Còn thương cây táo trên đồi

Chân Chuẩn Nghiêm 

Mỗi lần đi ngang qua đồi táo của Học viện con đều dừng lại để nhìn thật kỹ. Bây giờ đang là mùa đông nên ai cũng có cơ hội nhìn thật rõ dáng hình của từng cây táo. Cây được trồng và lớn lên một cách tự nhiên mà sao có dáng bonsai thật đẹp? Cho dù cây không có một chiếc lá nào nhưng vẫn có một vẻ đẹp riêng. Đến khi xuân về, những cành cây khô ấy lại cho ra không biết bao nhiêu là những chiếc lá non xanh, sau đó là cho hoa, cho trái. Hoa táo đẹp lắm! Ở xóm Mới có cây táo cho hoa rất nhiều và con thường không bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn nó thật sâu, thật kỹ. 

Nụ hoa táo rất đẹp, chúm chím một màu hồng nhạt đầu nụ. Hoa táo phớt chút hồng nhạt trên đầu cánh, đầy đặn và thanh thoát. Hoa táo cũng lâu tàn nên mọi người có thêm nhiều thời gian chiêm ngưỡng. Thật không thể phân biệt được sự già trẻ nơi cây táo. Những cành cây thô cứng, xù xì, có vẻ già cỗi ấy lại tràn đầy sức sống khi mùa xuân về. Nhìn và nghĩ về cây táo, con học được bài học về vô thường rất rõ từ thiên nhiên. Nếu không có vô thường thì không thể có sự thay đổi mầu nhiệm ấy. Sau một vài tháng, cây táo ấy lại mang đầy quả. Những cành táo như gồng mình lên để nâng đỡ và nuôi nấng một đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, để sau đó hiến tặng những gì tinh túy nhất của mình cho con người. 

Mấy hôm nay, giờ ăn sáng con đều khất thực thêm một hoặc hai miếng táo nhỏ để thưởng thức. Cầm miếng táo trên tay con lại nhớ tới những cây táo trên đồi. Táo cũng có nhiều loại. Khi thì con khất thực được những miếng rất ngọt, khi thì lại rất chua. Cũng có táo xanh, táo đỏ. Khi được miếng táo chua con cũng vẫn ăn rất ngon lành và nghĩ rằng chua cũng rất tốt cho cơ thể. Nếu mình cứ ưa ăn ngọt hoài thì đâu có tốt. Con thầm nghĩ, một người ghép cây giỏi cũng có thể ghép được một cây táo mà khi cho trái thì có cả trái chua và ngọt. Lâu dần, biết đâu cây táo ấy sẽ cho trái vị rất thanh, chua ngọt hài hòa. 

Con nghĩ đến tăng thân, nơi đang nuôi lớn con từng ngày, cũng giống như một cây táo đã được lai ghép. Con cứ tha hồ tận hưởng những trái táo, khi thì ngọt, khi thì không được ngọt lắm. Điều cơ bản là do mình thưởng thức trái táo ấy như thế nào thôi! 

Con qua Học viện đã được hơn bốn tháng, thời gian vừa đủ để con dần quen với đại chúng nơi đây. Chúng xuất sĩ ở đây thật ít. Bên quý thầy chỉ có chín vị, bên quý sư cô thì đông hơn, hai mươi mốt vị. Con số hai mươi mốt là đầu mùa an cư năm nay chứ trước đó thì ít hơn. Rất thương đại chúng Học viện nên bảy sư cô ở Làng đã sang yểm trợ. Từ ngày mới qua con đã thấy sự nỗ lực rất lớn của mỗi huynh đệ. Một người phải lo nhiều việc. Bốn ngày cuối tuần thì công việc nhiều hơn vì thiền 

sinh về tu học khá đông. Điều này cho con thấy là đạo Bụt đang dần đi sâu vào lòng người dân Đức. Chúng xuất sĩ rất được nước Đức yểm trợ. Con thấy con chỉ có lo một việc là tu và học cho tinh tấn mà thôi. 

Bên cạnh những công việc cần phải lo toan vẫn luôn có những câu chuyện vui và nuôi dưỡng con trong đời sống tu học hàng ngày. Con xin viết ra đây để tăng thân cùng vui với con và đại chúng Học viện. 

