Vua Ba Tư Nặc viếng thăm Tăng thân Làng Mai Thái Lan
Chân Trời Bắc Sơn
Sư chú Trời Bắc Sơn được sinh ra trong gia đình xuất gia cây Cúc Đại Đóa, 30/1/2012 tại Thái Lan. Dưới đây là bài làm của sư chú trong lớp Trái Tim Của Bụt qua câu hỏi: “Với con mắt là vua Ba Tư Nặc, những cái thấy nào làm bạn có niềm tin nơi đức Thế Tôn qua đời sống tăng thân Pakchong?”
Hôm nay trẫm sẽ kể cho các khanh nghe về thời gian ba tháng vừa qua trẫm được An cư tu học cùng tăng thân Làng Mai trên đất nước Thái Lan. Đây là một diễm phúc lớn trong cuộc đời của trẫm có được duyên lành nương tựa một đại chúng lớn như vậy.
Nơi trẫm đến là vùng núi Khaoyai trên cao nguyên Corat thuộc huyện Pakchong, cửa ngỏ đi vào vùng đông bắc của nước Thái. Nơi đây có khoảng hơn 100 tu sĩ đang tu học, chơi và làm việc với nhau rất hòa điệu. Phần lớn họ là những người trẻ với tuổi đời chưa đến 30, cái tuổi rất đẹp với đầy nhiệt huyết, lý tưởng và tình yêu trên con đường phụng sự. Là người nước ngoài mới đến, trẫm còn nhiều bỡ ngỡ kèm theo một chút hồi hộp và lo lắng.
Như hiểu được tâm trạng của trẫm, thầy tri khách đã lập tức có mặt và giải tỏa mọi suy tư trong trẫm bằng một câu thiền ngữ “Chào mừng bệ hạ, bệ hạ đã về và đã tới thật rồi đấy”. Sau đó trẫm được bố trí ngủ tại một căn nhà lá hết sức đơn sơ, ngoài những cái chõng tre và một bình nước nóng, trong nhà không có thứ gì khác có giá trị để lo sợ phải bị trộm cướp, một căn nhà đủ để che nắng che mưa với bốn vách bằng tre, đặc biệt là không có cửa.
Trẫm đã ở lại đây trong ba tháng với những giấc ngủ thật sâu, mọi lo lắng thế sự, nào chăn êm nệm ấm, sự đầy đủ sung túc của một đế vương đều trở thành vô nghĩa trong giờ phút này. Dù các khanh gia cho đến những người bần dân khi đến tu viện đều được quý thầy sắp xếp ở trong một nhà tranh như nhau, không có sự phân biệt cao thấp hay sang hèn. Tăng thân ở đây thiết lập như một mô thức của gia đình, quý thầy quý sư cô giáo thọ thì được gọi là các sư cha sư mẹ rồi đến sư chị, sư anh, sư em. Họ chia nhỏ một đại chúng lớn thành các nhóm nhỏ dưới sự hướng dẫn của một sư cha hoặc sư mẹ để dạy bảo, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tu học của nhau.
Vào các tối thứ tư, mỗi khi nhìn thấy những đống lửa được nhóm lên, quý thầy quý sư chú ngồi quây quần nương tựa vào vị y chỉ, làm trẫm rất xúc động nhớ lại hình ảnh của đức Thế Tôn dạy về đàn nghé luôn biết nương vào các con trâu lớn mỗi khi qua sông. Sức mạnh của một tập thể là biết đoàn kết, lắng nghe và nương tựa, nương tựa vào vị y chỉ sư của mình cũng là cách mình cắm được rễ sâu vào lòng tăng thân, đây cũng là một sự thực tập trở về nương tựa vào Tam bảo.
