Từ điển Làng Mai – N
Nam Giao (Trăng Nam Giao) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1998, tập sự xuất gia năm 2017 (19 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 20 tháng 5 năm 2018 tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Huệ Bình, pháp tự Chân Trăng Nam Giao. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Ngọc Lan. Thọ giới lớn ngày 3 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 1060 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Nam Giao thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Năm cái lạy (phép tu, pháp số)
1.Phép thực tập có mục đích đưa ta trở về tiếp xúc với gốc rễ tâm linh và huyết thống của ta, khai thông được sự truyền thông, chuyển hóa được những hận thù và khổ đau trong tâm hồn.
2. Sau đây là nội dung của năm cái lạy:
- Lạy thứ nhất: Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại. Con thấy cha mẹ mà xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển hóa. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và của thương yêu mà liệt vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và xương thịt con để mà tiếp nhận. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ, nơi ông bà, tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó; con biết cha mẹ nào, ông bà nào cũng thương yêu, đùm bọc và hộ trì cho con cho cháu, dù khi sinh tiền có lúc gặp phải khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm thương yêu và sự đùm bọc đó. Con thấy cha ông của con, từ Lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ những người khai sáng đất nước, mở rộng cõi bờ, gìn giữ núi sông và un đúc nên nếp sống Việt Nam có thỉ, có chung, có nhân, có hậu. Con là sự tiếp nối của liệt vị. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên của gia đình huyết thống con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con.
- Lạy thứ hai: Trở về kính lạy, Bụt và tổ sư, truyền đăng tục diệm, gia đình tâm linh, qua nhiều thế hệ. Con thấy thầy con, con thấy sư ông của con, người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ, biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy, qua thầy của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua các thời đại: các vị tổ sư Tăng Hội, Tỳ Ni Ða Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Vạn Hạnh, Ðại Ðăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán; con tiếp xúc được với các vị bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con, đã có từ hai ngàn sáu trăm năm nay. Con biết Bụt là thầy con mà cũng là Tổ tiên tâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao tăng, và năng lượng của liệt vị đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu trong con. Con biết Bụt đã giáo hóa cho gia đình huyết thống của con, đã làm đẹp, làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Bụt đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý-Trần. Con biết nếu không có Bụt, có tổ, có thầy thì con không biết tu tỉnh và thực tập an lạc cho con và cho gia đình con. Con mở rộng trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm, tuệ giác, tình thương, sự che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ thánh tăng, gia đình tâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế hệ tổ tiên tâm linh của con. Xin Bụt và chư Tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượng thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị. Con nguyện tu tập để chuyển hóa và để truyền cho thế hệ tương lai năng lượng của Bụt, của Tổ và của thầy.
- Lạy thứ ba: Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, khai sáng đất nước, sông núi khí thiêng, hàng ngày che chở. Con thấy con đang đứng trên đất nước này và tiếp nhận công ơn khai sáng của tiền nhân đất nước này, trước hết là các vua Hùng, rồi các vị lãnh đạo các triều Tiền Lê, Tiền Lý, Ngô, Ðinh, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn cùng với các thế hệ tổ tiên và với biết bao nhiêu người có tên tuổi và không có tên tuổi đã đem tài trí, kiên nhẫn và chịu đựng để làm cho đất nước này trở nên nơi nương náu của bao nhiêu giống dân đủ các màu da; đã lập nên trường học, nhà thương, xây dựng cầu cống, đường sá, chợ búa; đã thiết lập nhân quyền, luật pháp, phát minh khoa học làm cho mức sống được nâng cao. Con tiếp xúc được với những thế hệ tổ tiên ngày xưa đã sinh sống trên đất nước này và đã biết sống an lành với mọi loài và với thiên nhiên. Con sống ở đây, học hòa hợp với thiên nhiên, với con người, và con cảm thấy năng lượng của đất nước này đi vào trong con, yểm trợ con, chấp nhận con. Con xin nguyện tiếp tục giữ gìn và làm tiếp nối những dòng năng lượng ấy. Con xin nguyện góp phần chuyển hóa những bạo động căm thù và vô minh còn tồn tại trong xã hội này. Xin liệt vị phù hộ độ trì cho chúng con.
- Lạy thứ tư: Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, cho người con thương. Những nguồn năng lượng vô biên mà con vừa tiếp nhận được, con xin truyền đạt cho cha con, cho mẹ con, cho những người con thương yêu: những người đã từng khổ đau, đã từng lo lắng, đã từng buồn khổ vì con, vì những vụng về và dại dột của con trong quá khứ, và cũng đã từng lo lắng buồn khổ vì hoàn cảnh khó khăn và không may của các vị. Con xin truyền đạt nguồn năng lượng ấy để nguyện cầu và tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho anh chị em của con, cho tâm hồn họ lắng dịu lại, cho khổ đau trong lòng (những) người ấy được chuyển hóa, cho (những) người ấy nở được nụ cười, cho (những) người ấy cảm nhận được niềm vui sống, cho (những) người ấy được nhẹ nhàng trong thân thể và an lạc trong tâm hồn. Con hết lòng cầu mong cho (những) người ấy có hạnh phúc và an lạc. Con biết nếu những người ấy có an lạc thì con cũng có an lạc. Con cảm thấy trong lòng con không có oán hận trách móc những người ấy một mảy may nào. Con lạy tổ tiên, ông bà trong gia đình huyết thống và trong gia đình tâm linh của con phù hộ độ trì cho người con thương, cho những người mà con đã nguyện thương yêu và chăm sóc. Con thấy con không còn là một cái ta riêng biệt mà con đã trở thành một với những người con thương.
- Lạy thứ năm: Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, người làm khổ con. Con mở rộng lòng ra để truyền đi năng lượng hiểu biết và lòng xót thương của con tới những người đã làm con khổ đau và điêu đứng. Con biết người ấy cũng đã đi qua nhiều khổ đau, đã chứa chấp quá nhiều cay đắng và bực bội trong trái tim nên đã làm vung vãi những khổ đau và bực bội của người ấy lên con. Con biết những người ấy không được may mắn, có thể là từ hồi còn bé thơ đã thiếu sự chăm sóc và thương yêu, đã bị cuộc đời dằn vặt và ngược đãi bao nhiêu lần. Con biết những người như người ấy chưa được may mắn được học, được tu, đã chứa chấp những tri giác sai lầm về cuộc đời và về con, nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con xin gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của con truyền năng lượng cho (những) người ấy, để cho trái tim của họ được tiếp nhận giọt nước cam lồ mà nở ra được như một bông hoa. Con chỉ cầu mong cho người ấy được chuyển hóa để người ấy tìm ra được niềm vui sống, để không còn giữ tâm hận thù mà tự làm khổ mình và làm khổ người. Con biết vì những người ấy khổ mà không tự chủ được nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con cũng cầu mong cho tất cả những ai đã làm cho gia đình con khổ, dân tộc con điêu đứng, kể cả những kẻ xâm lăng, cướp nước, những người hải tặc, những kẻ ích kỷ, dối trá và tàn bạo được nhờ ơn Bụt, ơn Tổ, ơn tiền nhân mà cải hóa. Con thấy họ khổ và nỗi khổ ấy đang kéo dài qua nhiều thế hệ và con không muốn giữ tâm niệm sân hận, oán thù. Con không muốn cho họ khổ. Con có gốc rễ nơi tổ tiên, nơi giòng họ huyết thống và giòng họ tâm linh; trái tim con đã nở ra như một đóa hoa, con xin buông bỏ tất cả mọi hiềm hận, một lòng cầu nguyện cho kẻ đã làm khổ con, làm khổ gia đình và dân tộc con được thoát vòng tai nạn và đớn đau, để họ có thể thấy được ánh sáng của niềm vui sống và an lạc như con. Tâm con không còn mang một mảy may trách móc và oán thù. Con xin truyền đạt năng lượng của con cho tất cả những người ấy. Lạy Bụt, lạy tổ, lạy ông bà chứng minh cho con.
Năm 2000 (lễ lược)Tên một đại giới đàn diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 12 năm 2000 tại tại Làng Mai trong khóa An Cư Kiết Đông 2000 – 2001.
Năm cánh tỏa kỳ hương (pháp số, sách)
1. Hình ảnh bông hoa năm cánh tỏa ra mùi hương kỳ diệu, tượng trưng cho năm tông phái thiền của Việt Nam (khác với năm phái thiền của Trung Quốc là phái Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn). 1- Thiền phái Tăng Hội, được tổ Tăng Hội sáng lập tại Việt Nam vào thế kỷ thứ III (tức là trước tổ Bồ Đề Đạt Ma gần ba trăm năm) chứ không phải được truyền từ Ấn Độ hay Trung Quốc sang. Phái thiền này đặc biệt sử dụng các kinh điển Nguyên Thỉ nhưng theo tinh thần Đại Thừa. Ví dụ kinh An Ban Thủ Ý là kinh Nguyên Thỉ nhưng được tổ Tăng Hội giảng theo tinh thần Đại Thừa. Đó cũng là sự thực tập tại Làng Mai. 2- Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, xuất hiện vào thế kỷ thứ VI, do tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi sáng lập. Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) là người Ấn Độ, qua Trung Quốc tu tập và hành đạo trong khoảng 2 năm và gặp tổ Tăng Xán, tức là người kế thừa tổ Bồ Đề Đạt Ma. Sau đó tổ đi về miền Nam và cư trú tại chùa Pháp Vân, thủ đô Giao Châu ngày xưa. Vì vậy có thể nói rằng phái thiền này từ Ấn Độ truyền sang, và là một sự tổng hợp giữa Thiền và Mật Tông vì tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch nhiều kinh thuộc về Mật giáo. 3- Phái thiền Vô Ngôn Thông, do thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc qua và sáng lập vào thế kỷ thứ IX. Thầy Vô Ngôn Thông có liên hệ với tổ Bách Trượng, vị tổ đã sáng lập ra những thanh quy rất nổi tiếng gọi là Bách Trượng Thanh Quy, cũng là vị tổ chủ trương rằng làm việc chấp tác cũng là tu và “Bất tác bất thực”, nghĩa là một ngày không làm việc thì không ăn cơm, từ truyền thống đó ta bắt đầu có hình thức tổ chức thiền viện gọi là nông thiền, tức là những trung tâm tu học có hoạt động sản xuất như trồng trọt, làm vườn nhưng có sự tu tập trong khi làm việc, có chánh niệm trong khi làm chứ không phải chỉ làm để tăng gia sản xuất. 4- Phái thiền Thảo Đường, do thiền sư Thảo Đường sáng lập vào thế kỷ thứ XI. Thiền sư Thảo Đường là một thi sĩ, một nhà văn rất lỗi lạc. Thầy từ Trung Quốc qua Champa để hoằng pháp nhưng không may gặp phải thời chiến tranh giữa Đại Việt và Champa nên bị Đại Việt bắt làm tù binh. Khi được phát hiện ra là một thiền sư có kiến thức thâm uyên về Phật pháp và văn chương lưu loát, Thầy đã được vua Lý tôn làm Quốc Sư. Thiền phái Thảo Đường là thiền phái mang nhiều tính chất trí thức. 5-Thiền phái Trúc Lâm, xuất hiện vào thế kỷ thứ XIII. Đây là thiền phái do thiền sư người Việt là Hiện Quang thành lập. Sau này, vua Trần Nhân Tông tu theo phái thiền này và được chính thức nhìn nhận là tổ thứ nhất. Sau đó có các thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang và được tiếp nối cho đến ngày nay. Núi Yên Tử là nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm này.
2. Tên một cuốn sách phiên tả từ băng giảng các bài pháp thoại của Thầy Làng Mai và các tin tức sinh hoạt của chùa Làng Mai. Nhà xuất bản Lá Bối, Hoa Kỳ ấn hành năm 2000, được in nhiều lần tại Việt Nam.
Năm điều ước nguyện (pháp số, phép tu) Trong hôn lễ cử hành theo nghi thức Làng Mai, trước sự chứng minh của tăng thân và đại chúng, cô dâu và chú rể sẽ phát năm lời nguyện này để giúp duy trì cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững.
1- Chúng con nguyện sống đời sống hàng ngày sao cho xứng đáng với đạo đức của tổ tiên và giống nòi chúng con.
2- Chúng con nguyện sống đời sống hàng ngày sao cho xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên và giống nòi đặt nơi chúng con.
3- Chúng con nguyện nương vào nhau, xây dựng cho nhau bằng tình thương, sự tin cậy, sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn.
4- Chúng con nguyện thường tự nhắc nhở rằng sự trách móc, sự giận hờn và lý luận chỉ làm hao tổn hòa khí và không giải quyết được gì. Chúng con biết chỉ có sự hiểu biết và lòng tin mới bồi đắp được hạnh phúc và sự an lạc.
5- Chúng con nguyện trong đời sống hàng ngày dồn hết tâm lực và phương tiện để xây dựng cho thế hệ con cháu của chúng con trong tương lai. (Xem sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn).
