Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Bây giờ và ở đây

Chân Pháp Thuyên

Namo Buddhaya

Văn phòng chùa Pháp Vân xóm Thượng có một tượng gỗ Bụt nhập Niết bàn rất đẹp và nghệ thuật. Thế nằm thật an lành thanh thoát với một thoáng mỉm cười. Cạnh đó bài trí một con suối bonsai nhỏ có nước chảy róc rách và những chậu cây tươi mát xung quanh. Thường thì làm việc một lúc, anh em chúng tôi hay ngồi xuống pha một bình trà nhỏ rồi cùng thưởng thức, hiến tặng sự có mặt và những nụ cười cho nhau. Đây cũng là dịp để chúng tôi buông thư và truyền thông những điều cần thiết trong công việc. Có lúc nhìn lên tượng Bụt, tôi tự hỏi không biết tấm lòng và bàn tay của ai đã khéo đẽo gọt, chỉ mong mang đến cho mọi người những phút giây nhẹ nhàng, bình an giữa bộn bề cuộc sống.

Bụt đã vào Niết bàn 2600 năm rồi nhưng chúng ta vẫn còn tiếp tục học hỏi và bàn luận về giáo nghĩa thâm uyên mà Ngài đã để lại, vẫn hằng ngày đọc tụng và phát nguyện: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Dù rằng đã giải được hay chưa còn tùy vào niềm tin nơi mỗi người, nhưng tôi cảm thấy vui vì biết mình đang đi trên con đường lành và trong sáng. Ẩn số của Bụt vừa là nguồn cảm hứng động viên, khích lệ và cũng là một thách thức cho tất cả mọi hành giả đi tới. Biết bao tác phẩm nghệ thuật ra đời về các mặt như: kiến trúc, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, thi ca… theo mỗi thời đại, được bảo tồn và tiếp tục phát triển mãi từ suối nguồn cảm hứng nơi Bụt. Tận đến hôm nay tôi thấy mình vẫn còn diễm phúc tắm gột và thưởng thức cam lồ vị từ suối nguồn xa xưa ấy, lòng tôi cảm thấy tràn đầy biết ơn. Chừng nào vẫn còn khổ đau ngự trị trên cõi đời, tôi tin rằng chư Bụt hằng sa vẫn chưa hề rời bỏ chúng ta. Bởi lẽ âm vang giáo pháp của các Ngài vẫn đang diễn bày đó đây ở khắp mọi nơi. Dù là dưới hình thức này hay qua hình thức khác cũng chỉ nói lên một điều, Khổ và con đường thoát Khổ.

Ngày hôm qua xóm Thượng đón khá nhiều những vị khách mới đến tu tập. Sau khi được thầy tri khách chào đón họ đến The country of Present Moment (Xứ sở của phút giây Hiện Tại), rồi mời họ tự giới thiệu lý do khiến họ đến và có mong muốn gì trong những ngày ở đây để đại chúng biết mà yểm trợ. Có một thanh niên thành thật chia sẻ là anh đọc khá nhiều sách về đạo Bụt, thấy đẹp, hay và có ước muốn thành Bụt nhưng cảm thấy quá khó. Đại chúng được một tràng cười thật vui vẻ. Tôi cũng mỉm cười và tự hỏi “why not?”, bởi vì người thanh niên đó là hiện thân của tôi và rất nhiều bạn trẻ khác ở khắp mọi nơi. Những Siddhartha yêu mến Chân-Thiện-Mỹ và muốn có một đời sống lý tưởng, chuyện đó đâu phải là không chính đáng. Nhưng mọi người cười có lẽ vì nghĩ người ấy có một ước muốn xa rời thực tế và mơ hồ quá. Anh ta nào biết Bụt là ai, ngoài những kiến thức mênh mông và lý tưởng hoàn hảo trong sách vở.

