Thông bạch, đề nghị

Đề nghị về khóa Đạo đức học Ứng dụng

Dành Cho Các Nhà Giáo Dục và Học Sinh

Khóa học này được xây dựng dành cho đối tượng là các nhà giáo dục, những người có niềm ao ước tạo dựng một đời sống, một nghề nghiệp an vui và hạnh phúc cho chính bản thân và góp phần xây dựng một môi trường học đường và lớp học lành mạnh, có thương yêu và có tình huynh đệ.

Làng Mai

Thiền Sư Nhất Hạnh cùng Tăng thân xuất sĩ và cư sĩ thuộc Đạo Tràng Mai Thôn đã có trên 30 năm kinh nghiệm tu tập, giảng dạy nếp sống chánh niệm, và đang phát triển hướng đi đạo đức tâm linh cho xã hội hiện đại. Chúng tôi đã chia sẻ những phương pháp tu học này với hàng ngàn người trong đó có các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh, học sinh, trẻ em, các tác viên xã hội, các nhà tâm lý trị liệu, cảnh sát viên, y tá, bác sĩ, các nhà chính trị, doanh nhân và nghệ sĩ. Nhiều người trong số họ đã có thể giảng dạy nếp sống chánh niệm và tạo dựng tăng thân theo khả năng của họ. Chúng tôi cũng đã đặc biệt hướng dẫn hàng trăm khóa tu dành cho gia đình trong đó có chương trình sinh hoạt tu học cho trẻ em và thiếu niên, cũng như những khóa tu dành cho các nhà giáo dục  và học sinh, sinh viên, trong đó chúng tôi đã phát triển và sáng chế ra nhiều phương pháp tu học phong phú và hữu hiệu để trao truyền nếp sống chánh niệm cho người trẻ.

Tầm Nhìn

Hiện tại chúng tôi đang hướng đến việc cung cấp các chương trình đào tạo cho đối tượng là những người đang làm việc trong các lĩnh vực giáo dục và phát triển; các chương trình này có thể thực hiện ở cả hai cấp địa phương và quốc gia. Chúng tôi muốn cộng tác để cống hiến các khóa học đều đặn cho các nhà giáo dục, những người quan tâm đến sự học hỏi, tu tập về chánh niệm và về nền đạo đức ứng dụng. Chúng tôi nhận thấy hiện có các đối tác, những tổ chức gia đình và cá nhân sẵn sàng áp dụng những khóa học này vào sự thực tập liền lập tức. Những sáng kiến mới, những thí nghiệm ban đầu đang được thực hiện đối với các nhà giáo dục và các nhà lập pháp trên một số quốc gia ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.

Mục Tiêu

Khóa học này nhắm đến những gốc rễ khổ đau và sự chia rẽ, kỳ thị đang trấn ngự trong lòng của mỗi chúng ta và trong xã hội. Là những người tu (xuất sĩ và cư sĩ) hướng dẫn tâm linh, chúng tôi thấy rằng đây là những thách thức thời đại đối với thế hệ trẻ, những người đang bị bế tắc, mất hướng đi hoặc không có đủ niềm tin và phương pháp để đối trị, chăm sóc những áp lực và căng thẳng mà họ đang đối diện mỗi ngày trong cuộc sống. Các bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm chăm sóc khác không có được sự nâng đỡ và hướng dẫn thiết yếu cho người trẻ để họ lớn lên một cách lành mạnh, hạnh phúc, có tình huynh đệ, và đóng góp tích cực cho một xã hội lành mạnh và từ bi. Thêm vào đó, học đường, học viện ngày nay không còn cung cấp cho chúng ta những tấm gương mẫu mực về sự liêm chính, sự cộng tác, hay tinh thần trách nhiệm để chăm lo cho các giá trị chân, thiện, mỹ của nhân loại.

Bản chất thiết yếu của khóa đạo đức học ứng dụng là chánh niệm. Chánh niệm là nguồn năng lượng có công năng giúp chúng ta ý thức và biết được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta trong giây phút hiện tại. Nhờ đó, chúng ta biết điều gì nên làm và không nên làm trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày để giảm thiểu những khổ đau và tăng trưởng hạnh phúc. Những phương pháp được cống hiến trong khóa đạo đức học ứng dụng giúp ta hiểu sâu về thân thể, cảm thọ, tâm (tâm hành) và pháp – tức là những đối tượng của nhận thức (tri giác), để rồi ta có thể giúp những người khác làm được như ta. Chúng ta sẽ học nghệ thuật chăm sóc, làm lắng dịu, nhìn sâu và chuyển hóa khổ đau trong ta, đồng thời học cách chế tác, nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc. Từ đó tình thương và sự hiểu biết về mối quan hệ mật thiết của ta đối với gia đình và xã hội tự nhiên phát khởi.

