Khoảnh khắc thiên thu
Chân Chuẩn Nghiêm
Có bốn câu thơ trong một bài thơ mà đến hôm nay con vẫn còn rất thích.
Ôn lại chuyện xưa chuyện đời tu
Có những giây phút thành thiên thu
Mặc cho mùa đông trời giá lạnh
Tiếng cười huynh đệ sạch mây mù…
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ ấy cũng rất đặc biệt. Hôm đó đại chúng chùa Từ Hiếu, Diệu Trạm đi nhổ mạ dưới trời mưa phùn và gió bấc. Trời rất lạnh. Nhưng nhờ có tinh thần tăng thân, chúng con đã vượt qua tất cả. Mạ cần phải nhổ để kịp cho thợ cấy vì họ cấy rất nhanh. Quý thầy tri điền cùng sư chị tri sự đã chuẩn bị rất nhiều nước uống cùng bánh trái. Buổi chiều còn có chè khoai môn, đại chúng ăn chè xong rồi mới dọn dẹp ra về. Thầy Pháp Chủng đến nói với con về viết một bài thơ bắt đầu bằng chữ “ôn” vì chiều nay mình ăn chè khoai “môn”. Nhờ vậy mà con đã viết bài thơ đó. Con thầm cám ơn thầy Pháp Chủng rất nhiều.
Sống trong tăng thân, mỗi giây phút trôi qua đều trở thành thiên thu. Tình huynh đệ thật đẹp, đẹp tựa bản tình ca. Từ ngày con được qua Làng tới nay đã được năm tháng. Con thấy con như một con cá nhỏ được thả ra ngoài đại dương. Con đang được tha hồ bơi lội, vẫy vùng trong biển tình thương ấy.
Những khoảnh khắc thiên thu trong đại chúng thật nhiều, con chỉ xin phép kể ra một vài chuyện cho vui.
Ngày 4 tháng 9 năm 2013
Con tập làm bánh bao
Sau bữa cơm chiều trong nhà bếp, sư em Hoàn Nghiêm thái nào nấm, cà rốt, lê, táo… Con đoán không ra sư em sẽ làm món gì nên con mới hỏi sư em:
– Sư em làm món gì đấy?
– Dạ, em làm bánh bao.
– Bánh bao?
Con ngạc nhiên quá nên mới hỏi lại:
– Sư em cũng biết làm bánh bao ư? Con hỏi tiếp.
– Em cũng thử xem sao. Có công thức ghi ngoài bao bì rồi chị ạ! Sư em trả lời.
– Thế sư chị phụ sư em nhé? Con vừa cười vừa hỏi sư em.
– Vâng, thế thì còn hạnh phúc nào hơn.
Hai chị em con cùng cười. Thế là con bắt tay vô phụ sư em. Một lúc sau thì có bé Linh cùng phụ. Ban đầu sư em tính chỉ chuẩn bị nhân thôi, sáng mai xuống làm bánh sớm. Nhưng tính đi tính lại thì cả ba chị em con quyết định làm luôn. Sư em đổ bột ra thau, đong sữa, nước, dầu ăn và bắt đầu nhào bột. Tay sư em làm nhanh thoăn thoắt, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ mê rồi. Ít phút sau đã có bột để bắt bánh. Sư em cán bột, bỏ nhân và bắt bánh sao tài quá. Con đứng nhìn sư em để học nghề. Sau một hồi học hỏi con cũng làm được chiếc bánh đầu tiên và cho vào xửng, đặt lên bếp và bật ga. Thời gian ngồi chờ xem kết quả bánh thế nào thật là hồi hộp. Nếu bánh cứng quá, không nở được thì ba chị em sẽ “dọn dẹp chiến trường”, coi như chưa có chuyện làm bánh bao xảy ra, còn bánh đẹp thì làm tiếp. Chín phút chờ đợi đã trôi qua. Nào, mở nắp. Ồ, bánh nở hết, đẹp quá chừng! Ba chị em con sung sướng cho bánh ra khay và làm tiếp. Để đủ cho mỗi người một cái thì phải làm tới ba khay nữa, mỗi khay 9 cái (Trong thời gian này đại chúng đang làm biếng tại các nhà gần đây của Làng như nhà Lưng Đồi, nhà Giếng Thơm hay nhà Đầu Thôn nên chúng ở nhà chỉ còn chừng 28 người). Chà, cũng hơi lâu đấy nhưng thôi kệ, làm biếng mà. Ba chị em con chẳng có ai buồn ngủ. Sư em Hoàn Nghiêm xuống kho lấy thêm bột. Sư em nhào bột rất khéo và mẻ bánh nào cũng rất đẹp, bánh cái nào cái nấy giống như những bông hoa đang nở. Vậy là chúng con không lo bị đói, lỡ chùa có hết gạo thì làm bánh bao ăn cũng đỡ. Công việc xong xuôi, nhìn lên đồng hồ con thấy đã 12 giờ khuya. Đậy các khay bánh lại cẩn thận, ba chị em đi lên phòng mà trong lòng vui quá, một niềm vui nho nhỏ mà chẳng mất tiền mua.
