Thiền ca bắc một nhịp cầu
Sư cô Trăng Hải Ấn
BBT Chuyển ngữ từ tiếng Anh
Sư cô Chân Trăng Hải Ấn hiện đang sống và thực tập ở xóm Hạ, Làng Mai, Pháp Quốc. Trước khi xuất gia, sư cô là sinh viên trường múa và nhạc kịch ở Montreal, dạy yoga và làm việc cho nhiều giáo xứ Unitarian gần Toronto. Sư cô cũng rất thích cùng bạn bè trồng nhiều cải xoăn ở mảnh vườn trước sân nhà.
Gia đình bên nội tôi theo đạo Cơ đốc, bên ngoại theo đạo Tin lành. Vì vậy mà từ nhỏ, tôi đã được đi học trong một trường Cơ đốc giáo và cũng hay đi lễ ở nhà thờ Tin lành. Tôi chẳng còn nhớ gì nhiều từ những lớp học Giáo lý, duy chỉ có ba điều làm cho tôi thích đi nhà thờ mà tôi vẫn còn nhớ tới bây giờ.
Chuyện đi nhà thờ trở nên thú vị đối với tôi một phần là vì ở đó có giờ cà phê, “coffee hour”, đó là giờ mà mọi người cùng uống cà phê, ăn bánh và trò chuyện với nhau. Tôi đặc biệt thích ăn bánh, vì ở nhà mẹ tôi hiếm khi cho chúng tôi ăn đồ ngọt. Mẹ muốn chúng tôi có một sức khỏe lành mạnh. Vì vậy mà tuần nào tôi cũng trông ngóng đến giờ cà phê ở nhà thờ.
Điều thứ hai khiến tôi yêu thích nhà thờ là được chơi với những đứa trẻ khác sau giờ hành lễ. Chúng tôi tha hồ bò lăn bò toài dưới những hàng ghế, giả bộ như đang đào đường hầm dưới lòng đất và khám phá những thế giới mới lạ. Điều thứ ba mà tôi thực sự yêu thích đến nhà thờ là được hát thánh ca, một phần của các buổi lễ. Là một đứa trẻ, tôi phải học chơi đàn piano nhưng chưa bao giờ tôi thích thú chuyện đó. Ấy vậy mà cơ hội được hát trong một nhóm đông lại trở thành nguồn vui rất lớn đối với tôi.
Khi lớn lên, ở tuổi thiếu niên, tôi không còn yêu thích đạo Thiên Chúa (Christianity) như trước nữa. Nhưng tôi biết có một điều gì đó quan trọng đã xảy ra khi mọi người đến với nhau để cùng chăm sóc cho đời sống nội tâm của chính mình. Cũng vì điều này mà tôi bắt đầu tìm kiếm một con đường tâm linh. Hành trình tìm kiếm đó cuối cùng đã đưa tôi đến với đạo Bụt và đến với Làng Mai – nơi tôi được học rất nhiều phương pháp thực tập như ngồi thiền – ngồi yên và không làm gì cả, chỉ ngồi cho vui thôi (just for the fun of it), dừng lại khi nghe chuông, sử dụng thi kệ, pháp đàm và… hát thiền ca.
Mới đầu khi hát những bài như “Thở vào, thở ra”, tôi thấy hơi buồn cười, nhưng dần dần tôi lại yêu thích bài hát đó. Những bài thiền ca làm sống lại sự hồn nhiên mà dường như tôi đã quên lãng từ lâu. Càng hát, tôi càng dễ mở lòng ra để cho năng lượng của những bài thiền ca đi vào trong tôi, làm cho tôi nở ra như một đóa hoa và vững chãi như đất Mẹ.
Hát thiền ca làm cho những câu thực tập thấm sâu vào tim tôi hơn là đọc hoặc tư duy về chúng. Có đôi khi, những bài thiền ca cứ văng vẳng trong tâm trí tôi không ngừng. Nhưng ngay cả những lúc như vậy nó vẫn rất hữu ích, bởi mỗi khi tôi bị phân tâm và trở về lại với chánh niệm thì trong tôi lập tức vang lên lời bài hát “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây”.