Nhiều khi nhìn lại tuổi nhỏ thơ mộng của mình tôi cũng thầm mỉm cười và thấy cảm thông. Ngày xưa tôi cũng nào được biết Bụt, chỉ nghĩ đơn giản đó là một con người vĩ đại, kiện toàn tất cả mọi mặt và là đối tượng tôn thờ cho tâm hồn mình. Đọc xong quyển lịch sử đức Phật Thích Ca thì thấy mình kính yêu Ngài vô cùng và từ đáy lòng tự nhiên phát lên lời nguyện ước, lớn lên mình cũng sẽ từ bỏ tất cả mọi thứ như Ngài rồi đi tu, bởi thấy đời sống của Ngài thật đẹp và trọn vẹn. Nhìn về quá khứ, tôi thấy mình thật may mắn bởi mong ước đã thành hiện thực. Và hơn hết tôi thấy mình có nhiều niềm vui trên bước đường hành trình, xin được bày tỏ nơi đây lòng tri ơn tất cả. Tôi vẫn cùng đại chúng đang mang những điều tốt lành mà mình được thừa hưởng ấy tiếp tục đi về tương lai bằng thệ nguyện hằng ngày:

“Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi 
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời”

Càng tu học, tiếp xúc với nhiều nền tảng niềm tin khác tôi thấy khái niệm về Bụt trong mình cũng thông thoáng và cởi mở hơn xưa. Rất nhiều người Tây phương cũng khát ngưỡng tâm linh và thực tập thật hết lòng. Đặc biệt tôi để ý thấy nam thanh niên đến tu có khi lại nhiều hơn người nữ, có vài chục người đến tu tập trọn vẹn trong ba tháng An cư mùa đông hoặc ở luôn suốt một năm. Phải chăng nỗi khổ và áp lực đời sống phát triển bên này đối với người nam nhiều hơn người nữ hay vì hình thái đạo Bụt tri thức nơi này đã thuyết phục được họ hơn, những con người vốn được thừa hưởng nền giáo dục cao và chỉ tin vào chân lý khoa học.

Bước vào dòng chảy đạo Bụt dấn thân với lý tưởng thật cao đẹp nơi đất nước Tây phương này cũng phải đối mặt không ít thử thách. Bởi lẽ có nhiều nhu cầu, khổ đau thì lại đa dạng và con người không thuần một niềm tin. Anh chị em chúng tôi vừa phải nỗ lực tu, vừa phải thích nghi với văn hóa, xứ sở, con người, thức ăn, khí hậu và ngôn ngữ… Nhưng nhờ sống chung như một cộng đồng, nương tựa lẫn nhau mà khiến mình dần vượt qua những khác biệt ban đầu để đi tới. Đôi lúc nhìn vào con đường Đại thừa mênh mông và nỗi khổ bất tận khiến tôi nhớ tới Ngài Bồ Tát Địa Tạng, chối từ chưa thành Bụt cho đến khi không còn một chúng sanh nào chịu khổ nữa.

Hạnh nguyện vô bờ bến đó ngày xưa đã từng làm tôi cảm thấy thật ngưỡng mộ nhưng cũng vô cùng băn khoăn. Bởi nỗi thống khổ trong nhân gian được ví như nước mắt của muôn loài ngập tràn bốn bể và tôi sợ mình bị nhận chìm trong đó vì biết rằng mình chưa thật sự bơi giỏi, phước đức vẫn còn mong manh. Hay phải chăng đất tâm trong tôi còn thấm nhuần lời nguyện phải vãng sanh quốc độ Bụt A Di Đà tu cho thành tựu rồi mới quay trở lại nhân gian để giúp đỡ. Nhưng dần dà trên con đường tu học, may mắn thay có những chặng đường hạnh ngộ được thiện tri thức, giúp mình có những cái thấy mới, rộng mở và sáng tỏ hơn. Tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều khi đọc những dòng này:

“… Biển cả lớn mà còn có bờ đến, chứ biển tu thì không có bờ đến, còn mênh mông hơn nữa cơ. Nhưng vì không có bờ nên không có chỗ đến, vì không có chỗ đến nên không thật có chỗ đi. Tu là tu cái không đi không đến. Nói khác đi tu là đến trong từng bước đi, cập bến trong từng bước đi. Đã cập bến trong từng bước đi thì biển ấy có còn mênh mông nữa không…”