Tính Chất Phi Tôn Giáo

Khóa Đạo Đức Học Ứng Dụng đã được thiết lập trên nền tảng giáo lý đạo Bụt, nhưng mang màu sắc phi tôn giáo. Nền tảng của khóa học được căn cứ trên các nguồn tuệ giác và sự thực tập thực tiễn của đạo Bụt như tuệ giác tương tức, bất nhị và sự quan hệ mật thiết giữa khổ đau và hạnh phúc.  Bằng chứng khoa học đã cho chúng ta thấy rằng những pháp môn tu tập của truyền thống đạo Bụt rất thực tiễn và hiệu nghiệm, và chúng có thể được áp dụng một cách thành công trong phạm vi giáo dục, mà không cần phải sử dụng ngôn ngữ hay màu sắc mang tính chất đạo Bụt.

Khái Quát Về Nội Dung của Khóa Học

Giai đoạn I:
Hướng Dẫn Các Nhà Giáo Dục, các Thầy Cô Giáo Về Phương Pháp Chăm Sóc Bản Thân
(trước khi có thể giảng dạy cho học sinh của mình)

    • Vun trồng và trưởng dưỡng hơi thở chánh niệm để giúp đưa thân và tâm trở về một mối, đồng thời phát triển năng lượng của sự chuyên chú, gọi là định.
    • Chăm sóc, làm lắng dịu, và buông thư những đau nhức và căng thẳng trong thân thể.
    • Học cách chế tác những cảm thọ hỷ lạc và trân quý những gì mình đang đã có.
    • Học cách sống giản dị để có thêm thì giờ để thư giản và thưởng thức sự sống mầu nhiệm.
    • Học cách lắng nghe và ôm ấp những cảm xúc mạnh như tâm hành sợ hãi, giận hờn, buồn đau và tuyệt vọng.
    • Học cách sử dụng ngôn ngữ từ ái và lắng nghe với tâm từ bi để chăm sóc những mối quan hệ của ta và tái lập truyền thông.
    • Tìm hiểu và khám phá tính chất phi tôn giáo, những nguyên tắc hướng dẫn đạo đức cho sự lành mạnh của thể chất và tinh thần, cũng như chăm sóc hạnh phúc của bản thân, gia đình, học đường, cộng đồng, xã hội, và thế giới.
    • Nhìn sâu vào cách tiêu thụ và sản xuất của chúng ta với tư cách một cá nhân và như một xã hội.

 

Giai Đoạn II:
Giảng dạy Đạo Đức Học Ứng Dụng cho Học Sinh

    • Học cách hướng dẫn những buổi thiền tập buông thư cho các học sinh
    • Học cách giúp đỡ các học sinh nhận diện, chăm sóc và xử lý những cảm xúc mạnh.
    • Học nghệ thuật xây dựng tăng thân, cộng đồng để cho lớp học và học đường của chúng ta trở thành một không khí gia đình có tình yêu thương đích thực.
    • Học phương pháp giải quyết những khó khăn, xung đột trong lớp học một cách sáng tạo.
    • Giúp các học sinh phát triển lòng thương yêu bằng cách hiểu được khổ đau của chính mình, và của những người bạn học cùng trang lứa.
    • Đưa ra chương trình giảng dạy chánh niệm thích hợp cho lứa tuổi, cùng với những phương tiện, kỹ thuật và dụng cụ giảng dạy đa dạng, để có thể áp dụng hữu hiệu trong lớp học.

Mô Thức của Khóa Học

Khóa học này được thực hiện trong hai giai đoạn, thời hạn của mỗi giai đoạn có thể kéo dài khoảng một tuần tại một trong những trung tâm thường trú của Làng Mai hoặc ở tại trường cao đẳng học viện – nơi có nhu cầu tổ chức khóa học. Hình thức của khóa học một tuần có thể được tổ chức như một khóa tu, những người tham dự phải ở nội trú trong suốt thời gian khóa tu (khóa học) và tu tập chánh niệm miên mật suốt cả ngày. Mỗi giai đoạn cũng có thế được phân ra theo đơn vị thời gian ngắn hơn tùy theo nhu yếu, ( ví dụ có thể sử dụng hai ngày cuối tuần trong ba tuần liên tiếp hoặc trong giai đoạn bảy ngày giãn ra qua thời gian). Giai đoạn I là điều kiện tiên quyết cho giai đoạn II.

Kết Quả Dự Kiến

Có một số trường học, tổ chức đã bắt đầu thực thi những khía cạnh của khóa đạo đức học ứng dụng này rồi và kết quả cho thấy rất hiệu nghiệm cho cả hai phía thầy giáo và học sinh. Những người tham dự khóa học này biết làm thế nào để chăm sóc bản thân, xây dựng cộng đồng, và trở thành những người đi tiên phong trong việc xây dựng và tạo ra những thay đổi tốt đẹp, tích cực hơn.

