Tiếng chuông và nền văn hoá tâm linh
(Pháp thoại ngày 03.10.2005 trong khóa tu dành cho người xuất gia tại tu viện Lộc Uyển)
Tiếng đại hồng chung
Chuông đại hồng là chuông chúng ta thỉnh vào buổi sáng sớm và chiều tối. Đó là truyền thống đã có từ ngàn năm ở các thiền viện Việt Nam. Trong khi thỉnh chuông đại hồng, người tri chung sẽ xướng lên những bài kệ. Tri chung là một chức vụ rất quan trọng, và chúng ta phải đem hết trái tim để làm chức vụ tri chung. Trước khi thỉnh chuông, một vị tri chung giỏi luôn xá chuông và thực tập hơi thở theo bài kệ:
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn.
Sau khi thở vào, thở ra nhiều lần tâm ta trở nên khỏe và tĩnh lặng. Lúc ấy ta mới bắt đầu thỉnh chuông. Trước hết phải thức chuông rồi mới được thỉnh. Buổi sáng khi nghe chuông, có thể có người đang làm việc dưới bếp, có người đang làm việc trong thiền đường hay trong Phật đường, có người đang pha trà cho các vị sư trưởng. Vì vậy, chúng ta chỉ thực tập đứng yên sau ba tiếng chuông đầu. Tới tiếng chuông thứ tư ta có thể tiếp tục công việc mình ̣đang làm. Tất cả mọi người trong chùa, dù đang chấp tác, đang chuẩn bị đi ngồi thiền hay đi tụng kinh, cũng phải thực tập nghe chuông. Mỗi tiếng chuông đưa ta về với giây phút hiện tại, ta được thở vào, thở ra một cách có chánh niệm. Vì ai cũng thực tập như vậy nên không khí buổi sáng rất tĩnh lặng, không ai nói chuyện với ai.
Tiếng chuông buổi sáng nâng hơi thở của mình lên và không để cho hơi thở rơi xuống đất. Những giờ phút đó là những giờ phút rất thanh tịnh trong chốn thiền môn. Chỉ khi có chuyện quá quan trọng, quá cấp bách thì ta mới nói với người kia một câu. Còn thường thì tất cả đều lặng lẽ, đi tới, đi lui, làm việc một cách rất chánh niệm, yên lặng. Tất cả mọi người đều được tiếng chuông nâng lên và thường trú trong chánh niệm suốt thời gian đại hồng chung được thỉnh. Chúng ta không dùng từ “im lặng hùng tráng” nhưng quả thật sự im lặng hùng tráng đang có mặt trong giờ phút đó.
Tiếng đại hồng chung buổi sáng hơi khác với buổi chiều. Buổi sáng, tiếng chuông nhặt hơn, tức là khoảng cách giữa hai tiếng chuông gần nhau hơn.Thông thường, ta có rất nhiều năng lượng vào buổi sáng và tiếng chuông có tính cách yểm trợ, đưa ta đi tới. Buổi chiều, tiếng chuông thưa hơn, khoảng cách giữa hai tiếng chuông dài hơn. Khi tiếng chuông đại hồng vọng lên thì không ai được nói chuyện. Chuông đại hồng có thể kéo dài nửa giờ đồng hồ với tiếng kệ. Nếu ở gần lầu chuông ta có thể nghe được tiếng kệ. Mọi người đều phải theo dõi hơi thở, tập thở trong chánh niệm. Tuy có những công việc đang làm nhưng ta luôn an trú trong chánh niệm. Ta cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, an vui trong khi nghe chuông và thở.
Không khí trong thiền viện rất tinh khiết, nhẹ nhàng và đầy năng lượng của hùng, của lực là nhờ tất cả mọi người đều thực tập thở theo tiếng chuông. Tiếng chuông rất linh thiêng. Tiếng chuông là sự có mặt đích thực của Đức Thế Tôn. Ta vâng kính theo tiếng chuông giống như vâng kính theo lời của Đức Bổn Sư. Vì vậy buổi sáng nghe chuông, ta phải nghe hết lòng và thở theo chuông. Ta nghe chuông và thở theo chuông như thế nào để có niệm, có định và có hạnh phúc. Hạnh phúc này được chế tác bởi toàn chúng chứ không phải bởi một người.