Ở đây không phải đi khất thực mỗi ngày vì quý thầy quý sư cô tự nấu ăn, nhưng mỗi lần được theo quý thầy quý sư cô ôm bát vào các thôn xóm để khất thực, trẫm thật sự rất ấn tượng và được nuôi dưỡng. Từng hàng người áo nâu bước đi rất chậm trong sự ý thức nuôi dưỡng của hơi thở chánh niệm, họ dừng lại ở các căn nhà đã chuẩn bị sẵn sàng thức ăn để dâng cúng, họ khiêm cung biết ơn cúi đầu, tay mở nhẹ nắp bình bát và nhận lấy phẩm vật, gia chủ quỳ xuống lắng lòng thanh tịnh, quý thầy quý sư cô trang nghiêm chú nguyện và hồi hướng. Tất cả những hình ảnh đó thật đẹp, những cử chỉ và hành động hết sức khoan thai làm trẫm nhớ về tăng đoàn của Bụt hồi còn tại thế rất nhiều, nhưng rồi trẫm lại nghĩ “chẳng phải đây cũng là tăng đoàn của đức Thế Tôn hay sao?” Quý thầy quý sư cô đã mang được bước chân của Bụt đi vào đời, chính những thân giáo này sẽ tiếp nối và làm cho đạo Bụt được tiếp tục truyền thừa và rạng rỡ trong tương lai.
Vấn đề xử lý rác và bảo vệ môi trường là một thách thức lớn cho đất nước chúng ta, ấy mà trong thời gian ở tu viện trẫm lại được nghe thuyết trình về cách chuyển hóa rác, quý thầy quý sư cô đã trình bày những phương pháp từ cách phân loại đến cách tái chế sử dụng làm phân hữu cơ hết sức khoa học và hữu ích. Trẫm quyết định kỳ này về nước, trẫm sẽ trực tiếp gặp bộ tài nguyên và môi trường để nói chuyện và trao đổi những kinh nghiệm này.
Trẫm được học từ một vị hòa thượng lớn trong tăng thân dạy: “Không có cái đối tượng để bảo vệ môi trường, môi trường chính là mình, nó không phải là một thực thể bên ngoài tồn tại một cách riêng biệt”. Nếu hiểu theo cách môi trường là cái ở bên ngoài để mình phải hành động bảo vệ thì ta chỉ mới giải quyết phần ngọn mà thôi, mà phần ngọn thì không bao giờ có thể xử lý hết được. Đây là một sự thực tập về một cái nhìn bất nhị-tương tức-duyên sinh. Trẫm hạnh phúc lắm vì vẫn còn thấy được mạch sống của chánh pháp, thấy được Như Lai có mặt thật sự giữa cuộc đời này, vì đó đích thực là lời dạy của đức Bụt hơn 2600 năm về trước.
Tăng thân Pakchong có gốc rễ tâm linh từ Việt Nam, một trong những quốc gia được xem là cái nôi của Phật giáo đại thừa, cái hay mà trẫm muốn chia sẻ là tăng thân đã uyển chuyển và khéo léo kết hợp để có thể thừa hưởng được những tinh ba của giáo pháp nguyên thủy làm giàu thêm cho sự thực tập. Các kinh văn căn bản như Kinh Người Bắt Rắn, Kinh Soi Gương, Kinh Điều Phục Cơn Giận… được luân phiên tụng đọc trong những giờ công phu thiền quán. Tinh thần của Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Tứ Niệm Xứ được linh động đưa vào thực tập trong đời sống sinh hoạt hằng ngày từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc cho đến thiền ca, thiền buông thư .v.v… Chính những yếu tố đó là một trong những điểm thuận lợi để tăng thân Pakchong hình thành và phát triển rất nhanh trên một đất nước mà khoảng 85% theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy.
