Chương trình Hiểu và Thương

 

Những hạt mầm đầu tiên

Hạt giống tích cực bắt đầu từ tánh thương, lo cho người bần cùng của bên nội: ông Cao tổ Cao Thắng, ông Tằng tổ Cao Thâm, ông cố Cao Văn hay ông nội Cao Thái Ri. Họ không chịu làm giàu tiền của mà chỉ cần giàu phước đức, thương nước, thương dân. Hạt giống tích cực trong tôi cũng bắt đầu từ ông ngoại. Đến mùa lạnh, ông ngoại phát chiếu cho những người nằm co ro giữa chợ Bến Tre. Cậu Bảy thì lấy tiền của ông ngoại phát cơm cho tù nhân mỗi ba tháng một lần.

Hạt giống cũng bắt đầu từ những tánh yếu của gia đình để trồng nên cây hiểu và thương. Tánh yếu là hằng tuần, cứ vài ba tối cả gia đình tôi lái ba chiếc ô tô đưa nhau đi vào thành phố để ăn cơm chiều chung do ba tôi đãi. Có những trẻ nhỏ đứng xớ rớ xin đánh giày để kiếm vài ba đồng tiền lẻ về cho gia đình. Cô bé 14 tuổi họ Cao mới năm thứ hai trung học mà đã thấy như có cái gì bất công. Trong khi mình ăn thỏa thuê thì các em bé kia chỉ cầu mong được đánh giày cho mình để có tiền đem về cho mẹ. Rồi bé Chín lấy cớ bận học để không đi ăn uống. Xin ở nhà, bé đi dạy kèm trẻ chiều hay tối cho các con nhà giàu để có tiền công… Bé Chín đã bắt đầu có chương trình riêng, không cho ai biết.

Niềm vui đầu tiên: bé Chín để dành mỗi tháng tiền túi ba cho được 50 đồng, đi một mình tới đường Nguyễn Tri Phương mời các em đánh giày vào bàn ăn một đĩa mì xào. Cho mỗi em tự chọn, chị Chín trả tiền. Ôi thiên đàng tuổi thơ của các bé đánh giày!

Cô Chín đề nghị xin đến thăm nhà các em ở xóm Mả Lạng nghèo nhất Sài Gòn. Mỗi gia đình một mẹ, hai hay ba con sống trên một cái mả của người Pháp bỏ hoang. Cô Chín đi làm giấy khai sinh cho các em và đề nghị các gia đình cho con nhỏ đến trường. Rồi cô Chín đi gom gạo từ những gia đình quen, những nhà hàng xóm khá giả. Mỗi nhà chỉ cần xin một nắm gạo. Khi chị bếp đong hai lon gạo, cô Chín xin lại một nắm gạo trong số hai lon để cho người thiếu ăn. Cô Chín giống như một con chim đói đi mổ những hạt gạo rơi rớt. Tuy mỗi bữa cơm là một nhúm gạo nhỏ nhưng mỗi ngày hai lần gom lại thì mỗi tuần mỗi nhà cũng được một chén gạo để mỗi tháng có 15 ký gạo giúp cho mỗi bé được bỏ nghề xin ăn hay đánh giày để được đi học. Còn ai bệnh thì cô Chín đưa đi khám.

 

 

Mẹ các em không có vốn làm ăn. Cô Chín dùng tiền túi của mình và tiền xin được từ người thân (mỗi người một đồng bạc mỗi tháng) đi chợ đầu mối mua gánh gióng, đũa, chén, nồi, dĩa, tô, đũa, muỗng,… cho các mẹ bán cháo đậu nước dừa, hay bánh bèo, bánh canh, bánh cuốn chả lụa, cà rem cây, xôi lá dứa… Nhờ xin ít nên ai cũng ham làm phước, ham cho, nên cô Chín được nhiều. Mỗi tháng cô Chín cũng xin được vài chục gia đình, rủng rẻng cả trăm đồng giúp các gia đình khó khăn làm vốn. Mỗi gia đình như vậy có thể tự bán buôn nho nhỏ, tự túc lo kinh tế cho gia đình. Để cho các mẹ yên tâm bán buôn, cô Chín còn đề nghị cách “giữ con vần công”. Bà A giữ trẻ cho các bà B,C,D… đi buôn bán và hôm sau đến lượt bà B, rồi bà C…

Ngày gặp Thầy

Tôi thích giúp người nghèo, thích đi đến các xóm nghèo giúp trẻ em đừng ăn cắp, móc túi. Thầy Thanh Từ dạy tôi rằng làm chuyện từ thiện như thế sẽ có phước đức về tài chánh, kiếp sau được sinh làm con gái nhà giàu, hay công chúa. Ni sư Vĩnh Bửu nói phụ nữ cần tái sinh thành người nam mới thành Phật được. Tôi nghi là Phật không tuyên bố như thế.