Thỉnh chuông là để cho người sống
Tiếng chuông được chế tác ra cho chúng ta thực tập, cho có an lạc. Tiếng chuông không chỉ là hiệu lệnh mà là sự nhắc nhở. Tiếng chuông là bạn đường nên ta phải cam kết với chuông là mỗi khi nghe tiếng chuông ta sẽ thực tập hết lòng. Hiện nay, nhiều chùa và nhiều người nghĩ thỉnh chuông là để cho tiếng chuông vọng tới địa ngục, làm thức tỉnh và xoa dịu bớt khổ đau nơi ngục tối. Họ đã thỉnh chuông trong niềm tin như thế:
Chuông đại hồng mới vọng
Tiếng kệ xướng đã vang
Trên vọng tới thiên đường
Dưới thông về địa phủ.
Như vậy có nghĩa là chúng ta thỉnh chuông cho chư thiên nghe, để cho họ hạnh phúc hơn và để những người ở địa ngục nghe cho bớt khổ. Điều này có thể có, nhưng trước hết tiếng chuông có tác dụng phụng sự những người đang sống. Vì vậy người sống trên mặt đất phải nghe tiếng chuông, thở theo chuông và có hạnh phúc với chuông. Nếu chúng ta không làm được chuyện đó thì chẳng lẽ đạo Bụt chỉ để cho chư thiên và những âm hồn dưới địa ngục hay sao? Chúng ta phải nhớ thỉnh chuông trước hết là cho đại chúng – từ các vị sư trưởng cho đến các thầy lớn, các sư cô lớn, các thầy trẻ, các sư cô trẻ và các sư chú – cùng thực tập.
Ngôi chùa là ngôi nhà linh thiêng lãnh đạo tâm linh trong làng. Vì vậy, tiếng chuông cũng có ảnh hưởng đến đời sống dân chúng trong làng. Nhiều bà mẹ thức dậy theo tiếng chuông. Những người Phật tử chân chính sẽ biết nghe chuông và thở theo chuông trong khi nấu cơm, làm thức ăn cho chồng con trước khi đi làm ruộng. Nếu có nghe chuông, nếu từng đi chùa, từng được nghe giảng hay nghe tụng kinh thì hạt giống tâm linh đó đã được gieo trồng trong tâm thức của ta dù ta là một cô bé, là một chàng thanh niên hay một cô thiếu nữ sống trong làng.
Người ăn trộm đang dùng thanh sắt để mở khóa một ngôi nhà, đột nhiên nghe tiếng chuông thì hạt giống lương thiện trong người đó được tưới tẩm và người đó có thể dừng lại, không xâm nhập vào nhà người khác nữa. Một người cầm dao muốn sát hại người khác, đang đưa dao lên, bỗng nghe tiếng chuông đại hồng thì giật mình nghĩ lại hành động này có thể đưa mình xuống địa ngục và buông dao xuống. Những chuyện như vậy đã từng xảy ra trong xóm làng, trong xã hội. Đó là nhờ ảnh hưởng của tiếng chuông. Tiếng chuông có tác dụng thức tỉnh, làm sống dậy lương tri của con người để họ đừng nhúng tay vào tội ác. Tiếng chuông không chỉ phục vụ các thầy, các sư cô mà còn phục vụ cho cả làng xóm, khu phố. Vì vậy tiếng chuông rất quan trọng!
Vị tri chung phải đem hết trái tim của mình để thỉnh chuông. Tiếng chuông là một thông điệp của lương tri, của trí tuệ, của lòng từ bi. Thỉnh chuông như vậy thì vị tri chung gửi theo được từ bi và trí tuệ vào tiếng chuông.
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông.
Bài kệ này rất đúng! Sau khi đi chơi chùa Hương, thi sĩ Chu Mạnh Trinh làm một bài thơ khá hay có tựa là “Hương Sơn phong cảnh ca”, trong đó có hai câu:
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Tiếng chày kình là tiếng vồ chuông. Mình đang ở trong một giấc mơ, đang đánh mất mình trong những lo lắng buồn khổ, vọng tưởng. Nghe một tiếng chuông đại hồng, mình tỉnh dậy và ra khỏi giấc mơ. Tang hải là sự thay đổi của biển dâu. Tang là ruộng dâu và hải là biển cả. Vì cuộc đời vô thường nên biển cả hóa thành ruộng dâu và ruộng dâu hóa thành biển cả (Thương hải tang điền). Khách tang hải là người sống trong cuộc sống vô thường.
