Thầy kéo tôi trở về

Chân Định Nghiêm 

Không ai có thể ngờ rằng tôi đã sống ở Huế hơn một năm rồi. Chính tôi cũng không ngờ nổi. 

Từ khi Làng có thêm xóm Mới, tôi đã rời xóm Hạ để về xóm Mới cư trú hơn hai mươi năm rồi. Làng Mai có đến mười hai xóm cho các sư cô, nhưng tôi chưa từng đổi qua ở xóm khác quá ba tháng. Thầy tôi đã từng nói rằng tôi không đổi trung tâm vì hai lý do. Đó là vì tôi làm trụ trì và biết nói tiếng Pháp. 

Chúng tôi đến từ 42 nước, có 42 quốc tịch khác nhau. Các cư sĩ hay tìm đến các thầy, các sư cô nói cùng một ngôn ngữ với họ, những người mà họ cảm thấy gần gũi vì có thể hiểu rõ được văn hóa và những tâm tư của họ. Số lượng người Pháp về Làng tu học càng ngày lại càng đông, vì vậy các anh chị em tôi mà biết nói tiếng Pháp thì phải ở Làng Mai tại Pháp là lẽ đương nhiên. Và tôi rất hài lòng với những nhân duyên tôi có. 

Không những riêng cho bản thân tôi, tôi rất hài lòng được “an cư lập nghiệp” tại Làng Mai ở Pháp mà tôi cũng đinh ninh rằng đây là nơi mà thầy tôi sẽ sống đến trăm tuổi. Ngày mà Thầy quyết định về lại Huế để sống quãng đời còn lại, tôi hoảng hốt và lo lắng. 

Nhóm thị giả chúng tôi theo Thầy về lại chùa Tổ. Tôi vẫn chưa mở hết hành lý Thầy ra mà chỉ lấy một ít đồ đủ dùng cho một thời gian ngắn. Tôi vẫn hy vọng rằng Thầy sẽ ở đây vài ngày “cho đỡ nhớ” rồi trở về lại Thái Lan. Tôi vừa thưa sư anh Pháp Ấn tôi điều này thì sư anh nói ngay: “Sư em đừng suy nghĩ như vậy. Thầy muốn về đây sống luôn mà. Thầy thích gì là mình đều phải yểm trợ Thầy hết lòng”. 

Một câu nói thật ngắn gọn và đơn sơ thôi mà nó đã làm cho tôi bừng tỉnh. Xưa nay các anh em chúng tôi luôn nghe lời Thầy và yểm trợ thầy mình 200%, nhưng trong tâm trí tôi, tôi vẫn chưa chấp nhận rằng Thầy muốn về sống luôn tại Việt Nam. Chỉ khi nào chấp nhận được thì mới an trú được. Và chỉ khi nào tôi an trú thì tôi mới yểm trợ được Thầy tôi hết lòng được. 

 

 

