Nụ cười tỏa chiếu niềm tin
“Nụ cười tỏa chiếu niềm tin”

(Phỏng vấn sư cô Thuận Nghiêm)

Sư cô Thuận Nghiêm xuất gia năm 2000 tại Làng Mai, nước Pháp, trong gia đình Cây Bông Sứ. Sư cô đã có nhiều năm gắn bó với Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) ở Hong Kong. Từ mùa xuân năm 2019, sư cô đã về nhập chúng xóm Mới (Làng Mai – Pháp) và tiếp tục hiến tặng rất nhiều tiếng cười, niềm vui cho mọi người, đặc biệt là các sư em nhỏ. Nhân dịp này, Ban biên tập đã có buổi trò chuyện với sư cô về hành trình tâm linh cũng như những kỷ niệm của buổi ban đầu sư cô đến với đời sống xuất sĩ. Bài được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

BBT: Thưa sư cô, điều gì đã đưa sư cô từ Mỹ qua tới Pháp để trở thành một vị xuất sĩ trong truyền thống Làng Mai? Điều gì gây ấn tượng nhiều nhất khi sư cô tới Làng Mai lần đầu tiên?

Năm 1998, Thầy có chuyến hoằng pháp ở Mỹ. Mẹ của chị nói: “Con chở mẹ tới nghe buổi pháp thoại công cộng của Thầy”. Địa điểm diễn ra buổi pháp thoại rất gần nhà chị ở Virginia. Vì mẹ rất muốn nghe Thầy giảng nên chị đồng ý lái xe đưa mẹ đi.

Thầy thuyết pháp tại giảng đường của một trường trung học cho khá nhiều người nghe. Trước đó chị chưa bao giờ nghe nói tới Thầy. Hôm đó, chị chỉ nhớ Thầy nói về phòng thở và chị thấy điều đó chẳng hứng thú gì mấy và cũng không thực tế cho lắm, ít người có thể thực sự làm được.

Chị nói với mẹ là chị muốn đi về nhưng mẹ trả lời: “Được, con cứ về nhưng mẹ sẽ ở lại”. Lúc ấy mẹ chị đã là một sư cô rồi, xuất gia với Sư Ông Trúc Lâm. Vậy nên cuối cùng chị cũng đành ở lại. Cuối buổi pháp thoại, chị thấy có một bàn đầy những sách của Thầy. Mẹ nói với chị: “Đường xưa mây trắng là cuốn sách rất hay, con nên đọc nó”. Chị trả lời: “Con không đọc đâu. Cuốn đó dày quá”. “Vậy con thỉnh cuốn đó cho mẹ được không? Mẹ muốn đọc nó”. Chị nghĩ mẹ chị đã cố gắng tạo mọi điều kiện cho chị được gặp Pháp, được gặp Thầy.

Chị đã thỉnh cuốn sách về nhà nhưng không đọc ngay, vì vào những ngày cuối tuần chị thường đi chơi với các bạn. Tụi chị thích đi xe đạp lắm. Lúc đó, chị làm việc ở Washington DC nơi có rất nhiều những tượng đài lớn, mỗi đời Tổng thống đều có một tượng đài khác nhau! Trong thành phố cũng có nhiều công viên rất đẹp, đặc biệt vào mùa xuân khi hoa anh đào nở. Nước Nhật đã tặng cho thủ đô Washington rất nhiều cây anh đào. Cuối tuần nào chị cũng đạp xe với bạn bè, chị đâu còn thì giờ để đọc sách. Cho đến một lần, tất cả đám bạn đều đi nghỉ lễ hết, chỉ còn mình chị ở nhà. Lúc đó, chị mới bắt đầu đọc cuốn sách. Khi đã cầm tới nó, chị không thể để nó xuống được nữa. Chị đọc một mạch tới hai giờ sáng. Chị nghĩ trong lòng: “Có một cách sống khác, đơn giản nhưng quả thật rất có ý nghĩa”.

Thầy đã viết cuốn sách này thật hay. Chị nghĩ bụng có lẽ khi nào đó chị sẽ đi du lịch ở châu Âu và sẽ dừng chân ở Làng Mai để “mục sở thị”cuộc sống ở đó. Và rồi mùa hè tiếp theo – hè 1999 – chị đã tới Làng Mai. Khi chị tới nơi, ở Làng gần như chẳng có ai. Thầy đã đưa một phái đoàn đi hoằng pháp ở Trung Quốc. Người đầu tiên chị được gặp là sư cô Phúc Nghiêm và sư chú Pháp Bảo. Chị tới vào thứ Bảy, hôm sau là ngày Phật đản. Thầy đã đưa hầu hết các vị xuất sĩ Tây phương đi cùng trừ sư chú Pháp Bảo vì sư chú vừa mới xuất gia.  Chị rất ấn tượng với buổi lễ mừng Phật đản, giản dị nhưng vô cùng cảm động và hoàn toàn khác với những nghi lễ mà chị đã thấy trong các chùa truyền thống.

