý lúc mới đón Thầy về việc cầu nguyện hòa bình cho Nam-Bắc Hàn. Chỉ không biết họ có làm được không thôi.
Trên đường xuống núi, đoàn được đi bằng xe còn người nghe phải đi bộ vì chùa không cho đem xe lên núi. Con đường xuống núi dài trên cây số mà người người lũ lượt đi như một dòng sông cuồn cuộn chảy thật dài, xe xuống tới chân núi mà vẫn đông nghịt người. Nên con số trên 10,000 người là chắc chắn nhưng không ai có thể biết đích xác là trên tới bao nhiêu ngàn. Ban tổ chức bảo những buổi lễ bình thường là 10,000 người nhưng số lượng này đông hơn rất nhiều. Sau pháp thoại Thầy về lại chỗ nghỉ ngơi vì quá yếu không bay về Seoul liền được như dự định. Chúng tôi thì về lại chùa Hoằng Pháp và tròn mắt khi thấy một buổi tiệc với 21 món được bày sẵn trong phòng ăn. Nhiều món thật là lạ và ngon. Chắc kỳ này tôi phải thêm vài kí là ít. Sự hiếu khách và tài nấu nướng của các bác Phật tử chùa Hoằng Pháp không thể nào quên được. Còn cái phòng sinh hoạt chất đầy thức ăn nhưng chúng tôi không có giờ và cũng không đủ bụng để ăn thêm.
Hôm sau không có thời khóa. Chúng tôi chia tay thầy trụ trì và các chú điệu dễ thương, đi thăm biển rồi xuống thăm chùa thầy Trí Huyền. Biển đẹp mà lạnh buốt. Chùa thầy Trí Huyền ở ngược hướng về lại Busan nhưng phải đi thăm thôi vì thầy quá dễ thương. Từ mười năm nay, sau chuyến viếng thăm Đại Hàn của Thầy lần trước, mỗi năm thầy đều gởi rong biển về Làng cúng dường cho Thầy và đại chúng. Chùa thầy Trí Huyền nhỏ thôi, nhưng lòng thầy rất lớn. Đại chúng được ăn trưa, gói thêm một mớ bánh trái (thân tình như trong nhà) rồi về thẳng Seoul cho kịp xem lễ hội lồng đèn. Mấy em trẻ trong ban tổ chức thật tháo vát, nghe nói đại chúng thích ăn pizza là đặt đem lên xe luôn cho kịp giờ và mọi người đều hạnh phúc sau mấy ngày ăn kim chi và sushi (là thực đơn không thay đổi mỗi khi phải ăn trên đường đi).
Buổi tối khi về tới Seoul, lễ hội đã bắt đầu. Người đứng xem đông nghịt. Tuy nhiên cuối cùng chúng tôi cũng kiếm được ghế ngồi xem. Lễ hội rước đèn này thật là đẹp và hoành tráng. Mỗi đơn vị, mỗi chùa có một loại lồng đèn khác nhau. Đa phần mặc y phục truyền thống rực rỡ, ai cũng tươi cười. Có chùa thì quý thầy đắp y cầm đèn đi trước, Phật tử cầm đèn đi sau. Có đơn vị thì vừa đi vừa múa. Xe hoa thì quá sức quy mô, có xe như một cái lồng đèn lớnc có xe chở Bụt, có xe làm hình con rồng phun lửa thật. Đài Truyền Hình Phật Giáo có màn hình trực tuyến lớn ngay trên đường. Họ phỏng vấn thầy Pháp Lai và giới thiệu có Làng Mai tới xem. Lúc đầu ở Trung tâm Thiền viện Quốc Tế có gợi ý mình cùng tham dự rước đèn với họ nhưng nếu tham dự rước đèn thì không thể thấy được đèn của các chùa khác nên chúng tôi chọn… làm khán giả. Nhưng tới chiếc xe hoa chót đi qua thì mọi người, khán giả ở hai bên đường, kéo xuống lòng đường đi theo rất rộn ràng, hớn hở. Thật là một buổi lễ đáng coi. Emi hứa sẽ đưa phim quay buổi lễ đó cho Sư cô Chân Không xem lại vì Sư cô không tham dự được.