Tiếng chuông đại hồng là một phần trong nền văn hóa tâm linh dân tộc. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ tiếng chuông, phải nuôi tiếng chuông, phải làm cho tiếng chuông sống mãi về tương lai. Nuôi tiếng chuông không có nghĩa là đúc nhiều chuông. Đúc nhiều chuông mà nghe chuông như bò nghe âm nhạc thì cũng không có ích gì. Nuôi được tiếng chuông là do ta biết nghe chuông. Hiện nay trong nhiều chùa, khi nghe chuông người ta nói chuyện râm ran, coi tiếng chuông không ra gì hết. Vì thế, tuy vẫn còn người thỉnh chuông nhưng tiếng chuông đã mất. Chính một số các thầy, các sư cô khi nghe tiếng chuông cũng không dừng lại để thở. Như vậy là chúng ta đang đánh mất tiếng chuông, chúng ta đang đánh mất hồn thiêng của sông núi, của dân tộc, của văn hóa. Tiếng chuông còn đó chỉ như một cái xác không hồn. Hồn của tiếng chuông là ở chỗ thực tập nghe chuông.
Tiếng chuông đại hồng buổi sáng, tiếng chuông đại hồng buổi chiều là nền văn minh của chúng ta, nền văn minh tâm linh mà chúng ta phải bồi dưỡng bằng sự thực tập.
Vì tình thương mà thực tập
Có một người khách tới chùa và ở lại một đêm. Buổi sáng người đó nghe tiếng chuông đại hồng, thức dậy và cảm được năng lượng vĩ đại chốn thiền môn. Tất cả các thầy, các sư cô, sư chú đều đang im lặng thực tập hơi thở. Trong sự im lặng hùng tráng, tự nhiên năng lượng vĩ đại đó đi vào trong thân và tâm của người khách kia. Chỉ có chuyện này thôi cũng đủ để thay đổi con người đó. Người khách kia lần đầu được thấm năng lượng tâm linh, sự tĩnh lặng, tinh tiến và giải thoát.
Trong khóa tu, chúng ta phải thực tập tiếng chuông một cách nghiêm chỉnh để khi về lại địa phương, ta có thể cứu được tiếng chuông, không để tiếng chuông tiếp tục làm một cái xác không hồn. Cái hồn đó, chúng ta biết, là sự thực tập của mỗi người trong chúng ta.
Boong… boong… Tôi là chuông đại hồng, ngôi chùa xưa trên đỉnh núi.
Đỉnh núi này là đỉnh núi chót vót của nền văn hóa tâm linh.
Tôi khua vang mở đầu cho một bình minh mới
Nghe tiếng tôi, xin người nở nụ cười
Nghe tiếng tôi, xin người đem mắt thương nhìn cuộc đời.
Tiếng chuông nhắc nhở chúng ta thực tập nụ cười, hơi thở và cách nhìn với con mắt từ bi. Nghe tiếng chuông mình giật mình tỉnh thức và trở về với hơi thở chánh niệm. Nghe chuông như vậy là thực tập tỉnh thức. Đạo Bụt là đạo tỉnh thức, ngay trong khi nghe tiếng chuông thì mình là người tỉnh thức. Những lúc đó mình gần với Đức Thế Tôn hơn bất cứ lúc nào. Là người tỉnh thức, mình biết mình đang làm gì, mình đang có tâm hành nào, thiện hay bất thiện. Nếu đó là tâm hành thiện thì mình hân hoan, nuôi dưỡng. Nếu đó là tâm hành bất thiện thì mình ôm ấp, chuyển hóa. Trong cả hai trường hợp mình đều đang đi về hướng của giải thoát, của giác ngộ.
Mỗi bước chân đi phải tỏa chiếu sự vững chãi, thảnh thơi. Mình đi đâu, đi đâu mà vội, đi đâu mà vàng? Thiền hành là đi mà không cần phải tới. Thiền hành là đi mà mỗi bước chân đều đi vào Tịnh độ, vào sự thật. Thiền hành là đi và có ý thức là mình đang đi. Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ, bước trên thực địa. Đi như vậy thì mình là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn, mình là con cháu đích thực của Đức Thế Tôn. Mình đi vững chãi, thảnh thơi và có an lạc. Đi từ xóm dưới lên xóm trên hay từ xóm trên xuống xóm dưới, mình cũng đi với những bước chân có an lạc, có thảnh thơi, có hạnh phúc. Những bước chân đó nuôi dưỡng mình. Đi như vậy, mình không cần phải cố gắng, tại vì mỗi bước chân đều có an lạc, thảnh thơi.