Bài giảng đầu tiên tôi nghe từ thầy Nhất Hạnh vào ngày 15 tháng 11 năm 1961. Bài giảng xoáy tận tâm can tôi. Đúng là thứ đạo Bụt tôi chờ đợi. Ước muốn đi tu và làm nhiều thứ giúp dân nghèo sống dậy mãnh liệt trong tôi. Tôi xin Thầy đỡ đầu chúng tôi nếu tôi lập ni viện mới, theo lối không cần phải chờ kiếp sau sinh ra làm đàn ông mới giúp người nghèo khổ, không cần kiếp sau sinh ra trong các gia đình giàu sang mới thành Phật để giúp vô số người. Thầy nói nếu tôi hứa giúp các chị em làm ni viện tu kiểu đó thì Thầy hứa sẽ làm Thầy xuất gia cho chúng tôi.

Thầy đi Hoa Kỳ năm 1961, tôi vẫn tiếp tục chương trình giúp người nghèo với gần 70 người tham dự, như các em Cao Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Trà Mi, Công tằng Tôn Nữ Phùng Thăng, Nguyễn Thị Đoan Trang, Phạm Văn Minh,…

Tháng 4 năm 1963, tranh đấu nhân quyền và tự do tôn giáo, tăng ni khoác y vàng, biểu tình, phát tài liệu. Tôi vẫn phải đi giảng tại các phòng thí nghiệm, làm nghiên cứu luận án Rong nước ngọt với giáo sư Phạm Hoàng Hộ và tiếp tục chăm sóc cho các gia đình nghèo trong xóm Mả Lạng, tôi đâu thể bỏ được. Tháng sáu, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ngày 22 tháng 8, nhiều tăng ni bị bỏ tù. Tôi đòi xé luận án Rong nước ngọt để đi tự thiêu. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hứa làm nhanh giấy tờ cho tôi đi Pháp trình luận án Đệ tam cấp, không nên tự thiêu. Tôi thì đồng ý đi Pháp với ý định: sang bên ấy, mặc áo dài truyền thống Việt Nam rồi sẽ cạo đầu, dâng bộ tóc dài cho ông Ngô Đình Diệm, xin ông thả tăng ni, tôn trọng tự do tôn giáo. Tháng mười năm 1963, tôi đi Pháp, chuẩn bị họp báo ngày 3 tháng 11, cạo mái tóc tặng ông Ngô. Nhưng mới ngày 1 tháng 11, hai anh em ông bị ám sát và chính quyền sụp đổ. Tôi ở Pháp bảy tháng, được trình luận án tiến sĩ đệ tam cấp tại Đại học Jussieu Paris ngày 12 tháng 6 năm 1964.

Trình xong luận án, ngày 13 tháng 6 tôi về Việt Nam làm làng giúp dân nghèo ở làng Cầu Kinh, Thảo Điền. Tháng 11 năm 1964, trận lụt kinh hoàng Giáp Thìn, tôi đi cứu trợ sông Thu Bồn với Thầy và sinh viên Đại học Vạn Hạnh. Lúc đó, tôi là Phó trưởng Ban cứu trợ. Mới hai tháng sau khi đi Huế dạy sinh vật học thay ông Phạm Hoàng Hộ, tôi lấy cớ đi dạy cho Viện đại học Huế để có thể có sự vụ lệnh của Bộ giáo dục mời đi Huế bằng máy bay không tốn tiền, ra Huế dạy 10 ngày. Mười ngày đó tôi đi cứu trợ những vùng hiểm nạn rồi mới về Sài Gòn. Các sinh viên cùng đi với tôi có em đang học Văn khoa, có em Phan Đạm Hiệp, đang học luật và sư chú Nhất Trí, một người chẳng biết sợ là gì. Chuyến đầu có Thầy cùng đi làm người hướng dẫn và nhiều vị xuất sĩ địa phương như Thượng tọa Như Vạn, Như Huệ hỗ trợ. Các chuyến sau, chú Nhất Trí nói: nơi nào đói nhất thì ta cứ treo cờ Phật giáo lên mà đi giữa hai bên kình chống nhau bằng súng đạn. Tôi niệm Bồ tát Quan Thế Âm, không biết sợ, xin ngài cho chúng con mượn hai cánh tay của ngài để chở gạo, muối, thuốc men cho đồng bào. Các em ơi, đi nguy hiểm như vầy thì mình không thể nào tránh đạn được, có Bồ tát cho mượn hai cánh tay thì đạn phải tránh mình thôi.

