Các tu viện Làng Mai quốc tế

 

Rong chơi ngày nắng đầy

Sư em thương,

Chị xa Làng đã hai năm rồi, mau quá! Bao nhiêu chuyện đã xảy ra cho cả thế giới và cả đại chúng, cho chị và cho em. Đôi khi trong những giấc mơ hoặc khi ngồi kể chuyện cho nhau nghe, bao nhiêu kỉ niệm trong chị lại trở về. Chị em mình mà, rất dễ bị cuốn đi bởi những câu chuyện. Chuyện này nối tiếp chuyện kia thành những giai thoại trong đó có Thầy, có huynh đệ và có những ngày vui.

Những con đường thiền hành

Xa Làng, chị thường nhớ và thường mơ về những lối mòn mình đã đi. Đi quá nhiều lần và dần dần nó trở thành những lối mòn cả trong tâm thức. Những lối nào chị đi với ý thức sâu sắc thì nó “mòn” hơn, ăn sâu hơn và khi nghĩ về chị có cảm giác thân thương hơn. Đó là những con đường mình thường đi qua trong ngày, nhất là những con đường thiền hành.

Những con đường thiền hành của ba xóm ở Làng sao đẹp quá! Không biết bao nhiêu lần bước đi trên những con đường đó mà sao lần nào chị cũng thấy đẹp. Con đường quanh hồ sen hình trăng khuyết hay con đường nằm giữa những hàng mận hướng lên ngọn đồi của xóm Mới. Con đường xuyên qua Thánh đường Bạch Dương, dẫn vào cánh rừng nơi có hồ nước của xóm Hạ. Con đường đi xuống dốc, qua rừng sồi xuống đồi Bụt của xóm Thượng, và không thể không kể tới con đường thông huyền thoại mà Thầy thường nhắc đến. Còn nhiều con đường nữa, đẹp lắm! Đẹp trong khi mình dạo chơi một mình ở xóm, càng đẹp hơn khi chị em mình cùng được thiền hành với tăng thân. Hình ảnh đại chúng lặng lẽ, bình yên đi với nhau thật sống động, thân thương. Những ngày sắp rời Làng, mỗi lần thiền hành trên những nẻo đường ấy, chị đều có ý thức rất rõ. Chị đi cẩn trọng, gởi lòng biết ơn của mình đến con đường. Đôi lúc chị chạm vào một gốc mận hay một gốc thông để cảm nhận cũng như gửi một lời chào.

 

 

Rồi trên chặng đường tiếp theo, sẽ có những lối mòn thân thương mới, nơi ta có những trải nghiệm mới, nơi sẽ mãi ở lại trong lòng ta.

Phật đường

Xóm Mới có một nơi linh thiêng mà chị rất nhớ, đó là Phật đường. Mình thường gọi là thiền đường tím vì thảm trải nền có màu tím, màu đặc trưng của xóm Mới do Thầy chọn. Màu tím tượng trưng cho quốc độ của đức Bồ tát Quán Thế Âm. Ngày chị tới Làng, việc đầu tiên là tới lạy Bụt ở Phật đường. Bước vào, phát hiện ra nền nhà được lót bằng thảm màu tím, tím đậm đấy. Khoảng chính giữa có tượng Bụt màu hồng nhạt ngồi trong vòm đá thật tự nhiên, đẹp và bình yên. Thầy có viết hai câu đối cho Phật đường mà khi đọc lên sẽ cảm nhận được liền nơi mình đang đứng:

Trên đài sen trắng Như Lai hiện
Giữa rừng tre tím Quán Âm ngồi

Bước vào Phật đường, chị luôn có cảm giác mình được trang nghiêm và là chính mình. Cách bố trí trong Phật đường lúc nào cũng ngăn nắp và đẹp. Chị thích những bức tranh vẽ hoa mai, những bức thư pháp và thích cả chùm đèn tròn ngay chính giữa nữa. Phật đường trang nghiêm, lại trải thảm nên mọi người được nhắc nhở kỹ là không được ăn uống, không làm ồn,… để giữ nơi đó được sạch và yên.

Hồi trước, có một bộ xương người bằng plastic được đặt ở góc Phật đường để đại chúng quán chiếu. Có lần nó cũng được dùng làm ví dụ thế ngồi thiền cho đại chúng thấy rõ. Mỗi lần đi thực tập lạy sám pháp địa xúc một mình mà thấy bộ xương đó hoặc khi lạy xuống mà biết nó đứng đằng sau thì: Ôi sao mà sợ thế! Sau này, khi bộ xương bị hư hỏng, xộc xệch, chân một đường, tay một nẻo, rớt tùm lum thì mình đã “tiễn nó lên đường”.

Ngày xóm Mới bị lụt, nước tràn vào cả Phật đường làm ướt tấm thảm, không thể cứu chữa được nên mình phải buông bỏ. Gắn bó biết bao nhiêu năm trời nên ai cũng tiếc và nhớ tấm thảm tím đó. May sao mình đã tìm được tấm thảm nhựa màu tím khác để lót sàn nhà nên màu đặc trưng của Phật đường vẫn được giữ lại.

Chị thích nhất là hình ảnh mọi người thực tập ở Phật đường. Lâu lâu có công việc, không đi công phu với đại chúng được, khi đi ngang qua nhìn vào thấy đại chúng đang ngồi tụng kinh trong đó, đẹp và hùng hậu quá, ai mà không được đánh động. Sáng sớm và sau giờ ngồi thiền tối, các sư chị, sư em thường vào Phật đường để thực tập cá nhân. Hình ảnh đó đẹp lắm! Đôi khi chị không phải là người đang ngồi đó tâm tình với Bụt, lạy xuống tiếp xúc với đất Mẹ hay kinh hành thong thả, nhưng đứng nhìn thôi chị cũng được hưởng lây năng lượng của sự bình an. Tự nhiên lòng chị cũng có sự buông bỏ và hạnh phúc.

Sơn Cốc

Nhà của Thầy. Tự nhiên thôi, Sơn Cốc trở nên thiêng liêng. Đó là nơi dành riêng cho chúng xuất sĩ và khi đến đấy, lúc nào mình cũng cảm thấy ấm cúng.