Mình đi cho ai? Mình đi cho chính mình. Mình đi để nuôi dưỡng sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc. Đồng thời mình cũng nuôi dưỡng Đức Thế Tôn để Ngài có thể đi về tương lai. Mình mang Đức Thế Tôn đi tới tương lai vô cùng. Mình đi cho cha, cho mẹ, cho tổ tiên. Có thể ngày xưa cha, mẹ, tổ tiên không có cơ duyên được học hỏi, thực tập và đi những bước chân như vậy. Bây giờ, mình đi cho mình đã đành rồi mà mình còn đi cho Bụt, cho các vị Bồ tát, cho tổ tiên huyết thống. Đi như vậy thì hạnh phúc sẽ rất lớn.
Sự thực tập nghe chuông cũng như sự thực tập thiền đi, không phải là những lao tác mệt nhọc mà mình bắt buộc phải làm. Dù sao tiếng chuông cũng đang được thỉnh và mình cũng đang nghe tiếng chuông. Dù sao mình cũng phải lên xóm Thượng, mình cũng phải xuống xóm Hạ. Mình chỉ thay đổi cách đi mà thôi. Mình đừng đi như bị ma đuổi hay đi như bị bắt phải đi, mà mình đi như một người giải thoát, an lạc, hạnh phúc. Vì tình thương mà đi. Không ai bắt mình đi, bắt mình thở hay nghe chuông. Không phải vì sợ bị người ta chê cười mà mình bắt buộc phải làm. Mình không tự bắt mình phải làm, mình làm bởi vì mình thích làm.
Khi ăn cơm cũng vậy, mình ngồi ăn cơm cho thảnh thơi, ăn như một người vô sự. Mình ăn cơm không phải chỉ để nuôi mình. Mình cũng đang nuôi cha, nuôi mẹ, nuôi thầy, nuôi cả tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Nếu mình không ăn thì cha mẹ không thể tiếp tục đi về tương lai, Bụt và các vị thánh tăng cũng không thể tiếp tục đi về tương lai. Ăn như vậy là ăn vì tình thương. Khi có tình thương thì mình không cảm thấy bị ép buộc phải ăn, phải nghe chuông, phải đi thiền. Mình đừng nói sở dĩ mình phải thực tập vì người ta bắt ép mình thực tập. Mình phát tâm muốn thực tập vì mình muốn nuôi dưỡng tăng thân, chuyển hóa thân tâm và giúp chuyển hóa thân tâm của tổ tiên, ông bà và con cháu. Vì thương con cháu nên mình thực tập, mình nghe chuông, mình thở, mình đi. Dù muốn hay không thì mình cũng đi về tương lai, và con cháu là một phần của tương lai.
Khi ngồi thiền cũng vậy. Đừng nghĩ mình ngồi thiền là vì bị bắt buộc. Nếu không ngồi thiền hay tụng kinh thì Phật tử cư sĩ sẽ không tới cúng chùa. Mình ngồi thiền hay tụng kinh không phải là để có cơm, có áo. Mình đi tu không phải là vì cơm áo. Mình không ngồi thiền, tụng kinh, đi thiền vì kinh tế của chùa, vì thầy hay vì đại chúng bắt mình làm. Mình làm vì mình muốn làm, mình thấy hạnh phúc trong khi làm.
