Thấy Thầy trong tăng thân

Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Trở về xóm Hạ

Tôi tới Làng Mai vào ngày mùng 1 tháng 7 năm 1986. Một thiền sinh lái chiếc xe Quatrele cũ màu vàng ra đón tôi tại ga Sainte-Foy-La-Grande. Ba tháng trước, tôi và mấy bạn trong tổ chức Phật tử thân hữu tranh đấu cho hòa bình (Buddhist Peace Fellowship) thỉnh Thầy qua Anh hướng dẫn thực tập. Khi ấy Thầy đã gợi ý rằng tôi nên đến Làng thực tập một tháng.

Về tới xóm Thượng, tôi thấy Thầy đang ngồi trên võng, chiếc võng luôn được mắc giữa hai cái cây đối diện tòa nhà Thạch Lang (Stone building). Thầy mặc một bộ áo vạt hò màu lam, vì hôm đó rất nóng. Tôi chắp tay xá Thầy. Thầy nói: “Đây là Ấn Độ, Ấn Độ là đây”. Tôi đã không hiểu được ý Thầy và nghĩ Thầy muốn nói: “Thời tiết ở đây nóng như ở Ấn Độ vậy”. Sau này, khi nhìn lại, tôi vỡ lẽ ra Thầy ngụ ý: “Con à, đây là ngôi nhà tâm linh của con. Con không cần phải đi Ấn Độ để tìm về ngôi nhà của mình”. Có lần Thầy nói với tôi câu đó được lấy ý từ một bài thơ của thiền sư Việt Nam ở thế kỷ thứ 9, thiền sư Vô Ngôn Thông.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là bầu không khí thư thái của xóm Thượng. Đó là khoảng thời gian hai tuần trước khóa tu mùa Hè hàng năm và công tác chuẩn bị đang được tiến hành nhưng theo cách rất vui tươi và nhẹ nhàng. Một cái giường dành cho tôi được chuẩn bị trong căn phòng có tên Trăng Non. Giường là một tấm ván mỏng đặt trên bốn viên gạch. Những ngày tiếp đó tôi cũng giúp để chuẩn bị những cái giường tương tự cho những vị khách tới sau.

Một ấn tượng khác nữa của tôi: Đây là “khách sạn năm sao”. Bởi vì tu viện mà tôi đã từng thực tập tại Ấn Độ là một tu viện rất nghèo. Ở đó không có nước máy, không có điện, và không có cả giường. Ở đây, tôi có những tiện nghi tối thiểu, có một gia đình tâm linh để cùng thực tập, có một vị thầy nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và có thể hướng dẫn tôi trên con đường thực tập.

Sau một tháng, tôi được phép chuyển về xóm Hạ trong hai tuần cuối của khóa tu mùa Hè. Tôi ở tại cư xá Đồi Mận (Plum Hill), trong phòng có tám cái giường, giống như giường ở xóm Thượng. Về đây, tôi có một cảm giác rất lạ, cảm giác được trở về nhà khi ngồi dưới những cây sồi trăm tuổi và nhìn về phương Bắc. Góc nhìn khi ấy rộng hơn bây giờ vì chưa có rừng bạch dương. Cảm giác này trở lại khi tôi thực tập kinh hành trong thiền đường Nến Hồng và nhìn vào bức tường làm bằng những phiến đá. Thời đó, giữa những phiến đá người ta không trát vữa.

Xung quanh xóm Hạ bấy giờ có nhiều rừng, nhiều hơn bây giờ. Cả 21 héc-ta đất của xóm Hạ đều là những ruộng nho và rất nhiều cây ăn trái. Đó thật sự là một khu vườn bí mật để mình khám phá. Vào một ngày thu tháng Tám, Thầy hái những trái mâm xôi (blackberries) và đưa hết cho tôi, nói tôi làm mứt. Chắc Thầy biết rằng hàng năm mẹ tôi đều làm mứt mâm xôi nên tôi có thể dễ dàng tiếp nối mẹ.

Trong khóa tu mùa Hè, bên cạnh những gốc sồi xóm Hạ có Quán Cây Sồi. Quán bán các loại chè, bánh vào buổi chiều. Tiền bán được đều để dành cho trẻ em đói ở Việt Nam. Với số tiền này, sư cô Chân Không sẽ mua thuốc và chúng tôi đóng thuốc vào những hộp nhỏ để gửi về cho các tác viên xã hội tại Việt Nam. Họ có thể bán thuốc và dùng tiền đó để hỗ trợ cho những người đang thiếu thốn. Chúng tôi không chỉ gửi vật dụng mà thôi; trong mỗi hộp quà còn có những lời khuyến khích thực tập chánh niệm.

