Cùng học cùng tu
Chân Linh Nhĩ
Vì sao có lớp Pháp văn ở Hơi Thở Nhẹ
Sư cô Giác Nghiêm (Elisabeth) cùng tu với các sư cô người Việt ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ, một chi nhánh của Làng Mai ở Noisy-Le-Grand, là một trụ trì người Pháp hiếm thấy ở Paris.
Vì có nhiều thiền sinh người Pháp và người Việt năng tới lui thiền đường, đặc biệt vào mỗi ngày Chủ nhật thiền sinh về rất đông vì đó là ngày tụng giới hoặc ngày chánh niệm, nên tiếng Pháp rất cần cho việc truyền thông và hướng dẫn tu tập. Một số thành viên trong tăng thân Hơi Thở Nhẹ trong đó có chị Bảo Nguyện và tôi đã suy nghĩ khá nhiều đến vấn đề này. Chúng tôi thấy cần mở lớp tiếng Pháp để giúp đỡ các sư cô. Tôi xin nhận giảng dạy vì tôi đã được đào tạo ở trường Đại học Sư phạm và có một số kinh nghiệm dạy tiếng Pháp khi còn ở Việt Nam cũng như đã dạy các em tỵ nạn vị thành niên Việt-Miên-Lào một vài năm trước đây do hội Hồng Thập Tự Pháp bảo trợ.
Người xưa thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Trước khi dạy đã có sự do dự cả hai phía: người học có vẻ ái ngại vì có lẽ đã gặp khó khăn trước đây khi học ngoại ngữ này, còn người dạy cũng phân vân không biết dạy như thế nào để đạt được kết quả tốt. Tôi nghĩ là mình cứ làm rồi điều chỉnh sau cho phù hợp với nhu cầu của các sư cô. Dạy tiếng Pháp để nói cho người khác hiểu cũng không khó lắm, vì ngay cả những người ít học cũng có thể diễn tả được, chỉ cần hiểu vài từ chính, nhìn cử chỉ, điệu bộ là có thể đoán được ngay, trừ trường hợp người có “tâm điếc”, khép kín trái tim cố tình không muốn nghe, không muốn hiểu, như câu tục ngữ Pháp: “Người điếc nhất là người không muốn nghe” (Il n’y a pire sourd que celui qui ne veut pas entendre).
Các sư cô đều có trình độ học vấn cao, lại biết tiếng Anh nên khi chuyển qua học tiếng Pháp không gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các sư cô không bị áp lực học để thi lên lớp hay học để thi lấy bằng cấp nên học rất thoải mái, vui vẻ, có niềm vui trong khi học, chỉ cần hiện diện để đọc, nghe, thấy và viết một chữ nhiều lần thì mình sẽ thuộc, sẽ nhớ. Vui mà học, học mà vui thì tự nhiên mình sẽ học được, sau một thời gian ngắn các sư cô đã có tiến bộ, có thể nghe và hiểu được… Sư cô trụ trì Giác Nghiêm và một số các thiền sinh người Pháp đã nhiều lần ngợi khen sự tiến bộ của các sư cô. Tôi ước mong mình tu tập tiến bộ được như các sư cô học tiếng Pháp thì hạnh phúc biết mấy!
Ngoài ra tôi còn được chị Tâm Tươi Mát (Ngọc Anh) tiếp tay dạy và anh Chân Linh Từ (Jean Pierre) giúp đọc những bài tôi soạn với giọng đọc chuẩn của người ở Paris (accent parisien).
Thầy giáo và học trò đều muốn làm con Ngọc Hoàng
Có khi ham học quá nên đã hết giờ mà cả lớp không biết, khi sư cô phụ trách nấu ăn xin đi ra để lo cơm tối thì tôi mới biết là đến lúc phải ngưng dạy. Tôi hỏi đùa các sư cô là có muốn làm con Ngọc Hoàng hay học thêm nữa? Các sư cô đồng thanh đáp: “Dạ chúng con rất muốn làm con Ngọc Hoàng!” Bản thân tôi cũng muốn luôn, đúng là “đồng bịnh tương lân” mà! Cụm từ “con Ngọc Hoàng” được trích từ câu ca dao:
“Hiu hiu gió thổi đầu non
Những người làm biếng là con Ngọc Hoàng”
Tôi cho rằng có làm việc nhiều mới biết trân quý lúc nghỉ ngơi. Tôi thấy Sư Ông tuổi gần 90 mà lúc nào cũng làm việc không nghỉ, thời khóa biểu mỗi lần đi hoằng pháp dầy đặc, không có chỗ nào trống khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ và thán phục. Chỉ có Sư Ông mới nghĩ ra “ngày làm biếng”, tôi rất tâm đắc ý nghĩ này vì bản thân tôi, trước đây vài tháng (vì tôi bắt đầu nghỉ hưu từ 01.07.2013) cũng thức dậy rất sớm mỗi ngày từ 4g30 để đi làm nên tôi rất trân quý ngày Chủ nhật, “ngày làm biếng” của tôi, được ngủ thoải mái, có thì giờ đọc sách, nghe kinh tùy hỷ.