Những kết quả ban đầu mà chúng tôi đã nhận được cũng như những điều chúng tôi mong muốn đạt được thông qua các khóa đạo đức học ứng dụng như sau:

    • Các nhà quản lý, các thầy, cô giáo có thêm sự năng động, nhiệt huyết, dấn thân và khả năng sống hạnh phúc.
    • Xây dựng được một môi trường học hỏi vui tươi, tự nguyện, mềm dẻo, linh động, trách nhiệm và kỷ luật trong đó mọi người cảm thấy thoải mái và đồng thời đóng góp vào cái đẹp, lành cho cả lớp, cả học đường và cho cộng đồng lớn hơn.
    • Những học sinh có khả năng sáng tạo và học tập với tinh thần thư thái nhưng tỉnh thức, có khả năng sống vui tươi, đầy nhiệt tình, giàu lòng nhân ái và luôn có cái nhìn tích cực.
    • Những học sinh tốt nghiệp có thể bước vào thời kỳ kế tiếp của cuộc đời họ với một nền tảng đạo đức căn bản, thực tiễn làm cơ sở cho mọi hành động và quyết định trong cuộc đời, đồng thời có khả năng vượt qua những cảm xúc mạnh và giữ được tinh thần thư thái.

Môi Trường Cộng Đồng

Khóa học có thể được tổ chức trong phạm vi tăng thân bao gồm những người nam xuất sĩ, nữ xuất sĩ, nam cư sĩ và nữ cư sĩ, thực tập chánh niệm miên mật trong 24 giờ một ngày. Sức mạnh và sự hòa hợp của tăng thân được tạo nên khi mọi người trong tăng thân đều có chung cái thấy về một nếp sống đạo đức. Cái thấy này phát khởi một cách tự nhiên do sự thực tập chánh niệm mang lại. Tăng thân cống hiến cho mình sự nâng đỡ và tạo ra một môi trường tu học an toàn trong đó ta có thể nhìn lại mình. Sống và làm việc chung với nhau như một hợp thể, chúng ta sẽ tạo ra nguồn năng lượng tập thể hùng hậu có khả năng trị liệu, chuyển hóa thân và tâm ta.

Trong khóa học, phép tu tập chánh niệm phải được trao truyền theo những cách có thể giúp chúng ta ứng dụng được liền vào đời sống hàng ngày. Các vị thường trú cống hiến cho những người đến tham dự khóa học cái biết và kinh nghiệm của họ không phải chỉ với những điều họ dạy (lý thuyết), mà với sự thực tập thân giáo của họ qua cách đi, đứng, nói năng, ăn uống, làm việc và hành xử trong chánh niệm. Môi trường yểm trợ lớn nhất cho sự chuyển hóa và trị liệu của chúng ta là một cộng đồng hòa điệu, vui tươi, có hành trì uy nghi, giới luật và phát triển niệm, định, tuệ. Trên 30 năm kinh nghiệm tu học và giảng dạy đã cho chúng tôi thấy rằng tăng thân là yếu tố thiết yếu giúp mang lại sự chuyển hóa sâu sắc và lâu bền. Sống và thực tập như một tăng thân, một cộng đồng, chúng tôi tìm lại được niềm tin nơi gia đình nhân loại và chúng tôi trở về với cuộc sống trong sự tươi mát và đầy nhiệt huyết hơn. Môi trường tu học trong đó có những người ở thường trú giúp chúng ta cởi mở và khám phá lại chất liệu thánh thiện sẵn có trong tự thân cũng như tìm lại được ý nghĩa và hướng đi cho cuộc sống.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ: appliedethics@eiab.eu

Chương Trình Chi Tiết của Khóa Đạo Đức Học Ứng Dụng
(Giai đoạn I và II)

I. Có Mặt
-Có mặt đích thực trong giây phút hiện tại (ý thức về không gian và thời gian mà mình đang có mặt)
-Ý thức những cảm giác về thân và các giác quan

II. Chăm Sóc Thân Thể
-Buông bỏ sự căng thẳng trong thân
-Làm thuyên giảm sự đau nhức trong thân
-Nhận diện cảm thọ đau nhức thuộc về thân
-Chăm sóc, ôm ấp cảm thọ đau nhức thuộc về thân để cảm nghiệm sự thuyên giảm.