Sau khóa tu mùa Hè, thiền sinh rời Làng về nhà, còn tôi chuyển vào cư xá Tùng Bút (Cypress Building). Bây giờ khu nhà này đã trở thành nhà bếp, kho và phòng ăn của xóm Hạ. Hồi đó, dãy nhà Mây Tím còn đầy rơm rạ và phân chuồng vì nơi đây vốn là chỗ nuôi gia súc. Căn phòng tôi ở khá rộng. Sàn nhà làm bằng gạch nung, có lò sưởi củi ốp sứ xanh, có một cái ghế tựa và một bàn viết. Tôi ở đó một mình cho tới khi sư cô Chân Vị tới vào tháng Năm năm 1987.

Nhà Tùng Bút có gác xép. Trên đó đặt rất nhiều xô chậu để hứng nước mưa dột qua mái. Khi trời mưa lớn, chẳng bao giờ có đủ xô chậu ở đúng chỗ dột và nước mưa cứ vậy lọt qua mái, thỉnh thoảng lại rơi xuống giường tôi. Làng Mai thời ấy chưa có tiền để sửa lại mái nhà.

Khi tôi tới xóm Hạ lần đầu, ở đó còn một cái lò làm bánh mì bằng gạch theo lối truyền thống, nằm trong một cái nhà nhỏ bằng đá phía sau cư xá Mây Tím. Nó đã được một vị Tiếp Hiện người Hà Lan là anh Chân Niệm (Robert Naeff) sửa lại vào năm 1985, anh có kinh nghiệm làm những lò bánh mì kiểu này. Vậy là chúng tôi có thể làm bánh mì. Cách làm là bạn đốt củi trong lò và khi củi trở thành than thì bạn lấy ra bỏ vào xô. Khi làm vậy bạn phải hết sức cẩn thận vì nếu than rơi xuống đám cỏ khô ở xung quanh sẽ gây hỏa hoạn. Sau đó, bạn đặt những chiếc bánh mì chưa nướng vào lò nóng. Chúng tôi phải thử vài lần để đừng làm cháy bánh. Cuối cùng thì chúng tôi đã thành công và làm ra bánh mì ăn cũng được.

Ông Mounet (thứ 4 từ bên phải) và ông Robert Naeff (thứ 3 từ bên phải) cùng những người bạn trước lò bánh mỳ cũ

Chúng tôi có một người hàng xóm tuyệt vời là ông Mounet. Ông sống trong ngôi nhà mà bây giờ đã trở thành cư xá Anh Đào (Cherry House). Ông Mounet làm bánh táo và mang ra chợ bán. Ông xây một cái lò chạy bằng gas. Khi bánh táo làm xong thì lò vẫn còn đủ nóng để nướng bánh mì nên ông nói tôi có thể mang bánh mì tới nướng trong lò của ông, như vậy sẽ đơn giản hơn nhiều.

Với Thầy, âm nhạc và thi ca là một phần quan trọng trong sự thực tập. Khi tôi mới tới, Làng vẫn chưa có bài hát tiếng Anh nào. Thầy khuyến khích tất cả học trò viết những bài thiền ca. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng mình không đời nào có thể viết nổi một bài nhưng bằng cách nào đó Thầy đã tưới tẩm hạt giống thi ca trong chúng tôi. Bài thiền ca đầu tiên tôi viết là trước khi tôi được xuống tóc trở thành một sư cô. Những lời ca tới khi tôi đang rửa bát trong một cái bồn nhỏ và thấp ở trong bếp của cư xá Tùng Bút. Đó là bài “Breathe and you know that you are alive” (tạm dịch: Hãy thở và ý thức là bạn đang sống). Trước đó, Thầy đã từng giảng cho chúng tôi kinh Quán niệm hơi thở (Anapanasati Sutta). Khi nhìn lại bài hát này, tôi thấy Thầy hẳn đã giảng kinh theo một cách thật thi ca và đầy màu sắc. Cũng như tôi đã đọc về Đại sĩ Trúc Lâm, một thiền sư ở thế kỷ thứ 13, với câu nói: mỗi lần cầm đến lại thành mới tinh (nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân). Ý đó đã đi lên trong dòng cuối cùng của bài hát.