Năm mươi bài tụng Duy Biểu (luận, pháp số) Tinh hoa của Duy Biểu Học (Duy Thức Học) cô đọng lại thành năm mươi bài tụng, do Thầy Làng Mai chế tác, căn cứ trên các tác phẩm Duy Thức căn bản như Nhiếp Đại Thừa Luận, Duy Thức Tam Thập Tụng, Duy Thức Nhị Thập Tụng, Bát Thức Quy Củ Tụng, v.v… Những bài tụng này đưa Duy Thức Học từ quyền thừa (Đại Thừa nửa vời) lên Đại Thừa thật sự, bằng giáo lý Pháp Hoa và Hoa Nghiêm. Những bài tụng thuộc về phần thực tập và quán chiếu có tính chất thực tiễn và nối kết được với Đạo Bụt Nguyên Thỉ. Đã được phiên tả và in thành sách ở Việt Nam nhiều lần, dưới nhan đề Duy Biểu Học. Sách Transformation at the Base (Chuyển Ý) do nhà Parallax ấn hành phiên tả lại những bài giảng về Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu bằng Anh ngữ đã được tái bản nhiều lần, lần mới nhất lấy tựa đề là Understanding our Mind đã được phát hành rất rộng rãi, và đã được phiên dịch và xuất bản ra nhiều thứ tiếng. Sau đây là nguyên văn tiếng Việt của Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu (Duy Biểu Ngũ Thập Tụng): 1. Tâm là đất gieo hạt. Mọi hạt giống chứa đầy. Tâm địa cũng chính là. Toàn thể hạt giống ấy. 2. Hạt giống có đủ loại. Sinh tử và niết bàn. Mê ngộ và vui khổ. Danh xưng và tướng trạng. 3. Hạt giống của thân, tâm. Giới địa và thế gian. Tất cả được cất chứa. Nên thức gọi là tàng. 4. Có hạt giống sẵn có. Có hạt giống trao truyền. Huân tập thời thơ ấu. Cả thời gian thai nghén. 5. Từ gia đình bè bạn. Nơi xã hội học đường. Hạt giống nào cũng có. Tính cách riêng và chung. 6. Giá trị một đời người. Tùy thuộc vào phẩm chất. Mọi hạt giống đang nằm. Trong chiều sâu tâm thức. 7. Tác dụng A lại gia. Là tiếp nhận duy trì. Và làm biểu hiện ra. Hạt giống cùng tập khí. 8. Biểu biệt A lại gia. Là thế giới tánh cảnh. Độc ảnh và đới chất. Mười tám giới hình thành. 9. Tất cả mọi hiện hành. Đều tự biểu, cộng biểu. Dị thục khi dự vào. Giới và địa cũng thế. 10. Là vô phú, vô ký. Vừa chuyển lại vừa hằng. Tàng thức luôn tương ứng. Năm tâm sở biến hành. 11. Tuy vô thường vô ngã. Tàng thức vẫn gồm thâu. Mọi pháp trong thế gian. Hữu lậu và vô lậu. 12. Hạt giống sinh hạt giống. Hạt giống sinh hiện hành. Hiện hành sinh hạt giống. Hiện hành sinh hiện hành. 13. Hạt giống hay hiện hành. Đều tương tức tương nhập. Một do tất cả thành. Tất cả đều do một. 14. Tàng không một không khác. Không chung cũng không riêng. Một và khác nương nhau. Chung và riêng triển chuyển. 15. Vô minh diệt minh sanh. Tàng chuyển thành vô lậu. Gương trí soi mười phương. Bạch tịnh và vô cấu. 16. Hạt giống của vô minh. Của triền sử ái nhiễm. Quấy động thành vọng thức. Khi danh sắc hiện hành. 17. Nương vào A lại gia. Phát hiện thức Mạt na. Tác dụng là tư lương. Níu lấy tàng làm ngã. 18. Đối tượng của Mạt- na. Là ngã tướng đới chất. Phát sinh từ giao thoa. Giữa ý và tàng thức. 19. Vì sáu chuyển thức khác. Đóng vai nhiễm tịnh y. Vừa thẩm lại vừa hằng. Hữu phú mà vô ký. 20. Tương ưng năm biến hành. Bốn phiền não và tuệ. Cùng tám thứ đại tùy. Đều hữu phú vô ký. 21. Cũng như bóng theo hình. Mạt na theo tàng mãi. Là cơ chế tự tồn. Là bản năng dục ái. 22. Sơ địa khi đạt tới. Dứt phiền não, sở tri. Bát địa hết câu sinh. A lại gia phóng khí. 23. Nương vào ý làm căn. Pháp trần làm đối tượng. Ý thức được phát sinh. Phạm vi nhận thức rộng. 24. Thông ba tánh, ba lượng. Tiếp xúc cả ba cảnh. Đủ thiện, ác, bất định. Biệt cảnh và biến hành. 25. Là gốc của thân khẩu. Có thẩm mà không hằng. Tạo tác nghiệp dẫn mãn. Đóng vai kẻ gieo trồng. 26. Ý thức thường hiện hành. Trừ trong trời vô tưởng. Trong hai định vô tâm. Ngủ say và bất tỉnh. 27. Năm trạng thái ý thức. Là tán vị, độc đầu. Trong định hoặc điên loạn. Cùng trường hợp ngũ câu. 28. Năm thức cảm giác sanh. Dựa trên dòng ý thức. Phát hiện riêng hoặc chung. Như sóng nương trên nước. 29. Tánh cảnh và hiện lượng. Có ba tánh đầy đủ. Nhờ vào tịnh sắc căn. Và cảm giác trung khu. 30. Tâm sở là biến hành. Biệt cảnh, thiện, đại tùy. Trung tùy hai phiền não. Và cả tham sân si. 31. Thức luôn luôn bao hàm. Chủ thể và đối tượng. Tự, tha, trong và ngoài. Đều chỉ là ý niệm. 32. Thức gồm có ba phần. Kiến, tướng và tự thể. Chủng tử và tâm hành. Tất cả đều như thế. 33. Sinh diệt tùy nhân duyên. Thức vốn là biểu biệt. Kiến và tướng nương nhau. Năng biệt và sở biệt. 34. Nơi tự biểu cộng biểu. Ngã, vô ngã không hai. Luân hồi mỗi sát na. Bập bềnh sinh tử hải. 35. Thời, không và bốn đại. Đều do thức hiện bày. Tương tức và tương nhập. Dị thục từng phút giây. 36. Nhân duyên đủ biểu hiện. Nhân duyên khuyết ẩn tàng. Không đi cũng không đến. Không có cũng không không. 37. Hạt giống sinh hiện hành. Đó gọi là nhân duyên. Chủ thể nương đối tượng. Ta gọi sở duyên duyên. 38. Điều kiện thuận hay nghịch. Đều là tăng thượng duyên. Vô gián duyên thứ tư. Là liên tục chuyển biến. 39. Nhân duyên có hai mặt. Vọng thức và chân tâm. Vọng thức vì biến kế. Chân tâm do viên thành. 40. Biến kế huân vô minh. Kéo theo luân hồi khổ. Viên thành mở tuệ giác. Hiển lộ cảnh chân như. 41. Quán chiếu tính y tha. Vô minh thành tuệ giác. Luân hồi và chân như. Tuy hai mà thành một. 42. Trong rác sẵn có hoa. Trong hoa sẵn có rác. Hoa và rác không hai. Giác và mê tương tức. 43. Không trốn chạy sinh tử. Quán chiếu cần niệm lực. Thấy được tính y tha. Là chứng nhập tương tức. 44. Nương hơi thở chánh niệm. Tưới hạt giống bồ đề. Chánh kiến là đóa hoa. Nở trên vùng ý thức. 45. Như ánh sáng mặt trời. Chiếu soi loài cây cảnh. Chánh niệm khi thắp lên. Chuyển hóa mọi tâm hành. 46. Nhận diện để chuyển hóa. Nội kết và tùy miên. Khi tập khí không còn. Quả chuyển y hiển hiện. 47. Phút hiện tại thu nhiếp. Quá khứ và vị lai. Bí quyết của chuyển y. Nằm trong giây hiện tại. 48. Tu tập và chuyển hóa. Trong đời sống hàng ngày. Nương tựa vào tăng đoàn. Công phu mau nhìn thấy. 49. Không sinh cũng không diệt. Sinh tử là niết bàn. Sở đắc là vô đắc. Không nắm cũng không buông. 50. Lướt trên sóng sinh tử. Thuyền từ dạo biển mê. Nụ cười vô úy nở. Phiền não tức bồ đề.
Năm ơn (pháp số) Ngoài bốn ơn (tứ trọng ân), Thầy Làng Mai bổ sung thêm ơn thứ năm: ơn của thầy đối với đệ tử. Học trò mang nặng ơn giáo huấn của Thầy, nhưng ngược lại, ở Làng Mai, Thầy cũng biết ơn đệ tử vì đã chọn Thầy làm người cha tâm linh, đã chọn Làng Mai là ngôi nhà tâm linh.
Năm phép thực tập chánh niệm (pháp số, phép tu) Năm nguyên tắc chỉ đạo nhất định cho những phật tử tại gia để giúp họ sống một đời sống bình an, lành mạnh và hạnh phúc. Còn gọi là năm học, năm giới, năm phép tu tập. Tiếng Anh là The Five Mindfulness Trainings, tiếng Pháp là Les Cinq Entrainements à la Pleine Conscience. Năm giới quý báu được Bụt giảng trong Kinh Người Áo Trắng. Kinh này Thầy Làng Mai dịch ra quốc văn từ Ưu Bà Tắc Kinh, số 128 của Bộ Trung A Hàm.
1. Giới thứ nhất – tôn trọng sự sống: Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
2. Giới thứ hai – mở rộng lòng: Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.
3. Giới thứ ba – bảo vệ tiết hạnh: Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứ́a.
4. Giới thứ tư – ái ngữ và lắng nghe: Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.
5. Giới thứ năm – gìn giữ thân tâm, lành mạnh xã hội: Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.
Năm phép thực tập chánh niệm – sửa đổi (pháp số, phép tu) Trong khóa an cư kiết Đông 2008-2009 với chủ đề “Con đường của Bụt – Những đóng góp của Bụt cho một nền đạo đức toàn cầu”, dưới sự hướng dẫn của Thầy Làng Mai, toàn thể tứ chúng Làng Mai đã cùng tìm hiểu, nghiên cứu và pháp đàm để hiệu chỉnh lại Năm giới sao cho phù hợp với tình trạng xã hội hiện thời. Bản tiếng Pháp của Năm phép tu chánh niệm sửa đổi đã được công bố ngày 14 tháng 4 năm 2009 trong khóa tu tiếng Pháp. Tuy nhiên các giới vẫn được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện trong khóa tu 21 ngày Con đường của Bụt – Những đóng góp của Phật giáo cho một nền đạo đức toàn cầu diễn ra vào tháng 6 năm 2009 tại Làng Mai. Văn bản chính thức của Năm giới tân tu bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp đã được chính thức công bố ngày 8 tháng 7 năm 2009 trong bài pháp thoại khai mạc khóa tu mùa hè của Thầy Làng Mai. Sau đây là toàn văn của bản tiếng Việt: “Lời mở đầu: Kính thưa Đại chúng, kính thưa các anh chị em bạn đồng tu, bây giờ là lúc chúng ta có cơ hội được tụng chung Năm Giới với nhau. Năm Giới tức là năm phép thực tập chánh niệm, biểu hiện được một cách cụ thể giáo lý Tứ Đế và Bát Chánh Đạo, con đường của Bụt, con đường của hiểu biết và thương yêu đích thực có khả năng đưa tới trị liệu, chuyển hóa và hạnh phúc cho bản thân và cho thế giới. Năm Giới mang theo tuệ giác Tương Tức, tức là Chánh Kiến, có khả năng tháo bỏ mọi cuồng tín, cố chấp, kỳ thị, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng. Sống và thực tập theo Năm Giới là chúng ta đã đi vào con đường mà các vị Bồ Tát đang đi. Năm Giới này đại diện cho cái thấy của đạo Bụt về một nền Tâm Linh và Đạo Đức Toàn Cầu. Biết rằng đang được đi trên con đường của Bụt, chúng ta không còn lý do gì để lo lắng cho hiện tại và sợ hãi cho tương lai.
1. Giới thứ nhất – Bảo vệ sự sống: Ý thức được những khổ đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương Tức và lòng Từ Bi, để có thể bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật, thực vật và môi trường của sự sống. Con nguyện không sát hại, không để kẻ khác sát hại và không yểm trợ cho bất cứ một hành động sát hại nào trên thế giới, trong tư duy cũng như trong đời sống hàng ngày của con. Thấy được rằng tất cả những bạo động do sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị và không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trong thế giới.
2. Giới thứ hai – Hạnh phúc chân thực: Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cắp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập san sẻ thì giờ, năng lực và tài sản của con với những kẻ thiếu thốn, trong cả ba lĩnh vực tư duy, nói năng, và hành động của đời sống hàng ngày. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do tự mình tạo ra. Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy được rằng hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con, rằng hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, và đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con đã ý thức được rằng hạnh phúc chân thực phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con chứ không đến từ bên ngoài, rằng thực tập phép tri túc con có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại, nếu con có khả năng trở về giây phút ấy để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà con đã có sẵn. Con nguyện thực tập theo Chánh Mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi loài trên trái đất và để chuyển ngược quá trình hâm nóng địa cầu.
3. Giới thứ ba – Tình thương đích thực: Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin nguyện học hỏi theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và trong xã hội. Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác. Con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức và lâu dài. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và để nuôi lớn các đức Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực để làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ Vô Lượng Tâm ấy con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong những kiếp sau.
4. Giới thứ tư – Ái ngữ và lắng nghe: Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và do thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con xin nguyện học các hạnh Ái Ngữ và Lắng Nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người, làm vơi bớt nỗi khổ đau của người, và giúp đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của những bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được nẻo thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn để có thể nuôi dưỡng khả năng hiểu, thương, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con và cũng để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức.
5. Giới thứ năm – Nuôi dưỡng và trị liệu: Ý thức được những khổ đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phẩm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung quanh con, không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ và không để lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lấp khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong thân tâm của xã hội, và trong môi trường sống.”
Năm quán (phép tu, pháp số) Năm điều quán niệm trước khi ăn.
1- Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác.
2- Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.
3- Khi ăn, xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những tâm hành xấu, nhất là tật ăn uống không có chừng mực.
4- Xin nguyện ăn như thế nào để giảm thiểu đau khổ của muôn loài, bảo hộ được trái đất và chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.
5- Vì muốn xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ và độ đời nên con xin thọ nhận thức ăn này. Điều quán niệm thứ tư được Thầy Làng Mai sửa lại năm 2007 để phù hợp với tinh thần bảo hộ trái đất và góp phần đưa tới sự chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu. Bản cũ là: 4- Xin chỉ ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh. Xin xem thêm Nghi thức ăn cơm chánh niệm trong sách Nghi thức Tụng niệm Đại Toàn.
Năm Sắc (Trời Năm Sắc) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1997, thọ giới Sa Di ngày 23 tháng 3 năm 2011 (14 tuổi), pháp danh Tâm Đức Khoan, pháp tự Chân Trời Năm Sắc. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Trúc Xanh. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2017 trong đại giới đàn Tánh Thiên tại Tu viện Vườn Ươm. Là đệ tử thứ 711 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Năm Sắc thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Năm vóc (thuật ngữ) Năm vóc là hai chân, hai tay và đầu. Tư thế thực tập thiền lạy ở Làng Mai là năm vóc sát đất, nghĩa là khi lạy xuống, ta nên lạy càng sát đất càng tốt, hai chân và hai tay sát xuống đất, trán cũng sát vào đất.
Năng Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1993, tập sự xuất gia năm 2005 (12 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 3 năm 2007 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Nguyên Ái, pháp tự Chân Năng Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trầm Hương. Thọ giới lớn ngày 24 tháng 5 năm 2014 trong đại giới đàn Cam Lộ Vị. Nhận truyền đăng năm 2020 trong khóa tu xuất sĩ tại Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu với bài kệ truyền đăng:
Rừng bi biển trí năng khai ngộ
Tam học trau dồi nếp giữ nghiêm
Một sớm hừng đông lên tiếng gọi
Bến cũ xuôi về nối tổ tông
Là đệ tử thứ 468 của Thầy Làng Mai, sư cô Năng Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nắng Mai (Trời Nắng Mai) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1998, thọ giới Sa Di ngày 28 tháng 4 năm 2013 (15 tuổi), pháp danh Tâm Thiện Hữu, pháp tự Chân Trời Nắng Mai. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Gạo. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2019 trong đại giới đàn Bây Giờ Ở Đây tại Tu viện Vườn Ươm. Là đệ tử thứ 808 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nắng Mai thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nắng Mới (Trời Nắng Mới) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1996, thọ giới Sa Di ngày 16 tháng 12 năm 2018 (22 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Quảng Nghĩa, pháp tự Chân Trời Nắng Mới, thuộc gia đình xuất gia Cây Sơn Trà. Thọ giới lớn ngày 2 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 1094 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nắng Mới thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nắng Thủy Tinh (cơ sở) Một cư xá dành cho cư sĩ nữ tại tu viện Bích Nham.
Nẻo Vào Thiền Học (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do nhà Lá Bối, Sài Gòn xuất bản lần đầu năm 1971, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Sách này được nhà Seghers ở Paris xuất bản bằng tiếng Pháp với tựa đề là Zen Keys.
Nẻo Về Của Ý (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do nhà Lá Bối, Sài Gòn xuất bản lần đầu năm 1967, được dịch ra tiếng Anh và được tái bản nhiều lần ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Bản dịch tiếng Anh tựa đề Fragrant Palm Leaves do nhà xuất bản Parallax ấn hành. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn ấn hành năm 2007.
Nẻo Về Tiếp Nối Đường Đi (tác phẩm) Một vở thoại kịch do Thầy Làng Mai sáng tác năm 1967, sau khi nghe tin năm người tác viên xã hội của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội bị thảm sát trên bờ sông trong khi đi làm công tác xã hội. Vở kịch này đã được dịch ra Anh ngữ và đã được một đoàn ca kịch Đức trình diễn nhiều nơi tại Hoa Kỳ.
Nẻo về xấu ác (thuật ngữ) Đó là nẻo về địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Do thực tập chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp mà hành giả không đi về các nẻo xấu ác.
Nến Hồng (điện đường) Một thiền đường thuộc chùa Cam Lộ, Xóm Hạ.
Nến Ngọc
1. (lễ lược) Tên một đại giới đàn diễn ra từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 4 tháng 12 năm 1996 tại Làng Mai trong khóa An Cư Kiết Đông 1996 – 1997. Còn được gọi là đại giới đàn Ngọc Chúc.
2. (điện đường) Một thiền đường dành cho các thầy tại tu viện Bích Nham.
3. (Trăng Nến Ngọc) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1996, thọ giới Sa Di Ni ngày 8 tháng 12 năm 2013 (17 tuổi), pháp danh Tâm Diệu Khai, pháp tự Chân Trăng Nến Ngọc. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Đoàn. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2017 tại Tu viện Vườn Ươm trong đại giới đàn Tánh Thiên. Là đệ tử thứ 838 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Nến Ngọc thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nga Mi (Trăng Nga Mi) (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Malaysia, thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 7 năm 2011, pháp tự Chân Trăng Nga Mi. Thọ giới lớn ngày 24 tháng 5 năm 2014 trong đại giới đàn Cam Lộ Vị tại Làng Mai Pháp. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trúc Tím. Nhận truyền đăng năm 2023 trong Đại giới đàn Trừng Quang tổ chức tại Làng Mai Thái Lan với bài kệ truyền đăng:
Trăng không tròn không khuyết
Núi Nga Mi lưu danh
Phổ Hiền mười hạnh nguyện
Làm lợi lạc chúng sanh.
Là đệ tử thứ 723 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Nga Mi thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Ngàn Dặm (Trăng Ngàn Dặm) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1989, tập sự xuất gia năm 2013 (24 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 28 tháng 4 năm 2013, pháp danh Tâm Diệu An, pháp tự Chân Trăng Ngàn Dặm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Gạo. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2017 tại Tu viện Vườn Ươm trong đại giới đàn Tánh Thiên. Là đệ tử thứ 795 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Ngàn Dặm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Ngàn Hoa (Trăng Ngàn Hoa) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 2001, thọ giới Sa Di Ni ngày 20 tháng 5 năm 2018 (17 tuổi), pháp tự Chân Trăng Ngàn Hoa. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Ngọc Lan. Thọ giới lớn ngày 3 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 1068 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Ngàn Hoa thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Ngàn Phương (Trăng Ngàn Phương) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1996, thọ giới Sa Di Ni ngày 30 tháng 1 năm 2012 (16 tuổi), pháp danh Tâm Giới Định, pháp tự Chân Trăng Ngàn Phương. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Cúc Đại Đóa. Thọ giới lớn ngày 23 tháng 3 năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa. Là đệ tử thứ 749 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Ngàn Phương thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Ngày Đá Đơm Bông (bài hát) Một bài hát, nhạc của Nhật Ngân, tăng thân Làng Mai chỉnh lời.
