Cho một miền quê hương

Chân Pháp Khả 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, ngày đó còn chưa đầy mười sáu tuổi. Chú theo một chuyến xe của quý thầy đi vào từ Huế. Xe đến xóm Bếp Lửa Hồng trước; xóm Bếp Lửa Hồng có một con đường nhuốm màu đất đỏ như cái sân nhà chú. Ngày đó, có nắng chiếu lên hàng liễu hai bên đường. Đồi chè xanh mát, con đường thoai thoải cong cong. Có hai sư cô ra giúp các thầy chuyển đồ đạc từ trên xe xuống, họ cười rất tươi. Đó là “những nụ cười Làng Mai” lần đầu tiên chú thấy. 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, khi xe tiếp tục chạy lên xóm của quý thầy, xóm Rừng Phương Bối. Xe dừng trước tăng xá, có hai chú tiểu nhỏ, mặc áo tràng lam, chạy lon ton từ tăng xá ra chào quý thầy vừa về, nói cười hớn hở. Hai chú nói nhiều thế, một chú nói giọng Huế, một chú nói giọng Quảng Trị, cả hai giọng đều nặng rất đặc trưng. Sau này chú mới biết; tên của hai chú lần lượt là Quang Chính và Bá Khai. Hai chú cười nói với các thầy rất nhiều, mà chẳng nói với “người mới đến” này một câu nào cả. Có lẽ, đồng trang lứa mà lần đầu mới gặp nhau, không nói chuyện chưa hẳn là không thích nhau, mà vì ngại ngùng. Tranh thủ lúc đó, chú đưa mắt nhìn tăng xá, thấy gần gũi vì có ba tầng cao, y như ngôi trường phổ thông của mình. Cứ nghĩ là chùa thì sẽ có mái cong, khói hương nghi ngút, các thầy mặc áo vàng, cổ đeo chuỗi hạt, đi ra đi vào với một sắc thái nghiêm nghị, thậm chí lạnh lùng. Xưa nay sự lạnh lùng luôn là điều dễ làm chú ái ngại nhất. Nhưng các thầy ở đây bận đồ nâu, không đeo chuỗi hạt, dáng vẻ khoan thai, nhìn chú và mỉm cười. Chỉ thế thôi, chú bắt đầu thấy thích. 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, món ăn ngày mới đến ấy là cơm nguội và mít kho. Chú đã ăn món đó nhiều lần lúc còn ở nhà rồi, nên không lấy gì làm háo hức lắm. Nhưng, giữa cái không gian núi đồi xanh cao gió mát ấy, chẳng hiểu sao món cơm nguội mít kho trở nên ngon đến diệu kỳ! 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, cái phòng đầu tiên được ở tên là Lộng Gió. Tên nó như thế bởi vì mỗi lần mở cửa sổ là gió cao nguyên ùa vào, mát rượi. Gian phòng đó là một khoảng không gian có nhiều điều để nhớ. Có những đêm, bạn nhỏ ngủ giường tầng trên lăn té xuống nền nhà, rồi lại trèo lên ngủ tiếp, rồi lại té, đến ba lần, mà chẳng hề hấn gì cả. Hồi đó, chú chỉ vào để chơi, đâu biết thực tập chánh niệm là gì! Phòng đó U14 có, mà U40 cũng có, nghịch ngợm tới đâu đâu nhưng chưa bao giờ cãi nhau, thân nhau như ruột thịt. U14 thì đùa giỡn đuổi nhau chạy quanh phòng ầm ĩ, nhưng chú Kính – U40, vẫn điềm nhiên hát và gảy đàn guitar, không hề bị phân tâm bởi tiếng ồn lũ trẻ. Chú thích có mấy U14 trong phòng lắm! Nhờ chú Kính, chú bắt đầu biết đến thiền ca, với Lòng không bận về, hay Con cá dung thông. Thi thoảng còn có Nắng thủy tinh, Gọi tên bốn mùa hay Bốn mùa thay lá… nữa. Giọng chú Kính trầm ấm, rất Huế và mang cung cách của người hoài cổ, xa xưa. Sau này, rất muốn gặp lại chú Kính một lần, chỉ để nói lời cảm ơn đã là nguồn cảm hứng cho chú học đánh đàn guitar. Nhưng đã hơn mười hai năm, kể từ khi được ở chung trong cái phòng Lộng Gió thân thương ấy, chú chưa từng được gặp lại chú Kính, dù chỉ một lần. 