Ngày 8 tháng 9 năm 2013
Đi như một dòng sông
Sau khóa tu mùa Hè là thời gian làm biếng khá dài. Chị em con rủ nhau đi học thêm nghi lễ. Sư cô Khuê Nghiêm rất hoan hỷ dạy cho chị em con. Lớp học chỉ có 8 người nhưng vui thật là vui. Ngoài học ra, sư cô còn kể bao nhiêu là chuyện, những câu chuyện nuôi lớn bồ đề tâm và gìn giữ sự thực tập. Trong khi kể chuyện, sư cô phát hiện ra gần như cả lớp chưa thuộc chú Vãng sanh, sư cô dạy chị em con là phải thuộc. Một sư cô không thuộc chú Vãng sanh thì tệ quá! Nghe sư cô dạy như vậy con thấy mình tệ thật và con bắt đầu học. Ngay chiều hôm sau sư cô kiểm tra, cả lớp chưa thuộc. Sư cô cho nợ, ngày mai trả bài. Buổi học ngày hôm sau, tranh thủ khi sư cô chưa vô thì cả lớp tụng chung với nhau. Chà, hay quá! Vậy là chị em con lại nảy ra ý định xin sư cô kiểm tra cả lớp một lần. Mình phải đi chung với nhau như một dòng sông, nếu đi như một giọt nước là sẽ chết. Sau khi bàn tính với nhau như vậy, cả lớp có vẻ an tâm. Lớp vẫn học bình thường, chị em con cố ý không hỏi sư cô chuyện trả bài nhưng cuối buổi sư cô nói:
-Thôi, bây giờ trả bài.
-Sư cô cho chị em chúng con tụng chung với nhau như một dòng sông chứ đi như một giọt nước là chị em con đi không được. Chị em con xin sư cô.
-Đồng ý. Vậy tụng chung trước một lượt rồi từng người một. Sư cô nói.
Cả lớp tụng chung với nhau, hay quá chừng. Sau đó từng người một tự thỉnh mõ và tụng. Đa số đều đã thuộc còn con thì chưa. Trước khi tụng con đã thưa sư cô: “Sư cô ơi, con tụng một mình là con chết chắc.” Vậy mà con chết thiệt. Con tụng cứ hàng nọ nhảy hàng kia vì con học bài chưa kĩ. Khi đã hết thời gian làm biếng con vẫn tự kiểm tra mình vì con biết rằng học là học cho con. Sư cô phải làm như vậy thì chị em con mới thuộc bài. Con biết ơn sư cô rất nhiều.
Ngày 10 tháng 10 năm 2013
Chén canh củ kỷ
Hôm nay là ngày quán niệm tại xóm Hạ. Con rất thích đi tham dự pháp đàm nhưng cả đội con phải về sớm vì là ngày nấu ăn. Con không thấy buồn vì nấu ăn hay tham dự pháp đàm, cả hai đều như nhau. Khi về tới xóm thì đã hơn 2 giờ chiều. Trời đột nhiên tối lại, sắp có một trận mưa lớn. Cả đội hẹn nhau xuống bếp lúc 3 giờ 45, vậy nên con đi nghỉ một chút. Khi con xuống bếp thì sư mẹ Bảo Nghiêm và sư chị Quảng Nghiêm đã ở đó tự bao giờ. Sư chị Doãn Nghiêm con bị bệnh nên sư mẹ nói sư chị đi lên nghỉ, để sư mẹ làm giùm. Sư mẹ còn nấu một nồi canh thật thơm, thật ngon cho các chị em bị bệnh. Sư mẹ nói rằng để mấy chị em bị bệnh ăn cho ấm bụng, cho mau hết bệnh. Khi sư mẹ bưng nồi canh lên để múc cho các chị em ở các khu vực khác nhau, sư mẹ còn để phần cho con một chén trên bàn học. Con ăn trễ, canh đã nguội mà vẫn còn ngon ơi là ngon. Con không biết sư mẹ nấu rau gì mà ngon thế, con liền quay sang hỏi sư em Trăng Mai Thôn:
-Sư em, sư mẹ nấu canh gì mà ngon thế?
