Làng Mai năm qua

Làng Mai đến Uganda (9 – 31.1)


Cách đây vài năm, trong một khóa tu dành cho giáo chức tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) do thầy Pháp Dung và thầy Pháp Lưu hướng dẫn, Mary Moran và Christine Ntibarutaye – hai thành viên của Chương trình hỗ trợ gia đình thuộc dòng St. Francis, hoạt động tại Uganda – đã ngỏ ý mời quý thầy, quý sư cô Làng Mai đến Uganda để dạy chánh niệm cho khoảng 200 giáo viên tiểu học ở đất nước này và cả một số nước lân cận như Nam Sudan, Burundi và Rwanda; cũng như cho một số tu sĩ Cơ Đốc và các tác viên của Chương trình.

Đáp ứng lời mời này, một phái đoàn gồm bốn thầy (Pháp Dung, Pháp Lưu, Trời Bảo Tạng và Trời Phạm Hạnh) cùng ba sư cô ( anh Nghiêm, Hiền Hạnh và Thao Nghiêm) đã lên đường đi Uganda vào ngày 9.1. Mong ước của quý thầy, quý sư cô trong chuyến đi là giúp chuyển hóa tình trạng bạo hành đối với trẻ em ở nhiều trường tiểu học của Uganda thông qua việc hướng dẫn cho các giáo viên cách thương yêu và tôn trọng bản thân mình, cũng như đối với các đồng nghiệp, đối với thiên nhiên và mọi người, mọi loài.

Để làm được điều này không hề dễ dàng chút nào. Chia sẻ sự thực tập chánh niệm trong hình tướng những tu sĩ Phật giáo với các giáo viên đa phần thuộc Cơ Đốc giáo quả là một điều khó khăn, đòi hỏi quý thầy, quý sư cô phải hết sức linh hoạt và khéo léo. May mắn là đoàn nhận được sự yểm trợ hết lòng của vị Tổng Giám mục vùng Mbarara cùng các tu sĩ thuộc Trung tâm đào tạo St. Francis. Nhờ vậy mà các giáo viên tham dự khóa tu có niềm tin rằng chánh niệm có thể giúp họ thấu hiểu và làm lắng dịu tâm ý của mình hơn, thậm chí có thể giúp họ cắm rễ sâu hơn vào đức tin Cơ Đốc giáo. Sau mỗi khóa tu, hơn 100 giáo viên đã thọ Năm giới để tiếp tục nuôi dưỡng sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Lúc đoàn đến chào tạm biệt trước khi rời Mbarara, Tổng Giám mục nói rằng: “Xin quý thầy, quý sư cô đừng đợi đến năm sau mới trở lại. Hãy trở lại trong năm nay để tiếp tục dạy chánh niệm cho chúng tôi!”.

 

 

Triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông tại Bangkok, Thái Lan

Ngày 27.1, hơn 80 quý thầy, quý sư cô từ trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan đã đến Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Bangkok (Bangkok Art and Culture Center) để làm lễ khai mạc triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông. Đây là lần đầu tiên tại châu Á có cuộc triển lãm sách và thư pháp của Sư Ông với quy mô lớn như vậy. Hơn 600 cuốn sách với nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng với 73 tấm thư pháp đã được chọn lọc và trình bày.

Buổi lễ có sự hiện diện của sư cô Chân Không, sư cô Chân Đức, sư cô Chân Diệu Nghiêm, thầy Pháp Khâm… Ngoài ra còn có sự tham dự của thầy phó hiệu trưởng trường Đại học Mahachulalongkorn, Bangkok, cũng như rất nhiều quan khách đến từ nhiều nước. Đồng bào người Việt khắp nơi cũng sắp xếp thời gian đến tham dự chương trình đặc biệt này. Tờ The Nation, một trong những tờ báo lớn nhất tại Thái Lan, cũng đã đưa tin về sự kiện.

Đại giới đàn “Bây giờ – Ở đây” (21 – 25.2)

Sau mùa Tết Kỷ Hợi với nhiều niềm vui và bình an, tăng thân Làng Mai tại Pháp và Thái Lan đã tổ chức Đại giới đàn “Bây giờ – Ở đây” từ ngày 21 – 25 tháng 2 năm 2019.

Tại Làng Mai Pháp, Đại giới đàn đã cung thỉnh được chư Tôn đức từ Pháp và Việt Nam vào Hội đồng truyền giới như: HT. Thích Minh Nghĩa – Trú trì Tổ đình Giác Nguyên (Sài Gòn), HT. Thích Từ Vân – Trú trì chùa Kim Sơn (Huế), HT. Thích Đổng Hoằng – Trú trì Tổ đình Thiền Lâm (Phan Rang), HT. Thích Minh Tuấn, Ni trưởng Thích nữ Như Tuấn – Trú trì chùa Phổ Hiền (Strasbourg, Pháp), Ni Trưởng Thích nữ Lưu Phong – Trú trì chùa Kiều Đàm (Sài Gòn), Ni Trưởng Thích nữ Như Ngọc – Trú trì chùa Linh Bửu (Sài Gòn), Ni sư Thích nữ Chơn Minh – Trú trì chùa Vĩnh Long.

Tại Làng Mai Thái Lan, Đại giới đàn đã cung thỉnh được: HT. Thích Huệ Ấn – Trú trì chùa Phổ Quang (Huế), HT. Thích Giác Quang – Trú trì chùa Bảo Lâm (Huế), HT. Thích Chí Viên – Trú trì chùa Linh Phong (Nha Trang), HT. Thích Giác Viên – Thầy Thủ tọa Làng Mai Thái Lan, HT. Thích Nguyên Minh – Trú trì chùa Kim Sơn (Nha Trang), TT. Thích Giác Không – Viện chủ tu viện Phước Long (Nha Trang), TT. Thích Trí Chơn – Viện chủ tu viện Khánh An (Đồng Nai), TT. Thích Thanh Huân – Trú trì chùa Pháp Vân (Hà Nội), Ni trưởng Thích nữ Như Bửu – Trú trì chùa Kiều Đàm (Bà Rịa – Vũng Tàu), Ni trưởng Thích nữ Như Minh – Trú trì chùa Pháp Hỷ (Huế), Ni trưởng Thích nữ Từ Nhu – Trú trì chùa Từ Đức (Huế), Ni trưởng Thích nữ Đàm Lan – Trú trì chùa Bồ Đề (Hà Nội).

 

 

Đại giới đàn đã làm lễ truyền giới Khất sĩ nam cho 38 giới tử, giới Khất sĩ nữ cho 29 giới tử, giới Thức Xoa Ma Na cho 8 giới tử, giới Tiếp hiện cho 65 giới tử và đặc biệt là lễ Truyền đăng cho 32 vị tân giáo thọ, trong đó có 6 giáo thọ cư sĩ đến từ châu Mỹ và châu Úc.

