Ước mơ thăm đảo Philippines
Chân Mai Nghiêm
(BBT Chuyển ngữ từ tiếng Anh)
Ba mẹ tôi đã cho tôi cái tên lót là Philippine để tưởng nhớ cha đỡ đầu của tôi tên Philippe. Từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã có ước mơ tới hòn đảo mang cùng tên với mình. Sau khi chờ đợi gần 30 năm, cuối cùng tôi cũng được tới đó. Đây là một niềm vui lớn của tôi.
Chuyến đi kéo dài hai tuần. Chúng tôi tới Manila ngày 26/9 và trở về Hồng Kông ngày 8/10. Manila nóng. Nóng và ẩm, ẩm còn hơn ở Hồng Kông. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước ra khỏi máy bay. Chúng tôi ở lại Manila vài ngày và chứng nghiệm đời sống thành phố đó: người đông đúc, ồn ào, ô nhiễm… nhưng cùng lúc chúng tôi cũng đón nhận được sự thân thiện, cởi mở và nụ cười từ mọi người. Trong những lúc đi thiền hành dọc bờ biển buổi sáng, người dân ở đó tới gặp chúng tôi, cười nói hỏi han hoặc chỉ đơn giản chào nhau một cách vui vẻ. Chúng tôi truyền thông với nhau rất dễ dàng.
Chúng tôi đã có cơ hội chứng kiến sự cởi mở rất tự nhiên của người Phi khi họ chia sẻ, đặc biệt nhất là kỷ niệm nói chuyện với một chú tài xế taxi. Tự lúc nào không hay, tôi đã bắt đầu kể về gia đình mình (“và cô, cô có bao nhiêu anh chị em vậy?”, chú hỏi) còn chú ta thì nói về việc “làm ăn” đá gà của chú. Cứ như là gặp lại một người bạn cũ vậy. Thật ra, cả chuyến đi đều như vậy. Chúng tôi gặp những người mà mình có cảm giác đã quen biết lâu lắm rồi và đang được gặp lại nhau sau một thời gian xa cách.
Chúng tôi có một buổi giảng cho học sinh y khoa tại trường đại học UP (University of the Philippines) và một buổi giảng khác cho người trong ngành giáo dục ở Học Viện Tâm Linh Á Châu (Institute of Spirituality in Asia). Chúng tôi đã được gặp những nhà giáo dễ thương và các cha, các sơ Thiên chúa giáo. Ở Baguio, chúng tôi có cơ hội ở chùa Baguio Buddha Temple, gặp một sư cô tuyệt vời, sư cô Christina, người đã cống hiến hết cuộc đời mình để giúp dân nghèo trong vùng và giữ cho ngôi chùa hoạt động. Tình chị em giữa chúng tôi và sư cô đến rất đơn giản và thân ái.
Trong một ngày rất đầy ở thành phố xinh đẹp đó (chúng tôi thật sự tận hưởng không khí trong lành và những cây tùng ở đây), chúng tôi đã có giờ để đi dạo trong công viên, du ngoạn trên hồ (xuồng cứ quay vòng quanh bởi vì có nhiều người trong chúng tôi không hề biết chèo), đi chợ và thăm viếng hai nơi rất đặc biệt:
Nơi đầu tiên là ở trường học quốc tế Brent (Brent International School), chúng tôi sinh hoạt với khoảng 30 học sinh và giáo viên. Chúng tôi đã hát với nhau rồi cùng phá lên cười và trả lời những câu hỏi thú vị như: “Quý thầy, quý sư cô có phải là những võ sư không?” (Are you kung fu masters?). Chúng tôi thừa nhận ngay : “Đúng vậy, chúng tôi luyện võ tâm, bạn muốn học không?” (Yes, we do mind-kung phu, you want to learn?)
Nơi thứ hai là nhà tù của thành phố (City Jail). Chúng tôi sinh hoạt khoảng 2 tiếng với các tù nhân. Chúng tôi đi kinh hành, làm thiền buông thư (mọi người ngồi trên băng ghế) và hát thiền ca. Khoảnh khắc ấy rất cảm động và đầy năng lượng chuyển hóa… ít nhất là đối với tôi!