 

 

Năm 1966, tôi đi tu, không phải với hình tướng cạo đầu. Cao Ngọc Phượng thọ Mười bốn giới Tiếp hiện xuất sĩ nhưng vẫn mặc áo dài trắng. Cùng với Phan Thị Mai (Nhất Chi Mai), chị Phạm Thúy Uyên, làm một trong mười người của ban lãnh đạo trường đào tạo cán bộ Thanh niên Phụng sự xã hội từ năm 1966. Làm phụ tá cho Thầy nên chuyện làm xã hội của chúng tôi được Thầy viết trong nhiều cuốn sách cổ xúy như Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật hiện đại hóa và nhiều bài thơ chống chiến tranh. Làm việc giúp đời mà có thơ nhạc, có sách tu học nên phong trào đem nhiều hứng khởi cho tuổi trẻ. Song song với phong trào Đạo Phật đi vào cuộc đời, Thầy khuyến khích nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc từ đoản văn Bông hồng cài áo và nghệ sĩ Thanh Nga thực hiện luôn vở cải lương Bông hồng cài áo. Đài phát thanh Sài Gòn hay đọc những truyện ngắn của Thầy như Cửa tùng đôi cánh gài và rằm tháng Bảy năm nào cũng đọc Bông hồng cài áo. Những hoạt động xã hội của chúng tôi còn được khuyến khích bởi nhạc sĩ Phạm Duy khi ông viết 10 bài Tâm ca, trong đó có câu “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?” Trường TNPSXH làm việc theo tinh thần tu học, chia sẻ, xây dựng và phát triển với niềm vui; như các vị Bồ tát chứ không như các La hán khổ hạnh lưu truyền trong nhân gian.

Những lời khuyến khích của Thầy

Tôi đọc được trong hồi ký của Thầy về cảm nghĩ của Thầy sau khi đọc mấy trang thư tôi viết cho Thầy lần đầu tiên năm 1960: “Đọc năm trang thư của cô Chín tôi thấy lòng tràn đầy biết ơn. Tôi biết ơn những người trẻ này đã biết đem đạo Bụt đi vào thực tế giúp đời.” Thầy đã hứa với tôi là sẽ lập một hệ thống Phụng sự Xã hội có bài bản hơn là xóm nghèo Mả Lạng. Thầy lỡ nhận học bổng đi Hoa Kỳ nghiên cứu và tìm những đặc thù của các tôn giáo thế giới, Thầy đi một năm thôi, năm 1961-1962. Sau đó vì nhận được tin 8 em Gia đình Phật tử Huế bị xe tăng của anh em ông Ngô Đình Diệm cán chết trước đài phát thanh, Thầy đã ở lại Hoa Kỳ thêm một thời gian để phụ quý thầy trong Ủy ban Liên phái Phật giáo chống kỳ thị tôn giáo rồi sẽ về giúp chúng tôi.

Ngày 21 tháng 1 năm 1964, Thầy về nước và cùng các bạn trẻ từng làm việc ở xóm Mả Lạng với tôi ngày xưa bắt đầu lập làng tình thương Hoa Tiêu để làm thử chương trình. Từ tháng 1 năm 1964 cho đến ngày 15 tháng 9 năm 1965 là thành lập phong trào TNPSXH, kéo dài đến năm 1975 đã có hơn 9000 tình nguyện viên.

Từ trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tới chương trình Hiểu và Thương

Bắt đầu có 70 sinh viên Phật tử cùng góp tay trong chương trình phụng sự lý tưởng này. Chúng tôi – nhóm sinh viên Phật tử theo thầy Nhất Hạnh – thương nhau như anh em ruột. Huỳnh Bá Huệ Dương là anh Cả, chị Phượng là chị Hai, chị Ba là Thu Thảo sau này là vợ anh Huệ Dương, cô Tư là chị Cao Ngọc Thanh, cô năm là Phạm Thúy Uyên, Trương Thị Nhiên là chị Sáu. Tụi này làm việc rất lặng lẽ. Có lần Thu Thảo bị bắt, chị đã lãnh hết trách nhiệm là do mình thiết kế quay roneo những tài liệu về cuộc tranh đấu, dân tra khảo tù của ông Ngô Đình Diệm đã tra đánh chị rất dã man. Chị Ba là người có tấm lòng chung thủy và đức hy sinh.