Ai cũng thích mùa An cư kiết đông để mỗi tuần đều có ngày xuất sĩ ở Sơn Cốc. Những năm trước đó đại chúng còn vắng người lắm, ngồi lọt gọn trong thiền đường nhỏ trên lầu. Thầy thường ví thiền đường đó như bụng của hoàng hậu Maya, có bao nhiêu người cũng chứa hết. Ngày xuất sĩ, ai vào thiền đường trước thì được… ngồi sau, ai tới sau thì bị ngồi lên đằng trước, ngồi thật sít sao mới đủ chỗ. Ngày nào Thầy cũng nhắc nhở: Đi vào trong, đừng ngồi chận đường. Trong thiền đường có mấy cái cửa sổ nhỏ xíu, thường thì có mở hé hé để cho có không khí. Ai ngồi gần đó thì bị lạnh, còn lại mọi người trong thiền đường đều nóng đỏ mặt. Trong thiền đường có hệ thống sưởi, tối hôm trước Thầy đã bật lên để sưởi ấm sẵn cho các sư con ngày mai đến.

Sau đó vài năm đại chúng đông hơn nên phải chuyển xuống ngồi ở hai phòng phía dưới. Thầy ngồi ở phòng trong nên ở ngoài phải có một máy chiếu mới thấy Thầy. Nhiều khi anh chị em bận bàn tán khi Thầy hỏi về đề tài nào đó sôi nổi quá mà quên im lặng để nghe tiếp nên lâu lâu Thầy hỏi: nhóm “nhà lá” ngoài đó có nghe không?

Những bài pháp thoại ngày xuất sĩ thường rất gần gũi và thực tế với những gì đang diễn ra trong chúng. Ai cũng ngồi nghe chăm chú và có cảm giác là Thầy đang dạy riêng cho mình. Có những vấn đề trong chúng được nêu lên để Thầy chia sẻ tuệ giác của Thầy trong cách giải quyết các vấn đề đó. Mọi người thường hỏi nhau: làm sao mà Thầy biết vậy?

Sơn Cốc nhỏ nhưng cũng đủ chỗ cho Thầy dẫn đại chúng thiền hành một vòng quanh vườn, đi men theo suối Phương Khê đến hàng bạch dương và vòng về hướng có ba cây thông. Những ngày này Thầy trò thường ngồi quanh bếp lửa ngoài trời, quý thầy lúc nào cũng mang theo đàn và hát những bài thiền ca. Thầy thích ngồi chơi nghe các sư con hát, nhìn cảnh các sư con chơi với nhau rộn rã tiếng cười. Các chị em nhỏ tụi mình hồi đó ít ngồi chơi ở bếp lửa mà núp lui núp tới gần bụi tre, thưởng thức mấy món bữa lỡ, hoặc chạy nhảy chơi trò chơi.

Giờ cơm trưa là vui nhất. Hàng khất thực dài thật dài vì chỉ có hai bàn thôi, đại chúng nếu ai không có công việc gì thì đều tranh thủ đứng xếp hàng trước. Tới đúng giờ ăn là mọi người đều hàng lối ngay ngắn, không thể rời hàng vì sẽ mất chỗ ngay. Nếu đội nấu ăn đem cơm tới, nhờ người đi thỉnh chuông thì ai cũng nhường nhau, không ai chịu đi mới khổ chứ! Bao nhiêu là câu chuyện vui xoay quanh bàn khất thực ở Sơn Cốc. Có những ngày mưa không có đủ chỗ ngồi ăn, đại chúng khất thực và ngồi ăn trong nhà thì ôi thôi là chật chội. Vậy mà ai cũng hạnh phúc và hứng thú với những ngày xuất sĩ mới hay chứ.

Trong những khóa tu lớn, tới Sơn Cốc là dịp thầy trò có mặt cho nhau, sạc lại năng lượng và thắp lại ý thức mình là một người may mắn đang có nhiều cơ hội để thực tập và giúp người. Thầy luôn có đó như một người cha, quan tâm tới từng đứa con, không ai là không nhận được. Chị, em và các anh chị em khác đều mang theo trong mình tình thương ấy tới giờ đó thôi.

Thiền đường “Tình Thầy”

Dãy nhà đó đã có mặt từ khi Thầy có Sơn Cốc. Trong bức hình chụp Sơn Cốc từ những ngày đầu mà Thầy treo ở thư viện, mình đã thấy khu vực phía sau đó rồi. Thế nhưng nó bị hư hỏng nặng và không dùng được nên không ai quan tâm làm gì. Vậy mà không hiểu sao Thầy lại muốn sửa lại. Sau vài lần bảo thị giả đẩy xe vào tự mình xem xét, Thầy bắt đầu ra dấu gọi các thị giả ra dọn dẹp khu nhà bỏ hoang đó. Đầu tiên là hai thị giả theo hầu, sau đó gọi thêm nhóm thị giả còn lại và tiếp theo là cả đại chúng tham gia dọn dẹp. Thầy mời thầy Pháp Dung thiết kế bản vẽ. Thầy là người ra ý, đốc thúc, giám sát công trình. Những ngày thợ bắt đầu tới làm hầu như ngày nào Thầy cũng ra thăm và rất hứng khởi với dự án đó.

Công trình chưa hoàn tất thì Thầy đi Thái rồi về Việt Nam. Thầy là người khởi xướng còn việc thi công và hoàn tất là của các sư con. Cuối cùng thiền đường mới cũng được “khánh thành”, nhìn rất đơn sơ mà ấm cúng. Ở Từ Hiếu, ban thị giả nhận được những hình ảnh sinh hoạt của đại chúng trong thiền đường mới và đã chiếu lên cho Thầy xem. Bây giờ chị mới hiểu tại sao Thầy muốn làm công trình đó. Còn gì hơn là để cho các sư con của Thầy có một nơi thực tập ấm áp và có mặt cho nhau. Chị nghĩ, “Tình Thầy” là từ thật thích hợp để đặt tên cho thiền đường. Ngồi trong đó chắc hẳn ai cũng nghĩ đến và cảm nhận được tình Thầy.

 

Ngày popcorn (bắp nổ)

Nói đến Sơn Cốc và Thầy là chị nhớ đến có một ngày đáng nhớ, một ngày rất đặc biệt: Ngày popcorn.

Đó là thời gian Thầy mới bệnh. Suốt một thời gian đại chúng không được gặp Thầy vì Thầy ở Sơn Cốc để tĩnh dưỡng. Đại chúng nhớ Thầy và Thầy cũng nghĩ tới đại chúng, Thầy muốn đại chúng đừng lo lắng cho Thầy quá. Trước đó, Thầy đã muốn có một ngày xuất sĩ để đại chúng được lên Sơn Cốc gặp Thầy cho an tâm, cũng sẵn dịp đó Thầy muốn được nghe đại chúng tụng bài Tâm kinh tuệ giác qua bờ bằng tiếng Anh mà thầy Pháp Linh mới làm nhạc.

