Đem chánh niệm vào ngân hàng thế giới
Chân Pháp Lưu
BBTChuyển ngữ từ tiếng Anh
“Chúng tôi rất mong được mời thầy và Sư Ông đến đây bất cứ lúc nào và tôi sẽ sắp xếp lại lịch trình đi xa của tôi để tôi có thể có mặt ở đây. Tôi sẽ liên lạc thêm với thầy sớm. Kính cảm ơn. Jim. Go Big Green!” Đó là mẩu tin tôi đọc thấy trong hộp điện thư vào ngày 11 tháng Giêng năm trước, nhắn từ tiến sĩ Jim Yong Kim, giám đốc của Hiệp Hội Ngân Hàng Thế Giới. Mẩu tin này đã là chất xúc tác cho chuyến viếng thăm đầy ấn tượng của Sư Ông và tăng thân Làng Mai đến trụ sở ngân hàng ở Washington, D.C. vào ngày 9 và 10 tháng 9 vừa qua.
Sự kết nối với ông Jim Kim được khởi đầu trong chuyến hoằng hóa Wake Up tại Mỹ do một nhóm các thầy và các sư cô trẻ cùng với con trở về ngôi trường cũ, đại học Dartmouth, có biệt hiệu là “Big Green” vì màu xanh của các cánh rừng quanh trường đại học. Lúc đó, ông Kim vẫn còn là chủ tịch trường và đã vui vẻ yểm trợ buổi sinh hoạt Wake Up ở đó dù ông đã không thể có mặt.
Vào mùa Xuân năm 2012, con đọc được một bài viết từ báo Đất Lành về sự kiện ông Kim được tổng thống Barack Obama đề cử vào chức vụ chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới. Trong một buổi phỏng vấn, ông ấy đã chia sẻ rằng quyển sách ưa thích nhất của ông là quyển Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức do Sư Ông viết.
Bây giờ con đã hiểu vì sao ông Jim Kim yểm trợ buổi sinh hoạt tại đại học Dartmouth. Vài tuần sau ngày Quán niệm, ông ấy đã viết một lá thư rất hay để cảm ơn chúng con và đặc biệt là để cảm ơn món quà thư pháp của Sư Ông. Có lẽ nào chuyến viếng thăm của chúng con đã khiến ông ấy xem lại quyển sách kia, và rồi đã chia sẻ với quần chúng rằng ông thường đọc lại nó trong hơn hai mươi năm qua?
Con có cơ hội đọc một quyển sách với tựa đề Mountains Beyond Mountains tháng 11 năm đó và đã có nhiều cảm hứng khi biết về những công tác mà ông Jim Kim và ông Paul Farmer đã làm. Họ đã tìm cách cung cấp những dịch vụ sức khỏe tốt nhất cho tầng lớp người nghèo trên thế giới. Con cảm nhận rằng mình cũng nên đóng góp bằng một vài cách nào đó. Sau khi sửa chữa một vài lần lá thư con sắp gửi cho ông ấy, con đã nghĩ ra một điều: một ngày quán niệm cho nhân viên Ngân Hàng Thế Giới.
Con liền liên lạc với một người bạn học cũ đã từng làm việc tại ngân hàng này nhiều năm trước để dò ý. Anh ấy kể cho con nghe về những căng thẳng trong môi trường đó và anh ấy nghĩ rằng nhân viên ở đó sẽ được lợi lạc như thế nào với pháp môn thực tập chánh niệm. Đọc được trong sách cách ông Jim Kim xử lý một số những trường hợp khó khăn trong công việc của ông, con có thêm niềm tin rằng một buổi sinh hoạt tại Ngân Hàng Thế Giới dưới sự quản lý của ông sẽ trôi chảy và sẽ đem lại nhiều chuyển hóa cho các nhân viên ở đó. Con khởi sự viết lá thư ấy cho ông để đề nghị ý kiến trên. Cũng như lá thư xin tổ chức buổi sinh hoạt Wake Up tại đại học Dartmouth, chỉ trong vòng ba ngày chúng con nhận được hồi âm của ông mời Tăng thân đến.
Con đã thưa với Sư Ông về thư mời của Ngân Hàng Thế Giới và đồng thời cho Sư Ông tất cả những tài liệu in sẵn mà con tìm được về ông Jim Kim và về Ngân Hàng Thế Giới. Buổi sáng ngày quán niệm tại xóm Thượng, sau khi tụng kinh xong, Sư Ông cho gọi con đến và nói: “Thầy hoan hỷ để có ngày quán niệm tại Ngân Hàng Thế Giới. Con làm việc với các sư anh, sư chị để tổ chức đi.” Thật là một giây phút vui mừng làm sao! Cả hai vị, Sư Ông và ông Jim Kim đều đồng ý để tổ chức buổi sinh hoạt mà trước đây vài ngày chưa chắc chắn sẽ xảy ra.