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, hồi đó các thầy thương chú lắm! Biết chú chỉ vào chơi hè thôi, không phải vào thực tập, rất nghịch ngợm ham chơi, vậy mà vẫn thương. Có lẽ vì tình thương ấy, sau này chú đã quay lại. Thi thoảng đi thiền hành được các thầy nắm tay cùng đi, hễ thấy chú đi nhanh thì níu tay để đi chậm lại. Những buổi ngồi thiền sáng, chú hay được các thầy chỉnh lưng cho thẳng. Các thầy nói, lưng mà thẳng thì tính sẽ cương trực. Mỗi khi xuống xóm Bếp Lửa Hồng giúp các sư cô làm việc, sau buổi được đãi một tô chè trái cây. Khi về mỗi đứa còn “xơ-cua” cho riêng mình thêm một bát, để dành cho buổi tối. Quý thầy dạy chú rất tỉ mỉ về cách nấu ăn, cách xào rau muống làm sao để không bị chuyển màu, cách dùng hai vá lớn đảo thức ăn trong chảo bằng hai tay. Mỗi lần đi chợ tít trên Đà Lạt về, các thầy thường gọi chú đến phụ giúp chuyển thực phẩm vào kho. Giúp xong, thì cho ổi, bánh hay xoài… như là “trả công”. Nhưng lần nào cũng thế, dặn chú là không được hưởng một mình, mà nhớ đem về chia đều trong Lộng Gió. Ổi, xoài thì lần nào cũng chia, nhưng nếu là hồng xiêm (sapôchê), thì hình như chưa lần nào chú chịu phân phát cả! 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, mỗi tuần hai lần được chơi đá bóng với các thầy trên cái sân Thạch Sỏi huyền thoại. Hồi đó, Bá Khai đâu có được các thầy cho phép chơi cùng đâu, thế mà chú lại được cái may mắn đó. Có lẽ hồi đó Bá Khai còn bé hơn cả chú. Sau này lớn lên, Bá Khai thi thoảng thường “kiện tụng” với chú lắm, kiểu như là một cái gì đó rất “bất công”. Tối đến làm biếng, chú và Bá Khai còn được quý thầy cho vào phòng riêng, ăn mì gói với rong biển. Ở nhà, mì gói đôi khi mẹ mua về đến mấy thùng, để đến nỗi hết hạn, có bao giờ chú nhìn đến đâu. Nhưng ở Bát Nhã, được ăn mì gói trong phòng với quý thầy, là một diễm phúc! 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, ba tháng hè trôi qua như cơn gió. Chú phải về lại để học tiếp cấp ba. Ngày chú đi, nắng cũng trong veo như ngày chú đến. Nhưng chú buồn lắm vì phải xa Bát Nhã, xa các thầy, các sư cô. Không được đi thiền hành dưới rừng thông, hay ngồi thiền trong thiền đường Cánh Đại Bàng với hàng trăm chiếc áo nâu nữa. Chú phải về để vẽ tiếp cái tương lai của mình. Ba tháng ở Bát Nhã, chú chưa hề giận ai, vì chung quanh đều là những con người bình dị. Mỗi lần nghe tiếng chuông, chú nương theo hơi thở, nhẹ nhõm cả thanh xuân. Đó là cái trải nghiệm mà những năm tháng học hành chú ít khi nếm được. Chú cảm thấy cuộc sống mình có lẽ phải gắn liền với cái cảm giác an yên đó. Môi trường ở ngoài thường cho chú cảm giác tầm thường, không thỏa mãn, vô định và bất an. Trong khi đó bóng áo nâu đi thảnh thơi giữa rừng thông là một dáng hình tiêu diêu đẹp đẽ. Có một sự so sánh âm thầm diễn ra trong tâm thức. Một lối sống đơn giản, những nụ cười thanh thoát, những lối mòn dẫn xuống suối, tự bao giờ chú xem nó là quê hương. Lúc đó, không thể giải thích thành lời vì chú còn bé quá, chỉ dùng trái tim để trực cảm. Biết rằng lối sống này sao sao đó, sẽ thỏa mãn cho những mơ ước thẳm sâu, ngay cả chính mình vẫn chưa thể gọi tên. Ba tháng ở Bát Nhã, thấy mình chỉ biết nghịch ngợm, rong chơi. Ấy thế mà đã xoay chuyển hoàn toàn, là một ngã rẽ lớn, hay là một bước đột phá mới toanh cho cuộc đời và tâm tư chú. Trước khi vào Bát Nhã, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi trên con đường này, không quen với việc cạo đầu, đeo chuỗi hạt, và bận áo vàng. Nhưng giờ đây, xa nơi này, chú nghĩ là mình đang rời xa một vùng trời rất đẹp. 