Quý vị thử nhớ lại xem. Có hôm mình hơi mệt, hơi làm biếng, hơi bị cảm, hay ngủ hơi ít nên thay vì đi ngồi thiền, mình nghĩ ngủ nướng thêm thì sẽ đỡ cho mình hơn. Nhưng vì một lý do nào đó rất nhỏ mà mình choàng dậy, đi tới thiền đường. Giữa đường mình nghĩ, nếu hồi nãy mình ngủ nướng thêm thì uổng biết mấy. Ra ngoài trời không khí quá trong lành, bước chân quá thảnh thơi. Ngồi thiền xong mình thấy trong lòng khỏe và phơi phới. Nếu nằm nướng trong phòng thì chắc giờ này mình vẫn chưa khỏe. Mình biết rằng nằm nướng thêm cho tới giờ này thì mình cũng không khỏe thêm chút nào mà trong lòng còn có mặc cảm tội lỗi và hối hận. Chỉ cần một chút xíu quyết định là mình có thể chuyển cái tiêu cực thành tích cực và sau đó mình rất hân hoan vì đã làm được chuyện đó. Con ma làm biếng luôn luôn có đó. Cho nên, đôi khi mình phải giúp người bạn tu một chút, chỉ cần đưa tay vỗ nhẹ hay kéo người đó lên là đủ rồi. Mình nhờ nhau trong những lúc đó, chỉ cần một chút xíu là mình có thể giúp cho người kia thoát ra khỏi tình trạng tiêu cực và đi vào thế giới hân hoan, an lạc của sự thực tập.
Gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn
Đi thiền mà không có hạnh phúc thì đó là một cực hình. Một nhà báo bên Pháp tới Làng vì muốn viết bài về Làng Mai. Được mời đi thiền hành với đại chúng, ông đau khổ vô cùng. Người ta đi thảnh thơi, an lạc còn ông đi về thì mệt nhoài, tại vì ông bắt ép ông làm. Mục đích của ông đến Làng Mai không phải để thiền hành mà là để viết bài. Nếu bắt ông ngồi thiền thì ông cũng sẽ rất đau khổ.
Mình ngồi thiền không phải để ép xác, để khổ đau. Mình ngồi thiền để được thong dong, tự tại, vững chãi, thảnh thơi. Ngồi thiền là để được nuôi dưỡng. Nếu trong khi ngồi thiền mình cảm thấy bị bức xúc, bị đè nén, bị bắt làm cái mà mình không muốn làm thì đó không phải là ngồi thiền mà là ngồi trong hầm tối, ngồi trong địa ngục. Tại sao mình phải ngồi trong địa ngục? Ngồi trong Tịnh độ, ngồi trong Thiên đường hay ngồi trong địa ngục là tùy theo cách mình ngồi. Đúng giờ đi thiền hành với đại chúng, đúng giờ thức dậy, đúng giờ đi ngồi thiền, đúng giờ đi ăn cơm với đại chúng, để cho năng lượng tập thể của đại chúng đưa mình đi. Đi như một dòng sông rất dễ. Mình không có cảm tưởng bị ép làm những cái mình không muốn làm.
Những khổ đau, những tập khí, những phiền não tiếp nhận từ thế hệ trước có thể còn đó. Chính vì vậy nên mình mới đến với tăng thân để thực tập. Nếu thực tập thành công, đi thiền có hạnh phúc, ngồi thiền có hạnh phúc, ăn cơm có hạnh phúc, nghe chuông có hạnh phúc thì những phiền não, những tập khí, những khổ đau đó mới được chuyển hóa. Nếu không có hạnh phúc trong khi làm những công việc thường ngày gọi là công phu đó thì mình làm gì có cơ hội để chuyển hóa những phiền não, khổ đau, tập khí tiếp nhận từ cha mẹ, tổ tiên? Sự thực tập cũng có công năng tưới tẩm những hạt giống tốt lành do cha mẹ và tổ tiên để lại.
Có những người phải dành dụm cả năm trời mới có đủ tiền tham dự một khóa tu năm ngày. Trong khi đó mình không cần dành dụm, mỗi ngày mình đều có cơ duyên để tu, để ngồi thiền, để đi thiền, để ăn cơm im lặng, để nghe chuông, để thở. Tu viện là một cơ duyên rất lớn để mình có thể ở và làm được những điều này. Khi làm được thì mình nuôi dưỡng mình và làm chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người.
Chúng ta vừa có một khóa tu cho 800 người Mỹ. Nhìn vào nét mặt họ trong ngày cuối của khóa tu, mình biết họ đã có rất nhiều chuyển hóa và an lạc. Nếu không có tu viện, không có tăng thân thì làm sao có được khóa tu? Trong khi ở chùa, trong khi thực tập, chúng ta cũng đang phục vụ cho xã hội bên ngoài. Đừng nghĩ là mình đang bị tách ra khỏi những khổ đau của xã hội bên ngoài, mình không giúp gì được cho xã hội bên ngoài. Cách hay nhất mình có thể giúp cho xã hội bên ngoài là mình nghe chuông, mình ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm cho đàng hoàng, cho có hạnh phúc. Chính nhờ như vậy nên mình mới có thể tiếp đón những người có khổ đau, có nội kết, có những vết thương trong tâm hồn và giúp cho họ chuyển hóa, trị liệu.