Liền sau đó một nhóm bốn thầy và quý sư cô từ Mỹ hợp lại để giúp tổ chức: thầy Pháp Dung, sư cô Tùng Nghiêm, sư cô An Nghiêm và con. Chúng con đã điện thoại cho ông phụ tá chủ tịch, Nicolas Peltier (người gốc ở vùng Dordogne gần Làng Mai), và với hai cô Connie Eysenck và Suzanne Vallazza trong ban truyền thông của ngân hàng giúp chúng con chọn một ngày trong tháng 9 khi Sư Ông đang có mặt ở Mỹ, tại tu viện Bích Nham. Sẽ có hai ngày sinh hoạt: buổi hội thảo vào thứ Hai và ngày kế là một ngày quán niệm trọn vẹn. Mọi sinh hoạt đều dành cho nhân viên Ngân Hàng Thế Giới, cho nên mọi việc đều được làm trong sự kín đáo.
Những ngày trước đó, Sư Ông dạy con viết cho ông Kim và hỏi ông ấy về những khó khăn mà cộng đồng Ngân Hàng Thế Giới đang giải quyết. Sau khi nhận được các câu hỏi kể rõ những thử thách mà họ đang gặp phải, Sư Ông đã trả lời và những câu trả lời ấy đã làm nền tảng cho pháp thoại của Sư Ông trong buổi hội thảo ngày đầu tiên. Ngày quán niệm hôm sau được dành riêng cho sự thực tập.
Vào sáng thứ Hai, buổi hội thảo gồm có Sư Ông, tiến sĩ Kim, giáo sư Richard Davidson thuộc ngành Tâm lý học từ đại học tiểu bang Wisconsin ở Madison và bác sĩ Brian Davey, trưởng ban Chương trình chăm sóc sức khỏe nhân viên ngân hàng. Khoảng 400 nhân viên đến tham dự tại hội trường Atrium. Ông Kim, sau khi giải thích lý do của buổi họp mặt, đã giới thiệu các thành phần tham dự.
Giáo sư Richard Davidson đã chia sẻ về quá trình nghiên cứu trong cơ thể học và ảnh hưởng của thiền tập đến não bộ; rằng não bộ có khả năng thay đổi do sự huân tập rèn luyện. Chánh niệm có thể huấn luyện não bộ để tạo ra trạng thái an bình. Ông ta kết thúc với lời nhắn nhủ mọi người rằng sự nghiên cứu trên giúp cho chúng ta ý thức trách nhiệm cho sức khỏe tin thần của mình.
Tiếp theo đó, ông Kim mời Sư Ông bắt đầu. Sư Ông chia sẻ về Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TTNPSXH) vào năm 1963 ở Việt Nam, nơi mà Sư Ông, Sư cô Chân Không và các vị khác huấn luyện người trẻ đi về miền quê để giúp thay đổi tình trạng nghèo đói, làm tăng thêm sức khỏe và giúp giải quyết khó khăn trong các mối liên hệ. Vì làm việc trong môi trường chiến tranh, nhiều người đã bị giết chết. Họ không muốn đứng về phía nào cả, thay vì thế họ muốn hòa giải giữa hai phía. Các tác viên xã hội được huấn luyện theo tin thần chánh niệm. Quyển Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức do Sư Ông viết đã từng là quyển cẩm nang giúp họ duy trì sức khỏe, tập trung tin thần và nuôi dưỡng ước nguyện của họ, để họ có đủ niềm vui hầu tiếp tục con đường phụng sự.
Sư Ông chia sẻ thêm về công việc của TTNPSXH, về hạnh phúc, tình thương, tình huynh đệ, tất cả đều có thể có mặt trong suốt thời gian phụng sự mặc dầu không có tiền bạc hoặc lương bổng. Các tác viên ấy học cách xử lý những cảm thọ khổ đau, những cảm xúc mạnh khi chúng biểu hiện. Họ cũng học cách chế tác sự hiểu biết, lấy đi tri giác sai lầm bằng cách sử dụng ái ngữ và phương pháp lắng nghe. Sư Ông kể về kinh nghiệm xây dựng tăng thân khi Sư Ông không còn được trở về Việt Nam; sau khi ra ngoại quốc kêu gọi hòa bình và việc chấm dứt chiến tranh. Lúc ấy Sư Ông đau khổ nhiều vì thấy mình như một con ong xa tổ. Sư Ông thực tập chánh niệm để trị liệu cho chính mình và bắt đầu việc xây dựng một tăng thân ngoài Việt Nam bằng những phương pháp thực tập thiền hành, thiền ăn cơm, thiền làm việc với nhau. Nếu không có sự thực tập, không có tăng thân thì Sư Ông đã không có cách để bảo hộ mình. Chúng ta cần một cộng đồng, một tăng thân để có thể thực hiện được ước mơ của mình và chúng ta có thể xây dựng tăng thân bằng cách bắt đầu với chính mình. Khi chúng ta có thể thở và bước đi trong chánh niệm, chúng ta sẽ có nhiều tự do; tự do đối với những hối tiếc, đau buồn của quá khứ; tự do đối với sự suy tư và tiếng nói thì thầm trong hiện tại; tự do đối với những kế hoạch, ngay cả kế hoạch cứu đói giảm nghèo; tự do đối với những nỗi lo toan, những bất an về tương lai. Nhờ vậy chúng ta tiếp xúc được với phút giây hiện tại, với Đất Mẹ, và với tất cả những mầu nhiệm của cuộc sống bên trong và xung quanh ta.