Niềm vui khi được thêm một tuổi 

Ở Học viện, thường thường, trong ngày xuất sĩ, buổi sáng, đại chúng được nghe pháp thoại Sư Ông, buổi chiều có sinh hoạt ngồi chơi chia sẻ (Be-in) hoặc pháp đàm hay đi bộ, tùy theo sự sắp xếp của ban chăm sóc. Trong ngày xuất sĩ 20 tháng 9, đại chúng được ngồi chơi với nhau vì thời gian qua anh chị em bận tổ chức nhiều khóa tu, rồi sau đó có đến mười ngày làm biếng. Buổi ngồi chơi có trà, bánh và hoa. Đại chúng không nhớ hôm ấy là sinh nhật gia đình xuất gia Cây Sen Trắng, nhưng sau đó thì con đã tự giới thiệu. Thế là con được chúc mừng. 

Tuy đại chúng ở nhà rất ít do có khóa tu bên ngoài, bên quý thầy được ba người, bên quý sư cô được tám người, cộng thêm thầy Thuận Đức (khách tăng) tổng cộng chỉ có 12 người nhưng buổi chia sẻ đã diễn ra thật sâu sắc, cảm động, và… quá giờ. Con nhận thấy rằng các anh chị em của con, những người còn rất trẻ nhưng ai cũng rất thương con đường xuất gia này. Ai cũng thương Thầy, thương tăng thân nên nguyện gánh vác thêm công việc. Sau khi ở nơi này được gần hai tháng thì con đã nhận ra rằng mình thật có lỗi với Thầy, với tăng thân khi đã không chọn nơi này. Nơi đây chỉ có bốn đội luân phiên nên nấu ăn rồi tiếp tục làm công việc khác vào ngày hôm sau thay vì được nghỉ ngơi. Vậy mà ai cũng hoan hỷ để làm. 

Sau buổi chia sẻ, chúng con đã chơi đá cầu với nhau trong tình huynh đệ. 

Chuyện cúng ngọ 

Hôm nay, đội con làm đội chuông nên con được đi cúng ngọ. Sau khi chuẩn bị cơm và nước để cúng Bụt, con đi từng bước thật chánh niệm về thiền đường Vững chãi (Solidity). Học viện có nhiều thiền đường và con đang từ từ nhớ tên các thiền đường để đi cho đúng. 

Xá Bụt, xá Tổ, đặt cơm và nước lên bàn thờ xong con thắp lên ba nén hương, thấy sao khói nhiều quá mặc dù cây hương nào cũng nhỏ xíu. Con sợ hệ thống phòng cháy chữa cháy bắt tín hiệu báo động, nên đi mở cửa. Con đứng ở cửa và cầm ba nén hương đó đưa ra ngoài, đợi cho bớt khói rồi mới dám vào cúng Bụt, nhưng khói chẳng bớt gì cả. Nhớ hôm tụng 14 Giới, sư em con dâng hương bình thường mà còi báo cháy đâu có hú, sao hôm nay con lại sợ nhiều đến như thế! Tuy vậy nhưng con vẫn không dám đi vào vì nghĩ chỉ có mình con ở đây, nhỡ còi báo cháy hú do khói hương này thì con không biết phải làm sao? Rồi xe cứu hỏa tới, cảnh sát tới, đại chúng lại phải trả chi phí từ vài trăm tới một ngàn Euro thì thật là một số tiền khá lớn. 

Thế là con nghĩ ra một cách. Thôi thì mình cắm hương xuống bát hương trước, ba cây hương mà được chia làm ba nơi thì khói còn rất ít nên sẽ không sao. Sau đó mình dâng hương mà không có hương cũng được, Bụt không trách mình đâu. Sau khi tự sắp xếp như thế con thấy khá ổn và con bắt đầu dâng hương, tụng kinh cúng Bụt. 

Cúng ngọ xong, con ngồi yên và nhìn lên Bụt, thấy Bụt đang mỉm cười. Ngoài kia, đại chúng đang đi thiền hành dưới trời thu. 

Chuyện xuôi ngược 

Học viện đang vào thu. Phòng con ở, chỉ cần nhìn ra cửa sổ là thấy ngay một trời thu trước mắt. Lá cây đang dần chuyển sang màu vàng, màu đỏ. Mấy ngày nay trời mưa nên có những giọt nước đọng trên lá. Nhìn càng kỹ, càng sâu lại càng thấy đẹp. Những chiếc lá thu ấy khi có ánh nắng chiếu vào bỗng đẹp hẳn ra. Một người thích chụp hình, yêu thiên nhiên mà bắt gặp cảnh này chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Nhiệm mầu của thiên nhiên sẽ được thu vào ống kính. 