-Dạ, canh củ kỷ đó sư chị. Một món canh rất ngon của người Tàu. Sư em trả lời con.
Vậy hả? Con rất ngạc nhiên.
Sư mẹ Bảo Nghiêm có nhiều tài lắm. Sư mẹ không chỉ nấu ăn khéo mà sư mẹ còn làm vườn rất giỏi. Mỗi khi được ăn bún chả giò sư mẹ làm, con thích lắm. Những cuốn chả giò nho nhỏ xinh xinh, không lớn lắm cũng không quá nhỏ, khi đưa vô miệng nhai thì giòn tan. Sư mẹ làm nước chấm cũng ngon nữa. Sư mẹ còn rất nhiều tài mà bình thường sư mẹ chẳng nói ra, sư mẹ chỉ làm để hiến tặng đại chúng thôi.
Mùi thơm của chén canh củ kỷ vẫn còn thơm thơm mãi trong con.
Ngày 29 tháng 10 năm 2013
Vui đón Thầy
Hôm nay Thầy về. Các xóm nhộn nhịp, tưng bừng như đón Tết. Thực ra đại chúng đã chuẩn bị dọn dẹp Sơn Cốc và trong xóm để đón Thầy, đón quý sư cha, sư mẹ từ mấy bữa nay rồi. Sư mẹ Bảo Nghiêm đã lựa ra những trái táo ngon để dâng Thầy từ hơn nửa tháng nay. Ngày hôm qua sư mẹ đã chuẩn bị lá chuối để sáng nay sư mẹ gói bánh giò, làm bánh bao cho buổi chiều mang ra sân bay khi đi đón Thầy.
Cảnh đại chúng ba xóm bốn chùa đi đón Thầy và tăng đoàn đúng là chỉ nhà mình mới có. Khi vừa đến chỗ ngồi đợi, cứ xóm nọ gặp xóm kia cũng đủ vui rồi. Chỉ cần nhìn thấy ai mang áo màu nâu thôi là biết ngay huynh đệ của mình. Anh chị em gặp nhau miết mà mỗi khi thấy nhau thì vẫn cứ như là lâu lắm rồi không gặp. Và đại chúng cùng nhau “ôn lại chuyện xưa” trong khi chờ đợi.
Cùng lúc này có sư cô Tịnh Hằng và chị Thu Trang vừa từ Việt Nam qua. Sư cô và chị xuống máy bay trước Thầy tới 4 tiếng đồng hồ. Gặp lại sư cô, ai cũng vui và hạnh phúc. Người vui nhất có lẽ là thầy Pháp Duệ, thầy đến và lấy chiếc khăn đang quàng trên cổ mình ra và quàng qua cổ của sư cô một cách thân tình, hẳn rồi vì sư cô là dì ruột của thầy mà.
Đại chúng đông quá, chỉ cần đứng mà quên để ý thôi là hết cả đường đi của người khác. Có lẽ Thầy và tăng đoàn sắp… xuất hiện nên đại chúng, chẳng ai bảo ai mà tất cả tập trung ra đứng trước cửa, nơi Thầy sẽ đi tới. Tất cả cùng nhìn về một hướng. Và giờ phút linh thiêng đã tới. Ai cũng nhận ra Thầy từ tận đằng xa nhờ màu áo nâu bình dị và bước chân thanh thản. Thầy đi trước, quý sư cha, sư mẹ, quý thầy, quý sư cô đi sau. Gặp lại Thầy và tăng đoàn, ai cũng vui mừng khôn xiết. Sư chị Nguyệt Nghiêm đang làm thị giả đi lại mở cửa đón Thầy mà cửa thì mở tự động. Ai cũng biết điều đó nhưng có lẽ do sư chị mừng quá nên quên. Thầy vẫy tay chào đại chúng. Đại chúng không ai nói gì mà chỉ chắp tay búp sen chào Thầy. Thầy nhẹ nhàng nói: “Chào các sư con!”
Thầy lại ghế ngồi để chờ quý thầy, quý sư cô lấy hành lý ký gửi. Chúng con ngồi quây quần quanh Thầy. Ai cũng chăm chú nhìn và lắng nghe Thầy nói. Thầy hỏi: “Xe đâu mà đại chúng đi được đông thế?” Các con của Thầy chỉ cười hạnh phúc. Chúng con biết Thầy chỉ hỏi vậy thôi chứ tụi con biết đi đông được như vậy, vui vẻ như vậy là Thầy hạnh phúc nhất. Sư chị Nguyệt Nghiêm dâng Thầy ly trà thơm nóng cùng trái chanh ở vườn Sơn Cốc. Trái chanh vàng ửng, nhỏ mà thơm lựng.