Ngoài những buổi lễ Truyền giới tiếp nối tinh thần truyền đăng tục diệm, chư Tôn đức cũng đã dành rất nhiều thì giờ quý báu để chia sẻ, sách tấn và khích lệ đại chúng trên con đường tu tập và phụng sự để xứng đáng là sự tiếp nối vững chắc của Sư Ông.

Dưới đây là những bài kệ truyền đăng dành cho 32 vị tân giáo thọ:

 

Thầy Thích Chân Đồng Trí

(Nguyễn Thanh Dân – 
Pháp danh: Đồng Trí)


Trăng núi ngàn năm một chữ đồng

Cam lồ ươm trí nhuận non sông

Viên thông trong cõi huyền hoa tạng

Mỗi bước thêm ngời nếp tổ tông.

 

Thầy Thích Chân Quảng Tuấn

(Văn Viết Anh
 – Pháp danh: Quảng Tuấn)


Vẫn tâm ban đầu luôn quảng đại

Rộng đường trang tuấn kiệt xưa nay

Một sớm mai hồng đà cất bước


Pháp khí trượng phu tự hiển bày.

 

Thầy Thích Chân Huệ Trực

(Lelio Dedominicis) 
Pháp danh: Dharma Shanti)

Giới huệ nhuận uy nghi

Trực tâm tuyệt thị phi

Nhập tức xuất tức niệm

Bình đẳng tánh đồng quy.

 

Thầy Thích Chân Pháp Thệ

(Paul Roger Tarchichi – 
Pháp danh: Détermination Solide du Coeur)

Pháp Bụt ươm trong từng hơi thở


Sắt son thệ nguyện buổi ban sơ


Vườn xưa mỗi bước lòng lên mới


Mỗi bước nhiệm mầu mắt bé thơ.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Triển Nghiêm

(Nguyễn Thị Hồng Thu
 – Pháp danh: Tâm anh Hiếu Lạc)

Pháp môn khai triển hạnh tâm đầu

Hơi thở nghiêm hòa trí giới sâu


Kỳ viên một sớm muôn chim hót

Từng bước ca vang khúc nhạc mầu.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Chức Nghiêm

(Hồ Thị Ngân
 – Pháp danh: Tâm Liên Sắc)


Huynh đệ tình thâm nguyện chức thành

Nghiêm soi cõi Bụt tuyệt vô tranh


Ngồi yên tịch tĩnh mâu ni hiện


Rạng rỡ hồng liên sắc nhuận lành.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Đương Nghiêm

(Lê Thị Năm
 – Pháp danh: Tâm Diệu Thu)


Đương niệm làm nên muôn niệm

Tự nghiêm thế giới trang nghiêm

Thông điệp tình thương hợp tấu

Thuyền từ cập bến an nhiên.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Đôn Nghiêm

(Ngô Thị Hồng Hiếu
 – Pháp danh: Tâm Liên Hương)

Xuất gia tuổi nhỏ


Tâm tánh thuần đôn

Trang nghiêm trú xứ


Gìn giữ tông môn.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Thúc Nghiêm

(Nguyễn Kim Vi
 – Pháp danh: Tâm Liên Đài)


Thân tâm thúc liễm trang nghiêm

Bước chân địa xúc dạo miền tịnh cư

Đơn thuần nhận diện thực hư


Lắng nghe ái ngữ bi từ triều dâng.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Biện Nghiêm

(Nguyễn Thị Hồng Hạnh
 – Pháp danh: Tâm Nguyên Đức)


Chân thật hiền lương ấy biện tài

Nghiêm từ nuôi chí nguyện Như Lai

Nước non mời gọi trăng về hội


Một quyết lên đường sạch trần ai.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Thiệp Nghiêm

(Phan Thị Thương
 – Pháp danh: Tâm Minh Ngọc)

Chân nhân tĩnh tại


Lịch thiệp nhật thường


Tứ nghi nghiêm hộ


Phát túc siêu phương.

 

Tiếp hiện Chân Bi Nhật (người Pháp)

(Serge Rousseau)

Tâm từ bi, vòng tay rộng mở


Hạnh lắng nghe, tuệ nhật rõ soi


Buồm căng gió, hành trang chánh niệm

Thuyền tăng thân cưỡi sóng ba đào.

 

Thầy Thích Chân Trời An Quốc

(釋真安国天)Xu Liu Gang (姓名名)

Lắng tâm theo hơi thở

Tịnh độ hiện nơi này

Cõi trời người trước mặt

Cửa bất nhị ngay đây.

依安般守 意

 樂國是當 國

人天無遠 處

不二於法 門

 

Sư cô Thích Nữ Chân Thượng Nghiêm

(Phan Thị Kinh Nhựt
 – Pháp danh: Tâm Nhật Nguyệt)


Sơ tâm hướng thượng đoan nghiêm

Bước chân địa xúc lặng yên ba đào


Đơn thuần hơi thở ra vào


Bốn ơn mãn nguyện trăng sao rạng ngời.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Nhuận Nghiêm

(Nguyễn Thị Thanh Huyền –  Pháp danh: Tâm Quảng Trang)

Lắng lại đầy ba cõi


Buông ra đâu cũng nhà


Hơi thở đà thấm nhuận

Nghiêm trang khắp gần xa.

 

Thầy Thích Chân Pháp Hợp

(Trần Mai Thắng – 
Pháp danh: Tâm Nhật Phước)


Chân pháp diệu dụng nơi tăng thân

Sức mạnh tâm linh kết hợp thành

Đuốc tuệ là nhau soi mọi chốn


Đại từ mở hội độ chúng sanh.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Nguyên Tường

(Nguyễn Thị Thùy Tuyến
 – Pháp danh: Nguyên Tường)


Bắc nam trí giác cùng nguyên thể

Đại ý thiền tông sáng tỏ tường

Hương tích cõi Bụt đâu xa lắm

Hoa nở hương bay vạn dặm phần.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Ý Nghiêm

(Trần Thị Thanh Trâm
 – Pháp danh: Tâm Tánh Châu)


Một dải ý từ nhô sóng bạc


Mảnh trăng bi mẫn ngự nghiêm trang

Thế giới ba ngàn thu một niệm


Hiểu thương rực chiếu vạn phương an.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Chất Nghiêm

(Mai Thị Ngọc Thiện
 – Pháp danh: Tâm Quảng Duyên)


Hơi thở vào ra đã hài hoà


Đến đi tự tại vượt người ta


Chân chất tự ngàn xưa nghiêm mật

Bỉ thử không bờ tự tại ca.

 

Thầy Thích Chân Pháp Chỉnh

(Đinh Viết Tứ
 – Pháp danh: Tâm Thiện Đạt)


Chân đạo nằm ngay nơi hiện pháp

Khéo chỉnh thân tâm đạt lý mầu

Một bước mở toang muôn cõi Bụt

Ảnh chiếu trùng trùng lưới đế châu.