Tối về lại Trung tâm, nghe tin Thầy khỏe hơn, ai cũng mừng.
Mây và núi trong nhau
Chùa Liên Trì, giữa tháng năm
Nơi này cao nên mây phủ núi ngày đêm. Buổi sáng thức dậy, có mây vào tận giường thăm. Khung cửa sổ nhỏ mà có lúc cuồn cuộn mây trắng qua. Buổi trưa, tôi không thấy mặt trời, chỉ nhìn thấy những cây cau mờ mờ trước sân chùa. Tôi cười thú vị: “Mình ngủ trong mây, bước trên mây, uống mây, nên thơ lắm chứ.” Nhưng có ngày mây ướt cả sân chùa. Đúng là mây và núi trong nhau.
Thời khóa ở Hồng Kông thì như mọi năm: ngày quán niệm cho giới y khoa, khóa tu ở YMCA, pháp thoại công cộng, và lễ mừng Bụt đản sanh ở chùa Liên Trì. Sự có mặt của mình ở Hồng Kông đã bắt rễ. Người tới tu học thường kỳ cũng ngày một nhiều hơn. Khóa tu ở YMCA cũng đông hơn, khoảng 1,200 người. Pháp thoại công cộng, sinh hoạt cuối cùng của chuyến đi Hồng Kông, nghe nói đã đưa ra 11,000 vé rồi. Có người bảo trợ cho ngày pháp thoại công cộng đó nên vé vào cửa miễn phí. Có cả 20 tờ báo ở Hồng Kông tường thuật về Thầy và những sinh hoạt của tăng đoàn.
Ông Dương, người cúng dường chùa Liên Trì, trong ngày Phật Đản đã tới thăm Thầy. Ông nói rằng chùa Bảo Liên (Polin) là chùa du lịch còn chùa Liên Trì là chùa tâm linh. Có sự công nhận rồi đó. Thầy kể tôi nghe là ở đảo Lan Tau này có một ngôi chùa khác rất đẹp là chùa Diên Khánh, chùa này chuyên môn lo cho người chết còn Liên Trì lo cho người sống. Sư em Thần Nghiêm bảo họ làm ăn khá lắm vì con cháu sợ không lo cúng quảy đàng hoàng thì cha mẹ sẽ không phù hộ cho buôn bán, có nghĩa là khi cha mẹ còn sống thì không sợ cha mẹ bằng sau khi họ mất rồi. Nhìn kỹ, ta thấy điều này dính với quyền lợi hơn là tình thương, và cái quan niệm thần quyền đã chiếm hữu phần tri thức của giới thương mại. Ở chùa Liên Trì muốn làm gì cũng phải chờ ban quản trị cho ý kiến về phong thủy dù họ đã cúng chùa cho mình. Mình không tin, nhưng nghe theo họ để không bị “đổ thừa” nếu họ làm ăn lỗ lã. Thôi cũng không sao, mình chỉ cần chùa để tu, còn xây cất sửa chữa cứ để họ lo cho khỏe.
Lần này có nhiều sư em tới từ Thái Lan nên ban tổ chức ưu ái phát tiền cho chúng tôi đi chơi cho biết đó biết đây. Tiền đủ để đi xe buýt, ăn trưa, và đi cáp treo về. Rồi một ngày trước khi rời Hồng Kông, Sư cô Chân Không rủ mấy sư em qua Bảo Liên ăn… tàu hủ chén. Ôi, nếu biết hàng quán bên đó có đủ món như vậy hôm trước tôi đã dẫn các sư em trong đội nấu ăn qua đó ăn cà rem. Có sư em Trăng Đông Hải đi theo nói tiếng Hoa nên gọi nhiều món khá ngon. Mấy cô cháu ngồi chơi, nói chuyện đủ thứ. Sư cô Chân Không thật là vui, tự dưng không biết nghĩ gì mà Sư cô vừa kể vừa cười làm mọi người cũng bật cười theo: “Thời xưa, khi người ta mời Bụt đi hoằng pháp, Bụt đâu có hỏi chỗ đó có ẩm không? chỗ đó có nhiều muỗi không?” Sư cô Định Nghiêm thủng thẳng thêm vào: “Chỗ đó có internet không?”