Để chuẩn bị cho ngày gặp đại chúng, Thầy đã sắp xếp rất kĩ càng. Không biết Thầy nghĩ gì mà một ngày nọ Thầy đề nghị mua cho Thầy một cái máy làm popcorn. Sư cô Chân Không và anh chị em thị giả nghe Thầy nói vậy ai cũng ngạc nhiên. Mọi người chưa tưởng tượng ra tu viện có một cái máy làm popcorn thì như thế nào. Cái máy đó chắc khó kiếm lắm, mà cũng không biết mua làm gì, để ở đâu? Thầy nói: mua cho Thầy đi, Thầy trả tiền, Thầy có tiền bán thư pháp. Nghe cũng đủ biết Thầy rất thích ý tưởng đó nên sư cô Định Nghiêm tìm trên mạng và mua được một cái máy để làm popcorn thật. Cái máy màu đỏ, không lớn lắm, có bánh xe để kéo.

Ngày máy được chuyển về, Thầy trò háo hức mở ra xem. Khi lắp ráp mới phát hiện ra do vận chuyển nên một miếng kính bị bể, thị giả dùng bao ni lông che tạm. Có được cái máy rồi, Thầy dạy: Bây giờ phải lên mạng học cách làm popcorn. Thầy Pháp Hữu, sư cô Nho Nghiêm, thầy Pháp Áo, thầy Pháp Nguyện và chị là ban thử máy, nổ bắp. Khách hàng là Thầy, sư cô Chân Không và sư cô Định Nghiêm. Thật hồi hộp với giây phút bỏ dầu ăn và bắp vào máy để thử và chờ đợi. Rồi bắp nổ trào ra khỏi cái nồi nhỏ ở trong máy, chao ôi là vui. Thầy thì cười tươi, quý sư cô thì hoan hô còn tụi chị cứ gọi là nhảy tưng lên. Thầy được mời chén bắp nổ đầu tiên và anh chị em cũng hào hứng thử. Thầy còn đề nghị nghiên cứu để vào ít muối và caramel cho bắp có vị nữa. Thế là thị giả lại tất bật nổ hết mẻ này tới mẻ khác để canh đo liều lượng và thời gian cho đúng. Những ngày đó anh chị em tha hồ ăn bắp nổ, còn gởi về cho xóm Mới ăn giùm.

Vài ngày sau, Thầy viết thư mời đại chúng đến dự ngày xuất sĩ và ăn popcorn. Những ngày đó, ngày nào Thầy cũng nhắc thị giả phải lấy máy ra tập luyện cho thật nhuần nhuyễn để trình diễn trước đại chúng.

Trước ngày hẹn vài ngày Thầy phải đi kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện. Khi các bác sĩ đề nghị Thầy ở lại thêm, Thầy nói: Không được, Thầy đã có hẹn ngày popcorn với các sư con rồi. Vậy là cả ban thị giả phải năn nỉ Thầy ở lại và liên lạc với đại chúng hoãn lại vài ngày để Thầy an tâm chăm sóc sức khỏe.

Rồi ngày đại chúng tập trung cũng tới. Ai cũng hào hứng. Từ trưa anh chị em thị giả đã chuẩn bị sẵn sàng nào là máy nổ bắp, bếp để thắng đường làm caramel, một ít muối và thùng để đựng khi ra sản phẩm. Ai cũng lo là đại chúng đông, làm không kịp. Còn Thầy thì chuẩn bị xuất hiện sao cho đẹp và Thầy cũng sắp xếp để lúc nào mình đem xe popcorn ra cho ấn tượng. Có cả một chương trình hẳn hoi, công nhận Thầy kỹ thật!

Chị cứ nhớ các thị giả nổ bắp ở trong phòng nghỉ phía sau, chỗ nhìn ra ba cây thông của Thầy (Thầy thường gọi đó là ba sư anh của các con). Đại chúng thì tập trung tụng bài Tâm kinh tuệ giác qua bờ, nghe hùng và hay lắm. Rồi thầy Pháp Áo đẩy xe chở Thầy ra ngồi ngắm đại chúng tụng kinh. Nhìn từ trong ra có thể thấy một số quý thầy, quý sư cô không tụng kinh được, chỉ đứng nhìn, một số đứng núp đằng sau… khóc.

Sau khi giới thiệu, Thầy ra dấu gọi đem xe popcorn tới và nổ cho đại chúng xem. Mọi người cùng được ăn popcorn. Đó là quà của Thầy và công thực hiện của ban thị giả. Thầy rất hạnh phúc được thấy đại chúng và đại chúng cũng hạnh phúc, cảm động được thấy Thầy. Popcorn ngon hay không ngon không quan trọng mà cái quý là ai cũng nhận được tình Thầy. Sau này cái máy được chuyển về xóm Mới, lâu lâu chị em lại mang ra nổ bắp chung ăn cho vui và ai cũng nhớ lại kỉ niệm ngày ấy.

Chuyện cũ thì kể bao giờ mà hết được em ha! Bây giờ chắc chắn Làng đã và đang thay đổi nhiều rồi. Khi chị rời xóm Mới, mấy khu nhà đang được sửa chữa, khi nào có dịp về lại chắc chị sẽ nhận không ra đó chứ. Nói vậy thôi, có thay đổi bao nhiêu đi nữa thì Làng vẫn nằm ở miền quê xinh đẹp đó, nơi yên bình, tách xa sự nhộn nhịp, vẫn với sự đơn giản trong không khí sinh hoạt đầm ấm, vui tươi.

 

 

Những ngày ở chùa Tổ, chị và các anh chị em thị giả thường kể chuyện cho nhau nghe bao nhiêu chuyện của Thầy, của Làng, của các trung tâm. Cốc Thầy yên bình mà cũng đầy ắp tiếng nói, tiếng cười. Chị em mình còn có Thầy, được về trong lòng tăng thân, có những tháng ngày để rong chơi. Mình còn trông chờ gì hơn? Chúc sư em tận hưởng những ngày vui, cười với những khó khăn đang có và là sự tiếp nối đẹp của Thầy, của Làng. Chị cũng chỉ làm chừng đó thôi.

Thương nhiều.