Trường TNPSXH bị khủng bố nhưng vẫn giữ vững lập trường kẻ thù ta không phải là người. Từ từ số người ủng hộ chương trình càng đông. Tác viên và trợ tác viên tăng dần. Tới cuối chiến tranh đã có gần chín, mười ngàn thành viên. Trong đó có tiểu thương Phật tử, Gia đình Phật tử, các khuôn hội Phật học địa phương. Những vị thường xuyên giúp đỡ kẻ bần hàn mà mình luôn gửi tiền đều đặn: quý Sư bà Cát Tường, Trí Hải, quý Ni sư Như Minh, Minh Tánh, Minh Tú, thầy Hải Ấn, Lê Văn Đính, hay Phan Thị Thuần giúp đem gạo, xì dầu cho nhiều gia đình kinh tế mới. Bên nước Pháp, đệ tử Thầy là Pierre Marchand giúp các nước nghèo như Băng-la-đét, Thái Lan. Thầy Nhất Hạnh dạy chuyện cứu trợ cũng là chuyện tu, đem giới luật, chánh niệm vào trong từng hành động.

Chương trình Hiểu và Thương đã bắt đầu với anh Nghiệm (Chân Giác Hạnh), chị Xuân (Chân Tuệ Từ), cô Chín (Chân Không), chú Phước (thầy Pháp Lộ), chị Diệu Phước Tâm, chị Phụng,…

Năm 1998, tôi liên lạc được với anh Phạm Viết Nghiệm – người được thầy Thanh Văn giao làm Ban quản trị cho trường TNPSXH nhiều năm trước 1975 và chị Nguyễn Thị Xuân – người rất thích tu tập theo pháp môn của Thầy hướng dẫn, vợ anh Nghiệm để đề nghị họ giúp làm chương trình Hiểu và Thương. Hai anh chị rất nghiêm túc và đạo đức, cố ý cho vào chương trình những người bạn cũ của nhóm TNPSXH.

Bắt đầu làm với các bạn cũ, tôi đã thuật những tánh xuất sắc, tài ba của từng người và những tánh còn chưa hay của họ để anh Nghiệm biết mà tùy người giao việc. Không giao tài chánh cho những người dù nhiều sáng kiến phụng sự nhưng xài tiền không phân minh. Tôi cũng đề nghị anh Nghiệm tổ chức để anh em từng tỉnh, từng vùng tự bầu nhau, ai có phẩm chất đạo đức được toàn thể công nhận thì lên làm trưởng nhóm. Anh Nghiệm nhận lại hết những người bạn cũ vào làm trong chương trình Hiểu và Thương và nhờ theo dõi các chương trình xây cầu, nhà tình thương, nhà giữ trẻ, và tùy điểm mạnh của từng người mà giao việc.

Chúng tôi bắt đầu thuyết phục các nhà nghèo đi hái trà, cà phê mỗi ngày được 10 ngàn. Các cô có con nhỏ, thay vì gùi con trên lưng đi hái trà thì mình khuyên ở nhà coi con của cô và con của những người khác nữa để họ có thể đi làm. Như vậy, mình trả lương cho hai cô. Mỗi cô 200 ngàn mỗi tháng. Một cô dạy hát, dạy học, còn một cô giúp phần nấu ăn trưa, tắm rửa cho các bé. Tác viên mướn thợ xây cái nền nhà cô bảo mẫu bằng phẳng, tráng xi măng cái sân, làm rào để bé không té hay không chạy ra ngoài. Vậy là mình có một lớp học dã chiến.

Mỗi sáu tháng mình ghi tên cho các cô bảo mẫu tham dự lớp tu nghiệp chăm trẻ mẫu giáo. Sau này, các cô có thể có bằng để được tuyển vào làm nhân viên nhà nước, có lương của Bộ giáo dục. Các cô có thể được nhà nước cho vô ngạch, trả lương và mình chỉ cần trả phụ phí. Nhưng nhiều cô giáo ưa đi tu với Thầy hơn là làm cô giáo.