Tháng Sáu Học Viện Đức
Về Đức ngày 29/5, ngang Amsterdam là tôi đã lạnh run rồi. Áo lạnh, khăn quàng bỏ trong túi xách tay nhưng vì máy bay nhỏ nên túi xách tay cũng được “check in” luôn. Ngày hôm đó mưa, lạnh và ẩm ướt. Tôi than trong bụng: “Ui, sao giống Hồng Kông quá!” Về tới EIAB, bên nữ đã dọn qua ở chùa Đại Bi hết nên tôi cũng khỏi phải leo mấy tầng lầu như khi ở Học Viện. Ổn định chỗ ở xong, tôi đi thăm lều của các sư em. Chỗ cắm lều năm trước của các sư em đã thành tháp chuông Bao Dung và vườn Chuyển Hóa nên năm nay các sư em cắm lều ở sau chùa Đại Bi. Chỗ ở thật là ấm cúng. Công nhận khi trời mưa thì ở lều hơi mệt, nhưng trời tốt thì ở ngoài lều rất tuyệt.
Có một ngày quán niệm cả ngàn người, may là cũng ở ngay EIAB nên Thầy không phải đi xa. Tôi đi thiền hành sau lưng Thầy, ý thức rất rõ là mình đang có nhiều may mắn bởi vì Thầy còn đó, sau chuyến đi dạy xa nhọc mệt. Hai khóa tu tiếp theo sau đó và tôi thấy mình nôn nao chờ ngày về lại Làng sau mấy tháng xa cách. Nghe nói xóm Mới năm nay hoa nở rất đẹp. Tôi được xem hình các sư em gởi qua nhưng vẫn không bằng mình được nhìn tận mắt.
Chòi Vịt Xóm Mới
Tháng Sáu, về lại Làng, ba ngày nay tôi được làm biếng, mà thiệt là làm biếng. Tôi đi bộ mỗi ngày. Trời đẹp, người khỏe, có giờ để đi bộ, thật là hạnh phúc. Có một ngày đi bộ lên Sơn Cốc với hai sư cô Định Nghiêm và Tuệ Nghiêm, được theo Thầy đi thiền hành, rồi Thầy giữ lại ăn cơm trưa. Có một buổi chiều tôi đi loanh quanh, ăn cherry, ăn dâu mulberry, xong ra thăm cái chòi tranh của sư cô Thoát Nghiêm. Cả hai chục người ngồi ăn mì gói trong chòi vui quá, có cả các thầy Pháp Thắng, Pháp Lý, Pháp Nguyện. “Tiệc mì gói” gần tàn thì mưa, chúng tôi ngồi chen nhau chật cứng, chơi trò chơi giựt điện cười đau cả bụng.
Tối nay trăng tròn vằng vặc, đúng là trắng ngà. Các sư em quấn mền ngồi chơi ngoài chòi “Giải Thoát” (tôi gọi là chòi vịt dù không có con vịt nào) ngắm trăng. Ngày hè dài nên đã 10 giờ khuya mà trời còn sáng, chắc các em phải thức khuya lắm mới ngắm trăng đẹp được.
Tôi lại miệt mài làm vườn, có thể chơi cả ngày ở ngoài vườn mà không chán. Tuy nhiên tôi cũng phải scan giấy tờ tài liệu để Sư cô sử dụng trong chuyến đi Mỹ sắp tới. Những tài liệu ngày xưa khi Sư cô giúp đỡ các văn nghệ sĩ thật là quý giá. Tôi phân loại, scan, sắp xếp mà thấy bâng khuâng. Nếu Sư cô không viết lại những điều này thì ai biết được sự thật? Công việc cho tôi nhiều hứng khởi và năng lượng y như… làm vườn. Thế mới biết tôi ham làm việc quá, làm gì cũng hạnh phúc, việc gì cũng hạnh phúc.
