Không cần tranh đấu với bóng tối
“Trong sự thực tập của sư em nói chung, sư em luôn tự nhắc mình về một sự thật đơn sơ là: Chúng ta không thể tranh đấu với bóng tối, chúng ta chỉ cần đem ánh sáng tới. Ánh sáng ấy chính là chánh niệm và khi nó có mặt thì mọi thứ tự nó sẽ dần dần được chuyển hóa một cách tốt đẹp” – Sư chú Trời Tự Tại.
Ban biên tập phỏng vấn sư chú Trời Tự Tại và chuyển ngữ từ tiếng Pháp
Sư em có thể giới thiệu ngắn gọn về mình được không?
Sư em tên là Chân Trời Tự Tại, người Pháp. Sư em được xuất gia vào tháng 7 năm 2011 trong gia đình Cây Trúc Tím. Trước khi xuất gia, sư em đã làm cảnh binh (cảnh sát của quân đội) trong 18 năm.
Sư em đã bắt đầu tìm kiếm con đường tâm linh như thế nào và nhân duyên nào đã đưa sư em đến với Làng Mai?
Tất cả đã bắt đầu bằng chuyến công tác 6 tháng ở Congo, châu Phi. Lúc ấy sư em mới 29 tuổi. Khi sư em tới, cuộc chiến ở đó chỉ mới kết thúc. Sư em đã được chứng kiến một quang cảnh tan hoang. Sư em đã được gặp những người sống trong cảnh thực sự nghèo đói nhưng vẫn hạnh phúc và tràn đầy niềm vui sống. Cuộc gặp gỡ này đã đánh động sư em rất mạnh bởi vì sư em đã luôn tin rằng hạnh phúc tùy thuộc vào những điều kiện vật chất.
Sư em đã từng có một căn hộ lớn, xe hơi, nhiều điều kiện thuận lợi nhưng sư em vẫn thấy rất bất hạnh. Còn ở đây, sư em đã thấy trước mặt mình những người rất hạnh phúc mà trong tay không có gì nhiều. Nhiều người trong số họ nói với sư em: “Tôi chỉ sống trọn ngày hôm nay bởi vì tôi cũng không biết ngày mai tôi còn được sống hay không.” Chính câu nói đó đã đánh động sư em một cách sâu sắc.
Khi sư em trở lại Pháp, một điều gì đó tiếp tục rung động và làm sư em trăn trở. Trong cuộc sống của mình, sư em đã trải qua nhiều khổ đau: những vết thương từ thời ấu thơ, cuộc ly dị… và sư em rất sợ rằng niềm hạnh phúc mà sư em đã nếm được ở châu Phi sẽ mất đi. Chính lý do đó đã khiến sư em bắt đầu quan tâm tới con đường tâm linh và “Nghệ Thuật Hạnh Phúc” của Đức Dalai Lama, là cuốn sách đầu tiên mà sư em đọc. Sư em đã bắt đầu thực tập đạo Bụt theo truyền thống Tây Tạng từ 2002 đến 2007.
Sư em có theo đạo Cơ Đốc giáo trong thời gian đó không?
Dạ, cũng không hẳn. Thực sự là trong sư em luôn có một tiếng gọi từ trái tim nhưng sư em đã không tự cho phép mình nghe thấy tiếng gọi ấy. Lúc sư em 6 tuổi, sư em đã nói với mẹ: “Mẹ ạ, sau này con muốn làm cha xứ.” Hoàn cảnh đã đưa sư em trở thành cảnh binh, nhưng trong đáy lòng mình, sư em đã luôn mơ ước về một đoàn thể sống tươi vui, an lạc. Sư em không muốn tin rằng đức Chúa hiện diện ở một nơi xa xôi nào đó, không liên hệ gì đến mình cả. Có một điều gì đó trăn trở trong sư em nhưng sư em cũng không biết đó là điều gì.
Thực tập đạo Bụt có ảnh hưởng gì đến công việc của sư em không?
Khi mới bắt đầu thực tập, sư em đã đặt lại vấn đề về công việc của mình. Sư em tự hỏi mình có cần thay đổi nghề nghiệp hay không. Sư em làm trong đội cảnh binh, can thiệp bằng vũ lực. Công việc của sư em đòi hỏi phải dùng vũ lực để chống vũ lực: phá cửa, bắt tội phạm, luôn sẵn sàng dùng súng… tất cả những cái đó tưới tẩm hạt giống bạo động trong sư em. Sư em không muốn tiếp tục như vậy nữa. Thế nên sư em xin thay đổi nhiệm vụ rồi sau đó sư em được phép không phải sử dụng vũ khí nữa.