 

Thầy Thích Chân Pháp Đàm

(Phan Đăng Trung – 
Pháp danh: Tâm Quảng Đạo)

Chân tâm hiện chân pháp

Linh đàm soi Lăng-già

Vằng vặc trăng thu ngự


Ta, huynh đệ đâu xa.

 

Thầy Thích Chân Pháp Thuật

(Huỳnh Tấn Cường
 – Pháp danh: Tâm Liên Kiên)


Niệm định hiển bày công hạnh

Pháp âm hôm sớm thuật truyền

Bồ đoàn sen vàng khai hội


An ban thủ ý tinh chuyên.

 

Thầy Thích Chân Pháp Lân

(Đỗ Trường Thịnh
 – Pháp danh: Tâm Quảng Đạt)


Pháp trao, tình cũng đã trao


Hạt mầm lân mẫn thuở nào đơm hoa

Vun trồng định tuệ gần xa


Công phu chọc thủng ngồi tòa Chân Như.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Tự Nghiêm

(Hong Dậu Tinh Trinh
 – Pháp danh: Tâm Nhuận Đăng)


Duyên sinh thừa tự nghiêm thân


Đơn thuần nhận diện thói trần xuống lên

Lắng nghe ái ngữ tinh chuyên


Hiểu thương nuôi lớn mãn nguyền sơ tâm.

 

Thầy Thích Chân Pháp Kỳ

(Nguyễn Tường Long
 – Pháp danh: Tâm Liên Khai)

Chân lý sớm mở ra


Nhờ pháp Bụt diệu kỳ

Công phu trong nhật dụng

Độ người khắp gần xa.

 

 

Sư cô Thích Nữ Chân Hoàn Nghiêm

(Cao Thị Thúy
 – Pháp danh: Tâm Minh Tâm)


Đi đứng nằm ngồi đều thưởng thức


Sáu thời đâu chẳng phải công phu


Hoàn vũ tròn đầy trong hơi thở

Nghiêm thân niệm niệm mỗi nhiếp thu.

 

Sư cô Thích Nữ Chân Hoan Nghiêm

(Khuất Thị Nga
 – Pháp danh : Tâm Vạn Hằng)

Tâm lắng hân hoan hiện

Thân an trang nghiêm bày

Nói im cùng hành động

Bây giờ và ở đây.

 

Tiếp hiện Chân Huyền Chỉ

(Nguyễn Thị Ngọc Bích)

Chân như hiển bày trong nhịp thở

Huyền pháp tinh thông bước kiện hành

Ý chỉ Bụt truyền trong chớp mắt


Nụ cười thanh thoát nở ngay đây.

 

Tiếp hiện Chân Lạc Tuệ

(Đỗ Thị Thủy)

Suối lạc tuôn về biển


Mây tuệ bay về nguồn


Tử sinh là biểu hiện


Độ người khắp hằng muôn.

 

Tiếp hiện Chân Đại Lượng

(Dương Thị Mỹ
 – Pháp danh: Tâm Diệu)


Chân thành hướng đạo một nhà


Đại từ lân mẫn gần xa chung lòng


Nhờ thầy độ lượng khai thông


Lợi hành đồng sự thong dong tháng ngày.

 

Tiếp hiện Chân Đạo Nguyên

(Lê Đình Du – 
Pháp danh : Tâm Phật Địa)

Tâm đạo luôn tiếp nối

Nguyên vẹn niềm tin sâu

Trẻ thơ vang tiếng hát


Bình minh ánh nhiệm mầu.

 

Tiếp hiện Chân Đức Đạo

(Martha Martinez)

Chân tâm thuần hậu được vun bồi

Nhân từ đức hạnh khắp mọi nơi

Bao dung ôm trọn không kỳ thị

Đem đạo giúp đời sống thảnh thơi.

 

Khóa tu xuất sĩ “Theo bước chân Thầy”(1 – 8.3)


Khóa tu xuất sĩ diễn ra một tuần sau Đại giới đàn, với chủ đề “ Theo bước chân Thầy”. Năm nay có 200 xuất sĩ của Làng ở châu Âu về xóm Thượng tu học trong suốt tám ngày. Đó là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn cho cả đại chúng. Có nhiều huynh đệ một năm hoặc hai năm mới gặp lại, nên chỉ có mặt trong khóa tu thôi là đã hiến tặng rất nhiều niềm vui cho tăng thân rồi.

Vào ngày đón khách đến xóm Thượng, sáng sớm hôm đó bỗng nhiên bị cúp nước, từ sáng sớm Ban tổ chức cũng như quý thầy xóm Thượng đã bắt đầu thấy lo. Không lo sao được, một ngày không có nước đồng nghĩa với khóa tu bị cắt bớt một ngày. Quý thầy phải đi lấy nước dưới Sơn Hạ. Cứ mỗi năm hay mười phút là Ban tổ chức đi mở vòi nước, xem có nước chưa, vì quý sư cô xóm Hạ và xóm Mới phải chờ tin có nước mới bắt đầu khởi hành lên xóm Thượng. Hai giờ chiều, rồi hai rưỡi, đợi đến hơn ba giờ chiều mới có nước. Thấy ai cũng vui hẳn lên. Ban tổ chức thì như trút bỏ được một gánh lo lắng xuống.

Niềm hạnh phúc trong các giờ pháp thoại, pháp đàm, ngồi thiền, tụng kinh, thiền hành, chơi trò chơi chung, ăn cơm, đi bộ đã nuôi dưỡng tất cả các anh chị em xuất sĩ. Ai cũng ý thức rằng chỉ cần làm một người tu hạnh phúc là mình đã có thể tiếp nối được Sư Ông.

Khóa tu tiếng Pháp (13 – 20.4)


Trong nắng ấm mùa xuân, khoảng 600 thiền sinh đã về Làng tham dự khóa tu tiếng Pháp. Đây là khóa tu duy nhất trong năm dành riêng cho các bạn trong cộng đồng Pháp ngữ, vì vậy Sư cô Chân Không từ Việt Nam cũng về Làng để có mặt cho khóa tu này. Các bạn thiền sinh vô cùng hạnh phúc khi được nghe Sư cô kể chuyện về Sư Ông đang ở chùa Tổ, được đi thiền hành và nghe Sư cô hát bài dân ca Pháp “Một lá ngô đồng rơi” giữa rừng bạch dương xóm Hạ.

