Từ điển Làng Mai – O
Ôm ấp cơn giận (phép tu) Pháp môn đối trị với cơn giận. Khi cơn giận phát khởi, hành giả không phản ứng bằng lời nói và hành động mà trở về ngay với hơi thở chánh niệm, chế tác năng lượng chánh niệm bằng phép thở và ôm ấp năng lượng giận bằng năng lượng chánh niệm ấy. Hành giả có thể thực tập thiền đi, thiền chạy, thiền ngồi hoặc thiền chấp tác, luôn luôn nắm lấy hơi thở để có đủ năng lượng chánh niệm mà ôm ấp cơn giận. Hành giả không đè nén cơn giận mà nhận diện và ôm ấp nó. Xem ôm lấy niềm đau. Mời tham khảo tác phẩm Giận của Nhất Hạnh, nhà xuất bản Văn Hóa T.P Hồ Chí Minh ấn hành năm 2005.
Ôm bé bị thương (thuật ngữ, phép tu) Một pháp thực tập để giúp em bé bị thương trong ta có cơ hội trị liệu. Có những người trong chúng ta hồi bé đã phải đi ngang qua những giai đoạn khó khăn, bị bạc đãi, bị lạm dụng, bị hành hạ, v.v… và những thương tích này vẫn còn tồn tại chưa lành trong ta. Phương pháp trị liệu là phải có thì giờ trở về để tiếp xúc với em bé ấy trong ta để giúp cho những vết thương ấy được lành. Sử dụng năng lượng chánh niệm để có mặt với em bé trong ta, để ôm lấy bé, để nói chuyện với bé. Phải quán tưởng bố mẹ cũng là những em bé năm tuổi hay ba tuổi, rất mong manh, rất dễ bị thương tích cũng như ta hồi ba tuổi hay năm tuổi vậy. Thấy được bố mẹ trong hình tướng ấy, mong manh, dễ bị thương tích, ta sẽ phát sinh được lòng thương xót, thấy được bố cũng có thể đã là nạn nhân của sự hành hạ, lạm dụng, bạc đãi từ hồi còn ấu thơ. Khi chất liệu hiểu và thương trào ra từ trái tim thì những vết thương xưa bắt đầu có cơ hội được chữa trị. Xin tham khảo bài thiền tập ôm bé bị thương trong sách Sen Búp Từng Cánh Hé.
Ôm lấy niềm đau (thuật ngữ, phép tu) Phương pháp chế tác năng lượng chánh niệm để nhận diện và ôm ấp niềm đau nỗi khổ của mình khi niềm đau nỗi khổ này phát hiện trong tâm thức. Người không tu học thì hay tìm cách đè nén, trốn chạy hoặc khỏa lấp niềm đau của mình bằng cách tiêu thụ như ăn nhậu, xem hát, xem ti vi, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, uống rượu, khiêu vũ, nói điện thoại, v.v… Đè nén và khỏa lấp như thế, nỗi khổ và niềm đau không có cơ hội được trình diện dưới ánh sáng của ý thức, và được chuyển hóa. Phần nhiều ai cũng muốn trốn chạy niềm đau nỗi khổ của mình, vì có cảm tưởng mình sẽ bị tràn ngập bởi nỗi khổ niềm đau ấy. Tu tập chánh niệm, hành giả được trang bị bằng năng lượng chánh niệm này và có sức mạnh để trở về để nhận diện và ôm ấp những nỗi khổ niềm đau ấy. Được nhận diện và ôm ấp, nỗi khổ và niềm đau sẽ dịu xuống. Thêm vào công phu quán chiếu về gốc rễ của nỗi khổ niềm đau, hành giả sẽ chuyển hóa được niềm đau nỗi khổ thành năng lượng từ bi và trí tuệ. Lúc ban đầu khi năng lượng chánh niệm của mình còn yếu, hành giả có thể nương vào sức hộ niệm của tăng thân, sử dụng năng lượng chánh niệm tập thể hùng hậu của tăng thân, để thực tập công việc nhận diện và ôm ấp này. Đó là một hình thức thực tập quy y Tăng rất hữu hiệu và thực tế.