Sau đó, chuyện gì đã xảy ra cho sư em?
Năm 2007, trong trung tâm thực tập nơi sư em hay lui tới, một vụ bê bối xảy ra khiến cho sư em thất vọng đến mức muốn quay lưng lại với đạo Bụt.
Cùng lúc đó, sư em đã gặp một phụ nữ và đã có một mối quan hệ say đắm. Năm 2009, cô ấy nói với sư em: “Khi em mới gặp anh, em cảm nhận một nguồn sáng tỏa ra từ tâm hồn anh và đó chính là điều đã cuốn hút em tới với anh. Nhưng dường như em đang làm cho ánh sáng ấy càng ngày càng lu mờ.” Rồi cô nói thêm: “Vì tình yêu, em sẽ ra đi.” Lúc đó, sư em chẳng hiểu gì. Sư em nghĩ: “Lý do gì mà kỳ quặc thế?” Sư em rất tha thiết với người phụ nữ đó và không muốn bị bỏ rơi. Sự thực là cô ấy đã rất thương sư em. Còn sư em, vào thời điểm đó, chỉ đang tìm kiếm để đáp ứng những đòi hỏi của mình. Sau khi cô bạn ấy ra đi, tinh thần của sư em trở nên suy sụp. Sư em đau khổ nhiều và như tất cả những lần khác, sư em chạy trốn những khổ đau của mình bằng công việc, chơi thể thao và những trò giải trí khác.
Khi chị của sư em nhận thấy sư em không ổn, chị đã mời em tới đón năm mới 2010 tại nhà chị cùng với những người bạn khác. Lúc ấy, một sự kiện đặc biệt đã tới với sư em. Vào thời điểm giao thừa, khi tất cả mọi người ôm hôn nhau, sư em tìm một nơi khuất, chắp hai tay lại và nói: “Trời ơi! Xin hãy lắng nghe tôi. Tôi phải… tôi phải dừng tất cả lại!”
“Tôi phải thoát khỏi những trói buộc ấy!”(cười)
Dạ, “Tôi phải thoát khỏi những trói buộc ấy!” Sư em không thể cứ tiếp tục đi vòng quanh mãi. Đó là một lời cầu nguyện từ tận đáy lòng của sư em. Bốn hôm sau, sư em bị ốm rất nặng. Sư em nằm bẹp trên giường, hoàn toàn kiệt sức. Không còn nơi nào để trốn chạy nữa, sư em đã buộc phải đối diện với chính mình. Sau một tuần lễ, sư em nhìn lên tường, ngắm bức ảnh của sư em khi mới 5 tuổi. Sư em cũng không biết vì sao nhưng sư em đã đứng dậy, cầm bức ảnh xuống nhìn và thốt lên: “Xin lỗi!” Trong niềm hối hận ấy, sư em bắt đầu khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Chắc sư em khóc cho tất cả những khổ đau mình đã trải qua. Sau đó, sư em cảm nhận một sự nhẹ nhõm từ sâu thẳm trong con người mình. Sư em có cảm tưởng như mình được trở lại làm em bé, không cần phải đóng bất cứ một vai nào nữa. Sư em nhận ra rằng mình đã sống trong một cái “áo giáp”. Sư em đã luôn là người rất nhạy cảm nhưng sư em đã không tự cho phép mình sống với tính ấy. Bây giờ chính tính ấy đã trở thành sức mạnh đích thực của sư em.
Sư em đã ngủ thiếp đi và hôm sau tỉnh dậy trong một trạng thái tĩnh lặng mà sư em chưa bao giờ biết tới.
Trước đó, sư em không bao giờ biết lắng nghe cơ thể mình. Sư em luôn nhìn cơ thể sư em như một thứ gì đó để khai thác và trưng bày. Sư em sống bằng cái nhìn của người khác. Tại sao? Tại vì sư em đã không có khả năng thương yêu chính mình. Sư em nghĩ rằng điều này đã bắt đầu khi mẹ sư em bỏ đi lúc sư em 6 tuổi. Đó là một chấn thương tâm lý lớn đối với sư em. Sư em chỉ còn bố ở bên cạnh và bên trong mình là một sự đổ vỡ lớn. Sư em đã nghĩ một cách ngây thơ: “Mẹ bỏ mình vì mình là đứa con trai hư.” Trong tuổi thiếu niên, sư em đã giận mẹ đến mức không muốn nhận mẹ nữa và cũng không muốn nghe nói tới họ hàng phía bên ngoại. Khi làm như vậy, nội tâm của sư em luôn bị giằng xé, sư em đã không được là mình.