 

Những bài pháp thoại của Sư cô Giác Nghiêm, thầy Pháp Lưu cùng những chia sẻ của các vị giáo thọ trong buổi vấn đáp như những cơn mưa mùa xuân thấm vào đất tâm, đánh thức hạt giống tỉnh thức và thương yêu nơi mỗi người trong đại chúng. Mình đang tìm kiếm gì vậy? Phải chăng mình cũng đang là người cùng tử trong kinh Pháp Hoa? Mình có nhận thấy tình thương đang biểu hiện quanh mình, trong ánh nắng ban mai, trong chiếc lá xanh non hay những bông hoa vàng trên cỏ? Không gian thênh thang của thiên nhiên bên ngoài giúp các bạn thiền sinh có cơ hội trở về và làm lớn rộng không gian bên trong mình. Những câu hỏi, những gút mắc trong lòng dần dần được tháo gỡ. Chỉ riêng tại xóm Mới đã có hơn 70 thiền sinh tiếp nhận Năm giới để tiếp tục nuôi dưỡng hạt giống chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Trong khóa tu này, cộng đồng Pháp ngữ có thêm sáu vị Tiếp hiện mới. Sư cô Chân Không đã thay mặt Sư Ông và tăng thân truyền 14 Giới Tiếp hiện tại thiền đường Chuyển Hóa, xóm Thượng.

 

Đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ thăm Sư Ông tại Huế

Ngày 19.4, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã dẫn đầu một đoàn đại biểu gồm chín Thượng nghị sĩ đến thăm Sư Ông tại thành phố Huế, nhân chuyến thăm chính thức của đoàn tại Việt Nam.

Ngày hôm đó, Sư Ông đã có mặt để chào đón đoàn và ngồi hơn một giờ đồng hồ trong thiền đường Trăng Rằm để nghe các Thượng nghị sĩ chia sẻ. Một số Thượng nghị sĩ trong đoàn đã từng nghe Sư Ông thuyết giảng tại Quốc hội Mỹ vào năm 2003 và 2011; bốn vị trong đoàn đã từng tham dự khóa tu do Sư Ông hướng dẫn. Vì vậy, họ rất muốn bày tỏ lòng biết ơn vì Sư Ông đã giúp cho họ tiếp xúc được với bình an trong tự thân, dạy cho họ cách chế tác niềm vui bằng nụ cười chánh niệm và cách thưởng thức từng bước chân bình an khi đi đến phòng họp của Quốc hội để bỏ phiếu. Sư Ông lắng nghe rất chăm chú và khi mỗi vị kết thúc phần chia sẻ, Sư Ông đều xá chào rất sâu khiến cho các vị Thượng nghị sĩ vô cùng xúc động.

Thầy Pháp Dung đã thay mặt Sư Ông và tăng thân chia sẻ với đoàn về những gì mà tăng thân Làng Mai đang thực hiện để tiếp nối hạnh nguyện của Sư Ông, đem sự thực tập chánh niệm vào trong lĩnh vực giáo dục, doanh thương và nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Dù thời gian của chuyến thăm không nhiều nhưng trước khi rời Từ Hiếu, các Thượng nghị sĩ cũng có cơ hộI ghé qua ni xá Diệu Trạm và trò chuyện với một số xuất sĩ trẻ để hiểu thêm về đời sống tăng thân.

Khóa tu dành cho doanh nhân (1– 8.6)


Đầu tháng Sáu, khí trời bắt đầu chuyển sang mùa hè và những khóm hồng ở các xóm đều nở hoa thơm ngát. Đó cũng là lúc quý thầy, quý sư cô ở Làng chào đón gần 250 doanh nhân từ nhiều quốc gia trên thế giới về tham dự khóa tu với chủ đề “Lãnh đạo bằng tình thương: Chánh niệm và đạo đức trong doanh nghiệp”. Sau thành công của khóa tu dành cho doanh nhân lần đầu tiên được tổ chức ở Làng vào năm 2017, đây là lần thứ hai quý thầy xóm Thượng và quý sư cô xóm Hạ cùng nhau tổ chức khóa tu theo chuyên đề này.

Qua những bài pháp thoại của quý thầy, quý sư cô giáo thọ (thầy Pháp Ứng, thầy Pháp Hữu, thầy Pháp Lưu, sư cô Lăng Nghiêm và sư cô Hiến Nghiêm), các doanh nhân được học cách sống chậm lại và có mặt nhiều hơn cho chính mình. Đồng thời, họ cũng có thời gian nhìn lại những giá trị sống và động lực thúc đẩy cuộc đời mình cũng như của doanh nghiệp: mình có muốn thực sự trở thành “Số Một” (Number One) hay mình muốn hạnh phúc? Mình có đang là “nạn nhân” cho sự thành công của chính mình? Mình có đang đưa doanh nghiệp đi về hướng thiện lành? Những hạt giống nào mình đang tưới tẩm nơi các nhân viên của mình (hạt giống của niềm vui hay hạt giống ganh đua, tranh đấu, tuyệt vọng, …?). Quý thầy, quý sư cô còn khuyến khích các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn đang phải đối diện với các nhân viên của mình để giúp tạo ra không gian cho các nhân viên chia sẻ những khó khăn của họ.

Ngoài ra, trong chương trình của khóa tu còn có các workshop và một buổi thuyết trình do các doanh nhân từng có kinh nghiệm áp dụng chánh niệm vào doanh nghiệp chia sẻ, trong đó có anh Kai Romhardt (Chân Bảo Học) – một giáo thọ cư sĩ người Đức. Anh Kai đã thiết lập một mạng lưới chia sẻ sự thực tập chánh niệm trong doanh nghiệp. Từ con số hơn 2000 người tham gia, hiện nay mạng lưới này đã lan rộng khắp châu Âu. Ngoài ra, trong buổi thuyết trình còn có Vari – giáo thọ cư sĩ người Anh và Cata – một bạn trẻ, người sáng lập hệ thống phần mềm ứng dụng Plum Village App. Chúng ta có thể thấy hạnh nguyện đem đạo Bụt vào cuộc đời của Sư Ông vẫn đang được tiếp nối nơi các đệ tử xuất gia và tại gia của Người trên khắp thế giới.

 

Khóa tu “Nấu ăn trong chánh niệm” (1– 8.6)

Trong khi khóa tu dành cho doanh nhân diễn ra tại xóm Thượng và xóm Hạ thì tại xóm Mới cũng đồng thời diễn ra khóa tu “Nấu ăn trong chánh niệm” cho gần 200 thiền sinh. Khóa tu này đã trở thành một “đặc sản” của xóm Mới và có rất nhiều người trông đợi để ghi danh. Đặc biệt trong khóa tu này còn có sự tham dự của đại diện Nhà xuất bản Parallax. Đã từ lâu Parallax muốn làm một cuốn thực phổ Làng Mai nhưng chưa có dịp thực hiện. Vì vậy nhân cơ hội có khóa tu nấu ăn tại Làng, Nhà xuất bản đã cử người tham dự để chụp hình và lấy tư liệu cho cuốn sách này.

