Thông bạch, đề nghị

Sáu điểm đề nghị của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh về sự cởi mở của ĐCS Việt Nam

6 điểm này đã được thiền sư Nhất Hạnh trực tiếp trao cho thủ tướng Phan Văn Khải ngày 25.03.2005

 

1. Người Cộng Sản Việt Nam cảm thấy thoải mái trong nếp sống văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam và nguyện sống như thế nào để có thể mỗi ngày làm đẹp thêm nếp sống ấy.

2. Người Cộng Sản Việt Nam ý thức rằng cây có cội, nước có nguồn và tổ tiên là
nguồn gốc của mình, từ đó mình đã tiếp nhận được rất nhiều tuệ giác, kinh nghiệm và nếp sống văn hóa đẹp và lành.

3. Người Cộng Sản Việt
Nam cảm thấy thoải mái khi mặc quốc phục và thắp một cây hương ở Đền Hùng, trên bàn thờ tổ tiên đặt trong nhà mình, và trước các đài kỷ niệm liệt sĩ. Đền Hùng, bàn thờ tổ tiên và đài liệt sĩ là biểu tượng cho sự quý mến cội nguồn và nếp sống ân nghĩa, không phải là đối tượng của một tín ngưỡng thần linh (Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một biểu tượng cho cội nguồn và ân nghĩa ấy).

4. Người Cộng Sản Việt Nam thấy được rằng phần tôn giáo tín ngưỡng bao quanh
đạo Phật không phải là cốt tủy của đạo Phật. Cốt tủy của đạo Phật là một nguồn tuệ giác (trí tuệ) siêu việt được tất cả những nhận thức như có/không, tâm/vật, có khả năng bao dung, có khả năng chế tác tình huynh đệ lớn (từ bi), có khả năng chuyển hóa hận thù, kỳ thị, là những phép thực tập cụ thể giúp người tháo gỡ được những khó khăn nội tâm, tái lập được truyền thông, đem lại hòa giải trong nội thân, trong gia đình và trong xã hội. Nguồn tuệ giác này và những phép thực tập này nếu được đem áp dụng đúng phép có công năng xây dựng lại được những gia đình hạnh phúc, những thôn làng yên vui, những khu phố văn minh không bị những tệ hại xã hội như tội phạm, bạo động, ma túy, băng đảng và sắc dục xâm chiếm. Truyền thống từ bi và tuệ giác này đã giúp dân tộc Việt Nam xây dựng nên một nếp sống thuần từ, kiến tạo được những thế kỷ hòa bình và làm nên bản sắc của nền văn hóa dân tộc. Bản sắc này được luân lưu trong dòng máu của tất cả mọi người Việt, kể cả những người không nghĩ rằng họ là Phật tử.

5. Dù thấy rằng có nhiều người tự cho là theo Phật giáo nhưng chỉ biết cúng lễ cầu
xin, người Cộng Sản Việt Nam vẫn cảm thấy thoải mái, không kỳ thị với những người này và chỉ thấy mình được may mắn hơn, được có cơ hội học hỏi và sử dụng nguồn tuệ giác đạo Phật để có một chiều hướng sinh hoạt nội tâm phong phú, có thêm sức mạnh để vượt thắng khó khăn, tạo dựng được cảm thông và hạnh phúc trong gia đình, tổ chức và thành tựu được sự nghiệp mình một cách mau chóng.

6. Người Cộng Sản Việt Nam cảm thấy thoải mái sống chung với tất cả các truyền
thống nào (đã du nhập vào Việt Nam từ lâu hay mới du nhập) có khuynh hướng dân tộc hóa để trở thành một phần xương thịt của sự sống dân tộc, và tình huynh đệ giữa những truyền thống có đặc tính văn hóa dân tộc ấy là một sự thật không cần mang danh hiệu và màu sắc tôn giáo, chủng tộc, chủ thuyết, hoặc ý thức hệ.