Mùa Đông đầu tiên ở Làng Mai có một ý nghĩa quan trọng đối với tôi, một phần là vì trong thời gian đó cảm hứng sáng tác âm nhạc bắt đầu biểu hiện trong tôi. Tôi đã không hoạt động âm nhạc đến hơn mười năm rồi, vậy mà bỗng nhiên những giai điệu, lời ca không hiểu từ đâu lại đi lên trong tôi. Đôi khi tôi nghe có nhạc trong lời giảng pháp của Thầy, thí dụ như “Nó đây rồi! Giây phút hạnh phúc đây rồi.” (This is it! This is a happy moment.)
Có khi cảm hứng đi lên từ một buổi pháp đàm hoặc một bài kinh. Nghe có vẻ như là một chuyện thần kỳ nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy khá bình thường, bởi vì Làng Mai là một nơi đầy ắp năng lượng chánh niệm và sáng tạo – nguồn năng lượng này đã được chế tác và gìn giữ trong mấy chục năm qua. Nhiều khi tôi có thể nếm được hương vị đó ngay cả trong bầu không khí tôi thở. Trong truyền thống Thiền, hầu hết các thiền sư đều là những nhà thơ, nhà nghệ sĩ – chính Thầy chúng tôi là một điển hình tuyệt vời và là một nguồn cảm hứng lớn lao đối với rất nhiều người.
Đã bảy năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Làng và hát nhạc thiền vẫn là một thực tập đầy nuôi dưỡng cho tôi. Nó giúp tôi bày tỏ những phút giây hạnh phúc và tuyệt diệu mà tôi trải nghiệm, giúp tôi nhìn thật sâu vào nỗi khổ niềm đau, giải tỏa những năng lượng bị bế tắc, đem mọi người lại với nhau và còn nhiều nhiều nữa.
Sáng tác thiền ca cũng đã trở thành một pháp môn có tác dụng rất lớn cho tôi. Tôi thấy khi mình gắng sức để sáng tác, âm nhạc sẽ trở nên gượng ép và tôi không thấy thích thú chi cả. Thế nhưng khi tôi chỉ ngồi yên để lắng nghe, lắng nghe và chỉ lắng nghe thôi thì tự nhiên một cái gì đó thật đẹp bỗng đi lên trong không gian yên lắng đó. Cuộc sống cũng giống y như thế! Những giai điệu, lời ca, những cảm xúc muốn được tỏ bày… những cái đó đều cần sự chú tâm, cũng như thời gian và không gian để biểu hiện.
Sáng tác nhạc là một hình thức quán chiếu và là một phương thức hiệu nghiệm để nuôi dưỡng niềm vui. Nó cũng là một cơ hội để ta thực tập buông bỏ. Buông bỏ ý muốn viết một bài hát thật hay, buông đi sự cố công hoàn thành một việc chưa đủ điều kiện để hoàn thành, buông đi những ý kiến tuyệt vời nảy ra trong lúc ngồi thiền… Tôi có quá nhiều cái để buông!
Cống hiến một khúc nhạc, một bài hát cho tăng thân cũng là cơ hội để tôi thực tập lắng nghe sâu, thở sâu và chuyển hóa sự bất an. Tôi nhận ra chúng khi chúng vừa phát khởi và nói: “Chào anh bạn hồi hộp! Tôi thấy anh rồi! Đây, anh hãy cùng thở với tôi nhé. Không đáng sợ lắm đâu – chúng mình cùng hát với nhau nhé!” May mắn thay, tăng thân bao giờ cũng yểm trợ tôi rất hết lòng. Còn nơi đâu an toàn hơn tăng thân nữa?