Điều này chúng tôi đã được Thầy dạy, lặp đi lặp lại nhiều lần và thực tập hằng ngày trong đời sống mà sao không chịu nhận ra: “Đã về đã tới, bây giờ ở đây. Vững chãi như núi xanh. Thảnh thơi dường mây trắng. Cửa vô sinh mở rồi. Trạm nhiên và bất động.” hoặc “Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ.” Hay “Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.” Phương tiện lẫn cứu cánh thật sự không thể tách rời, vậy thì còn chần chờ gì nữa, còn suy nghĩ gì nữa mà không an vui với những gì mình đang có.

Nhiều bài thiền ca và thư pháp đơn giản chỉ vậy mà giúp thiền sinh Tây phương ngộ ra rất nhiều. Họ hát cùng nhau rất vui, nhờ vui mà cảm hứng tu học lên cao và không thấy nhọc nhằn trên bước đường vạn dặm. Có khi nhìn lại, tôi thấy sức tu của mình chậm quá, lỗi lầm có thể vì đầu óc mình ưa những điều cao siêu mầu nhiệm mà quên rằng “lối đi ngay dưới chân mình”. Bất chợt tôi mỉm cười thật vui khi nghĩ đến câu trả lời về đại ý Phật pháp của Ngài Triệu Châu, đơn giản chỉ là Cây Tùng Trước Sân, còn có gì hơn thế nữa.

Bây giờ tôi thôi chúc mọi người sớm tu thành Bụt nữa mà chỉ cầu chúc họ hãy là chính mình, chấp nhận những gì trong tự thân với ưu khuyết điểm như chúng đang là, chấp nhận được càng nhiều thì càng có không gian và tự do. “Be yourself, be beautiful and Be free where you are”. Điều này thì người Tây phương dễ hiểu và lĩnh hội nhanh. Họ thấy có thể chạm tới được thông qua việc hành trì hơi thở ý thức, bước chân chánh niệm, ánh mắt thân thương và nụ cười an lạc để trở về với chính mình, chăm sóc chính mình và nhận diện được sự tự do bên trong ấy. Khi nắm được pháp tu, họ không còn đổ lỗi, trách móc người khác về những nỗi khổ của mình.

Có khi trong những buổi pháp đàm, ngồi nghe họ chia sẻ mà tôi thấy dâng trào niềm thương. Bây giờ đến đây nhờ có biết tu đôi chút rồi nên họ chia sẻ: “Con nhận ra được nỗi khổ của mìnhcon nhìn sâu vào gốc rễ của chúng, con trở về thực tập hơi thở để ôm ấp và làm dịu thân tâm.” Hay: “Con phải đi thiền hành để chăm sóc cơn giận, đứa trẻ tổn thương trong con đang trỗi dậy.” Thật là dễ thương khi có những suy nghĩ và thực hành như thế. Họ nhận ra và biết dừng lại ôm ấp cảm thọ, thôi vung vãi năng lượng tiêu cực ra ngoài. Thế giới sẽ bình an hơn nếu nơi mỗi cá nhân biết thực tập chấp nhận và làm hài hòa năng lượng của chính mình trong cảm thông và hiểu biết.

 

Namo Dharmaya

Welcome to The country of Present Moment (Chào mừng các bạn đến Xứ sở của phút giây Hiện Tại) thỉnh thoảng câu này được các thầy tri khách dùng để đón chào những thiền sinh mới đến tu tập. Người Tây phương dường như lĩnh hội rất nhanh thuật ngữ present moment và rất thích thú. Không như người Á đông chúng ta thường hay đăm chiêu và ngờ ngợ về nó. Năm ngoái tôi có một kỷ niệm về điều này trong khóa tu mùa Hè. Cùng ngồi ăn cơm chung bàn có một cô thiền sinh vui vẻ bắt chuyện hỏi: “Hello brother! Where you com from?” Tôi cũng vui vẻ đáp lại bằng cách bắt ấn tròn ngón tay cái với ngón trỏ rồi nói: “I come from the country of Present Moment”. Cô ấy hiểu rất nhanh và mỉm cười thích thú.