Có một buổi tối, tôi ngồi ăn bánh bao dưới cái xích đu sau khi chơi với các em (ăn nấm nướng, khoai nướng, đậu nướng và uống trà rồi, bạn hiền có thấy thèm không?) ở cái chòi vịt, nghe hương hoa Kim Ngân thoang thoảng mà nồng nàn. Năm nay Kim Ngân hoa được mùa, cây nào cũng tươi tốt và tỏa hương khắp nơi. Các sư em quá vui. dám chọc tôi bằng cách hát rằng “mẹ của con như… đại ca”, thay vì “đại dương’ làm ai nấy cười rũ. Tôi cũng bật cười. Các em thấy tôi chịu chơi nên ăn hiếp tôi quá xá.
Mùa Hè qua nhanh
Mùa Hè này con nít về thật đông. Xóm Mới nhỏ như cái lỗ mũi nên đi đâu cũng đụng người. Cái sân gạch trước nhà là trụ sở của chương trình thiếu nhi nên ở phòng tôi nghe tiếng hát, tiếng đàn suốt ngày. Những tiếng cười trong vắt của các cháu bé thật dễ thương. Tôi vào đội nấu ăn, hướng dẫn pháp đàm và làm luôn việc tri xa. Tuần nối tuần qua thật nhanh. Năm nay xóm Mới làm bánh mì cho thiền sinh đem theo ăn sau buổi thiền hành mỗi khi đi các xóm khác, nhờ vậy mà ai cũng có giờ nghỉ ngơi khi xe buýt về lại xóm. Chỉ có đội nấu ăn hơi vất vả vì phải chuẩn bị để từ sáng sớm đã có đồ ăn trưa, nhưng bù lại thì các đội nấu ăn không bị mất pháp thoại và đó là phần thưởng đáng giá nhất. Tuy nhiên có sư cô than ăn bánh mì hoài nóng quá.
Cuối mùa Hè, các cháu bé bịn rịn giã từ. Có một bé gái khoảng tám tuổi đi chào các sư cô. Tôi thấy cháu dễ thương, nên hỏi thăm cháu đến từ đâu. Câu trả lời thoát ra tự nhiên: “Theo lời Thầy dạy, con không từ đâu đến cả.” Tôi giật mình, đừng coi thường con nít. Còn đang loay hoay tìm cách hỏi thêm thì cháu, sau một chút ngẫm nghĩ, thận trọng nói thêm: “Nhưng mà con ở Hòa Lan.” Tôi nhìn cháu mến phục. Mới có tám tuổi, cháu đã hiểu được gì từ giáo lý không đến không đi nhưng cháu sử dụng rất đúng chỗ. Hạt giống đạo Bụt gieo trồng nơi phương Tây nếu có nẩy mầm và lớn mạnh cũng là từ những ngày chơi mà tu, chơi mà học của các cháu hôm nay.
Đi Bắc Mỹ
Tháng Tám, Làng vừa đóng cửa sau khóa tu mùa Hè thì tôi lại theo Thầy và đại chúng đi hoằng pháp ở Bắc Mỹ. Lần này chặng đầu tiên là ở Toronto. Nghe nói khóa tu kín người ghi danh chỉ sau một thời gian rất ngắn và “waiting list” (danh sách dự bị) tới mấy trăm người. Đây là khóa tu dành cho người trong ngành giáo dục. Trong chuyến đi này, tôi và sư em Trai Nghiêm chịu trách nhiệm chính trong việc bán thư pháp của Thầy nên lúc nào cũng bận rộn, nhất là ở Toronto. Lần đầu tiên thiền sinh được thỉnh thư pháp của Thầy nên họ thỉnh nhiều quá, chúng tôi phải nhờ thị giả xin Thầy viết thêm nhiều lần. Trường học Brock, nơi tổ chức khóa tu, đầy đủ tiện nghi nhưng là lần đầu tiên nấu ăn chay cho quá nhiều người nên chất lượng món ăn quá kém. Hôm nào bán xong bị trễ giờ ăn, chúng tôi ghé vào bếp nấu ăn của Thầy xin cơm. Có ngày cơm không có gì nhiều mà cũng thấy ngon. Ngày cuối cùng có ba má thầy Pháp Duệ đem phở và bánh bột lọc lên đãi các thầy cô, ai cũng hạnh phúc quá chừng.