Thầy từng dạy chú nấu ăn, cũng là người đã chở chú ra bến xe Bảo Lộc. Thầy xem chú như em trai, chú cảm nhận được điều đó. Khi xe chuyển bánh, mắt chú bỗng long lanh, chú lấy tay quẹt đi cái lưu luyến dại khờ và thiêng liêng tuổi nhỏ. Lần đầu tiên trong đời thấy mình tha thiết và đáng thương. Nhưng cũng chính cái lúc phải rời xa ấy, cũng chính là lúc chú biết rõ ràng và chắc chắn, một ngày không xa mình sẽ quay lại nơi này! 

 

 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, hồi đó chú làm sadi cũng được vài ba tháng rồi. Cái thời mà ca hát, làm thơ, sáng tác thiền ca dần trở nên một mảng màu nhiều sinh khí. Lúc ấy xóm Rừng Phương Bối có một nhóm các thầy mà ai đó đã đặt cho cái tên là ban văn nghệ sĩ dòng nhạc áo nâu, hay cổ xúy và khuấy động phong trào viết nhạc, ra thơ. Sau những giờ lớp học mỗi sớm ở thiền đường Cánh Đại Bàng, các thầy thường hẹn nhau ngồi lại hát thiền ca, hay đọc và phân tích thơ của tác giả nào đó, nghe có vẻ am hiểu lắm. Chú còn bé, hiển nhiên không được dự vào. Nhưng chú thích ngồi yên một góc chống cằm nhìn các thầy đàn hát. Chú biết, mình thích hát, và mình cũng thích nhìn mọi người chung quanh hát. Chú thích làm thơ, và chú cũng thích nghe mọi người đọc thơ. Ai mà trách chú lơ thơ bay bổng, học đòi bắt chước lối sống của tao nhân, chú cũng đành chịu. Chú chỉ thấy chúng làm cho lòng hân hoan, khai sáng, không làm mình mất đi nhựa sống, thì mình có sao sống vậy, khỏe khoắn và như nhiên. 

Khi nghe nhạc nghe thơ, mắt chú lúc thì tròn lên thưởng thức, lúc thì phải nhắm lại, vì ý thơ câu nhạc sâu lắng đến tim người. Tác giả đôi khi đã nói hộ giùm mình, những điều mà chú cũng có cùng cảm nhận nhưng không thể chắp bút viết thành chữ, thành câu. Các thầy, các sư cô làm nhạc và thơ hay lắm, những giai điệu ấy đã đôi lần đi vào trong chú với những giấc mơ trưa. Những bài thơ, bài nhạc nào hay, ngày nào chú cũng mang ra hát đi hát lại. Chú hay hát những câu như: “Trong đêm bao la, từng vì sao múa ca, thông reo vi vu, trò chuyện với trăng già…” Hay: “…Tình yêu anh em bắt đầu từ những gì… đơn sơ nhất. Yêu dáng ai ngồi rất thẳng, yêu em bé kể giấc mơ hoạ mi. Yêu thiền ca anh hát lòng đất tuôn mầm xuân. Nắm tay nhau cùng vui bước trên đường…” Đúng là các thầy, các sư cô nhà mình hay thiệt, những cái đẹp của thiên nhiên luôn được xem như một cái gì to lớn lắm! 

Và hễ lần nào chú đọc được những dòng như: 

… Nỗi đau của tôi thanh thoát như trời xuân, ấm áp cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu 

Hãy nhớ gọi đúng tên tôi, cho tôi được nghe một lần tất cả
Những tiếng tôi khóc, tôi cười
Cho tôi thấy nỗi đau và niềm vui là một… 

(“Hãy gọi đúng tên tôi” – Sư Ông Làng Mai) 

hoặc là: 

… Đừng ghét bỏ thân thể em
Vì đó là đền thờ linh thiêng của linh hồn nhân loại
Mắt trong của em là minh châu ngời sáng, chứa đựng bóng hình tam thiên thế giới
Và tai em có quyền hạn tối cao với suối chim Với hải triều sớm tối

Và bàn tay em
Là những bông hoa thương yêu ngàn đời không cần ai hái
(Những bông hoa còn bừng nở nhiệm mầu Làm diễm lệ cả khu vườn nhân loại)
Và vầng trán em
Là bình minh sáng nhất của các bình minh… 