Trước kia, tôi đã rất mừng vui khi Thầy tôi về lại Việt Nam lần đầu tiên sau 39 năm bị lưu vong. Tôi hạnh phúc cho Thầy nhiều lắm lắm lận. Tôi đã từng nghe Thầy kể nhiều lần rằng Thầy đã dự tính rời quê hương trong vòng ba tháng thôi. Nhưng trong chuyến đi qua Mỹ, ngay sau khi Thầy gửi đến thế giới Lời kêu gọi hòa bình, chính quyền Sài Gòn đã vô hiệu hóa hộ chiếu của Thầy và Thầy đã không được về nước nữa. Những năm đầu, có nhiều đêm trong mơ, Thầy đã thấy mình đang leo lên một ngọn đồi cỏ thật xanh, đang leo nửa chừng thì bị chướng ngại vật và không leo lên được nữa. Bừng tỉnh giấc, Thầy sực nhớ ra rằng mình đang bị lưu vong, đang xa những người mà mình thương quý nhất, đang bỏ lại sau lưng những công trình dang dở. Giấc mơ này cứ lặp đi lặp lại hoài. Cùng lúc đó, Sư cố ở chùa Tổ thỉnh thoảng cũng hay chống gậy đứng nhìn về hướng cổng tam quan mà hỏi thị giả (lúc bấy giờ là Sư thúc Chí Viên tôi): “Thầy về chưa?”. Lần cuối cùng Thầy đảnh lễ Sư cố trước khi lên đường đi Mỹ, Sư cố đã làm lễ đắc pháp cho Thầy, ban cho Thầy một bài kệ và muốn Thầy kế thế Sư cố để làm trụ trì của Tổ đình. Nhưng ngày Sư cố tịch, Thầy có về nước được đâu? Mãi cho đến gần ba mươi năm sau, khi tôi được xuất gia, Việt Nam vẫn chưa giao lưu nhiều với phương Tây. Thỉnh thoảng qua Sơn Cốc, chúng tôi được Thầy trân trọng gắp cho mỗi đứa một trái bùi kho, hay trao cho một cái bánh măng – món quà Thầy mới nhận được từ Việt Nam. Bất cứ một đồ vật gì hay một người nào mới đến từ Việt Nam, còn phảng phất hương thơm từ quê hương, Thầy đều thương quý đặc biệt. Lần đầu tiên được gặp lại một người học trò cũ từ trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Thầy đã đứng phắt dậy, xoay mặt đi chỗ khác để giấu đi sự xúc động. Khi Thầy rời Việt Nam, người học trò cũ này còn là một sư cô trẻ, bấy giờ đã trở thành Sư bà. Thầy mời Sư bà ngồi xuống dùng cơm với Thầy, Thầy gắp thức ăn bỏ vào chén cho Sư bà, nhưng Sư bà cứ ngồi khóc thút thít. Nhóm các Thượng tọa, các Ni sư và các sư cô đến Làng đầu tiên từ Việt Nam đã được Thầy dẫn đi chơi núi tuyết Pyrénées vào mùa đông, rồi đi chơi biển Bordeaux vào mùa hè và tất cả chúng tôi cùng được đi chơi ké. Đi giảng dạy ở Ấn Độ hay ở Trung Quốc, Thầy hay dành thì giờ để ngồi chơi với các thầy, các sư cô trẻ du học bên đó, hay các Thượng tọa, Ni sư cùng các cư sĩ từ Việt Nam đã tìm cách qua đảnh lễ Thầy. Trong một chuyến hoằng pháp tại Trung Quốc vào năm 1999, Thầy chỉ dãy núi xa xa trước mặt và nói với các thị giả: “Này các con, phía bên kia núi là Việt Nam đó”. 

Nhớ vậy, chúng tôi hạnh phúc vô cùng khi Thầy được về lại thăm quê hương vào năm 2005. Về đến chùa Tổ, Thầy đã giữ lời hứa, đã làm “hướng dẫn viên du lịch”, đưa các đệ tử của Thầy đến từng ngõ ngách để giới thiệu và kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm thời Thầy còn làm điệu cách đây hơn sáu mươi năm. Chúng tôi đã chen lấn nhau để được đứng thật gần Thầy mà nghe, để không bỏ sót một chi tiết nào. Một số chúng tôi còn được “xé rào” theo Thầy, được đi thăm những nơi kỷ niệm đặc biệt nằm ngoài chương trình như núi Na, một vài ngôi chùa Huế, tiệm cơm chay Tín Nghĩa ở Sài Gòn,… Nhưng điều làm chúng tôi hạnh phúc nhất vẫn là thấy Thầy trao truyền từ trái tim cho đồng bào ba miền những hoa trái của sự hành trì sau sáu mươi ba năm tu tập, những pháp môn giúp chuyển hóa khổ đau và mang lại hạnh phúc cho cá nhân, cho gia đình và cho xã hội. Đó là ước nguyện của Thầy từ khi mới vào chùa. 