Xong chuyến đi ở Canada, chúng tôi đi xe buýt về tu viện Bích Nham. Bích Nham đẹp hơn xưa với những con đường tráng nhựa và cây cối lên cao. Nhưng có hai cư xá phía các sư cô bị đóng cửa vì chưa sửa chữa kịp nên một số các sư cô được chia ra khách sạn gần đó ở để chăm sóc thiền sinh luôn. Tôi được may mắn ở lại Bích Nham, tiếp tục bán thư pháp, tiếp tục hướng dẫn pháp đàm, và tiếp tục bận rộn. Mỗi chuyến đi là một cơ hội để phục vụ, thích lắm.
Có một ngày đại chúng đi xe buýt ra New York để dự buổi triển lãm thư pháp của Thầy do ABC Homes tổ chức. ABC Homes nằm ngay đường Broadway, phố chính của New York. Mỗi một chỗ triển lãm mang một tính cách khác nhau. Chúng tôi tụng kinh trước khi Thầy nói vài lời. Có lẽ đây là lần đầu tiên ở một chốn thương mại mà lại xuất hiện nhiều người tu như thế. Sau đó Thầy ngồi vào bàn, viết vài bức thư pháp trước rất nhiều ống kính. Viết xong tờ nào, Thầy đưa ra sau cho thị giả cầm. Thị giả đưa tiếp ra cho anh chị em khác cầm giơ lên để mọi người được xem. Tôi đi ngang, được đưa một tấm, thế là cầm giăng cao lên che hết mặt mũi mà thú vị như thuở nhỏ được cô giáo nhờ làm việc dùm.
Những ngày ở Bích Nham năm nay qua nhanh vì là chặng đầu, chỉ có một khóa tu và một ngày quán niệm ở Bích Nham, một buổi pháp thoại công cộng ở New York. Từ New York, sau buổi thuyết pháp của Thầy, chúng tôi ngủ lại một đêm rồi đi xe buýt lên Washington, D.C.
Ngân Hàng Thế Giới World Bank
Tôi phải thú thực là không hề có khái niệm gì về Ngân Hàng Thế Giới này vì tôi vốn rất dốt về lĩnh vực thương mại, nhưng nhờ cơ hội Thầy sẽ dạy ở đây mà tôi được đi thăm và nghe giải thích về chức năng của họ thì cũng hiểu biết thêm đôi chút. Ngày quán niệm buổi sáng Thầy dạy xong, buổi trưa có vấn đáp, tôi gặp một số các em Việt Nam làm việc ở đây. Các em đến từ Việt Nam và không biết gì nhiều về đạo Bụt, nhưng các em đều hãnh diện khi có Thầy là người Việt Nam tới đây giảng dạy cho mọi người, kể cả xếp của các em. Các em kể là văn phòng World Bank ở Việt Nam cũng theo dõi trực tuyến và họ bảo các em may quá, được nghe Thầy giảng trực tiếp. Tôi mỉm cười nghĩ thầm: “Vậy mà Việt Nam không biết đến sự may mắn đó.”
11/9 Chúng tôi rời Washington, D.C. trúng ngày này nên ít người dám đi máy bay, do đó ghế nào cũng chỉ có hai người, dư một ghế ở giữa thiệt thoải mái. Bay về tới Boston thì Thầy và ban thị giả ở hotel, nơi sẽ có buổi nói chuyện cho Harvard, còn đại chúng được sắp xếp ở một cái hostel gần đó, và… gần Chinatown. Ở đây quá vui vì ở gần phố Tàu, có thể đi uống sinh tố kiểu Việt Nam, đi dạo phố, thức ăn thì được cúng dường, chén bát có người rửa… Ngày hôm sau Thầy nói chuyện với giới y khoa ở Harvard plaza, trên 1000 người tham dự. Đa số thành viên tham dự không phải từ Boston, thậm chí có người tới từ Canada. Hội trường sang trọng, âm thanh tốt nên đại chúng tụng kinh rất hay. Sau đó là hai ngày ở nhà thờ Trinity. Nhà thờ đẹp lắm. Tôi nghe pháp thoại xong, xuống bán thư pháp không kịp vì người mua rất đông. Buổi tối đó được đi chơi với các sư em và đi ăn cà rem, vui quá chừng. Hôm sau là ngày Thầy giảng ngoài trời, ở sân nhà thờ để ai muốn nghe cũng tới được. Trời rất nắng, ai cũng phải đội nón lá nhưng sau nửa tiếng ngồi thiền, khi Thầy bắt đầu cất tiếng giảng dạy thì trời mát lại. Đây là buổi sinh hoạt chót ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ.