Sư cô Chân Thao Nghiêm

 

 

Làng Mai: Hành trình 40 năm

Nghe pháp thoại

Nếu bạn muốn học hỏi thêm Phật pháp và về những pháp môn tu tập để có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày, xin mời bạn vào Thiền đường để nghe pháp thoại. Xin đề nghị bạn đừng nằm trong khi đang nghe pháp. Bạn có thể đem theo một cái tọa cụ, gối ngồi nghe pháp thoại, hoặc gấp một chiếc chăn lại làm tám để thay tọa cụ. Tọa cụ kê dưới mông, và bạn ngồi xếp bằng theo kiểu bán già hoặc toàn già, hai đầu gối kê và chúc xuống nền pháp đường. Giữ cho lưng thật  thẳng, đầu thật thẳng nhưng không cứng. Buông thư tất cả các cơ bắp trong châu thân, chỉ nắm lấy hơi thở. Như vậy bạn có thể ngồi từ nửa giờ tới bốn mươi lăm phút mà không thấy mỏi. Ngồi thiền hay ngồi nghe pháp thoại cũng ngồi theo kiểu ấy. Bán già hay kiết già đều là kiểu ngồi hoa sen. Kiết già (hay toàn già) là để bàn chân phải trên bắp chân trái, và bắp chân trái lên  bắp chân phải. Bán già là hoặc để chân trái lên chân phải hoặc chân phải lên chân trái. Trong trường hợp chưa quen, bạn có thể ngồi theo kiểu nào cũng được miễn là lưng cho thẳng và đầu cùng một đường thẳng với lưng.

Nghe pháp là một phép thực tập rất dễ chịu. Những bài pháp thoại gieo trồng trong tâm thức do những hạt giống của hiểu biết, của thương yêu làm lớn lên khả năng chấp nhận, tha thứ và buông bỏ trong ta, để ta cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng và ta biết cách hành xử như thế nào để chuyển hóa tình trạng trong thân tâm cũng như trong hoàn cảnh. Phần lớn những bài pháp thoại mà bạn được nghe trong pháp đường đều ít có tính cách lý thuyết, giàu tính thực tập và cung cấp cho chúng ta những cái thấy cũng như những phương thức hành trì mà ta có thể thực hiện được. Nghe pháp thoại đều đều như thế trong thời gian ba, bốn tháng, vốn liếng Phật pháp của bạn sẽ giàu có một cách đáng kể và bạn có thể đóng góp một cách thực tế và hữu hiệu trong những buổi pháp đàm. Có những khóa học kéo dài trong ba tháng hoặc chín tháng và bạn có thể theo dõi các bài pháp thoại ấy cho hết khóa, và từ khóa này sang khóa khác, ba năm sau kiến thức Phật học cũng như khả năng hành trì của bạn sẽ tăng tiến rất nhiều. Chúng tôi đề nghị bạn theo học những khóa như Trái Tim Của Bụt, Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh, Kinh Tam Di Đề, Con Đường Của Bụt, Các Định Đề Giáo Lý Làng Mai, Truyền Thống Sinh Động Của Thiền Tập Đạo Bụt.

Lời ngỏ trang nhà

Chào mừng khách quý và thân hữu của trang nhà Làng Mai.

Xin chào mừng quý vị đã tới với Trang Nhà chúng tôi. Trang Nhà Làng Mai là một nơi chúng ta đến để viếng thăm, tu tập và học hỏi. Chúng tôi chúng tôi có Thiền đường để quý vị đi vào ngồi thiền hoặc thực tập buông thư, nghe pháp thoại. Chúng tôi có Phật đường để quý vị đi vào tụng kinh và nghe kinh, chúng tôi có Tàng Kinh Các để quý vị đi vào tham khảo và học hỏi.

Ghé Đài Mây Tím, bạn có dịp ngắm nhìn quang cảnh ngôi chùa trong những sinh hoạt hằng ngày qua những vần thơ nhỏ, những câu văn chân thành, những bức thư trao đổi giữa Thầy và trò cùng những bài thiền ca vang lên trong đời sống tu học.

Nếu bạn có nỗi niềm thắc mắc xin mời bạn vào Tham Vấn Đường. Ở đây có những người trẻ thổ lộ tâm tình, đặt những câu hỏi và được một thầy hay một sư cô trả lời. Có thể bạn đang có một câu hỏi tương tự như thế và câu trả lời kia có thể giúp bạn. Nếu muốn, bạn cũng có thể đặt những câu hỏi gửi tới quý thầy, quý sư cô qua email: thamvan@langmai.org và kỳ sau có thể có câu trả lời chờ bạn sẵn ở Tham Vấn Đường.

Nếu bạn muốn nghe tiếng chuông trầm hùng của Đại Hồng Chung, nghe những bài Kệ Hô Chuông của các thầy và các sư cô, xin mời bạn lên Lầu chuông ở Cổng Tam Quan. Bạn cũng có thể làm như các vị xuất sĩ và cư sĩ Làng Mai và hàng ngàn các thân hữu của các vị ấy trên thế giới là đem tiếng chuông chánh niệm đặt vào máy tính của bạn, để mỗi 15 phút, bạn có cơ hội dừng lại để thở, mỉm cười và tiếp xúc được với những nhiệm mầu của cuộc sống trong bạn và chung quanh bạn. Làm như thế bạn tránh được những căng thẳng, mệt mỏi và những đau nhức trong cơ thể, và có cơ hội nuôi dưỡng thân tâm mình.

Chúng tôi mong ước là sau nửa giờ hay một giờ đồng hồ thăm viếng và thực tập quý vị cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng và an lạc hơn. Đó là nguyện ước và cũng là niềm vui của chúng tôi. Chúng tôi mong rằng quý vị đến với Trang Nhà không phải chỉ để tìm nghe tin tức mà chủ yếu là để tu tập với chúng tôi để có thêm nhiều bình an, thảnh thơi, nuôi dưỡng và trị liệu.

Ban biên tập trang nhà Làng Mai là những thầy, những sư cô trẻ được Tăng thân tin tưởng giao cho trách nhiệm chăm sóc Ngôi chùa điện tử. Chúng tôi mong ước cho bạn có thể nếm được niềm vui của thiền duyệt mỗi lần bạn ghé thăm chùa.

Để cho năng lượng tu học của chùa mỗi ngày một lớn mạnh, chúng tôi rất mong nhận được những lá thư chia sẻ về hoa trái của công phu áp dụng những thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày cũng như những góp ý làm sao để quý thầy, quý sư cô có thể giúp bạn hạnh phúc hơn khi về chùa. Bạn có thể gửi thư về cho ban biên tập theo địa chỉ: trangnha@langmai.org.