III. Nuôi Dưỡng Yếu Tố Hỷ Lạc
-Học cách chế tác những cảm giác vui tươi và hạnh phúc.
-Học cách trân quý những gì mình đã và đang có.
-Học cách đơn giản hóa đời sống để chúng ta có thêm thì giờ để thư giản và thưởng thức sự sống.
-Học cách để vượt thoát những nỗi sợ hãi tùy miên, để sống và chết một cách bình an và hạnh phúc
(sử dụng những phương pháp đã được thiết lập từ Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm)

IV. Chăm Sóc Những Cảm Thọ
-Nhận diện cảm xúc mạnh (sợ hãi, giận hờn, tuyệt vọng, v.v..) mỗi khi nó biểu hiện.
-Học cách xử lý và làm lắng dịu những cảm xúc mạnh.
-Học cách nhìn sâu để hiểu gốc rễ của những cảm xúc mạnh.
-Học cách lắng nghe và ôm ấp khổ đau của chính mình.

V. Chăm Sóc Mối Liên Hệ của Ta
-Học cách lắng nghe và hiểu những khổ đau của người kia (bố, mẹ, vợ, chồng, con cái, học trò, v.v..)
-Học cách làm vơi bớt khổ đau nơi người kia.
-Học cách sử dụng ngôn ngữ hòa ái và lắng nghe với tâm từ bi để tái lập truyền thông với người kia
(cụ thể giữa thầy giáo với thầy giáo, học sinh với học sinh và giữa học sinh với thầy giáo)
-Học cách giúp người khác hòa giải những xung đột, khó khăn của họ, giữa hai người hoặc giữa hai nhóm người với nhau.
-Học cách áp dụng những yếu tố làm nên tình thương chân thật: từ, bi, hỷ, xả vào các mối liên hệ của chúng ta.
-Thực tập ý thức trách nhiệm trong quan hệ tình dục và tôn trọng những cam kết của mình và của người khác để tôn vinh và nâng đỡ ước nguyện thương yêu sâu sắc của nhau.
-Vun bồi nguồn tuệ giác vô ngã để vượt thoát những mặc cảm hơn người, thua người và bằng người.

VI. Tôn Trọng Sự Sống
-Học cách sống như thế nào để bảo vệ và trị liệu môi trường sinh thái và hành tinh của chúng ta.
-Học nghệ thuật tiêu thụ và sản xuất có chánh niệm và từ bi với tư cách một cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
-Làm phát khởi và duy trì tuệ giác tương tức trong đời sống hàng ngày (thực tập thiền Năm Lạy, Ba Lạy).

VII. Hành Nghề Chân Chính (Chánh Mạng)
-Khám phá ước nguyện cao cả và những tài năng của mình
-Sống và hành động như thế nào để cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa và có phẩm chất trong bốn lĩnh vực: có mặt, chơi, làm việc và phụng sự.
-Học phương pháp giữ cân bằng giữa công việc phụng sự và nhu yếu chuyển hóa tự thân; làm thế nào để nghỉ ngơi, buông thư, nuỗi dưỡng tâm mình với những niềm vui, hạnh phúc
(điều này đặc biệt dành cho các y tá, bác sĩ, các nhà tâm lý trị liệu, các viên chức cảnh sát, v.v..)
-Học cách hiến tặng và nghệ thuật cộng tác.

VIII. Áp Dụng Nếp Sống Chánh Niệm vào Lớp Học
-Dạy cho học sinh nghệ thuật dừng lại và thở theo tiếng chuông chánh niệm hoặc một âm thanh tương tự.
-Học cách để hướng dẫn học sinh thực tập theo dõi hơi thở có ý thức và buông thư.
-Giúp học sinh biết nhận diện, ôm ấp và chăm sóc những cảm xúc mạnh mỗi khi chúng phát khởi.

IX. Xây Dựng Nếp Sống Cộng Đồng Trong Học Đường
-Xây dựng một nhóm học sinh hành động cho hòa bình trong lớp học để chăm sóc, xử lý những khó khăn, xung đột trong lớp và cải thiện sự truyền thông.
-Thực tập nghệ thuật Làm Mới để hòa giải những nội kết trong lớp.
-Thiết lập những sinh hoạt tu tập chánh niệm đều đặn cho các các thầy, cô giáo.
-Tạo dựng các nhóm hỗ trợ gồm các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh và học sinh; kêu gọi các phụ huynh cùng tham gia và chịu trách nhiệm trong công tác giáo dục và đào tạo con em của họ.
-Áp dụng sáu cách sống và làm việc theo tinh thần lục hòa của đạo Bụt vào môi trường học đường để xây dựng tình huynh đệ, phát triển các kỹ năng hợp tác và làm chung với nhau
(tạo cho những người bạn học khác có tự tin nơi chính bản thân, biết làm việc hài hòa với nhau, chia sẻ những nguồn thông tin, ý kiến, tầm nhìn, biết tạo không gian cho nhau, xây dựng niềm tin, và biết tôn trọng sự khác biệt của nhau).