(“Kiến trúc chân như” – Sư Ông Làng Mai) 

là chú xúc động mà chưa rõ nguyên nhân là gì, chỉ mong tháng năm có thể trả lời cho chú. Có người còn nói rằng khi đọc những dòng thơ đó họ còn rung cảm mãnh liệt hơn, mong được chạy đến bên Thầy, sà vào lòng Thầy mà khóc. Dù là ai thì cũng có quyền một lần trong đời được khóc òa như đứa trẻ, dù gái hay trai thì cũng sẽ không bị chê cười, không bị quở trách là yếu đuối. Những giọt nước mắt đó sẽ cuốn đi bao tủi hờn, thổn thức. Cái chuyện khóc òa kia bỗng trở nên mầu nhiệm đến vô cùng! Chú 

mong lâu lâu mọi người ngồi chung lại, đàn hát hoặc đọc thơ cho nhau nghe, vì chúng ta là những người giàu có, biết thưởng thức sự sống, không bận bịu, có rất nhiều thời gian. Thật ấm cúng khi nuôi nhau bằng ý thơ, con chữ… 

Chú nhớ cái thời Bát Nhã, lúc đã làm sư chú được gần hai mùa an cư. Được thấy hai mùa hoa cà phê nở, trắng tinh và thơm ngào ngạt. Mỗi lần đặt tay lên đầu, là mỗi lần chú tự mỉm cười ngạc nhiên vì bây giờ mình là sư chú, trong khi thời gian ngắn trước đây thôi, cái ý niệm bận chiếc áo nâu trong đầu hẳn còn xa lạ. Thời gian cứ thế trôi… 

Đến một ngày, chú nhận tin là mình và một vài thầy nữa sẽ được chuyển đi trung tâm khác. Cảm thấy hơi bất ngờ và hụt hẫng, vì phải rời xa thiên đường có những ngõ ngách mình chưa biết trước để tranh thủ ghé thăm. Thôi thì cất đi những ngông cuồng tuổi trẻ, mang theo những gì chú có, một chút gió, chút trăng, những tháng ngày an vui, hay cái hương hoa cà phê ngào ngạt. Chú thấy an ủi là mình đã trọn vẹn với tinh thần “Đại chúng cử đâu, con đi đó!”, dù những ước muốn được ở lại nơi đây chưa kịp nói thành lời, chưa được lắng nghe, vô tình để lại một vết thương, không tên không tuổi. Những thương tích trẻ con, tưởng chừng như đến rồi đi, sao thi thoảng nghĩ về nó vẫn còn to lớn thế? Lại thêm một lần xe chuyển bánh, lại thêm một lần mắt chú hóa long lanh. Chú nhìn thật kỹ bóng dáng nâu sòng rảo bước giữa rừng thông, nhìn thiền đường Cánh Đại Bàng ẩn mình giữa những làn sương mai bàng bạc. Chú không thấy tiếc, dù đó đã là lần cuối chú được ngắm nhìn… 

Chỉ có khoảng hai năm ở đó, nhưng mỗi khi nhớ về, Bát Nhã trong chú là một miền quê hương sinh động, mầu nhiệm và an vui. Hễ khi nào thấy ai đó cất bước thảnh thơi, ai đó nở một nụ cười như nhiên thì chú mừng vui lắm, vì nó giúp chú gặp lại “những nụ cười Làng Mai” buổi đầu. Bát Nhã là cái nôi, nơi có một cuộc tao ngộ thật tình cờ giữa chú và những điều tươi đẹp. Chú hứa sẽ học cách không vô tình làm 

tổn thương bất cứ một sư em nào, thương tích ngày xưa luôn dặn dò chú thế. Ai cũng mong được khôn lớn một cách tự nhiên, có đủ không gian để phát giác những tinh hoa, được nói ra những điều mình muốn nói, được lắng nghe, hoặc dù vấp ngã đến đâu cũng sẽ còn nguyên cơ hội, nhận được sự đợi chờ, tha thứ. Nếu như thế, tâm người sẽ hé nụ những bông hoa, và niềm biết ơn sẽ ở trong tim hoài mãi. Không để lòng lắng nghe một tâm hồn thơ trẻ, chú thấy mình như có lỗi với cả một con đường… 

Bây giờ, hóa thân của Bát Nhã đã ở khắp nơi, nhưng chú vẫn hứa rằng một ngày không xa mình sẽ về thăm lại…