Ngoài những sinh hoạt như ngồi thiền, thiền hành, nghe pháp thoại, pháp đàm,… các thiền sinh được hướng dẫn cách nấu các món chay vừa ngon vừa lành. Sư cô Triết Nghiêm với món bún riêu, sư cô Trăng Truyền Kỳ và Teng Mô – một bạn tập  sự người Thái với món cà ri  Thái, sư cô Trai Nghiêm với món tráng miệng Panna Cotta của Ý. Những buổi thuyết trình vô cùng sinh động và mang tính “cây nhà lá vườn” đem lại rất nhiều niềm vui và tiếng cười cho cả thiền sinh lẫn quý sư cô. Đặc biệt khi chuẩn bị cho món tráng miệng Panna Cotta, sư cô Trai Nghiêm vớI sự hỗ trợ của quý sư cô đã làm đủ số bánh cho tất cả thiền sinh trong khóa tu. Buổi thuyết trình trở thành một buổi thiền trà với bánh cùng tiếng đàn violin và piano do sư cô Trai Nghiêm và sư cô Trăng Linh Dị trình bày. Nhiều thiền sinh đã khóc vì xúc động trước tình thương mà quý sư cô dành cho mình. Nhiều chuyển hóa và trị liệu đã diễn ra trong khóa tu. Khoảng 80 thiền sinh đã tiếp nhận Năm giới để tiếp tục nuôi dưỡng sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày.

 

Sư Ông được trao Giải thưởng Hòa bình Luxembourg

Vào ngày 14 tháng 6, các nhà hoạt động vì hòa bình từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại tòa nhà Quốc hội châu Âu ở Luxembourg để tham dự Lễ trao giải Hòa bình năm 2019.

Giải thưởng Hòa bình Luxembourg là một giải thưởng được Quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới tổ chức hàng năm, kể từ năm 2012, nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hòa bình trên thế giới. Giải thưởng năm nay đã được trao cho Sư Ông Làng Mai. Thầy Pháp Hữu đã đại diện cho Sư Ông và tăng thân tới Luxembourg để nhận giải thưởng này.

 

Khóa tu về Khoa học thần kinh não bộ

(Neuroscience retreat, từ ngày 14 – 21.6)

Sau khóa tu Thần kinh não bộ vào năm 2006 và khóa tu 21 ngày “Nhà khoa học nắm tay nhà đạo học” năm 2012, đây là lần đầu tiên tăng thân tổ chức khóa tu về thần kinh não bộ mà không có Sư Ông trực tiếp hướng dẫn. Tuy vậy, khóa tu vẫn thu hút hơn 200 người tham dự, phần đông là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà tâm lý học và các chuyên gia về thần kinh não bộ. Nhiều người trong số họ lần đầu tiên tham dự một khóa tu của Làng Mai, dù đã từng đọc nhiều sách của Sư Ông.

Tuy Sư Ông không trực tiếp hướng dẫn khóa tu nhưng tuệ giác của Người vẫn tiếp tục được trao truyền qua các bài pháp thoại của quý thầy, quý sư cô giáo thọ. Thầy Pháp Dung trong bài pháp thoại của mình đã nhấn mạnh đến hai phương pháp trị liệu chính của Làng Mai. Đó là: trị liệu bằng phương pháp an trú trong hiện tại (present moment based therapy) và trị liệu bằng năng lượng chánh niệm tập thể (community based therapy). Các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự khóa tu đều rất ấn tượng với các phương pháp thực tập và môi trường tu học tại Làng Mai. Họ thấy những nghiên cứu và trải nghiệm của họ với tư cách một nhà khoa học có nhiều điểm tương đồng với cái thấy và phương pháp thực tập tại Làng Mai. Đối với họ, Làng Mai là môi trường rất thuận lợi cho sự trị liệu.

Khóa tu còn có những buổi thuyết trình do các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học thần kinh, là những vị khách mời của khóa tu chia sẻ như: TS. Peter Levine – nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng và là người sáng lập liệu pháp Thân nghiệm (Somatic Experiencing; TS. Dan Siegal – chuyên gia hàng đầu về tâm lý học và thiền định (tham gia trực tuyến); TS. Nadine Burke Harris – lãnh đạo cơ quan y tế cộng đồng của bang California và là chuyên gia về sức khỏe tâm thần & thể chất của trẻ em, đặc biệt là những trẻ em bị chấn thương tâm lý trong giai đoạn đầu đời; TS. Sebern Fisher, người đi tiên phong trong lĩnh vực phản hồi thần kinh (Neurofeedback),… Quý thầy, quý sư cô học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm và những bài chia sẻ đầy cảm hứng của các vị khách mời này.

Trong số những người tham dự có nhiều người thuộc Mạng lưới Tâm thức và Sự sống (Mind & Life Network) do Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng lập tại châu Âu. Những người này được coi là đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Đạo Bụt với Khoa học thần kinh. Họ cảm thấy khóa tu tại Làng Mai có sự cân bằng hài hòa giữa những bài chia sẻ, thuyết trình với những thực tập cụ thể. Vì vậy, họ bày tỏ mong muốn cuộc gặp gỡ thường niên kế tiếp của Mạng lưới được tổ chức tại Làng Mai.

 

 

Quỹ Gandhi – Mandela trao giải hòa bình đầu tiên cho Sư Ông

Ngày 11.7 tại New
Delhi, Ấn Độ, Quỹ Gandhi Mandela đã trao giải đầu tiên về Hòa bình của Quỹ này (Gandhi – Mandela Peace Award) cho Sư Ông, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Thánh Gandhi và 100 năm ngày sinh của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Trong bài diễn văn của mình, Ban tổ chức phát biểu rằng giải thưởng được trao cho Sư Ông vì sự nghiệp giảng dạy và ảnh hưởng tâm linh của Người đã làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Tăng thân Ahimsa Trust với các thành viên Tiếp hiện đã thay mặt Sư Ông và tăng thân Làng Mai nhận giải. Trong buổi lễ còn có sự hiện diện của các thành viên của cả hai gia đình Mahatma Gandhi và Nelson Mandela. Khách mời danh dự của buổi lễ là Tiến sĩ Karan Singh – cựu chính trị gia, nhà học giả nổi tiếng, người đã đón tiếp Sư Ông và tăng đoàn trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2008.

 

Khóa tu mùa Hè (5.7 – 2.8)

Mùa hè năm nay, mỗI tuần ở Làng đón từ 800 – 1000 thiền sinh, trong đó có khoảng 150 – 200 trẻ em đến từ nhiều nước trên thế giới. Các em nói nhiều ngôn ngữ khác nhau (ít nhất là có sáu ngôn ngữ chính: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý và Tây Ban Nha). Nhiều em nhỏ về Làng như về quê ngoại, chỉ cần tới cổng tu viện, bước xuống xe là các em đã chạy ào ra chơi với quý thầy, quý sư cô như với người thân. Có những bậc phụ huynh tâm sự với quý thầy, quý sư cô rằng do đời sống bận rộn nên một hoặc hai tuần về Làng thực sự là món quà cho chính bản thân, đồng thời là thời gian họ có mặt thực sự cho các con của mình.