Mình cũng lo bữa cơm trưa cho các cháu. Cha mẹ chỉ có thể cho con đi học một củ khoai hay thỉnh thoảng cho lớp một trái bầu, trái bí,… Nên mình phải tổ chức nuôi ăn cho trẻ. Mỗi tuần, anh Nghiệm và các anh chị trong chương trình Hiểu và Thương đi thăm các lớp mẫu giáo, đem phụ phí lương cho các cô bảo mẫu và xem cần phải trả tiền các bữa ăn là bao nhiêu. Rồi giao số tiền mặt cần chi hàng tuần đó cho một Ban điều hành. Ban điều hành, gồm có ông tổ trưởng hay thôn trưởng, một anh chị gia đình theo đạo Phật mà mình tin tưởng có đạo đức, một đại diện của cha mẹ các cháu để chắc chắn là không ăn bớt tiền cơm của các cháu.

Chương trình Hiểu và Thương cũng tổ chức đi cứu trợ lũ lụt miền Trung nhưng mình không chủ trương căng băng rôn. Thầy nói rõ: giúp người khổ là giúp họ bớt khổ, không có nhãn hiệu. Hiểu và Thương là nhiều nhất rồi.

Năm 1997: chương trình có 12 nhà trẻ, 26 cô bảo mẫu, 780 trẻ, trao 160 học bổng cho học sinh cấp một, 78 bô lão khuyết tật, cô đơn.

Năm 1998 – 2004: Tại tỉnh Bảo Lộc, nhóm Sài Gòn cũng chăm sóc cho 30 nhà trẻ, 70 cô bảo mẫu, 1100 trẻ, học bổng cho 160 học sinh, 40 bô lão cô đơn, khuyết tật.

Tỉnh Đồng Nai: 10 nhà trẻ, 3 cô bảo mẫu, 260 trẻ, học bổng cho 180 học sinh, sinh viên; 350 người già khuyết tật.

Những năm qua, chương trình đã xây 430 cây cầu (chừng 8 đến 15 chiếc cầu mỗi năm), trong đó có một cây cầu lớn nhất là Cầu Suối dài 18m, cao 17m, rộng 3.5m.

Chương trình giúp đào 530 giếng ở những vùng rất khô. Giúp cho 1600 gia đình. Ở Pháp, tôi xin mỗi gia đình về Làng tu học từ 350 đến 450 euro để đào một cái giếng thật sâu.

Hôm đó anh Chân Giác Lưu được anh Chân Giác Hạnh chở xe gắn máy đi thăm vườn dưa của nông dân, có hai gia đình chạy tới ôm anh Chân Giác Lưu: “Cám ơn quý vị quá, ba đời chúng tôi ở trên đất này đều nghèo, có khi không có gạo ăn vì năm đó trời khô hạn hán vắng mưa quá. Ông cố tôi thiếu điều đi di cư nơi khác. Đến đời ba tôi, anh em tôi sống sót nhưng nói chi đến trường học? Đời tôi bỗng nhiên đổi thay từ cái ngày mà quý vị cho chúng tôi cái giếng sâu có nước tràn trề ba bốn mùa. Trồng xà lách mùa xuân, dưa gang, đậu que, đậu Hà Lan bán mùa hè, mùa thu trồng cải bẹ to làm dưa, trồng dưa hấu ăn Tết bán Tết. Làm sao chúng tôi đào nổi? Tôi có tiền cho các con học tiểu học, trung học, đi Sài Gòn học đại học. Ơn nghĩa biết chừng nào tôi đáp được!”

 

 

 

Chương Trình Máu Chảy Ruột Mềm

Những năm đầu sau 1975, ở Việt nam có trại tập trung cải tạo hơn 300.000 tù nhân sĩ quan và cán bộ của chế độ thân Hoa Kỳ. Hàng trăm hàng ngàn người Việt bỏ nước trốn đi bằng thuyền. Tháng 12 năm 1976, Thầy được World Conference on Religions and Peace (viết tắt WCRP)- Hội nghị thế giới về Tôn giáo và Hòa bình – mời họp tại Singapore vì Thầy là Phó chủ tịch. Ngày đầu tiên của đại hội, đài Agence France Presse (AFP – Thông tấn xã Pháp) chỉ nhận được một bài thơ ngắn nhờ AFP gửi cho nhân loại toàn cầu nói về thuyền nhân chết trên biển. AFP tưởng tác giả là Giáo sư Isaka và đã phổ biến bài thơ như tiếng nói của đại hội này.