Trong cuộc sống, có những việc mình không nên làm ngược. Thế nhưng có những bức hình trở nên rất đẹp nhờ chụp ngược sáng. Những chiếc lá thu còn đọng những giọt nước mưa, có thêm ánh nắng mà được chụp ngược sáng thì đẹp lắm! Cũng như thế, đi tu là đi ngược dòng đời. Nếu ai chưa hiểu thì tưởng rằng những người đi xuất gia là bị thất tình hay chán đời. Họ đâu biết rằng đi tu vui lắm. 

Nhẩm tính, con thấy mình qua Học viện mới hai tháng một ngày mà được tham dự tới hai buổi ngồi chơi chia sẻ, lần nào cũng rất nuôi dưỡng. Con rất biết ơn quý thầy, quý sư cô trong ban chăm sóc đã chuẩn bị rất chu đáo. Con thấy mình như được tiếp thêm lửa – ngọn lửa của bồ đề tâm để bước vào mùa đông rất lạnh trên nước Đức. Thiết nghĩ, con không thể tu hạnh phúc nếu thiếu đi tình huynh đệ. Mà tu tập không có hạnh phúc thì làm sao có thể đi đường dài. Con chỉ ước mong sao cho các huynh đệ mỗi ngày đều thắp được ngọn lửa của bồ đề tâm lên, để đường dài ta cùng nhau đi mãi. 

 

 

Ông chủ tiệm bánh mì 

Nghe kể về ông chủ tiệm bánh mì con không khỏi thán phục. Ông là người Mỹ, đầy nghị lực, đến nước Đức với hai bàn tay trắng. Những ngày đầu tiên trên nước Đức, ông đi rửa chén thuê. Trải qua nhiều khó khăn, bây giờ ông đã trở thành ông chủ của một tiệm bánh mì khá lớn trong vùng Waldbrol. Con đã có cơ hội đi cùng một số quý thầy, quý sư cô đến thăm tiệm. Ngoài bánh mì, tiệm ông còn làm nhiều loại bánh ngọt khác nữa. Mấy năm gần đây, ông thường tặng bánh sinh nhật mỗi khi Học viện được thêm một tuổi. Trong ngày Phật đản cũng vậy, một chiếc bánh sinh nhật rất to với hàng chữ Happy Birthday Buddha (Mừng ngày Bụt Đản sanh) thật dễ thương được ông mang đến. 

Nhân duyên để ông biết đến Học viện cũng là một câu chuyện đầy thú vị. Sư cô Song Nghiêm kể: “Mầu nhiệm lắm em à, chị đang tính đi kiếm xem có tiệm bánh mì nào gần đây không, để xin bánh mì cũ về cho đại chúng chứ bánh mì cũ người ta cũng phải mang đi bỏ thì uổng, trong khi mình không có bánh mì để ăn”. Có lẽ Bụt Tổ đã đưa đường chỉ lối cho ông. Ông đã đọc sách của Sư Ông lúc ở Mỹ. Khi nghe nói tại Đức có một trung tâm thiền tập của Sư Ông thì ông đã đi tìm, nhưng hai năm trôi qua ông vẫn chưa tìm ra, dù từ Học viện đến tiệm bánh mì của ông chỉ có 30 km. Rồi một ngày, ông có được số điện thoại của văn phòng và ông đã gọi điện đến. May quá, đang giờ văn phòng mở cửa nên thầy Pháp Thiên bắt máy. Qua điện thoại, ông nói rằng ông đã tìm Học viện suốt hai năm qua và rất muốn cúng dường. Sư cô Song Nghiêm đã làm một cái hẹn với ông. 

Ngày sư cô hẹn với ông cũng lại là một câu chuyện khá thú vị. Sư cô hẹn ông chín giờ sáng, nhưng hôm đó sư cô lại phải đi bưu điện. Khi lái xe đi ngang qua phía trước tòa nhà lớn thì sư cô thấy một cái xe lớn chở bánh mì. Sư cô muốn đến hỏi để xin bánh mì cũ nhưng nghĩ lại mình có hẹn nên phải về liền kẻo trễ hẹn với người ta. Ông chủ tiệm bánh mì dừng xe ở đó, đang không biết rẽ ngã nào để vào Học viện vì đoạn đường đó có hai ngã rẽ. Nhìn qua cửa xe, ông thấy người lái xe là một sư cô nên ông đã lái xe theo sau. 

Vô đến cửa chính của chùa Đại Bi, ông đến hỏi thăm sư cô. Sư cô nói qua loa với ông vài câu rồi xin phép đi vì có hẹn thì ông nói: “Cô có hẹn với tôi nè”. Sư cô nhìn ông không khỏi ngạc nhiên và mừng rỡ. 