Và một buổi tối rất đẹp ở Bliss Café, dĩ nhiên có buổi nói chuyện ở đó.
Ngày kế đến chúng tôi trở về lại Manila và sinh hoạt ở trường học Sakya (Sakya Academy) với vài trăm trẻ em và thiếu niên. Bài hát “I like the rose” (Tôi yêu hoa hồng) rất được các em ưa thích.
Cuối cùng là chuyến đi lên “Thiên đường”! Chúng tôi có khóa tu bốn ngày ở Laguna, trong một khu nghỉ dưỡng (resort) xinh đẹp nhìn ra cái hồ rộng mênh mông. Mỗi sáng thức dậy sớm, chúng tôi cảm thấy mình rất may mắn được ngắm nhìn cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những con chim én đuổi nhau và mầu sắc huy hoàng của những đám mây khi mặt trời mọc. Khóa tu ngắn ngày nhưng có nhiều hoa trái. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mọi người ở đây rất dễ mở lòng ra để chia sẻ trong những buổi pháp đàm. Tình thân hữu, tình huynh đệ giữa chúng tôi có lẽ vì vậy mà lớn lên nhanh chóng. Một bạn trai đã chia sẻ sau buổi pháp đàm đầu tiên: “Trước khi pháp đàm, tôi thấy mọi người ở đây đều xa lạ, nhưng chỉ sau một tiếng rưỡi đồng hồ chia sẻ, chúng ta dường như đã là những người bạn thân của nhau từ thuở nào!”
Mặt hồ tĩnh lặng cùng điệu múa vui tươi của những chú chuồn chuồn nước đã tạo nên phép lạ, làm cho tâm hồn chúng tôi đều rộng mở trước năng lượng Thánh linh (the Divine) đang có mặt trong tự thân và xung quanh chúng tôi.
Khóa tu này thực sự là một khóa tu cho chính bản thân tôi. Đây là thời gian tôi được nghỉ ngơi, trị liệu, được nuôi dưỡng và chuyển hóa bởi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người xung quanh, bởi niềm tin yêu, sự trong sáng, cởi mở và gắn bó của các huynh đệ và các bạn thiền sinh. Trái tim tôi chan chứa lòng biết ơn.
Trong buổi thiền trà kết thúc khóa tu, một bạn thiền sinh đến với từng người trong vòng tròn để thiền ôm. Mở rộng vòng tay mình, cô nói: “Tôi xin ôm bạn vào lòng” (I embrace you), đó là giây phút thật sâu lắng và xúc động. Khi cô nói điều đó với tôi, tôi như nghe thấy giọng nói của một vị linh mục trước khi làm lễ ban Thánh thể: “Đây là thân thể của Chúa” (The body of Christ). Mọi người có mặt trong giây phút đó đều cảm thấy như mình đang được tham dự vào một buổi ban Thánh thể thực sự.
Có một tu sĩ dòng Marist cũng tham dự khóa tu và xin thọ Năm giới theo truyền thống đạo Bụt. Tôi rất xúc động trước thái độ cởi mở và chân thành của người bạn đồng tu đó. Tôi càng thấm thía lời Thầy dạy trong cuốn sách “Bụt trong ta, Chúa trong ta” (Living Buddha, Living Christ): “Khi ta tiếp xúc với một người thực sự đại diện cho một truyền thống nào đó, ta không chỉ đang tiếp xúc với truyền thống của người đó mà ta cũng đồng thời tiếp xúc được với gốc rễ truyền thống của chính ta”.
Trong chuyến đi này, tôi đã được gặp gỡ và chia sẻ với các bạn trẻ, các nhà giáo dục và các thầy cô giáo, đồng thời được tiếp xúc sâu sắc với gốc rễ Thiên Chúa giáo trong tôi thông qua sự có mặt của các bạn đồng tu, các tu sĩ dòng Marist. Điều này thật nuôi dưỡng tâm nguyện sâu sắc trong lòng tôi.
Cảm ơn gia đình Philippines yêu quý đã giúp chúng tôi về với quê hương đích thực của mình bằng chính trái tim trong vắt của các bạn. Tôi đang thở cho tất cả các bạn.