Sư cô Chân Không cũng có mặt với đại chúng trong hai tuần cuối của khóa tu. Vừa về tới Làng là ngày hôm sau, Sư cô đã bắt đầu hướng dẫn thiền buông thư, thiền lạy và phương pháp Làm mới cho các bạn thiền sinh ở các xóm rồi. Sự có mặt tươi mát và đầy nhiệt huyết của Sư cô đã nuôi dưỡng và tạo cảm hứng tu tập cho không biết bao nhiêu người, cả xuất sĩ lẫn cư sĩ.

Có một thiền sinh tham dự ba tuần của khóa tu mùa Hè. Anh là luật sư, làm nghề “vận động hành lang” (lobbyist) – chuyên tiếp cận các nhà hoạch định chính sách của Mỹ để bảo vệ và tối đa hóa lợi ích của ngành công nghiệp sản xuất thịt. Trước khi rời Làng, anh chia sẻ rằng kỳ nghỉ của anh thường kéo dài từ thứ Năm đến Chủ nhật là nhiều lắm rồi; nhưng lần này anh dành hẳn ba tuần cho chính mình. Về Làng, anh hạnh phúc được là chính mình mà không phải cố gắng để trở thành một con người khác, không cần phải “ngoại giao” với ai cả. Trước khi đến Làng, anh vừa sa thải một luật sư trẻ vì người đó từ chối không trả lời điện thoại của khách hàng vào Chủ nhật để có một ngày dành riêng cho gia đình nhỏ của mình. Anh từng nghĩ rằng ai làm việc cho công ty của anh cũng cần phải có mặt 24/7 cho khách hàng. Anh đã khóc khi kể lại câu chuyện này và nói rằng “tôi không muốn tiếp tục là một người như vậy”. Thời gian ở Làng đã giúp anh có không gian nhìn lại chính mình và tìm một hướng đi mới, đem chánh niệm vào những công việc mà anh đang làm để mang lại nhiều từ bi, bình an và hạnh phúc hơn cho chính anh, cho các nhân viên trong công ty của anh và cho cuộc đời.

 

Khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan

Chỉ một ngày sau khi khóa tu mùa Hè ở Làng vừa kết thúc, khoảng 60 quý thầy, quý sư cô lên đường sang Đức để giúp đại chúng ở Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) tổ chức khóa tu lớn nhất trong năm dành cho người nói tiếng Đức (5 – 11.8) và người nói tiếng Hà Lan (12 – 16.8). Trong chuyến đi, khi ngang qua nước Bỉ thì xe bus bị trục trặc, cả đoàn phải dừng lại và đợi hơn hai tiếng đồng hồ để đổi xe. Chỉ tội quý thầy, quý sư cô bên Học viện phải đợi tới một giờ khuya để đón đoàn.

Tháng Tám, trời Học viện trong xanh và nhiều nắng. Năm nay, có khoảng 350 người về tham dự khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và gần 200 người về tham dự khóa tu dành cho người nói tiếng Hà Lan.

Học viện đã có mặt trên nước Đức được 11 năm. Nơi đây đã trở thành “điểm hẹn” của cả người lớn lẫn trẻ em. Vì độ tuổi rất khác nhau nên các em được chia ra để sinh hoạt riêng theo độ tuổi cho phù hợp. Có nhiều em được ba mẹ đưa đến Học viện từ khi còn nhỏ, bây giờ các em đã sinh hoạt cùng các bạn tuổi teen. Các em được hướng dẫn bởi quý thầy, quý sư cô cùng một số các cô chú tình nguyện viên với nhiều kinh nghiệm. Sự có mặt của các em nhỏ với sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ đã nuôi dưỡng người lớn rất nhiều.

Trong khóa tu này, đại chúng rất hạnh phúc và trân quý sự có mặt của quý thầy, quý sư cô lớn như thầy Pháp Ứng, Sư cô Chân Không và Sư cô Chân Đức cùng một số quý thầy, quý sư cô giáo thọ đến từ Làng. Trong ngày cuối của khóa tu, thiền sinh vô cùng hạnh phúc vì được cả Sư cô Chân Không và Sư cô Chân Đức ký tặng sách.

 

 

Trong thời gian này, Học viện cũng tổ chức một ngày quán niệm dành cho người nói tiếng Đức và một ngày quán niệm dành cho đồng bào người Việt với những sinh hoạt như thiền hướng dẫn, pháp thoại, thiền hành, vấn đáp…

 

Khóa tu Wake Up Earth 2019 (9 – 16.8)


Trong thời gian này, ở Làng có hai khóa tu diễn ra song song: khóa tu Wake Up Earth dành cho người trẻ (từ 18 đến 35 tuổi) do quý thầy xóm Thượng cùng quý sư cô xóm Hạ phối hợp tổ chức và khóa tu sức khỏe do quý sư cô xóm Mới tổ chức.

Hơn 500 người trẻ từ nhiều nước trên thế giới đã về Làng cho khóa tu Wake Up Earth. Trong đó có một nhóm từ Palestine và mười thành viên trẻ của phong trào vì môi trường Extinction Rebellion (tạm dịch: “Phong trào nổi loạn chống họa tuyệt chủng”) được tài trợ để tham gia khóa tu.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn trước những tác động của biến đổi khí hậu, rất đông các bạn trẻ trên thế giới đang tham gia vào các phong trào tranh đấu để bảo vệ đất Mẹ, nhưng cảm thấy bị nhấn chìm bởi giận dữ và tuyệt vọng. Trong bài pháp thoại của mình, thầy Pháp Dung đã chia sẻ với các bạn về sáu yếu tố của tình thương đích thực: ngoài Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) mà Bụt đã dạy, Sư Ông đã bổ sung thêm hai yếu tố là kính ngưỡng (reverence) và niềm tin (trust). Sáu yếu tố này là nền tảng giúp cho ta kết nối với chính mình và từ đó đóng góp vào sự thay đổi tốt đẹp cho hành tinh yêu quý của chúng ta. Thông qua giáo lý Tứ diệu đế và Bát chánh đạo, sư cô Hiến Nghiêm đã chia sẻ với các bạn về phương pháp thực tập có thể kết hợp đường hướng tâm linh với hành động, để tránh tình trạng kiệt sức hay tuyệt vọng. Sư cô cũng chia sẻ về Sáu phép lục hòa để giúp các bạn xây dựng tăng thân, cùng thực tập và yểm trợ nhau trên con đường tâm linh và phụng sự này. Thầy Pháp Lai nhắc các bạn về sự thực tập biết ơn và trân quý những điều bình dị trong cuộc sống, cũng như cách chăm sóc những cảm xúc mạnh để không biến mình thành nạn nhân của cảm xúc và hoàn cảnh, để tìm lại được tự do bên trong mình.

