Ngày ấy bên nhau

Chân Thao Nghiêm 

Mười năm, bao nhiêu chuyện diễn ra, nơi đó chắc giờ đã thay đổi nhiều. Những ngày ấy dường như xưa lắm rồi mà cũng như mới từ hôm qua thôi. Nhắc về nơi ấy là nhắc về một chốn thiêng liêng, nơi mà ai ai cũng mến thương khi đã từng là một người con được sinh ra và lớn lên ở đó. Mất đi là một sự nuối tiếc, rời xa là một nỗi mất mát. Nhưng kỳ diệu thay, vết thương lành lặn theo tháng ngày. Những người con Bát Nhã giờ đã khôn lớn, đi khắp nơi và nếu nhắc lại thì không ai mà không nhớ về những kỷ niệm đẹp, xen lẫn tiếng cười rộn rã và cảm giác ấm áp trong lòng. Con hãnh diện vì mình từng có được cơ hội sống nơi đó, thuở ban sơ, còn thiếu thốn nhiều mặt nhưng tình huynh đệ thì đầy ắp, trong tâm mỗi người ngọn lửa lý tưởng vẫn sáng và mạnh mẽ hơn bao giờ. Nhắc lại đây để các anh chị em nhớ chút kỷ niệm xưa và rồi thế nào cũng đem về thêm nhiều câu chuyện đẹp nữa, bí mật nhưng tới lúc này ai cũng biết và chỉ mỉm cười thôi. Tuổi thơ mà. 

Bát Nhã lúc ban sơ chưa có nhà ăn xóm Bếp Lửa Hồng và thiền đường Tâm Bất Động. Sáng, trưa, chiều và tối, quý sư cô được lên ăn nhờ ở nhà ăn của quý thầy và ngồi thiền ké ở chánh 

điện của chùa. Mãi một thời gian sau mới hoàn tất được nhà bếp và thiền đường riêng ở dưới này. Nhờ ơn của Sư phụ sắp xếp, xây dựng cấp tốc mà ni xá tạm hoàn thành,

tạm đủ chỗ ở để chuyển vào coi như là có một tu viện của mình, nơi mà chị em có thể nương tựa, tu học và xây dựng tăng thân. Sáng sáng, trên đường đi lên chánh điện để ngồi thiền, chị em sẽ được nghe cô Diệu Ngọc và cô Diệu Ngộ thỉnh chuông đại hồng. Giọng hô chuông của các sư cô thật khỏe, niệm đều đều cả trăm biến Nam mô A Di Đà Phật. Lâu lâu các sư chú nhỏ, đệ tử Sư phụ cũng thỉnh chuông. Các chú khoái nhất là chờ quý sư cô nhiếp tâm trong chánh niệm lặng lẽ đi thiền hành ngang qua, và rồi giật mình la lên vì các chú thỉnh chuông quá bất ngờ ngay sau lưng. Cứ nhìn nét mặt và nụ cười của các sư chú thì biết ngay. Sau đó một thời gian, các chị em cũng được luân phiên thỉnh chuông đại hồng. Đại chúng có cơ hội tận hưởng nhiều giọng hô chuông của các sư chị, sư em. Sư phụ luôn nhắc nhở giờ giấc thỉnh chuông phải chính xác. Dân chúng quanh đó đã quen nghe theo tiếng chuông để thức dậy mỗi buổi sáng nên mình không thể nghỉ, phải có sự đều đặn dù đó là ngày làm biếng trong tu viện. 

Bát Nhã thuở ấy hầu hết là người trẻ, nhiều nhất là các sư em tuổi từ 13 đến 25, ham tu, vui vẻ, mạnh khỏe, mà cũng ham chơi, quậy phá và ham ngủ. Mỗi buổi ngồi thiền quý thầy và quý sư cô lớn phải thay phiên làm giám thiền cho cả hai xóm. Chỉ mỗi việc đánh thức các sư em đang gật gù hoặc xoay vòng để khỏi uổng phí thời gian thiền tập thôi cũng đủ vất vả cho quý vị lớn rồi. Thiền đường Tâm Bất Động dần dần không còn đủ chỗ cho quý sư cô nên phải dùng cả hai tầng dưới và trên. Con còn nhớ bước chân rón rén đi lên tầng trên của sư cô giám niệm. Ngại nhất là mỗi lần Sư phụ xuống thăm chúng vào giờ ngồi thiền, Sư phụ cũng đi quanh một vòng và luôn nói lại với quý sư cô lớn sau đó là “quý sư cô ngồi thiền còn ngủ gục nhiều quá”. A ha, mà đừng nghĩ là quý thầy không ngủ gục nhé. Tình cờ thôi, có bữa con đi làm đệ nhị thân cho quý sư cô ngang qua chánh điện của quý thầy đúng vào lúc kết thúc buổi ngồi thiền và nghe quý thầy đọc một bản danh sách. Không phải danh sách nghỉ ngồi thiền đâu, thời đó không ai vắng ngồi thiền cả. Dù có buồn ngủ, các anh chị em đều cố gắng thức dậy đi tới thiền đường để có mặt cho đại chúng. Danh sách này là danh sách các vị ngủ gục trong khi ngồi thiền. Đi qua thoáng nghe đọc tên quý sư chú mà con cứ cười khúc khích. May quá, bởi chắc con cũng có tên trong danh sách nếu những ngày qua con ngồi thiền trên này. Hai xóm gần nhau nên có thể nghe tiếng hô canh từ chánh điện quý thầy và tiếng niệm Bụt đáp lại hùng hồn của các em nhỏ trên xóm Rừng Phương Bối. Giờ thiền tọa không khí tu viện hoàn toàn yên tĩnh, chỉ cảm nhận được tất cả đại chúng đều đang làm chung một việc, đó là quay về chăm sóc tự thân và yểm trợ năng lượng tu học cho nhau. 