Chuyến về nước năm 2005 đã mang lại cho Thầy rất nhiều hạnh phúc, nhưng Thầy đã mất nhiều tháng ngày sau đó để hồi phục lại sức khỏe. Thầy đã từng quen với những chuyến đi dài để giảng dạy ở nhiều nước trong mấy chục năm qua, nhưng chưa bao giờ có một chuyến hoằng pháp nào làm Thầy mất sức như chuyến đó. Không những Thầy mất sức trong chuyến đi mà Thầy còn phải mất sức trong nhiều tháng trước chuyến đi nữa, vì những cuộc thương thuyết giằng co… Vì vậy mà sau đó, tôi không mong cho thầy tôi về nước nữa. 

Những năm đầu mới xuất gia, hình ảnh tôi có về gốc rễ tâm linh của mình là từ những mẩu chuyện Thầy kể về chùa Tổ, về Sư cố. Những hình ảnh đẹp như những bài thơ, hay những bức tranh vẽ. Đến năm 2000, Thầy lại cho một nhóm anh chị em chúng tôi về Việt Nam lần đầu tiên để được tiếp xúc với truyền thống và học hỏi. Trước khi lên đường, Thầy viết cho chúng tôi bốn câu thơ mà tôi vẫn còn dán trong cuốn nhật ký: 

Con xa đất nước thời thơ ấu
Giọng nói quê hương vẫn ngọt ngào Nề nếp tổ tông cha nắm giữ
Hương sắc quê nhà mẹ truyền trao. 

Chuyến đi này đẹp như một giấc mơ. Về lại Pháp rồi mà ba chị em chúng tôi cứ nhớ nghĩ hoài về quê hương. Nhưng đến khi về lại Việt Nam theo Thầy năm 2005, tôi bắt đầu tiếp xúc thêm với bề mặt khác của thực tế. Bấy giờ, những bài thơ, những bức tranh vẽ trước kia bắt đầu bị nhấm nhem mực đen, làm cho tôi vỡ mộng và thất vọng vô cùng. Tôi trở lại Việt Nam với Thầy năm 2007 và 2008 trong tâm trạng: “Thầy đi thì mình phải đi theo thôi, làm được gì thì làm”. Cho đến khi sự kiện Bát Nhã xảy ra, ngoài sức tưởng tượng, tôi đã tin rằng vậy là xong, duyên thầy trò chúng tôi với Việt Nam đến đây là chấm dứt, và tôi không phải lo lắng về việc thầy tôi bị mất sức cho những chuyến về nước nữa. 

Đó là vì sao cách đây hơn một năm, khi Thầy quyết định trở về sống luôn ở Việt Nam, tôi hoảng hốt và lo lắng cho Thầy. Về đến ni xá Diệu Trạm, một buổi sáng vừa thức dậy, tôi lại nghe tiếng mưa rơi tầm tã liên tục từ mấy ngày qua, lòng tôi nặng trĩu và một tư tưởng hiện lên trong đầu: “Ôi, làm sao mình có thể sống ở đây với cái khí hậu này được?”. Nhìn lên đầu giường, một số đồ đạc của tôi mới đó mà đã mốc xanh lên rồi! 