Thương quý và tin cậy!
Ban biên tập Trang nhà Làng Mai

Thiền đường

Nếu bạn đang bị căng thẳng, xin mời bạn vào Thiền đường để được thực tập ngồi thiền có hướng dẫn. Sẽ có một thầy hay một sư cô hướng dẫn cho bạn thực tập. Và cũng có thể sẽ có Thầy của chúng tôi, thiền sư Nhất Hạnh thỉnh chuông và hướng dẫn cho bạn thực tập. Bạn biết không, trong tạp chí của Oprah Winfrey ở Hoa Kỳ mà hàng trăm ngàn người vào thăm mỗi ngày, Thầy của chúng tôi cũng có mặt để hướng dẫn những bài thiền tập như: “Là hoa tươi mát”, “Là núi vững vàng”, và “Không gian thênh thang”.

Vào thiền đường, bạn cũng cơ hội được thực tập hát thiền ca trước khi được ngồi yên để lắng nghe sâu những bài pháp thoại của Sư Ông Làng Mai hay của quý thầy, quý sư cô giáo thọ của Làng hiện đang tu học tại khắp các tu viện Làng Mai quốc tế. 

Tại Thiền đường bạn cũng có thể thực thiền buông thư. Một thầy hay một sư cô sẽ hướng dẫn cho bạn. Có thể là trong khi thực tập thiền buông thư, bạn có thể ngủ thiếp đi và không tiếp tục nghe được những lời hướng dẫn thực tập nữa. Không sao, miễn bạn khỏe và thư giãn là được rồi. Lần sau bạn sẽ thực tập tiếp. Nếu mỗi ngày mà bạn thực tập được một thời thiền buông thư thì tốt lắm, sẽ phòng ngừa được rất nhiều chứng bệnh gây ra do sự bức xúc và căng thẳng trong đời sống hành ngày.

Tâm thư kêu gọi hoà bình

 

 

 

 

02.04.2022

Kính gởi toàn thể gia đình nhân loại yêu quý,

Nhìn thảm kịch chiến tranh đang diễn ra từng ngày trên đất nước Ukraine, tim chúng tôi cùng thổn thức với những đau thương đang đè nặng trên mỗi người dân, già cũng như trẻ của đất nước này. Đạo Tràng Mai Thôn Quốc Tế chúng tôi chứng kiến cuộc chiến đang diễn ra với tất cả niềm đau, với đầy ý thức cẩn trọng và tỉnh giác.

Mặc dầu chúng tôi tu học theo Đạo Bụt nhưng vào mỗi dịp Giáng sinh về, chúng tôi đều cảm thấy hân hoan khi được ngồi thiền cùng với tiếng chuông nhà thờ chính thống của Nga, có dịp mở lòng ra để đón nhận di sản tâm linh phong phú, giàu có của đất nước này cũng như của cả châu Âu. Thầy của chúng tôi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã từng dạy cho chúng tôi rằng: “Tiếng chuông mãi mãi luôn là tiếng chuông dù cho đó là tiếng chuông của Cơ Đốc giáo, Tin lành giáo, Chính thống giáo hay Phật giáo”. Khi nghe chuông, dù mỗi người trong chúng ta có gốc rễ văn hóa và tâm linh nào đi chăng nữa, chúng ta đều có thể chạm được vào chiều sâu của sự tĩnh lặng nội tâm và gặp gỡ điểm chung nhất của mọi chiều hướng tâm linh. Bởi một lẽ tự nhiên là mỗi người trong chúng ta đều khát khao niềm tĩnh lặng, chúng ta đều cần sự tĩnh lặng nội tâm.

Tăng thân quốc tế của chúng tôi có gốc rễ từ truyền thống Đạo Bụt Nhập Thế Việt Nam. Đất nước của chúng tôi cũng đã trải qua một cuộc chiến tàn khốc kéo dài gần hai mươi năm với hơn ba triệu người thiệt mạng và gần hai triệu người tị nạn. Chúng tôi đã học từ Thầy chúng tôi, chiến tranh không bao giờ giải quyết được mâu thuẫn và tranh chấp. Chiến tranh chỉ đem lại sự chia rẽ và hận thù với di hại kéo dài qua nhiều thế hệ.

Không bao giờ đứng về một phe nào của một cuộc tranh chấp, Thầy chúng tôi đã không mỏi mệt hay ngừng nghỉ trong công trình vận động hòa bình để chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam. Thay vì chọn phe, Thầy chúng tôi luôn luôn khẩn thiết kêu gọi các phe lâm chiến hãy nhìn sâu vào những khổ đau, bất an và sự sợ hãi diệt vong của phe bên kia cũng như xét đến những mất mát đau thương mà mỗi nạn nhân trong cuộc chiến phải gánh chịu, dù ở bên này hay ở bên kia. Buộc phải bị lưu vong, Người đã trở thành nhà lãnh đạo tâm linh cho phong trào hòa bình, hòa giải và giải trừ vũ khí toàn cầu.

Chúng tôi tin rằng, vào thời điểm trọng yếu này, thông điệp hòa bình của Thầy chúng tôi có thể đem lại niềm hy vọng cho hai quốc gia Ukraine và Nga, cũng như cho toàn thể nhân loại. Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng chiến tranh có thể chuyển thành hòa bình, rằng những người sống sót qua cuộc chiến dù mang đầy thương tích vẫn có thể được chữa lành và trị liệu.

Nhân danh Thầy chúng tôi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và nương vào năng lực từ bi và tuệ giác lớn của Người, chúng tôi – những đệ tử của Người – kêu gọi sự ngưng chiến ngay tức khắc để chấm dứt tình trạng đổ máu đang xảy ra tại Ukraine. Chúng tôi xin gửi tình thương và năng lượng yểm trợ tới các nhà lãnh đạo trong cuộc hòa đàm giữa hai phe lâm chiến. Xin nguyện cầu để quý vị có thể thật sự lắng nghe được chiều sâu của mỗi bên, để có thể hiểu nhau sâu hơn và sắp xếp được những điều kiện thuận lợi hầu thiết lập lại nền hòa bình cho cả hai quốc gia.

Theo lời Bụt dạy, kẻ thù thực sự của chúng ta không phải là con người, mà chính là những sợ hãi, lo lắng, buồn khổ, giận hờn, tham lam, vô minh và thù hận trong mỗi chúng ta. Chiến tranh bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, từ ý niệm cho rằng chỉ khi nào ta tiêu diệt được đối tượng mà ta gọi là “kẻ thù” thì ta mới được an ninh và yên ổn. Nhưng Bụt đã dạy rằng, hận thù không thể nào xóa bỏ được hận thù. Chỉ có hiểu biết và thương yêu mới có thể hóa giải được hận thù.