Sau khi nghe ông nói là ông muốn cúng dường thì thầy Pháp Ấn đã cho ông biết những công việc cần làm của Học viện, mỗi công việc cần số tiền là bao nhiêu thì ông vẫn rất điềm tĩnh ngồi 

nghe. Sau đó ông trả lời: “Tôi không có một số tiền lớn như vậy nhưng tôi có bánh mì”. Ông có mang theo bánh mì còn nóng để mời thầy và sư cô. Sư cô lại một lần nữa ngạc nhiên nhưng đầy hạnh phúc, sư cô nhìn ông cười và nói: “Chúng tôi đang rất cần bánh mì của ông. Ông có thể cho chúng tôi xin bánh mì cũ cũng được”. Ông nói: “Không, tôi không thể cúng dường quý vị bánh mì cũ. Tôi sẽ cúng dường quý vị bánh mì nóng mỗi sáng”. Từ đó, ông cho nhân viên chở bánh mì nóng tới mỗi buổi sáng. Nhưng như vậy thì hơi nhiều, đại chúng không dùng hết nên bây giờ bánh mì được mang đến ba ngày cố định trong tuần. 

Khi con nghĩ đến ông chủ tiệm bánh mì, thì hình ảnh của một vị Cấp Cô Độc hiện ra trước mắt con. Đại chúng Học viện biết ơn ông vô cùng. 

Mùa Giáng sinh 

Đây là mùa Giáng sinh đầu tiên con có mặt tại Học viện. Như đã thành thông lệ, cứ đến ngày 24 tháng 12, quý thầy, quý sư cô Học viện rất vui được chào đón tăng thân địa phương và những người láng giềng về đón Giáng sinh trong không khí đầm ấm của một đại gia đình tâm linh. Năm nay, thiền sinh về chật cả thiền đường trong giờ pháp thoại. Mùa Noel, thay vì cả gia đình đi chơi đâu đó thì về Học viện, để vừa nghe pháp, vừa được chơi trong môi trường rất lành, và được ăn cơm chay nữa. 

Sau giờ pháp thoại, đại chúng cùng nhau rước đèn từ nhà ra đến tháp chuông. Trời mưa và có gió khá mạnh nên nến đã bị tắt khi vừa đi được một đoạn, nhưng đại chúng đã đi cùng nhau dưới mưa rất bình an. Sau giờ ăn chiều, đại chúng đã cùng ngồi chơi, có mặt cho nhau trong nhà ăn. Tất cả đã cùng nhau làm nên một buổi tối đầy ý nghĩa. 

Con nghe nói chưa có năm nào mà thiền sinh lại cứ muốn ở lại chơi thêm, chưa muốn về như năm nay. Đúng ra thì sau những tiết mục văn nghệ, khi đã cầm tay nhau, đứng thành vòng tròn và hát bài Không đi đâu cũng không cần đến thì sau đó là lúc chia tay. Thế nhưng mọi người ngồi lại, không muốn về. Vậy là văn nghệ cây nhà lá vườn được tiếp tục. Một bạn gái trẻ, đã từng tham dự khoá tu cho người trẻ (Wake Up) ở Làng lên hát quá hay khiến đại chúng vô cùng hạnh phúc. Tiếp theo, thầy Pháp Ấn bất ngờ được mời hát và thầy rất hoan hỷ nhận lời. 

Đã 10 giờ khuya, phải kết thúc thật rồi. Con chưa biết nhiều tiếng Đức nên chỉ biết nhìn vào mắt của các cô chú, các anh chị người Đức mà nói “Vielen Dank” (Cám ơn nhiều) thôi.

Mọi người đã ra về, con thầm cầu nguyện cho ai ai cũng có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Học viện đã có trong trái tim của người dân địa phương rồi, và nơi đây đã trở thành chỗ quay về để đoàn tụ. Con chợt nhớ đến Thầy cùng câu: 

‘‘Có con cho nên mới có Thầy. Có một bếp lửa để khi mình đi đâu thì nhớ về. Thầy trò mình hãy chăm sóc bếp lửa hồng để bếp lửa còn cháy mãi, cho mình và cho bè bạn”. 

(Giáng sinh 2012). 

Chỉ còn vài tuần lễ nữa là hết năm 2019, giờ này ban làm báo, quý thầy, quý sư cô, sư chị, sư em của con đang miệt mài ngày đêm để báo được ra đúng thời khắc Giao thừa. Con trân quý biết bao đời sống xuất gia này, và con không cầu cho không có những khó khăn, chỉ cầu cho con được chân cứng đá mềm. Dù thế nào đi chăng nữa thì con vẫn Còn thương cây táo trên đồi.