Buổi tối ngủ trên đồi hỏi hòn đá nhỏ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một dòng sông.
Một dòng sông, mà ta vẫn thường ra ngồi giặt áo.
Và con đò, và câu hò theo nước trôi xuôi.
Buổi sáng ngồi trên rừng hỏi ngàn lá đổ.
Con đường nào, con đường nào dẫn đến một miền quê.
Một miền quê, trời năm ấy ruộng khô cằn sỏi đá.
Nay mưa về, nay mưa về cho lúa trổ bông.
Ơ ớ ơ quê mình giờ đây, con sông xưa thuyền có xuôi ngược.
Ơ ớ ơ kẽo kẹt võng đưa, ơ ớ ơ tiếng ru ngọt môi.
Thương những buổi trưa hè ta thường khe khẽ.
Con đường này, con đường này dẫn đến cõi tình thương.
Nhìn ra thấy mẹ đang đứng cười rung làn tóc trắng.
Tre cuối làng, cau sau vườn theo gió đong đưa.
Buổi sáng hỏi mây trời đi hoài có rõ.
Con đường này, con đường này mỗi bước tới quê hương.
Nhìn ra thấy bầy chim sáo rủ nhau về xây tổ.
Mưa đã về, mưa đang về cho đá đơm bông.
Ngày Đêm An Lành (bài tụng) Một bài tụng được sử dụng trong các công phu sáng hoặc chiều tại các thiền viện, có thể dùng cho cả hai phái Thiền tông và Tịnh Độ tông. Có trong sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 và Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn. Bản tiếng Anh có tựa đề May the day be well.
Ngày em hai mươi tuổi (lễ lược) Năm 2002 – nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập đạo tràng Mai Thôn, tại Mai Thôn có tổ chức nhiều khóa tu và nhiều sinh hoạt đặc biệt để ăn mừng. Lá thư Làng Mai số đặc biệt (tháng 2, 2002 – bằng tiếng Việt) và một văn tập đặc biệt bằng tiếng Anh được xuất bản nhân dịp này, lấy tên là I have arrived – I am home do sư cô Chân Châu Nghiêm chủ biên. Cũng trong dịp này, Thầy Làng Mai nhân danh niên trưởng môn phái tổ đình Từ Hiếu đã gửi thông điệp Phật giáo dân tộc – Đạo Bụt hiện đại cho tất cả bốn chúng của môn phái về việc làm mới đạo Bụt Việt Nam. Sau đây là nguyên văn Thông bạch đầu năm 2002.
“Kính gửi liệt vị tôn đức, các vị sư trưởng và toàn thể đại chúng, Năm mới tôi kính cẩn cầu chư Bụt, chư Bồ Tát và liệt vị Tổ Sư nhiếp thọ và bảo hộ cho liệt vị tôn đức, sư trưởng và toàn thể đại chúng được an vui suốt năm và gặt hái được nhiều hoa trái của sự thực tập giáo pháp mầu nhiệm của đức Thế Tôn. Rất mong trong năm nay tất cả các Chùa, Viện, Niệm Phật Đường và tư gia thuộc môn phái thực hiện được những bước tiến sau đây trong đường hướng xây dựng một nền Phật giáo dân tộc và một đạo Bụt hiện đại.
1. Tại các tổ đường, cũng như tại tư gia, an trí tôn tượng của thiền sư Tăng Hội, sơ tổ Thiền Tông Việt Nam và cũng là sơ tổ Giáo Tông Việt Nam. Mỗi năm xin tổ chức giỗ tổ Tăng Hội long trọng vào ngày rằm tháng chín âm lịch, ngày tổ thị tịch tại Chùa Kiến Sơ năm 280, cách đây 1722 năm. Cùng với thông điệp này xin gửi theo một tôn tượng của thiền sư Tăng Hội do hai họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp thực hiện. Xin các Phật tử nghệ nhân góp sức để tiếp tục cung hiến những hình và tượng khác của sơ tổ, cũng như của chư vị tổ sư lớn khác của Phật Giáo Việt Nam như tổ sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Trúc Lâm Điều Ngự.
2. Áp dụng ngay vào thời khóa công phu sáng chiều các nghi thức tụng niệm toàn bằng quốc văn, theo sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 và Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn.
3. Phối hợp tuyệt hảo pháp môn Tịnh Độ và pháp môn Thiền Quán theo tinh thần tông phái Trúc Lâm, được diễn giải rõ ràng trong sách Thiết Lập Tịnh Độ, cất bỏ đi mọi sự ngăn ngại và những kẽ hở giữa hai truyền thống.
4. Đặt tất cả bốn uy nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) vào chánh niệm. Đại chúng thực tập thiền đi chung ngoài trời mỗi ngày một lần. Ngoài ra, mỗi khi cần di chuyển, ai nấy đều áp dụng phương pháp bước từng bước chân trong chánh niệm, phối hợp hơi thở với bước chân, sử dụng các bài kệ ‘đã về, đã tới…’ và ‘đây là tịnh độ…’.
5. Đem nội dung nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa vào sự thực tập. Đừng để sự thực tập hằng ngày rơi vào bẫy hình thức, dù là trong phép tọa thiền, thọ trai, niệm Bụt, chấp tác hay trì tụng. Thực tập theo nguyên tắc hiện pháp lạc trú mà Bụt đề ra.
6. Áp dụng pháp môn đệ nhị thân để săn sóc cho nhau.
7. Áp dụng pháp môn soi sáng để nâng đỡ nhau trong công phu thực tập chuyển hóa và đi tới.
8. Áp dụng pháp môn thiền lạy mỗi ngày để chuyển nghiệp và thiết lập lại truyền thông với thầy tổ, huynh đệ, và môn đồ. Mỗi vị xuất gia dù là sa di đều có ni-sư-đàn tùy thân mỗi khi lên Thiền Đường hoặc Phật Đường thực tập.
9. Y phục của người xuất gia, ngoài màu vàng cho ba y, đều được may bằng hoặc màu nâu sồng hoặc màu khói hương. Các vị ni sư và sư cô nên áp dụng chít khăn truyền thống Việt Nam và bỏ đi chiếc khăn đã bắt chước các bà sơ Tây phương từ 50 năm về trước.
10. Mỗi năm tổ chức và hướng dẫn các khóa tu cho các Phật tử tại gia (khóa tu một ngày, hai ngày cuối tuần, ba ngày, năm ngày, bảy ngày), giảng dạy và thực tập các pháp môn quán chiếu, điều phục cơn giận, ái ngữ, lắng nghe, làm mới, hòa giải, tụng giới, pháp đàm và tưới tẩm hạt giống tốt.
11. Xây cất chùa, viện và tăng xá, xin nhất thiết vâng theo kiến trúc truyền thống. Chúng ta có thể phát triển truyền thống, nhưng những nguyên tắc và đường nét chính cần được tôn trọng và duy trì. Kính thưa các vị tôn đức và liệt vị trong đại chúng, xã hội hiện thời đang có những bước tiến rất nhanh, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và giáo dục. Nếu chúng ta không hiện đại hóa được cách học hỏi và thực tập chánh pháp thì chúng ta sẽ không đáp ứng được kịp thời với những nhu cầu của xã hội mới. Xin liệt vị để tâm suy xét để chúng ta có thể cùng nhau đưa đạo Bụt thực sự vào đời sống hiện đại. Kính thông bạch, Thiền Sư Nhất Hạnh.”
Ngày Không Xe Hơi (phép tu) tiếng Anh là No-Car Day hay Car Free Day. Phép thực tập một ngày không sử dụng xe hơi chạy bằng xăng hay nhiên liệu khác có thể gây nên khí thải làm ô nhiễm môi trường. Phép thực tập này xuất phát từ tinh thần bảo vệ môi trường, bảo hộ trái đất và nỗ lực chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu bằng cách giảm thiểu lượng khí thải xe hơi vào bầu khí quyển. Bắt đầu từ mùa thu năm 2006 và cho đến nay, tất cả các xóm thuộc đạo tràng Mai Thôn đang thực tập ít nhất một Ngày Không Xe hơi trong tuần và thu hút được sự hưởng ứng tham gia của hàng ngàn người trên thế giới. Ta có thể cam kết không sử dụng xe hơi ít nhất một ngày trong tuần, trong tháng cũng như tiến hành những biện pháp khác giúp giảm thiểu lượng khí nhà xanh. Xin xem thêm tại trang nhà tiếng Anh: www.car-free-days.org
Ngày cư sĩ (thuật ngữ) xem ngày xuất sĩ.
Ngày không điện (phép tu) Tiếng Anh là No-Electricity Day. Một sự thực tập của các xóm thuộc Đạo tràng Mai Thôn theo tinh thần bảo vệ môi trường, bảo hộ trái đất và góp phần vào nỗ lực chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu. Tùy vào thời khóa sinh hoạt và vào mùa (Ở châu Âu, từ tháng 3 đến tháng 10, ban ngày dài hơn, mặt trời lặn rất muộn nên rất thuận tiện cho sự thực tập này) mà các xóm áp dụng thực tập một ngày không có điện (24h liên tục) trong tuần.
Ngày làm biếng (thuật ngữ) Ngày thực tập không có thời khóa chung, mỗi người thực tập theo ý mình muốn. Tại các Đạo Tràng Mai Thôn, mỗi tuần có một ngày gọi là ngày làm biếng. Tuy gọi là ngày làm biếng nhưng ngày này rất thanh tịnh và sự thực tập rất sâu sắc. Tuy không có chuông báo hiệu thời khóa, không có chuông nhắc nhở chánh niệm, nhưng năng lượng thực tập không thua sút những ngày khác. Mỗi hành giả có thể tự mình đi thiền hành, bái sám, tụng kinh, chấp tác, viết thư, học hỏi theo ý mình thích, và cũng có thể mời một vài người bạn tu cùng làm chung với mình. Sở dĩ không gọi ngày này là ngày nghỉ ngơi vì sự thực tập ở Làng mai là mọi sinh hoạt như ngồi thiền, đi thiền, nghe pháp thoại, ăn cơm chánh niệm, chấp tác, v.v… đều được thực tập một cách thoải mái, thảnh thơi, không gấp rút. Vì vậy sự thực tập nghỉ ngơi có thể được thực hiện mỗi ngày. Ngày làm biếng cũng là một ngày thực tập. Nếu ta quá quen với lao tác, ta không thể ngồi yên mà không làm gì thì ngày làm biếng là một cơ hội để thực tập không làm gì cả, hoặc có làm gì thì cũng làm theo kiểu không làm, để cho thân tâm được nghỉ ngơi. Không làm gì cả cũng là một sự thực tập, gặp nhau chào nhau trong ngày làm biếng, ta có thể hỏi thăm: hôm nay sư em có làm biếng giỏi không?
Ngày Mở Cửa (thuật ngữ) Ngày các xóm thuộc Mai Thôn Đạo Tràng mở cửa đón tiếp các bạn hàng xóm ở gần xung quanh và ở những thị trấn lân cận tới chơi và ăn chiều để giới thiệu cho các bạn về cuộc sống của Làng, cũng là cơ hội thiết lập quan hệ gần gũi và thân mật với người dân địa phương. Tiếng Anh là Open House. Ngày mở cửa được tổ chức một lần trong năm, thường vào đầu mùa hè và diễn ra ở ngoài trời.
Ngày quán niệm (thuật ngữ) Một ngày tu tập chánh niệm theo pháp môn Làng Mai. Tiếng Anh là Mindfulness Day. Trong ngày này đại chúng tập họp lại để cùng thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm, ăn cơm trong chánh niệm, cùng nghe pháp thoại và cùng nhau pháp đàm về những đề tài tu học. Năng lượng chánh niệm do mỗi thành viên trong tăng thân chế tác trong ngày quán niệm sẽ làm năng lượng chánh niệm tập thể hùng mạnh hơn và nguồn năng lượng này sẽ trở lại yểm trợ cho năng lượng chánh niệm của từng thành viên. Tại Làng Mai, ngày quán niệm diễn ra vào các ngày Thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần và được các Xóm luân phiên nhau tổ chức. Đại chúng được nghe pháp thoại trực tiếp của Thầy Làng Mai, cùng Thầy đi thiền hành, ăn cơm chánh niệm. Những khi Thầy Làng Mai đi vắng, đại chúng ở nhà vẫn duy trì hai ngày quán niệm dưới sự hướng dẫn của các vị giáo thọ. Ngày quán niệm tại các tu viện khác thuộc đạo tràng, đại chúng có thể nghe pháp thoại của các vị giáo thọ hay nghe pháp thoại thu thanh của Sư Ông từ CD hay lấy từ trên mạng internet, trong những dịp đặc biệt sẽ được nghe pháp thoại viễn liên. Ngày quán niệm cũng là một phần không thể thiếu trong chương trình sinh họạt hàng tuần hay hàng tháng của những tăng thân tại gia khắp nơi trên thế giới. Trong các chuyến hoằng pháp của tăng thân Làng Mai, ngày quán niệm cũng được tổ chức cho những bạn thiền sinh không có điều kiện tới dự trọn vẹn một khóa tu dài ngày.
Ngày xuất sĩ (thuật ngữ) Ngày sinh hoạt dành riêng cho giới đã xuất gia. Tiếng Anh là Monastic Day. Tại Làng Mai, vào khóa tu mùa Đông, mỗi tuần có một ngày sinh hoạt tại Nội viện Phương Khê dành riêng cho những người xuất sĩ (xem xuất sĩ). Cùng ngày ấy, tại một xóm của Làng Mai các vị cư sĩ cũng có một ngày sinh hoạt riêng, đó là ngày cư sĩ (tiếng Anh là Lay Day).
Ngân Hà (Trăng Ngân Hà) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1993, thọ giới Sa Di Ni ngày 18 tháng 12 năm 2014 (21 tuổi), pháp danh Tâm Quảng Mỹ, pháp tự Chân Trăng Ngân Hà. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Sồi Đỏ. Là đệ tử thứ 891 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Ngân Hà thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nghe chuông (phép tu) Tiếng chuông giúp ta trở về thực tập hơi thở chánh niệm. Mỗi khi nghe tiếng chuông, ta ngưng lại mọi suy tư, nói năng và di động để trở về với hơi thở.Thở vào ta thầm niệm “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe”, thở ra ta thầm niệm “Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”. Ta thực tập với bài kệ như thế ít nhất là ba lần. Ở Làng Mai, các buổi pháp thoại và pháp đàm đều có chuông chánh niệm để cả người nói lẫn người nghe có cơ hội thực tập an trú trong hiện tại. Ngoài ra, tiếng chuông đồng hồ đánh nhạc mỗi 15 phút hay tiếng chuông điện thoại cũng đều là cơ hội để mọi người thực tập.
Nghe pháp thoại (phép tu) Một phương pháp thực tập. Nghe không phải để chất chứa kiến thức Phật Pháp mà là để có cơ hội cho những hạt giống tuệ giác và từ bi có sẵn trong tâm thức được tưới tẩm và những khó khăn bức xúc được tháo gỡ và tan rã. Muốn nghe như thế thì không được sử dụng trí năng so sánh và phê phán mà cứ để cho những lời pháp thấm vào đất tâm – ‘mưa xuân nhẹ hạt đất tâm ướt, hạt đậu năm xưa hé miệng cười’- để giúp cho những hạt giống tốt trong ấy được có cơ hội tưới tẩm và nẩy mầm. Trí năng so sánh được ví như một tấm ni-lông được giăng ra để hứng nước mưa và vì vậy không cho mưa thấm được vào lòng đất. Nghe pháp thoại, hành giả cũng ngồi trong tư thế kiết già và buông thư như trong giờ thiền ngồi vậy.
Nghệ thuật thiết lập truyền thông (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai, chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh The art of communicating. Sách do Phương Nam Book phát hành tại Việt Nam năm 2018.
Nghi Thức Tụng Giới Nam Khất Sĩ (sách) Giới bản nam khất sĩ và nghi thức tụng giới do Đạo Tràng Mai Thôn ấn hành năm 1999, phổ biến cho Đạo Tràng Mai Thôn và các trung tâm trực thuộc.
Nghi Thức Tụng Giới Nữ Khất Sĩ (sách) Giới bản nữ khất sĩ và nghi thức tụng giới do Đạo Tràng Mai Thôn ấn hành năm 1999, phổ biến cho Đạo Tràng Mai Thôn và các trung tâm trực thuộc.
Nghi Thức Tụng Niệm (sách) Sách gồm các kinh căn bản bằng quốc văn do Thầy Làng Mai dịch từ tiếng Hán và các nghi thức như tụng giới, truyền giới, giỗ tổ tiên, cúng ngọ v.v… Nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản lần đầu năm 1989 và được tái bản nhiều lần. Bản tiếng Anh dưới tựa đề The Plum Village Chanting and Recitation Book, do nhà Parallax ấn hành.
Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn (sách) Một cuốn sách do Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn biên soạn, được hoàn chỉnh từ cuốn Nghi Thức Tụng Niệm năm 1994 và Thiền Môn Nhật Tụng năm 2000. Nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản năm 1999, đã được dịch và phổ biến ở nhiều nước.
Nghĩa Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1982, tập sự xuất gia năm 2005 (23 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 3 năm 2007 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Diệu Châu, pháp tự Chân Nghĩa Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trầm Hương. Thọ giới lớn năm 2010 trong đại giới đàn Hoa Thủy Tiên. Nhận truyền đăng năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa diễn ra tại Tu viện Vườn Ươm với bài kệ truyền đăng:
Một kiếp bồi đắp trọn nghĩa tình
Nghiêm lòng vững chí vượt tử sinh
Bến cũ thuyền về tay cứu độ
Cao lời dạo hát khúc vô sinh.
Là đệ tử thứ 412 của Thầy Làng Mai, sư cô Nghĩa Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Ngoại Phương (Trăng Ngoại Phương) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1980, thọ giới Sa Di Ni ngày 23 tháng 3 năm 2011 (31 tuổi), pháp tự Chân Trăng Ngoại Phương. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trúc Xanh. Thọ giới lớn ngày 25 tháng 5 năm 2014 trong đại giới đàn Cam Lộ Vị. Là đệ tử thứ 701 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Ngoại Phương thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Ngọc Chiếu (Trăng Ngọc Chiếu) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1989, tập sự xuất gia năm 2016 (27 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 15 tháng 12 năm 2016 tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Liên Từ, pháp tự Chân Trăng Ngọc Chiếu. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Mai Vàng. Thọ giới lớn ngày 3 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 1009 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Ngọc Chiếu thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Ngọc Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1991, tập sự xuất gia năm 2006 (15 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 3 năm 2007 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Thanh Cúc, pháp tự Chân Ngọc Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trầm Hương. Là đệ tử thứ 462 của Thầy Làng Mai, sư cô Ngọc Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Ngộ Đạt (Trời Ngộ Đạt) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1992, thọ giới Sa Di ngày 28 tháng 4 năm 2013 (21 tuổi), pháp danh Tâm Minh Hùng, pháp tự Chân Trời Ngộ Đạt. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Gạo. Là đệ tử thứ 832 của Thầy Làng Mai, sư chú Trời Ngộ Đạt thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Ngộ Không (Trời Ngộ Không) (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nam của Làng Mai. Người Croatie, sinh năm 1970, thọ giới Sa Di ngày 3 tháng 7 năm 2011 (41 tuổi) tại Chùa Pháp Vân – Làng Mai, pháp danh Tâm An Trú, pháp tự Chân Trời Ngộ Không. Thọ giới lớn ngày 24 tháng 5 năm 2014 trong đại giới đàn Cam Lộ Vị. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Trúc Tím. Nhận truyền đăng năm 2021 tại Tu viện Lộc Uyển với bài kệ truyền đăng:
Ngộ tâm chẳng thuộc thời gian
Không môn nào phải rộn ràng đến đi
Đá mòn mưa pháp khắc ghi
Thiên nhiên nở đóa tường vi cho đời.
Là đệ tử thứ 718 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Ngộ Không thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Ngộ Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1991, tập sự xuất gia năm 2005 (14 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 3 năm 2007 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Nguyên Chơn, pháp tự Chân Ngộ Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trầm Hương. Là đệ tử thứ 460 của Thầy Làng Mai, sư cô Ngộ Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Ngồi Yên(điện đường) Một cái thất của ThầyLàng Mai tại chùa Pháp Vân, Xóm Thượng.
Ngũ quán đường(cơ sở) Tên nhà ăn tại chùa Pháp Vân, Xóm Thượng.
Nguồn Sáng (Trời Nguồn Sáng) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1984, thọ giới Sa Di ngày 20 tháng 05 năm 2018 (34 tuổi), pháp danh Tâm Chánh Đạo, pháp tự Chân Trời Nguồn Sáng, thuộc gia đình xuất gia Cây Ngọc Lan. Thọ giới lớn ngày 2 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 1051 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nguồn Sáng thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nguyên Anh (Trăng Nguyên Anh) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Hoa Kỳ, sinh năm 1979, tập sự xuất gia năm 2018 (43 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 18 tháng 5 năm 2019, pháp danh Tâm Đồng Tiến, pháp tự Chân Trăng Nguyên Anh. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Đầu Xuân. Là đệ tử thứ 1102 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Nguyên Anh thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nguyên Chơn (tên gọi) Thượng tọa Thích Nguyên Chơn. Một vị giáo thọ xuất gia nam. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 2001 trong đại giới đàn Kỷ Nguyên Mới với bài kệ truyền đăng như sau:
Châu về hợp phố nhập Nguyên lưu.
Chơn nghĩa viên dung ý thượng thừa.
Non xưa trăng sáng soi lòng tháp.
Ngày về một gọi có ngàn thưa.
Nguyên Lực (tên gọi) Một vị xuất gia nam tu học theo pháp môn Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1990, xuất gia thọ giới Sa Di ngày 01 tháng 09 năm 2008 tại chùa Kim Sơn, Huế, Việt Nam năm 18 tuổi, Pháp danh Quảng Hiến, Pháp tự Thích Nguyên Lực. Thọ giới Lớn ngày 15 tháng 08 năm 2013 trong đại giới đàn Liễu Quán tại Huế. Đến Làng Mai năm 2017. Thầy Thích Nguyên Lực thuộc thế hệ thứ 45 tông Lâm Tế và thế hệ thứ 11 phái Liễu Quán.
Nguyên Thông (tên gọi) Thượng tọa Thích Nguyên Thông. Một vị giáo thọ xuất gia nam. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 2004 trong đại giới đàn Lâm Tế với bài kệ truyền đăng như sau:
Ngọc trắng tâm lành Nguyên vẹn.
Cảm Thông muôn nẻo nhiệm màu.
Mạch nước từ bi phát hiện.
Đẹp lòng hai ngả xưa sau.
Nguyên Tịnh (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nam tu học theo pháp môn Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1986, xuất gia thọ giới Sa Di ngày 19 tháng 06 năm 2000 tại chùa Kim Sơn, Huế, Việt Nam năm 15 tuổi, Pháp danh Quảng Huy, Pháp tự Thích Nguyên Tịnh. Thọ giới Lớn ngày 19 tháng 09 năm 2005 trong đại giới đàn Giác Nhiên tại Huế. Nhận truyền đăng tại Làng Mai năm 2018 trong khoá tu xuất sĩ “Còn nhau ta còn tương lai” với bài kệ truyền đăng:
Căn nguyên lục giác thể đồng quang
Ngũ uẩn hành thâm tịnh thế gian
Chân vọng tùy tâm y tha khởi
Viên thành thật tánh tự an ban.
Đến Làng Mai năm 2014. Thầy Thích Nguyên Tịnh thuộc thế hệ thứ 45 tông Lâm Tế và thế hệ thứ 11 phái Liễu Quán.
Nguyên Xuân (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ, pháp tự Minh Huyền. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 1996 trong đại giới đàn Nến Ngọc với bài kệ truyền đăng như sau:
Minh nguyệt chiếu soi từ đỉnh núi.
Huyền cơ nắm giữ giữa lòng tay.
Bản thân vốn đủ đầy công dụng.
An lạc há cần tùy thuộc ai?
Nguyên Sinh (Trời Nguyên Sinh) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1985, thọ giới Sa Di ngày 30 tháng 1 năm 2012 (27 tuổi), pháp danh Tâm Nhật Thái, pháp tự Chân Trời Nguyên Sinh. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Cúc Đại Đóa. Thọ giới lớn ngày 23 tháng 3 năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa. Là đệ tử thứ 730 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nguyên Sinh thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nguyên Sơ (Trăng Nguyên Sơ) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1990, thọ giới Sa Di ngày 4 tháng 7 năm 2012 (22 tuổi), pháp danh Tâm Đức Mỹ, pháp tự Chân Trăng Nguyên Sơ. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Đỗ Quyên. Là đệ tử thứ 769 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Nguyên Sơ thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nguyên Tường (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ tu học theo pháp môn Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1981, thọ giới Sadini năm 2003 (22 tuổi) tại chùa Từ Nghiêm (Việt Nam). Thọ giới lớn tháng 11 năm 2008 tại chùa Từ Nghiêm. Nhận truyền đăng tại Tu viện Vườn Ươm năm 2019 trong đại giới đàn Bây Giờ Ở Đây với bài kệ truyền đăng:
Bắc nam trí giác cùng nguyên thể
Đại ý thiền tông sáng tỏ tường
Hương tích cõi Bụt đâu xa lắm
Hoa nở hương bay vạn dặm phần.
Hiện đang sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nguyền Ước (Trăng Nguyền Ước) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1986, thọ giới Sa Di Ni ngày 17 tháng 10 năm 2010 (24 tuổi), pháp danh Tâm An Trú, pháp tự Chân Trăng Nguyền Ước. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trúc Vàng. Thọ giới lớn ngày 24 tháng 5 năm 2014 trong đại giới đàn Cam Lộ Vị tại Tu viện Vườn Ươm. Là đệ tử thứ 691 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Nguyền Ước thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nguyện Hải (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Đan Mạch, sinh năm 1962, tập sự xuất gia năm 1990 (28 tuổi), thọ giới Sa Di ngày 27 tháng 12 năm 1990 tại chùa Cam Lộ, pháp danh Tâm Thiện Bình, pháp tự Chân Nguyện Hải. Thầy thuộc gia đình xuất gia Con Sư Tử. Thọ giới lớn ngày 10 tháng 1 năm 1992 trong đại giới đàn Cam Lộ. Nhận truyền đăng năm 1996 trong đại giới đàn Nến Ngọc với bài kệ truyền đăng:
Nguyện ước truyền theo tia nắng sớm
Hải triều vang động tiếng chuông khuya
Tập hợp mây hồng trên đỉnh núi
Nhạc khúc vô sinh nhịp bước về.
Là đệ tử thứ 8 của Thầy Làng Mai, thầy Nguyện Hải thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nguyện Lực (Trời Nguyện Lực) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Thái Lan, sinh năm 1980, thọ giới Sa Di ngày 8 tháng 12 năm 2013 (33 tuổi), pháp danh Inner Transformation of the Heart, pháp tự Chân Trời Nguyện Lực, thuộc gia đình xuất gia Cây Đoàn. Thọ giới lớn tại Tu viện Vườn Ươm ngày 22 tháng 2 năm 1017 trong đại giới đàn Tánh Thiên. Là đệ tử thứ 815 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nguyện Lực thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nguyện Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1987, tập sự xuất gia năm 2008 (21 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 08 tháng 03 năm 2009 tại Chùa Từ Hiếu, pháp danh Tâm Phước Nguyện, pháp tự Chân Nguyện Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Sen Vàng. Là đệ tử thứ 612 của Thầy Làng Mai, sư cô Nguyện Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nguyện Ước (Trời Nguyện Ước) (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1995, thọ giới Sa Di ngày 28 tháng 4 năm 2013 (18 tuổi), pháp danh Tâm Nhuận Minh, pháp tự Chân Trời Nguyện Ước. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Gạo. Thọ giới lớn ngày 23 tháng 3 năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa tại Tu viện Vườn Ươm. Nhận truyền đăng năm 2023 trong Đại giới đàn Trừng Quang tổ chức tại Làng Mai Thái Lan với bài kệ truyền đăng:
Chân tâm soi tỏ trời cao rộng
Nguyện ước năm xưa vững một lòng
Tăng đi từng bước xây mầm tuệ
Nghĩa trả ơn đền vẹn núi sông.
Là đệ tử thứ 804 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nguyện Ước thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nguyệt Hồ (cơ sở) Một cư xá dành cho các sư cô tại xóm Hạc Trắng, tu viện Bích Nham.
Nguyệt Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1991, tập sự xuất gia năm 2006 (15 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 3 năm 2007 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Thanh Túc, pháp tự Chân Nguyệt Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trầm Hương. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2011 trong đại giới đàn Lắng Nghe. Nhận truyền đăng năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa tại Làng Mai Pháp với bài kệ truyền đăng:
Bóng Nguyệt in dòng suối thánh Nghiêm
Rong chơi đất nước xót thương người
Trong tay cầm mặt trời trí tuệ
Tuổi trẻ hồn nhiên Bụt mỉm cười.
Là đệ tử thứ 469 của Thầy Làng Mai, sư cô Nguyệt Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Ngự Bình (Trăng Ngự Bình) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1989, thọ giới Sa Di Ni ngày 12 tháng 5 năm 2016 (27 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Lệ Nghiêm, pháp tự Chân Trăng Ngự Bình. Sư cô thuộc gia đình xuất gia cây Hoàng Yến. Thọ giới lớn ngày 3 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 950 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Ngự Bình thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Người ấy chính là bà (giai thoại) Trong một buổi vấn đáp của khóa tu 21 ngày tại Làng Mai, có một vị thiền sinh nữ lên đặt một câu hỏi với Thầy Làng Mai. Bà hỏi:
“Kính bạch Thầy, sau này khi Thầy không còn nữa, sẽ có một người phụ nữ nào thay thế Thầy không ạ?”
Thầy trả lời: “ Có, người đó chính là bà!”
(Dear Thầy, in the future when you are no longer here, will there be a woman who would replace you?” – “You are the one!”)
Người Vô Sự (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành năm 2008, nội dung là bình giảng tác phẩm Lâm Tế Ngữ Lục Đại Toàn.
Nhà Trăng Biển (điện đường) Phòng nghỉ của Thầy Làng Mai ở Xóm Mới.
Nhã Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người gốc Đại Hàn, quốc tịch Hoa Kỳ, thọ giới Sa Di Ni ngày 27 tháng 07 năm 1999 tại chùa Từ Nghiêm – Làng Mai, pháp tự Chân Nhã Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Xoài. Là đệ tử thứ 85 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhã Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhạc Kinh (sách) Một tuyển tập nhạc bao gồm các bài kinh, kệ và sám nguyện trong sách Nhật Tụng Thiền Môn do nhạc sĩ Anh Việt phổ nhạc. Nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản năm 1999.
Nhạc Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1988, tập sự xuất gia năm 2005 (17 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 10 tháng 5 năm 2006 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Nguyên Ân, pháp tự Chân Nhạc Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hải Đường. Thọ giới lớn năm 2010 trong đại giới đàn Hoa Thủy Tiên. Là đệ tử thứ 378 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhạc Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhàn Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1992, thọ giới Sa Di Ni ngày 21 tháng 11 năm 2009 (17 tuổi), pháp danh Tâm Quảng Đăng, pháp tự Chân Nhàn Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Sen Hồng. Là đệ tử thứ 664 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhàn Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhãn Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1983, tập sự xuất gia năm 2006 (23 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 3 năm 2007 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Thanh Vinh, pháp tự Chân Nhãn Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trầm Hương. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2011 trong đại giới đàn Lắng Nghe. Nhận truyền đăng năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa tại Làng Mai Pháp với bài kệ truyền đăng:
Tâm đăng Nhãn tuệ thường toả chiếu
Không có không không khó thể lường
Giới hạnh Nghiêm thân đừng xao lãng
Hoa đào nở sáng khắp quê hương.
Là đệ tử thứ 414 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhãn Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhân Hạnh (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1990, thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 12 năm 2022 (32 tuổi), pháp danh Nguyên Diệu Nguyệt, pháp tự Chân Nhân Hạnh. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Xích Tùng, là đệ tử thứ 13 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư cô Nhân Hạnh thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhẫn Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1969, tập sự xuất gia năm 2006 (37 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 11 tháng 2 năm 2007 tại Chùa Cam Lộ – Làng Mai, pháp danh Tâm Nguyên Tịnh, pháp tự Chân Nhẫn Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Đu Đủ. Thọ giới lớn năm 2010 trong đại giới đàn Hoa Thủy Tiên. Nhận truyền đăng năm 2023 trong Đại giới đàn Trừng Quang tổ chức tại Làng Mai Thái Lan với bài kệ truyền đăng:
Chân tâm một nẻo đi về
Hành trang ẩn nhẫn xá hề gian truân
Nghiêm phong hoạt thái chuyên cần
Quê hương lối cũ bước chân vững vàng.