Ông Brian Davey chia sẻ khái niệm về sức khỏe trong Chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân viên. Ông nói rằng chúng ta có thể học phương pháp để tạo hạnh phúc và sự bình an. Một trong những khóa học phổ biến nhất trong chương trình trên là lớp thiền chánh niệm. Nhiều câu hỏi được các nhân viên tham dự nêu ra đều được Sư Ông trả lời thích đáng.
Sau buổi hội thảo, ông Kim đã gặp riêng Sư Ông tại văn phòng và sáng hôm sau ông ấy kể lại cho Sư Ông rằng ông đã áp dụng những điều Sư Ông chia sẻ ngày hôm trước; ông thấy mình đã nói chuyện một cách dễ thương hơn với vợ của ông. Sư Ông sau đó đã nói rằng tiến sĩ Kim là một học trò giỏi, biết áp dụng ngay những gì mình được học.
Ngày kế tiếp là một ngày quán niệm cho nhân viên Ngân Hàng và số người vượt hẳn số người tham dự buổi hội thảo. Họ có mặt từ 8 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Ông Kim và một số nhân viên chính cũng đã có mặt. Ngày quán niệm gồm có buổi pháp thoại của Sư Ông và phần câu hỏi trả lời. Sau đó cả nhóm được đi thiền hành bên ngoài vỉa hè thủ đô. Tại một địa điểm đẹp dưới bóng mát cạnh một bờ hồ lớn, Sư Ông mời đại chúng ngồi xuống và nghe chuông. Sau khi trở về lại hội trường, đại chúng dùng cơm trưa trong chánh niệm do sư cô Định Nghiêm hướng dẫn. Sự yên lặng của bữa ăn đã tạo ra một ảnh hưởng lớn cho hội trường này, nơi vốn dĩ luôn náo nhiệt. Vào buổi trưa có một thời thiền buông thư ngay trên ghế và thiền lạy do Sư cô Chân Không hướng dẫn. Sau đó là phần tặng quà lưu niệm cho ông Kim và ông ấy cũng tặng quà cho Sư Ông và Sư cô Chân Không. Chương trình cuối cùng là giờ câu hỏi trả lời với các vị Giáo thọ trong đó có thầy Pháp Đăng, sư cô Tuệ Nghiêm, sư cô Tùng Nghiêm và con.
Chiều hôm đó, các nhân viên đã tổ chức một buổi cơm tối bất ngờ cho các vị xuất sĩ và đã chia sẻ niềm biết ơn của họ. Con rất cảm động khi thấy được chỉ với sự thực tập đơn giản và niềm vui bình dị của Sư Ông và các thầy, các sư cô mà đã tạo được một ảnh hưởng hùng mạnh như thế.
Sáng hôm sau, tăng thân đáp máy bay về Boston, phần kế tiếp của chuyến đi.
Vài tháng sau, nhiều sự kiện đã phát triển tại Ngân Hàng Thế Giới. Ông Kim đã yểm trợ một nhóm nhân viên thực hiện một số đề nghị của Sư Ông và họ đã báo cáo cho chúng con biết dự án của họ. Trong đó có sự sắp xếp cho một địa điểm dùng cơm trong chánh niệm, quyền chọn lựa sử dụng chuông chánh niệm trong văn phòng và việc mời các Giáo thọ cư sĩ tại địa phương như chị Anh Hương và anh Mitchell Ratner đến để yểm trợ sự thực tập của các nhân viên. Cô Marie Shephard, một trong những người đặt câu hỏi trong buổi hội thảo đã tình nguyện giúp xây dựng một tăng thân tại Ngân Hàng.
Hai vị trong ban tổ chức, cô Connie và cô Suzanne, cho biết rằng họ đang sắp xếp để đem bạn bè và người thân về Làng Mai vào mùa Hè này.