Nhưng khi đã biết thương mình, sư em đã tìm lại được mẹ trong mình và hòa giải được với phần nữ tính, dịu dàng, nhạy cảm trong mình.
Sau đó, sư em thấy cần phải tìm lại mẹ. Gặp lại sau nhiều năm trời, mẹ nói với sư em: “Mẹ đã bỏ các con, mẹ hối hận vô cùng, mẹ không thể tha thứ cho mình được.” Sư em trả lời mẹ: “Con có mặt đây để giúp mẹ vượt qua niềm hối hận ấy.” Sư em còn nói thêm: “Mẹ có cảm nhận được sự an bình trong lòng con không?” Mẹ nói: “Mẹ có thấy.” “Đó là nhờ vào sự ra đi của mẹ. Con cảm ơn sự ra đi đó!” Mẹ rất ngạc nhiên khi nghe sư em nói như vậy. Sư em giải thích thêm: “Chính vì con đã có thể đối diện được với sự ra đi của mẹ, chính vì con đã đối diện được với những khổ đau trong lòng mà con đã mở trái tim mình ra và tìm được bình an như hôm nay.” (Hiện giờ, dù những khổ đau của mẹ vẫn còn, nhưng đã giảm hơn trước nhiều và mỗi khi nói chuyện, hai mẹ con chia sẻ nhiều điều thật dễ thương).
Sự chuyển hóa trong nội tâm của sư em cũng đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều mặt trong cuộc sống của sư em, trong đó có cả cách làm việc của sư em. Có một lần trong khi sư em đang ngồi thiền một mình trong văn phòng, sư em nhận được điện thoại của đồng nghiệp yêu cầu sư em tới can thiệp hỗ trợ cho một vụ việc nhạy cảm. Khi sư em tới nơi, sư em thấy mười đồng nghiệp của mình vây quanh một gã to con cao hơn 2 mét đang giữ một người đàn ông làm con tin. Mọi người đều giận dữ và không khí càng lúc càng căng thẳng. Thật may, nhờ vào năng lượng thiền tập trong mình, sư em đã có thể tiến về gã to con, nhìn anh ta trầm tĩnh, không phán xét và nói một câu giản dị: “Anh biết là anh làm thế không đáng mà!” Thật bất ngờ, anh ta trả lời: “Phải, anh nói đúng” và anh thả con tin ra. Sau này, các đồng nghiệp của sư em nói: “Chuyện xảy ra thật không thể tin được. Tất cả đã được giải tỏa chỉ trong chốc lát dù rằng câu nói của anh quá bình thường.” Sư em không nói gì nhưng trong lòng mình biết rằng năng lượng tu tập trong sư em đã đóng vai trò quan trọng trong sự giải quyết tốt đẹp cho sự việc ấy.
Sư em tò mò muốn biết xem có ai từng trải qua kinh nghiệm chuyển hóa tương tự hay không. Sư em tới hiệu sách. Có một người đàn ông, dầu sư em chưa nói mình tìm gì, đã nói với sư em: “Nếu tôi là anh, tôi sẽ đọc cuốn sách này.” Đó là cuốn “Hiệu lực cầu nguyện” của Thầy.
Tất cả những gì sư em được đọc trong cuốn sách này đã đánh động mạnh tới sư em, dường như đó cũng là sự phản chiếu của những gì đẹp nhất trong tâm hồn sư em. Không lâu sau đó, sư em lên xe mô-tô đi đến Thiền đường Hơi Thở Nhẹ tại Paris. Vào lúc năm giờ sáng, sư em gõ cửa Thiền đường. Như thể là đợi sẵn, sư cô Giác Nghiêm mở cửa cho sư em với nụ cười hiền hậu trên môi. Hai người nhìn nhau như hai người bạn cũ gặp lại. Điều này thật không thể giải thích nổi.