Thầy chúng tôi cũng từng chỉ ra rằng, khi nào chúng ta thật sự bình an, khi đó thế giới cũng sẽ được bình an. Nếu chúng ta thành công trong việc chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine và thiết lập được một nền hòa bình lâu dài tại nơi đó thì chắc chắn toàn thể thế giới sẽ được hưởng rất nhiều lợi lạc, bởi vì tất cả chúng ta trong gia đình nhân loại đều tương tức và phụ thuộc lẫn nhau. Chúng tôi cũng nguyện cầu cho những nguồn lực quý báu của thế giới, thay vì được sử dụng vào mục đích chiến tranh có thể được sử dụng để giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của nhân loại ngày hôm nay như đói nghèo, bệnh tật, tình trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em trên thế giới hay tình trạng buôn bán người, bóc lột sức lao động của trẻ em, cũng như những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Thế giới chúng ta đang cần một nền văn hóa hòa bình. Cả gia đình nhân loại chúng ta cần bước nhanh hơn trên nấc thang tiến hóa, để tiến đến một nền tâm linh mang tính “vũ trụ” và một nền đạo đức có khả năng hợp nhất lòng người, kết nối mọi dân tộc, xóa bỏ mọi ngăn cách, kỳ thị và phân biệt. Với tinh thần ấy, tăng thân chúng tôi đã làm mới lại những cam kết thực tập chánh niệm vì hòa bình trên trái đất nhân dịp đêm Giao Thừa 2021 (Chúng tôi xin được chia sẻ với quý vị trong phần cuối của lá thư này).

Công trình xây dựng hòa bình là hạnh nguyện của các bậc vĩ nhân, những vị thánh giả. Nắm tay nhau thành một khối hợp nhất của toàn thể gia đình nhân loại, vì lợi ích của toàn dân Ukraine, của nhân dân Nga, và cho những binh lính của cả hai bên, công việc khẩn cấp nhất của tất cả chúng ta là đầu tư toàn bộ năng lực và tất cả sự khéo léo để tìm ra mọi phương án khả thi đem lại hòa bình trong giai đoạn đầy hiểm nguy này của cả nhân loại.

Tất cả tổ tiên và con cháu chúng ta đang trông cậy nơi chúng ta.

Thương kính và tin cậy,

Phát Huy Một Nền Văn Hóa Hòa Bình

Lời Cam Kết và Khấn Nguyện Đêm Giao Thừa 2021

của Đạo Tràng Mai Thôn Quốc Tế

Kính lạy Tổ tiên, kính lạy Đất mẹ kính thương,

Trong hai năm qua, sự bấp bênh, sợ hãi và mất mát do tác động của đại dịch COVID-19 đã gây ra quy mô lớn về sự hoảng sợ, giận dữ và bạo lực trong gia đình nhân loại của chúng con. Khi chiêm nghiệm sâu sắc về đau khổ và bạo lực với ý thức rằng chúng có thể đạt đến mức độ lớn hơn nữa, chúng con xin lập lại lời nguyện của mình là bồi dưỡng hòa bình trong bản thân và trên thế giới. Theo tinh thần của tuệ giác Bụt về bốn sự thật cao quý, chúng con xin nguyện thực hành bài tập chánh niệm sau đây vì hòa bình trên trái đất.

Bài tập chánh niệm vì hòa bình trên trái đất

Nhận thức được rằng những đau khổ nảy sinh từ tiềm năng gia đình nhân loại của chúng con thông qua những hành động thiếu chánh niệm hoặc vô trách nhiệm có thể tiêu hủy chính mình và tất cả sự sống trên trái đất, chúng con quyết tâm vun trồng một nền văn hóa, trong đó mạng lưới thiêng liêng của sự sống đang nuôi dưỡng chúng con được tôn vinh. Chúng con sẽ làm điều này bằng cách cam kết tập thể việc thực hành chánh niệm và sống một cuộc sống hòa bình, bất bạo động dựa trên cái nhìn sâu sắc của chúng con về mối liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau và tương tức của muôn loài sống trên trái đất.

Cùng nhau và với tư cách cá nhân, chúng con sẽ thực hành theo cách sẽ chấm dứt mọi hành động và cách ứng xử góp phần vào việc hủy hoại gia đình nhân loại của chúng con, hủy hoại các loài động thực vật khác và hành tinh của chúng con. Các hành vi hủy diệt cần phải được chấm dứt tuyệt đối bao gồm phát triển và sản xuất vũ khí, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh hóa và công nghệ tiên tiến, để tiến hành chiến tranh trên không gian mạng và trong vũ trụ. Những hành vi phá hoại này cũng bao gồm việc lạm dụng các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông khác để thao túng tâm trí và cảm xúc của con người để tạo ra sự hỗn loạn, nghi ngờ, giận dữ, hận thù và bạo lực trong gia đình loài người của chúng con và tạo ra sự tàn ác đối với các loài động thực vật khác.

Chúng con sẽ tập hợp năng lượng tập thể, sự thịnh vượng vật chất và những nguồn lực tinh thần của nhân loại để hướng đến những hành động tích cực, trị liệu lành mạnh

– giúp tất cả mọi người học hỏi lẫn nhau, hiểu và tin tưởng lẫn nhau,

– nuôi dưỡng sự tồn tại của chúng con như một gia đình nhân loại giữa nhiều loài khác và

– bảo vệ đất mẹ thiêng liêng của chúng con.

Với sự cởi mở và khiêm cung, chúng con sẽ học cách mở rộng trái tim đón nhận lẫn nhau – bình đẳng về mặt văn hóa, tinh thần và xã hội. Chúng con sẽ tôn trọng sự đa dạng của chúng con – về chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo hoặc tín ngưỡng khác để chúng con có thể tạo ra và nuôi dưỡng một gia đình nhân loại trên trái đất sống trong hòa bình – với chính mình, với tất cả sinh vật và với toàn thể hành tinh.