Trung tâm Mộc Lan
29/9 Mộc Lan
Vừa về tới Mộc Lan là tôi đi thăm liền thiền đường Hải Triều Lên mà phục các sư em quá. Chỉ có hai năm mà bây giờ Mộc Lan hoàn thiện nhiều, thành một trung tâm tu học rất đàng hoàng, quy mô, thiền sinh về tu trên 900 người và ai cũng hạnh phúc. Khóa tu người Việt thì ít, chỉ khoảng trên 300 người. Ngoài việc hướng dẫn pháp đàm và cho tham vấn, tôi tiếp tục bán thư pháp. Nhờ được ba má thầy Pháp Duệ đóng dùm cái giàn để treo thư pháp nên nhìn bắt mắt lắm. Sư chú Trời Tự Tại và sư cô Trai Nghiêm lại có óc nghệ thuật, đóng khung những tấm thư pháp theo nhiều kiểu sáng tạo nên làm gian hàng nhìn vui mắt hơn. Có người mua nhiều tấm, bảo để nhìn đâu cũng thấy Thầy. Có người đã chọn câu trơn vì chữ đẹp, lại đổi ý mua câu trong vòng tròn vì nhớ tới trong phim Thầy vẽ vòng tròn theo hơi thở, họ muốn thực tập thở theo khi nhìn bức thư pháp đó. Tấm nào cũng là để thực tập. Câu nào cũng có ý nghĩa. Mỗi lần gói một tấm thư pháp đưa cho người mua, tôi nói thầm trong tâm mong tấm thư pháp đó giúp cho họ được bình an và nhớ tới sự thực tập…
Trở về Vườn Nai
Tháng Mười, hai ngày mưa đem đến cho Lộc Uyển một sinh khí mới. Cây cối như được hồi sinh và những đóa cúc trắng bắt đầu nở rải rác trong khu vườn nhỏ kế toilet công cộng của xóm Trong Sáng. Sáng nay ngồi nghe pháp thoại ngoài trời vì thiền đường quá chật, tôi nhìn nhánh cây gạo đầy hoa màu hồng thắm chắn ngang trước những tàng tùng lọng xanh ngắt thành một bức tranh tuyệt đẹp mà lòng rộn vui. Hôm mới về Lộc Uyển, nhìn cỏ khô vàng cháy, cây cối ủ rủ vì đã ba tháng không mưa, thậm chí mấy cây tiêu mà cũng không còn lá mơn mởn xanh với chùm tiêu màu hồng như thường lệ, tôi nghĩ thầm Lộc Uyển lúc này chỉ khá hơn lúc… mới nhận đất một chút thôi. Tôi nghĩ tới những lần Thầy đến nơi nào thì khí hậu nơi đó đổi thay, không biết sao kỳ này… chưa mưa. Nhưng rồi mưa cũng đến, đột ngột, khi khóa tu người Việt vừa xong và khóa tu người Mỹ chưa bắt đầu, thật là một hạnh phúc lớn cho ban tổ chức cũng như mọi người.
Khóa tu nào cũng đông. Thiền sinh nữ dựng lều ở rừng sồi san sát nhìn thấy ngợp. Mỗi lần đi ngang chúng tôi gọi đùa là xóm Lều hay xóm Nấm, vì những túp lều đủ màu tròn tròn như nấm… mọc nhanh sau cơn mưa.