Là đệ tử thứ 392 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhẫn Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nhập Lưu (Trời Nhập Lưu) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1993, thọ giới Sa Di ngày 16 tháng 12 năm 2018 (25 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Thương Yêu, pháp tự Chân Trời Nhập Lưu. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Sơn Trà. Thọ giới lớn ngày 2 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 1098 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nhập Lưu thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhất Ấn (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Canada gốc Ấn Độ, sinh năm 2000, thọ giới Sa Di ngày 25 tháng 9 năm 2022 (22 tuổi), pháp danh Compassionate Action of the Heart, pháp tự Chân Nhất Ấn. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Manzanita, là đệ tử thứ 5 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Ấn thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Ân (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Thọ giới Sa Di ngày 27 tháng 10 năm 2024 tại Làng Mai, pháp danh Peaceful Breath of the Source, pháp tự Chân Nhất Ân. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Tulip, là đệ tử thứ 90 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Ân thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Âm (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1996, thọ giới Sa Di ngày 23 tháng 1 năm 2024 (28 tuổi), pháp danh Nguyên Dũng, pháp tự Chân Nhất Âm. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Bàng, là đệ tử thứ 62 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Âm thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Bảo (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 7 năm 2024, pháp danh Nguyên Chánh Tín, pháp tự Chân Nhất Bảo. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng, là đệ tử thứ 84 của thế thệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Bảo thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Chiếu (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1996, thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 12 năm 2022 (26 tuổi), pháp danh Nguyên Tâm Hiếu Thuận, pháp tự Chân Nhất Chiếu. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Xích Tùng, là đệ tử thứ 19 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Chiếu thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Dung (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1998, thọ giới Sa Di ngày 6 tháng 3 năm 2024 (26 tuổi), pháp danh Nguyên Minh Giác, pháp tự Chân Nhất Dung. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hồng Táo, là đệ tử thứ 69 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Dung thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Đạo (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1994, thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 12 năm 2022 (28 tuổi), pháp danh Nguyên Bảo Đức, pháp tự Chân Nhất Đạo. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Xích Tùng, là đệ tử thứ 16 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Đạo thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Đăng (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1996, thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 12 năm 2022 (26 tuổi), pháp danh Nguyên Phong, pháp tự Chân Nhất Đăng. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Xích Tùng, là đệ tử thứ 18 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Đăng thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhất Điền (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Canada, sinh năm 1978, thọ giới Sa Di ngày 24 tháng 9 năm 2023 (45 tuổi), pháp danh Peaceful Concentration of the Source, pháp tự Chân Nhất Điền. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Toyon, là đệ tử thứ 32 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Điền thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhất Định (tên gọi) Vị tổ sư khai sơn chùa Từ Hiếu, Huế, nơi phát xuất Đạo Tràng Mai Thôn. Họ Nguyễn, sinh năm 1784 tại Quảng Trị, tập sự xuất gia từ hồi còn bé, 19 tuổi được thọ giới sa di tại chùa Thiền Tông với bổn sư là thiền sư Phổ Tịnh. Thọ giới lớn tại giới đàn chùa Linh Mụ với thiền sư Mật Hoằng. Năm 30 tuổi được thiền sư Phổ Tịnh phú pháp truyền đăng với bài kệ:
Nhất Định chiếu quang minh.
Hư không nguyệt mãn viên.
Tổ tổ truyền phú chúc.
Đạo minh kế Tánh Thiên.
Tổ tịch năm 1847. Sau đó am An Dưỡng nơi tổ cư trú được xây dựng thành chùa Từ Hiếu.
Nhất Giác (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1997, thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 5 năm 2023 (26 tuổi), pháp danh Tâm Xuân Quang, pháp tự Chân Nhất Giác. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Nhãn, là đệ tử thứ 26 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Giác thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Giới (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1985, thọ giới Sa Di ngày 23 tháng 1 năm 2024 (39 tuổi), pháp danh Nguyên Tuệ, pháp tự Chân Nhất Giới. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Bàng, là đệ tử thứ 66 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Giới thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Hạnh (tên gọi) Xem Thầy Làng Mai.
Nhất Hạnh Thiền Sư Văn Tập (sách) Một bộ sách của thiền sư Nhất Hạnh gồm có 12 tác phẩm như Trái Tim Của Bụt, Trái Tim Mặt Trời, Phép lạ của Sự Tỉnh Thức, v.v… do Minh Hạo dịch từ Anh ngữ sang Hoa ngữ, nhà xuất bản Hư Vân Ấn Kinh Công Đức Tạng ấn hành ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Văn tập gồm tám tập, do thiền sư Tịnh Tuệ chùa Bách Lâm đề tựa và giới thiệu. Văn tập này đã được nhà xuất bản Tôn Giáo Văn Hóa Xuất Bản Xã ấn hành trở lại. Địa chỉ của nhà xuất bản này: số 44, Hậu Hải Bắc Duyên, khu Tây Thành, Bắc Kinh. Mười hai tác phẩm của văn tập là: Phật Chi Tâm Pháp, Sinh Mệnh Đích Chuyển Hóa Dữ Liệu Cứu, Hô Hấp Nễ Hoạt Trước, Thiền Đích Yếu Lĩnh, Tĩnh Tu Dũ Hợp Chi Đạo, Chánh Niệm Đích Kỳ Tích, Thiết Xuyên Vọng Tưởng Đích Kim Cương Thạch, Y Đại Trung Đích Mai Khôi, Bộ Nhập Giải Thoát, Đương Hạ Nhất Khắc Mỹ Diệu Nhất Khắc, Tương Tức và Ái Đích Ngôn Giáo.
Nhất Hạo (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Trung Quốc, sinh năm 1996, thọ giới Sa Di ngày 6 tháng 3 năm 2024 (28 tuổi), pháp danh Awakening Life of the Source, pháp tự Chân Nhất Hạo. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hồng Táo, là đệ tử thứ 72 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Hạo thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Hậu (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 7 năm 2024, pháp danh Nguyên Phúc Định, pháp tự Chân Nhất Hậu. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng, là đệ tử thứ 76 của thế thệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Hậu thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Hòa (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 7 năm 2024, pháp danh Nguyên Đức, pháp tự Chân Nhất Hòa. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng, là đệ tử thứ 78 của thế thệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Hòa thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Hội (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 7 năm 2024, pháp danh Nguyên Tịnh Đức, pháp tự Chân Nhất Hội. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng, là đệ tử thứ 74 của thế thệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Hội thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Hướng (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Mỹ, sinh năm 1989, thọ giới Sa Di ngày 25 tháng 9 năm 2022 (33 tuổi), pháp danh Steadfast Stream of the Source, pháp tự Chân Nhất Hướng. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Manzanita, là đệ tử thứ 4 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Hướng thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Lạc (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 2002, thọ giới Sa Di ngày 23 tháng 1 năm 2024 (22 tuổi), pháp danh Nguyên Hải Duyên, pháp tự Chân Nhất Lạc. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Bàng, là đệ tử thứ 65 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Lạc thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Lâm (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Hoa Kỳ, sinh năm 1987, thọ giới Sa Di ngày 24 tháng 9 năm 2023 (36 tuổi), pháp danh Trusting Source of Peace, pháp tự Chân Nhất Lâm. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Toyon, là đệ tử thứ 28 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Lâm thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Lộ (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 2005, thọ giới Sa Di ngày 6 tháng 3 năm 2024 (19 tuổi), pháp danh Nguyên Phước, pháp tự Chân Nhất Lộ. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hồng Táo, là đệ tử thứ 73 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Lộ thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Lương (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Estonia, sinh năm 1985, thọ giới Sa Di ngày 5 tháng 11 năm 2023 (38 tuổi), pháp danh Gentle Smile of the Source, pháp tự Chân Nhất Lương. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Thủy Tiên, là đệ tử thứ 38 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Lương thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhất Lưu (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1998, thọ giới Sa Di ngày 12 tháng 6 năm 2022 (24 tuổi), pháp danh Nguyên Đức, pháp tự Chân Nhất Lưu. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Tùng Lọng, là đệ tử thứ 3 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Lưu thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Minh (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 7 năm 2024, pháp danh Nguyên Từ, pháp tự Chân Nhất Minh. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng, là đệ tử thứ 81 của thế thệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Minh thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Mộc (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Thụy Điển, sinh năm 1994, thọ giới Sa Di ngày 5 tháng 11 năm 2023 (29 tuổi), pháp danh Universal Happiness of the Source, pháp tự Chân Nhất Mộc. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Thủy Tiên, là đệ tử thứ 42 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Mộc thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhất Nghĩa (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1990, thọ giới Sa Di ngày 6 tháng 3 năm 2024 (34 tuổi), pháp danh Nguyên An, pháp tự Chân Nhất Nghĩa. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hồng Táo, là đệ tử thứ 68 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Nghĩa thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1994, tập sự xuất gia năm 2007 (13 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 08 tháng 06 năm 2008 tại Tu viện Bát Nhã, pháp tự Chân Nhất Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Ngô Đồng. Thọ giới lớn năm 2014 trong đại giới đàn Cam Lộ Vị. Nhận truyền đăng ngày 3 tháng 9 năm 2022 tại tu viện Bích Nham với bài kệ truyền đăng:
Nhất tâm hướng Phật
Hộ trì nghiêm thân
Báo phụ mẫu ân
Tạ tứ chúng nghĩa
Nhật nhật bất vong.
Là đệ tử thứ 544 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhất Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nhất Ngộ (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 7 năm 2024, pháp danh Nguyên Giác Sĩ, pháp tự Chân Nhất Ngộ. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng, là đệ tử thứ 82 của thế thệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Ngộ thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Ngôn (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 7 năm 2024, pháp danh Nguyên Châu, pháp tự Chân Nhất Ngôn. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng, là đệ tử thứ 80 của thế thệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Ngôn thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Nguyên (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Thụy Điển, sinh năm 1993, thọ giới Sa Di ngày 5 tháng 11 năm 2023 (30 tuổi), pháp danh Graceful Movement of the Source, pháp tự Chân Nhất Nguyên. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Thủy Tiên, là đệ tử thứ 41 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Nguyên thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Nguyện (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1997, thọ giới Sa Di ngày 12 tháng 6 năm 2022 (25 tuổi), pháp danh Nguyên Lâm, pháp tự Chân Nhất Nguyện. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Tùng Lọng, là đệ tử đầu tiên (1) của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Nguyện thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Ngữ (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1984, thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 5 năm 2023 (39 tuổi), pháp danh Tâm Dung Thông, pháp tự Chân Nhất Ngữ. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Nhãn, là đệ tử thứ 27 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Giác thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Niệm (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1994, thọ giới Sa Di ngày 12 tháng 6 năm 2022 (28 tuổi), pháp danh Nguyên Định, pháp tự Chân Nhất Niệm. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Tùng Lọng, là đệ tử thứ 2 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Niệm thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Phương (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 7 năm 2024, pháp danh Nguyên Hiếu, pháp tự Chân Nhất Phương. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng, là đệ tử thứ 83 của thế thệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Phương thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Quán
1. (Trời Nhất Quán) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1993, thọ giới Sa Di ngày 2 tháng 7 năm 2014 (21 tuổi), pháp danh Tâm Pháp Châu, pháp tự Chân Trời Nhất Quán. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Trắc Bá. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2017 trong đại giới đàn Tánh Thiên tại Tu viện Vườn Ươm. Là đệ tử thứ 860 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nhất Quán thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
2. Nhất Quán (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Thọ giới Sa Di ngày 27 tháng 10 năm 2024 tại Làng Mai, pháp danh Généreusu Détermination de la Source, pháp tự Chân Nhất Quán. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Tulip, là đệ tử thứ 92 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Quán thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Quang (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Thọ giới Sa Di ngày 6 tháng 10 năm 2024 tại Tu viện Lộc Uyển, pháp danh Deep Awakening of the Source, pháp tự Chân Nhất Quang. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Tử Đinh Hương, là đệ tử thứ 87 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Quang thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Sơn (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Hoa Kỳ, sinh năm 1983, thọ giới Sa Di ngày 24 tháng 9 năm 2023 (40 tuổi), pháp danh Peaceful Transformation of the Source, pháp tự Chân Nhất Sơn. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Toyon, là đệ tử thứ 33 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Sơn thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Tâm (Trời Nhất Tâm) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1979, thọ giới Sa Di ngày 8 tháng 12 năm 2013 (34 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Nhuận Vân, pháp tự Chân Trời Nhất Tâm, thuộc gia đình xuất gia Cây Đoàn. Thọ giới lớn tại Tu viện Vườn Ươm ngày 22 tháng 2 năm 1017 trong đại giới đàn Tánh Thiên. Là đệ tử thứ 823 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nhất Tâm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nhất Thanh (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Bỉ, sinh năm 1985, thọ giới Sa Di ngày 5 tháng 11 năm 2023 (38 tuổi), pháp danh Stable Openness of the Heart, pháp tự Chân Nhất Thanh. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Thủy Tiên, là đệ tử thứ 37 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Thanh thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Thể (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1992, thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 12 năm 2022 (30 tuổi), pháp danh Nguyên Phương Khê, pháp tự Chân Nhất Thể. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Xích Tùng, là đệ tử thứ 6 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Thể thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Thiên (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Hoa Kỳ, sinh năm 1987, thọ giới Sa Di ngày 24 tháng 9 năm 2023 (36 tuổi), pháp danh Compassionate Giving of the Heart, pháp tự Chân Nhất Thiên. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Toyon, là đệ tử thứ 31 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Thiên thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Thừa (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 2006, thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 12 năm 2022 (16 tuổi), pháp danh Nguyên Tâm Quảng Yên, pháp tự Chân Nhất Thừa. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Xích Tùng, là đệ tử thứ 25 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Thừa thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Tín (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1988, thọ giới Sa Di ngày 6 tháng 3 năm 2024 (36 tuổi), pháp danh Nguyên An Ban, pháp tự Chân Nhất Tín. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hồng Táo, là đệ tử thứ 70 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Tín thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Từ (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Thọ giới Sa Di ngày 27 tháng 10 năm 2024 tại Làng Mai, pháp danh Wonderful Refuge of the Source, pháp tự Chân Nhất Từ. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Tulip, là đệ tử thứ 93 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Từ thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Trì (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Thọ giới Sa Di ngày 6 tháng 10 năm 2024 tại Tu viện Lộc Uyển, pháp danh Guiding Light of the Source, pháp tự Chân Nhất Trì. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Tử Đinh Hương, là đệ tử thứ 86 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Trì thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Trí (tên gọi) Tên thật là Nguyễn Nhất Trí, sinh năm 1948, người huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, được Thầy Làng Mai thế phát cho thọ mười giới Sa Di năm 1964, pháp danh Tâm Thể, trở thành đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy Làng Mai. Sư chú làm thị giả cho Thầy từ tháng giêng năm 1964. Đến tháng 7 năm 1964, sư chú được Thầy giao phó thành lập Làng Tình Thương hoa tiêu tại Xã Thảo Điền, Gia Định cùng với sư chị Chín và đã sát cánh với sư chị đi cứu trợ mỗi hai tháng một lần trên sông Thu Bồn, vượt vùng lửa đạn vào tận những nơi xa xôi những nơi mà ít người dám tới để mang gạo, áo quần và thuốc men cho người đói và rét ở những vùng núi xa từ tháng 11 năm 1964 đến tháng 8 năm 1965. Tháng 9 năm 1965, sư chú là một trong số 300 người sinh viên đầu tiên được tuyển vào Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Ngày 14 tháng 6 năm 1967, trong khi đang công tác tại Xã Linh Đông, Ấp Bình Quới, Thủ Đức, Gia Định, sư chú bị một toán người lạ mặt đến dẫn đi mất tích cùng với bảy thanh niên Phụng Sự Xã Hội cùng đội công tác với sư chú. Sư Chú chưa kịp thọ đại giới.
Nhất Trú (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1989, thọ giới Sa Di ngày 23 tháng 1 năm 2024 (35 tuổi), pháp danh Nguyên Vô Ngại, pháp tự Chân Nhất Trú. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Bàng, là đệ tử thứ 57 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Trú thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Vân (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Bồ Đào Nha, sinh năm 1975, thọ giới Sa Di ngày 5 tháng 11 năm 2023 (48 tuổi), pháp danh Courageous Presence of the Source, pháp tự Chân Nhất Vân. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Thủy Tiên, là đệ tử thứ 35 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Vân thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Vị (Trời Nhất Vị) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1994, thọ giới Sa Di ngày 16 tháng 12 năm 2018 (24 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Giác Bảo, pháp tự Chân Trời Nhất Vị. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Sơn Trà. Thọ giới lớn ngày 2 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 1096 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nhất Vị thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhất Vũ (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Pháp, sinh năm 1972, thọ giới Sa Di ngày 5 tháng 11 năm 2023 (51 tuổi), pháp danh Rejuvenating Freshness of the Heart, pháp tự Chân Nhất Vũ. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Thủy Tiên, là đệ tử thứ 36 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Vũ thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Xuân (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Pháp, sinh năm 2001, thọ giới Sa Di ngày 5 tháng 11 năm 2023 (22 tuổi), pháp danh Joyfull Openess of the Heart, pháp tự Chân Nhất Xuân. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Thủy Tiên, là đệ tử thứ 43 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Xuân thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán.