Kết thúc khóa tu, lúc chào tạm biệt cô ấy cảm động nói rằng, rất ấn tượng về câu trả lời đó và hứa là sẽ thường xuyên nhớ an trú trong xứ sở của phút giây hiện tại. Tôi cũng khá bất ngờ và vui khi những lời đàm đạo nhẹ nhàng đơn giản vậy mà giúp được họ, còn nhiều chuyện nhỏ khác cũng vui không kém nhưng có lẽ tôi phải hẹn kể trong một dịp khác. Khi được nghe nói Enjoy Present Moment, Wonderful Moment (Phút giây hiện tại, phút giây tuyệt vời) thì họ biết thư giãn gương mặt và mỉm cười thật tươi, buông bỏ mọi ưu sầu lo lắng và trở về thực tập nhiếp tâm trong hơi thở. Bây giờ có hành, có hiểu thì thỉnh thoảng tôi cũng biết đùa như vậy.

Ngày trước khi được nghe xiển dương và ca ngợi về phút giây hiện tại thì tôi thấy lòng mình phản ứng mạnh. Đó là bởi tôi nghe ông bà thường nói: “Người mà không biết lo xa thì sẽ buồn gần”. Vậy tại sao lại nói đừng tìm về quá khứ, đừng nghĩ tới tương lai. Trong cuộc đời này nếu không biết lo thì e rằng sẽ có lúc hối không kịp như trong câu chuyện ngụ ngôn “Con Kiến và Ve Sầu” mà lúc nhỏ tôi đã từng được học. Kiến thì chăm lo làm lụng, tích góp thức ăn, còn Ve Sầu chỉ lo rong chơi và đàn hát, rồi mùa đông đến, Ve Sầu chỉ biết than vãn trong đói lạnh. Lúc đó vì còn là cư sĩ nên trong tôi có nhiều lý luận như vậy, nhưng đâu phải là không có căn cứ logic, tôi cứ suy luận theo cảm tính và tri thức mình có rồi khởi tâm phiền não. Thật ra nếu hiểu không thông thì làm sao mà tin rồi áp dụng theo được, nếu hành theo niềm tin mù quáng thì phải chăng tự chuốc họa vào thân và khiến mọi người chê trách. Về sau nhờ vào một bài kinh thì tôi mới vỡ lẽ, hiểu rõ ràng hơn, hóa ra mình đã hiểu sai vì nhiều lý do. Có lẽ do tri thức quá nhiều của chính mình và cũng bởi điều này còn xa lạ nhận thức của tôi. Trong kinh Người Biết Sống Một Mình, Bụt đã giải thích rất rõ:

“Này quý thầy, sao gọi là tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế, nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc quá khứ ấy thì người đó đang tìm về quá khứ.”

“Này quý thầy, sao gọi là không tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng… (lặp lại như trên). Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người đó đang không tìm về quá khứ.”

“Này quý thầy, sao gọi là tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia, nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy thì người ấy đang tưởng tới tương lai.”

“Này quý thầy, sao gọi là không tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng trong tương lai… (lặp lại như trên), nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy thì người ấy đang không tưởng tới tương lai.”

“Này quý thầy, thế nào là bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người không học, không biết gì về Bụt, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này… thì người đó đang bị cuốn theo hiện tại.”

“Này quý thầy, thế nào là không bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người có học, có biết về Bụt, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình,… (lặp lại như trên) thì người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại.”