Như ở những nơi khác, ở Lộc Uyển ngoài giờ pháp thoại, pháp đàm, lúc nào tôi cũng thấy mình loay hoay ở quầy thư pháp. Mà cũng vì vậy nên tôi gặp được không biết bao nhiêu là người quen, có mấy anh chị trong Gia đình Phật tử, có quý thầy mà tôi đã từng gặp… ở Việt Nam, có cả một người bà con mà gia đình tôi mất liên lạc từ hơn 30 năm, không biết vì sao hay tin tôi đi tu theo Thầy nên lên Lộc Uyển tìm tôi. Những khóa tu ở Lộc Uyển đáng nhớ với những buổi sáng leo lên núi ngồi thiền và ăn sáng với Thầy. Đây có lẽ là lần đầu tiên nhiều người được hưởng cảm giác “ở núi” như vậy. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ hạnh phúc. Còn tôi hạnh phúc vì hai chân mình còn leo núi được dù tôi chưa phải đến lứa tuổi… chống gậy. Cứ nghĩ lại thời gian bị đau chân, bị tai nạn, bị cảm… không thể nào đi nổi đoạn đường dốc dài mà so với bây giờ là hạnh phúc tràn đầy rồi. Buổi “Be-in” cuối cùng của khóa tu người Mỹ, tôi cười chảy nước mắt với mục trình diễn thời trang mà mỗi người mẫu là một cuốn sách của Thầy. Các sư em hóa trang đơn giản nhưng hai MC Bạch Nghiêm và Bội Nghiêm đối đáp rất linh động khi giới thiệu người mẫu nên chắc hôm sau quán sách sẽ bận rộn lắm.
Ngày quán niệm cuối cùng ở vùng Nam Cali người ta đến đông quá, chưa bao giờ đông như vậy. Trước 5 giờ sáng tôi đã nghe tiếng xe chạy lên dốc. Có lẽ đây là những người thường tới, có kinh nghiệm nên lên sớm để có chỗ đậu xe. Quả thật là xe đậu từ parking trong Lộc Uyển, dọc theo con đường ra tới cổng ngoài, ra khỏi khuôn viên Lộc Uyển, qua nhà hàng xóm và tới tận đường Broadway, nghĩa là cũng phải tới 4 miles. Tôi chỉ hy vọng hàng xóm không phiền lòng lắm.
Bắc Cali
Cuối tháng Mười, chúng tôi về lại Bắc Cali. Kỳ này đại chúng đi đông nhưng những người sẽ đi hỗ trợ ngày quán niệm Google thì ở nhà chị Song Xuân cho tiện di chuyển, những người còn lại được ở chùa thầy Từ Lực và được đi thăm thắng cảnh vùng Vịnh. Ngày quán niệm ở Google có sư em Hiến Nghiêm ngồi giúp Thầy trên sân khấu rất giỏi. Nghe nói sau lần dạy trước của Thầy, Google đã áp dụng phần nào sự thực tập như có bữa ăn chánh niệm mỗi tháng một lần, lập nhóm gPause để ngồi thiền mỗi ngày trong campus, và họ dự tính sẽ làm một góc cafeteria ăn trong im lặng cho những người muốn thực tập điều đó. Quả thật là Google chăm sóc nhân viên rất kỹ. Facebook cũng mời Thầy nhưng Thầy cử người đi thay vì không đủ thời gian. Ngày Thầy giảng ở Stanford rất vui vì người mời Thầy bị “xếp” dành chỗ để ông ta đối thoại với Thầy trên sân khấu. Thầy không biết chuyện đó, nhưng giảng rất hay và trúng “tim đen” của ông ta vì bà vợ và đứa con trai cũng có mặt trong thính chúng. Có một ngày tôi và một số anh chị em được đi theo Thầy gặp nhóm CEO. Nhóm nhỏ thôi, chỉ vài chục người nhưng toàn những người có vai vế đang muốn học thiền và vì Thầy ở trong phòng ngủ mà ông Obama mỗi khi tới vùng đó ở lại, nên chúng tôi được dặn không chụp hình, không tiết lộ thông tin địa điểm. Thầy dạy những điều rất thiết yếu, trả lời một số câu hỏi cho họ rồi dẫn mọi người đi thiền ra khu rừng gần đó. Họ thực tập đi thật hết lòng. Ngày Thầy cho pháp thoại công cộng ở Oakland cũng rất đông người đến nghe. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm mình có pháp thoại công cộng ở vùng này.