Với giọng nói nhỏ nhẹ mà ấm, Thầy hỏi chuyện các sư con. Thầy rất muốn nghe các con hát nên đại chúng cùng nhau hát bài You are a Buddha to me. Quả thực giây phút ấy con chỉ muốn thời gian đừng trôi nữa để Thầy trò mãi ngồi bên nhau.
Khi Thầy và đại chúng rời sân bay thì bỗng nhiên trời mưa nhẹ và cầu vồng xuất hiện. Cầu vồng đầy đặn và thật rõ. Mầu nhiệm thay, khi nào cũng vậy, cứ có sự hiện diện của Thầy là có cầu vồng hoặc mây ngũ sắc. Trời mưa nhẹ, những hạt mưa như nước cam lồ của Bồ tát tắm mát cỏ cây. Chiếc xe đón Thầy và Sư cô Chân Không về trước, đại chúng về sau vì hành lý hơi nhiều.
Vậy là chỉ còn ít ngày nữa thôi, bốn chúng lại được sum vầy trong mùa An cư sắp tới.
Ngày 26 tháng 11 năm 2013
Bánh bao Sơn Cốc
Ngày xuất sĩ tại Sơn Cốc, sau giờ pháp thoại đại chúng ai cũng có một cái bánh bao. Có tiếng hỏi:
– Bánh bao ở đâu ra vậy? Sao hạnh phúc quá vậy?
– Sư mẹ Trí Giác làm đêm qua để đãi đại chúng đấy. Có tiếng trả lời dù không hỏi mình.
Đại chúng ai cũng biết tài làm bánh bao của sư mẹ. Chỉ một buổi tối thôi mà sư mẹ làm hơn 200 cái bánh bao. Sao mà sư mẹ giỏi quá! Khi làm bánh có thêm người phụ sư mẹ, còn khi làm nhân thì sư mẹ làm chỉ có một mình.
Con cũng mới biết sư mẹ nhưng đã nhận thấy sư mẹ là người luôn nghĩ về đại chúng. Dù làm gì sư mẹ cũng đều làm vì đại chúng. Cách đây không lâu, ngày làm biếng mà bữa ăn sáng có thêm món bánh bao. Thì ra sư mẹ đã dậy sớm để làm bánh bao. Khi khất thực thức ăn sáng, ai cũng thật ngạc nhiên khi có bánh bao.
Trời lạnh, bụng đói mà được cầm chiếc bánh bao nóng để ăn, bên cạnh có ly trà nóng thì hạnh phúc lắm. Góc vườn Sơn Cốc có một bếp lửa hồng. Bếp lửa hồng này chẳng khi nào tắt vì cứ qua Sơn Cốc là đại chúng lại nhen lên. Chung quanh bếp lửa có những chiếc ghế ngồi, rất nhiều người đã mang bánh và trà ra đây để thưởng thức. Hạnh phúc thật giản đơn nhưng thật khó tìm.
Anh chị em chúng con kính cảm ơn sư mẹ rất nhiều.
Ngày… tháng… năm…
Trung thu ở chùa
Ngày quán niệm tại xóm Thượng. Khi thấy một chiếc xe chạy vô tới nhà bếp của quý thầy, con đã hỏi một số chị em:
-Xe chạy đi đâu thế sư chị?
-Xe đi chở bánh Trung thu đó chị. Sư em Đôn Nghiêm nhanh nhảu trả lời.
-Bánh Trung thu?Đâu mà có vậy? Con chưa hết ngạc nhiên thì sư em Đôn Nghiêm nói tiếp.
-Dạ thầy Pháp Tiến làm cho cả ba xóm bốn chùa.
Con cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Con không thấy đại chúng làm đèn Trung thu nhưng lại có bánh Trung thu để ăn. Tối đó một số chị em chúng con đã rủ nhau ra túp lều “giải thoát” ngoài vườn mới chơi Trung thu. Chẳng có đèn ông sao nhưng đã có bánh Trung thu, đã có ông trăng sáng và tròn vành vạnh trên trời, đã có sư chị, sư em cùng chơi vui với nhau, như vậy là đủ hạnh phúc rồi.
Trong tăng thân con thấy mình không có khái niệm về tuổi tác, dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn được chơi Trung thu, vẫn được tham gia vào tất cả các chương trình. Và một điều mà con hạnh phúc nhất là con được tận hưởng rất nhiều hạnh phúc mà tăng thân đã tặng cho con. Đó là những giây phút thật tuyệt vời.