Người dạy lẫn người học đều hưởng lợi cả
Đầu tháng 06 năm 2013, tôi có tháp tùng tăng thân Paris qua Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB) để thăm Sư Ông và phái đoàn đã trở về Đức sau chuyến đi hoằng pháp các nước Á châu. Tôi có dịp ngồi đàm đạo với hai vợ chồng anh Tường và chị Trang. Hai vị này cho biết là giúp Làng phiên tả những bài giảng của Sư Ông và cũng được hưởng lợi lạc rất nhiều, vì khi đọc đi đọc lại nhiều lần bản thảo (morasse) tự nhiên mưa pháp từ từ thấm vào vườn tâm. Tôi thấy mình cũng vậy, khi dạy tiếng Pháp cho các sư cô ở Hơi Thở Nhẹ cũng được hưởng rất nhiều lợi lạc. Trong lúc dạy, thỉnh thoảng có chuông điện thoại reo hoặc chuông đồng hồ gõ nhịp, cả lớp ngưng học để thở, đem thân trở về với tâm. Người Pháp thường nói “Dạy, tức là học” (Enseigner, c’est apprendre) tôi thấy ngoài việc được học hỏi thêm, tôi còn có dịp cùng tu tập với các sư cô.
Thầy giáo và học trò ngồi quanh một cái bàn nhỏ, vừa học, vừa uống trà cho có cảm tưởng là đang ngồi chơi, ngồi đàm đạo với nhau hơn là ngồi học, rất thoải mái và tươi mát. Tự nhiên những danh ngôn hay tục ngữ, ca dao mà tôi dịch cho các sư cô học cũng đượm đôi chút hương vị thiền. Trong câu nói của Saint Exupéry “Aimer, ce n’est pas se regarder l’un l’autre mais regarder ensemble dans la même direction ” (Yêu nhau, chẳng phải nhìn nhau, mà cùng nhìn một hướng), tôi thấy hướng ở đây là hướng giải thoát, hướng an lạc, hướng giác ngộ nên tôi chuyển đổi là:
“Yêu nhau chẳng phải nhìn nhau
Mà nhìn bến giác mong mau tới bờ”
Hai câu thơ của Lamartine khuyên mình tìm tới thiên nhiên khi khổ đau “Mais la nature est là, qui t’invite et qui t’aime. Plonge-toi dans son sein qu’elle t’ouvre toujours”, tôi thoát dịch là:
“Thiên nhiên vẫn đợi, vẫn chờ
Sao không tìm đến, còn mơ ước gì”
Mấy vần thơ nhẹ nhàng, giản dị dễ hiểu với âm điệu trầm trầm (assonnance en “eu”) của Paul Verlaine diễn tả tâm trạng buồn vô cớ vẩn vơ, theo nhịp mưa rơi, thấm vào cõi lòng thi sĩ như mưa rơi ngoài phố, tôi tạm dịch là:
Il pleure dans mon cœur
Lòng tôi thổn thức lệ trào
Comme il pleut sur la ville
Cũng như ngoài phố, hôm nào mưa rơi
Quelle est cette langueur
Nỗi buồn vô cớ vẩn vơ
Qui pénètre dans mon cœur ?
Cớ sao gieo thảm, tưới sầu vườn tâm?
Mình chỉ cần nhận diện cái buồn đó rồi với hơi thở chánh niệm, đem thân về với tâm thì mình có thể chuyển hóa buồn thành vui, và “khi mình vui thì cảnh sẽ vui ” như lời Sư Ông dạy!
Phải cám ơn ai nhỉ
Nhiều khi trời mưa gió hay có tuyết, tôi vẫn cố gắng tới dạy, điều mà tôi học nơi thân giáo của Sư Ông. Các sư cô cảm động thường nói: Cám ơn “chú Đức ”. Tôi lật đật đính chính là chúng ta phải cám ơn Sư Ông mới đúng vì nếu không có cơ duyên cùng là đệ tử của Sư Ông thì chúng ta đâu có dịp cùng ngồi chung vui với nhau ở đây. Hai từ “chú Đức” còn phổ biến hơn cả pháp danh Chân Linh Nhĩ do Sư Ông đặt cho tôi. Biệt danh này chuyển tải rất nhiều tình thương của các sư cô dành cho tôi, làm tôi vô cùng xúc động và thấy mình có bổn phận phải có mặt thường xuyên với tư cách một người lớn tuổi để nâng đỡ tinh thần các sư cô nhỏ. Nhờ Sư Ông mà tôi ngộ ra được là dạy các sư cô nhỏ cũng là tu tập như đi thiền hay rửa chén, quét nhà… nên tôi kiên trì đến Hơi Thở Nhẹ dạy hằng tuần mỗi chiều thứ Sáu ngoài hai ngày tụng giới và chánh niệm hằng tháng.
Những dòng trên đây coi như món quà tinh thần cuối năm của tôi nói lên một phần nào lòng biết ơn của gia đình tôi với vị Thầy khả kính, đã hướng dẫn chúng tôi đi đúng con đường tâm linh trong suốt quá trình gần ba mươi năm, để gia đình tôi có được hạnh phúc, con cái thành đạt và hiếu thảo. Tôi cũng xin gửi đến các sư cô nhỏ ở Hơi Thở Nhẹ, tăng thân Paris cùng “tăng thân khắp chốn” niềm vui mà tôi đang có được trong những ngày cùng tu, cùng học với quý sư cô trong thời gian qua.