Chị chỉ ở lại Làng hai đêm ba ngày. Trước khi rời Làng, chị đã hỏi: “Ở đây quý thầy, quý sư cô được xuất gia như thế nào?”. Khi đặt câu hỏi này, chị cũng thực sự ngạc nhiên với chính mình. Cuộc sống của chị trước khi tới Làng vốn cũng đơn giản. Khi nhìn thấy cách sống đơn sơ và mộc mạc ở Làng chị cảm thấy như về đến nhà. Vào thời điểm đó, chị chẳng có chút ý niệm nào về cứu độ chúng sanh, chị cũng chưa có một tâm bồ đề dũng mãnh hay điều gì đó tương tự. Chị chỉ muốn sống một đời sống đơn giản.

Chị về lại Mỹ, sắp xếp mọi thứ và chỉ khoảng năm tháng sau chị đã quay lại Làng xin được xuất gia. Rất nhanh chóng! Khi còn ở Mỹ chị có viết một bức thư hết sức buồn cười cho Thầy. Chị viết: “Kính gửi Hòa thượng Thích Nhất Hạnh. Con đã đến Làng Mai, Hòa thượng không có ở đó nhưng con đã gặp tăng thân của Hòa thượng và con muốn đến đó sống, con không biết làm sao để được chấp nhận”. Thầy dạy Sư cô Chân Không viết thư trả lời chị.

Trong thư, Sư cô viết: “Con hãy thu xếp mọi việc rồi tới đây”. Khi chị trở lại Làng, Sư cô nói với chị: “Con là trường hợp dễ nhất. Sư cô không cần phải thuyết phục con gì hết. Con đã tự mình đến”. Lúc đó là vào tháng 12 năm 1999. Chị quyết định tới Làng trước năm 2000, vì xung quanh chị ai cũng nói tới sự cố máy tính đầu thiên niên kỷ mới. Chị sợ rằng nếu có chuyện xảy ra, hệ thống máy điện toán bị sụp thì mọi thứ có thể bị ngưng trệ hay trì hoãn. Thế nên, chị quyết định phải đến Làng trước năm 2000! Chị đã tới Làng như vậy đó!

 

 

BBT: Thưa sư cô, sư cô có thể kể cho chúng con về thời sadi của sư cô không? Điều gì khó khăn nhất với sư cô trong giai đoạn này, khi sư cô mới vào chùa? Sư cô đã vượt qua khó khăn đó như thế nào?

Sống cùng và chia sẻ phòng với người khác là điều khó khăn nhất với chị. Chị đã quen sống một mình và có phòng riêng. Điều gì đã giúp chị vượt qua thử thách này? Chị nghĩ rằng nhớ lại tâm ban đầu đã giúp chị rất nhiều. Trước khi xin xuất gia, chị phải viết xuống những tâm nguyện của mình. Chị đã viết: “Con muốn sống hòa đồng với mọi người”. Đó là nguyện ước duy nhất của chị. Chị nghĩ chắc Thầy sẽ cho chị cái tên Đồng Nghiêm. Nhưng cuối cùng chị lại được mang tên Thuận Nghiêm. Có lần Thầy hỏi chị: “Con có biết vì sao thầy đặt tên con là Thuận Nghiêm không?”. Chị trả lời Thầy: “Thưa Thầy, con không biết”. Thầy nói: “Chẳng lẽ thầy đặt tên con là Nghịch Nghiêm?”. Chị đã phá lên cười và Thầy cũng cười khi thấy chị phản ứng lại với câu hỏi của Thầy.

BBT: Ngoài khó khăn trong chuyện ở chung, sư cô còn gặp những trở ngại nào khác không?