Chúng ta không làm việc trong xã hội như những tác viên xã hội nhưng ta thật sự đang làm việc cho xã hội, đang giúp cho mọi người chữa lành được những thương tích trong tâm, trong gia đình và trong xã hội của họ. Chúng ta ở trong tu viện nhưng đồng thời ta cũng đang ở ngoài cuộc đời. Chúng ta như một bông sen mọc lên từ bùn hôi nhưng không dính mùi hôi của bùn. Gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn, đó là hình ảnh của một người xuất gia.
Nhìn bằng con mắt của chính mình
Chúng ta hãy tập nhìn anh chị em trong đại chúng như những tế bào của cùng một cơ thể. Trong cơ thể ta có trên 50 ngàn tỷ tế bào. Những tế bào đó sinh diệt không ngừng, một tế bào mẹ có thể sinh ra bốn tế bào con. Cứ mỗi ba ngày thì tất cả tế bào trong đường ruột đều trở thành những tế bào mới. Mỗi người được sinh ra nhiều lần trong một ngày. Vì vậy, ta phải nhìn sư anh, sư chị, sư em của ta bằng con mắt trí tuệ. Có những chuyện ta nghe nói về người đó nhưng nó đã thuộc về ngày xưa. Người đó bây giờ đã khác, nếu ta giữ lại những gì ta đã nghe và nhìn người đó qua những hình ảnh cũ thì rất tội cho ta và cho người đó.
Ta phải có con mắt của chính mình, đừng nhìn người khác qua những gì mình nghe mà phải có nhận xét của chính mình. Đó là sự thực tập của thầy. Mỗi khi nhìn một sư chú, một sư cô hay một thầy thì thầy nhìn bằng con mắt của thầy chứ không phải bằng con mắt của người khác. Thầy luôn thấy sư chú đó mới, sư cô đó mới và thầy có niềm tin nơi sư chú, sư cô đó. Mỗi ngày chúng ta đều có thay đổi, có chuyển hóa. Nhiều khi ngủ một đêm, thức dậy mình đã trở thành một người khác rồi. Đó là sự mầu nhiệm thường xảy ra. Hôm qua có tâm hành kia nhưng hôm nay tâm hành đó không còn nữa. Nó đã chuyển hóa. Cho nên khi nhìn một người, mình đừng nhìn bằng ký ức ghi lại từ những gì mình đã nghe một người khác nói. Mình phải là một con người tự do, để khi nhìn huynh đệ, mình thấy người nào cũng có cơ hội đi tới. Thầy không bao giờ có thành kiến với bất cứ một đệ tử nào, vì thầy có khả năng nhìn đệ tử bằng con mắt của chính thầy chứ không nghe qua những gì người khác nói, nhất là đã nói từ năm ngoái hay hai ba năm về trước.
Nếu chúng ta biết nhìn nhau như vậy thì không khí trong đại chúng sẽ rất nhẹ, rất trong sáng. Nhìn như vậy chúng ta sẽ lạc quan, sẽ đi tới và giúp cho huynh đệ đi tới. Chúng ta nâng đỡ nhau để đi tới như một dòng sông. Ta đi tới một bước thì tăng thân đi tới một bước. Sư anh đi tới một bước thì tăng thân cũng đi tới một bước. Sư em đi tới một bước thì tăng thân cũng đi tới một bước. Bằng mỗi bước chân, ta đưa tăng thân đi tới.
Nguyên tắc vô ngã
Sau trận hải chấn có biết bao nhiêu người đã chết. Người ta đặt câu hỏi với nhà thần học người Thụy Sĩ Hans Küng:
- Là một nhà thần học lớn, ngài có thể trả lời câu hỏi: Tại sao Thượng đế có thể để một tai nạn, một khổ đau lớn như thế xảy ra?
Sau khi suy nghĩ, Hans Küng trả lời (tôi nghe thuật lại):
- Chỉ có sự im lặng mới có thể trả lời được thôi.