Ấy vậy mà sau đó, câu nói ngắn gọn của sư anh tôi: “Sư em đừng suy nghĩ như vậy. Thầy muốn về đây sống luôn mà. Thầy thích gì là mình đều phải yểm trợ Thầy hết lòng” đã làm cho tôi hoàn toàn buông thả mọi sự chống cự còn lại để chấp nhận sự thật rõ ràng là Thầy mình muốn trở về sống tại Việt Nam. Tôi cảm thấy như cái nút thắt trong trái tim tôi được tháo tung. Đầu óc tôi rỗng rang, không còn tính toán và lo lắng. Tại sao tôi phải lo? Đã có Sư cố và chư Tổ lo cho thầy tôi rồi. Vài hôm sau trên con đường từ ni xá Diệu Trạm qua chùa Từ Hiếu, tôi mỉm cười ngạc nhiên khi nhận ra rằng mình đang tung tăng đi qua chùa Tổ dưới mưa, vừa đi vừa thưởng thức những giọt nước rơi trên áo mưa và đang nhúng cả bàn chân một cách thú vị vào vũng nước dọc đường. Tôi đang ở trong một tâm trạng hoàn toàn khác hẳn với tâm trạng cách đây vài ngày. Trời mưa càng dầm dề và khí hậu càng ẩm ướt thì mùa xuân lại càng tươi sáng. Tôi đã hiểu được với tất cả sự thích thú vì sao trong các bài ca và câu thơ, thi sĩ hay viết “đón xuân” thay vì “đón Tết”, điều mà tôi đã không thấy khi sống ở Sài Gòn khi nhỏ và ở hải ngoại khi lớn lên. Những cơn mưa dầm bất chợt ngưng rơi. Những đám mây được vén đi để cho những tia nắng ấm soi thẳng vào thành phố Huế và không khí xuân tuôn dậy: chợ hoa tràn ra dọc hai bên đường với bao nhiêu là những chậu mai, đào, cúc, lan,… đủ màu đủ sắc. Năm ngoái và năm nay, thầy trò chúng tôi đều háo hức đi xem chợ hoa. Khắp nơi rộn ràng quét dọn, trồng hoa, chưng hoa quả, gói bánh, nấu bánh, trang trí, tập văn nghệ,… Tôi tận hưởng không khí chuẩn bị đón Tết hết lòng. 

Nơi tôi tạm trú là ni xá Diệu Trạm, nằm trên một mảnh đất rộng bằng khu nhà ăn của xóm Thượng từ hành lang trước nhà Thạch Lang đến nhà trà. Tầng trệt ở tòa nhà chính là phòng ốc các sư cô, trên lầu là thiền đường. Ở tầng trệt của tòa nhà nhỏ hơn bên cạnh đó là nhà vệ sinh, nhà bếp và khu khất thực. Trên lầu có trai đường, nay đã trở thành phòng ốc cho các sư cô. Trước hai tòa nhà có một khoảng sân hẹp và dài, một phần sân được dùng làm nhà ăn ngoài trời với mái che mà các sư em tôi gọi là nhà rạp. Khu vực này cũng được dùng cho nhiều sinh hoạt khác như văn nghệ ngoài trời, pháp đàm, gói bánh, nấu bánh,… Ni xá rất xanh vì mỗi tấc đất đều được tận dụng tối đa. Ngoài những cây mít sai trái đã có sẵn, các sư em đã trồng đủ các loại cây, từ cây cau, cây ngô đồng, cây thông, cây tùng cho tới cây khế, bưởi, xoài, vả, chè, trúc, bồ kết, trầu bà,… 

Ni xá được trang điểm bốn mùa bởi đủ loài hoa trồng dưới đất, treo dọc mái hiên hay cắm trên cửa sổ. Nào là hoa sói, hoa mộc, hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa hoàng hậu, hoa sứ, hoa mân, hoa đồng tiền, hoa xương rồng, hoa lan, ngọc lan, mộc lan, lan đất, mai vàng, mai chiếu thủy, phượng vĩ, nguyệt quế, hải đường, bằng lăng, bạch môn, thạch thảo, dạ yến thảo, cho đến dạ ngọc minh châu, kể không hết. Đa số các sư em tôi nằm giường đôi và bàn học được kéo ra, xếp vào gọn gàng ngay trên giường. Giữa hai cái giường đôi có bắt hai thanh gỗ để treo áo dài. Một chiếc bàn trà thấp được đặt giữa căn phòng để các em có thể ngồi uống trà chung trên bồ đoàn. Không gian riêng của mỗi em nằm gọn lỏn trên chiếc giường của mình. Bước ra khỏi giường là lối đi trong phòng và không gian chung của các chị em cùng phòng. Và mỗi em đều rất sáng tạo với cách trang hoàng riêng cho không gian của mình. Thỉnh thoảng Thầy qua Diệu Trạm chơi và thăm phòng các sư con. 