Lên lại tu viện Kim Sơn, mười năm mà không có gì thay đổi nhiều ngoại trừ cây lớn hơn. Pháp đường vẫn ngoài trời, vẫn chỗ cũ. Tôi gặp lại được một số người quen. Những em huynh trưởng năm xưa dẫn con lại chào. Anh, em trai tôi cũng dẫn cả gia đình lên nghe pháp và đón tôi về nhà luôn.
Về thăm nhà hai tuần, tôi chỉ chơi thôi. Tôi có mặt trọn vẹn cho mẹ cho ba, rồi lên Kim Quang dạy một khóa tu weekend cho Gia Đình Phật Tử với sư cô Giới Nghiêm, thầy Pháp Uyển và thầy Pháp Khê. Thầy Pháp Uyển giảng cho teen hay lắm. Hình như Kim Quang đã ngỏ ý muốn đặt cọc thầy cho khóa tu năm tới rồi đó.
An Cư
Mùa An cư đúng là mùa trở về. Tôi về lại Làng vừa kịp lễ Đếm Thẻ tối nay, nhập lại vào sinh hoạt của tăng thân. Buổi trưa tôi qua Sơn Cốc chào Thầy. Thầy nằm võng, lắng nghe tôi kể chuyện thăm nhà và chuyện làm khóa tu cho Kim Quang. Rồi Thầy kể chuyện ở Kim Sơn. Thầy đã đi thăm lại chốn xưa ra sao, thấy cốc Thầy thay đổi thế nào. Thầy bảo Thầy đã chỉ khoảng đất năm xưa gia đình tôi đã quỳ làm lễ để “trao sư chị Thoại Nghiêm cho Thầy” cho thị giả thấy. Tôi cảm động khi nghe Thầy nói điều đó. Vì vậy con phải hết lòng với Thầy thôi vì ba má con đã cúng con cho chùa, đã trao con cho Thầy rồi.
Một ngày xuất sĩ tháng Mười Một, buổi trưa tôi theo thầy Pháp Nguyện và một sư em trai về xóm Mới để học cách làm kế toán cho Trung Ương (việc mới của tôi đó bạn hiền), buổi chiều về lại Phương Khê. Vừa bước vào gặp Thầy, Thầy kêu hai chị em qua thư viện rồi Thầy nằm võng, kể chuyện. Mâm cơm của Thầy vừa được thị giả đem qua, Thầy dạy hai chị em ở lại ăn cơm rồi xuống bếp, đích thân làm thêm món scrambled tofu và nướng thêm bánh mì. Mâm cơm nhỏ xíu mà chia cho chín thầy trò, còn gì cho Thầy ăn? Thầy gắp đồ ăn liên tục vào chén đệ tử. Tôi ăn ít mà no vì tiếp nhận tình thương của Thầy.
Tháng Mười Hai, tôi bận rộn làm database cho sách của Thầy. Nhờ có sư em Vỹ Nghiêm từ Học Viện qua cũng thích làm sách nên tôi nhờ cậy được rất nhiều. Gần Noel, Thầy cho câu hỏi: “Ta đã làm gì đời ta?” Câu hỏi nhắc nhở tôi thường trực để nhìn lại mình. Rồi cuối năm, Thầy lại dạy: “Năm mới ta cũng mới.” Tôi đặt thêm câu hỏi cho mình: “Tôi có hạnh phúc với đời mình không?”, “Những gì tôi phải làm mới hơn để có nhiều hạnh phúc hơn?”
Bạn hiền ơi, những câu hỏi đó làm đề mục quán chiếu cho cả năm cũng chưa xong. Những nẻo đường tâm ý quen thuộc không dễ nhận ra và thay đổi, cho tới khi mình được nhắc nhở hay gặp một biến cố gì đó. Và khi tôi đang đánh máy những dòng chữ này để khép lại sổ tay một năm qua, tôi nghĩ tới bạn hiền, tới cơn bệnh mà bạn hiền đang gặp. Tôi gởi tới bạn hiền câu chúc Tết đầu năm của Thầy đây, đơn giản đến mức không có gì đơn giản hơn, và mong bạn hiền ra khỏi nhà thương sẽ là một con người mới nhé, bạn hiền thương quý.