Trở lại với âm nhạc giúp tôi nối lại được sự liên hệ với gốc rễ tâm linh và huyết thống của mình, nhất là mối quan hệ với mẹ tôi. Mẹ không bao giờ làm gì để tôi phải áy náy vì việc bỏ học piano, nhưng khi thấy tôi bắt đầu chơi đàn ghi ta để đệm nhạc cho các bài hát, mẹ vô cùng hạnh phúc! Mẹ và tôi bắt đầu cùng nhau chơi nhạc và nhờ thế giữa hai mẹ con có một tình bạn rất thắm thiết. Mỗi khi hát hợp xướng, tôi hay nhớ lại lúc bé đứng cạnh mẹ trong nhà thờ và lắng nghe giọng nữ trầm của mẹ. Giờ đây mẹ tôi không còn biểu hiện bằng hình hài nữa, nhưng mẹ vẫn còn đang rất sống động trong tôi, nhất là lúc tôi cất tiếng ca.
Thực tập thiền lạy giúp tôi thấy rất rõ tình yêu âm nhạc của tôi được trao truyền từ nhiều thế hệ tổ tiên, không chỉ từ mẹ mà thôi. Bà ngoại của tôi đã từng hát và chơi piano trong một ban nhạc jazz. Anh ruột của bà ngoại từng dạy opera. Bà cố ngoại của tôi cũng là một giáo viên dạy piano. Trong số anh chị em họ của bà ngoại cũng có người là nhạc sĩ chuyên nghiệp… Âm nhạc luôn là một phần thân thiết của gia đình bên ngoại tôi. Vì thế, một cách thật tự nhiên, âm nhạc cũng trở thành một phần thân thiết của cuộc đời tôi.
Âm nhạc cũng là một phần quan trọng của tổ tiên Thiên Chúa giáo trong tôi, cho dù tôi đã chối bỏ gốc rễ này khi còn ở tuổi thanh niên. Nếu trong lời một bài hát có hai chữ Thượng đế, tôi liền đổi lời ngay để hát tránh đi hoặc không hát luôn. Đi ngang qua một nhà thờ luôn làm tôi co rúm lại vì nó gợi cho tôi hình ảnh của những ngôi trường nội trú Cơ đốc giáo (Inquisition and Indian Residential Schools). Nhờ sự thực tập mà tôi đã chế tác được lòng từ bi để thông cảm cho những khổ đau gây ra bởi các thể chế của nhà thờ Công giáo. Tôi vẫn còn tiếp tục thực tập để buông bỏ những thái độ thành kiến với Thiên Chúa giáo.
Giờ thì tôi đã thích hát thánh ca, đã tìm thấy ý nghĩa và tình yêu trong hai chữ Thượng đế. Trong hai mùa Đông vừa qua, tôi tham gia vào dàn đồng ca xuất sĩ của Làng Mai. Chúng tôi đã tạo thành một dàn hợp xướng bốn bè để hát những bài thánh ca truyền thống cúng dường tăng thân và hàng xóm của Làng nhân dịp Giáng sinh. Khi hát những bài thánh ca rất xưa ấy, tôi thực sự cảm thấy ông bà tổ tiên đang có mặt một cách sống động và đang mỉm cười trong tôi.
Một số anh chị em tôi trong tăng thân thậm chí còn đi dự lễ Giáng sinh tại một nhà thờ Chính thống giáo (Orthodox) gần nhà. Tôi không lớn lên trong truyền thống này, nhưng vì lễ hôm đó có hát thánh ca nên tôi thấy rất quen thuộc. Sự thay đổi ấy trong tôi đích thực là một sự thần kỳ!
Bây giờ khi đã xuất gia rồi, thậm chí tôi còn tâm đắc hơn với việc dùng âm nhạc để xây dựng tăng thân. Dù đó là tụng một bài kinh hay hát thiền ca: “Tôi là một đám mây, tôi là bầu trời xanh..,” năng lượng tập thể khi hát cùng nhau làm tâm thức chúng ta hợp nhất. Sự rung động của âm nhạc còn làm chúng ta hợp nhất về mặt vật lý. Trong khóa tu dành cho người trẻ mùa Hè vừa qua, trước pháp thoại, chúng tôi hay cùng nhau hát thiền ca. Chúng tôi rất vui tươi và hát những bài hát đầy năng động, nhưng một khi tất cả đã đi vào trong sự hòa điệu thì những bài hát dễ dàng được hát với một năng lượng bình an, bởi vì tất cả mọi người đều cùng chung một tầng số xung động (vibration).