Mỗi lần như vậy là cả ni xá lại tưng bừng và hạnh phúc cả ngày. 

Trong không gian chật hẹp này, tại đây không hề có khóa tu. Sự kiện lớn nhất trong năm là lễ Vu lan với một chương trình tu học kéo dài ba ngày. Các bậc phụ huynh của các sư em đến tham dự khá đông, từ khắp các miền trong nước. Các sư em rất hồ hởi phấn khởi, xúm xít chấp tác suốt cả tuần để chuẩn bị. Ba ngày thực tập đã rất nuôi dưỡng tình cha con, tình mẹ con và đã mang đến rất nhiều hạnh phúc. Nhưng than ôi, lễ Vu lan vừa chấm dứt thì một khu nhà vệ sinh cũng đóng cửa để được sửa chữa trong suốt một tuần sau đó. Sửa chữa xong, các sư em lại càng hạnh phúc hơn. 

Khi tôi mới về đây, ni xá còn có một vườn rau nho nhỏ, xinh xắn và rất ngăn nắp. Vườn rau xanh nằm về phía bên tay trái ngay đầu ngỏ làm cho bất cứ ai vừa bước vào khuôn viên ni xá cũng cảm thấy tươi mát và dễ chịu. Đó là một góc xanh tươi dành cho những ai thích làm việc với chân tay và thích tiếp xúc với đất Mẹ. Nhưng vài tháng sau đó, để chuẩn bị hậu sự cho Thầy, chính quyền đã đến đổ đất để biến mảnh vườn xanh này thành bãi đậu xe. Đại chúng Diệu Trạm ai cũng buồn, nhưng khi đổ đất xong rồi, không có xe để đậu, và chiều nào các sư em tôi cũng tung tăng ra chơi đá banh ngoài đó. 

Vào mùa hè nóng bức, đại chúng họp quyết định là tối nào nóng trên 30°C thì thiền đường sẽ được bật máy điều hòa cho các sư em nào muốn vào đó ngủ. Những đêm đầu, máy điều hòa vừa bật lên là các chị em tung tăng ôm mền chiếu lên thiền đường. Có khi còn đem sách để lên ngồi học trên đó nữa. Nhưng những đêm sau, thiền đường vắng dần, vì một số em không quen máy điều hòa và đã bị viêm họng. Chị em chúng tôi liền tìm ra một giải pháp mới: chỉ cần một cái mùng xếp kiểu Thái Lan là mình có thể ngủ ngoài trời một cách an toàn dọc hành lang ngoài thiền đường hay ở nhà trà. Thế là tối nào chúng tôi cũng tung tăng với cái mùng xếp, đi kiếm một chỗ mát nhất cho mình. Có một đêm mát quá, chị em chúng tôi ngủ thật say, ăn trộm đột nhập vào ni xá mà cũng chẳng ai hay biết. Và hình như ăn trộm cũng không làm ăn gì được vì không có lối đi! 

 

 

Từ khi Thầy về, cánh cổng giữa Diệu Trạm và chùa Từ Hiếu đã được mở khóa nên đại chúng có thêm không gian để đi thiền hành qua hồ Sao Hôm đến hồ bán nguyệt. Chánh điện chùa Từ Hiếu đã bắt đầu được trùng tu sau Tết năm ngoái. Khi chánh điện cũ bị đập xuống, trong không khí có nhiều bụi và các chị em tôi phải thỉnh Thầy đi biển vài ngày. Chỉ cần lái xe nửa giờ là đến biển, vì vậy thầy trò chúng tôi đi biển cũng được năm lần rồi. Có một lần, Thầy đã muốn các thị giả đưa Thầy ra tắm biển. Thầy thích nước ấm và sóng vỗ quá, Thầy muốn đi ra xa hơn nữa, rồi lại xa hơn nữa. Lại có một lần ở núi, Thầy nằm trên võng ngắm núi cả ngày, chiều tối rồi mà Thầy cũng không chịu vào nhà. 