 

Lễ Truyền đăng trong khóa tu xuất sĩ tại Bích Nham (4.9)


Trong khóa tu xuất sĩ “Có Mặt Cho Nhau” được tổ chức tại tu viện Bích Nham từ ngày 28 tháng 8 đến 4 tháng 9 đã diễn ra lễ Truyền đăng cho sáu vị, gồm thầy Pháp Triển, thầy Pháp Chúng và sư cô Xứ Nghiêm đến từ tu viện Mộc Lan; thầy Pháp Điển, thầy Pháp Chuẩn và sư cô Lân Nghiêm thuộc tu viện Bích Nham. Dưới đây là các bài kệ truyền đăng được trao cho các vị tân giáo thọ:

Thích Chân Pháp Triển

(Hồ Thanh Sang Alan
 – Pháp danh : Tâm Hài Hoà)

Pháp thiên đạt ngộ rõ tâm tông

Triển vọng đông tây đạt đại đồng

Thuyền xưa lướt sóng về bến cũ

Ân đền nghĩa trả đạo viên thông.

 

Thích Chân Pháp Điển

(Ngô Minh Lộc)

Pháp mầu vi diệu cứu quần sanh

Phật Điển vô vi vạn pháp hành

Thân trai thỏa chí trong trời đất

Đạt ngộ chân như đạo viên thành.

 

Thích Chân Pháp Chuẩn

(Hồ Văn Thạnh)

Pháp thân hiển lộ độ mười phương

Chuẩn mực trang nghiêm đạo tỏ tường

Ân dầy nghĩa cả luôn bồi đắp


Đường về quê mẹ rạng yêu thương.

 

Thích Nữ Chân Lân Nghiêm

(Hồ Nguyễn Lam Nghi)

Chân như chớm nở đóa vô ưu


Lân mẫn dung thông khắp mọi miền

Trang nghiêm bồ tát hằng sa độ

Huynh đệ tài bồi đất tổ tông.

 

Thích Chân Pháp Chúng

(Hồ Bốn – 
Pháp danh: Tâm Nhuận Hoà)


Pháp bảo nâng niu nguyện giữ gìn

Chúng hội ngàn xưa vọng tiếng kinh

An trú thân tâm vào thật địa


Nguyền xưa nghiêm tịnh độ quần sinh.

 

Thích Nữ Chân Xứ Nghiêm

(Emmie Luân – 
Pháp danh: Tâm Lạc Phúc)


Chân trời rạng rỡ ánh dương quang

Xứ xứ bình an ở mọi nhà


Nghiêm trau giới đức lòng trong sáng

Đường về sông núi khải hoàn ca.

 

An cư kiết thu (14.9 – 12.12)


Mùa thu năm nay, tứ chúng Làng Mai tại Pháp gồm 316 vị (194 xuất sĩ và 122 cư sĩ ) lại có cơ hội an cư với nhau trong ba tháng. Trong suốt ba tháng an cư, đại chúng cùng tập trung học hỏi và thực tập theo ba chủ đề chính: Nuôi dưỡng tâm bồ đề, Giữ gìn đất Mẹ và Xây dựng tăng thân. Thầy Pháp Ứng, trong buổi lễ đối thú an cư, đã mời mỗi người trong đại chúng cam kết một thực tập đơn giản mà chúng ta có thể thực tập hết lòng, duy trì 100% trong suốt ba tháng an cư này. Đó có thể là sự thực tập thiền đi, hoặc mở cửa một cách chánh niệm mỗi khi chúng ta đi vào hay đi ra khỏi phòng,… một thực tập đơn giản và căn bản có thể mang lại ảnh hưởng to lớn cho những khía cạnh khác nhau trong đời sống của chúng ta.

Tuần lễ dành cho những ai yêu thích trồng trọt theo lối hữu cơ (Happy Farm Experience Week): Trong ba tháng an cư, tại xóm Hạ có tổ chức một số tuần tu tập theo chuyên đề, chẳng hạn như một tuần tu tập dành riêng cho những ai yêu thích hoặc mong muốn tìm hiểu về trồng trọt theo lối hữu cơ (organic farming) và nếp sống chánh niệm. Đây là lần thứ ba xóm Hạ tổ chức tuần lễ đặc biệt này. Khoảng 25 thiền sinh từ nhiều nước đã về Làng để học cách tái lập truyền thông với chính mình và với đất Mẹ.

Tuần lễ về bảo vệ đất Mẹ (Earth Week): Từ ngày 1 – 8.11, khoảng 130 thiền sinh đã về xóm Hạ để tham dự tuần lễ về bảo vệ đất Mẹ. Quý sư cô xóm Hạ đã mời 15 nhà hoạt động xã hội và môi trường về Làng cho tuần lễ này, với mục đích giúp cho họ có cơ hội trở về chăm sóc tự thân, kết nối với nhau, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của mình để giúp tăng thân hiểu hơn các phong trào tranh đấu bất bạo động để bảo vệ môi sinh đang diễn ra trên thế giới. Trong số các vị khách mời có Satish Kumar – một nhà hoạt động vì hòa bình và môi sinh. Ông đã có một bài chia sẻ đầy tuệ giác và tình thương, gây rất nhiều cảm hứng cho cả xuất sĩ lẫn thiền sinh tham dự. (Một phần trong bài chia sẻ của ông được Ban biên tập phiên tả và chuyển ngữ, xin đọc bài “Cuộc cách mạng của tình thương” trong Lá Thư Làng Mai số này)

Tuần lễ “Để có một tương lai” (Global Week for Future): Từ ngày 20 – 27.9, hàng loạt các cuộc biểu tình vì môi sinh đã diễn ra tại 4500 địa điểm ở 150 quốc gia trên thế giới. Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra vào ngày 20.9 với sự tham gia của hơn bốn triệu người trên toàn thế giới. Đây được xem là cuộc biểu tình vì môi sinh lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử thế giới. Tăng thân Làng Mai tại châu Âu và Mỹ cũng tham dự vào hoạt động này. Tại Pháp, Sư cô Chân Đức, thầy Pháp Dung cùng nhiều quý thầy, quý sư cô đã tham gia buổi đi bộ vì môi sinh cùng các bạn trẻ – phần lớn là học sinh, sinh viên – trên những con phố đông đúc của thành phố Bordeaux. Trước buổi đi bộ, quý thầy, quý sư cô đã có buổi ngồi thiền ngắn tại quảng trường Place de la Victoire ở trung tâm thành phố Bordeaux. Năng lượng bình an và thương yêu được chế tác trong từng hơi thở, từng bước chân của quý thầy, quý sư cô đã nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tham gia buổi đi bộ cho môi sinh ngày hôm ấy.