 

Hãy để nỗi buồn trở thành bùn cho hoa sen vươn dậy

(Bài viết được Tâm Tuệ Viên chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Kính thưa quý vị trong cộng đồng tăng thân rộng lớn, gần xa,

Trong những ngày sau khi Thầy đi xa, nhiều cơ quan truyền thông đề nghị con, với tư cách là một tác giả đồng thời là một Phật tử, phát biểu về sự kiện mang tính lịch sử này trong cộng đồng của chúng ta. Nhưng con đã từ chối – bởi lẽ con cần nói gì đây, rằng những lời dạy của Thầy vẫn còn chưa đủ rõ ràng, trong khi tự thân chúng đã đủ rõ ràng mà chẳng phải giải thích gì thêm? Cuộc đời thực tập và hoằng pháp của Thầy đã chuẩn bị cho chúng ta đối diện với phút giây này. Thầy đã chuẩn bị cho chúng ta, vì chúng ta. Vì chính những nỗi đau buồn của chúng ta trong cõi Ta bà này. Con luôn cảm thấy rằng chẳng làm gì cả sẽ khôn ngoan hơn là làm gì đó mà không có một chủ đích rõ ràng hay không hội tụ đủ những điều kiện thích hợp. Nhưng khi Denise Nguyễn – Giám đốc điều hành của Quỹ Thích Nhất Hạnh (Thích Nhất Hạnh Foundation) – hỏi con rằng liệu con có thể chia sẻ trực tiếp với tăng thân chúng ta không, thì đề xuất ấy đã gợi cảm hứng cho con được giãi bày với quý vị như một thành viên của tăng thân.

Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ và âm thanh là một trong những phương tiện trao truyền cổ xưa nhất. Gốc của từ “tự sự” (narrative) là “gnarus”, tiếng Latinh có nghĩa là “cái biết” (kiến thức). Theo nghĩa này, mọi câu chuyện đều bắt đầu, và đa phần, là sự chuyển thể của kiến thức. Nhưng không chỉ thế, chúng còn là sự truyền tải năng lượng. Và, như Thầy đã dạy chúng ta: năng lượng không mất đi. Là một thi sĩ, con đã thực chứng lời dạy của Thầy hằng ngày. Bởi vì đọc những dòng chữ của các sử thi Gilgamesh hay Iliad, hay Truyện Kiều, là tiếp nhận năng lượng ngôn ngữ của những khối óc đã sáng tạo từ hơn 4000 năm về trước. Theo cách này, “nói” là để tồn tại, còn “dạy” là dẫn dắt những ý tưởng của ta vào tương lai, tới các thế hệ mai sau thông qua chiếc bè là những con chữ. Chúng ta hiểu rõ điều này bởi tất cả chúng ta đều đã và đang nương vào chiếc-bè-giáo-pháp của chư Bụt và Thầy. Thật may mắn xiết bao là chủng người chúng ta lại sở hữu một phương tiện chuyên chở tuyệt diệu như vậy. Con tin rằng nếu so sánh với nhiều phát kiến lớn trong y học và khoa học thì ngôn ngữ vẫn là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại. Để báo đáp những điều tuyệt diệu này, xin chúng ta hãy cam kết đóng những chiếc-bè-mới cho tất thảy chúng sinh hữu tình. Sứ mệnh của chúng ta, tiếp bước Thầy, là tiếp nối truyền thống giải thoát lâu đời đã trải dài qua nhiều thời đại và có mặt ở khắp mọi lĩnh vực.

 

 

Thưa vâng, năng lượng, và thậm chí cả con người, không thực sự mất đi. Dẫu biết vậy nhưng với tư cách là một cư sĩ, một người chưa đủ phước đức để bước đi trên con đường của những vị xuất sĩ, con phải thừa nhận rằng trái tim con tan nát khi chứng kiến nhục thân của Thầy chuẩn bị được đưa vào đài hỏa thiêu; rằng hành trình vượt thoát sinh tử của Người, như chư Bụt đã dạy chúng ta, là một trong những đoạn trường mà tất cả chúng sinh đều phải đi qua. Và bởi vì con chưa thực tập giỏi nên nước mắt vẫn rơi khi chứng kiến lễ Tâm tang của Thầy. Con khóc trước vẻ đẹp của cộng đồng tăng thân khắp chốn mà Thầy đã gây dựng, con cũng khóc bởi nỗi buồn vô hạn trong con. Con khóc cho chính mình, cho cả những người chưa có đủ trí tuệ và công phu hành trì để vượt qua nỗi đau này một cách nhẹ nhàng.

Khi mẹ con qua đời vì căn bệnh ung thư vào tháng 11 năm 2019, nằm trên giường bệnh, với giọng nói yếu ớt và thân nhiệt tắt dần, mẹ đã nói với con: “Con ơi, giờ con đã biết nỗi đau này, con phải đi giúp người ta nghe”. Mẹ con, dù không biết chữ, vẫn thuộc làu những lời kinh câu kệ bằng tiếng Việt và thường xuyên nghe Thầy giảng pháp qua điện thoại. Con đã trả lời mẹ: “Vâng, thưa mẹ, con hứa sẽ không để cho nỗi đau này trở thành vô ích”. Vì vậy, khi chứng kiến nhiều người đau buồn về sự chuyển hóa của Thầy, con nghĩ sẽ hữu ích nếu xem nỗi buồn cũng như một nguồn năng lượng. Hãy mở lòng đón nhận nỗi buồn và để nó dạy ta phải sống ra sao. Hãy để nỗi buồn trở thành bùn cho hoa sen vươn dậy, như Thầy đã từng dạy chúng ta. Chúng ta hãy ngồi chơi cùng nỗi buồn, để nỗi buồn đi qua chúng ta và chuyển hóa thành một thứ gì đó như là tình yêu. Mẹ con, nhờ học hỏi từ Thầy, đã hiểu rằng nỗi đau có thể chuyển hóa thành hiểu biết. Đó chẳng phải là ngôn ngữ hay sao?

Và bây giờ, xin cho phép con thỉnh cầu, đặc biệt với các vị xuất sĩ những người đã “xuất gia”, những người tiên phong thực sự trong loài người chúng ta: Xin quý vị tìm kiếm từ quá trình công phu của mình (con chắc chắn là quý vị đều đã dày công thực hành) tất cả các cách thức chuyển hóa nỗi buồn và chỉ dạy cho chúng con – những cư sĩ, vẫn đang “tại gia”- cách thức hành trì.

Đối với con, các vị xuất sĩ luôn là hiện thân của lòng dũng cảm, là những chiến binh đầy bản lĩnh và quyết tâm hơn bất cứ ai đã từng giương cao gươm giáo. Quý vị đã chọn cạo sạch mái tóc, hành quân vào miền vô định khôn cùng, bên ngoài giới hạn hiểu biết của con người, nhưng luôn sẵn sàng bước về phía trước. Trong khi chúng con vẫn ở đây, trong sự an toàn và thoải mái tương đối, chờ đợi những khám phá của quý vị.