Nhờ chấp nhận mà tôi an trú được. Và nhờ an trú mà tôi sống vui và tận hưởng được năng lượng của chư Tổ, tận hưởng được những gì đẹp xung quanh tôi. Nhưng thỉnh thoảng, tôi cũng nhớ xóm Mới, nhất là khi nhận được một món quà từ Pháp, như một hộp sô-cô-la Mme Guinguet chẳng hạn. Mở hộp quà ra là tôi ngửi thấy hương vị của cả mùa đông xứ Pháp, mùa của lễ lược. Tôi không biết khi nhận được hủ bùi kho, Thầy có nhớ chùa Tổ như khi tôi nhận được hộp sô-cô-la và nhớ xóm Mới không. 

Những lúc như vậy, tôi phải thực tập an trú trong giây phút hiện tại để không tiếc thương hay buồn khổ, mà trái lại, để cảm thấy vui vui và hạnh phúc vì nhớ rằng mình còn có một quê hương ấm áp đâu đó trên quả địa cầu này. Có phải là tôi đang đi qua những gì mà Thầy đã từng đi qua không? Thầy đã bị kẹt lại ở hải ngoại một mình như một tế bào bị văng ra khỏi cơ thể trong khi tôi thì đang có Thầy, có các sư chị, sư em, cả một đại chúng dễ thương bên cạnh. Thầy bị kẹt lại ở một đất nước mà ngôn ngữ, thức ăn, tập quán, văn hóa, khí hậu, tất cả đều khác lạ. Hộ chiếu của Thầy đã bị vô hiệu hóa năm 1966, nhưng Thầy vẫn còn suy nghĩ phương cách về lại nước cho đến năm 1968, khi Thầy bay đến Hong Kong. Chỉ sau khi đã hiểu rõ rằng các vị Tôn đức và các học trò của Thầy không muốn Thầy về nước mà chỉ muốn Thầy tiếp tục ở hải ngoại để vận động cho hòa bình, Thầy mới chấp nhận và quyết định bay về Pháp để an trú bên Tây phương. Chắc hẳn giây phút Thầy làm quyết định này là giây phút mà từ đó, để có thể sống còn, Thầy đã thực tập một cách ráo riết an trú bây giờ và ở đây. Và sự thực tập này đã trở thành trái tim của những pháp môn Làng Mai. 

Tuy rằng tôi chỉ mới đi qua một phần triệu của những gì thầy tôi đã đi qua, tôi vẫn cảm là tôi hiểu được Thầy thêm một chút. 