Như vậy thì rõ rồi, sống trong hiện tại không có nghĩa là không được hoạch định hay ước muốn làm gì cho tương lai, mà là trong một thể thức hoạch định có niềm vui, không bị quá nhiều lo lắng hay mơ tưởng chi phối. Hoặc đắm chìm trong khổ đau của quá khứ, quyến luyến đối với cảm thọ, tài vật, người thân làm mình mất đi niềm vui sống, quên đi mọi thứ đang hiện hữu trước mắt. Nhưng khi có thực hành rồi mình mới biết, cũng không phải dễ bởi có những tập khí quá sâu dày như: muốn làm nhanh cho xong, làm theo ý riêng mình, hấp tấp, căng thẳng, lo lắng… thật sự đã làm mất đi niềm vui hiện tại hay đánh mất những liên hệ tốt đẹp đối với huynh đệ, bằng hữu cộng tác với mình. Để rồi khi xong công việc thì lòng mình cũng thương tích với những đổ vỡ, hối tiếc lẫn buồn đau.

Ngay cả trong hiện tại mà nếu không hiểu rõ thì cũng vẫn bị lôi cuốn và “kẹt” như thường. Đó là sự thật. Những năm trước khi tôi còn ở tu viện Lộc Uyển, có một chú người Mỹ gốc Việt khoảng hơn năm mươi tuổi, vì được bảo trợ sang Mỹ hồi còn thơ ấu nên tiếng Việt không rành lắm, do duyên lành mà tình cờ ghé Lộc Uyển chơi, khi nghe đại chúng hát thiền ca bài Happiness Is Here and Now… (Ta hạnh phúc liền giây phút này) trước khi đi thiền hành, làm chú đã cảm động đến rơi nước mắt. Sau đó chú đến tu tập khá thường xuyên và tâm sự làm tôi cũng thấy nghẹn ngào, mấy mươi năm sống trên đất Mỹ, đây là lần đầu tiên chú được nghe một bài hát hay, vui và đầy ý nghĩa như vậy.

Từ trước tới giờ chú chỉ biết cặm cụi với bổn phận và trách nhiệm, tuổi trẻ lo học rồi lớn lên đi làm quần quật để kiếm tiền, xem đó là mục tiêu đời mình, đâu biết nghĩ đến hạnh phúc đơn giản dễ tìm như vậy. Ngoài công việc và trách nhiệm ở sở, về đến nhà chú đã mệt nhoài, chỉ lo nghỉ ngơi để sáng mai lại sức rồi đi làm tiếp, cứ thế ngày lại qua ngày. Cho đến một ngày cả vợ và con chú không chịu nổi với cách sống đó nên xin dọn đi nơi khác. Chú ngỡ ngàng, hụt hẫng trong cô đơn và thấy mình mất mát nhiều quá. Không biết nhờ nghe bài hát mà chú giật mình “ngộ” ra điều gì quan trọng. Nhưng trên hết có lẽ chú nhận ra mình đã bị cuốn hút vào vòng xoáy công việc theo năm tháng mà quên đi mái ấm gia đình và hạnh phúc thực tại. Nhờ được giảng giải mà chú nhận ra nhiều thứ, cách trở về tự thân với hơi thở ý thức, bước chân chánh niệm, thật sự thưởng thức hương vị của một tách trà và những bông hoa mầu nhiệm đang hiển hiện trong trời đất… Chú trở nên tươi vui, yêu đời hơn sau đó vì thấy mình đang thực sự sống. Còn tôi thì thấy cũng thầm biết ơn chú vì đã cho mình ý thức thêm về sự trôi lăn trong dòng đời, có khi mấy mươi năm mới có cơ may tỉnh mộng.

“Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi.”

Mỗi ngày nhờ được tu học, sáng tỏ thêm diệu pháp, sống trong môi trường trong lành và hiến tặng được chút gì đó để đền ơn cuộc đời, tôi thấy lòng mình chẳng còn mong gì hơn nữa.

“Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên.”