Bát Nhã mưa nắng thất thường. Nắng không gắt, chỉ nhè nhẹ thôi. Sáng chiều nào sương mù cũng giăng giăng khắp các sườn đồi quanh tu viện. Sống ở đây như sống ở tiên cảnh. Giờ thiền hành thường là sau giờ ăn sáng (trừ ngày quán niệm). Trời còn se se lạnh, sương còn đọng lại trên đồi cà phê, trà, sầu riêng và khi nắng lên thì ôi chao, đẹp lung linh. Có những buổi thiền hành sương mù quá không thấy hết cả đại chúng, chỉ theo chân các chị em trước mặt để đi thôi. Những lúc như vậy, thân tâm con hoàn toàn cảm nhận không khí mát lạnh và an trú trong từng bước chân mình. Có những ngày trời đang đãi nắng buổi trưa để phơi củi thì bất chợt mưa xuống, các chị em bị thức dậy thường xuyên khỏi giờ nghỉ trưa để ra gom củi giùm. Tinh thần tập thể là ở đó. 

Nếu buổi chiều mà có mưa rào thế nào cũng nhìn thấy cầu vồng đẹp ơi là đẹp ôm trọn vẹn chánh điện xóm Rừng Phương Bối. Lại có những buổi tối trước giờ ngồi thiền thì mưa tầm tã, con đường xuyên từ thiền đường đến ni xá ngắn thôi nhưng lại nằm lơ lửng giữa hai khu nhà, gió thổi mạnh, mưa tạt hết vào người nên không dễ gì tới được thiền đường mà giữ được khô ráo. Những ngày như vậy thời khóa được thay đổi thành “ngồi thiền trên giường”. Đây kia sẽ nghe vang vọng tiếng chuông và tiếng hô canh của từng phòng xen lẫn tiếng mưa, ôi thật êm ả. Có lần vị tri chung, nghĩ là cứ để các chị em ngồi thêm thưởng thức không khí yên tĩnh và tự xả thiền nên không thỉnh chuông để kết thúc. Vậy là các em nhỏ tha hồ ngồi vật vã gật gù trên giường một hồi lâu mới có các chị đến báo cho biết là giờ ngồi thiền đã hết lâu rồi và được đi ngủ. Cái hay thuở ấy là các chị em đều rất tinh tấn trong sự tu tập và rất là ngoan. 

Ngày ấy, mỗi tuần một lần, đại chúng được khất thực thức ăn sáng, thiền hành nhẹ nhàng xuống suối, ngồi bên nhau và thưởng thức bữa ăn im lặng. Tảng đá to ven suối thì ngồi được vài người, hoặc chỉ được hai, ba chị em thôi. Không gian yên tĩnh nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim líu lo làm mọi người đều trân trọng tận hưởng hết lòng. Đẹp vậy đấy nên ai cũng cứ nhớ hoài, niềm vui không từ những câu chuyện, những trò chơi, không quan trọng trong bát cơm có gì mà là sự nối kết với nhau bằng công phu tu tập và tình chị em ấm áp bên nhau.

 

 

Nhà bên cạnh có mấy cây ổi 

Bát Nhã hồi ấy đôi khi có những trò nghịch của các em nhỏ còn năng động, ham chơi. Ở một hồi cũng biết có những bí mật xung quanh: cái quán bán bánh kẹo ở trước cổng tam quan, giờ nào là ông bán cà rem thường chạy xe qua và tiếng kèn của ông kêu ra sao, nhất là nhà bên cạnh có bán ổi. Ranh giới nghiêm ngặt, đặt chân ra ngoài là phải xin phép, mà xin thì làm sao được phép để đi mua quà vặt, nên thôi phải làm lén. Thế nào cũng phải có chị em yểm trợ nhau thì kế hoạch mới thành công. Một hai chị em canh chừng, hai vị còn lại nhảy qua được bên kia suối, băng qua hồ nước hàng xóm là có thể hỏi mua được ổi. Đại chúng cũng có dọn trái cây vào giờ ăn trưa nhưng sao vẫn thấy những gì mình tự tìm ra, người lớn không biết thì bỗng dưng thấy ngon hơn nhỉ. Sau này mới vỡ lẽ ra rằng thì ra những lúc đó quý sư cô cũng biết nhưng chỉ cười thôi và nhắm mắt cho qua. Thì ra quý sư cô cũng cảm thông cho những trò nghịch và thú vui của các em nhỏ. 