Năm 1990, sau lễ xuất gia của các sư chú Nguyện Hải, Pháp Đăng và Vô Ngại, Thầy dạy tôi chuyển qua xóm Thượng để chăm sóc sự thực tập tại đó vì khi ấy trong tăng thân chưa có quý thầy lớn. Thực sự, việc chăm sóc các sư chú là điều quá mới mẻ đối với tôi, mặc dù trong gia đình huyết thống tôi cũng có hai người em trai. Tôi coi nhiệm vụ của mình là làm sao để các sư chú đi ngồi thiền đầy đủ. Hồi đó, ở xóm Thượng còn có vài sư chú khác từ một tu viện bên Mỹ tới thực tập chung. Tôi nhớ có tất cả năm vị. Trong số đó, hai sư chú tuân thủ đúng như những gì tôi mong muốn, ba người còn lại thì cho rằng: thật lạ lùng khi có một sư cô bảo họ phải làm gì. Một người còn nói ở đây giống như trong quân đội, còn tôi thì như một đại tướng vậy! Một ngày nọ, quá thất vọng vì thấy các sư chú không đi ngồi thiền buổi sáng, tôi đã vào tận phòng và kéo chăn của một sư chú đang ngủ. Chắc đó là lý do mà cái danh hiệu “đại tướng” xuất hiện. Trong thời gian ấy, Thầy vừa mới giới thiệu phương pháp thực tập Làm mới, nên chúng tôi “phải” thực tập với nhau. Trong buổi làm mới đó, một sư chú nói sở dĩ sư chú không đi ngồi thiền được là vì hôm ấy sư chú bị đau dạ dày.

Khi mới tới xóm Thượng, tôi không có kinh nghiệm gì về việc xây dựng tăng thân như một gia đình tâm linh. Có lẽ vì tôi đã được đào tạo như một giáo viên ở trường học nên đối với các sư chú, tôi chỉ thấy trách nhiệm của mình là phải nhắc nhở họ thực tập. Cùng thời gian đó, tôi đang dịch cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận của Thầy sang tiếng Anh. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, tôi lại lên lầu trên của tòa nhà Thạch Lang ngồi dịch sách mà không để tâm vào chuyện tạo dựng không khí gia đình. Tôi đã phải học hỏi nhiều để trở thành một sư chị lớn. Đây là một quá trình học hỏi trong suốt cuộc đời xuất gia của tôi. May mắn là thầy Giác Thanh tới Làng vào năm 1991 và tôi có thể từ biệt các nghĩa vụ của mình ở xóm Thượng.

Trong ba mươi ba năm xuất gia tu học, tôi đã đối mặt với khá nhiều thử thách. Điều giúp tôi nhiều nhất là niềm tin sâu sắc vào giáo pháp – những lời dạy giúp ta tiếp xúc được với sự thật đích thực, và Thầy là vị đạo sư có thể trao truyền giáo pháp cho tôi. Nhiều năm tháng trôi qua, niềm tin của tôi vào lòng từ bi, vào trí tuệ của tăng thân lớn lên và nơi nương tựa này đã luôn giúp đỡ tôi trong những giờ phút đầy khó khăn.

Sư cô Chân Không, sư chị của tôi, là người luôn chỉ dẫn cho tôi với rất nhiều tình thương và sự vững chãi. Khi mới tới Làng Mai, thực tập của tôi là nuôi lớn những hạt giống hạnh phúc. Sư cô Chân Không là một người thực tập rất giỏi, một người đã đi qua và chứng kiến quá nhiều khổ đau trong cuộc đời và cũng là người dễ dàng tìm thấy hạnh phúc ngay trong những điều nhỏ bé đang có mặt trong giây phút hiện tại. Sư cô chỉ dạy cho tôi qua cách sống nhiều hơn là qua những lời khuyên. Một sự thực tập rất có ích mà Sư cô thường nhắc tôi là mỉm cười mỗi nửa giờ. Tôi phải để mắt canh giờ, vì tôi thực sự muốn mình có thể thực tập được điều đó. Trong những thời điểm tôi gặp khó khăn, Sư cô đã dạy tôi thực tập nhận diện tất cả những gì mà tôi nên biết ơn, ngay bây giờ, ngay ở đây, và thực tập nhận diện đơn thuần như thế nào để chăm sóc những tâm hành bất thiện.