Nhất Xứ (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1992, thọ giới Sa Di ngày 6 tháng 3 năm 2024 (32 tuổi), pháp danh Nguyên An Lâm, pháp tự Chân Nhất Xứ. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hồng Táo, là đệ tử thứ 71 của thế hệ thứ ba Tăng thân xuất sĩ Làng Mai. Sư chú Nhất Xứ thuộc thế hệ thứ 44 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 10 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhật Quang (Trời Nhật Quang) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Nhật Bản, sinh năm 1964, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 12 năm 2017 (53 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Non-discriminating Earth of the Heart, pháp tự Chân Trời Nhật Quang, thuộc gia đình xuất gia Cây Bạch Dương. Thọ giới lớn ngày 2 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 1029 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nhật Quang thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nhận diện đơn thuần (thuật ngữ) Một trong những tác dụng của chánh niệm: nhận diện những gì đang xảy ra ở đây trong giây phút hiện tại, nhận diện mà không có khuynh hướng ưa thích vướng mắc hoặc xua đuổi ghét bỏ, nghĩa là nhận diện đơn thuần. Nhận diện đơn thuần giúp cho hành giả bảo tồn được tự do của mình. Phương pháp nhận diện đơn thuần này được Bụt dạy trong kinh Niệm Xứ (Satipatthanasutta).
Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 (sách) Một cuốn sách gồm các kinh căn bản, các bài tụng bằng quốc văn do Thầy Làng Mai dịch từ tiếng Hán và các bài thi kệ thực tập chánh niệm trong thiền viện. Nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản năm 1997; nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội ấn hành lần đầu năm 2005. Trong khi Thiền Môn Nhật Tụng chữ Hán chỉ có hai buổi công phu sớm và chiều thì sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 có tới mười bốn buổi công phu cho một tuần lễ, mỗi buổi có những kinh văn khác nhau. Sách này có thể sử dụng cho cả Thiền tông và Tịnh Độ tông. Sách được Hòa Thượng Thanh Từ viết lời giới thiệu.
Nhật Tụng Thiền Môn năm 2010 (sách) Tái bản của sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000, trong đó có bổ sung những kinh văn và bài tụng mới như Kinh Sự Thật Đích Thực, Kinh Nghĩa Lý Siêu Việt Về Không, Kinh Bốn Loại Thức Ăn, bài tụng Ái Ngữ Lắng Nghe, bài tụng Khơi Suối Yêu Thương, bài tụng Hiện Pháp Lạc Trú, bài tụng Điều Phục Cơn Giận, bài tụng Tưới Tẩm Hạt Giống Tốt, bài tụng Hiện Pháp Lạc Trú. Được trình bày thành hai ấn bản, ấn bản miền Bắc được Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội in năm 2008, ấn bản miền Nam in năm 2009.
Nhị Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Úc, sinh năm 1981, tập sự xuất gia năm 2008 (27 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 20 tháng 09 năm 2008 tại Chùa Pháp Vân – Làng Mai, pháp danh Tâm Thương Yêu, pháp tự Chân Nhị Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Sen Trắng. Là đệ tử thứ 558 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhị Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhiên Chiếu (Trăng Nhiên Chiếu) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1996, thọ giới Sa Di Ni ngày 14 tháng 12 năm 2016 (20 tuổi), pháp danh Tâm An Nguyệt, pháp tự Chân Trăng Nhiên Chiếu. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Mai Vàng. Thọ giới lớn ngày 3 tháng 10 năm 2021 trong đại giới đàn Qua Bờ tổ chức tại tu viện Lộc Uyển. Là đệ tử thứ 999 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Nhiên Chiếu thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nhiếp Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1991, tập sự xuất gia năm 2006 (15 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 3 năm 2007 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Thanh Trì, pháp tự Chân Nhiếp Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trầm Hương. Là đệ tử thứ 459 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhiếp Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nhìn Kỹ Quê Hương (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh Sài Gòn xuất bản năm 1967, lấy tên nhà xuất bản là Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại.
Nhìn sâu (thuật ngữ, phép tu) Quán chiếu sâu sắc. Đây là từ ngữ Làng Mai chỉ cho sự thực tập vipassana, quán chiếu. Thiền gồm có chỉ (samatha) và quán là (vipassàna). Chỉ là dừng lại, tập trung, và quán là nhìn sâu để khám phá được tự tính của đối tượng quán chiếu. Tiếng Anh là deep looking. Xem chỉ quán.
Nho Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1985, tập sự xuất gia năm 2001 (16 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 7 tháng 2 năm 2002 tại chùa Từ Nghiêm – Làng Mai, pháp danh Tâm Thủy Tinh, pháp tự Chân Nho Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Thốt Nốt. Thọ giới lớn ngày 10 tháng 11 năm 2004 trong đại giới đàn Đoàn Tụ. Là một trong những đệ tử trẻ tuổi của Thầy Làng Mai được đặt danh hiệu Baby Nun. Là đệ tử thứ 146 của Thầy Làng Mai, sư cô Nho Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhu Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1989, tập sự xuất gia năm 2005 (16 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 7 tháng 8 năm 2005 tại Tu viện Bát Nhã – Việt Nam, pháp danh Tâm Nguyên Thanh, pháp tự Chân Nhu Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hướng Dương. Là đệ tử thứ 307 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhu Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nhuận Hải (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nam, được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 1996 trong đại giới đàn Nến Ngọc với bài kệ truyền đăng như sau:
Nhuận thấm mười phương nếp học phong.
Hải triều vang dội đức khiêm cung.
Hoa kia nở đẹp trên cành ấy.
Tay nắm tay làm rạng tổ tông.
Nhuận Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1986, tập sự xuất gia năm 2006 (20 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 3 tháng 3 năm 2007 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Quảng Trang, pháp tự Chân Nhuận Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Trầm Hương. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2011 trong đại giới đàn Lắng Nghe. Nhận truyền đăng trong đại giới đàn Bây Giờ Ở Đây năm 2019 Tu viện Vườn Ươm với bài kệ truyền đăng:
Lắng lại đầy ba cõi
Buông ra đâu cũng nhà
Hơi thở đà thấm nhuận
Nghiêm trang khắp gần xa.
Là đệ tử thứ 428 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhuận Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nhuệ Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1987, thọ giới Sa Di Ni ngày 21 tháng 11 năm 2009 (22 tuổi), pháp danh Tâm Phương Đan, pháp tự Chân Nhuệ Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Sen Hồng. Thọ giới lớn ngày 25 tháng 5 năm 2014 trong đại giới đàn Cam Lộ Vị. Là đệ tử thứ 662 của Thầy Làng Mai, sư cô Nhuệ Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Như Hiếu (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ tu học theo pháp môn Làng Mai. Pháp danh Tâm Nguyên Từ. Người Việt Nam, xuất gia năm 1990 tại Việt Nam. Thọ giới lớn năm 2000. Đến Làng Mai từ năm 2003. Nhận truyền đăng năm 2007 tại Bát Nhã trong đại giới đàn Phương Bối với bài kệ truyền đăng:
Chân Như trung Hiếu vẹn đôi đường.
Đất Mẹ ươm đầy những hạt thương.
Thế giới ba ngàn lên tiếng gọi.
Một tâm soi chiếu cả mười phương.
Hiện đang sinh hoạt với tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Như Minh (tên gọi) Ni sư Như Minh. Một vị giáo thọ xuất gia nữ. Trụ trì chùa Tây Linh, Huế. Người Việt Nam. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 2004 trong đại giới đàn Lâm Tế với bài kệ truyền đăng như sau:
Chơn như hiển lộ nét uyên minh.
Thơ đọng màu sương ánh kiếm linh.
Mưa tạnh mây tan trăng đã tỏ.
Đôi ta rõ mặt hiện chân hình.
Ni Sư Như Minh thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Như Nghiêm (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Mỹ, sinh năm 1980, tập sự xuất gia năm 2004 (24 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 30 tháng 8 năm 2004 tại chùa Pháp Vân – Làng Mai, pháp danh Deep Insight of the Heart, pháp tự Chân Như Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Olive. Thọ giới lớn ngày 5 tháng 1 năm 2008 tại Làng Mai trong đại giới đàn Thanh Lương Địa. Là đệ tử thứ 209 của Thầy Làng Mai, sư cô Như Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn thuộc tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Như Ngọc (tên gọi) Ni sư Như Ngọc. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 2001 trong đại giới đàn Thiên Niên Kỷ với bài kệ truyền đăng như sau:
Như tâm như cảnh cũng chơn như.
Ngọc sáng bừng lên ánh diệu từ.
Cảnh ấy tâm này duy biểu hiện.
Tiếng cười vang động bặt tăm hơi.
Ni sư Như Ngọc thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Như Phước (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 1992 trong đại giới đàn Cam Lộ với bài kệ truyền đăng như sau:
Như Lai vừa cười nhẹ.
Phước trí đã song nghiêm.
Giới định vừa chiếu sáng.
Hoa tuệ nở bên thềm.
Như Quang (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ, được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 2000 trong đại giới đàn Năm 2000 với bài kệ truyền đăng như sau:
Chân Như tâm thể phóng hào Quang.
Ước nguyện muôn xưa đã vẹn toàn.
Sự nghiệp truyền trao nguồn tịnh lạc.
Rực trời phượng nở chốn quê hương.
Như Tịnh (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nam, pháp tự Thanh Duệ. Được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 1996 trong đại giới đàn Nến Ngọc với bài kệ truyền đăng như sau:
Thanh hư trời rộng trăng soi chiếu.
Duệ triết sông dài biển đợi trông.
Một sáng oanh vàng lên tiếng hót.
Non sông rực rỡ ánh dương hồng.
Như Vân (tên gọi) Ni sư Như Vân. Một vị giáo thọ xuất gia nữ, được Thầy Làng Mai truyền đăng năm 2004 trong đại giới đàn Lâm Tế với bài kệ truyền đăng như sau:
Tâm bi Như sấm động.
Lòng từ tựa bạch Vân.
Suối cam lồ nuôi dưỡng.
Khuya sớm mãi tinh cần.
Những Cánh Mai Mùa Đông (sách) Một cuốn sách phiên tả từ băng các bài giảng của Thầy Làng Mai, xuất bản tại Việt Nam năm 2000.
Những con đường đưa về núi Thứu (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai, trình bày về tiến trình, diễn biến của lịch sử tư tưởng Phật giáo. Sách do Phương Nam Book phát hành tại Việt Nam năm 2013.
Những đóng góp của đạo Bụt cho một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh (văn kiện) Bài viết của Thầy Làng Mai, nguyên bản tiếng Anh, được sử dụng làm tài liệu căn bản trong các buổi pháp đàm tại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008, sau đây là bản dịch tiếng Việt.
“Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lần thứ năm là dịp để tất cả chúng ta tới với nhau như một đại gia đình, như một cộng đồng cùng thừa hưởng nguồn tuệ giác của Đức Bổn Sư. Chúng ta hãy cùng đón mừng niềm vui sum họp và ý thức rằng nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng mình bằng nguồn tuệ giác vĩ đại đó, chúng ta sẽ có khả năng thay đổi xã hội hiện nay và cải thiện chất lượng cuộc sống trên hành tinh này. Với sức mạnh cộng đồng, chúng ta có thể làm được điều đó.
Chủ đề cho sự quán chiếu của chúng ta năm nay là Những cống hiến của đạo Bụt cho một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Chúng ta không nên để Đại Lễ này đơn giản chỉ là một diễn đàn của những ý tưởng tốt đẹp như bao diễn đàn khác, mà chúng ta nên làm sao để thực thi chúng ngay trong cuộc sống hằng ngày và áp dụng vào xã hội những quyết định đã được cùng nhau thông qua cũng như những tuệ giác tập thể đạt được trong Đại lễ này. Với sự yểm trợ của tăng thân, và sự thực tập Niệm – Định – Tuệ miên mật, chúng ta có thể chia sẻ tuệ giác của chúng ta, chỉ rõ con đường hành động và cam kết sống trong ánh sáng của nguồn tuệ giác này, từ mức độ cá nhân tới cộng đồng, từ thôn xóm, thành phố tới phạm vi toàn quốc. Điều này cũng giống như một thầy, một sư cô không thể chỉ học và nghiên cứu về giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa mà còn phải thực hành giới bản đó, hay một người cư sĩ không chỉ nhận năm giới mà còn phải áp dụng giới trong đời sống hằng ngày. Bản Tuyên Cáo 2000 về một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động do UNESCO đưa ra đã được hơn 75 triệu người (trong đó bao gồm rất nhiều các vị lãnh đạo quốc gia) ký tên hưởng ứng, nhưng chúng ta đã không tổ chức để những người đã đặt bút ký vào bản Tuyên Cáo được yểm trợ và có điều kiện áp dụng sáu điểm của Tuyên Cáo vào thực tế cuộc sống. Chỉ cùng đồng ý với nhau rằng có con đường rất đẹp thì chưa đủ, chúng ta cần phải thực sự lên đường.
Chúng ta biết rằng để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, ta không thể chỉ hành động mà phải nỗ lực tự chuyển hóa bản thân. Chúng ta phải thay đổi bản thân trước khi muốn thay đổi xã hội. An lạc là nền tảng tạo nên hòa bình. Nếu không có sự chuyển hóa và trị liệu trong từng cá nhân, chúng ta không thể giúp thay đổi xã hội. Vì vậy, sự thực tập của từng cá nhân và sự thực tập của tăng thân rất cần thiết cho việc thay đổi thế giới theo hướng chúng ta mong muốn.
1. Chiến tranh, xung đột và hàn gắn
Gốc rễ của chiến tranh và xung đột nằm ngay trong chúng ta. Chúng ta cần phải nhận ra, ôm ấp và chuyển hóa những phiền não trong tự thân như giận hờn, thù hận, tuyệt vọng, kỳ thị, ngã mạn. Sự thực tập là phải nhìn sâu vào gốc rễ của những phiền não đó, hiểu thấu và học cách chuyển hóa chúng. Chúng ta cần lắng nghe những niềm đau nỗi khổ của bản thân, của gia đình, của cộng đồng và của đất nước. Chúng ta cần có khả năng giúp những người khác nhận ra rằng phiền não có mặt trong mỗi con người và cách sống của chúng ta đã tạo điều kiện cho những phiền não đó lớn mạnh. Và mỗi người chúng ta phải cam kết không tưới tẩm những hạt giống của bạo lực, hận thù, kỳ thị và tuyệt vọng có sẵn trong mình. Trong các mối quan hệ, với người bạn đời, với cha mẹ hay con cái, với anh chị em, chúng ta phải có khả năng giúp đỡ lẫn nhau trong sự thực tập, phải luôn học cách lắng nghe nhau với tâm từ bi, luôn sử dụng lời ái ngữ để giúp người đó nhận diện những phiền não trong bản thân họ. Chúng ta cũng nên dùng lời ái ngữ để tưới tẩm những hạt giống của hiểu biết, từ bi, hỷ lạc, của tình huynh đệ đang tiềm ẩn trong mỗi người. Chúng ta cần giúp nhau hàn gắn cho được các mối quan hệ cá nhân trước khi giúp hàn gắn nhân loại và trái đất. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi ý tưởng, mỗi lời nói và mỗi nụ cười đều có khả năng trị liệu. Trái đất đang rên xiết, xã hội đang than van, quá nhiều bạo động và tuyệt vọng. Sự thực tập tư duy chân chính (là tư duy đúng, tư duy theo hướng không kỳ thị, từ bi, hiểu biết), lời nói chân chính, hành động chân chính và nghề nghiệp chân chính của đạo Bụt là những điều rất thiết yếu cho sự chữa trị mà tất cả chúng ta đang cần đến. Các bạn trẻ nên học và thực tập con đường của tám sự hành trì chân chính (Bát chánh đạo) trong phạm vi gia đình, trường học. Những cuộc đàm phán hòa bình chỉ thành công khi cả hai phía xung đột hiểu được tình trạng của nhau và biết cách thực tập lắng nghe và ái ngữ. Phương pháp thực tập này nên được giảng dạy ngay từ những bậc học sơ đẳng nhất. Ta có thể gọi đó là giáo dục hòa bình và chính là con đường giúp thoát khỏi chiến tranh và bạo lực.
2. Đóng góp của đạo Bụt cho một xã hội công bằng.
Tuyên Cáo 2000 đã đưa ra sáu điểm tương đương với nội dung của năm phép thực tập chánh niệm (Năm Giới). Cả sáu điểm và năm giới đều cùng chung mục đích là tạo nền tảng cơ bản nhất cho hòa bình và công bằng xã hội. Trong truyền thống Phật giáo, sau khi tiếp nhận Năm giới, người thọ giới phải ôn tụng lại giới mỗi hai tuần một lần và tham dự các buổi thảo luận (pháp đàm) về giới để càng ngày cái thấy về giới luật càng sâu cũng như tìm ra những phương pháp áp dụng giới luật hay hơn vào thực tiễn cuộc sống gia đình và xã hội. Năm phép thực tập chánh niệm chỉ cho chúng ta cách sống đơn giản hơn, biết tận dụng thời gian và năng lượng, bảo hộ sự sống và giúp đỡ những ai đang thật sự cần giúp đỡ. Sống đơn giản mà vẫn có hạnh phúc, có thời giờ chăm sóc bản thân và chăm sóc gia đình, giúp đỡ người khốn khó và giúp làm cho xã hội công bằng hơn, đó là điều chúng ta có thể làm được. Rất nhiều người trong chúng ta cả đời chỉ biết chạy theo danh vọng, quyền hành, sắc dục và tiền bạc, nhưng ngay cả những người đã dư thừa bốn thứ trên vẫn không tránh khỏi bất hạnh, khổ đau nếu họ không có vốn liếng của hiểu biết và thương yêu.