Sau thời ngồi thiền, sư em ngắm nhìn các thầy, các sư cô đang có mặt đó và có cảm giác mình đã tìm lại được những người thân thương của mình. Lúc ấy, trong đầu sư em khởi lên một suy nghĩ: “Trời đất! Mình đang tự vẽ lên một cuốn phim rồi!” (cười) Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là ngay lúc ấy, sư cô Mai Nghiêm đứng dậy, tiến về phía sư em và nói: “Chúng ta biết nhau, phải không?” (cười) Sư em cười phá lên và đáp lại: “Chắc chắn rồi, mình biết nhau mà!” rồi cả hai tìm cách nhớ lại xem đã gặp nhau ở đâu nhưng không thành công. Với tính hài hước thường nhật của mình, sư cô Mai Nghiêm nói với sư em: “Chú đã quên mất rằng chú đã tới rồi.”
Một thời gian sau đó, quyết định trở thành tu sĩ đến với sư em một cách hiển nhiên. Sư em đã được tái sinh.
Sau lần đầu tiên sư em tới Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, sư em đã thấy rõ là mình muốn làm tu sĩ trong tăng thân Làng Mai ư?
Dạ, vâng. Đối với sư em, điều này đã là một điều hiển nhiên không thể giải thích được. Sư cô Giác Nghiêm nói với sư em: “Chú cứ từ từ, chú có thời gian mà”, nhưng sư em trả lời: “Nhưng thưa sư cô, việc này đối với con đã quá rõ rồi.” Sư cô đã thấy điều ấy trong ánh mắt sư em. Tuy vậy, sư cô vẫn nói: “Sư cô hiểu. Nhưng dù sao, chú vẫn nên tới Làng Mai trước khi quyết định”, bởi vì lúc ấy sư em chưa hề đặt chân tới Làng Mai. (cười)
Sư em tới Làng lần đầu năm 2010. Sư em tham gia vào một khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp và một khóa tu sức khỏe. Không còn nghi ngờ gì nữa, sư em đã tìm được chỗ đứng của mình. Sư em biết rằng chỉ bằng cách tiến bước trên con đường xuất gia thì sư em mới có thể tiếp tục chữa lành những vết thương trong mình, sống hài hòa với chính mình và từ đó có thể có mặt cho người khác bằng tấm lòng cởi mở và đầy tình thương.
Đạo Bụt đang cắm rễ ở Tây phương. Đối với sư em, điều này đem lại những khó khăn cũng như những hy vọng gì cho tương lai?
Thật ra, sư em không nghĩ nhiều tới vấn đề đó. Đối với sư em, đạo Bụt không chỉ là một chủ thuyết. Sư em mang áo của một tu sĩ đạo Bụt nhưng sư em luôn chú ý để không tự giam mình vào ý niệm nhỏ hẹp rằng mình là một “tu sĩ”, rằng mình là “tín đồ đạo Bụt”. Điều quan trọng nhất vượt lên trên cả “đạo Bụt”, “đạo Chúa” hay bất cứ một tôn giáo nào là chánh niệm, tình thương và sự hiểu biết. Chỉ có những điều đó thôi mới có thể chạm tới tất cả mọi người. Theo sư em hiểu, cốt lõi của Thiền tông cũng nằm ở chỗ đó. Thiền là sự sống và sự sống luôn biến chuyển, rộng mở. Sự sống là sự tiếp chạm không ngừng. Sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng của Thiền tông làm sư em rất thích thú. Thiền tông Nhật Bản không giống với Thiền tông Nam Hàn và cũng khác với Thiền Việt Nam. Thiền tông ở Tây phương cũng sẽ tìm thấy hình thái riêng của mình.
Trong nghề nghiệp trước đây của sư em, sư em đã phải đối diện với rất nhiều tệ nạn xã hội. Theo sư em, gốc rễ của những khó khăn mà giới trẻ gặp phải là gì? Là người tu, mình có thể giúp gì cho xã hội?
Giới trẻ thiếu hướng đi. Xã hội hiện nay không có khả năng chỉ đường cho họ. Giới trẻ cũng rất thiếu sự quan tâm và tình thương của người lớn. Sư anh biết không, phần lớn người trẻ làm bậy chỉ để nhằm thu hút sự chú ý, để người khác thấy được sự tồn tại của họ.
Trong một khóa tu mùa hè, sư em chăm sóc các em thiếu niên. Hôm đó một cụ già tới giới thiệu đứa cháu 16 tuổi với sư em. Ông nói: “Tôi không biết phải làm gì với nó nữa. Nó bán ma túy, quấy phá suốt ngày và không bao giờ nghe lời cha mẹ.” Em trai đó nói ngay: “Tôi không muốn đến đây. Tôi chẳng có gì để làm ở đây hết. Tôi sẽ không nói gì hết và không làm gì hết!” Cậu bé đã làm cho sư em nhớ tới mình khi cùng lứa tuổi. Sư em nhìn cậu bé đó và nói: “Em cũng giống hệt anh khi anh 16 tuổi. Em không cần làm trò nữa. Anh biết rằng em là người rất dễ thương.”