 

Namo Sanghaya

Ngày hôm kia trong buổi soi sáng cho mình, tôi đã bày tỏ cảm nhận về Tăng thân như sau: Thật đẹp và rất phong phú, cách sống tự nhiên, nghệ thuật và nhân văn nhưng cũng mang đầy thử thách. Tuy nhiên mình vẫn có thể làm tốt và hay hơn. Đó là điều mà không có điểm dừng và cũng chính là nguồn cảm hứng cho mình đi tới. Càng tu học, tôi càng thấy mình nhìn sự việc tự nhiên hơn, tích cực hơn, nhờ vậy mà lòng trân quý và hạnh phúc cũng tăng lên theo năm tháng. Tăng thân được như ngày hôm nay để biết bao người đến nương tựa, quy ngưỡng thật không dễ dàng chút nào. Bởi tính đa dạng, đa văn hóa, ngôn ngữ và nền tảng niềm tin khác biệt, ấy vậy mà có thể cùng sống hòa hợp được để mang hạnh phúc đến cho đời thì giống như một phép lạ, lành thay!

Tăng thân có nhiều cái đẹp, cái hay qua nhiều góc độ và cái nhìn khác nhau. Tùy theo trái tim cảm nhận của mọi người. Nhưng trước hết là giống như một mái ấm gia đình, một sân chơi lành mạnh cho cả bốn chúng với đủ mọi thành phần, trình độ nhận thức, tuổi tác và thâm niên hạ lạp cùng hòa điệu tu học. Một chốn bình yên để trở về sau những cuộc hành trình, để được chia sẻ, lắng nghe, học hỏi, chăm sóc và thương quý lẫn nhau. Giúp nhau trưởng thành trong nhận thức và tu tập. Lý tưởng đó đang được thể hiện bây giờ và ở đây, nơi mỗi thành phần trong cộng đồng.

Tất cả trong một, một trong tất cả là sự diễn bày trong tư tưởng Hoa Nghiêm. Tôi thích lý tưởng sống động phong phú này; không đến không đi, không còn không mất thể hiện qua một vòng tròn tuyệt diệu. Trong đó cũng chứa đựng đầy đủ, thập pháp giới nơi tâm thức chung và mình có quyền quyết định lựa chọn nơi ở, nhờ chánh niệm sáng tỏ mà ta có thể nhận diện mình đang ở chốn nào để không bị vướngkẹt trong từng phút giây của đời sống. Thầy đã chỉ bày cho chúng tôi vẽ những vòng tròn thư pháp kì diệu. Không phải thư pháp chỉ được thể hiện bằng nghệ thuật, mà xuyên suốt trong ấy là sự sống tự tại thảnh thơi. Thở vào, bút pháp đi nữa vòng tròn. Thở ra, bút pháp hoàn thành nữa vòng tròn còn lại. Xong, nghệ thuật đó thật đẹp và ý vị, đủ dễ để ai cũng có thể luyện tập và làm được, miễn là mình thật sự muốn.

Hơi thở là sự sống, mang lại trị liệu và nuôi dưỡng thân tâm hàng ngày, càng ý thức hơi thở sâu sắc chừng nào, Niệm Định Tuệ càng phát triển chừng ấy. Tâm thức trở nên xuyên suốt và mở rộng thênh thang như chưa từng ngăn ngại điều gì. Được chăng tất cả trong hơi thở vào tròn đầy và hơi thở ra trọn vẹn. Sự sống động của thế giới ảnh tượng muôn màu, lung linh tuyệt đẹp như bảy sắc cầu vồng. Nhưng đằng sau đó, tất cả đều không có tự tánh. Vạn pháp và ta có gì cách biệt khi tâm thức trở nên trong suốt, tĩnh lặng phản chiếu không một tỳ vết. Hằng ngày tôi vẫn thắp sáng ý thức thực tập, cập bến nơi từng bước chân, an trú trong từng hơi thở chánh niệm cùng với lời nguyện ước năm nào“Xin nguyện sống trọn vẹn, mắt thương nhìn cuộc đời.” Mùa xuân đang về ngập tràn sức sống quanh đây. Hoa cỏ lại xanh mầm nở rộ, từng chiếc lá non tiếp tục đâm chồi trên những cành cây trơ trụi, lại bắt đầu một kiếp sống mới, vui vẻ và hân hoan trong nắng ấm. Cầu chúc sự sống tốt lành ở khắp nơi nơi.

Hoa Mộc Lan ở nội viện Phương Khê
Hoa Mộc Lan ở nội viện Phương Khê