Giờ đây khi Thầy không còn ở Làng Mai – Pháp, niềm tin của tôi vào tăng thân càng sâu sắc hơn. Qua năm tháng, tôi nhận thấy tăng thân rất đỗi từ bi. Khi có một người trong tăng thân gặp khó khăn, thay vì trừng phạt, trách móc thì tăng thân cố gắng ôm ấp và nâng đỡ vị đó. Tình thương của tăng thân lớn mạnh được là nhờ sự dạy bảo và hướng dẫn của Thầy. Dĩ nhiên có những lúc tăng thân phải đưa ra những nguyên tắc cứng rắn, nhưng điều đó phát xuất từ tình thương. Tôi cũng nhận ra mọi người trong tăng thân có khả năng lắng nghe nhau sâu sắc như thế nào, điều mà ba mươi năm trước đây mình chưa làm được đến như vậy.

Chúng ta chắc chắn cũng có những lên xuống nhưng chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau, làm mới, và tiến tới hiểu nhau được sâu sắc hơn. Chính những khó khăn thường giúp tôi lấy đi sự tự hào và tự tin nơi bản thân, đem lại cho tôi một niềm tin tràn đầy về sự vô ngã. Nhờ đó, tôi hiểu được thế nào là phiền não tức bồ đề.

Có những khoảnh khắc khi đang ngồi trong vòng tròn với đại chúng, đột nhiên tôi nhận ra rằng tôi không có một cái ta riêng biệt và tôi chỉ có thể biểu hiện trong mối tương quan với những người khác mà thôi. Khi tham dự một sinh hoạt của đại chúng, tôi thường tới sớm và ngắm nhìn các sư cô đang đi vào. Khi mọi người đã ngồi yên, tôi thích nhìn xung quanh và cảm nhận sự thương mến của tôi đối với từng sư cô đang ngồi đó. Tôi theo dõi hơi thở khi tôi làm như vậy. Tôi biết rằng chúng ta có những xuất thân rất khác nhau, vẻ bề ngoài và cách cư xử cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, có một cái gì đó thật sâu sắc đang kết nối chúng ta lại với nhau. Giống như cây trong rừng, rễ của cây này luôn luôn liên kết với rễ của những cây khác. Sự thật đơn giản là chúng ta sống với nhau hai mươi tư giờ mỗi ngày, và tất cả chúng ta đều lập nguyện sống cuộc đời xuất sĩ. Đó là điều đã gắn kết chúng ta theo một cách đặc biệt như vậy.

Từ khi tới Làng Mai tôi đã được chuyển hóa nhưng tôi cũng nhận ra rằng tôi còn có rất nhiều yếu kém. Không ai muốn làm điều bất thiện cả. Nhưng tôi vẫn có thể vô tình nói những lời gây đổ vỡ. Tôi cần tha thứ cho bản thân, vì tôi đã không ý thức hết điều mà tôi gây nên. Tuy nhiên, cùng lúc đó tôi phải quyết tâm thật mạnh mẽ để làm tốt hơn trong tương lai. Khi mới tới Làng, tôi thấy thật khó khăn để lắng nghe ai đó chỉ ra những lỗi lầm của mình. Tôi nghĩ bây giờ tôi đã khá hơn. Ban đầu thì tôi tin tưởng nơi Thầy hơn là tin tưởng vào tăng thân. Giờ thì tôi có nhiều niềm tin hơn nơi tăng thân và tôi có thể nhìn thấy trên thực tế Thầy là tăng thân. Bởi vì tăng thân chính là kiệt tác của Thầy.

Nỗi sợ chết trong tôi đã giảm bớt nhờ những lời dạy của Thầy về sự không sinh diệt của đám mây. Tôi nhớ khi tôi sống ở tu viện Thanh Sơn (Green Mountain Dharma Center), ở đó có rất nhiều tuyết vào mùa đông. Một trong những điều mà chúng tôi rất thích là nằm dài trên tuyết, dang rộng đôi cánh tay, và rồi khoát tay lên xuống. Sau đó mình sẽ đứng dậy và nhìn lại “tấm hình” in trên tuyết – nó thật giống hình một thiên thần. Khi tôi nằm trên tuyết, tôi thấy nước trong cơ thể tôi và nước ở bên ngoài trong hình thái tuyết không phải là hai thứ riêng biệt. Thực tập quán chiếu về sáu yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể giúp tôi thấy được rằng tôi không thể chết theo cách trở thành hư vô, không còn tồn tại. Trên thực tế, không có một cái “Tôi” nào để chết đi. Ở Làng, ít khi có tuyết nên tôi thường thấy mình trong những đám mây và thấy những đám mây trong mình.