Lời Nguyện Cầu Tìm Đất Sống

Lênh đênh ngoài sóng gió
Thuyền nhỏ giữa đại đương
Quyết tâm tìm đất sống
Đói lạnh bao ngày đường
Chúng tôi là bọt biển
Trôi dạt giữa mênh mông
Chúng tôi là hạt bụi
Trong không gian vô cùng
Tiếng chúng tôi lạc mất,
Trong gió rít từng không
Trên thuyền không nước uống
Trên thuyền hết thức ăn
Con chúng tôi kiệt sức
Khóc rã và lịm dần
Chúng tôi khao khát đất
Nhưng chẳng được tới gần
Mặc sức mà kêu cứu
Tàu bè vẫn dửng dưng
Bao nhiêu thuyền đã lật
Vì sóng gió bất thần
Bao nhiêu là mạng sống
Đã chìm lòng đại dương
Chúa Kitô có nghe
Lời nguyện cầu rướm máu?
Phật Quan Âm có nghe
Lời kêu cứu không ngừng
Loài người ơi có nghe
Tiếng gọi từ hố thẳm
Đất liền ơi có biết
Tâm sự này hay không
Xin loài người có mặt
Xin đất liền giang tay
Cho chúng tôi tìm thấy
Hy vọng trên đất này.

 

 

Thầy được tin là hễ thuyền nhân nào cập bến Singapore, Thái Lan hay Mã Lai đều bị đẩy ra biển không thương xót. Vì các nước này không giàu có gì nên không thể nuôi nổi tất cả hàng trăm ngàn người vượt biên mong được tị nạn. Hễ tàu đánh cá nào vớt thuyền nhân cũng sẽ bị phạt, bị phạt xong vẫn phải đẩy những thuyền nhân ra biển lại và trôi dạt đi đâu tùy họ. Quá thương xót trước tình trạng đó, Thầy nói: tôi mong WCRP mướn chiếc tàu lớn vớt vài trăm thuyền nhân…

Thầy được cả 482 đại diện của WCRP đề cử làm Giám đốc cho chương trình này. Thầy đặt tên cho chương trình là Máu chảy ruột mềm. Thầy xin WCRP mời tôi từ Pháp qua để cùng làm việc vì tôi giỏi xử lý những trường hợp cứu trợ cấp bách. Hội đồng WCRP mời tôi qua Singapore làm Phó chủ tịch trong Dự án giải cứu thuyền nhân (Project Rescue Boat People), WCRP mời ông Willie Tay người Singapore làm thủ quỹ.

Chỉ trong vòng hai tuần, tôi đã lạc quyên được 223.000 đô Hoa Kỳ và các hội đoàn còn hứa sẽ gửi tiếp. Thầy cho mướn ba chiếc tàu dầu nhỏ để vớt tạm vài trăm người trước rồi từ từ chờ mua tàu lớn. Chương trình đang tiến triển thì Thầy bị lệnh trục xuất ra khỏi Singapore với lý do Thầy không có giấy thông hành hợp lệ. Cảnh sát Singapore xem hộ chiếu của từng người và chỉ lấy giấy tờ của Thầy vì giấy tờ “Không tổ quốc” của Thầy. Họ ra lệnh ngày mai hay trễ lắm ngày kia, Thầy phải ra phi trường lên phi cơ về luôn nước Pháp là nơi Thầy tị nạn.

Khi đoàn cảnh sát Singapore rời văn phòng của phái đoàn. Thầy ngồi thiền, chúng tôi đều ngồi theo. Ngồi một giờ Thầy đứng dậy thiền hành, rồi lại ngồi 45 phút, rồi lại đi 45 phút, từ 2 giờ khuya đến 6 giờ sáng. Thầy tìm ra giải pháp, dạy mọi người bình tĩnh ở nhà. Thầy và tôi đi gặp Đại sứ Pháp tại Singapore: Đại sứ Jacques Gasseau. Sau khi thầy trò giải thích xong mọi sự, đại sứ Pháp hiền hậu, hiểu và rất cảm thông. Ông tự tay ngồi đánh máy một văn thư ngắn gọn cho Bộ nội vụ chính quyền Singapore, nói rằng nước Pháp rất quý trọng ông thầy tu này, quý vị đuổi ông này giống như đuổi cán bộ quan trọng của nước Pháp trên vai trò cứu giúp thuyền nhân. Nếu quý vị nói chương trình bị Singapore cấm thì chúng tôi đi nước khác nhưng phải cho ông thầy tu này ba tuần để thu xếp mọi sự.