 

Làng Mai đến Dreamforce (19 – 22.11)

Mỗi năm, công ty Salesforce – một trong những công ty kinh doanh phần mềm có sức phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay – đều thu hút hàng trăm ngàn người về San Francisco để tham dự hội nghị thường niên quan trọng có tên “Dreamforce”. Theo lời mời của ông Marc Benio – giám đốc điều hành của Salesforce, khoảng 30 quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã đến hướng dẫn pháp môn chánh niệm cho các khách mời của hội nghị, từ ngày 19 – 22.11. Pháp môn thực tập của Làng Mai đã được giới thiệu tại Dreamforce từ năm 2016. Năm nay, ban tổ chức Dreamforce đã mời nhà thiết kế người Pháp Emmanuel Mongon và đầu tư một triệu USD để xây dựng mô hình Làng Mai thu nhỏ (pop-up monastery) ngay tại khuôn viên của Hội nghị, với tháp chuông, thiền đường Nước Tĩnh (có thể chứa hơn 100 người), thất Ngồi Yên, phòng để buông thư (có thể chứa khoảng 50 người),…

Với không gian mới này, trong vòng bốn ngày, quý thầy, quý sư cô đã có thể chia sẻ các pháp môn căn bản của Làng Mai (thiền tọa, thiền hành, ăn cơm chánh niệm, lắng nghe sâu, thiền buông thư,…) cho hơn 1500 khách mời của Hội nghị. Ngoài ra, quý thầy, quý sư cô còn tổ chức những buổi chia sẻ theo chuyên đề về nghệ thuật truyền thông với lòng từ bi, nghệ thuật làm quyết định dựa vào tuệ giác tập thể…

Thầy Pháp Lưu và sư cô Lăng Nghiêm đã đại diện tăng thân có bài chia sẻ trước thính chúng khoảng 500 người về chủ đề “Brain and Resilience” (tạm dịch: Tâm thức và Khả năng phục hồi sau những thương tổn tâm lý). Trong đó nhấn mạnh đến những phương pháp thực tập chánh niệm giúp ta hiểu sâu hơn về tâm ý mình đồng thời tiếp xúc với niềm bình an, tự do và hạnh phúc chân thật trong tự thân. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Marc Benio có đến thăm quý thầy, quý sư cô tại tu viện thu nhỏ này. Ông rất ấn tượng khi thấy những người đến với Hội nghị công nghệ này có thể trải nghiệm được sự chuyển hóa và trị liệu sâu sắc cho chính bản thân.

 

Chương trình Đạo Bụt Dấn Thân tại Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ

Dù được thành lập như một chủng viện Kitô giáo, Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ (Union Theological Seminary – gọi tắt là UTS) từ lâu đã tiếp nhận những tuệ giác từ các tôn giáo khác. Sư Ông đã nhận bằng Thạc sĩ về Tôn giáo từ Hội Chủng viện và trường đại học Columbia năm 1963. Năm 2017, Hội Chủng viện đã trao Huân chương Liên Hiệp cho Sư Ông để vinh danh những đóng góp lớn lao của Sư Ông đối với thế giới.

Trong hai năm qua, Chủng viện đã đưa Chương trình Thích Nhất Hạnh với Đạo Bụt dấn thân ( Thich Nhat Hanh Program for Engaged Buddhism) vào chương trình Thạc sỹ Thần học về đạo Bụt và Tinh thần Dấn thân Liên tôn giáo (Master of Divinity in Buddhism and Interreligious Engagement). Chương trình đã thu hút nhiều sinh viên theo học. Quỹ Henry Luce đã trao món quà 500.000 USD cho Chủng viện vào tháng 12.2019 để yểm trợ cho chương trình này.

 

Bốn lễ Xuất gia trong năm

Một trong những tin vui trong năm 2019 là sự biểu hiện của 49 cây non trong khu vườn tăng thân: 3 cây Đầu Xuân (Linh Kiều – Forsythias), 17 cây Nguyệt Quế, 15 cây Bạch Quả (Ginkgo) và 14 cây Ngọc Am (Cupressus funebris).

Cây Đầu Xuân (xuất gia ngày 18.5 tại tu viện Bích Nham, Mỹ): Chân Trời Đại Lực, Chân Trăng Khánh Thiền, Chân Trăng Nguyên Anh.

Cây Nguyệt Quế (xuất gia ngày 16.6 tại Làng Mai Thái Lan): Chân Trăng Vững Chãi, Chân Trời Bạch Vân, Chân Trăng Dung Hòa, Chân Trăng Phúc Châu, Chân Trăng Lắng Yên, Chân Trăng Rộng Mở, Chân Trời Hải Vân, Chân Trăng Hòa Thuận, Chân Trăng Thuận Thảo, Chân Trăng Đức Hạnh, Chân Trăng Non Sông, Chân Trăng Khiêm Hạ, Chân Trăng Sáng Tỏ, Chân Trăng Thanh Bình, Chân Trăng Hòa Nhã, Chân Trăng Mây Trắng, Chân Trời Tịnh Vân.

Cây Bạch Quả (xuất gia ngày 17.10 tại Làng Mai Pháp và tu viện Lộc Uyển, Mỹ): Chân Trăng Khương Cư, Chân Trời Ruộng Đức, Chân Trời Ruộng Pháp, Chân Trăng Khương Định, Chân Trời Ruộng Hiếu, Chân Trời Ruộng Nghĩa, Chân Trăng Khương Âm, Chân Trăng Khương Ý, Chân Trăng Khương Giới, Chân Trời Ruộng Lành, Chân Trời Ruộng Hương và Chân Trăng Thanh Đoan, Chân Trời Chí Đạo, Chân Trời Minh Hội, Chân Trời Minh Đại.

Cây Ngọc Am (xuất gia ngày 15.12.2019 tại Làng Mai Thái Lan): Chân Trời Giác Sơn, Chân Trời Bảo Sơn, Chân Trời Phúc Sơn, Chân Trời Đức Sơn, Chân Trăng Hương Bình, Chân Trăng Hương Nguyện, Chân Trăng Hương Tịnh, Chân Trời Quy Sơn, Chân Trời Thiện Sơn, Chân Trăng Hương Giới, Chân Trời Học Sơn, Chân Trời Kim Sơn, Chân Trăng Hương Hải, Chân Trăng Hương Bối.

 

 

Sư Ông đã về lại chùa Tổ sau thời gian kiểm tra sức khỏe tại Thái Lan

Sau năm tuần tịnh dưỡng để kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Thái Lan, Sư Ông đã về lạI chùa Tổ – Từ Hiếu vào ngày 4.1.2020. Tin vui là hiện giờ sức khỏe của Sư Ông ổn định và tinh thần vẫn rất sáng suốt, tinh anh.

Trong thời gian ngắn tịnh dưỡng tại Làng Mai Thái Lan tọa lạc bên núi Khao – Yai nên thơ hùng vĩ, Sư Ông đã tận hưởng năng lượng tu học yên vui cùng đại chúng tại tu viện Vườn Ươm cũng như đã có mặt chào đón sự ra đời của 14 sư con mới trong gia đình xuất gia cây Ngọc Am.