Cũng như những thứ khác, ca hát có thể là một công cụ để giúp ta thực tập hay hơn, nhưng nếu không khéo, nó cũng làm cho ta dễ bị lôi kéo đi. Thực tập theo giới thứ 5 của Năm giới, chúng ta ý thức rằng mình cần phải tiêu thụ như thế nào để sự bình an và niềm vui trong ta được nuôi dưỡng hàng ngày. Vì vậy, khi nghe hoặc chơi nhạc, tôi luôn cố gắng dừng lại và tự hỏi: “Những gì tôi đang nghe hoặc đang chơi có nuôi dưỡng niềm vui, sự bình an, hiểu biết và tự do trong tôi hay không?” Điều này không có nghĩa là tôi phải khép mình vào kỷ luật, mà thay vào đó, tôi thấy đây là một cơ hội để tôi càng ngày càng trung thực với chính mình hơn và ý thức hơn về tác động của những thứ mà tôi thường tiêu thụ.
Tùy vào từng thời điểm mà mỗi bài hát có ảnh hưởng khác nhau đối với tôi. Khi tôi đang hạnh phúc, một bài hát nhẹ nhàng như “Khi tôi đi trên con đường tuyệt vời này” (When I walk on this lovely path) sẽ làm cho hạnh phúc đang có trong tôi trở nên tươi mới hơn. Khi tôi buồn, một bài hát như “Hãy gọi đúng tên tôi” (Please call me by my true names) sẽ rất hữu ích, bởi vì nó nhắc tôi nhớ rằng “nỗi đau và niềm vui là một.” Đôi lúc tôi cũng cần được đi ra một chút, bài hát “Ánh sáng nhỏ của tôi” (The Little Light of Mine) sẽ giúp tôi trở lại làm cô bé con đi học ngày Chủ nhật (Lớp học giáo lý chủ nhật ở trường Cơ đốc giáo).
Những thực tập căn bản như hơi thở ý thức, thiền hành, dừng lại để lắng nghe chuông là những pháp môn mà tôi sử dụng hàng ngày, rất nhiều lần trong ngày. Đó là những người bạn luôn kề vai sát cánh bên tôi. Tôi cũng dành thì giờ để chuyện trò, học hành, vui chơi và ca hát. Khi mới tới Làng, tôi không hề biết đây là một tăng thân Phật giáo yêu thích âm nhạc, tôi cũng không biết sự có mặt của một tăng thân như vậy là một điều rất hiếm hoi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn đã tìm thấy Làng Mai. Tôi đã gặp một số người lớn lên trong truyền thống đạo Bụt nhưng lại đi lễ nhà thờ chỉ vì họ thích thánh ca. Khi tìm ra Làng Mai, những người này vô cùng hạnh phúc bởi vì họ có thể trở về với gốc rễ tâm linh đạo Bụt mà vẫn được hát ca. Tôi cũng có cùng một tâm trạng như họ!
Giờ đây khi nhìn lại, tôi có thể thấy nhà thờ của tôi thời niên thiếu và tu viện mà tôi hiện đang sống không khác nhau gì mấy. Trên thực tế, cả hai liên hệ với nhau một cách rất mật thiết. Tôi vô cùng biết ơn việc mình đi nhà thờ trong những năm tháng còn thơ ấu, không phải chỉ vì những chiếc bánh ngọt. Sự hết lòng của tôi đối với đời sống tâm linh, tình thương dành cho tăng thân, và niềm tin vào sự giác ngộ đều có gốc rễ từ gia đình và từ nhà thờ. Mỗi khi tôi hát thiền ca, tôi có thể nghe tiếng nói của tổ tiên: “Đúng rồi, đúng là nó rồi.” (Yes, that’s it!).
Tôi không thể tìm ra được Làng Mai nếu không có nhà thờ và tôi không thể trở lại với âm nhạc và tình yêu của Chúa nếu không có Làng Mai. Nếu có ai đó nói với tôi như vậy khi tôi còn ở tuổi thiếu niên, tôi sẽ không bao giờ tin họ. Thế nhưng đó lại là sự thật. Cuộc sống thật là kỳ diệu, có phải thế không bạn?
Amen!