Hôm sau Thầy ra sở di trú. Nội các chính phủ Singapore phải hội họp về bức thư Đại sứ Pháp gửi và cuối cùng chính phủ Singapore nhượng bộ cho Thầy ở thêm hai tuần để thu xếp. Sau đó, tôi cũng bị tịch thu hộ chiếu và yêu cầu bay về lại Pháp vì đã hết nhiệm vụ ở đây.

503 thuyền nhân ở Singapore lênh đênh trên hai chiếc tàu dầu Leapdal chẳng được cập bến. Cứ lâu lâu lại có phái đoàn nhân đạo chấp nhận vào nước của họ năm bảy người. Chương trình bị hỏng, tôi rất đau buồn. Tôi bay đi Úc, họp báo và xuất hiện trên nhiều nhật báo lớn kêu gọi chính phủ Đức mở cửa đón thuyền nhân. Úc và New Zealand sau đó đón khá nhiều thuyền nhân. Khi về tới Paris, tôi sống như một người mộng du, tự hỏi: “Tại sao cũng là con người với nhau nhưng tôi được đi thong dong trong thành phố Paris như bây giờ mà những thuyền nhân lại khổ sở như thế kia? Thua nhau chỉ một tờ giấy nhỏ nói anh chị là người Pháp, thế là anh chị tự do. Không có miếng giấy nhỏ đó thì sinh mạng bọt bèo”. Những lúc tuyệt vọng, tôi muốn nhắm mắt ngủ luôn. Nhưng may mắn là còn Thầy. Thầy luôn động viên cho các đệ tử lên tinh thần. Thầy nói, nhiều đêm Thầy cứ chiêm bao đang ngủ trong nhà thờ họ Nguyễn Đình của Thầy. Sáng dậy, Thầy tự nhiên thấy nhẹ hơn nhiều lắm. Thầy thấy mình chỉ là một khoen nhỏ của dòng họ tổ tiên hai ngàn năm rồi. Mình làm việc với tâm từ bi tối đa của mình, nhưng dòng sinh mệnh của tổ tiên mình dài và nặng lắm. Mình chỉ có thể cố gắng làm cho hay hơn.

 

 

Quỹ Từ Thị (Maitreya Fonds)

Quỹ Từ Thị được thành lập cùng với anh Karl Schmied và chị Thục Quyên.

Khi mới gặp, anh Karl bảo chưa bao giờ anh được nghe ai giảng dạy đạo Bụt quá sâu sắc, đúng giáo lý mà dễ thương như thế. Anh rất giỏi về giáo lý của đạo Bụt, thuộc làu kinh Duy Ma Cật, kinh Kim Cương, nhưng nghe các bài giảng trong khóa tu tiếng Đức vẫn chưa đủ. Khi nghe chỗ nào có Thầy giảng dù là tiếng Việt, anh cũng muốn có mặt ngồi kế bên để nghe. Các anh, chị Phật tử người Việt ở Koln, Bonn, Hannover, Munchen cùng thành phố anh ở cũng chịu khó ngồi thông dịch ra tiếng Đức cho anh. Karl Schmied rất mê từng câu giảng của Thầy. Đi khóa tu chưa đủ, anh theo dự ngày quán niệm cho đồng bào người Việt, dù chỉ có mình tôi dịch ra tiếng Anh sơ sơ cho anh nghe. Khi anh chào tôi để lái xe từ Đức sang Ý gặp khách hàng, tôi nói: “Thôi ‘thả bò’ đi anh. Không mấy thuở Thầy sang Đức, anh tiếc làm chi mấy cái dự án cần thương thuyết. Sau khi đi khóa tu tâm anh sẽ vui khỏe, bình an hơn, biết đâu anh lại có nhiều hợp đồng hấp dẫn hơn”. Anh lắc đầu nguầy nguậy: “Không được đâu chị ạ. Karl có những dự án cần ký tên gấp, không ký tên là mất khách nhiều lắm đó chị!”

Sáng hôm sau tại khóa tu Munchen, vừa vào phòng ngồi thiền tôi đã thấy anh ngồi thư thái ở đó… Sau thời ngồi thiền anh cười thật tươi và đến gặp tôi. “Khó tin quá sư cô ơi, Karl nhất định đi Ý nhưng nụ cười tươi mát của Thầy và những lời giảng đầy tuệ giác cứ theo em hoài, đánh động em suốt dọc đường. Cuối cùng em quyết định quay ngược xe 180 độ, về khóa tu chắc là món lợi lớn nhất cho con đường tâm linh của em. Em hết do dự, thẳng thắn thả mấy con bò của em bên Ý, quẹo xe về dự khóa tu.”