Tại Diệu Trạm mỗi ngày, hai sư em được luân phiên làm đệ nhị thân theo tôi qua thất Thầy để làm thị giả vòng ngoài và nhất là, để được đi thiền hành và được ăn cơm với Thầy. Trong số các em, có một vị ít có cơ hội được gần Thầy từ khi xuất gia. Và nhờ Thầy về đây, sư em được thường xuyên gặp Thầy. Mỗi khi khỏe là Thầy đều đi thăm liêu Sư cố và nhiều lần sư em được đi theo. Vào trong liêu, với ánh mắt rất sáng và nét mặt rất tươi, Thầy luôn cung kính chắp tay xá hình Sư cố, bức chân dung đắp bằng lụa nổi mà Thầy đã cúng dường Sư cố năm 1955, nhân dịp lần đầu tiên Thầy về thăm Sư cố từ Sài Gòn. Rồi trăm lần như một, Thầy quán sát từng đồ vật trong liêu với tất cả sự chăm chú và kính cẩn. Rồi Thầy đưa tay sờ nhẹ vào các đồ vật trong liêu một cách trân quý. Sư cố là người đã luôn săn sóc, nâng đỡ và tin tưởng Thầy. Khi chánh điện và liêu Sư cố được trùng tu, Thầy không đi thăm liêu Sư cố được nữa thì Thầy lại tiếp tục đi thăm công trường trùng tu. Được gần Thầy trong im lặng và được chăm sóc chỗ ở của Thầy, tình thầy trò lớn lên trong trái tim sư em và tự nhiên sư em cởi mở ra, tươi vui và mạnh khỏe hơn. Các sư em khác cũng rất hạnh phúc và trông chờ đến phiên mình để được qua ở cả ngày nơi thất Thầy. Vậy mà có một hôm, một danh sách gồm mười sư em sẽ đổi trung tâm qua Làng Mai Thái Lan được công bố, các sư em buồn quá, có em khóc! Thế là đại chúng đành phải quyết định hủy bỏ chuyến đi để các em được ở lại, gần Thầy. Nhưng sau đó vì không còn chỗ cho các sư em mới và các sư chị lớn từ các trung tâm khác trở về, các sư em vẫn phải chuyển xóm như thường, chỉ trễ hơn được nửa năm. 

Nhờ được tiếp xúc với các sư em đệ nhị thân qua thất Thầy mỗi ngày, tôi đã làm quen và nhớ được tên của tất cả các sư em khá nhanh. Thêm vào đó, tôi nhận chăm sóc hai lớp học mỗi tuần và tôi rất hạnh phúc khi được ngồi chung với các em. Các sư em ham học lắm! Chỉ mới có hai tháng sau đó thôi mà tôi đã cảm thấy rất gần gũi và gắn bó với đại chúng Diệu Trạm rồi. Tôi còn suy nghĩ rằng sau này khi trở lại với xóm Mới bên Pháp, chắc tôi sẽ xin đại chúng cho phép tôi trở lại Diệu Trạm mỗi năm ba tháng. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được một điều: nơi mà làm cho mình thật sự muốn trở lại là nơi mình thương chứ không hẳn là nơi mình sống sung sướng và tiện nghi. Nơi tôi thương là Diệu Trạm. Các sư em ở đây cái gì cũng cười được, hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Trong khi đó, nơi thầy tôi thương là một đất nước bao phủ trong lửa đạn. Trong số những người mà Thầy thương, người thì bị ám sát bên bờ sông, người thì tự thiêu, người thì bị mất tích, cho đến người thì bị chết vì tai nạn xe cộ,… Tình thương của Thầy da diết và rộng lớn. 

Tuy rằng tình thương của tôi chắc chắn chỉ nhỏ bằng một phần triệu tình thương của Thầy, tôi vẫn cảm là tôi hiểu được Thầy thêm một chút. 

Đầu tháng 11 vừa rồi, khi Thầy tôi quyết định về lại Làng Mai Thái Lan để khám sức khỏe tổng quát, đi theo Thầy, tôi được sống lại trong bầu không khí an toàn và tiện nghi. Thầy tôi được bao quanh bởi các bác sĩ và y tá, những đệ tử của Thầy. Từ thất của Thầy nhìn ra là dãy núi Khao Yai và không gian bao la. Khí hậu khô ráo và nắng ấm, dù cho nhiệt độ có xuống thật thấp vào đêm. Mỗi sáng, thị giả chỉ cần vén màn lên là Thầy có thể tắm nắng ngay trên giường ngủ. Mỗi ngày, ngoài hai thị giả ở bên Thầy còn có các thầy và các sư chú khác thường xuyên xin được vào gần Thầy để hưởng năng lượng bình an. Nhiều sư cô cũng đến thất Thầy mỗi ngày với niềm hy vọng được đẩy xe hầu Thầy đi dạo. Thầy đi đến đâu là nơi đó lại tấp nập và vui tươi đến đó. 