Có chứ, thức ăn! Trước khi xuất gia, chị không hề ăn chay. Trong quá khứ, thông thường sau khi xuất gia mình sẽ không ra khỏi tu viện trong vòng một năm. Thầy dạy rằng mình cần ở trong tu viện vì như vậy sẽ giúp bảo hộ sáu căn dễ hơn. Khi chị mới xuất gia, ở Làng còn rất ít người. Có lần sư cô Thoại Nghiêm cần chị làm đệ nhị thân cho sư cô đi chợ ở Ste Foy la Grande. Chỗ ấy có tiệm bán gà nướng! Khi đi qua đó, chị thèm ăn thịt kinh khủng. Chị chỉ muốn mua nguyên cả con gà, chứ không chỉ một miếng, và ngồi xuống ăn hết ngay tại chỗ. Mùi thịt nướng thật không thể chịu nổi. Sư cô Thoại Nghiêm phải nói với chị: “Mình đi thôi, sao sư em cứ đứng đó hoài vậy?”. Khi mình không thấy thì không thèm. Không phải ra ngoài nhiều quả thật đã giúp chị rất nhiều. Tuy vậy, cơ thể chị cũng mất cả năm để thích nghi với chế độ ăn chay.

BBT: Xin sư cô chia sẻ với chúng con một vài kỷ niệm với Thầy mà sư cô ấn tượng nhất?

Khi chị mới xuất gia, tăng thân của mình chưa lớn như bây giờ. Thầy thường hay mời các sư con tới thiền trà cùng. Một lần sau bữa tối, chuông điện thoại reo, giọng Thầy ở điện thoại: “Các con tới chơi với Thầy”. Khi mọi người tới là khoảng 7 hay 8 giờ tối. Tất cả cùng ngồi chừng hai tiếng chờ ngắm hoa quỳnh nở. Hoa quỳnh thường nở lúc 10 hay 10 giờ 30 đêm. Chậu hoa được đặt ở giữa phòng Thầy, mọi người ngồi xung quanh. Thầy rót trà mời mỗi người rồi nói: “Con hát đi”. Thầy nói như vậy với chị tới ba lần nhưng chị bướng bỉnh không chịu hát. Thế là Thầy hát. Thầy hát một bài hát con nít bằng tiếng Pháp mà Thầy học ở trường mẫu giáo. Thường thì mỗi khi Thầy mời ai hát, Thầy sẽ chuẩn bị sẵn bài hát của mình. Người được mời hát trước rồi Thầy sẽ hát sau. Riêng với ca của chị, chị không hát bài nào vì thực sự là trước khi xuất gia chị chẳng bao giờ hát.

Một bữa khác, sư cô Diệu Nghiêm (sư cô Jina) đem trà đen từ Ái Nhĩ Lan về. Thầy pha trà và chuẩn bị rót vào ly cho mỗi người. Chị biết đó là trà đen, rất đậm, mà lúc đó đã là buổi tối rồi. Chị nhìn Thầy đang rót trà và thưa: “Bạch Thầy, con không uống trà”. Thầy nhìn chị nói: “Ngồi yên đi con, đây là thất Ngồi Yên”. Rồi Thầy đưa ly trà cho chị. Uống hết ly trà, chị thưa với Thầy: “Bạch Thầy, con có thể xin thêm một ly nữa được không ạ?”. Ôi, thời sadi của chị, toàn là những điều trái khoáy!

BBT: Thưa sư cô, chúng con biết là Thầy luôn quan tâm chăm sóc mỗi đệ tử của mình. Khi sư cô có dịp được đi cùng Thầy trong những chuyến hoằng pháp, sư cô được Thầy chăm sóc như thế nào?

Trong cuốn Tay thầy trong tay con – cuốn sách tập hợp những bức thư Thầy viết cho đệ tử – có một đoạn Thầy viết về cách mình thực tập khi đi ra ngoài. Mỗi khi đứng đợi làm thủ tục check-in ở sân bay Thầy luôn đi qua đi lại nhắc nhở: “Các con, mình đang check-in nhưng nhớ là mình cũng đang thở”. Trước khi lên máy bay, trong phòng chờ, Thầy luôn ngồi ở hàng ghế đầu để anh chị em có thể nhìn thấy Thầy dễ dàng. Thấy Thầy là ai cũng nhớ để trở về với hơi thở. Đó là cách Thầy nhắc nhở đệ tử. Lúc ấy, mới là một sadi, chị không thấy được điều đó, chị chưa có nhiều chánh niệm. Nhưng bây giờ, chị nhớ lại hết những điều này. Cách Thầy dạy học trò của mình là như vậy đó, khi thì bằng lời nói, khi thì bằng thân giáo của Thầy. Thầy luôn là người lên máy bay cuối cùng. Sư cô Chân Đức từng chia sẻ có lần Sư cô lên máy bay trễ vì Sư cô phải đi vệ sinh, khi Sư cô còn đang tìm xem mình phải lên cửa nào thì bỗng có ai vịn vào vai Sư cô từ phía sau, người đó chính là Thầy. Thầy luôn là người đi cuối cùng trong đoàn để đảm bảo là ai cũng đã lên máy bay.