Mới nghe qua, ta có cảm giác như đó là một câu trả lời rất “thiền”. Nhưng nhìn lại cho kỹ thì nó nói lên một sự bế tắc. Trong tiếng Anh, “thần học” là theology. Theology là biện chứng, là logic, tức là diễn đạt được bằng lời nói. Nếu không nói thì không phải thần học. Thần học là phải nói ra, cho dù là nói bằng ngôn ngữ “thiền”.
Khi nghe và tiếp xúc với những khổ đau do trận hải chấn gây ra, tôi cũng đã quán chiếu. Tôi thấy trong đạo Bụt có câu trả lời rất rõ. Tuệ giác của đạo Bụt là tuệ giác vô ngã, mà nguyên tắc vô ngã hiện nay đã được khoa học chứng minh. Khi nhìn vào trong cơ thể con người, khoa học thấy đó là một đoàn thể, một community, một sangha (tăng thân) của những tế bào. Hơn năm mươi ngàn tỷ tế bào mà trong đó không có tế bào nào làm chủ. Đó là một đoàn thể các tế bào có sự liên hệ, có sự truyền thông thường xuyên với nhau. Có những tế bào chuyên môn làm công việc truyền thông. Có những tế bào chuyên môn làm công việc lọc máu. Có những tế bào chuyên làm công việc đưa những chất phế thải ra ngoài. Trong cơ thể của ta, các tế bào chia ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm chuyên về một ngành riêng nhưng tất cả đều có mục đích là bảo vệ, nuôi dưỡng và giúp cho cơ thể lớn lên. Nhìn cho kỹ ta thấy không có tế bào nào ra lệnh cho những tế bào khác, kể cả những tế bào óc.
Tế bào óc liên hệ với nhau bằng những chất hóa học gọi là neurotransmitter – chất dẫn truyền thần kinh. Sự liên hệ giữa các tế bào xảy ra thường xuyên. Trong mỗi giây có hàng ngàn lần liên lạc như những dòng điện được truyền đi hay những chất hóa học được tiết ra từ đầu mút của các tế bào. Nếu có một quyết định thì đó là kết quả của sự đi tới với nhau giữa các tế bào óc và rồi truyền tới các tế bào khác. Đồng thời quyết định đó cũng cơ bản dựa trên những tin tức nhận được từ các tế bào khác. Các tế bào như tế bào gan hay tế bào tim, v.v. cũng đều gởi tin tức về cho hệ thần kinh trung ương. Chúng ta có một hệ thần kinh trung ương (the central nervous system) và một hệ thần kinh ngoại biên (the peripheral nervous system). Hai hệ thần kinh làm việc với nhau một cách rất chặt chẽ.
Nhìn vào tăng thân, ta thấy tăng thân cũng giống như một cơ quan, một sinh vật. Quan sát kỹ ta thấy tăng thân Làng Mai làm việc rất giống cơ thể của con người. Có sư anh, sư chị chuyên về âm thanh. Có sư anh, sư chị chuyên về máy vi tính. Có sư anh, sư chị chuyên về việc chăm sóc thiếu niên và thiếu nhi. Càng làm việc thì họ càng giỏi. Họ càng khám phá ra những sư em có khiếu về ngành của mình, mời sư em tham dự vào ngành và trao truyền kinh nghiệm, tài năng của mình cho sư em, giống như các tế bào trong cơ thể sinh ra những tế bào con.
Những nhóm tế bào, khi làm việc trong phạm vi chuyên môn của mình cũng thấy được sự đóng góp của mình vào sự an bình, sự vươn lên của cơ thể mà không có sự cạnh tranh, sự ganh tỵ, giận hờn. Bởi vì các tế bào trong cơ thể thật sự hoạt động trên tuệ giác vô ngã. Tuệ giác vô ngã đem lại sự an bình, hòa điệu và hạnh phúc. Nhìn vào cơ thể, ta thấy được tính vô ngã của đạo Bụt. Nhìn vào loài người như một cơ thể ta cũng thấy như vậy! Trong xã hội có những người chuyên môn làm nghề này và có những người chuyên môn làm nghề khác. Có người đắp đường xây cầu, có người lo cày ruộng, có người đi buôn bán. Vì vậy, toàn thể nhân loại cũng có thể được coi như một cơ thể.
