Sám pháp địa xúc

Thiết lập truyền thông

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, con xin hứa là con sẽ cẩn thận để không nói ra một lời nào có thể gây nên sự bất hòa, sự rạn nứt hay tan vỡ trong đoàn thể tu học hay trong gia đình của con. Mỗi khi con có khó khăn với một thành phần trong gia đình hoặc trong tăng thân, con sẽ tìm mọi cách để hóa giải nội kết. Con sẽ không đi than phiền về người đó với các thành phần khác trong gia đình hay trong tăng thân. Con không muốn năng lượng buồn đau tiêu cực của con ảnh hưởng tới những thành phần khác của tăng thân, và làm cho năng lượng vui sống và tu học của họ đi xuống. Cũng bởi vì trong quá khứ con đã có khi vụng dại làm như thế, cho nên hôm nay con xin nhận diện những lỗi lầm đó, và xin lạy xuống trước Tam bảo để cầu xin sám hối, nguyện từ nay trở đi sẽ không còn lập lại những vụng dại và lầm lỡ của ngày qua.

Con biết là con có quyền và có bổn phận nói cho người thân của con nghe về những khó khăn và khổ đau của con, nhưng con phải chọn đúng nơi đúng lúc rồi con mới nói, và khi nói con phải sử dụng phép ái ngữ. Con xin hứa với đức Thế Tôn là trong khi nói, con sẽ nhớ rằng những lời con nói phải có tác dụng giúp người kia hiểu thêm về con và về người ấy, và những lời con nói không mang tính cách trách móc, phê phán, chê bai và hờn giận. Con không dùng ngôn ngữ của sự buộc tội và lên án. Con chỉ nói đến những khó khăn và đau khổ của con thôi và mong rằng người kia hiểu được những đau khổ và khó khăn ấy của con. Trong khi nói, con có thể giúp người kia buông bỏ những tri giác sai lầm của người ấy về con, điều này giúp được cho cả hai phía. Con cũng ý thức rằng có thể trong những lời con nói, có những điều đã phát sinh từ nhận thức sai lầm của con về bản thân con và về người ấy, và cầu mong nếu người ấy thấy được những nhận thức sai lầm ấy thì xin vui lòng chỉ bảo và soi sáng cho con.

Trong khi con nói, có thể là những vết thương trong con bị chạm tới và tâm hành buồn giận trong con phát khởi. Và con hứa sẽ ngừng nói và trở về theo dõi hơi thở, để nhận diện và mỉm cười với nó. Con sẽ xin phép người đang ngồi nghe cho con ngưng lại một vài phút. Chừng nào nhận thấy tâm con bình an trở lại, con mới tiếp tục thực tập nói ra những cảm nghĩ và nhận xét của con.

Trong khi người ấy nói thì con sẽ lắng nghe bình tĩnh với tâm không thành kiến. Con xin tập lắng nghe với tâm từ bi, với một mục đích duy nhất là để hiểu được người kia. Con biết rằng một khi con đã hiểu được người ấy thì con có thể chấp nhận và thương được. Trong khi nghe, nếu con nhận thấy có những điều người ấy nói không phù hợp với sự thật, con sẽ không cắt lời mà vẫn hết lòng lắng nghe để tìm hiểu lý do nào đã đưa tới những tri giác sai lầm ấy. Con đã làm gì và nói gì để người ấy hiểu lầm con như vậy. Và con sẽ hành xử như thế nào trong những ngày tới để giúp người ấy điều chỉnh nhận thức của họ.

Khi nghe người ấy nói xong, con sẽ chắp tay cám ơn người ấy đã soi sáng cho con, và hứa sẽ chiêm nghiệm lại cho sâu sắc về những điều người ấy nói. Lòng dặn lòng, trong tương lai sau khi đã quán chiếu kỹ lưỡng, con sẽ giúp người ấy buông bỏ những nhận thức sai lầm của người ấy về con và về chính người ấy.

Bạch đức Thế Tôn, con đã thấy nhiều người nhờ thực tập lắng nghe và ái ngữ mà đã hóa giải được nội kết, buông bỏ được hiểu lầm, tái lập được truyền thôngvà tìm lại được hạnh phúc. Con xin hứa với đức Thế Tôn rằng từ nay về sau con sẽ hết lòng thực tập ái ngữ và lắng nghe.

Địa Xúc

Xin đức Thế Tôn cho con lạy xuống ba lạy trước Thế Tôn và trước đức Bồ tát lắng nghe Quan Thế Âm. (C)