Trong một chuyến hoằng pháp, tăng thân đi từ miền Nam Cali lên miền Bắc bằng xe bus. Trong 6 giờ đồng hồ trên xe đại chúng hát thiền ca. Trước khi xe chuyển bánh, Thầy là người lên cuối cùng. Thầy cười và nói: “Chúng ta đang làm công việc của Bụt, các con mời Bụt trong mình lên thở và có mặt với mình trong xe”. Rồi chuông được thỉnh lên. Boong, boong… Thầy luôn tận dụng mọi cơ hội để nhắc đại chúng trở về với sự thực tập chánh niệm.

Có thời gian Thầy khuyến khích tất cả mọi người đọc cuốn Những người con của tiến sĩ Lương (Kinfolk) của Pearl S. Buck, một tác giả Mỹ đã đoạt giải Nobel Văn học. Lần đó, chị đọc cuốn sách trên xe bus, chị chăm chú hoàn toàn vào cuốn sách, không biết gì tới xung quanh mọi người đang ăn uống, hát ca, trò chuyện,… Rồi tự nhiên có người đến bên cạnh, vỗ vào vai chị và đưa cho chị một bịch khoai tây chiên, đó là Thầy.

Lần khác, sau khi kết thúc một khóa tu ở Colorado, đại chúng lấy xe bus để đi tới điểm mình sẽ đi dã ngoại. Ai cũng đã lên xe và Thầy là người lên sau cùng. Thầy nhìn các con một lượt và hỏi: “Thầy có một câu đố cho các con, cái gì trắng ở bên ngoài nhưng nâu ở bên trong?”. Các sư em thử đoán xem! Đó chính là… cái xe bus. Bên ngoài nó được sơn màu trắng nhưng bên trong da bọc ghế có màu nâu. Cả xe không ai trả lời được câu đố của Thầy, không ai trong đoàn có đủ chánh niệm lúc đó để nhìn rõ cái xe bus. Thầy thực sự sống rất sâu sắc mỗi giây phút của đời sống.

Thầy luôn cố gắng hết sức để nhắc nhở, dạy dỗ các đệ tử của mình trở về với tự thân, với hơi thở bằng nhiều cách rất khéo và cũng rất vui.

BBT: Thưa sư cô, có khi nào sư cô cảm thấy Thầy dạy mình đúng theo cách của một Thiền sư không? Chúng con thường hay nghe kể rằng Thầy hay dạy quý thầy khá mạnh nhưng nhẹ nhàng với quý sư cô?

Đúng là như vậy, Thầy thường nhẹ nhàng hơn với quý sư cô. Chị cũng từng bị Thầy rầy nhưng đó là sau này khi chị đã lớn hơn, chứ không phải trong thời gian còn là sadi. Thầy biết lúc đó chị còn yếu, nếu bị Thầy la mạnh chắc chị không chịu nổi! (cười)

 

 

BBT: Thưa sư cô, sư cô đã giữ tâm bồ đề của mình như thế nào? Đã có khi nào sư cô nghĩ tới chuyện rời khỏi tăng thân chưa?

Chưa. Mình không bao giờ chắc chắn được về bản thân mình. Chị thường cố gắng không nói không bao giờ. Đó thực sự là một cách để thử bản thân. Những thử thách luôn đến từ bên trong. Chị luôn thận trọng khi trả lời câu hỏi này. Câu trả lời của chị là: Chưa, chị chưa khi nào nghĩ tới chuyện rời bỏ tăng thân.

Năm năm đầu tiên sau khi xuất gia quả thật là khó khăn đối với chị. Chị nhận ra rằng những khó khăn đó đến là vì chị đã không thực sự bám vào sự thực tập. Chị để cho tâm mình luôn chạy hết chỗ này tới chỗ khác. Sau năm năm, chị có thêm nhiều không gian bên trong và bắt đầu liên hệ được với mọi người.

Chìa khóa ở đây là sự thực tập chánh niệm. Nếu mình có đủ chánh niệm, mình có thể nhìn thấy mình rõ hơn: nhìn ra cách mình suy tư, hành xử, nói năng. Khi nhìn ra được thì mình có thể chuyển hóa được.