Khi thực tập giới thứ hai, nguyện chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật với những kẻ đang thật sự thiếu thốn, cuộc sống của chúng ta trở nên đầy ý nghĩa và ta thấy mãn nguyện. Có rất nhiều phương cách mà đạo Bụt và sự thực tập Năm giới có thể đem tới thêm nhiều từ bi và công bằng cho xã hội. Khi trong ta có chánh niệm, từ bi và hiểu biết, những hành xử của ta sẽ tự nhiên trở thành nguồn trị liệu cho các mối quan hệ cá nhân, cho cộng đồng và cho xã hội. Chúng ta có ý thức trước những tình trạng bất công như kỳ thị giới tính, coi thường người phụ nữ, đàn áp thiểu số, lạm dụng trẻ em và người nghèo. Chúng ta có rất nhiều cách nói lên trình trạng bất công và lên tiếng cho những ai đang khổ đau mà bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng ta có thể tổ chức những buổi thiền hành cho hòa bình, từng bước chân bước trong bình an. Đó sẽ không phải là những cuộc biểu tình hay để phản đối một ai, đó là cách thức chân chính nhất để thực tập thể hiện hòa bình, thể hiện tình huynh đệ. Chúng ta cũng có thể viết những lá thư cho các vị dân biểu. Tăng thân Làng Mai đã từng tổ chức những khóa tu chánh niệm cho giới công an cảnh sát, cho các đại biểu quốc hội, cho giới nghệ sĩ trong ngành công nghiệp phim ảnh, cho các nhà bảo vệ môi trường, cho các bác sĩ tâm lý trị liệu, giới doanh thương, và cả cho những người Do Thái và Palestin. Năm giới của đạo Bụt và sáu điểm của bản cam kết 2000 là sự thực tập hiểu biết và thương yêu đích thực. Đó là con đường đưa tới một xã hội công bằng.
3. Đạo Bụt nhập thế với vấn đề phát triển. Đạo Bụt nhập thế trước tiên là một đạo Bụt được thực tập không gián đoạn suốt cả ngày. Ta sống trong chánh niệm và tập trung tâm ý khi đi, khi nấu ăn, khi lái xe, khi vào nhà vệ sinh, v.v… Đạo Bụt nhập thế cũng là sự thực tập Năm giới trong cuộc sống xã hội. Chúng ta thực tập tình thương và sự hiểu biết trong gia đình, trường học, công sở, bệnh viện, nhà tù, nhà máy, trong quân đội, trong hội đồng nhân dân và cả trong guồng máy công quyền. Sự hiện diện của chánh niệm, chánh định và tuệ giác, tinh thần tương tức, không kỳ thị, hiểu biết và từ bi chính là sự có mặt của Phật giáo. Chúng ta đâu cần phải buộc tất cả mọi người trở thành Phật tử. Chúng ta có thể truyền cho họ nguồn cảm hứng để họ cũng sống và làm việc trên tinh thần Bát Chánh Đạo. Chúng ta có thể tìm được hạnh phúc trong khi thực tập phát triển hiểu biết và từ bi. Hạnh phúc, thành công và sự tiến bộ của một quốc gia không phải là chỉ số tổng sản lượng quốc nội hay khả năng tiêu thụ mà phải được đo bằng mức độ hiểu biết và từ bi.
Bốn Tâm Vô Lượng (Từ – Bi – Hỷ – Xả) là những nguồn năng lượng vô biên mà chúng ta có thể thực tập và phát triển để nuôi lớn hạnh phúc của chúng ta và của thế giới. Những nguồn năng lượng ấy không bao giờ là dư thừa cả. Thực tập chánh niệm trong sản xuất và tiêu thụ (giới thứ năm) sẽ đảm bảo cho chúng ta không đi lệch hướng phát triển bền vững. Hạnh phúc chân thực phải là nền tảng, là nguyên lý cho mọi chính sách sản xuất, tiêu thụ và phát triển. Tuệ giác của đạo Bụt là tuệ giác tương tức, là Chánh Kiến – cái thấy đúng về thế giới, rằng vạn vật nương nhau mà biểu hiện. Nếu những loài khác không còn tồn tại thì loài người cũng không thể tồn tại được. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ loài người. Chúng ta không chỉ là thân, là tâm mà còn chính là môi trường. Môi trường của chúng ta là y báo của cộng nghiệp. Sống đơn giản hơn, tập thương yêu và hiểu biết, chăm sóc môi trường, cùng nhau cam kết hành động cho một sự phát triển bền vững, đó là chúng ta đang đi theo con đường của Bụt vậy.
4. Đạo Bụt với vấn đề khí hậu thay đổi. Khai thác và sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu hỏa, than đá, chặt phá rừng để cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông, cũng như tiêu thụ thịt và những sản phẩm từ động vật là những nguyên nhân chính của tình trạng trái đất nóng lên. Theo một công bố của Liên Hiệp Quốc năm 2007, giải pháp cho tình trạng này là giảm mức tiêu thụ thịt xuống 50%, sử dụng những nguồn nhiêu liệu sạch cho xe hơi và chỉ sử dụng xe hơi khi nào thật sự cần thiết. Rất nhiều Phật tử không ăn thịt. Giảm bớt hay ngưng lại hoàn toàn sự ăn thịt và sử dụng các thức uống có cồn không phải là điều khó thực hiện. Những ai đã thức tỉnh trước mức độ nghiêm trọng của tình trạng hiện nay sẽ thấy cần phải hành động tức thì. Chúng ta có thể thực tập “ngày không xe hơi” hay “ngày không xe gắn máy” mỗi tuần. Chúng ta có thể sử dụng xe hơi dùng cả xăng và điện. Chúng ta có thể chuyển đổi xe hơi của mình sang loại chạy bằng dầu thực vật. Chúng ta có thể đi bộ hay đi xe đạp đến trường hay tới công sở. Chúng ta có thể thưởng thức những món ăn chay rất ngon. Có rất nhiều cách chúng ta có thể tiến hành ngay nhằm cứu lấy hành tinh này. Nền văn minh của chúng ta sẽ tự hủy diệt nếu chúng ta không kịp thời thức tỉnh.
5. Đạo Bụt với các vấn đề trong gia đình. Hạnh phúc của cha mẹ là món quà quý giá nhất mà các bậc làm cha mẹ có thể dành tặng cho con cái mình. Cha mẹ rất cần có thời gian để chăm sóc cho nhau và chăm sóc con cái. Đừng để công việc hay những dự án cuốn mình đi. Câu trả lời là một cuộc sống đơn giản, bởi vì sống đơn giản chúng ta sẽ không chạy theo danh lợi và sẽ đầu tư vào những gì quan trọng nhất, đó là hạnh phúc và bình an của bản thân, của gia đình và của cộng đồng. Sự thực tập lắng nghe và ái ngữ giúp chúng ta duy trì và tái lập truyền thông. Con cái sẽ tự nhiên học được từ cha mẹ cách thương yêu và chăm sóc nhau. Nếu cha mẹ nghiện ngập, hút xách, con cái cũng sẽ làm y như vậy. Năm phép thực tập chánh niệm đúng là nền tảng đạo đức cho một đời sống gia đình. Tại rất nhiều quốc gia Phật giáo hiện nay, vẫn còn rất nhiều gia đình duy trì được truyền thống đi chùa mỗi nửa tháng để tụng đọc Năm Giới và thực tập Làm Mới (). Nếu không thực tập Làm Mới, sự thực tập tưới tẩm những hạt giống lành trong mỗi người, nghệ thuật lắng nghe và ái ngữ thì cha mẹ, vợ chồng không thể nuôi dưỡng tình yêu thương và khó mà truyền thông với nhau. Sự chuyển hóa và trị liệu là điều có thể thực hiện được khi ta thực tập chánh niệm, và những cặp vợ chồng có thể tránh được nạn ly hôn và trở thành xa lạ đối với chính con cái mình.
6. Giáo dục Phật giáo: tiếp nối và phát triển. Ngày nay, nghiên cứu Phật giáo đã trở thành lý thuyết suông. Chúng ta lấy được bằng tiến sĩ Phật học nhưng vẫn không biết cách chuyển hóa khổ đau và phiền não của bản thân. Chúng ta không biết nghệ thuật xây dựng tăng thân, không biết cách giúp hòa giải xung đột trong gia đình và trong cộng đồng, không biết thực tập giới, định, tuệ. Kiến thức về đạo Bụt chỉ cho phép chúng ta viết ra những cuốn sách về đạo Bụt và giảng dạy về đạo Bụt. Chúng ta phải tổ chức lại việc nghiên cứu Phật học để Viện nghiên cứu Phật học cũng phải đồng thời là một Trung tâm thực tập. Thầy giáo và học viên phải cùng nhau thực tập và người thầy phải tự thân thực tập và kinh nghiệm sự chuyển hóa và trị liệu trước khi được phép đứng trên bục giảng. Chúng ta nên cùng thành lập những Viện Phật Học Ứng Dụng, mở những khóa học và những khóa thực tập với mục đích chuyển hóa và trị liệu. Trong các trường học, con em chúng ta cần có cơ hội học cách làm chủ cơn giận hay năng lượng bạo lực trong các em, học cách lắng nghe với tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ.
Môn học Giáo dục công dân và đạo đức Phật giáo cần được giảng dạy như thế nào để ngay cả những em còn rất nhỏ cũng có thể thực tập được.
7. Đạo Bụt trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, giáo pháp có khả năng tới được với đông đảo quần chúng. Chúng ta có thể ngồi ở nhà cách xa Thầy và tăng thân hàng trăm cây số mà vẫn được nghe pháp thoại trực tiếp, dự pháp đàm hay thậm chí ngồi thiền cùng Thầy và tăng thân. Chúng ta vẫn có thể được hưởng lợi lạc từ tăng thân dù tăng thân ở rất xa. Chúng ta có thể tải xuống những tài liệu về giáo lý để nghiên cứu. Nhưng không gì có thể thay thế được mối liên hệ gắn bó thân thiết giữa thầy và trò, giữa một thành viên của tăng thân với tăng thân. Vì vậy, sự thực tập xây dựng tăng thân, giữa cá nhân với cá nhân là một bước rất quan trọng. Để xây dựng tăng thân, chúng ta cần phải biết phép lắng nghe, ái ngữ, hiểu biết, thương yêu và yểm trợ. Một tăng thân qua liên lạc thư từ thì chưa đủ. Một tăng thân thực tập giỏi luôn luôn chuyên chở được Pháp sống và Phật sống. Vậy nên học cách xây dựng một tăng thân vững mạnh là một thực tập rất thiết yếu. Một tăng thân vững mạnh sẽ là chỗ nương tựa cho rất nhiều người. Trong các Viện Phật học, môn học dựng tăng phải là một môn quan trọng cần được học và thực hành.
Một việc khác quan trọng không kém là làm mới lại truyền thống để có thể phù hợp với con người thời đại ngày nay. Internet, kỹ thuật hiện đại có thể trở thành những phương tiện thiện xảo giúp phổ biến giáo lý đạo Bụt và giúp làm vơi khổ đau của con người. Chúng ta có thể tải về máy tính âm thanh của tiếng chuông và cài đặt chương trình để mỗi nửa giờ hay một giờ lại được nghe tiếng chuông, giúp chúng ta dừng lại, thở và quay về với chánh niệm. Mạng internet hiện nay đang hỗ trợ rất nhiều người tiếp cận được với giáo Pháp, điều này rất quan trọng, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Chúng ta cũng cần ứng dụng tuệ giác đạo Bụt để tự bảo hộ trước những nguy hiểm do công nghệ hiện đại gây ra. Trong giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa tân tu có những giới luật về sử dụng internet, các thầy, các sư cô phải lên mạng lưới internet cùng với một thầy hay sư cô khác để không bị vướng vào những trang web không lành mạnh.
Đức Bổn Sư đã hiến tặng cho chúng ta một công cụ chẩn đoán rất tốt, đó là Tứ Diệu Đế – bốn sự thật mầu nhiệm: Khổ, gốc rễ của Khổ, sự vắng mặt của Khổ và sự thực tập nhổ rễ cái Khổ. Đạo Bụt phải được thực tập dưới ánh sáng của Tứ Diệu Đế, và sự chuyển hóa và trị liệu mà chúng ta đang cần phải được diễn ra ngay ở đây và bây giờ, không thể đợi tới sau này hay ở một thế giới khác. Chúng ta trình bày những lý thuyết đạo Bụt rất giỏi nhưng chúng ta chưa giỏi mấy khi đưa những giáo lý mầu nhiệm ấy vào thực hành ngay ở đây và bây giờ. Sự thực tập, còn gọi là Pháp sống, phải tốt đẹp ngay ở đây và bây giờ. Cùng được xum họp với nhau trong Đại Lễ Phật Đản, chúng ta hãy nhân cơ hội này, cùng nhau chia sẻ tuệ giác và sự tỉnh thức, cùng nhau cam kết sống cuộc sống hằng ngày trong ánh sáng của sự thức tỉnh và tuệ giác ấy, và yểm trợ nhau cùng thực hiện. Những đóng góp của đạo Bụt cho việc tạo dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh phải được thấy trong sự thực tập của chính chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sống có ý thức, tỉnh thức và thực hiện những cam kết, chúng ta có thể chứng kiến sự chuyển biến của xã hội từ chính sự thay đổi bản thân chúng ta.”
Những Giọt Không (sách) Một tuyển tập nhạc Làng Mai do nhạc sĩ Anh Việt sưu tập và hiệu đính. Nhà Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản năm 1997.
Niệm (thuật ngữ)
1. Chánh niệm là năng lượng giúp cho ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại với thân và tâm hợp nhất. Chánh niệm là khả năng nhận diện nh?ng g? ?ang x?y ra trong gi?y ph?t hi?n t?i v? ngay t?i ??y trong lững gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại và ngay tại đây trong lĩnh vực thân, hoặc tâm, hoặc hoàn cảnh. Trái với chánh niệm là thất niệm, trạng thái quên lãng, tán loạn, rong ruổi, thân một nơi, tâm một nẻo. Chánh niệm chấm dứt thất niệm, đem tâm về với thân, có mặt thực sự trong giây phút hiện tại, giúp hành giả tiếp xúc với những gì đang có mặt trong giây phút ấy. Duy trì chánh niệm thì năng lượng chánh định được phát khởi và tăng cường. Với niệm lực và định lực hùng hậu, hành giả có thể nhìn sâu, quán chiếu và làm phát hiện tự tính của đối tượng quán chiếu, đó là tuệ giác. Tuệ giác có công năng chuyển hóa, trị liệu và giải phóng. Chánh niệm là điểm khởi hành của thiền tập, yếu tố đầu của trình tự tam vô lậu học là niệm, định và tuệ (có khi nói là giới, định, tuệ), vốn là trái tim của thiền tập. Các kinh căn bản dạy về niệm là kinh Niệm Xứ và kinh Niệm Thân. Hành giả thực tập để năng lượng chánh niệm được chế tác trong từng giây phút của cuộc sống hằng ngày, cả trong khi đánh răng, súc miệng, đi cầu, tắm gội, giặt áo, lái xe, làm vườn hay chấp tác. Có chánh niệm, hành giả sống sâu sắc được mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Nhờ chánh niệm miên mật, định lực được chế tác và trở nên hùng hậu có thể giúp hành giả chọc thủng được màn vô minh và đạt tới tuệ giác (xem chánh niệm).
2. Tùy niệm là chú tâm vào một đối tượng và duy trì đối tượng ấy, như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới.
3. Thời gian của một tư tưởng hay một tri giác, có thể là một sát na.
4. Một ý tưởng hay một khái niệm về thực tại, như ý niệm về sinh, về tử, về một, về nhiều, về có, về không, về đến, về đi, về ta, về người, về Phật, về chúng sinh. Những ý niệm sinh khởi từ tập khí biến kế (mental construction) không phù hợp với thực tại y tha khởi và viên thành thật. Vô niệm là thoát ra được ngoài những ý niệm ấy.
Niệm Bụt (thuật ngữ) Phát khởi và duy trì chánh niệm về Bụt. Cách thức phổ thông nhất ở Làng Mai là trì tụng bài Bốn phép tùy niệm trong đó có bốn đối tượng quán niệm: Bụt, Pháp, Tăng và Giới. Bài tùy niệm về Bụt (Buddhànusmarti) nhắc đến 10 danh hiệu (cũng là khả năng) của Bụt là: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, hoàn toàn bằng tiếng Việt rất dễ hiểu. Bài tùy niệm như sau:
Tự thân của đức Thế Tôn,
người từ chân như tới,
thầy của chúng con.