Cậu bé nhìn sư em rất ngạc nhiên và nói: “Anh là thầy tu, anh là một người hoàn hảo. Còn em thì khác.” “Em lầm rồi. Anh sẽ cho em thấy” và sư em đã đem cho cậu bé xem hình sư em trước kia, mặt mũi hung dữ, hai tay hai khẩu súng. “Em thấy không? Có thấy tất cả những bạo động này trong anh không? Dù rằng hồi đó, anh đứng ở phía cảnh sát chứ không phải phía của bọn côn đồ nhưng kỳ thực bạo động nào cũng là bạo động. Không có ‘bạo động chính nghĩa’ hay ‘bạo động phi chính nghĩa’. Thời đó, anh đã luôn tìm kiếm để trở thành một người khác, anh không biết sống với chính mình nên cũng không thấy được sự nhạy cảm trong anh.” Dần dần, qua những lần chơi với nhau và chia sẻ, em trai ấy đã mở lòng được. Em đã tham gia vào khóa tu và đến ngày cuối cũng không muốn rời Làng về nhà nữa. Ông của em đã tới, vừa cảm ơn sư em vừa khóc. Mới gần đây, sư em nhận được thư cảm ơn của em trai này. Đó quả là một câu chuyện đẹp và cảm động.
Sư em cũng thấy rằng chúng ta rất cần học cách có mặt thực sự cho sự sống. Chúng ta luôn chạy trốn, chạy trốn khỏi chính mình. Chúng ta tự gán cho mình quá nhiều ý niệm về bản thân nhưng những ý niệm ấy không phải là hiện thực. Thực tại vượt lên trên ngôn từ, nó chỉ có mặt khi tâm chúng ta trở về hợp nhất với thân. Trong trạng thái ấy, ta thấy đầy đủ, không còn cần phải tìm kiếm gì nữa. Sự mãn nguyện thực sự chỉ có thể nếm được khi mình biết trở về với mình – bây giờ và ở đây.
Tăng thân của mình có nhiều thầy và sư cô với lứa tuổi khác nhau và đến từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau, sư em thực tập như thế nào để sống hài hòa với mọi người?
Cũng vẫn là điều cơ bản ấy thôi; trước tiên sư em cần phải có mặt cho mình. Khi sư em thực sự có mặt với cơ thể mình, sư em cảm nhận được năng lượng của sự sống và hạnh phúc. Trong trạng thái đó, sư em có thể mở lòng ra. Lúc ấy, mọi rào cản đã biến mất và sư em có thể nhìn thấy mình trong các sư anh, sư em của mình.
Tuy vậy, cũng có khi những phán xét và trách móc đi lên khiến cho lòng sư em đóng lại. Khi ấy, điều quan trọng nhất với sư em là không tự trách mình, cũng không tìm cách trốn chạy hay đồng hóa mình với những tâm hành ấy. Thay vì tự nói: “Tôi đang phán xét” thì mình có thể nói: “Sự phán xét đang có mặt ở đây.” Khi đã biết nhận ra những tâm hành đó tức là mình đã có chánh niệm, mình đã thành công rồi.
Trong sự thực tập của sư em nói chung, sư em luôn tự nhắc mình về một sự thật đơn sơ là: “Chúng ta không thể tranh đấu với bóng tối, chúng ta chỉ cần đem ánh sáng tới.” Ánh sáng ấy chính là chánh niệm và khi nó có mặt thì mọi thứ tự nó sẽ dần dần được chuyển hóa một cách tốt đẹp.
Quý thầy, quý sư cô của mình đến từ khắp nơi trên thế giới, mỗi người mỗi khác biệt và chính điều ấy làm cho chúng ta giàu có thêm. Nếu sư em sống ở một nơi với toàn những người Pháp như trước kia thì chắc sư em sẽ chán lắm! Sau chuyến đi Mỹ ba tháng vừa rồi, sư em đã buông bỏ nhiều sự vướng mắc của mình với ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Hiện giờ sư em cảm thấy thoải mái như nhau cả trong nhóm nói tiếng Anh hay tiếng Pháp.
Sư em thấy đây là nhà của mình. Đây là gia đình của mình.