Nếu một phần của cơ thể bị đau nhức thì tất cả cơ thể đều phải gánh chịu. Vì vậy, khi có hàng chục ngàn người chết trong trận hải chấn thì niềm đau nỗi khổ đó không chỉ dành riêng cho người đã chết và thân nhân của họ. Tất cả chúng ta trên thế giới đều hứng chịu khổ đau đó, vì đó là một phần của cơ thể nhân loại. Chúng ta có mặt và khi nhận được tin tức thì chúng ta cũng đau niềm đau của những người chết và đau niềm đau của những người còn sống có thân nhân đã mất trong trận hải chấn. Mình thấy rất rõ, người chết tức là mình chết, cũng giống như khi tay trái bị thương thì tay phải cũng bị thương, tay trái bị đứt thì tay phải cũng bị đứt. Tay phải không nói: “May quá! Anh bị đứt chứ không phải tôi!”.
Và nhờ mình còn sống đây nên những người chết vẫn còn sống, nhờ tay phải không bị cắt nên tay trái vẫn còn. Bây giờ tay phải đang làm công việc của tay trái. Khi thấy được như vậy thì mình nhận ra rằng mình sống đây cũng là sống cho những người đã chết trong trận hải chấn. Vì họ chết nên mình cũng chết theo và vì mình sống nên họ cũng được sống theo. Cái thấy đó chỉ có thể đạt được với tuệ giác vô ngã. Đó là câu trả lời của đạo Bụt. Anh chết tức là tôi chết, nhưng nếu tôi sống thì anh cũng đang còn sống. Thấy được như vậy là nhờ ánh sáng của tuệ giác vô ngã. Căn cứ trên cái thấy đó thầy đã viết một bài có tựa đề: “Ôm lấy niềm đau sau trận hải chấn”. Bài viết đã an ủi được rất nhiều người.
Không có gì quan trọng hơn tình huynh đệ
Trong chuyến về thăm Việt Nam ba tháng vừa rồi, có một câu mà thầy lặp đi lặp lại: “Không có tôn giáo nào, không có ý thức hệ nào cao hơn tình huynh đệ”. Đó cũng là phương châm của chúng ta. Dù đang xây chùa hay tu viện, dù đang tổ chức một khóa tu hay một khóa lễ nào đó, thì không có công việc xây cất hay công việc tổ chức nào quan trọng bằng tình huynh đệ. Vì vậy sự thực tập căn bản của chúng ta là nhìn sư anh, sư chị, sư em mình như chính bản thân mình. Dù cho người đó còn yếu kém nhưng những thắng lợi hàng ngày của mình trong sự tu tập không phải chỉ để cho mình mà còn là để cho người đó. Nếu tay trái không làm việc được thì tay phải làm việc gấp đôi cho tay trái. Lúc leo lên núi Yên Tử thì cánh tay trái của thầy rất yếu nên cánh tay phải của thầy phải làm việc cho cả hai.
Nếu có một huynh đệ đang trồi sụt, yếu kém thì mình phải tu thêm cho người đó và đừng trách móc người đó. Mình phải cho người đó cơ hội để đi tới. Nếu nhìn người huynh đệ dưới con mắt như vậy thì đỡ khổ cho mình và cho người huynh đệ kia rất nhiều. Mình không nhìn bằng con mắt trách móc, chê bai mà nhìn bằng con mắt hiểu và thương. Cái gì người đó chưa làm được thì mình làm giùm cho người đó. Người đó sẽ không còn mặc cảm vì biết rằng mình là một phần của cơ thể, mình đang được các phần khác của cơ thể ôm lấy, đưa lên để cùng đi một nhịp với cơ thể.
Cũng như một đàn chim bay trên trời, con chim đầu đàn có khi mệt, nhường chỗ cho con chim thứ hai bay tới. Bất cứ con chim nào cũng cần nương vào năng lượng tập thể của cả đàn chim. Khoa học đã chứng minh rằng khi bay chung thì mỗi con chim sẽ sử dụng ít năng lượng hơn khi bay một mình, tại vì có năng lượng tập thể chuyên chở.
Trong đại chúng luôn có sự tu tập, sự chuyển hóa, sự đi tới. Năng lượng tập thể đó nâng tất cả mọi người đi theo, kể cả những người còn yếu kém. Ý thức được như vậy ta sẽ không có mặc cảm là mình giỏi hơn hay dở hơn người đó. Người kia không còn đau khổ và ta cũng nuôi dưỡng được thêm lòng từ bi.