Ở đây có rất nhiều sư chú nhỏ tuổi, sự có mặt của các sư chú như những luồng sinh khí mới làm tươi mát và tô điểm thêm cho vườn hoa của tăng thân, tuy tuổi còn nhỏ nhưng ai cũng có ý thức tu học và tính tự giác rất cao. Nhìn vào các sư chú trẫm thấy được một tương lai xa hơn về sự kế thừa và tiếp nối của nhựa sống chánh pháp đang lưu nhuận giữa thế gian này. Có một hôm như sợ trẫm buồn, các sư chú nhỏ như Trời Xá Vệ, Trời Trong Sáng, Trời Hồn Nhiên đã ra chơi với trẫm. Ngồi trên giường tre, các chú chí chóe hỏi thăm như những phóng viên thứ thiệt, nào là “Bệ hạ từ đâu tới? Bệ hạ làm vua có vui không? Là một vị vua chắc bệ hạ oai phong và có nhiều quyền lực lắm nhỉ? Bệ hạ ở đây có hạnh phúc không?” Các chú hỏi tới đâu làm trẫm phải bừng tỉnh tới đó, đúng là con nhà tông thứ thiệt, nhỏ mà không nhỏ tí nào.
Rồi có giọng của một sư chú nhỏ tuổi nhất thốt lên: “ Mời bệ hạ sáng nay trong giờ chấp tác đi nhổ cỏ với tụi con ạ”. Như một sự phản xạ rất tự nhiên, trẫm đã nhướng mắt và nhìn vào sư chú, từ tàng thức đã đi lên một câu trả lời rất nhanh “Trẫm đi nhổ cỏ hả?”. “Dạ, mời bệ hạ đi nhổ cỏ với tụi con cho khỏe và vui ạ, nhổ cỏ thú vị lắm. Đây là cơ hội để bệ hạ và tụi con thực tập làm sạch thân tâm.” Với cái giọng trong trẻo, chú đọc tặng trẫm một bài thơ mà chú hay đọc trong khi nhổ cỏ:
Nhổ cỏ nơi tích môn
Nhớ đến Trần Thái Tông
Nhổ cỏ dùm Chiêu Hoàng
Cho sông dài biển rộng.
Rồi chú lại nói tiếp: “Chắc là bệ hạ hơi khó hiểu đúng không? Vì đây là bài thơ viết về một câu chuyện lịch sử của Việt Nam quê con, hồi con còn là một chú điệu nhỏ xíu, sư phụ con đã kể cho con nghe câu chuyện này rồi, nhân vật trong câu chuyện đó cũng là một vị vua như bệ hạ”. Như đón được tâm trạng qua ánh mắt và khuôn mặt sáng lên vì sự tò mò của trẫm, sư chú Trời Xá Vệ, một sư anh lớn nhất trong nhóm lên tiếng: “Thôi bây giờ mình phải đi nhổ cỏ, chiều nay anh em tụi con sẽ ra chơi và kể tiếp cho bệ hạ nghe về câu chuyện lịch sử này nghe.”
Vậy đó, những tháng ngày thật yên bình đã trôi qua, những cơn mưa đầu mùa hạ không lớn nhưng rất thường xuyên, mưa đã từ từ thấm sâu vào lòng đất, nuôi dưỡng và vun bón thêm cho một màu xanh của núi rừng Khaoyai. Cũng vậy, những điều trẫm thấy, trẫm nghe trong những ngày được sống nơi đây nó đã thẩm thấu vào trong từng tế bào của trẫm, nó tự nhiên như vốn dĩ đất, rễ và nước hòa quyện vào nhau để cùng nuôi lớn cho một mầm xanh của cây trí tuệ, tình thương và sự hiểu biết.
Chuyến đi này, nó là một kỷ niệm lớn trong cuộc đời trẫm, đã làm cho niềm tin của trẫm vào đức Thế Tôn mỗi ngày càng được lớn mạnh, trẫm sẽ không bao giờ quên được những cảnh vật và con người nơi đây, rất bình dị giản đơn nhưng không kém sự sâu lắng. Cảm ơn tăng thân Pakchong, cảm ơn các khanh, cảm ơn tất cả mọi người đã lắng nghe trẫm chia sẻ.