Chỉ tại chợ Bảo Lộc không bán nhiều kiểu dép
Giờ thiền hành ở Bát Nhã quý sư cô bắt buộc phải chít khăn, cho dù trời nắng. Lý do là vì không thể áp dụng được pháp môn nắm tay nhau đi thiền hành một cách ngẫu nhiên nếu không phân biệt được đâu là quý thầy, đâu là quý sư cô. Đồng phục chỉ có ba màu nâu, nâu và nâu. Dáng dấp thì thanh cảnh giống nhau, cũng nón lá, áo ấm đồng phục nên rất dễ nhầm. Nhìn xuống đôi dép thì cũng chỉ một loại. Chợ Bảo Lộc chỉ bán vài loại dép, mà thích hợp với người tu thì chỉ có một hay hai loại thôi. Chuyện lạc dép và nhầm dép là chuyện như cơm bữa, vì vậy trên dép và nón lá của ai cũng phải viết tên. Lâu lâu bắt gặp những câu thơ thật rõ và thật dài trên nón của các anh chị em, không hẳn là để khoe thơ mà chỉ để khỏi lạc. Còn nhìn vào những đôi dép thì tên của mỗi người là đặc điểm nhận diện rõ nhất trên cùng một kiểu dép. Cái đó chắc có thể được gọi là đồng chúng. 

Ăn thức ăn theo mùa 

Có bài hát của sư cô Chúc Tuệ mà đến hôm nay mỗi khi hát tới câu: “Ôn đi trước kế là đàn con đông thật là đông 300” thì chị em vẫn còn buồn cười. Chỉ hai năm sau thôi số lượng đã đổi thành 500. Ngày quán niệm hàng tuần thì con số đông hơn nhiều, còn quán niệm hàng tháng thì dễ lên tới cả ngàn người. Ban đầu thì rau cải đến từ chợ Bảo Lộc, có cô Khanh gom góp dùm và các sư cô mua thêm. Thời gian đầu còn đi bằng xe gắn máy để mua rau củ, 

một thời gian ngắn sau đó thì tu viện có một chiếc ô tô thùng. Mỗi tuần tri khố đi Đà Lạt một lần để mua rau củ cho rẻ. Bao nhiêu là rau củ dành cho cả tuần được mua về sau mỗi chuyến đi. Thức ăn được nấu theo mùa tùy vào những gì mình có trong vườn và những gì người ta trồng được lúc đó. Mình ăn những gì mình có. Không có ý niệm ngán nếu phải ăn suốt một tuần cùng một loại thực phẩm. Hạnh phúc với nhau là đủ rồi. Sướng nhất là những ngày quán niệm đầu tháng có đoàn cư sĩ ở Sài Gòn, Nha Trang, hay một thành phố nào đó lên tham dự, họ đem theo bao nhiêu là quà bánh và trái cây. Các anh chị em tha hồ mà hạnh phúc. 

Nghĩ lại con thấy thương quý sư anh, sư chị lớn. Làm sao chỉ có vài vị lớn thôi mà có thể lo hết cho các sư em đông ơi là đông như vậy nhỉ? Từ thời khóa sinh hoạt, việc tu học, tổ chức các khóa tu, ngày chánh niệm cho cư sĩ và còn lo chuyện cơm ăn áo mặc cho các em nữa chứ. Sống với nhau đông như vậy mà ngõ ngách nào các chị em cũng nhận được tình thương, bàn tay chăm sóc, sự nâng đỡ, dẫn dắt của quý sư anh, sư chị lớn. Chúng con xin gởi lòng biết ơn của chúng con đến các sư anh, sư chị, những người đã hy sinh rất nhiều cho đàn em thơ ngây, thay Thầy để ban trải tình thương và gieo trồng những hạt giống lành trên mảnh đất mới. Chắc chắn ngày ấy quý sư anh, sư chị đã gặp vô số những thử thách. Con đã thấy niềm tự hào và hạnh phúc lấp lánh trong mắt quý vị mỗi khi thấy các em mình lớn lên từng ngày, trưởng thành từ từ và đang còn đi trên con đường đẹp này. 

Ở trung tâm Làng Mai nào trên khắp thế giới cũng có sự hiện diện của những người con Bát Nhã xưa, đã và đang đóng góp hết sức mình vào công trình xây dựng tăng thân, chia sẻ tình thương và sự tu học cho những người cần đến. Bát Nhã không chỉ là một tu viện xưa, hay một mảnh đất thuộc về quá khứ. Bát Nhã đang được tiếp nối nơi những người con đã từng sinh ra và lớn lên từ đó. Nhớ về nơi đó là nhớ về những bài học, tình huynh đệ và sự bình an mà chúng ta đã từng hiến tặng cho nhau. Thương chúc các anh chị em tiếp tục có mặt một cách đẹp đẽ và vững vàng nơi mình đang sống. Mình luôn vẫn mãi trong nhau và rồi khi nào gặp lại, mình sẽ lại kể cho nhau nghe chuyện xưa để xây dựng một ngày mai. Ngày mai đó chắc chắn là đẹp lắm.