Nghe thế chị Thục Quyên bèn vẽ cái hình bát cơm cho trẻ em đói trao cho anh và đề nghị: “Thành lập quỹ Từ Thị đi! Anh nhớ xin luôn giấy phép được miễn thuế nếu ai đóng góp cho quỹ này. Đó là việc làm kế tiếp của anh nhé!”

Chân Không nhớ hễ mỗi lần Thầy giảng xong, trong thính đường hai hay ba ngàn người, Karl Schmied đại diện ban tổ chức nói về những khóa tu kế tiếp hay những buổi thuyết pháp công cộng tại những hội trường lớn. Nói xong anh giới thiệu ngay về quỹ Từ Thị: “Đây không phải là hội từ thiện giúp trẻ em đói như ở Đức. Chương trình Hiểu và Thương của sư cô Chân Không lập ra không chỉ để làm từ thiện xin tiền. Các tác viên xã hội này đến để huấn luyện các cô giáo dạy thiếu nhi Năm Điều Em Nhớ. Bạn cứ thoải mái cho mười đồng, năm chục đồng Đức mã. Hội này được phép để bạn khai đã làm từ thiện bao nhiêu tiền và tiền đóng từ thiện này sẽ giúp bạn được trừ thuế. Vì hội này được hưởng quyền đặc biệt đó. Riêng tôi, mỗi năm tặng cho quỹ Từ Thị một vé máy bay đi ba ngày ở Bình Dương, Đồng Nai, Phan Thiết, Thừa Thiên, Quảng Trị và một vé máy bay du lịch Việt Nam năm ngày. Ở đây tôi đi thăm từng chương trình, xem tỉnh này các cô bảo mẫu, các cô giáo có dạy thiền ca để con nít cũng được tập cách vừa hát vừa tu vừa chơi hay không? Các bài hát như: ‘Ai nói gì thì mình cứ nghe… Nghe sâu hiểu thấu thương nhiều. Buồn chi mà ba bốn bữa, cho tâm tư héo sầu. Ta buồn ta thở thật sâu, nỗi buồn tan biến thật mau. Tang tình tang tính tình tang’. Các cháu được dạy khi người lớn trong gia đình có cãi cọ nhau thì cháu chỉ cần hát “Ta buồn ta thở thật sâu, nỗi buồn tan biến thật mau. Tang tình tang tính tình tang”.

Chương trình phát mỗi năm một bộ áo đều có in những câu như: “Chiều nay khi đi học về em sẽ đến bên mẹ, ôm mẹ và hỏi: Mẹ ơi, mẹ có biết là con yêu mẹ lắm không?” Anh chỉ đi Việt Nam để kiểm soát từng ấy việc, xem các lớp học không những dạy chữ mà còn dạy những điều như thế, để kết luận là quỹ Từ Thị là quỹ xã hội duy nhất dạy phần tâm linh cho các cháu chứ không phải chỉ cho tiền ăn buổi trưa!

Trong những năm tháng thành lập, chăm lo và phát triển chương trình Hiểu và Thương, tôi chưa bao giờ cảm thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc. Những hạt giống đã gieo từ năm 14 tuổi vẫn còn đang lớn mạnh. Ý muốn được sẻ chia, được giúp người nghèo khổ vơi bớt những nhọc nhằn luôn là nền tảng cho những chương trình, những sáng kiến đưa ra đôi khi tôi làm không kịp. Mỗi chương trình có mỗi đặc tính riêng, không chương trình nào giống chương trình nào. Ngày nay có nhiều vấn nạn mới xuất hiện và tôi luôn cầu nguyện cho một số Bồ tát trẻ xuất hiện. Mỗi vị Bồ tát trẻ đó sẽ có những sáng kiến của họ, ông bà tổ tiên mỗi nơi sẽ có cách yểm trợ cho hành động của riêng họ. Rồi Phật tánh trong họ sẽ dẫn đường cho từng nhóm. Vấn đề là chỉ cần họ giữ Năm hướng đi chánh niệm (Năm giới), Mười bốn giới Tiếp hiện trong tâm và thực tập theo tinh thần Lục hòa mà đức Thế Tôn đã dạy thì đi tới đâu họ cũng sẽ làm hay nhất theo những cách mới của họ, thích ứng được với trào lưu của xã hội mới.

 

( Sư cô Chân Không )