Tính đến thời điểm này, tôi đã về lại xóm Hạ được khoảng mười hai tháng. Tôi rời xóm Hạ vào năm 1996 để đến xóm Mới và sau đó là đi tu viện Rừng Phong (Maple Forest). Vậy là tôi đã vắng mặt ở xóm Hạ suốt hai mươi bốn năm. Có những nơi không thay đổi gì nhiều, giống như con đường nhỏ dẫn xuống nơi từng là thất của tôi, rồi con đường ở đằng sau thiền đường Hội Ngàn Sao, thiền đường Nến Hồng và những cây sồi vĩ đại. Căn phòng của Thầy ở xóm Hạ, nơi Thầy có thể ngả lưng trên võng sau buổi pháp thoại và mời các con uống trà với Thầy, là nơi chúng ta có thể cảm nhận sự hiện diện của Thầy thật rõ ràng. Mỗi khi tôi thực tập thiền hành ở xóm Hạ, tôi lại cảm nhận được một cách thật rõ ràng hương vị của Làng Mai hơn ba mươi năm về trước. Tôi còn nhớ một lần ở xóm Hạ, khi còn là cư sĩ, chúng tôi chuẩn bị lên xe đi thăm Thiền đường Hoa Quỳnh (Fleurs de Cactus) ở Paris. Tôi có một ước mong sâu sắc là đi được như Thầy đi, nên tôi thực tập một mình trong lúc chờ những người khác tới. Nhưng có lẽ hồi đó sự thực tập của tôi còn nhiều hình thức hơn nội dung. Qua năm tháng, cảm giác bình an và hạnh phúc có được từ những bước thiền hành như vậy đã trở nên rất thật trong tôi. Những bước chân của Thầy ở Làng Mai là những gì khiến cho bầu không khí nơi Làng trở nên linh thiêng, và tất nhiên tất cả chúng ta đều muốn giữ gìn không khí linh thiêng này còn mãi bằng những bước chân chánh niệm của mình.

Thấy Thầy Trong Tăng Thân

Kính bạch Thầy,
Thầy còn đó tại chùa Tổ và con rất hạnh phúc.

Bạch Thầy, sáng nay khoảng bốn giờ, con nằm mơ thấy tăng thân Làng Mai khắp nơi đang tập họp tại một nhà ga để lên đường chung. Sư chị Từ Nghiêm và con chưa có vé. Con cảm là hai chị em phải mua vé gấp nếu muốn đi chung với đại chúng. Ông bán vé thật dễ thương, cho hai chị em đi chung một vé rẻ. Ban đầu con sợ con không có tiền, nhưng rồi con tìm được tiền trong một túi nhỏ. Con đếm và thấy đủ để mua vé cho hai chị em. Sau đó, hai chị em chúng con đi ra ngoài và thấy một tăng thân lớn màu nâu. Con xúc động lắm, vì tăng thân quá đẹp. Đẹp hơn cả bầy chim bay về miền Nam vào mùa thu.

Thức dậy, con thấy đời sống là một giấc mơ. Và được gặp tăng thân cũng là giấc mơ, nhưng là giấc mơ đẹp nhất.

Con nhớ ngày xưa khi con đi theo Thầy về Hàn Quốc hay Trung Quốc, có khi Thầy trò có cơ hội thăm các bản kinh nơi các chùa cổ và hai lần Thầy đã chỉ cho con một bài kệ trong kinh Kim Cương được khắc trên bản gỗ:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai

(Tìm ta qua hình sắc
Cầu ta qua âm thanh
Là kẻ hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai)

Bạch Thầy, trước khi Thầy thị hiện bệnh và sau khi Thầy thị hiện bệnh, con đã không thực sự thấy Thầy, nhưng khi con thấy tăng thân đẹp như vậy thì con đã bắt đầu thấy Thầy.

Có khi với tư cách một sư chị, con cũng làm vai trò một vị thầy. Nếu con không có khả năng thấy các sư em một cách vô tướng, con cũng không thấy Thầy.

Con xin kính lạy Thầy để tỏ lòng biết ơn vô hạn của con.
Con của Thầy,
Chân Đức