Có câu nói rằng khổ đau thực ra là thương yêu – nhưng là tình thương bơ vơ, không đích đến. Trong hành trình kiếm tìm mà có lẽ con sẽ dành trọn cuộc đời trong hình hài này để thực hiện, con tự hỏi mình và cũng hỏi quý vị – tăng thân yêu mến: “Chúng ta sẽ đi về đâu, cả bên trong và bên ngoài chúng ta?” Bây giờ đây, chúng ta đã có một chiếc bè với sức chứa khổng lồ, có thể chở rất nhiều người, được củng cố vững chắc từ những lời dạy của Thầy, vậy nên, có thể nỗi buồn vẫn còn đó, như lẽ thường, nhưng sẽ không còn sợ hãi nữa.

Biết rằng quý vị vẫn đang ở đó, tìm kiếm những câu trả lời trong khi tọa thiền, khi theo dõi hơi thở, khi thực tập cúng dường, biết rằng quý vị đang ở ngay trước mặt chúng con, và rằng con vẫn thấy bóng y vàng của quý vị bừng sáng trên những nẻo đường, như những tia nắng mặt trời giữa những vụn vỡ hoang tàn màu xám, làm sao con có thể còn sợ hãi? Và hơn nữa, làm sao con có thể lạc lối được đây?

 

Vâng. Con buồn, và sẽ còn buồn như vậy một thời gian nữa. Trái tim con đau nhói, nhưng bất chấp điều đó, hoặc có thể là chính nhờ điều đó, con đã tìm thấy quý vị. Và trong quý vị, con tìm thấy chính con.

Đó là tự sự, đó là cái biết.

Xin gửi tới quý vị niềm thương kính và tin cậy.

Ocean Vương (Đức Hải)

 

Đây là giây phút huyền thoại

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

 

Thầy kính thương,

Xin cho con được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc nhất đến Người – người thầy, người đưa đường chỉ lối, và là một huyền thoại của chúng con.

Thầy đã dạy cho chúng con cách làm người, cách gắn kết và thương yêu nhau, cách nhìn nhận nhau như những đóa hoa trong vườn hoa nhân loại. Trong tuần lễ Tâm tang vừa qua, chúng con đã và đang tiếp tục ôm ấp, yểm trợ nhau trong tình huynh đệ, để cho những giọt nước mắt buồn thương được tuôn rơi. Ngay cả khi đang khóc, chúng con cũng chạm đến niềm hạnh phúc chân thực khi được ngồi cùng nhau và chia sẻ kỷ niệm về Thầy, dù ở Làng Mai Pháp hay qua các buổi sinh hoạt trực tuyến với hàng ngàn thân hữu ở khắp nơi trên thế giới.

Thầy thương kính, qua sự thực tập trong đời sống hàng ngày, Thầy đã thấy được sự tiếp nối của chính mình. Thầy dạy chúng con rằng khi thấy một người bước những bước chân chánh niệm và từ bi thì người đó chính là sự tiếp nối của chư Bụt, chư Tổ, và của Thầy.

Thầy còn nhớ câu chuyện mà thầy trò mình đã nói với nhau lúc ở Hồng Kông không, thưa Thầy? Thầy nói rằng Thầy muốn chúng con tiếp tục sự nghiệp làm mới đạo Bụt. Thầy đã làm được 60% công việc rồi, nhưng vẫn còn rất nhiều thứ cần làm. Và Thầy đã nhẹ nhàng căn dặn: việc giữ cho bánh xe Pháp tiếp tục xoay chuyển, làm cho giáo pháp thích ứng với thời đại, dễ dàng tiếp cận và ứng dụng được trong xã hội ngày nay là tùy thuộc vào chúng con – những đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Người khắp nơi trên thế giới. Cảm ơn Thầy đã luôn đặt trọn niềm tin nơi chúng con. Chúng con ý thức rằng mỗi khi chúng con biết nương tựa lẫn nhau là chúng con đang tiếp nối Thầy.

Vì còn trẻ và còn ít kinh nghiệm trên con đường thực tập, có những giây phút, con cảm thấy bị đè nặng bởi áp lực công việc và trách nhiệm tiếp nối Thầy. Nhưng rồi, con nhớ lại rằng con không cần phải làm một mình. Đã có sự yểm trợ của tăng thân, con không bao giờ phải làm một mình! Mỗi người trong tăng thân, bằng hành động của mình dưới nhiều hình thức khác nhau, đều đang chung tay tiếp nối Thầy.

Mỗi người trong chúng con chỉ cần nuôi dưỡng chánh niệm trong phạm vi đời sống của mình dù là với các thành viên trong gia đình, với bạn học hay các đồng nghiệp… Bất kể chúng con là ai và đang làm công việc gì, chúng con đều có cơ hội xây dựng một tăng thân dễ thương. Nơi đó, chúng con có thể cùng nhau chế tác năng lượng chánh niệm để nuôi dưỡng và trị liệu cho chính mình. Thưa Thầy, mỗi khi thấy có quá nhiều việc để làm, hay nhiệm vụ quá lớn, con biết là con có thể nương tựa nơi tăng thân. Như lời Thầy dạy, mỗi người chúng con là một giọt nước đang hòa vào dòng sông tăng thân để chảy ra biển lớn.

 

 

Thưa Thầy, trong hai tuần qua con thường được hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?” Mỗi khi có ai đó hỏi con như vậy, con đều thấy hình ảnh Thầy đang cầm ly trà trong hai tay với nụ cười hiền ấm áp. Con biết rằng thay vì hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?”, Thầy sẽ xoay ngược câu hỏi thành “Chuyện gì đang xảy ra ngay bây giờ?” Bây giờ chứa đựng cả quá khứ và tương lai, bây giờ là lúc chúng ta có cơ hội được đi cùng Thầy, được ngồi, được nói chuyện, xây dựng tăng thân, uống trà, cười và khóc cùng Thầy. Bây giờ là khi tăng thân khắp chốn đang cùng hội tụ, cùng chăm sóc, ôm ấp, nâng đỡ nhau, và sống chậm lại để cùng nhận diện, chuyển hoá những khổ đau đang có mặt trên thế giới với tuệ giác và tình thương vô biên. Đúng thật là như vậy, phải không Thầy? Bây giờ là một giây phút huyền thoại!

Chúng con đang có một tăng thân tuyệt vời, đầy tài năng và sức sống. Chúng con cũng đang mang ngọn đuốc trí tuệ mà Thầy đã trao truyền để sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại – bây giờ, ở đây – cũng như truyền đạt tới những thế hệ tương lai.

Con ôm Thầy thật chặt, con chia tay Thầy trong thảnh thơi.
Bởi vì trong Thầy luôn có con, và trong con luôn có Thầy.

Con của Thầy,
Pháp Hữu
Làng Mai, ngày 30.1.2022