Là bậc xứng đáng nhất để được cúng dường.
Là bậc có trí giác chân thực và toàn diện.
Là bậc có đầy đủ công hạnh và tuệ giác.
Là bậc đã qua tới một cách nhiệm mầu.
Là bậc hiểu thấu thế gian.
Là bậc nhân sĩ cao tột có khả năng điều phục con người.
Là bậc thầy của cả hai giới thiên và nhân.
Là bậc tỉnh thức toàn vẹn.
Là bậc được tôn sùng quý trọng nhất trên đời.
Đọc về cuộc đời và công hạnh của Bụt, như đọc các tác phẩm: Phật Sở Hành Tán, Đường Xưa Mây Trắng, v.v… cũng là niệm Bụt. Trì tụng danh hiệu đức A Di Đà cũng là niệm Bụt. Chiêm ngưỡng một tượng Bụt hay quán tưởng về các tướng tốt quang minh của Bụt cũng là niệm Bụt. Tại các đạo tràng Làng Mai vào cuối những buổi cơm trưa theo nghi lễ, đại chúng hay trì tụng danh hiệu Đức Thích Ca, và danh hiệu các vị Bồ Tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, và Địa Tạng để gửi năng lượng và hộ niệm cho những người đang gặp khó khăn, đó cũng là niệm Bụt. Xem gửi năng lượng chánh niệm.
Niệm Hòa (Trời Niệm Hòa) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Ireland, sinh năm 1986, thọ giới Sa Di ngày 3 tháng 10 năm 2020 (34 tuổi) tại Làng Mai, Pháp, pháp danh Peaceful Arrival of the Heart, pháp tự Chân Trời Niệm Hòa. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hạt Dẻ. Là đệ tử thứ 1155 của Thầy Làng Mai, sư chú Trời Niệm Hòa thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Niệm Khiêm (Trời Niệm Khiêm) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Hoa Kỳ gốc Trung Quốc-Bồ Đào Nha, sinh năm 1990, thọ giới Sa Di ngày 3 tháng 10 năm 2020 (30 tuổi) tại Làng Mai, Pháp, pháp danh Gentle Acceptance of the Heart, pháp tự Chân Trời Niệm Khiêm. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hạt Dẻ. Là đệ tử thứ 1157 của Thầy Làng Mai, sư chú Trời Niệm Khiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Niệm Lưu (Trời Niệm Lưu) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Pháp, sinh năm 1989, thọ giới Sa Di ngày 3 tháng 10 năm 2020 (31 tuổi) tại Làng Mai, Pháp, pháp danh Comprehension Naturelle du Cœur, pháp tự Chân Trời Niệm Lưu. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hạt Dẻ. Là đệ tử thứ 1156 của Thầy Làng Mai, sư chú Trời Niệm Lưu thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Niệm Lực (Trời Niệm Lực) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1990, thọ giới Sa Di ngày 8 tháng 12 năm 2013 (23 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Nguyên Tâm, pháp tự Chân Trời Niệm Lực. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2017 trong đại giới đàn Tánh Thiên tại Tu viện Vườn Ươm. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Đoàn. Là đệ tử thứ 829 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Niệm Lực thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Niệm Tấn (Trời Niệm Tấn) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Hoa Kỳ, sinh năm 1994, thọ giới Sa Di ngày 3 tháng 10 năm 2020 (26 tuổi) tại Làng Mai, Pháp, pháp danh Kind Awakening of the Heart, pháp tự Chân Trời Niệm Tấn. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hạt Dẻ. Là đệ tử thứ 1159 của Thầy Làng Mai, sư chú Trời Niệm Tấn thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Niệm Thuần (Trời Niệm Thuần) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Guatemala, sinh năm 1992, thọ giới Sa Di ngày 3 tháng 10 năm 2020 (28 tuổi) tại Làng Mai, Pháp, pháp danh Peaceful Home of the Heart, pháp tự Chân Trời Niệm Thuần. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hạt Dẻ. Là đệ tử thứ 1158 của Thầy Làng Mai, sư chú Trời Niệm Thuần thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Niệm Xả (Trời Niệm Xả) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Italy, sinh năm 1985, thọ giới Sa Di ngày 3 tháng 10 năm 2020 (35 tuổi) tại Làng Mai, Pháp, pháp danh Liberating Path of the Heart, pháp tự Chân Trời Niệm Xả. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Hạt Dẻ. Là đệ tử thứ 1153 của Thầy Làng Mai, sư chú Trời Niệm Xả thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Niết bàn (danh từ phật học) Niết bàn không phải là một xứ sở trong thời gian và trong không gian mà là tự thân của thực tại khi ta đã đạt tới cái thấy sâu sắc về thực tại ấy. Vốn vượt ra khỏi những gì đối lập như sinh tử, có không, tới đi, lớn nhỏ, trước sau, này kia.
No Death, No Fear (sách) Một cuốn sách nguyên bản tiếng Anh của Thầy Làng Mai do nhà Riverhead xuất bản năm 2002 tại New York. Được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Bản dịch tiếng Việt nhan đề Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi, nhà Lá Bối Hoa Kỳ ấn hành.
Nói pháp thoại (phép tu) Một phép thực tập của những vị giáo thọ và giáo thọ tập sự. Nói pháp thoại đây không có nghĩa suông là giảng dạy Phật Pháp mà là quán chiếu căn cơ của thính chúng và cống hiến những giáo lý và phương pháp thực tập thích hợp để giúp cho thính chúng ấy tiếp nhận được cách thức tháo gỡ những khó khăn nội tâm và hoàn cảnh của họ. Một bài pháp thoại chỉ trình bày những kiến thức Phật Pháp có tính cách lý thuyết không có tính thực tiễn và khế cơ thì không được công nhận là một bài pháp thoại đích thực. Người nói pháp thoại phải nói trên căn bản từ bi và kinh nghiệm thực tập của mình mà không nói trên căn bản phô trương cái ngã của mình.
Nói Với Người Xuất Gia Trẻ Tuổi (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do nhà xuất bản Lá Bối, Hoa Kỳ xuất bản năm 1996 và được in nhiều lần ở Việt Nam. Các vị ni sư và thượng tọa ở Việt Nam thường cho in để phát cho các học tăng. Đọc sách này, nhiều giới xuất gia đã khôi phục được tâm bồ đề của mình.
Nói Với Tuổi Hai Mươi (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành lần đầu năm 1965 tại Sài Gòn và đã được tái bản nhiều lần ở trong nước và ngoài nước. Sách này là kết quả của những buổi hội thảo của một số sinh viên của các phân khoa đại học Sài Gòn tổ chức tại viện Cao Đẳng Phật Học chùa Pháp Hội do Thầy Làng Mai hướng dẫn vào năm 1964, gồm các đề tài liên hệ tới tuổi trẻ như tình yêu, lý tưởng, học hành, v.v… Ấn bản năm 1965 được đặt vào một cái hộp để có thể trở thành món quà tặng bạn.
Non Cao (Trăng Non Cao) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1995, tập sự xuất gia năm 2013 (18 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 28 tháng 4 năm 2013 tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh An Tấn, pháp tự Chân Trăng Non Cao. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Gạo. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 02 năm 2017 trong đại giới đàn Tánh Thiên. Là đệ tử thứ 805 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Non Cao thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không còn sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Non Sông (Trăng Non Sông) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1994, tập sự xuất gia năm 2018 (24 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 16 tháng 6 năm 2019 tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Nguyên Hồng, pháp tự Chân Trăng Non Sông. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Nguyệt Quế. Thọ giới lớn ngày 11 tháng 2 năm 2023 trong đại giới đàn Trừng Quang. Là đệ tử thứ 1113 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Non Sông thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nothing to do, Nowhere to go (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai, dịch từ nguyên tác tiếng Việt Tinh Yếu Lâm Tế Lục, do nhà Parallax ấn hành năm 2007, nội dung là bình giảng tác phẩm Lâm Tế Lục. Đây là cuốn sách bán chạy nhất của nhà Parallax năm 2007, hơn cả cuốn The Energy of Power (Hiệu lực cầu nguyện).
Notre Dame de Paris (địa danh) Nhà thờ Đức Bà Paris, điểm đến của buổi thiền hành giữa lòng thành phố Paris (xuất phát từ quảng trường Edmond Rostand sát vườn Luxembourg) vào sáng ngày 22 tháng 10 năm 2006, nơi Thầy Làng Mai cùng toàn thể quí thầy quí sư cô đang tu học tại Làng Mai Pháp Quốc và hơn bốn ngàn người dừng chân ngồi thiền tạo nên một cảnh tượng rất đẹp và hùng tráng.
Nồi Chưa Có Vung (sách) Một cuốn sách của Thầy Làng Mai do nhà in Lá Bối, Việt Nam ấn hành khoảng năm 1997.
Nội kết (thuật ngữ) Những hạt giống phiền não mới gieo hoặc sẵn có trong tàng thức mà chưa chuyển hóa được như vướng mắc, hờn tủi, căm thù, bạo động, tuyệt vọng. Cũng gọi là kết sử, có tác dụng ràng buộc và sai sử. Tiếng phạn gọi là samyojana.
Nội kết êm ái (thuật ngữ) Những nội kết khi gieo trồng và huân tập thì có tính cách êm đềm dễ chịu, nhưng sau đó lại làm cho hành giả mất tự do, như lạc thọ khi hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy, được khen ngợi, nuông chiều, nhất là vương vấn tình ái.
Nội Nghiêm (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1986, tập sự xuất gia năm 2005 (19 tuổi), thọ giới Sa Di Ni ngày 10 tháng 5 năm 2006 tại Tu viện Bát Nhã, pháp danh Tâm Viên Xuân, pháp tự Chân Nội Nghiêm. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hải Đường. Thọ giới lớn năm 2010 trong đại giới đàn Hoa Thủy Tiên. Nhận truyền đăng năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa diễn ra tại Tu viện Vườn Ươm với bài kệ truyền đăng:
Nội minh tỏa chiếu khắp vườn thiền
Giới định sáng soi nghiêm đất tịnh
Tâm đầu một hướng cùng chung bước
Dạo khúc vô sinh giữa mọi miền.
Là đệ tử thứ 363 của Thầy Làng Mai, sư cô Nội Nghiêm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nội Tâm (Trời Nội Tâm) (tên gọi) Một vị giáo thọ xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1991, thọ giới Sa Di ngày 28 tháng 4 năm 2013 (22 tuổi), pháp danh Tâm Phúc Lộc, pháp tự Chân Trời Nội Tâm. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Gạo. Thọ giới lớn ngày 23 tháng 3 năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa tại Tu viện Vườn Ươm. Nhận truyền đăng năm 2023 trong khóa tu xuất sĩ “Vững một niềm tin” tổ chức tại Làng Mai với bài kệ truyền đăng:
Trời nội điển, ngày pho thủ tự
Nhập tánh không, đêm quán tâm kinh
Ơn thầy tổ nguyền xin tiếp nối
Một lên đường, sông núi chứng minh.
Là đệ tử thứ 797 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Nội Tâm thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Nội Viện Phương Khê (điện đường) Khu vực yên tĩnh nhất của đạo tràng Mai Thôn, chỉ dành riêng cho giới xuất gia. Tọa lạc cách thị trấn Duras chừng tám phút xe hơi. Nội Viện có tên là Phương Khê vì có một dòng suối thơm chảy qua (Phương Khê nghĩa là suối thơm) và cũng có một rừng tre quanh năm xanh tốt, nhiều cây tùng Thiên Thọ gốc từ Hi Mã Lạp Sơn, gọi là cèdre déodara. Những ngôi nhà trong Nội Viện đã được xây cất trên 150 năm về trước. Tại Nội Viện Phương Khê có hai thiền đường, một thư viện, nhiều liêu xá cho các thầy và các sư cô sử dụng trong những ngày quán niệm và những khóa tu dành riêng cho giới xuất gia. Nội Viện cũng có một nhà in nhỏ, một văn phòng trung ương của Giáo Hội Làng Mai, một kho lưu giữ những sách của Thầy Làng Mai xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, và hồ sơ tài liệu lưu trữ từ hồi Thầy Làng Mai còn là vị đại diện cho GHPGVNTN tại hải ngoại (1966-1976). Trong các mùa An Cư Kiết Đông, mỗi tuần vào ngày thứ ba là có ngày quán niệm riêng cho giới xuất gia tại Nội Viện, còn vào những mùa khác thì cứ vài tuần mới có một ngày quán niệm như thế. Những bài pháp thoại nói tại Nội Viện Phương Khê chỉ để dành cho giới xuất gia mà thôi. Các vị tôn túc từ Việt Nam hoặc các nước khác về dự các đại giới đàn hàng năm tại Làng Mai đều được thỉnh về Nội Viện để tham gia và chơi với Thầy Làng Mai. Lâu lâu vào những kỳ làm biếng lại có một nhóm chừng mười thầy hay mười sư cô về nhập thất tại Nội Viện trong vòng một tuần hay mười ngày. Vào các ngày xuất sĩ, các thầy và các sư cô từ bốn chùa Mai Thôn ưa cắm những chiếc lều đủ màu trong khung viên Nội Viện, bên bờ suối, cạnh rừng tre, rất đẹp. Vào tháng tư Tây, Thầy Làng Mai ưa hái măng tại rừng tre này để làm món kho đãi các thầy và các sư cô. Thầy Làng Mai có thư viện và văn phòng riêng tại Nội Viện, nơi đây Thầy đã sáng tác các sách như Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 3, Am Mây Ngủ, Tý – Cây Tre Triệu Đốt, Trái Tim Mặt Trời, v.v… Nhà in tại Nội Viện đã in nhiều tác phẩm để gửi về tặng đồng bào cư trú tại các trại tỵ nạn, cho các thuyền nhân tại Thái Lan, Phi Luật Tân, Indonesia, v.v… trong đó có cả sách học tiếng Anh và tiếng Pháp để đồng bào học hỏi trong thời gian chuẩn bị đi định cư. Văn phòng trung ương của Giáo Hội Làng Mai do Sư cô Chân Không phụ trách, ngày nào cũng có các thầy và các sư cô tới giúp làm công việc, xếp hồ sơ, in tài liệu, làm giấy tờ cư trú cho các thầy các sư cô từ các nước khác đến. Thầy Làng Mai có chăm sóc một cái hiên gọi là hiên Thủy Tinh có trồng nhiều loại lan và những loại hoa khác. Mỗi mùa kết Đông an cư và trong các khóa tu mùa Hè, Thầy Làng Mai thường cư trú ở chùa Pháp Vân xóm Thượng để hướng dẫn tu học, và chỉ về Nội Viện mỗi tuần một ngày vào ngày “Làm Biếng”. Mùa xuân và mùa thu, Thầy Làng Mai thường đi dạy tại các nước Âu Châu và Mỹ Châu. Những chuyến đi dạy Mỹ Châu thường kéo dài ít nhất là hai tháng, trong thời gian ấy các thầy và các sư cô phải thường xuyên đến Nội Viện để chăm sóc, cắt cỏ, tưới hoa, để chờ Thầy về. Có thể trong tương lai sẽ xây thêm liêu xá cho các thầy và các sư cô tại Nội Viện.
Núi Biếc (Trời Núi Biếc) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1992, thọ giới Sa Di ngày 2 tháng 8 năm 2015 (23 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Tâm Ấn Huệ, pháp tự Chân Trời Núi Biếc. Thầy thuộc gia đình xuất gia Cây Sala. Thọ giới lớn ngày 22 tháng 2 năm 2019 tại Tu viện Vườn Ươm trong đại giới đàn Bây Giờ Ở Đây. Là đệ tử thứ 914 của Thầy Làng Mai, thầy Trời Núi Biếc thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Núi Cao (Trời Núi Cao) (tên gọi) Một vị xuất gia nam của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1977, thọ giới Sa Di ngày 14 tháng 12 năm 2017 (40 tuổi) tại Tu viện Vườn Ươm, pháp danh Đức Nhật, pháp tự Chân Trời Núi Cao. Sư chú thuộc gia đình xuất gia Cây Bạch Dương. Là đệ tử thứ 1049 của Thầy Làng Mai, sư chú Trời Núi Cao thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán. Hiện không sinh hoạt trong tăng thân xuất sĩ Làng Mai.
Núi Na (Trăng Núi Na) (tên gọi) Một vị xuất gia nữ của Làng Mai. Người Việt Nam, sinh năm 1990, thọ giới Sa Di Ni ngày 30 tháng 1 năm 2012 (22 tuổi), pháp danh Tâm Nguyên Tịnh, pháp tự Chân Trăng Núi Na. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Cúc Đại Đóa. Thọ giới lớn ngày 23 tháng 3 năm 2016 trong đại giới đàn Ân Nghĩa. Là đệ tử thứ 743 của Thầy Làng Mai, sư cô Trăng Núi Na thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán.
Nước Tĩnh (điện đường) Một thiền đường thuộc chùa Pháp Vân, Xóm Thượng.