Khi còn ở Huế cũng vậy. Vào mùa mưa đâu bao giờ có khách du lịch. Ấy vậy mà khi có mặt Thầy tại Huế, các chú tài xế taxi chạy cả ngày. Các nhà khách luôn đầy người, không những đầy người Việt mà còn đầy người ngoại quốc nữa. Họ thường ngồi canh ở tháp chuông để mỗi khi Thầy đi thiền hành, họ được đi theo Thầy. Có những người canh năm, sáu ngày mà cũng vẫn không nản lòng. Họ đến từ miền Bắc, miền Nam, từ các nước Đông Nam Á, từ châu Âu hoặc châu Mỹ. Các ngày quán niệm tại Diệu Trạm cũng đông hơn. Có khi đại chúng được đi thiền hành cùng Thầy quanh hồ bán nguyệt. Ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, cũng như một số lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam đã đến thăm Thầy và con đường trước chùa đã được chính quyền địa phương cho tráng nhựa rất đẹp và êm. 

Về lại Thái, tôi tận hưởng từng giây phút mỗi ngày. Cách đây hơn một năm, đây là điều tôi mong muốn mà, mong muốn Thầy về lại đây. Tôi tận hưởng bầu không khí an toàn và tiện nghi. Nhưng mỗi ngày tôi đều nhớ đến các em ở Diệu Trạm. Trên con đường đất từ Diệu Trạm đến tháp chuông Từ Hiếu, trước kia nhìn lên thấy thất Thầy lúc nào cũng hoa lá xanh tươi, đèn đuốc sáng trưng, ấm cúng, đông các thị giả qua lại. Giờ đây tối đến, nhìn lên lại thấy vắng hoe. Các sư em nhắn tin cho tôi rằng không khí ở Diệu Trạm trầm xuống, ai cũng nhớ Thầy. Để làm cho không khí tươi vui lên, các sư chị lớn dẫn các sư em qua thất Thầy để dọn dẹp, trang hoàng, trưng bày triển lãm sách Thầy trong nhà kính thật đẹp. Các sư chị lớn còn tổ chức đốt lửa, đem máy chiếu xuống nhà rạp cho các sư em xem bóng đá giữa hai đội Việt Nam và Thái Lan nữa. Các sư anh thì kêu thợ đến sơn tường ngoài thất Thầy, sửa tường bên trong và xây thêm nhà vệ sinh phía sau. 

Thầy ở lại Thái năm tuần. Mỗi khi có ai từ Từ Hiếu hay Diệu Trạm sang Thái, tôi lại nhờ đem qua cho Thầy thêm cái này, cái kia. Và mỗi lần các sư em Diệu Trạm thấy ai đóng gói đồ đem qua cho Thầy, các em đều rất buồn và cứ hỏi: “Sao lại gửi đồ tiếp nữa à? Sao Thầy chưa về cho rồi mà còn gửi đồ qua đó nữa?”. 

Ngày Thầy quyết định trở về lại chùa Tổ, tôi hăng hái đi làm hành lý với một tâm trạng hoàn toàn khác hẳn với giây phút cách đó hơn một năm. Tôi hạnh phúc ở Thái mà tôi cũng hạnh phúc được trở về. 

Không những Thầy đã trở về mà Thầy còn kéo tôi trở về theo. Thầy đã bắt đầu làm công việc này từ khi tôi mới về Làng xuất gia. Để bắt đầu, Thầy đã cho tôi tiếp xúc với những gì đẹp nhất của văn hóa Việt Nam. Thầy đã dạy tôi văn hóa Việt Nam qua Phật pháp. Sau đó, không cần dùng lời mà Thầy đã kéo tôi trở về để học chấp nhận và thương yêu. Được trở về, tôi nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn. Tôi đã thôi làm thân cùng tử để trở về với Sư cố, với chư Tổ.