BBT: Thưa sư cô, có câu “thần chú” nào giúp sư cô dừng lại tâm mình khi nó chạy rất nhanh hoặc muốn chạy trốn không?

Chị thực tập thiền hành mỗi ngày sau bữa ăn trưa. Mình phải chọn một sự thực tập và thực sự để hết lòng mình vào sự thực tập ấy cho tới khi nắm vững nó. Thầy hay nói: “Thầy cho rất nhiều nhưng các con nhận chẳng bao nhiêu”, “Thầy nạo xương tủy của Thầy ra để cho các con”. Điều đó có nghĩa là mình chưa thực sự để hết năng lượng, cố gắng của mình vào sự thực tập.

Hãy chọn thực tập một thứ thôi, như là thực tập không nói trong khi đi, nhưng phải thực sự thực tập hết lòng. Các sư em hãy thử đi. Đối với chị cách thực tập này đã giúp chị rất nhiều trong việc chuyển hóa tự thân vì nhờ đó mà chị có khả năng chú tâm, chị có thể nhìn ra được cách tâm mình vận hành, những thói quen của nó và từ đó chị mới có thể chuyển hóa được nó.

Trong quá khứ, ai vắng mặt thiền tọa hoặc thiền hành ba lần mà không có lý do chính đáng sẽ phải ra sám hối trước đại chúng. Điều này cũng giúp rất nhiều cho sự thực tập. Khi mình ở trong một tăng thân nhỏ, đại chúng sẽ nhận ra sự vắng mặt của mình ngay. Với đại chúng khoảng 70 người như hiện nay ở xóm Mới, sẽ khó nhận ra sự vắng mặt của ai đó hơn. Vì vậy, mình càng phải ý thức thực tập hơn. Đó chính là công phu của mình. Nếu mình không hạ thủ công phu, không giữ nề nếp thực tập mỗi ngày, thời gian trôi qua rất nhanh, mình sẽ không có nền tảng gì hết và mình sẽ gặp khó khăn. Thầy hay nói: “Đừng có thực tập sơ sơ hay thực tập ngoài da”.

Tưởng tượng rằng mình đang bị chìm trong nước, nếu ai đó ném cho mình một cái phao thì mình sẽ ngay lập tức bám chặt lấy nó, vì đó là vấn đề sống hay chết, không phải chuyện đùa. Các sư em hãy nghĩ về chuyện thực tập hơi thở ý thức với tinh thần như vậy. Đã bao lần Thầy bệnh nặng, thập tử nhất sinh nhưng nhờ vào hơi thở Thầy đã qua được. Cho nên, hãy chọn một sự thực tập và đầu tư hết mình vào đó, thật sự đặt hết sinh lực của mình vào đó.

Chị nghĩ rằng chị đã có những thói quen tốt là nhờ được sống gần Sư cô Chân Đức trong ba năm đầu khi chị còn là sadi. Đó thực sự là một may mắn lớn. Sư cô rất kỷ luật và nghiêm túc trong sự thực tập. Sống cùng Sư cô một thời gian đã giúp chị dần hình thành thói quen không bỏ thời khóa. Chị tham gia đều đặn mọi thời khóa hàng ngày của tăng thân, trừ những khi bị bệnh. Khi mình mới xuất gia mình còn có rất nhiều tập khí, nó mạnh hơn ước muốn thực tập của mình. Đi theo thời khóa đều đặn, từ từ kỷ luật sẽ được hình thành và mình sẽ có được sự điều độ trong mọi thứ, giờ ăn thì mình ăn, giờ thiền hành thì mình thiền hành, giờ ngủ thì mình ngủ, giờ để thực tập yên lặng thì mình yên lặng,… Thực tập đúng giờ nào việc nấy, sự điều độ và kỷ luật sẽ được hình thành.

Nếu cứ sống theo ý thích của mình thì dù sống nhiều năm trong tăng thân mình cũng không rèn được tính kỷ luật và nếu không có kỷ luật, các tập khí rất khó để được chuyển hóa.

Rất nhiều sư cô muốn học cách để quản lý thời gian của mình tốt hơn. Cách hay nhất là chỉ cần theo đúng thời khóa. Nếu mình có thể theo thời khóa thì mình sẽ biết cách để sử dụng thời gian của mình hay hơn.

 

 

 

BBT: Chúng con rất hạnh phúc và biết ơn sư cô đã dành thời gian trò chuyện cùng chúng con.